2. Nguyệt tà bán các, hà xứ hàn hương[1]
(Trăng xế nửa lầu, hương lạnh nơi nào tới)
Đêm ấy y gặp ác mộng.
Tiếng chân rầm rập, giáo gươm khua, âm thanh hỗn độn vang vọng giữa những vách đá. Gió hun hút thổi trong hang sâu nồng nặc mùi phân dơi lẫn với mùi máu và xác chết. Cảm giác đau đớn đến tái tê từng mạch máu. Thân thể kiệt quệ đến mức dường không thể thở. Cơn sốt nóng hầm hập lăng trì từng mảnh thịt da. Nỗi đau không thể chịu đựng nổi khiến tâm trí y như đã thoát khỏi cơ thể, lơ lửng trôi nổi trong bóng tối đen đặc.
Trong bóng tối, y nghe những tiếng thở nén lại phập phồng xung quanh, đôi lần bật lên như nấc. Tiếng dơi kêu tao tác trộn cùng thanh âm của rừng khuya dội lên tiếng chân người, tiếng la hét, thanh la đánh ầm ĩ xa xa gần gần. Cơn mê đau đớn khiến y ngửa cổ thở khan khồng khộc, một bàn tay to lớn nham nhám liền bịt chặt miệng y lại, gần như bóp siết lấy mũi miệng khiến y không thể thở. Thân thể yếu ớt không thể tránh, cũng không thể quẫy động, y ngoi ngóp lịm dần đi trong nỗi bải hoải thống khổ chẳng gì tả được.
Không biết đã qua bao lâu, y lại dần tỉnh dậy. Cơn sốt vẫn hoành hành, đau đớn vẫn như dần từng tấc da, nhưng y lại thấy ánh sáng lập lòe trước mắt. Mắt y nóng bỏng, kèm nhèm, rát cháy đến mức không thể nhìn rõ được gì ngoài ánh lửa đang đốt lên trong bóng tối. Có người cử động quanh y, cả tiếng nói khe khẽ. Một bàn tay khô sần nhưng ấm áp đặt trên trán y, rồi y thấy mình được nhấc bổng lên, đưa tới gần đám lửa. Người ấy cho y uống nước, đặt một mảnh vải ướt lên trán. Nước chảy xuống mắt rửa trôi bớt ghèn đọng ở bờ mi, chớp mắt vài lần, y nhìn thấy được thứ gần nhất đang được đặt bên cạnh.
Đó là một cái đầu người bị đốt dở. Chỗ cháy xém chỗ tróc lở, khuôn mặt bị cày nát không rõ hình thù, chỉ là một đám da thịt bầy nhầy. Nơi từng là đôi mắt chỉ còn hai cục máu đen đặc, một mảnh thịt vẫn còn lay lắt ở hốc mũi, đôi môi cháy co lại nhe hàm răng đen tuyền vỡ lỗ chỗ. Tóc chỉ còn đôi ba cụm như than két lại trên sọ.
Ở bên kia đám lửa, cái đầu người cháy đen nằm trên một bọc vải nhe răng trừng trừng hốc mắt máu nhìn y.
Tim y đã hụt đi một nhịp dường như là vĩnh viễn. Khi choàng mở mắt, y vẫn thấy hơi thở nghẹn lại trong cổ, nỗi sợ hãi lạnh toát lan tràn khắp châu thân. Tay y ướt mồ hôi, run bần bật, trong một lúc y tưởng mình phát sốt như trong giấc mộng.
Y nằm yên lấy lại hơi thở, nhìn tia nắng mỏng manh chiếu qua mành trúc vào vách tường bên kia phòng. Cổ họng y đắng ngắt, cơn lạnh của bình minh thấm vào xương cốt, ân ẩn từng cơn rờn rợn. Quấn cái chăn bông chặt hơn quanh người, y nhắm mắt nghe tiếng chim vang vọng trong khu vườn bên ngoài, tiếng gió rì rào trên khóm trúc cạnh bờ giậu lẫn với thanh âm vài giọt mưa thu rải rác. Xứ sở này đang vào mùa thu, những cơn mưa lặng yên không tiếng động phủ mờ các tầng lá chưa kịp chuyển màu, nghe như âm vang của gió giữa những vòm núi.
Một xứ sở xa lạ với y. Đến mức cuộc sống này cũng đang trở nên xa lạ tới dường không thực.
Y cắn răng niệm vài câu chú nhỏ, không hề nghĩ thêm về giấc mộng đáng sợ kia. Trong những năm tháng này, y đã tập quen với việc không nghĩ ngợi và bỏ qua những điều không nên tưởng tới. Huống hồ, trong những ngày này, y có quá nhiều việc để làm, để nghĩ và suy tính.
Như việc trời vừa tờ mờ sáng, thiếu niên hôm nọ đã đứng trước cửa phòng y. Y vừa rời khỏi giường, đẩy cửa bước ra thì đã thấy cậu ta đứng trong vườn, đang ngẩng đầu nhìn cành hoa tường vi bên bức bình phong sau cổng. Nghe tiếng động, cậu ta quay đầu lại, im lặng bước qua y vào phòng. Thở dài, y đóng cửa, xoa vuốt vài cái chỉnh trang mớ tóc bù xù. Ông hoàng con này quả nhiên vẫn coi mọi thứ trên đất dưới trời là của mình, cậu ta vào phòng mà chẳng cần liếc mắt nhìn y lần thứ hai. Ngồi xuống sập giữa phòng, cậu ta cúi đầu chỉnh lại tay áo âm ẩm nước, nói lạnh tanh.
“Hôm qua ngươi đến gần vườn của Tùng Quốc công làm gì?”
Y ho khan trong cổ. Quả nhiên ý nghĩ ‘nơi này không có lính canh’ của y là hoàn toàn sai lầm. Họ không bắt giữ y hẳn chỉ vì cô bé đi cùng với y.
“Qua mấy ngày làm phép, tôi đã nghe được ý niệm trong chuỗi hạt.” Y giơ cánh tay vẫn đeo chuỗi hạt máu lên. Cô bé kia đã bắt y hứa không được nói về sự giúp đỡ của cô ta, y chỉ đành tìm cớ dùng giọng ba hoa của mình mà thanh minh. “Tôi mới đến nơi này, nào có biết nhà Tùng Quốc công là ở đâu, chỉ vì ý niệm thúc giục tôi đến nơi đó thôi. Ban đầu tôi còn tưởng là đồng mía của làng nào.”
“Để thanh tẩy chuỗi hạt này, tôi cần phải tìm những ký ức tương đồng với nó.” Khi cậu thiếu niên ngẩng đầu lên, nhướn mày, y biết mình nhận được lệnh phải giải thích, liền kể lại những gì đã thấy trong vườn kia, rồi nói tiếp. “Có lẽ vì đó là dấu vết của ông hoàng Cả gần với tôi nhất nên tôi nhận được ý niệm đến nơi ấy đầu tiên thôi.”
“Sau này ngươi không thể đi lung tung như thế.” Mím môi nhíu mày một lúc, cậu thiếu niên nói. Được thể, y gật đầu.
“Đúng vậy, nắm bắt được ý niệm trong chuỗi hạt này cũng rất vất vả. Hiện thời tôi vẫn chưa nắm được nơi cần tới nữa là đâu, cậu… mệ có thể giúp tôi được chút nào đó chăng?” Ký ức trong chuỗi hạt này hẳn đều liên quan đến những trọng yếu nhân, dù cô bé kia đã bảo sẽ giúp đỡ y, nhưng cô ta lại không muốn ra mặt. Còn y cứ vào những nơi như nhà của vương hầu bằng cách luồn vườn trèo rào thì sẽ gặp rắc rối to. Có vẻ việc trong chuỗi hạt này rất quan trọng với cậu thiếu niên, kể cả nếu y bị bắt, việc lộ ra cũng chẳng hay ho gì, cậu ta sẽ phải giúp đỡ y. Vả lại y cũng muốn thăm dò cậu ta một phen.
Nắm tay áo ẩm giữa mấy ngón tay bất động, hạ mi nhìn xuống sàn nhà một lúc, cậu thiếu niên thở ra.
“Ngươi chuẩn bị đi theo ta.” Vẫn chỉ lời ra lệnh lạnh tanh. Nhưng lần này y nghe được có đôi chút cảm xúc khó hiểu nào đó trong giọng cậu ta.
Vài tùy tùng của thiếu niên ở bên ngoài đem ngựa lại cho cậu ta. Y cưỡi chung ngựa với một tùy tùng, đi phía sau đoàn. Cậu ta không đến bến đò mà thẳng tới đầu sông, nơi có một hành cung nhỏ. Tại đây đã có một chiếc thuyền lớn đậu sẵn để đưa cả đoàn người ngựa sang bờ Bắc sông Hương. Trời vẫn còn sớm, trên đường ra chợ ven sông Lợi Nông chỉ lác đác đôi người. Nơi này có một dãy nhà liền nhau, thuyền hoa đậu san sát bên các bậc thang đá dẫn xuống dòng nước. Cỏ phủ hai bờ sông xanh rì, liễu buông rủ nghiêng bên mái ngói lưu ly. Bên kia dòng sông, đồng lúa trổ đòng đòng lẫn trong rừng trúc biếc. Không giống sự phồn hoa huyên náo của khu nhà nằm trong các chợ ven sông Hộ Thành, nơi này mang dáng vẻ u tịch lặng lẽ hơn hẳn. Buổi sớm mai yên ắng chỉ nghe rừng trúc rì rào, chim ríu rít trong lá, mưa lách tách trong làn khói trắng mỏng tang.
Cho nên đám người bất chợt xuất hiện bên cổng hành cung trở nên ồn ã lạ thường. Mấy con ngựa được gắn vòng lục lạc bạc khi bước kêu lanh canh vang một quãng sông. Thấy thiếu niên đi tới, một người trong bọn vẫy tay.
“A, em Liêu đến rồi này!” Thanh niên áo gấm đang ngồi vắt vẻo trên lưng ngựa cười lớn, sang sảng gọi. Cậu thiếu niên hơi so vai, đưa mắt nhìn quanh. Thấy cạnh hành cung chẳng còn lối nào khác, cậu đành chầm chậm thúc ngựa đi tới.
Thấy thiếu niên đã xuống ngựa, nhóm tùy tùng phía sau cũng lục tục xuống theo, khoanh tay cúi đầu đứng phía xa. Người thanh niên kia vẫn ngồi trên ngựa, gật đầu đáp lễ cái vái chào của thiếu niên. Giọng anh ta vẫn rổn rảng sang sảng vọng suốt bến thuyền của hành cung.
“Hôm qua ta đi nhờ thuyền tới, giờ không có thuyền sang bờ Bắc, em cho ta đi cùng với.” Rút trong túi đeo bên hông ra một điếu thuốc quấn, anh ta chìa xuống mời, cậu thiếu niên lắc đầu từ chối. Anh ta liền ngoảnh đầu nhìn ngó nhóm tùy tùng của người em. “Em định đi đâu thế?”
“Em định đến Bạch Liên thôn.” Mím môi một cái rất nhanh, cậu thiếu niên trả lời. Xòe điếu thuốc cho tùy tùng châm lửa, thanh niên nghiêng người rồi gật đầu.
“Ta cũng muốn đến thăm thằng Thiện Khuê, lâu rồi không gặp.” Vỗ vào yên ngựa một cái, anh ta nhảy xuống, không cần nhìn đến sắc mặt của thiếu niên mà dắt ngựa thẳng đến thuyền của cậu ta. Im lặng, thiếu niên ra dấu cho nhóm tùy tùng cùng xuống thuyền. Nhóm tùy tùng chia nhau chèo thuyền, giăng màn, rót nước, y không biết làm gì đành ngồi ở mạn thuyền. Thiếu niên thấy vậy liền gọi y vào trong khoang, ngồi hầu phía sau cậu ta.
“Em đến Thê Phượng viên làm gì thế?” Chỉ vừa ngồi xuống, thanh niên đã hỏi. Anh ta chợt hạ giọng. “Em cũng cần tiền à?”
“Không, em chỉ muốn xem mấy thứ đồ cổ ở nhà ấy.” Thiếu niên nhàn nhạt trả lời. Ngừng một lát, cậu ta nhỏ giọng nói. “Nếu muốn gặp Thiệu Hóa đình hầu, lên bờ anh đừng đi cùng em.”
“À… Kẻo người lại nói chúng ta họp nhóm tạo phản.” Chớp mắt một cái, thanh niên chợt hềnh hệch cười. “Mấy năm nay tâm tính ông ấy có tốt hơn tí nào không? Kẻo đám người bên ngoài lại vẽ ra được ba đầu sáu tay cho ông ấy rồi đấy.”
“Hôm qua ta vào trong làng uống rượu Chuồn, nghe được một chuyện gớm ghê.” Không thấy thiếu niên phản ứng, thanh niên hoa tay kể tiếp. “Mùa hạ này lão Hà Tông Quyền vừa lăn ra chết đúng không? Đám người xung quanh đang bảo là Kiến An công đánh chết lão ấy đấy!
“Cũng lại do việc tấn phong hậu phi hoang đường của ông già. Mùa hạ này ông ấy phong tước Quốc công cho mấy đứa con trai lớn của Thục tần, An tần, Lê Tiệp dư, xong rồi chuyển từ đường Thần phi. Thế là đám kia bảo, đó là chủ ý của Hà Tông Quyền đấy. Ai chả biết lão Quyền với ông già nhà ta là một bộ sậu, thiếu Quyền thì ông già ta ăn không ngon ngủ không yên. Liên quan đến việc lập Thái tử, nghe đồn rằng lão Quyền bảo ông già ‘Nên lập hậu trước, ngôi hậu đã yên thì ngôi thái tử cũng vững’. Thế là Kiến An công nổi cơn điên cho người chặn đường đánh chết lão Quyền ném xuống sông[2]!” Thanh niên ha hả cả cười. Cầm tách trà do y rót đưa tới, thiếu niên chỉ liếc mắt nhìn qua, vẫn không lên tiếng. Ngả người cạnh chiếc bàn thấp, thanh niên cúi đầu nghiêng ngó người em. “Không phải là chuyện thật đấy chứ hả?”
“Chuyện nơi đầu đường xó chợ do bọn vô tri bàn tán, không đáng để tâm.” Thiếu niên lạnh nhạt, dường như là uể oải đáp. “Dù Kiến An công là con đẻ của Thái hậu, Thái hậu vốn thông minh hiểu lý lẽ, đâu phải người vì yêu ghét riêng tư mà làm loạn triều cương. Vả lại mấy năm nay, sau chuyện của Lê Văn Khôi, Kiến An công phải thân đến cung cúi đầu tạ tội, đã thu liễm ít nhiều. Chẳng qua Kiến An công là người phóng khoáng rộng rãi, thích sự phù hoa, gần xa đều biết. Cháu gái của Lê Văn Khôi lại là thiếp thất nhà ông ấy, khiến thiên hạ nghĩ nhiều mà thôi.”
“Ban đầu ta cũng nghĩ ông già nhà ta mà chẳng lẽ lại để yên cho người giết Quyền được sao?” Ngậm điếu thuốc bên khóe miệng, thanh niên gật gù. “Nhưng rồi nghĩ lại, Kiến An công ra thế chẳng phải vì chính ông già bao che đó sao? Người ta kể lại, năm xưa thuyền Tây dương mang đồ tới bán, Kiến An công cho người đến lấy hàng về đập vỡ hết rồi trả lại. Cũng chính ông già nhà ta giấu giấu giếm giếm đến tận nơi điều đình trả tiền, bằng không Kiến An công đã bị Thế Tổ lột xác rồi. Sau này Kiến An công càng ngày càng phung phí, ông già cũng đem tiền của mình ra cho. Đến khi thằng Lê Văn Quát chó cậy chủ nhà làm bậy, việc bung bét khắp nơi, ông già mới phạt lương một năm gọi là. Ai bảo ông già ta mặt sắt với ai, chứ Kiến An công có làm xằng làm bậy đến mức nào thì ông già cũng nín nhịn cho qua thôi.”
“Trên danh nghĩa thì Thái hậu chỉ còn Kiến An công là con hương khói, hoàng thượng không thể không nghĩ.” Vẫn cúi đầu, thiếu niên điềm đạm nói. “Ngày trước hoàng thượng đã trở thành con của Cao Hoàng hậu, Thiệu Hóa quận vương chẳng may mất sớm, Thái hậu tan nát cõi lòng. Kiến An công dù có hơi phung phí xa hoa nhưng làm bậy là do đám người dưới, không phải lỗi của ông ấy.”
“Cái gì là do đám người dưới? Thế thì ta có tội gì?” Thanh niên đột nhiên quắc ngược đôi mày, ngồi thẳng dậy mà trợn mắt gằn giọng. “Một thằng hầu oắt con nhà ta cưỡi ngựa giữa đường đạp chết người, liên quan gì đến ta? Ta bảo nó làm à? Hay ta phải đi giữ ngựa cho nó? Thế mà ông già lột hết mũ áo tước phong, đuổi ta ra khỏi hàng các hoàng tử, làm nhục ta không bằng đứa dân thường. Trong khi ta làm gì? Ta trên thì không nuôi cá sấu, làm chuyện đồi phong bại tục, dưới thì không cho đám người hầu ỷ thế lừa khắp quan dân, bòn rút túi riêng. Tại sao đám anh em chú bác nhà ông ấy thì xằng bậy đủ kiểu không sao, đến lượt ta lại phải gánh cơn thịnh nộ của ông ấy?”
“Thời thế phải thế, không thể khác được.” Thiếu niên dịu giọng nói trước vẻ phẫn nộ của người anh. “Người được cho qua là Kiến An công, Quảng Oai công, vốn là việc không thể khác. Mà việc của anh xảy ra vào thời điểm ấy, xử như vậy cũng là việc không thể khác.”
“Không thể khác?” Người thanh niên nhếch mép cười khẩy. Điếu thuốc gẫy gập giữa những ngón tay anh ta. “Thế thì việc bảo ta ‘mẹ thân phận hèn mọn, con cũng là kẻ ngu ngốc’ có ý nghĩa gì vậy?”
Lần này, thiếu niên chỉ trầm mặc cúi đầu không đáp, không nhìn đến ánh mắt trừng trừng của thanh niên trước mặt.
“Nhìn đám tần phi của ông ta, kẻ nào cao quý?” Nghiến chặt răng, giọng người thanh niên dường như run lên. “Hiền phi chẳng qua là con của phản thần tặc tử, người thậm chí đến cái bia đá còn chả có. Còn Thần phi ông ta ngày đêm tưởng nhớ, sống chết truy phong kia lại chẳng phải chỉ là con của đội trưởng vệ Túc trực, thuộc đội người hầu cầm cờ quạt giáo mác cho Thế Tổ ấy thôi à. Cao quý như Thục tần con quan Tham tri thì ông ta ngứa mắt thu lại sách phong, như mẹ em thì…”
“Thôi!” Thiếu niên đanh giọng ngắt lời người anh, ngẩng đầu nhìn lên. Gương mặt cậu ta vẫn nhợt nhạt xanh tái. Cậu ngoảnh đầu nhìn ra cửa khoang thuyền. “Sắp đến nơi rồi, anh chuẩn bị xuống đi.”
Lời chưa nói hết, cậu ta đã đứng dậy đi ra ngoài, gọi người chuẩn bị thắng ngựa. Người thanh niên vẫn cau có ngồi trong khoang thuyền, thuận chân đá cái bàn bay đập vào vách, bộ đồ trà trên bàn rơi vỡ loảng xoảng.
Xuống bến, cậu thiếu niên vẫn kính cẩn cúi đầu chào, nhưng người thanh niên hằm hằm quay ngựa bỏ đi. Đợi nhóm anh ta khuất bóng, thiếu niên mới lên ngựa thong thả đi.
Bờ Bắc sông Hương phồn hoa đông đúc hơn hẳn bờ Nam. Bên đường ven sông nhà cửa san sát, có một khu phố chợ ven hông thành gần nhà quan viên, thấp thoáng bóng áo đủ sắc màu. Qua khỏi phố chợ là khu phủ đệ của các hoàng thân quốc thích. Các quan đã vào thành họp triều từ tờ mờ sáng vẫn chưa trở về, các phủ đệ yên ắng đóng kín cửa, chỉ có đám gia nhân lại qua. Các khu phủ đều xây tường cao dày, bên ngoài trồng tre trúc hoặc cây lớn, trong cửa dựng bình phong, thấp thoáng mái nhà lợp ngói lẫn trong hoa. Trước các cổng lớn xây đường lát đá dẫn đến bậc thang xuống thuyền, hai cột đình liệu bằng đá lắp kính xanh màu rêu. Thoai thoải bờ sông là rặng liễu đang bắt đầu úa lá, vài ngôi đình nhỏ cột đỏ ngói xanh nằm trong cây. Thuyền hoa sơn son thếp vàng sặc sỡ đậu nối bên bờ, đèn lồng đỏ đung đưa trên dòng nước.
Cậu thiếu niên dừng lại trước một khoảng đất xanh vàng màu trúc phượng hoàng, đình nhỏ bên lề treo biển ‘Bạch Liên thôn’. Men theo con đường lát đá, y thấy một cái hồ lớn nằm giữa bốn phía trúc. Sen trong hồ đã tàn, chỉ còn đôi ba búp trắng đang úa. Dòng nước dẫn vòng quanh len lỏi giữa vườn trúc, để lại những khoảng đất xây đôi ba gian nhà, cầu đá bắc ngang. Không thể đi ngựa qua cầu, nhóm y buộc ngựa lại bên đường, theo thiếu niên đến gian nhà nằm ngoài cùng. Dây tường vi leo lên bình phong đá nạm sứ xanh, hải đường đang trổ hoa đỏ rực lối đi lát gạch tàu, dâm bụt đong đưa trên mặt nước nổi sóng tròn từng đợt lách tách tiếng cá đớp mồi. Hai bên nhà, mấy cây thị ra quả vàng ươm, tỏa hương thơm ngát nghiêng che lên mái ngói.
Nghe tiếng động, người trong nhà vén mành trúc nhìn ra. Thấy cậu thiếu niên, đứa hầu vội vã quỳ sụp lạy chào rồi quay vào báo cho chủ nhân. Không đợi họ đi ra, cậu thiếu niên đã bước vào nhà, chỉ gọi y theo mà để bọn tùy tùng đứng ngoài sân. Gian nhà thơm dìu dịu mùi gỗ đàn, trần thiết đơn giản nhưng chạm khắc tinh xảo. Giữa phòng để án thờ nghi ngút khói, cậu thiếu niên chắp tay sau lưng, nheo mắt nhìn như đang tính toán điều gì.
Lát sau, một thanh niên trẻ khác có vẻ chỉ lớn hơn thiếu niên vài tuổi bước ra từ cửa sau, vòng tay thi lễ.
“Ông hoàng đến đây có việc gì ạ?” Chào hỏi xong, người thanh niên hỏi. Thiếu niên mỉm cười.
“Hôm trước ta qua chợ Gia Hội, thấy một ông lão bán trang sức có món hổ phách lạ. Ta hỏi thì ông ta bảo không bán, khắp thiên hạ chỉ có một món như thế. Ta chợt nhớ đến viên hổ phách ở nhà Thiệu Hóa quận vương, nghe nói năm xưa phụ hoàng cùng chú đi lặn lấy được, là món đồ linh quý không gì bì nổi. Chẳng biết ta có thể mượn đem cho ông già kia xem một lúc để bớt thói ba hoa đi?” Cậu ta trơn tru kể. Thanh niên kia nghe xong lại thoáng có chút khó xử, thiếu niên liền cười thêm vào. “Nghe nói Thiệu Hóa đình hầu ăn tiêu rộng rãi hơi không được tiết chế, nên những món đồ như thế đang được Lại Trạch đình hầu coi quản?”
“Phải… Nhưng nói thực, viên hổ phách ấy cũng không phải là món quý lạ lắm đâu.” Thanh niên được gọi là Lại Trạch đình hầu kia tặc lưỡi, gọi người lấy ra một hòm gỗ nhỏ. Mở hộp gỗ, lật mấy lần vải gấm, anh ta cầm lên một viên hổ phách đưa cho thiếu niên. “Nhiều người nghe chuyện cũng muốn xem thử nó, nhưng đều thất vọng cả. Thứ độc đáo duy nhất trong viên hổ phách này chỉ là cái cánh hoa đó thôi.”
Viên hổ phách hình trứng pha sắc đỏ, ở giữa quả nhiên có một cánh hoa đã không còn rõ màu sắc là gì, trong suốt như mảnh lụa. Trong ánh nắng chiếu xiên vào căn phòng tối và lửa lập lòe trên án thờ, viên đá hổ phách tỏa sáng dìu dịu, bao bọc cánh hoa ở giữa trong một vầng quang hoa vàng đỏ trông như một vầng dương tí hon.
“Viên hổ phách của ông lão kia cũng thế này đây.” Cậu thiếu niên mỉm cười. Nghiêng người về phía thanh niên, cậu ta hạ giọng. “Ta vừa thấy người ngựa của anh Miên Phú bên ngoài. Mấy năm nay anh ấy bị thu hồi áo mão tước phong, truất vị hoàng tử, phạt lương, hẳn là túng lắm. Thiệu Hóa đình hầu cũng vừa bị luận tội giáng chức, nhưng bệnh sĩ khó mà bỏ được. Anh Miên Phú đến tìm, khắp nhà không có đồ dùng có khi lại lấy của thờ đi cầm cố. Cả hai kẻ ấy đều ngông ngược không sợ trời đất, chỉ sợ không có gì gây họa được, đây lại là món đồ kỷ niệm của phụ hoàng và hoàng thúc. Hôm nay ta không yên tâm, cầm đi một buổi rồi sẽ đem trả lại về cho nhà đình hầu.”
Trầm mặc nghĩ ngợi một lát, thanh niên kia gật đầu.
“Nơi này là vườn cũ của phụ hoàng ta ngày còn là hoàng tử. Người ở đây ngoài phủ đệ trong Kinh thành thường có thêm nhà vườn riêng làm nơi đọc sách, mời khách thưởng trà.” Rời khỏi gian nhà chính thì trời lắc rắc mưa, thiếu niên cùng y đến trú dưới mái đình cạnh hồ sen. “Thiệu Hóa quận vương là em cùng mẹ của phụ hoàng, đến khi phụ hoàng thành Thái tử thì cho quận vương phủ cũ trong thành cùng với vườn này[3], đầu năm nay lấy đất phủ cũ dựng chùa nên dời tất cả ra đây.”
“Vì hồ sen trắng nên gọi là thôn Bạch Liên, xung quanh trồng trúc phượng hoàng nên tên là vườn Thê Phượng.” Gật gật đầu, y nói. Nhưng có vẻ đây không phải chuyện thiếu niên muốn nghe.
“Chắc chắn trong món đồ này chứa một ký ức rất quan trọng.” Cậu ta lạnh nhạt chìa cái hộp đựng viên hổ phách cho y. “Ta sẽ theo hiểu biết của mình mà tìm lại các vật dụng cần thiết, đưa ngươi đến những nơi cần đi. Trong một tuần trăng, ngươi nhất định phải hoàn thành việc cho ta.”
Ta không thể đợi được. Y đọc thấy ý nghĩ ấy trên gương mặt sắt lại của thiếu niên, liền ngậm miệng đón lấy hộp hổ phách, cất kỹ vào trong ngực.
Cuối cùng thì y đã biết đang có chuyện gì đó xảy ra trên vùng đất này. Và có vẻ, khởi nguồn của nó chính là vòng xoáy đang cuốn y vào.
Chú thích:
[1] Sơ liêm đạm nguyệt – Mai hoa của Tùng Thiện vương
[2] Lời đồn đại này đã được ghi trong Quốc sử di biên của Phan Thúc Trực. “Vua hỏi Tông Quyền việc lập Thái tử. Quyền tâu rằng: ‘Xin bệ hạ lập hoàng hậu trước, ngôi hoàng hậu ổn định rồi thì ngôi Thái tử cũng ổn định’. Kiến An công Đài không bằng lòng. Lúc bãi triều rồi Đài mời Quyền đến phủ uống rượu. Khi Quyền đến, cầm trùy đánh vỡ đầu, ném xác Quyền xuống sông”.
[3] Theo Nguyễn Phúc tộc thế phả, Minh Mạng cho em trai là Thiệu Hóa công phủ cũ và vườn Thê Phượng ở thôn Bạch Liên, ngoài trồng trúc xanh, trong trồng sen trắng.