Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Xung đột vùng miền (4)
Saturday, December 23, 2017 Author: Trường An

Chế độ quân chủ Nguyễn ở Huế trong thế kỷ 19 là một sự thử nghiệm chưa từng có trong nỗ lực cai trị toàn bộ các khu vực mà chúng tôi đã thảo luận. Khiếm khuyết của thử nghiệm này là trừ phi nhà lãnh đạo đủ sức kiểm soát ít nhất một trong hai khu vực mạnh về kinh tế và đông dân nhất, là Đông Kinh hoặc Nam Bộ, còn bằng không ông sẽ không đủ sức cai trị các vùng còn lại. Khi cố gắng cai trị từ Thuận Quảng, các vua nhà Nguyễn đã không thể kiểm soát hoặc Đông Kinh hoặc Nam Bộ. Đến lúc Pháp chuẩn bị chiếm Huế trong thập niên 1880, triều đình nhà Nguyễn đã không có sự kiểm soát thật sự đối với Nam Bộ và Đông Kinh. Nam Bộ đã trở thành thuộc địa của Pháp và Đông Kinh trở thành nơi vô chính phủ với những quân lính không chính quy từ Trung Quốc, tay súng địa phương và những kẻ phiêu lưu từ châu Âu. Vào lúc này xảy ra ví dụ cuối cùng mà tôi muốn thảo luận về xung đột giữa các vùng, một xung đột giữa Thuận Quảng và Thanh Nghệ, ẩn khuất trong lớp vỏ ngoài của cuộc chinh phục của Pháp và sự kháng chiến.

Nhóm tinh hoa hoàng cung Huế không bao giờ kết nạp người từ Nam Bộ hay Đông Kinh với một mức độ đáng kể nào. Đến giữa thế kỷ 19, nhóm này chủ yếu bao gồm toàn người từ Thuận Quảng và Thanh Nghệ. Người từ hai vùng này sau đó có những thái độ khác nhau đối với hoàng gia và với câu hỏi làm sao phản ứng trước Pháp. Khi vấn đề bảo hộ của Pháp xuất hiện, giới tinh hoa Thuận Quảng ủng hộ việc hòa hoãn và hợp tác để cứu chế độ quân chủ trong khi các lãnh đạo Thanh Nghệ ủng hộ kháng chiến. Cuộc xung đột phe nhóm tại hoàng cung sau cái chết của vua Tự Đức năm 1883 có thể được diễn giải như cuộc đấu tranh giữa các lãnh đạo Thuận Quảng ủng hộ hợp tác và các lãnh đạo Thanh Nghệ chống hợp tác. Chính sự chủ động của người Thanh Nghệ đã dẫn đến việc đưa hoàng gia thoát khỏi Huế và kêu gọi “cần vương” năm 1885. Sự đáp ứng lời kêu gọi này đã diễn ra rộng lớn và kéo dài tại Thanh Nghệ, tiếp tục cho đến khi Phan Đình Phùng qua đời gần 10 năm sau, trong lúc các lãnh đạo Thuận Quảng nhanh chóng hòa hoãn với Pháp chống lại các đối thủ Thanh Nghệ của họ.

Diễn giải cuộc chinh phục An Nam của người Pháp và phong trào Cần vương cuối thập niên 1880 và đầu 1890 ở một mức độ nào đó như một cuộc xung đột giữa các vùng ở Việt Nam sẽ vi phạm các quy chuẩn của cách viết sử dân tộc chủ nghĩa thời hiện đại. Nhưng nếu phủ nhận khả năng phân tích này, chúng ta sẽ che khuất những điểm đặc trưng trong tình hình Việt Nam cận đại, đặc biệt khi ta xem xét vai trò của Thanh Nghệ (tức Nghệ Tĩnh trong thế kỷ 20) trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thập niên 1930 và số lượng các lãnh tụ dân tộc thời hiện đại, bao hàm Hồ Chí Minh, người xuất thân từ vùng này. Người dân Thanh Nghệ Tĩnh có tiếng là “người theo chủ nghĩa dân tộc” và “yêu nước”; liệu có thể nào những từ này là lối uyển ngữ thay cho khát vọng của vùng muốn vươn lên hay không.

Tôi sẽ kết thúc bằng việc xem xét một vài câu hỏi thường xuất hiện trong các thảo luận về các vấn đề được bàn đến trong tiểu luận này. Đến mức nào có thể nói rằng “các yếu tố lịch sử năng động” (dynamic historical factors) giúp giải thích chuỗi các sự kiện tôi đã đề cập trong bài viết này? Ý niệm về các yếu tố lịch sử thay đổi phải được định vị trong các hoàn cảnh khu vực và thời gian, bởi vì mỗi khu vực với địa hình cụ thể, với các khả năng liên lạc và trao đổi với những khu vực khác, và cảm thức tự hào và gắn bó địa phương là những đơn vị phân tích phù hợp. Điều này ngụ ý rằng những ý niệm về các yếu tố lịch sử thay đổi bao trùm trên toàn Việt Nam phải được quan sát với sự hồ nghi. Những người quyết tâm cai trị toàn bộ các dân tộc Việt sẽ nhấn mạnh về một lịch sử và văn hóa Việt Nam đơn nhất với một cội nguồn duy nhất và một xung lực duy nhất xuyên suốt thời gian và không gian. Nhưng những giấc mơ về tính độc nhất này là sự thể hiện niềm tin chính trị, chứ không phải là điều nghiễm nhiên.

Bằng cách chia lịch sử và văn hóa Việt Nam thành từng khu vực, chúng ta có thể xây dựng những cái nhìn về các quá khứ tiêu biểu về các dân tộc Việt Nam hơn là những gì được mô tả bởi cách viết sử dân tộc chủ nghĩa thời hiện đại. Nhưng điều này sẽ không đủ nếu khi đó mỗi khu vực lại được xem như một thực thể có sự phát triển liên tục riêng của nó. Các khía cạnh của các quan điểm vùng có thể vẫn dai dẳng khi được củng cố bằng địa hình địa vực, nhưng tôi quan tâm đến khả năng là hành vi con người, dù mang tính chất khu vực hay “quốc gia”, thì cuối cùng vẫn mang tính chất giai đoạn, chứ không tiến triển liên tục, và rằng lịch sử của mỗi vùng cũng đứt đoạn giống như mọi nguyên lý căn bản lớn hơn tầm vùng miền. Đông Kinh đã là nhà của các vị vua và là một khu vực năng động, cố kết từ thế kỷ 11 đến 14; sau giai đoạn đó, vùng này liên tục chịu sức ép từ sự trỗi dậy của các khu vực phía Nam. Những tham vọng của Thanh Nghệ, đầu tiên hướng ra Bắc sau đó hướng về Nam, đã có sự vượt trội tinh thần trong các diễn ngôn bao quát toàn Việt Nam trong nhiều thế kỷ mặc dù nội dung của những tuyên bố tinh thần của vùng này thay đổi qua từng thời đại. Trong thế kỷ 15, những người ủng hộ nhà Lê tự nhận có một lẽ phải dựa trên các mô hình đạo đức có trong các sách cổ. Trong thế kỷ 16 và sau đó, mục tiêu khôi phục nhà Lê và những hăng hái sau đó của vùng Thanh Nghệ được loan đi với lời kêu gọi nhắc đến lòng trung thành và uy tín tổ tiên, chính nghĩa của một chế độ quân chủ đã quá vãng chỉ còn tính biểu tượng. Thuận Quảng cai trị vùng biên giới phía Nam trong hai thế kỷ; thành công tương đối của nó với tư cách một trung tâm vùng đã không thể biến thành ưu thế trên toàn Việt Nam bởi những hạn chế về địa hình và sự chú tâm hạn hẹp đến Huế. Khoảnh khắc chiến thắng của Bình Định, từng đoạn từng hồi, liên quan đến vị trí của nó trong một hoàn cảnh lớn hơn của các mối quan hệ khu vực. Nam Bộ, một trung tâm buôn bán quốc tế, cung cấp sức mạnh cho Nguyễn Ánh nhờ sự giàu có và tính đa dạng, nhưng cuối cùng bị xem là không quan trọng và bị từ bỏ bởi các lãnh đạo mắc kẹt trong hệ thống các ưu tiên của các vùng khác; kết quả sau đó là Nam Bộ tự tìm hướng đi giữa các cường quốc thế giới và học cách chịu hậu quả của điều đó. Không có khu vực nào đã hoặc sẽ duy trì một sự gắn bó tuyệt đối, tất cả đều ở trong tình trạng phát triển và thay đổi; chúng sẽ tiếp tục đấu tranh với nhau và đồng thời liên tục tái định nghĩa mình trong tương lai. Yếu tố lịch sử với xung lực lớn nhất là khao khát phát triển và thay đổi của con người – nó tạo ra những đà tiến cấp vùng và những sự định hình từng giai đoạn của các đà tiến đó. Không có một hình thái làng, hệ thống gia đình, hay một mô hình hoạt động tín ngưỡng trên toàn cõi Việt Nam, nhưng từ vùng này sang vùng khác, ta có thể tìm thấy nhiều trạng thái của tất cả những điều trên; chúng liên tục trải qua thay đổi, không phải theo một logic vĩnh cửu mà theo những thay đổi của trải nghiệm con người mang tính chất có vẻ ngẫu nhiên và theo từng giai đoạn.

Một câu hỏi khác: liệu “hòa bình” mang ý nghĩa gì trong các xã hội Việt Nam đã trải qua “xung đột” trong nhiều thế kỷ? Bên dưới bề mặt của chiến tranh là một sêri những biến chuyển xã hội liên quan nông nghiệp và thương mại mà về căn bản không liên quan đến những nghị trình trong cuộc xung đột. Trong khi một vài lãnh tụ và tùy tùng của họ ganh đua chuyện thống trị, những người dân nói tiếng Việt đi lại, lao động, tìm kiếm những nơi “yên bình” riêng của họ ngay cả khi xã hội nói chung có vẻ đang được tổ chức cho chiến tranh. Đồng thời, bên dưới lớp vỏ thống nhất triều đại là những nền văn hóa truyền miệng địa phương hóa, đè lên nhau và một sự đa dạng các khác biệt vùng xung quanh chủ đề là người Việt Nam.

Trong những năm mà tôi đã đề cập, không có giai đoạn nào mà những người nói tiếng Việt không đánh lẫn nhau hoặc giao chiến với các láng giềng. Đây là một tình trạng bình thường tại Đông Nam Á thời tiền hiện đại. Trong tiểu luận này, tôi đã không đặt nhiều chú ý về quan hệ xung đột của Việt Nam với người Trung Quốc, người Chàm, Khmer, Lào hay Xiêm. Mỗi một quan hệ này đều riêng biệt và đặc thù với những thay đổi về đe dọa, cơ hội và lãnh thổ; ngoài ra, chúng thay đổi với thời gian. Không có một sơ đồ khái niệm đơn nhất có thể giải thích toàn bộ các xung đột này hay thậm chí giải thích một xung đột trong toàn bộ thời gian. Có nhiều khả năng để phân tích các hoàn cảnh mà có thể đặt sự kết nối giữa những xung độtcủa người Việt và xung đột giữa người nói tiếng Việt và người ngoài và những khả năng này đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng; không có những tính cách “dân tộc” được đơn giản hóa nào có thể giải thích những câu hỏi xuất hiện từ một nghiên cứu như vậy.

Tôi ngờ rằng, trong các thế kỷ được đề cập ở tiểu luận này, ý niệm hòa bình có nghĩa là tồn tại bên trong quỹ đạo của một lãnh tụ có khả năng thực thi sự độc quyền vũ lực. Sống trong hòa bình có nghĩa là sống dưới sự bảo vệ của một người có quyền uy. Những cố gắng mở rộng quỹ đạo hòa bình ấy để bao gộp toàn bộ các dân tộc nói tiếng Việt tất yếu dẫn đến chiến tranh khi những quỹ đạo này chen lấn nhau. Vì thế trong khi chiến tranh xảy ra ở vùng biên, hòa bình lại được củng cố ở trung tâm. Khái niệm đương đại của chúng ta về “hòa bình” liên quan đến những ý niệm về nhà nước hiện đại và tính chất bắt buộc tuân theo hành vi thống nhất mà nhà nước đòi hỏi. Nhưng trong thời gian trước khi có các nhà nước hiện đại, khi sự lãnh đạo chính trị được thực hiện bởi các lãnh tụ và các nhóm đối với các vùng lân cận tùy thuộc sự thay đổi của tính cách và quan hệ con người, thì “hòa bình” không phải là thành tựu của sự thống nhất pháp luật mà là tập hợp các tình huống gần như luôn luôn bao hàm cả chiến tranh.

Một câu hỏi khác: liệu “xung đột” có thể được tách thành một phạm trù riêng biệt thuộc về trải nghiệm con người và được đối xử như một đối tượng tri thức có những hình thức lịch sử riêng của nó? Với tôi, có vẻ như mọi sự tìm kiếm một hình thức kết cấu của xung đột đều không thể tách khỏi mọi khía cạnh khác của hành vi con người và vì thế phải thừa nhận những yếu tố hỗn độn và không theo quy luật về “nguyên nhân, hình thức và sự phát triển”. Tôi không tin rằng các cuộc xung đột mà tôi đã trình bày trong tiểu luận này là tất yếu, không thể tránh được. Tôi không thấy có bất kỳ bằng chứng nào về sự cần thiết kinh tế, hằn thù sắc tộc, hay thậm chí logic địa lý khiến mọi cuộc chiến tranh này là không tránh được. Có vẻ trong nhân loại có điều gì đó có thiên hướng dẫn đến xung đột. Tôi đã cố gắng hình dung làm thế nào cách nghĩ dựa trên địa hình giúp soi sáng kiểu xung đột theo vùng, nhưng mục đích của tôi không phải nhằm nói rằng hành vi con người bị quy định bởi địa lý và con người nhất định phải giao tranh vì những cấu trúc địa hình, địa vật nhất định. Tôi đã khảo sát những thiên hướng, chứ không phải những sự bắt buộc. Cùng lắm, tôi đi tìm trong địa hình, địa vật để có các câu trả lời về việc các xung đột diễn ra như thế nào, chứ không để giải thích nguồn gốc của chúng. Nguồn gốc của xung đột nằm trong những con người cụ thể. Không có nhóm người nào về bẩm sinh lại “hiếu chiến” hơn nhóm khác; thói quen gây chiến được thu nhận và từ bỏ trong những hoàn cảnh thời gian và nơi chốn nhất định.

Các chương chiến tranh chúng tôi đã xem xét trong tiểu luận này có thể được xem như là đã xảy ra do nỗ lực của những người nói tiếng Việt muốn vượt qua các hạn chế của địa hình và tư tưởng vùng và muốn hướng đến một nền hòa bình của toàn bộ người Việt. Không có nỗ lực nào thành công. Và điều này đưa chúng ta đến câu hỏi về một “lịch sử chung” và sự ức đoán về việc các khu vực Việt Nam “thuộc về” đâu, trong sự sắp xếp kiến thức hệ thống: ở Đông Á hay Đông Nam Á. Thật dễ dàng để cho rằng Đông Kinh có thể xem như một phần của Đông Á trong khi Nam Bộ được xem là một phần của Đông Nam Á. Nhưng điều này có ý nghĩa gì chomột “lịch sử chung” của các dân tộc Việt? Và điều này có ý nghĩa gì cho Đông Á và Đông Nam Á với tư cách các phạm trù kiến thức học thuật?

Ý tưởng về một “lịch sử chung” là một điều được tưởng tượng và tranh luận, chứ không phải là một vấn đề hiển nhiên; nó không phải là một di sản rõ rệt mà đúng hơn, nó được nghĩ ra, dạy dỗ và học từ thế hệ này sang thế hệ khác: nó là một vấn đề truyền thụ. Một “lịch sử chung của người Việt” là chuyện ý thức hệ và chính trị, không phải là học thuật. Ví dụ, sự khẳng định nhà Mạc là “quân nổi loạn” là quan điểm của vùng Thanh Nghệ. Sự khẳng định Nguyễn Huệ Quang Trung đã thống nhất các dân tộc Việt là quan điểm của Bình Định và Thanh Nghệ. Sự khẳng định Nguyễn Ánh Gia Long đã thống nhất các dân tộc Việt là quan điểm của Nam Bộ và Thuận Quảng. Sự níu kéo của Đông Kinh đối với nhà Lê trong thế kỷ 18 và 19 là cách duy nhất để giành một tiếng nói trong nhiều âm thanh chính trị; cả khu vực Đông Kinh và triều Lê khi đó đều đã không còn quyền lực. Việc xây dựng một “lịch sử chung” nằm trong địa hạt thần thoại.

Điều tối đa có thể nói là các dân tộc Việt mà chúng tôi đã thảo luận đều nói một ngôn ngữ mà tất cả đều hiểu, nhưng thậm chí ngay cả ở đây chúng ta vẫn phải chú ý rằng cái “ngôn ngữ chung” đó là một lớp âm thanh, từ vựng và cú pháp tương đối hời hợt, mà ẩn bên dưới đó lànhững lớp sâu sắc hơn của những mô hình ngôn ngữ vùng. Chữ Nôm, hệ thống chữ viết được dùng trong mấy thế kỷ mà chúng tôi đã thảo luận, có tiếng là không có hệ thống và đầy rẫy những thay đổi và sự khó hiểu. Một chữ có thể chỉ nhiều từ khác nhau tùy thuộc vào thời điểm và nơi chữ đó được viết; và một từ có thể được viết theo nhiều chữ, cũng lại tùy thuộc vào thời điểm và nơi mà nó được viết. Đây là một hệ thống chữ viết có sự nhạy cảm cao đối với các cách phát âm vùng và đối với sự thay đổi ngữ âm từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chữ Nôm là một tư liệu quý về những khác biệt trong ngôn ngữ vùng và về cách ngôn ngữ thay đổi theo thời gian. Tôi càng làm việc với chữ Nôm lâu, tôi lại càng hồ nghi những lý thuyết về ý nghĩa của một “ngôn ngữ chung”, một “lịch sử chung”, một “văn hóa chung”. Chữ Nôm là một phản đề mạnh mẽ chống lại việc thả vào quá khứ những viễn cảnh viết sử mang tính dân tộc chủ nghĩa vốn có nguồn gốc từ thời hiện đại. Và chắc chắn đó là một lý do vì sao chữ Nôm lại bị từ bỏ.

Liên quan vấn đề định nghĩa một “lịch sử chung” của các dân tộc Việt là sự khó khăn của việc đạt sự đồng thuận về một vấn đề thường khô khan, tức là quy cho họ một vị trí trong tương quan với Trung Quốc và các dân tộc khác. Nếu quả thật có một ranh giới giữa Đông Á và Đông Nam Á, thì chắc chắn nó rơi vào giữa người Việt, và sự nhấn mạnh về tính chất vùng của Việt Nam mà tôi đã nhắc có lẽ có thể được nhận diện bởi chủ đề lớn hơn là tính chất vùng tại châu Á. Thiển ý riêng của tôi là nếu phải phân tích trong khuôn khổ Đông Á và Đông Nam Á,thì có lẽ tốt hơn là đặt người Việt vào khu vực Đông Á; nhưng tôi sẽ muốn tách người Việt ra khỏi Đông Á hoặc Đông Nam Á và xem họ như những nhóm người chia sẻ một vùng âm thanh và đứng giữa một ranh giới văn hóa lớn.

Nếu bị buộc phải phân một lằn ranh giữa Đông Á và Đông Nam Á, tôi sẽ vẽ đường ranh tại đèo Hải Vân, giữa Huế và Đà Nẵng, chính ở giữa vùng mà chúng tôi đã gọi là Thuận Quảng. Từ nơi này nhìn về Nam, người ta có thể thấy một sự thay đổi rõ rệt nhất về khí hậu, tiếng nói và lối sống so với bất kì đâu trên bờ biển Việt Nam. Cũng có thể bảo rằng một đường ranh như vậy được đặt tại đèo Ngang hoặc sông Gianh hoặc tại Đồng Hới. Vùng đất từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân thực tế chính là vùng Nhật Nam, khu vực xa nhất mà nhà Hán hay bất kì triều đại Trung Hoa nào từng giành được về phía Nam. Việc đặt ở nơi này một đường ranh giới giữa Đông Á và Đông Nam Á không phải dựa trên yếu tố chinh phục của người Hán; mà đúng hơn, tôi tin rằng khả năng chinh phục của người Hán về phía Nam là yếu tố phụ thuộc khí hậu, địa hình và những tiên liệu về khả năng tổ chức xã hội.

Có vẻ lạ lùng là khi tôi thảo luận những khu vực Việt Nam, tôi nói về Thuận Quảng như một đơn vị đơn nhất nhưng khi tôi thảo luận về những khu vực châu Á rộng hơn, tôi lại vạch lằn ranh ở giữa Thuận Quảng. Tôi tin rằng sự bất thường này là thể hiện rằng sự phân tích của chúng ta càng dựa nhiều vào những mảnh vỡ của trải nghiệm con người, thì nó càng ít đáp ứng các phạm trù rộng lớn về lịch sử và văn hóa được hình dung ở mức toàn cầu hoặc mức toàn quốc. Sự chú ý đến chi tiết có lẽ là một hoạt động có tính lật đổ, phá vỡ.

Tác giả: Keith W. Taylor
là Giáo sư khoa Nghiên cứu châu Á,
Đại học Cornell




Xung đột vùng miền (3)
Friday, December 22, 2017 Author: Trường An

Bây giờ tôi chuyển sang tỉnh Bình Định và sự trỗi dậy của một trung tâm khu vực mới tại đó trong thế kỷ 18. Bình Định, cụ thể là khu vực gần kề thành phố Qui Nhơn thời hiện đại, từ lâu đã là một địa điểm quan trọng cho các vua Chămpa. Nơi này bị các đội quân Việt cướp bóc trong nhiều thế kỷ nhưng chưa bao giờ bị chinh phục lâu dài cho đến cuối thế kỷ 15. Đó là tiền đồn cực Nam của biên giới của người Việt từ đó cho đến 1611, khi Nguyễn Hoàng chinh phục khu vực này về phía Nam, bao gồm cả đèo Cả, mà sau đó được biết đến với tên tỉnh Phú Yên. Đến cuối thế kỷ 17, Bình Định trở thành khu vực hoạt động cho các binh đoàn tiến về Nam và đi sâu vào đồng bằng Mêkông. Đến những năm 1690, Bình Định đã trở thành trung tâm của một mạng lưới giao thông và liên lạc kết nối trung tâm Thuận Quảng của Đàng Trong với đồng bằng sông Mêkông. Nó cũng trở thành trung tâm tuyển mộ binh lính và lao động để duy trì hoạt động quân sự ở sâu trong phía Nam.

Một tính chất quan trọng khác của Bình Định là vị trí của nó như một bến cuối của tuyến đường được đi lại nhiều dọc cao nguyên đến thung lũng Mêkông, băng qua An Khê, Plây Ku,và đến sông Mêkông ở Stung Treng ở nơi mà hiện nay là phía Bắc Campuchia, nơi nó nối kết với mạng lưới giao thương tỏa ra từ Ayudhaya/ Bangkok. Thương mại di chuyển dọc tuyến đường này, nối Bình Định với những mối quan tâm buôn bán của người Xiêm. Các dân tộc vùng cao và người Việt tham gia vào hoạt động thương mại này, nhưng các cộng đồng người Hoa ở Ayudhaya/ Bangkok và Qui Nhơn cung cấp vốn và những mối quan hệ để kích hoạt giao thương. Qui Nhơn trở thành trung tâm thương mại quan trọng tại đầu mối của một cảng biển lý tưởng, con đường phía tây qua núi, con đường phía Bắc đến Thuận Quảng, và con đường phía Nam đến đồng bằng sông Mêkông.

Trong thế kỷ 18, những nhà cai trị ở Thuận Quảng ngày càng quan tâm đến Bình Định, xem nó như một điểm nối uy quyền của họ với vùng biên giới phía xa. Một nghiên cứu gần đây đã phân tích buổi khởi nghiệp của phong trào Tây Sơn (Tây Sơn nằm ở lưu vực sông giữa Qui Nhơn và An Khê) những năm 1770, xem đó là một sự phản ứng vùng trước những yêu sách của các nhà cai trị Thuận Quảng áp đặt lên vùng này. Ngoài ra, địa điểm Qui Nhơn đem lại những khả năng rõ rệt như một trung tâm quyền lực. Nguyễn Nhạc, người anh cả dẫn đầu cuộc nổi dậy, đã theo đuổi việc trở thành “hoàng đế” tại Qui Nhơn. Trong thập niên 1780, tranh chấp giữa Nhạc và em trai Huệ đã dẫn tới đụng độ để giành quyền kiểm soát Qui Nhơn. Và vào cuối thế kỷ ấy, sự kiểm soát Qui Nhơn trở thành ám ảnh tranh giành của quân Tây Sơn và đối phương của họ, liên tục thay chủ, vây hãm, bao vây lần nữa trong nhiều năm; cả cho đến khi tương quan cuộc chiến đã khiến nơi này không còn quan trọng về quân sự, thì Qui Nhơn vẫn là đối tượng tranh giành, có lẽ ở một mức độ nào đấy, được thèm muốn như một trung tâm thương mại có cảng và kết nối đường bộ với Bangkok.

Đến ngày nay, Bình Định vẫn duy trì tiếng tăm là tỉnh thiện chiến nhất, sản sinh những chiến binh võ nghệ cao cường. Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, người từ Bình Định nắm lấy sân khấu trung tâm trong chính trường và chiến trường của người Việt. Phong trào Tây Sơn, bắt đầu là một hỗn hợp người dân tộc vùng cao, nông dân đồng bằng và lái buôn Trung Hoa, đã bùng nổ tại Bình Định, đưa quân chinh Nam phạt Bắc và thúc đẩy 30 năm chiến tranh giữa các khu vực có người nói tiếng Việt sinh sống. Mặc dù Bình Định không có tài nguyên để trở thành một trung tâm đủ sức khống chế các vùng khác trong bất kì thời gian dài nào, nhưng nó cũng bộc lộ một cái nhìn khu vực về vấn đề làm người Việt. Nó sản sinh là một nhân vật, Nguyễn Huệ, người dẫn quân từ lãnh thổ này sang lãnh thổ khác và đã cố tìm cách thống nhất mọi khu vực của người Việt dưới uy quyền của ông. Việc ông thất bại thường được quy cho là vì cái chết bất ngờ của ông. Nhưng có lẽ người ta đã không dành đủ sự chú ý cho câu hỏi làm thế nào viễn kiến khu vực của Bình Định đã có thể định hình tham vọng của cả ông và những người kế vị yếu kém, và khiến họ dễ bị đe dọa bởi một đối thủ có một viễn kiến khu vực khác. Chừng nào một sức mạnh quân sự tự nguyện và chuỗi dài thắng trận còn là bí quyết giúp có quyền lực chính trị, người của Bình Định có thể chiếm ưu thế. Nhưng khi đối diện với một đối thủ đã thua trận liên tục nhưng luôn đứng dậy, một đối thủ có tầm nhìn chiến dịch lâu dài chứ không chỉ một trận đánh, một đối thủ xem thành công không phải nhờ giao tranh mà là kết quả của tổ chức, rèn luyện, huy động tài nguyên, chuẩn bị, hoạch định và chờ đợi, chờ đợi, chờ đợi, thiên tài Tây Sơn, đứng trước một đối thủ như thế, bỗng chỉ trở thành một sự gan dạ cấp tỉnh. Và đối thủ này xuất hiện từ đâu? Từ Nam Bộ.

Nam Bộ là vùng đồng bằng sông Mêkông, vùng biên cuối cùng của người Việt. Một dân số Khmer lâu đời đã kết giao vào cuối thế kỷ 17 với hàng ngàn người Minh hương đến bằng đường biển; đến cuối thế kỷ đã có một dòng đều đặn những người Việt đến từ miền Bắc. Giữa Nam Bộ và đèo Cả ở đường biên phía Nam Phú Yên, vùng đất ven biển trồng lúa ở ngay phía Nam Bình Định, là 350 cây số lãnh thổ bán khô cằn, thậm chí bỏ hoang (các tỉnh mà nay gọi là Khánh Hòa, Ninh Thuận, và Bình Thuận, hay các thành phố Nha Trang, Phan Rang và Phan Thiết). Ở đây phạm vi dành cho nông nghiệp tương đối nhỏ; số ít những người đến đây sống đã chuyển qua đánh cá. Đây là nơi tập trung những cư dân người Chàm còn sót lại. Trong biểu đồ di dân của người Việt, nơi đây đơn thuần là một con đường lớn giữa Bình Định và Nam Bộ. Đồng bằng màu mỡ phù sa của Nam Bộ là nơi vẫy gọi.

Đến giữa thế kỷ 18, một trăm năm sau khi những đội quân người Việt đầu tiên bắt đầu xuất hiện ở đồng bằng sông Mêkông, sáu tỉnh Nam Bộ được thành lập từ các vùng đất Khmer với sự tham gia nhiệt tình của các nhóm di dân người Hoa rất có tổ chức. Khi Bình Định nổ ra chiến tranh những năm 1770, Nam Bộ trở thành nơi trú ẩn của phe họ Nguyễn từng trị vì Đàng Trong trong hai thế kỷ trước đó. Thành viên của tông tộc này, người sống sót để trở thành lãnh đạo của phe nhà Nguyễn, Nguyễn Ánh, cuối cùng đã xây dựng nền tảng quyền lực tại Sài Gòn ở Nam Bộ và từ đấy đã đi chinh phục toàn bộ các vùng ở miền Bắc nơi người Việt sinh sống, lập nên một vương quốc vào đầu thế kỷ 19 mà trước đó chưa bao giờ tồn tại. Nhìn hời hợt, đây có vẻ là trường hợp vùng biên chống lại trung tâm. Nhưng một quan niệm như thế đặt giả thiết là có tồn tại một “vùng trung tâm” (heartland). Dù đã từng có hay không một “trung tâm” Việt Nam trong thế kỷ 18, thì chắc chắn lúc này nó không tồn tại. Thay vì xem Nam Bộ thế kỷ 18 là một vùng biên mà đã khiến xô đẩy trung tâm, tôi lại muốn xem Nam Bộ chỉ là một khu vực nữa trong quá trình định nghĩa một phiên bản làm người Việt, khu vực này bắt đầu cạnh tranh ưu thế với toàn bộ những phiên bản khu vực khác của việc làm người Việt.

Tôi sẽ thảo luận phiên bản làm người Việt của Nam Bộ bằng cách nhắc tới ba nhận xét sau: địa hình, sự đa dạng về người, và kinh nghiệm con người. Đầu tiên, Nam Bộ, khác với tất cả các khu vực khác, không có một biên giới địa lý rõ ràng; nó không được định nghĩa bằng địa hình. Biên giới phía tây của Nam Bộ chạy qua đồng bằng sông Mêkông từ cao nguyên trung phần ở đông bắc ra biển ở tây bắc. Đó là kết quả của chiến tranh và thương lượng chứ không phải của bất kì yếu tố địa hình địa vật nào. Nơi duy nhất mà đường biên giới thời cận đại tuân thủ mốc cắm trên đất là tại kênh Vĩnh Tế, xây hồi đầu thế kỷ 19, giữa sông Mêkông và biển, nhưng đây là một trường hợp của công trình con người áp dụng vào địa hình để tạo nên một biên giới. Điều mà tôi muốn nhận xét là khía cạnh địa lý của Nam Bộ là tính rộng mở, dễ tổn thương, tính có thể. Tương đối có ít cảm thức về tính cố định, ràng buộc, định hướng. Điểm đặc trưng chính là dòng nước chảy liên tục qua khu vực này từ lưu vực Campuchia ra biển và sự gặp gỡ các dòng thủy triều. Những tính chất này, cùng với đất phì nhiêu và đầy ắp sản phẩm từ sông và biển, khuyến khích một sự mong chờ thay đổi, vận động và lựa chọn thay vì mọi cảm giác hạn chế và gắn bó vốn là tính chất điển hình hơn ở địa hình giới hạn của các khu vực khác tại Việt Nam.

Sự đa dạng trong định cư của con người tại Nam Bộ bổ sung thêm một khía cạnh nữa cho tính mở của địa hình. Người Khmer, Trung Hoa và Việt đều có mặt ở đó với đủ số lượng để đòi hỏi một sự thừa nhận lẫn nhau. Nam Bộ là một nơi gặp gỡ về văn hóa và ngôn ngữ. Những quan hệ chức năng, trung thành cá nhân, và hy vọng vào tương lai có ý nghĩa quan trọng hơn dòng họ hay những quyến rũ của quá khứ. So với bất kì khu vực nào khác, ở đây có nhiều hơn những kinh nghiệm, quen thuộc và tôn trọng sự giao tiếp với những dân tộc không phải người Việt và những nơi chốn. Nam Bộ kết nối với thế giới của người Việt bằng một con đường hẹp ven biển 350 cây số đi qua những vùng đất tương đối cằn cỗi, ít dân cư. Mặt khác, Nam Bộ tọa lạc ở một trung tâm tiềm năng về giao dịch quốc tế đang trỗi dậy. Nam Bộ là một khu vực của người Việt có nhiều triển vọng nhất cho việc sát nhập những cái nhìn mới vào một phiên bản làm người Việt.

Một điều rất quan trọng cho mục đích của tôi là người ta không nên xem quan điểm Nam Bộ này là một điều “ít chất Việt Nam hơn”, dù chất ấy có nghĩa là gì. Không có phiên bản vùng nào của việc làm người Việt mà tôi đang thảo luận lại có chất Việt Nam “chân thật” hơn cái khác. Ý niệm về tính trung tâm văn hóa là một sự xây dựng ý thức hệ cưỡng bức với một mục đích chính trị rõ rệt. Chỉ khi chúng ta có thể chấp nhận Nam Bộ là một địa điểm chính trị và văn hóa chân thật y như các địa điểm khác, thì chúng ta mới bắt đầu nhìn thấy những gì đã xảy ra vào đầu thế kỷ 19 là một sự kiện lịch sử thật sự chứ không phải, như người ta thường khẳng định trong mấy thập niên gần đây, là một sự sửa đổi sai quấy của một tiến trình lịch sử được tưởng tượng.

Nguyễn Ánh là người đầu tiên tổ chức Nam Bộ thành một khu vực đủ sức tranh dự thành công trong chiến cuộc và chính trị giữa các vùng tại Việt Nam. Sự nghiệp của ông là câu chuyện về những thất bại và lưu vong triền miên, nhưng cũng là chuyện về sự kiên trì và học từ thất bại; nó bộc lộ một kinh nghiệm con người về tiềm năng thành một khu vực tại Việt Nam của Nam Bộ. Các phẩm chất lãnh đạo của Nguyễn Ánh bắt đầu tìm thấy chỗ phát triển trong thập niên 1780 vào lúc, sau khi phụng sự như một chư hầu của Vua Xiêm, ông củng cố mình ở Sài Gòn và lấy Nam Bộ làm một quyền lực quân sự mới. 20 năm sau, ông là chủ của tất cả các khu vực Việt Nam. Nguyễn Ánh thắng thế nhờ sự vượt trội thủy quân và khả năng vận chuyển toàn bộ quân đội bằng đường biển. Ông làm được điều này bằng cách tập hợp lực lượng quốc tế gồm những chiến binh và kỹ thuật viên giỏi. Tùy tùng của ông gồm người Chàm, Trung Hoa, Xiêm, Lào, Miến Điện, Mã Lai và Pháp. Bất kì ai có khả năng đóng tàu, lái thuyền, pháo binh, sản xuất và xây thành đều được hoan nghênh ở Sài Gòn.

Một khía cạnh khác trong chiến thắng của Nguyễn Ánh là sức sống và năng lực của mối liên hệ thương mại giữa cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn và Bangkok, một yếu tố mà Bình Định không thể tranh đua. Người sáng lập Bangkok, Rama I, đã chinh chiến ở Campuchia, và binh đoàn năm 1784 của ông đi xuống Mêkông đánh quân Bình Định ở Nam Bộ chắc chắn không chỉ là một cử chỉ thân thiện huynh đệ với Nguyễn Ánh, người ông có liên minh trong chiến dịch đó; các quyền lợi buôn bán cũng ngự trị. Một vài năm sau, khi Nguyễn Ánh chuyển khỏi Bangkok để thiết lập căn cứ ở Sài Gòn, thì những quyền lợi thương mại chắc chắn không tách rời. Nhân chứng người Bồ Đào Nha đã chứng thực sự có mặt của nhiều thương nhân người Hoa tại Sài Gòn trong những thập niên cuối của thế kỷ 18.

Ngoài việc đặt một chốt chặn của người Việt đối với mạng lưới thương mại Trung Quốc đặt trung tâm ở Bangkok, bước chuyển vào Sài Gòn của Nguyễn Ánh còn mang lại một kiểu chiến tranh mới giữa những người nói tiếng Việt, kiểu chiến tranh mà Nguyễn Ánh đã học khi chinh chiến cùng Rama I chống quân Miến Điện. Kiểu chiến tranh của người Việt đã thường có xu hướng nghĩ đến yếu tố lãnh thổ, dù là để đánh chiếm hay phòng thủ. Nó ngược với kiểu kiểm soát nhân lực, vốn thể hiện rõ rệt hơn trong người Xiêm. Thay vì chỉ chiếm lãnh thổ để phòng thủ, Nguyễn Ánh đã thu hút và lãnh đạo một đoàn tùy tùng gồm những cá nhân tham vọng, tranh đua, tất cả muốn thể hiện sự ưu tú để tiến thân; trong các “chiến dịch theo mùa” của ông hồi đầu thập niên 1790, ông đã tập hợp người có hiệu quả hơn là việc lấy đất, và người ta tự hỏi rằng liệu đó có phải là ưu tiên cấp thời của ông khi ấy hay không. Chuyện chinh phục quần thần vốn chẳng phải mới lạ gì với người Việt, nhưng khả năng của Nguyễn Ánh trong việc mở cửa cho những người không phải người Việt, và cho những người đang trở thành người Việt Nam Bộ, là một điều chưa từng có. Những dấu hiệu thể hiện điểm đặc biệt này đã được trình bày qua thơ như thế nào có thể tìm thấy trong những sáng tác được cho là của nhà thơ đầu tiên của Nam Bộ, Mạc Thiên Tích (1706-1780).

Mạc Thiên Tích là con trai của Mạc Cửu, một người Hoa vào cuối thế kỷ 17 thiết lập một trung tâm buôn bán và đặt ưu thế địa phương ở Hà Tiên; trong thế kỷ 18, Mạc Cửu bày tỏ sự trung thành với các chúa Nguyễn ở Đàng Trong và khi ông qua đời năm 1735, Mạc Thiên Tích kế nghiệp cha. Trong thập niên 1770, Mạc Thiên Tích đến Bangkok trong đoàn tùy tùng của Nguyễn Ánh, nơi xảy ra các mưu toan dẫn đến cái chết của ông năm 1780.

Các bài thơ của Mạc Thiên Tích thể hiển cách thức một vị quý tộc Nam Bộ có học quan sát khu vực của ông vào lúc nó sắp trở thành tổng hành dinh của một cuộc chinh phục chưa từng có đối với toàn bộ các vùng của Việt Nam. Có một cảm thức trông chờ, thay đổi, đa dạng và khả biến, về tự do và không phân biệt. Trong một bài thơ có chủ đề sáo mòn về bình minh, nhà thơ bộc lộ một cảm giác sắc bén về đổi thay và vận động với một sự khẳng định mạnh mẽ về tính ưu việt của Phật giáo; cảnh đồng quê thức dậy trở thành ẩn dụ cho việc đạt đến một cảnh giới nhận thức:

TIÊU TỰ THẦN CHUNG

Tàn tinh liêu lạc hướng thiên phao
Mậu dạ kình âm viễn tự xao
Tịnh cảnh nhân duyên tình thế giới
Cô thinh thanh việt xuất giang giao
Hốt kinh hạc lệ nhiễu phong thụ
Hựu súc ô đề ỷ nguyệt sao
Đốn giác thiên gia y chẩm hậu
Kê truyền hiểu tín diệc liêu liêu.

Dịch nghĩa:

Bóng sao tàn thưa thớt lặn dần trên nền trời
Đêm đã đến canh năm, tiếng kình thỉnh từ chùa xa
Tiếng chuông trong hoàn cảnh yên tịnh, khiến cho người nhân đó mà tỉnh ngộ chuyện đời
Tiếng chuông cô đơn nổi lên đồng vọng khắp sông nước, khắp đồng nội
Tiếng chuông làm kinh động tiến chim hạc vương trên cành cây gió thoảng
Tiếng chuông lại chạm đến tiếng chim quạ cất trên ngọn cây trăng lồng
Nghĩ rằng mọi người đều thức giấc sau đêm nghiêng gối
Tiếng gà truyền tin sáng cũng đã văng vẳng đó đây.

Ở đây, dấu hiệu báo sáng sớm điển hình, tiếng gà, lại đến sau cùng, sau khi nhà thơ đã để ý một loạt các dấu hiệu tỉnh giấc bao gồm vòng xoay suốt ngày đêm của thế giới con người và tự nhiên; nhà thơ tọa vị phía trước dấu hiệu thông thường về sáng sớm, trước âm thanh của tiếng chim nuôi mà thông thường vẫn mở đầu cho hoạt động xã hội trong các công thức văn chương. Phần đầu của bài thơ là về cảnh và âm thanh, ngôi sao lặn và chuông chùa, báo hiệu cho người xem và người nghe về thay đổi sắp đến, sự chuyển tiếp từ đêm sang ngày, từ ngủ sang hành động; khoảnh khắc đi trước và tiến vào thời khắc đổi thay này là nơi nhà thơ đặt ao ước diễn cảm của ông, thay vì khi bình minh đã xong – giây phút bình minh đã xong được thêm vào như một ý nghĩ muộn vào cuối bài thơ với dấu hiệu ấn định của tiếng gà gáy. Có thể đọc trong bài thơ này hương vị của khoảnh khắc trước rạng đông của Nam Bộ, sự thức tỉnh của nó trước lúc nhận ra mình trở thành một nơi riêng biệt tại Việt Nam. Sự nhắc đến chữ “tin” trong bài thơ có thể đã có một âm vang xâm nhập và báo điềm ở một thời điểm và một nơi của những đoàn quân và lãnh chúa đang có tham vọng như Nam Bộ thế kỷ 18; những người tỏ ra tự tin và oai vệ mà sắp sửa xuất hiện.

Bài thơ thứ hai đề cập một cảnh văn chương sáo mòn khác, xem ánh trăng phản ánh trong nước, theo một cách có gì đó hơi lật đổ:

ĐÔNG HỒ ẤN NGUYỆT

Vân tể yên tiêu cộng diểu mang
Nhất loan phong cảnh tiếp hồng hoang
Tình không lãng tịnh truyền song ảnh
Bích hải quang hàn tiển vạn phương
Trạm khoát ứng hàm thiên đãng dạng
Lãm linh bất quí hải thương lương
Ngư long mộng giác xung nan phá
Y cựu băng tâm thượng hạ quang.

Dịch nghĩa

Mây tạnh, mây tan trong cõi mênh mông bát ngát
Một vùng phong cảnh tiếp liền với cõi rộng lớn
Phía trên, sáng sủa trong trẻo, phía dưới sóng nước yên tĩnh lặng lẽ, truyền nhau đôi bóng
Mặt biển biếc, ánh sáng lạnh, khắp bốn phương sạch sẽ
Sâu rộng ngâm chứa cả trời rộng lớn
Lạnh lẽo không thẹn với biển mênh mông
Con ngư con long tỉnh mộng, trở mình vùng vẫy cũng không làm phá vỡ được
Một tấm lòng băng vẫn rực rỡ chói chang y như cũ.

Những suy tưởng quy ước về việc trăng phản chiếu trên nước và quan tâm hình ảnh nào là thật, hình nào là ảo giác đều không có trong bài thơ này. Mọi cảm giác ưu việt hay thứ bậc tôn ti đều không có, khi “đôi bóng” treo lơ lửng trong sự bao la không phân biệt của trời và nước; trong câu thứ ba, sự hòa nhập của trời và nước trong một viễn cảnh về sự thống nhất của chúng bao hàm sự tự do vùng vẫy không cần nhìn lại. Con ngư con long, những ẩn dụ thay cho nhà cai trị và tùy tùng, tràn đầy giấc mơ và phối hợp, nhưng quá trình thức tỉnh và hành động thì không hoàn tất; những nỗ lực “phá vỡ” để tiến đến hiểu biết và hoàn thành của họ bị ngăn chặn. Bị ngăn chặn bởi cái gì? Cái ý tôi dịch sang tiếng Anh là “loyalty” (trung thành) thì nguyên gốc có nghĩa là “băng tâm”, một thành ngữ quy ước chỉ “sự trinh bạch” của phụ nữ và “tính cao thượng” của đàn ông; nó có nghĩa là tính chất đáng tin cậy, bền lòng, trung trinh, trung thực với mình. Phẩm chất này được xem là đã luôn “y như cũ”, không phải phụ thuộc vào những giấc mơ của “con ngư con long”, với những cuộc tranh đua của chúng vốn chỉ mang tính phù du. Hiệu ứng của bài thơ này là một nhận thức về thiên nhiên và vũ trụ như một sự thống nhất vượt qua những tu từ phân biệt của nhà thơ hay mưu toan của nhà cai trị, đó cũng là một nhận thức về quy tắc hành xử con người không cần đến “văn chương” hay “chính quyền”. Hiệu ứng này còn rõ rệt hơn trong bốn dòng thơ cuối cùng của bài thứ ba nhan đề Thạch Động Thôn Vân, một bài suy tưởng về đỉnh đá núi:

Phong sương cửu lịch văn chương dị
Ô thố tàn di khí sắc đa
Tối thị tinh hoa cao tuyệt xứ
Tùy phong hô hấp tự ta nga

Dịch nghĩa

Trải qua nhiều phong sương, càng thêm nét sáng đẹp lạ lùng
Bóng ác bóng thỏ (mặt trời mặt trăng) thường di chuyển, khí sắc thêm nhiều
Chắc hẳn đây là nơi tinh hoa cao tuyệt rồi
Tự do theo gió, thở hút ở trên chót vót thượng từng.

Không giống như thiên nhiên mang tính chất như vườn, chịu ở dưới nỗ lực của con người như trong thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm và nhiều nhà thơ xứ Bắc, không giống sự ca tụng niềm vui con người giữa thiên nhiên hoang sơ trong thơ Đào Duy Từ ở Đàng Trong, Mạc Thiên Tích xem thiên nhiên như một tác nhân động vừa khơi hứng vừa hạn chế nỗ lực con người. Dòng thứ nhất ở trên cho thấy các thói quen văn chương chắc chắn thay đổi khi chuyển vào Nam Bộ; không cần phải xin lỗi cho tính không chính thống. Dòng thứ hai ngụ ý những kế hoạch thống nhất của người có tham vọng làm vua thường xuyên bị ngăn trở và buộc phải thay đổi ở Nam Bộ; không cần phải xin lỗi cho sự đa dạng. Trong hai dòng cuối, có thể đọc như một ẩn dụ cho Nam Bộ, một nơi có những khí sắc riêng, một nơi mà những lựa chọn chỉ dành cho những ai “tự do theo gió”, dấu hiệu của việc đi theo khát vọng cá nhân, và xem những khả năng “trên chót vót thượng từng”. Tôi đã dừng lại ở thơ của Mạc Thiên Tích bởi vì Nguyễn Ánh có thể đã là người Việt Nam đầu tiên “theo gió” ở Nam Bộ và nhìn về phía Bắc từ “chót vót” của Nam Bộ.

Cú đánh kết liễu của Nguyễn Ánh năm 1801 là thông qua việc chuyển toàn bộ quân bằng đường biển, bỏ qua Bình Định (nơi quân của ông bị Tây Sơn vây hãm), và chiếm Thuận Quảng; nhờ thế, trong một nước cờ khéo léo, ông đã làm vây hãm quân Tây Sơn ở Bình Định và mở rộng đường ra Bắc. Trong chiến dịch ra Bắc, ông lại được hỗ trợ nhờ sự có mặt của quân đồng minh Lào qua đường núi từ phía tây đi vào Thanh Nghệ và nhờ việc là Đông Kinh đã không đứng lên chống lại ông. Nhưng người ta phải nhớ rằng những sự kiện này xảy ra sau nhiều năm chuẩn bị, thất vọng, hoạch định kỹ lưỡng, chờ đợi kiên nhẫn, và một viễn kiến về sức mạnh đường biển và hoạt động điều phối rộng khắp mà không đối thủ nào sánh bằng. Viễn cảnh chiến thắng của Nguyễn Ánh được tạo dựng ở Nam Bộ. Khi ông quyết định cai trị từ Huế, gần mộ tổ tiên ở Thuận Quảng, ông đã khiến những người kế vị mất đi tầm nhìn mà đã từng giúp ông chiến thắng và khiến cho Nam Bộ dễ bị các sức mạnh khác tấn công. Chỉ 40 năm sau khi ông qua đời năm 1820, Nam Bộ đã trở thành tổng hành dinh của người Pháp ở châu Á.




Xung đột vùng miền (2)
Thursday, December 21, 2017 Author: Trường An

Sự hỗn loạn trong đầu thế kỷ 16 thể hiện qua những cuộc nổi dậy của nông dân ở Đông Kinh, mà lớn nhất là của Trần Cao. Đó là một nhà sư tự nhận mình là Đế Thích giáng sinh và hậu duệ nhà Trần. Những sự hỗn loạn này có thể dễ dàng được hiểu là phản ứng mang tính Phật giáo của Đông Kinh trước thay đổi được gán cho triều Lê của Thanh Nghệ và yếu tố Nho giáo của nó. Nhân vật tái lập trật tự ở Đông Kinh, Mạc Đăng Dung, là thành viên trong cùng gia đình họ Mạc mà từng ủng hộ nhà Minh một thế kỷ trước. Ông tập hợp nhóm cận thần mở rộng cửa cho các gia đình Đông Kinh và thành công trong việc huy động sự ủng hộ địa phương. Một chi tiết quan trọng nhưng ít được nhắc tới là Đông Kinh đã trung thành sâu sắc với gia đình họ Mạc trong thế kỷ 16 và Đông Kinh đã cứng rắn chống lại cuộc chinh phục của đoàn quân Thanh Nghệ vào cuối thế kỷ này.

Trịnh Tùng, người dẫn đầu cuộc chinh phục của Thanh Nghệ đối với Đông Kinh trong thập niên 1590, đã tổ chức sự chiếm đóng quân sự tại Đông Kinh mà vẫn còn thể hiện rõ khi Alexander de Rhodes sống ở đó trong thập niên 1620 và 1630. Alexander de Rhodes tường thuật, có vẻ với sự phóng đại, rằng 50.000 lính từ Thanh Nghệ đóng thường trực tại “hoàng thành” ở Đông Kinh để bảo vệ những người trị vì và đàn áp các cuộc nổi dậy ở các tỉnh xung quanh Hà Nội. Bên cạnh đó còn là các đoàn thủy quân lớn tuần tra trên sông “để bảo vệ ông hoàng trước mọi phe phản loạn”. Cho đến tận năm 1630, các cuộc càn quét của họ Mạc từ thung lũng Cao Bằng phía Bắc, nơi nhà Mạc tiếp tục trị vì cho đến thập niên 1670, thể hiện dư âm cuộc nổi dậy chống lại nhà Trịnh của những cư dân vùng phía đông Đông Kinh. Cho mãi đến thập niên 1650, dưới sức ép của thất bại quân sự ở miền Nam, nhà Trịnh mới bắt đầu thu phục nhiều người Đông Kinh dưới trướng của họ. Kết quả của việc này là cuộc xung đột phe nhóm kéo dài dựa trên các cạnh tranh quyền lợi địa phương. Các căng thẳng tương tự cũng thể hiện trong các cuộc nổi loạn lan rộng hầu khắp Đông Kinh trong thập niên 1740, 1750 và 1760 khi các đoàn quân nông dân địa phương bị lính từ Thanh Nghệ đàn áp sau nhiều năm đánh nhau.

Qua những gì trình bày, điều mà tôi hi vọng thể hiện là cuộc xung đột vùng giữa Đông Kinh và Thanh Nghệ là đặc điểm nổi bật trong hình dung của chúng ta về một kinh nghiệm lịch sử Việt Nam. Đông Kinh là đồng bằng trồng lúa rộng lớn với dân số tương đối đông dọc các dòng sông và biển; người dân ở đây xem vùng rừng núi chủ yếu là điều gì đó xa lạ. Thanh Nghệ chạy dài vào miền Nam với đồng lúa thưa thớt giữa các đồi và núi; đồi núi ở nhiều nơi kéo dài ra vùng duyên hải; những người trồng lúa sống như các láng giềng gần của các nhóm miền cao có cách sống ít mang tính nông nghiệp hơn. Trong nhiều thế kỷ, Đông Kinh dày đặc các chùa chiền và lâu đài; các quan lại người Trung Hoa và vua nước Việt đã cai trị ở Đông Kinh nhiều thế kỷ. Trong nhiều thế kỷ, Thanh Nghệ là vùng biên giới tương đối hoang vu giữa Đông Kinh và khu vực người Chàm ở phía Nam. Bắt đầu với Hồ Quý Ly và sau đó với Lê Lợi, Thanh Nghệ trở thành khu vực của các vị vua và lãnh chúa có khao khát thống trị Đông Kinh; đó là nơi tuyển quân cho triều đình và là quê hương của những người nghĩ rằng họ phải lao động kham khổ giữa sự nhũng lạm miền Bắc của Đông Kinh. Đông Kinh, mặc dù có liên hệ chặt chẽ hơn với văn hóa Trung Hoa, không thể cạnh tranh về mặt quân sự với Thanh Nghệ, bởi vì đằng sau Thanh Nghệ là một vùng rộng lớn của những người nói tiếng Việt, một kho tiềm tàng nguồn nhân lực bổ sung lính nhập ngũ, những người không quen với và không chịu ràng buộc bởi những lề thói của người nông dân trồng lúa. Đổi lại, Thanh Nghệ không thể thống trị khu vực nếu nó mở rộng ra ngoài tầm với của Thanh Nghệ; trong thế kỷ 17, nỗ lực trong suốt nhiều năm của Thanh Nghệ muốn kiểm soát các lãnh địa nằm sâu về hướng nam đã kết thúc trong thất bại. Vậy loại khu vực nào xuất hiện sau Thanh Nghệ?

Đèo Ngang và dải Hoành Sơn, ở biên giới phía Nam của Thanh Nghệ, đã là mũi phía Nam của vương quốc người Việt trong nhiều thế kỷ. Đằng sau nó là một đồng bằng hẹp dọc biển, rộng khoảng 30 cây số giữa núi và biển, kéo dài khoảng 250 cây số đến đèo Hải Vân. Khu vực này, thời hiện đại gồm các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên, được các nhà cai trị người Việt trong thế kỷ 15 và 16 gọi là Thuận Hóa; nó bao gồm các lãnh thổ thay phiên bị chiếm, bị chinh phục bởi những nhà cai trị Trung Hoa và Việt Nam suốt nhiều thế hệ, nhưng cho đến thế kỷ 15, nó vẫn là vùng biên giới tranh chấp bởi các vua Chàm. Trong thập niên 1470, vua Lê Thánh Tông đưa quân vượt qua Thuận Hóa, chinh phục và đóng quân trên ba trăm cây số lãnh thổ dọc biển nằm giữa đèo Hải Vân và đèo Cù Mông, mà khi đó gọi là Quảng Nam, nay là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Diễn biến này mở cửa biên giới phía Nam cho sự bành trướng chưa từng có của người Việt.

Danh từ “Nam tiến” đã trở thành một phạm trù quan trọng trong cách viết sử của Việt Nam. Dù được nhìn tiêu cực như sự xâm chiếm hay tích cực như một sức mạnh, thì danh từ này thường được phân loại như một điều có sẵn trong cái gọi là tính cách Việt Nam, một tiến trình đã diễn ra trong suốt lịch sử Việt Nam, và theo mô hình này, nó được xác định là bắt đầu từ thế kỷ 10 khi người Việt được cho là đã thoát khỏi sự kiểm soát của sự cai trị Trung Hoa. Tôi thì muốn chia phạm trù này thành những chương cụ thể và xem những sự hình thành khác nhau của các sự kiện tại các thời điểm và nơi chốn khác nhau. Lãng mạn hóa hay chê trách việc mở rộng về phía Nam của người Việt trong tiến trình nhiều thế kỷ cũng đều khiến chúng ta không thấy được những gì đã xảy ra ở một thời điểm hay nơi chốn nhất định. Tôi sẽ không nói về Nam tiến. Thay vào đó, tôi sẽ nói về sự hình thành các phiên bản mới của việc làm người Việt Nam ở ba khu vực vừa mới có người Việt sinh sống ở bên ngoài đèo Ngang: Thuận Quảng, Bình Định và Nam Bộ.

Nơi đầu tiên của các vùng này tôi sẽ gọi là Thuận Quảng, một cách nói tắt từ hai vùng Thuận Hóa và Quảng Nam của thế kỷ 15 và 16, nhưng đã được định nghĩa lại cho mục đích của tôi để loại trừ khu vực sâu trong phía Nam, Bình Định, một nơi có sức mạnh khu vực riêng của nó trong thế kỷ 18. Như thế Thuận Quảng ở đây là tập trung vào một trung tâm chính trị ở Phú Xuân (Huế) và một trung tâm buôn bán ở Hội An và Đà Nẵng. Sự trỗi dậy của Thuận Quảng với tư cách một trung tâm quyền lực khu vực mới trong hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa đã bắt đầu bằng việc di dời của Nguyễn Hoàng và tùy tùng vào khu vực này năm 1558. Nguyễn Hoàng xuất thân từ Thanh Nghệ và liên minh với các phe khác của Thanh Nghệ chống lại nhà Mạc ở Đông Kinh. Trong thập niên 1590, Nguyễn Hoàng đưa quân từ Thuận Quảng tham gia vào các chiến dịch chặng cuối đuổi quân Mạc ra khỏi Đông Kinh. Tuy vậy, các nỗ lực của Trịnh Tùng muốn đặt Nguyễn Hoàng ở dưới uy quyền của ông ta thất bại, và vào năm 1600, Nguyễn Hoàng quay về Thuận Quảng và củng cố sức mạnh của gia đình tại đó.

Trong những năm 1620, căng thẳng giữa những người con của Trịnh Tùng và Nguyễn Hoàng bùng nổ thành cuộc chiến, và giao tranh kéo dài hơn 50 năm. Các từ áp dụng cho hai bên thể hiện một cảm thức mạnh mẽ của sự phân biệt không gian. Vương quốc phía Bắc, do họ Trịnh cai trị, được gọi là Đàng Ngoài, và vương quốc phía Nam của họ Nguyễn được gọi là Đàng Trong. Các từ “ngoài” và “trong” có thể hiểu đơn giản như ngôn từ phân cách tính chất trung ương và bên lề, hoặc chúng có thể được soi sáng bằng một cặp diễn đạt khác đươc sử dụng trong thế kỷ 15 để diễn tả việc đi lại dọc trục Bắc – Nam: vào Nam, và ra Bắc. Ý niệm về việc đi “vào” phía Nam và “ra” Bắc, miền Nam “ở trong” và miền Bắc “ở ngoài” đã được giáo sư Nguyễn Tài Cẩn phân tích dựa trên kinh nghiệm đi lại giữa vùng đồng bằng mở của sông Hồng với Hà Nội là trung tâm và các lãnh thổ hẹp phía nam bị hạn chế giữa núi và biển. Giải thích này là khả tín khi dựa trên trải nghiệm địa hình của con người.

Làm thế nào những người sống “ở trong” không gian miền Nam hẹp có thể chống đỡ các đợt tấn công liên tiếp của người sống “ở ngoài” trên đồng bằng rộng lớn? Những người “bên trong” đã không chỉ vượt qua sáu chiến dịch lớn của người “bên ngoài” mà họ cũng phản kích và chiếm cứ nhiều nơi của Thanh Nghệ trong nhiều năm của thập niên 1650 trong lúc đồng thời đưa đội quân đầu tiên của người Việt vào đồng bằng sông Mêkông. Liệu việc “ở trong” có đem lại lợi thế nào không? Dường như là có, bởi vì những người miền Nam tận dụng “sự ở trong” của họ bằng cách đắp lũy giữa biển và núi ở cửa bể Nhật Lệ tại Đồng Hới, cách không xa nơi được thừa nhận là biên giới giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong tại sông Gianh. Đằng sau các lũy, những nông dân – quân đội sống chen chúc trong các làng – chốt gác tự túc. Trong toàn bộ các trận chiến của thế kỷ 17, người Bắc chưa bao giờ vượt qua nơi này. Họ chưa bao giờ “vào được trong”? Tại sao?

Một cách giải thích là người miền Nam bảo vệ lãnh thổ của họ trong khi người miền Bắc cách xa nhà ở một nơi không quen thuộc. Ngoài ra, mỗi năm chỉ có một khoảng thời gian ngắn thuận lợi cho giao chiến vì sự hạn chế của mùa khô khi quân đội có thể di chuyển, hạn chế gió để giúp hoạt động thủy quân, và thiếu tiếp viện từ miền Bắc; nếu người miền Nam đơn giản chỉ kháng cự đủ lâu, người miền Bắc sẽ phải lui quân trước khi đường tiếp tế của họ cạn kiệt hoặc trước khi có thay đổi về gió và có mưa. Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh là những cân nhắc chiến lược này gắn với một tình thế cụ thể, một địa hình cụ thể, và rằng chúng không được trải qua như những quan niệm trừu tượng mà như những khả năng thật sự.

Một sự xem xét kỹ địa hình ở Đồng Hới và những nỗ lực củng cố nơi này bằng lũy của con người cho ta thấy một không gian tương đối nhỏ giữa núi và biển mà để qua nơi này chỉ có hai tuyến đường khả dĩ: một “đường núi” ở phía tây băng qua những đồi thấp dưới chân núi và một “đường biển” ở phía đông băng qua rìa cồn cát ở bờ biển. Ở giữa hai tuyến đường này là một dải rộng của sông và đầm lầy. Rõ ràng người miền Bắc không có khả năng vượt qua nơi này chỉ bằng thủy quân; nếu không có bộ binh, lực lượng thủy quân của họ không phải là đe dọa thật sự cho phía Nam Đồng Hới. Một phần là vì ưu thế vượt trội của thủy quân miền Nam, những người đã học từ người Bồ Đào Nha cách trang bị và sử dụng súng đại bác trên thuyền, nhưng ngay cả nếu không có điều này, thì khả năng bảo vệ bờ biển của phía Nam có vẻ vẫn vượt trội hơn quân miền Bắc nếu không có hỗ trợ của bộ binh. Sự nghiên cứu này cho thấy địa hình tại Đồng Hới trở thành tâm điểm của giao tranh, nó nằm ngay trong biên giới và ở một nơi mà chọn lựa di chuyển bằng đường bộ bị hạn chế ở hai tuyến đi lại hạn hẹp. Việc áp dụng trí tuệ con người tại địa hình này đã tạo nên một hệ thống tường trải dài từ các ngọn núi ở hai nơi khác nhau và bao gồm các thành lũy dọc bờ biển ở trên các đụn cát.

Tôi đã dừng lại ở Đồng Hới bởi vì chính tại đây ba thế hệ các lãnh tụ vùng đã liên tục đụng trận, nơi Đàng Ngoài và Đàng Trong đã thử thách và định lượng sự phân cách của họ. Tại sao những bản sắc và tham vọng vùng này lại thể hiện bằng đại bác, gươm và voi trận thay vì bằng những phương thức giao tiếp ôn hòa hơn như thương thuyết và nhượng bộ? Một giải thích thu hút và thường được trích dẫn là việc chỉ ra rằng, trong những năm này, Trung Quốc đang trải qua giai đoạn dài thay đổi triều đại và, khi không có sự đe dọa can thiệp của Trung Quốc, người Việt không cưỡng được nội chiến. Nhưng có ít nhất ba luận cứ chống lại quan niệm này. Đầu tiên, biện luận ở trên sẽ không giải thích được cuộc chiến Đông Kinh với Thanh Nghệ kéo dài hầu hết thế kỷ 16, trừ phi người ta muốn nói rằng vào thời đó, sự suy thoái của triều Minh đã loại bỏ mối đe dọa can thiệp của Trung Quốc, nhưng như thế điều này trở thành một kiểu giải thích rất không chính xác, thậm chí tùy tiện. Thứ hai, việc Trung Quốc tiếp tục là một yếu tố trong chính trị Việt Nam trong suốt thời chiến tranh thế kỷ 16 và 17, ngay cả trong giai đoạn chuyển tiếp triều đại, bị bỏ qua quá dễ dàng. Trong thế kỷ 16, các lãnh đạo Thanh Nghệ gắng sức nhờ đến hành động của nhà Minh để chống lại Đông Kinh. Một đội quân Minh đã đến trong những năm 1540, nhưng xung đột đã tránh được nhờ nỗ lực ngoại giao của nhà Mạc. Sau khi họ chinh phục được Đông Kinh, những cố gắng của họ Trịnh nhằm tiêu diệt hẳn đối thủ đã bị cản trở suốt gần tám thập niên bởi sự bảo vệ của nhà Minh, sau đó là nhà Thanh, dành cho họ Mạc ở tỉnh Cao Bằng nơi biên giới với Trung Quốc.

Thứ ba, chắc chắn là sai lầm khi giải thích xung đột vùng ở Việt Nam là vì thiếu đe dọa từ ngoài, cứ như thể một trong số ít những điều, nếu không phải là điều duy nhất, khiến người Việt Nam trở thành một loại người riêng biệt là nhờ một phản ứng chung hay thống nhất trước mối đe dọa can thiệp của nước ngoài. Điều này đơn giản là sự kiêu ngạo của cách viết sử dân tộc chủ nghĩa đã biến “tinh thần chống ngoại xâm” thành tố chất vĩnh cửu trong “bản sắc Việt Nam”. Việc đi tìm ở Trung Quốc hay nơi khác những giải thích cho chuyện xảy ra ở Việt Nam không còn là một chiến lược phân tích làm thỏa mãn, đặc biệt khi một cách nhìn sự việc đáng tin hơn rõ ràng ở ngay trước mắt. Nếu chúng ta có thể bỏ ra khỏi đầu óc mình quan niệm về “chất Việt Nam” như một đối tượng tri thức và thay vào đó, xem xét cẩn thận điều mà những người chúng ta gọi là người Việt đã làm ở những thời điểm và nơi chốn cụ thể, thì khi đó chúng ta sẽ bắt đầu nhìn thấy bên dưới lớp âm thanh, ngữ âm, lời nói chung, hay bất kì cách tưởng tượng nào của chúng ta về hiện tượng ngôn ngữ con người, là những con người khác biệt mà cái nhìn của họ về bản thân và người khác dựa vào địa hình vùng họ sống và dựa vào những trao đổi văn hóa có được tại vùng đó.

Liệu có còn quá ngạc nhiên là Đàng Trong đã chống lại uy quyền của Đàng Ngoài tại Đồng Hới trong nhiều thế hệ và nhiều trận đánh khi chúng ta nhớ lại rằng những dân tộc mà ta gọi là Chàm trước đó đã từng kháng cự uy quyền miền Bắc cũng tại chính nơi này trong hàng trăm năm? Liệu có khó hiểu được là dân tộc chúng ta gọi là người Việt, những người mới đến sống ở đây, lại có một thái độ trước quyền lực miền Bắc theo nhiều cách cũng tương tự các cư dân trước đây? Thay vì dõi mắt về Trung Quốc phía Bắc để phân tích, có thể đã đủ khi quan sát kỹ hơn Thuận Quảng và xem xét làm thế nào sự định vị chiến lược và văn hóa của những người nói tiếng Việt tại một nơi mà trong nhiều thế hệ là của người Chàm lại có thể giúp soi sáng và giải quyết nỗ lực tìm hiểu của chúng ta. Những cư dân mới đến đã thờ phụng các vị thần của các cư dân cũ. Chuyện họ cũng thừa hưởng những kẻ thù của cư dân cũ gây ngạc nhiên chỉ bởi vì mức độ tuyên truyền ý thức dân tộc chủ nghĩa nhắm vào người của thế kỷ 20. Có thể hữu ích hơn nếu ta không nói về cuộc Nam tiến của dân tộc Việt, mà thay vào đó, nói về sự hình thành những phiên bản mới của việc làm người Việt ở lãnh thổ trước đây của người Chàm và các dân tộc khác.

Một sự biểu lộ về khác biệt giữa “những phiên bản” làm người Việt có thể nằm trong địa hạt của sự nhạy cảm về tôn giáo, văn học và thơ ca. Chính trị Việt Nam ngày càng trở nên địa phương hóa và phi tập trung hóa đến mức không nhân nhượng trong tiến trình của thế kỷ 16, nhưng sau đó, những ký ức “Việt” về thời kỳ ấy lại trở thành trung tâm luân lý trong con người Nguyễn Bỉnh Khiêm (sinh năm 1491). Vai trò quân sư và thầy giáo của ông được kích hoạt bởi việc “thoái ẩn” về quê cũ, phía đông Hà Nội, năm 1542. Giọng nói của ông được xem như một nguồn quyền uy mà không còn tìm thấy trong địa hạt chính trị, và mọi lãnh tụ tham vọng trong thời ông đều được mô tả là đã đi tìm và nhận sự ban phúc của ông dành cho tham vọng cá nhân và vùng miền của họ. Tuy nhiên, sau cái chết của ông năm 1585, ngay cả một trung tâm văn hóa hoặc luân lý Việt đã không còn tồn tại.

Thơ ca của Nguyễn Bỉnh Khiêm và của học trò giỏi nhất của ông, Phùng Khắc Khoan(1528-1613), người chọn phụng sự chúa Trịnh ở Hà Nội, mô tả thế giới như một nơi nguy hiểm, đầy lòng tham, bạo lực, hỗn độn, tranh quyền đoạt lợi. Ở một mức độ triết lý, tôn giáo hay thi ca, Nguyễn Bỉnh Khiêm đưa quan niệm về nhân sinh này thành những tuyên ngôn về tính tuần hoàn và sự tu thân. Trong một bài thơ của ông, ngôn ngữ Phật giáo xác nhận một chu kỳ tuần hoàn trong biến thiên của con người; thời gian liên tục đi theo những vòng hưng thịnh và suy tàn. Phản ứng đúng đắn của con người là sự tu thân. Tôi muốn đối lập điều này bằng một sự nhạy cảm thơ ca mà sau đó xuất hiện ở phía miền Nam.

Đào Duy Từ (1572-1634) có thể được xem là nhà thơ Đàng Trong đầu tiên. Ông bị loại khỏi cuộc đua quyền chức ở miền Bắc vì chúa Trịnh khinh ông là con nhà xướng ca, nên ông vào Nam và phụng sự chúa Nguyễn, rồi thành người xướng xuất việc đắp lũy ở Đồng Hới. Những bài thơ được cho là của ông sử dụng một ngôn ngữ Phật giáo rất khác thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thời gian không phải tuần hoàn mà là trống rỗng; sự thông thái không phải là thành quả của sự tu dưỡng mà là xảy đến không cần nỗ lực. Ẩn dụ về tính cách con người không phải là mẩu vườn được chăm bón mà là thiên nhiên không có bàn tay con người. So sánh với tư tưởng tuần hoàn nhưng có tính cạnh tranh tìm thấy trong thơ miền Bắc, những bài thơ của Đào Duy Từ thể hiện một cảm giác tự do và tự tin không quan tâm đến quy tắc, lịch sử, hay tổ tiên. Nhìn bề ngoài, nó cũng có vẻ cho thấy một sự chuyển từ tư tưởng Tịnh độ (Pure Land) sang Thiền.




Xung đột vùng miền (1)
Wednesday, December 20, 2017 Author: Trường An

Để biết thế nào là sự khác biệt của "sách 100 năm trước", xin giới thiệu 1 bài viết khoảng... 20 năm trước. :D Tất nhiên hông phải sử gia quốc tế thì auto-đúng, nhưng đọc để biết giới sử học quốc tế đã ở đâu rồi. Bài thì dài mà phải chuyển mã, chỉnh định dạng, cách đoạn mới post được, người lười chia làm nhiều đoạn ngắn.

-

Xung đột vùng miền giữa các dân tộc Việt từ thế kỷ 13 đến 19
Keith W. Taylor
Lê Quỳnh dịch

Lời giới thiệu của dịch giả: Trong một thời gian dài, đa số các học giả nước ngoài đồng ý rằng chỉ có một lịch sử Việt Nam duy nhất và một nền văn hóa Việt Nam duy nhất. Nhưng gần đây có một số thay đổi trong xu hướng nghiên cứu. Đọc ở Hà Nội năm 1998 trong Hội nghị Việt Nam học, Keith W.Taylor nhắc đến khuynh hướng nhấn mạnh vào “những vùng và địa phương hoặc các nhóm xã hội hay chính trị trong quá khứ đã bị bỏ qua hay là không được coi trọng bằng các chủ đề thống nhất của các phạm trù dân tộc” (“Việt Nam học ở Bắc Mỹ”, Nxb. Thế giới, 2002)

Trong một phỏng vấn của đài BBC năm 2003 về quá trình thay đổi tư tưởng của ông, Keith W.Taylor nói ông hồ nghi “về ý kiến phát triển lịch sử liên tục, một lịch sử thống nhất liên tục”, vốn là quan điểm được các học giả nghiên cứu về Việt Nam tán đồng trước đây.

Bài tiểu luận này in trong quyển Guerre et paix en Asie du SudEsdo Nguyễn Thế Anh & Alain Forest chủ biên. Tên tiếng Anh của bài: “Regional Conflicts Among the Việt Peoples Between the 13th and 19th Centuries” (1998) Một phiên bản khác của bài này sau đó được Keith W. Taylor bổ sung thêm và in với tựa đề “Surface Orientations in Vietnam: Beyond Histories of Nation and Region”.

---

Trong thế kỷ 20, các mô tả về lịch sử và văn hóa Việt Nam đã đặt trọng tâm vào những mô hình về sự thống nhất và liên tục. Trong bài tiểu luận này, tôi sẽ khảo sát những sự tương quan có thể có giữa suy nghĩ và nơi chốn, giữa các cách làm người Việt và địa hình. Mục đích của tôi là đặt những sự hình thành tư tưởng và hành động của người Việt vào từng địa điểm cụ thể ở không gian và thời gian khi chúng xuất hiện.

Tôi sẽ nói bằng ngôn ngữ tương đối tổng quát để thảo luận những sự kiện trải dài trong nhiều thế kỷ và nhiều khu vực. Trong một số trường hợp, cái nhìn của tôi dựa trên những nghiên cứu chi tiết về các chủ đề đã được đề cập bởi tôi hay nhiều người khác. Trong các trường hợp khác, tôi nương theo trực giác, nhường cho các nghiên cứu tương lai xác nhận hoặc bác bỏ quan điểm của tôi. Tôi hướng đến một cái nhìn chặt chẽ mà có thể giúp ích cho nghiên cứu tương lai nhờ sự khơi gợi hoặc khích động; tôi không tự phụ cho rằng quan điểm của mình là dứt khoát đúng.

Tôi đã chọn thảo luận sáu cuộc xung đột liên quan năm vùng trong năm thế kỷ. Các xung đột vùng này có thể liên quan đến sự mở rộng biên giới phía Nam của các dân tộc nói tiếng Việt và sự thể hiện các quyền lợi chính trị của các vùng. Chúng cũng có thể liên quan các hình thức địa phương của tôn giáo, ý thức hệ, ngôn ngữ và văn hóa. Phương pháp của tôi là sẽ ngắn gọn duyệt lại các cuộc xung đột và bày tỏ một số bước phân tích có thể áp dụng cho các xung đột này.

Có bằng chứng về xung đột tại các địa phận được cho là nơi tổ tiên người Việt hiện đại từng cư trú từ thời xưa nhất mà văn bản còn ghi lại, dù là chuyện về các vua Hùng huyền thoại, hay các văn bản lưu giữ tại Trung Quốc, hay những sự kiện ghi trong biên niên sử của Việt Nam. Trong những năm cuối trị vì của Lê Hoàn, vào đầu thế kỷ 11, các cuộc chinh phạt của triều đình liên tục tấn công những cư dân của khu vực mà nay là các tỉnh Vĩnh Phú, Thanh Hóa và Nghệ An, tất cả tọa lạc ở bên rìa hay bên ngoài đồng bằng sông Hồng rộng lớn nơi khi đó là trung tâm quyền lực của hoàng gia. Con trai và là người nối nghiệp của Lê Hoàn, Lê (Long) Đĩnh, tiếp tục đưa quân tấn công các dân tộc ở Thanh Hóa và Nghệ An và xây một con đường xuyên qua các tỉnh miền Nam này để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các cuộc chinh phạt. Vị vua tiếp theo, Lý Công Uẩn, cũng mở chiến dịch chống các tỉnh miền Nam này, nói rằng ông không thể không tấn công người dân Nghệ An vì họ “không tôn trọng những hướng dẫn khai hóa”. Những dấu hiệu chiến tranh trong đầu thế kỷ 11, khi một chế độ triều đình địa phương đang bắt đầu hình thành, có thể được hình dung như xung đột giữa tổ tiên của những dân tộc mà trong thời hiện đại đã được phân biệt, theo ngôn ngữ và xã hội, là các chi người Kinh (vùng thấp) và người Mường (vùng cao) của các dân tộc Việt. Đó không phải là những chương riêng lẻ.

Hai cuộc xung đột đầu tiên trong sáu xung đột tôi muốn nhắc đến diễn ra giữa nơi tôi gọi là Đông Kinh, tức đồng bằng sông Hồng mà trung tâm là Hà Nội, với Thanh Nghệ, tọa lạc nơi miền Nam và bao gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, và Hà Tĩnh. Cần nhắc rằng phương ngữ tại phần phía Nam của Thanh Nghệ, tức Nghệ Tĩnh (Nghệ An và Hà Tĩnh) lại gần với tiếng Mường hơn là tiếng Kinh. Ngay cả hiện nay, giữa những người làm việc trong chính phủ và giới khoa bảng ở Hà Nội, cũng có sự nhận thức về tương quan ảnh hưởng và quyền lực giữa người từ Hà Nội và các tỉnh xung quanh với người từ Thanh Nghệ (Thanh Nghệ Tĩnh hay Nghệ Tĩnh). Không phải ai cũng nhớ rằng các khu vực này từng gây chiến với nhau trong đầu thế kỷ 15 và hầu như trong suốt thế kỷ 16.

Chương xung đột đầu tiên tôi chọn để thảo luận đã gần như bị chôn sâu đằng sau khung viết sử theo hình thức kháng chiến chống ách đô hộ quân Minh trong ba thập niên đầu tiên của thế kỷ 15. Nhưng cái điều được xác quyết hời hợt như cuộc chiến “giải phóng dân tộc” lại có vẻ khác hẳn khi được xem xét kỹ.

Vào cuối thế kỷ 14 Hồ Quý Ly đã kiểm soát triều Trần và năm 1400 tự lập triều đại riêng. Trong khi nhà Trần là người thuộc đồng bằng sông Hồng, Hồ Quý Ly là người từ Thanh Nghệ, và ông xây một thủ đô mới ở Thanh Hóa. Việc ông không giành được sự trung thành của vùng Đông Kinh là một yếu tố quan trọng trong việc nhà Hồ không chống nổi cuộc xâm lược của nhà Minh năm 1406-1407, thời điểm khi Hồ Quý Ly từ bỏ phần lớn khu vực Đông Kinh và tìm cách phòng thủ bờ Nam của sông Hồng. Có nhiều bằng chứng cho thấy đa số sĩ phu ở Đông Kinh sẵn sàng chấp nhận sự cai trị của quân Minh và rằng nhiều thế gia vọng tộc ở khu vực này, đặc biệt là họ Mạc, đã trung thành phục vụ quân Minh. Năm 1407 người Minh nói hơn 1100 nhân vật có thế lực địa phương bày tỏ sự trung thành với nhà Minh và yêu cầu vùng đất của họ sát nhập vào đế quốc Trung Hoa. Tài liệu của nhà Minh ghi lại rằng hơn 9000 người địa phương sau đó đã đến thủ đô nhà Minh để được sắc phong làm quan chức cấp tỉnh. Hiệu lực của sự cai trị của nhà Minh đã không thể xảy ra nếu không có sự chấp nhận và tham gia với mức độ lớn của người địa phương.

Không khó để đọc cái gọi là “phong trào giải phóng dân tộc” của Lê Lợi như là cuộc chinh phục của Thanh Nghệ đối với Đông Kinh, với việc nhiều nhân vật Đông Kinh xem người Minh như thế lực bảo vệ chống sự quê kệch của các tỉnh phía Nam. Cái nhìn này đi ngược với cách viết sử của nhà Lê và cách viết sử dân tộc chủ nghĩa thời hiện đại, nhưng khi xét các sự kiện về sau, nó lại đáng tin hơn so với khuynh hướng thông thường giả tảng như nhiều ngàn người phục vụ quân Minh hoặc đã biến mất vào màn sương phương Bắc hoặc bỗng dưng quay lại thành người yêu nước.

Vai trò của Nguyễn Trãi, sĩ phu Đông Kinh nổi tiếng và là người về Nam để gia nhập đoàn quân Lê Lợi ở Thanh Nghệ, không phải là nhân vật tiêu biểu hay đại diện cho xu thế chung của quê ông. Các bài thơ ông viết trong thời Minh và trước lúc ông về Nam phục vụ Lê Lợi, thể hiện, như cách dùng từ của O.W. Wolters, “một người xa lạ ngay trên mảnh đất của mình”. Nhiều bài văn ông viết sau khi ông về Nam là những lá thư gửi người cùng thời phục vụ nhà Minh, thúc giục họ xoay sang phục vụ Lê Lợi. Sau này Nguyễn Trãi bị cô lập và triệt tiêu – bị cáo buộc tội giết vua và bị xử trảm năm 1442. Thảm kịch này chắc chắn có sự tác động của việc ông đã tách mình khỏi cả những người đồng hương ở Đông Kinh để phục vụ quyền lợi của Thanh Nghệ, và mặt khác, những bài thuyết lý của ông về cách cai trị và nỗ lực của ông muốn đưa thêm người Đông Kinh vào phục vụ công việc triều chính lại khiến ông bị cô lập bởi những thế lực đang lên từ Thanh Nghệ.

Lê Thánh Tông (trị vì 1460-1497) thường được xem là vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam bởi vì ông tạo lập một chính quyền trung ương kiểu Trung Hoa và đã có cuộc chinh phục Chămpa. Thế nhưng thành tựu quan trọng nhất của ông lại không thường được công nhận: đó là thành công của ông trong việc tập hợp đoàn cận thần dung hòa cả quyền lợi của Đông Kinh và Thanh Nghệ. Triều đại của ông, và âm hưởng trong sự trị vì của người con nối nghiệp, đã tạm thời dập tắt các căng thẳng nhờ việc đáp ứng các quyền lợi của các phe. Một khía cạnh trong sự đáp ứng này là việc chinh phục lãnh địa người Chàm ra tới đèo Cù Mông, ở biên giới phía Nam của nơi sau đó là tỉnh Bình Định. Nó đem lại cho phe Thanh Nghệ một khoảng không gian mới cho tham vọng của họ. Một khía cạnh khác trong sự đáp ứng quyền lợi này là các khoa thi tạo cơ hội nhập triều chính cho những người Đông Kinh có gia đình từng phục vụ người Minh. Tuy vậy thành công của vua Lê Thánh Tông phần lớn bắt nguồn từ uy tín cá nhân của ông. Nó thể hiện rõ khi chỉ hơn một thập niên sau khi ông mất, triều đình bắt đầu phân rã thành những phe nhóm diệt nhau để rồi sau đó khởi đầu cho ba thế hệ chiến tranh giữa Đông Kinh và Thanh Nghệ, tức là cuộc nội chiến Lê-Mạc của thế kỷ 16. Đây là chương xung đột thứ hai mà tôi chọn thảo luận trong bài viết này.




Văn học là gì
Wednesday, September 19, 2012 Author: Trường An

Cuốn “Văn học là gì?” là một tác phẩm đặc sắc của Jean-Paul Sartre. Cuốn “Văn học là gì?” của J-P. Sartre gồm ba phần được kết nối với nhau bằng những câu hỏi liên hoàn: PHẦN MỘT: VIẾT LÀ GÌ? PHẦN HAI: VIẾT ĐỂ LÀM GÌ? PHẦN BA: VIẾT CHO AI? Sẽ rất khó khăn nếu muốn “tóm lược” những ý tưởng của Sart trong tác phẩm độc đáo này, mà có rất nhiều những kết luận về phương diện triết học và văn học nhưng nó chặt chẽ và đúng đắn như những định lý Toán học. Vì thế, người viết chỉ xin trích lại những đoạn văn tâm đắc. Trước hết, đó là “Nghệ thuật văn xuôi”, qua đó là sự trả lời cho câu hỏi “Viết là gì?”:viết là một cách thức nhất định của khát vọng tự do; nếu anh đã bắt đầu, thuận tình hay bắt buộc, thì tức là anh đã dấn thân” - dấn thân bảo vệ tự do”. Và tiếp đó là sự trả lời cho hai câu hỏi kế tiếp: “Viết để làm gì?” và “Viết cho ai?”. Thực ra, ba câu hỏi trên luôn luôn được đặt ra đồng thời và sự trả lời cũng được thể hiện xen kẽ, đan cài nhằm hướng tới nói về vai trò của nhà văn: “Một trong những động lực của sáng tạo nghệ thuật chắc chắn là cái nhu cầu tự cảm thấy mình có vai trò cốt yếu đối thế giới”:

“Nghệ thuật văn xuôi biểu hiện bằng lời, bản chất tự nhiên của nó là mang ý nghĩa: nghĩa là các từ trước hết không phải là những vật, mà là những tên gọi các vật. Vấn đề trước hết không phải ở chỗ tự chúng khiến ta thích hay không thích, mà là chúng có chỉ ra đúng đắn một sự vật nào đó trên thế giới hay một khái niệm nào đó. Nên nhiều khi ta có một ý tưởng nào đó từng được biết đến do được nghe bằng lời nhưng chẳng làm sao nhớ ra lấy một từ trong những từ đã truyền đạt nó đến cho ta. Văn xuôi trước hết là một tư thế trí tuệ: sẽ là văn xuôi khi, như Valéry nói, từ đi qua cái nhìn của ta như thủy tinh xuyên qua ánh mặt trời. Khi gặp hiểm nguy hay khó khăn, người ta chộp lấy bất kỳ dụng cụ nào. Hiểm nguy qua rồi, thậm chí không còn nhớ đấy là chiếc búa hay khúc củi. Vả chăng người ta cũng chẳng bao giờ biết được là cái gì: người ta cần đúng ngay một sự kéo dài cơ thể mình ra, một phương cách vươn bàn tay mình lên cho đến cái cành cây cao nhất; đấy là một ngón tay thứ sáu, một cái chân thứ ba, tóm lại là một chức năng thuần túy ta đã đồng hóa được. Đối với ngôn ngữ cũng vậy: nó là cái vỏ mai của ta và những cần ăng-ten của ta, nó bảo vệ ta chống lại những kẻ khác và báo cho ta biết về họ, đó là các giác quan của ta được kéo dài ra. Ta ở trong ngôn ngữ như ở trong cơ thể mình; ta cảm nhận nó một cách tự phát khi vượt qua nó nhằm tới những mục tiêu khác, giống như ta cảm nhận bàn tay, bàn chân ta; khi người khác sử dụng nó, ta lại cảm nhận nó như những tứ chi của người khác. Có từ ta sống, và có từ ta gặp. Nhưng trong cả hai trường hợp, đều là trong quá trình một sự xâm phạm, hoặc là của tôi vào những người khác, hoặc là của người khác vào tôi. Lời nói là một khoảnh khắc đặc biệt nhất định của hành động và không thể hiểu nó bên ngoài hành động. Một số người mắc chứng mất ngôn ngữ bị mất khả năng hành động, hiểu các tình huống, quan hệ bình thường với người khác giới. Trong cốt lõi của chứng mất khả năng thực dụng ấy, tình trạng ngôn ngữ bị phá hủy dường như chỉ là sự sụp đổ của một trong những cấu trúc: cấu trúc tinh vi nhất và rõ ràng nhất. Và nếu văn xuôi mãi mãi chỉ là công cụ đặc quyền của một công cuộc nhất định, nếu nhìn ngắm các từ một cách vô tư là việc riêng chỉ của nhà thơ thôi, thì ta có quyền trước hết hỏi nhà văn xuôi: anh viết vì mục đích gì? anh đang lao vào công cuộc gì đây và tại sao công cuộc ấy lại phải vận đến việc viết? Và, bất kể thế nào, công cuộc ấy không thể chỉ nhằm đến một sự nhìn ngắm thuần túy. Bởi trực giác thì im lặng mà cứu cánh của ngôn ngữ lại là truyền đạt. […] Nói tức là hành động: mọi sự vật được gọi tên không còn hoàn toàn nguyên như nó trước đây nữa, nó đã mất đi sự trong trắng vô tư của mình. […] Như vậy, khi nói tôi đã bóc lộ cảnh huống ra bằng chính dự định của tôi muốn biến đổi nó; tôi bóc lộ nó ra cho chính tôi và cho những người khác để mà biến đổi nó, tôi đánh đúng vào tâm nó, tôi xuyên thủng nó và cắm chặt nó lại đấy dưới mắt mọi người; bây giờ tôi tùy nghi với nó, cứ mỗi từ nói ra, tôi dấn mình thêm một chút vào thế giới, và cùng lúc, tôi trồi nhô lên khỏi cái thế giới ấy chút nữa, bởi tôi vượt qua nó hướng về tương lai. Như vậy người viết văn xuôi là một con người đã chọn lấy một phương cách hành động thứ yếu nhất định, có thể gọi là hành động bằng cách bóc lộ. Như vậy sẽ là hợp lý để đặt ra với anh ta câu hỏi thứ hai này: anh muốn bóc lộ ra phương diện nào của thế giới vậy? anh muốn đem lại sự biến đổi nào cho thế giới bằng sự bóc lộ đó? Nhà văn “dấn thân” biết rằng lời nói là hành động: anh biết rằng bóc lộ tức là làm biến đổi và người ta chỉ có thể bóc trần khi có ý đồ biến đổi. Anh ta đã từ bỏ cái mơ ước không thể có được vẽ nên một bức tranh không thiên vị về xã hội và về thân phận con người. Con người là sinh vật chẳng ai có thể giữ sự vô tư với nó, đến cả Thượng đế cũng chịu. Bởi Thượng đế, nếu quả Người có tồn tại, thì như một nhà thần bí đã thấy rất đúng, cũng sẽ phải ở trong tình thế đối với con người. Con người cũng là sinh vật không thể thậm chí nhìn thấy một tình thế mà không biến đổi nó, bởi vì cái nhìn của anh chốt chặt, phá hủy, hay tạo nặn, hay đúng như sự vĩnh hằng, biến đổi đối tượng tự trong chính nó. Chính là bằng tình yêu, hận thù, căm giận, sợ hãi, niềm vui, bất bình, thán phục, hy vọng, tuyệt vọng mà con người và thế giới bộc lộ ra trong tất cả sự thật của nó. Dĩ nhiên nhà văn dấn thân có thể xoàng xĩnh, thậm chí anh ta tự ý thức được điều đó, nhưng không ai có thể cầm bút viết mà không có ý đồ hoàn toàn thành công, nên sự khiêm tốn của anh ta khi dự tính tác phẩm không thể khiến anh không muốn xây dựng nó như là nó sẽ gây chấn động lớn. […] ở phần sau chúng tôi sẽ cố xác định mục đích của văn học có thể là gì. Nhưng ngay từ bây giờ đã có thể kết luận rằng nhà văn đã chọn lấy nhiệm vụ bóc trần thế giới và đặc biệt là con người cho những người khác để họ nhận lấy hoàn toàn trách nhiệm của mình trước những vật đã được bóc trần ra như vậy. Không ai được coi như là không biết luật bởi vì đã có một quy tắc và luật là thứ đã được viết ra, sau đó anh cứ tha hồ mà vi phạm, nhưng phải biết anh có thể gặp những nguy cơ gì. Cũng như vậy chức trách của nhà văn là làm sao cho không ai không biết rõ thế giới và không ai có thể nói là mình ngây thơ trong đó. Và bởi vì anh đã từng một lần dấn mình vào thế giới của ngôn ngữ, anh không thể vờ là anh không biết nói: nếu anh đã đi vào thế giới các ý nghĩa, thì còn làm gì được để mà thoát ra; hãy để cho các từ cứ tự do mà tổ chức lại với nhau, chúng sẽ làm thành các câu và một câu chứa toàn bộ ngôn ngữ và phản chiếu toàn bộ thế giới; ngay cả sự im lặng cũng mang ý nghĩa trong tương quan với các từ, cũng giống như quãng nghỉ trong âm nhạc, nhận lấy ý nghĩa của nó từ các nốt bao bọc quanh nó. Cái im lặng đó là một khoảnh khắc của ngôn từ; nín thinh không phải là câm, mà là từ chối nói, tức cũng là vẫn nói đấy. Cho nên nếu nhà văn đã chọn nín lặng về một phương diện nào đó của thế giới, hoặc nói như một thành ngữ diễn đạt r
ất đúng: lờ tịt đi, thì ta có quyền đặt ra cho anh ta câu hỏi thứ ba: tại sao anh lại nói cái này chứ không phải cái kia, và - bởi vì anh nói để mà biến đổi - tại sao anh muốn thay đổi cái này chứ không thay đổi cái kia?”.

“Như vậy, viết vừa là bóc lộ thế giới ra vừa đề xuất cái thế giới ấy như một nhiệm vụ đối với tính hào hiệp của con người. Là cầu viện đến ý thức của người khác để tự mình được xác nhận là cốt yếu đối với sự toàn vẹn của tồn tại; là muốn trải nghiệm sự cốt yếu ấy qua những con người trung gian; song mặt khác vì thế giới thực chỉ biểu lộ ra trong hành động, vì ta chỉ có thể cảm thấy mình đang hiện diện ở đó bằng cách vượt qua nó để mà biến đổi nó, thế giới của nhà tiểu thuyết sẽ thiếu mất bề dày nếu ta không khám phá ra nó trong một động tác để siêu nghiệm hóa nó. Ta vẫn thường nhận thấy điều này: tỷ trọng tồn tại của một sự vật, trong một truyện kể, không do số lượng và độ dài của những mô tả giành cho nó, mà do độ phức tạp của các mối liên hệ với các nhân vật khác nhau; càng bị nhào trộn, nhặt lên rồi lại đặt xuống nhiều hơn, tóm lại càng bị các nhân vật vượt qua trên con đường tiến tới các mục đích của họ nhiều hơn, thì nó càng có vẻ sống thực hơn. Thế giới tiểu thuyết, tức tổng thể sự vật và con người, là vậy: muốn cho nó đạt tới độ đậm đặc cao nhất, thì việc người đọc khám phá ra nó bằng bóc lộ - sáng tạo cũng phải là một sự dấn thân tưởng tượng vào hành động; nói cách khác, ta càng ham muốn biến đổi nó bao nhiêu, nó sẽ càng sống động bấy nhiêu. Sai lầm của chủ nghĩa hiện thực là đã tưởng rằng sự chiêm ngưỡng làm phát lộ thực tại và do đó có thể vẽ ra một bức tranh vô tư về thực tại đó. Làm sao có thể như vậy được, bởi vì ngay cảm nhận đã là thiên vị rồi, bởi vì chỉ việc gọi tên ra thôi cũng đã làm biến đổi đối tượng rồi? Và làm sao nhà văn muốn mình thành cốt yếu đối với thế giới, lại có thể cũng muốn thành cốt yếu với cả những bất công chứa đựng trong thế giới ấy? Vậy mà anh ta lại phải hành động như thế đấy: song nếu anh ta chấp nhận là người sáng tạo nên những bất công, thì đấy là trong một chuyển động vượt qua chúng hướng đến xóa bỏ chúng đi. Còn về phần tôi là người đọc, nếu tôi sáng tạo ra và duy trì một thế giới bất công, tôi chỉ có thể làm điều đó nếu tôi không phải chịu trách nhiệm về việc ấy. Và toàn bộ nghệ thuật của tác giả là nhằm buộc tôi phải sáng tạo ra cái mà anh bóc lộ, tức là, buộc tôi phải liên lụy.[…]… không thể làm nên những tác phẩm hay bằng những tình cảm tốt đẹp, nhưng đấy phải là cái nền của tác phẩm, cái chất dệt nên những con người và những sự vật: dẫu đề tài là gì đi nữa, thì một vẻ thanh thoát cốt yếu vẫn phải bàng bạc trong từng trang và nhắc nhở rằng tác phẩm không bao giờ là một dữ liệu tự nhiên, mà là một đòi hỏi và một hiến tặng. Và nếu người ta trao cho tôi cái thế giới ấy với những điều bất công của nó, thì không phải để tôi ngắm nhìn những bất công đó một cách lạnh lùng, mà để tôi đem nỗi bất bình của mình đến đánh thức chúng dậy, để tôi bóc lộ chúng ra và sáng tạo chúng với đúng cái bản chất bất công của chúng, nghĩa là như những lầm-lỗi-phải-tiêu-diệt-đi. Như vậy thế giới của nhà văn chỉ bộc lộ ra trong tất cả chiều sâu của nó dưới sự xem xét, thán phục, bất bình của người đọc; và tình yêu hào hiệp là thề nguyện gìn giữ, bất bình là thề nguyện biến cải, còn thán phục là thề nguyện noi gương; dẫu văn học là một chuyện, luân lý là chuyện khác, song ở tận cùng của đòi hỏi thẩm mỹ ta vẫn nhận ra đòi hỏi đạo đức. Bởi vì người cầm bút, ngay từ việc anh bỏ công cầm bút, đã thừa nhận tự do của những người đọc của mình, và bởi vì người đọc, chỉ riêng từ việc anh ta mở trang sách ra, đã thừa nhận tự do của nhà văn, cho nên tác phẩm nghệ thuật, dẫu được xem xét từ góc độ nào, vẫn là một hành vi tin cậy ở niềm tự do của con người. Và bởi vì người đọc cũng như tác giả chỉ thừa nhận niềm tự do ấy để mà đòi hỏi nó phải biểu lộ ra, cho nên có thể coi tác phẩm là một sự trình bày tưởng tượng về thế giới như một đòi hỏi tự do của con người. Từ đó, trước hết, không làm gì có văn học đen, bởi dù người ta có mô tả thế giới tăm tối đến đâu, thì vẫn là mô tả để cho những con người tự do cảm thấy niềm tự do của mình ở trước mặt mình. Cho nên chỉ có những cuốn tiểu thuyết hay và những cuốn tiểu thuyết tồi. Và tiểu thuyết tồi là tiểu thuyết toan gây thích thú bằng phỉnh nịnh trong khi tiểu thuyết hay là một đòi hỏi và một tin cậy. Song, quan trọng hơn nữa, là: cái dáng vẻ duy nhất của thế giới mà người nghệ sĩ có thể trình bày với những niềm tự do kia để cùng chúng tạo nên được hòa hợp là dáng vẻ của một thế giới ngày càng thấm đẫm tự do. Không thể quan niệm được rằng công cuộc khởi động dây chuyền lòng hào hiệp đó của nhà văn lại là để nhằm tôn vinh một bất công và người đọc tận hưởng được niềm tự do của mình khi trong một tác phẩm tán thưởng, chấp nhận hay chỉ đơn giản né tránh lên án việc con người nô lệ hóa con người.[..] Bởi không thể đòi hỏi tôi, trong khi tôi biết tự do của tôi gắn bó máu thịt với tự do của những người khác, lại sử dụng tự do ấy để tán dương việc nô lệ hóa một ai đó trong số những người ấy. Vậy nên, dù anh là người viết tiểu luận, viết đả kích, châm biếm hay tiểu thuyết, dù anh chỉ nói về những niềm say mê cá nhân hay anh công kích cả chế độ xã hội, nhà văn, là con người tự do nói với những con người tự do, chỉ có một đề tài: tự do.

Do đó, mọi ý định nô lệ hóa người đọc tác hại chính ngay đến nghệ thuật của nhà văn. […] Đúng vào lúc những người khác, may thay là số đông, hiểu rằng tự do cầm bút bao hàm tự do công dân. Người ta không viết cho những người nô lệ. Nghệ thuật văn xuôi liên đới với cái chế độ duy nhất ở đó văn xuôi còn giữ được một ý nghĩa: dân chủ. Khi cái này bị uy hiếp, thì cái kia cũng bị uy hiếp. Và chỉ bảo vệ nó bằng ngòi bút thôi thì chưa đủ. Đến một ngày nào đó ngòi bút buộc phải dừng lại và lúc đó nhà văn phải cầm súng. Vậy đó, dẫu anh đến đây bằng cách nào, dẫu anh đã truyền bá những chủ kiến gì, thì văn học vẫn ném anh vào cuộc chiến; viết là một cách thức nhất định của khát vọng tự do; nếu anh đã bắt đầu, thuận tình hay bắt buộc, thì tức là anh đã dấn thân.

Người ta sẽ hỏi: dấn thân vào cái gì? Đơn giản thôi, dấn thân bảo vệ tự do. Làm người canh giữ những giá trị lý tưởng chăng, như người tăng lữ Benda trước vụ phản bội, hay là bảo vệ niềm tự do cụ thể và thường nhật, bằng cách tham gia các cuộc đấu tranh chính trị và xã hội? Câu hỏi này liên quan đến một câu hỏi khác, có vẻ thật đơn giản, nhưng người ta chẳng bao giờ đặt ra: “Viết cho ai?”.

Và ta có thể tìm thấy phần nào lời giải đáp trong đoạn văn sau: “Bởi vì đề tài của văn học xưa nay luôn luôn là con người ở trong thế giới. Chỉ có điều, khi nào cái công chúng tiềm tàng còn giống như một vùng biển tối bao quanh cái bãi cát nhỏ sáng rực là công chúng thực, thì nhà văn dễ nhầm những lợi ích và những nỗi lo toan của con người với những lợi ích, lo toan của một nhóm nhỏ được ưu đãi hơn. Song nếu công chúng đồng nhất với cái phổ biến cụ thể, thì nhà văn sẽ viết thực sự về toàn thể nhân quần. Không phải về con người trừu tượng của mọi thời đại và cho một người đọc không có năm tháng, mà về toàn vẹn con người của thời đại mình và về những người cùng thời của mình. Chính vì thế sự tương phản văn học giữa tính chủ quan trữ tình và vai trò chứng nhân khách quan sẽ được vượt qua. Cùng dấn thân vào cuộc phiêu lưu chung với những người đọc của mình và cũng như họ nằm chung trong một tập đoàn không có kẽ nứt, trong khi nói về họ nhà văn sẽ nói về chính mình, trong khi nói về chính mình, anh sẽ nói về họ. Vì chẳng còn một thứ kiêu ngạo quý tộc nào buộc anh phải phủ nhận rằng anh nằm trong tình thế, anh sẽ không còn tìm cách bay lượn bên trên thời đại của mình và chứng thực điều đó trước vĩnh hằng; mà vì tình thế của anh sẽ là phổ biến, anh diễn đạt những niềm hy vọng và những nỗi căm giận của mọi con người, và qua đó, bày tỏ toàn vẹn, nghĩa là không như một sinh linh siêu hình, theo kiểu người tăng lữ trung cổ, cũng không như một sinh vật tâm lý, theo kiểu các nhà cổ điển của chúng ta, mà như một toàn thể từ thế giới nổi lên giữa khoảng không và chứa đựng trong mình tất cả các cấu trúc ấy trong một sự thống nhất không thể phân rã của thân phận con người; văn học sẽ thực sự mang tính nhân loại học, trong ý nghĩa toàn vẹn của từ này”.

Sự trả lời câu hỏi “Viết cho ai?” dường như lại đưa ta trở về câu hỏi ban đầu “Viết là gì?”, hay nói cách khác, đưa ta hướng vào vấn đề trung tâm “Văn học là gì?”: “Vì sự sáng tạo chỉ có thể hoàn tất trong việc đọc, vì người nghệ sĩ phải giao phó cho một người khác hoàn tất cái anh ta đã bắt đầu, vì chỉ thông qua ý thức của người đọc anh ta mới có thể trở thành cốt yếu đối với tác phẩm của mình, nên mỗi tác phẩm văn học là một tiếng gọi. Viết, tức là gọi người độc giả để họ chuyển thành sinh tồn khách quan cái tôi đã thực hiện việc bóc lộ ra bằng phương cách ngôn ngữ. Như vậy tác giả viết để mời gọi tự do của người đọc và anh trưng tập nó để làm cho tác phẩm của mình hiện tồn. Nhưng anh không chỉ dừng lại ở đó, anh còn đòi người đọc trả lại cho anh niềm tin mà anh đã cho họ, đòi họ công nhận sự tự do sáng tạo của anh và đến lượt họ khêu gợi nó dậy bằng một tiếng gọi đối xứng và đảo nghịch. Quả thật ở đây xuất hiện một nghịch lý biện chứng khác của việc đọc: ta càng cảm thấy rõ tự do của ta bao nhiêu, thì ta cũng công nhận tự do của người khác bấy nhiêu; họ càng đòi hỏi ở ta bao nhiêu, thì ta càng đòi hỏi ở họ bấy nhiêu”.

 

Link




Văn tế vong hồn Đa Giá Thượng
Thursday, September 6, 2012 Author: Trường An

Về sự kiện bọn hung đồ giết hại dân lành ở xã Đa Giá Thượng huyện Gia Viễn phủ Trường Yên, các bộ chính sử như Đại Việt sử ký tục biên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Việt sử cương mục tiết yếu v.v... đều ghi chép tương đối giống nhau. Chẳng hạn sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn chép:

“Tháng 5 mùa hạ (năm Chính Hòa 15-1694) bắt giết 52 người dân hung ác ở xã Đa Giá Thượng.

Xã Đa Giá Thượng đường núi nhỏ hẹp hiểm trở, lại có nhiều hang hốc. Dân xã ấy đặt riêng khoán ước với nhau, dựng điếm canh đón người qua lại hoặc ngủ trọ tại xã, đến đêm bắt giết đi quăng xác xuống vực rồi cướp lấy của cải. Việc này kéo dài hơn 20 năm, xương trắng chất thành đống.

Đến nay việc bị phát giác, triều đình sai Thạc Quận công Lê Hải đem quân đi khám xét, bắt được đảng ác gồm 290 tên, đem chém 52 tên đầu xỏ hung ác bêu đầu ở chợ. Những tên còn lại bắt chặt ngón tay rồi đưa đi đày ở châu xa, xóa bỏ tên làng của xã này”.

Sự việc xảy ra từ những năm đầu thập kỷ bảy mươi của thế kỷ XVII, kéo dài suốt 20 năm. Triều đình cử quan quân đi đánh dẹp, mãi đến năm 1694 Thạc Quận công Lê Hải mới dẹp yên được. Các tư liệu lịch sử chỉ cho biết số lượng bọn gian ác bị bắt là 290 tên, còn về số người bị nạn là bao nhiêu thì không thấy đề cập tới. Gần đây, tìm trong kho sách Hán Nôm ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chúng tôi thấy có bài Văn tế xót thương u hồn ở xã Đa Giá Thượng (Chuẩn tuất u hồn tại Đa Giá Thượng xã tế văn). Nguyên bản viết bằng chữ Hán chép trong sách Quốc âm văn tế sao lục, ký hiệu VNv.256. Bài văn viết vào tháng 5 năm Giáp Tuất (1694), không ghi tên người soạn, có thể là môn khách của Thạc Quận công Lê Hải giúp ông soạn thảo để tế các vong hồn, lời văn rất thống thiết, cảm động lòng người. Nội dung bài văn cho biết, số người tử nạn cả thảy là 318 người, gồm lái buôn tinh nghệ công thương, nghệ sĩ ở giáo phường hát hay đàn giỏi, người đi hành dịch, có cả những hành khách đi ngao du thưởng ngoạn thắng cảnh non nước. Họ là những người khác quê khác quán, do công việc cần thiết phải đi qua vùng này nên ngộ hại. Một khi triều đình biết đến liền thẳng tay trừng trị:

“Theo phép xử nghiêm diệt lũ ác, trừ bỏ bọn độc dữ gian hung;

Dùng lễ nghi tống táng thưởng khao, an ủi u hồn nơi giá lạnh”.

Đó cũng là lý do mà Thạc Quận công Lê Hải đọc văn tế gửi đến an ủi các u hồn bị hại ở Đa Giá Thượng. Nhận thấy đây là tư liệu lịch sử quý, có thể bổ sung thêm cho chính sử về một sự kiện xảy ra cách đây đã đến 310 năm rồi, chúng tôi xin phiên âm dịch nghĩa giới thiệu toàn văn.

Phiên âm:

"Chính Hòa thập ngũ niên Giáp Tuất ngũ nguyệt nhật.

CHẨN TUẤT U HỒN TẠI ĐA GIÁ THƯỢNG XÃ TẾ VĂN

Trí tế vu chư oan hồn chi linh viết:

Ô hô !

Vật chi vinh khô hữu thời hĩ nhi bất vi dị giả hiển kỳ thời;
Nhân chi tử sinh hữu mệnh yên nhi thậm khả ai giả phi kỳ mệnh.

Y hi ! Nhĩ bối hề !

Thiên lý thù hương;
Ngũ phương dị tính.
Hữu hiệp nghệ tinh trí túc khứ xu sự ư công thương;
Hữu tương âm nhã điệu cao đầu phó ư ca vịnh.
Hữu hành lữ nhi yết tức quán xá ư tạm thời;
Hữu tòng dịch nhi vãng lai đạo lộ ư nhất khoảnh.
Ưu du vô sự, duy tri bất bế hộ vi an;
Xưng tụng thái bình, vô phục hữu trì binh tự cảnh.
Khởi kỳ Đa Giá Thượng chi hung đồ;
Cảm tác khang cù trung chi hãm tỉnh.

Kiếp vu đồ, sát vu túc, bạo tàn há thì sài lang;
Lưu vu thủy, phao vu sơn, hung ác thực phù cưu kính.
Ai thử vô cô;
Li thử bất hạnh.

Nhĩ phụ mẫu huynh đệ chi hào vọng, bàn hoàn mộng hậu tưởng dung;
Nhĩ phu thê nhi tử chi ai cầu, hoảng hốt đăng tiền điếu ảnh.
Tung trầm tích một nhi nan tri;
Vật hoán tinh di nhi dũ quạnh.
Tán lạc tha hương khách tứ, hà xứ quy y;
Hoang lương tịch địa cô hồn, vô nhân đảo thỉnh.
Hàm oan thậm nhật tiêu ma;
Ẩm hận hà thời cùng kính.

Khánh kim:

Thượng hữu thánh minh;
Bàng thi nhân chính.
Thông quách nhật lâm nguyệt chiếu, củ đàn tài lãm thốn tiên;
Uy dương điện xiết phong phi, bộ tróc tuyền ban mệnh lệnh.

Ngô đẳng:

Tấu mệnh hành tra;
Chấp ngôn hành chính.
Cứu kỳ do, cật kỳ nặc, hung đồ võng độc ư nhiên tê;
Trích kỳ phục, phát kỳ gian, ác đảng vô đào ư huyền kính.
Đại chương tội trạng chi tham tàn;
Tận đắc sự tình chi bao hoạnh.
Thuyết đắc tam bách thập bát nhân chi bị hại, thùy năng vô lệ hạ nhi thống tâm;
Ngôn cập nhị thập dư niên chi xúc gian, thục bất dục cưu đầu nhi hệ cảnh.
Chương sớ phu văn;
Cao minh thùy thính.

án pháp nhi hình tru lưu thoán, trừ bỉ xú loại chi gian hung;
Dĩ lễ nhi liễm táng tế khao, uý nhĩ u hồn chi liêu lãnh.

Nhĩ bối đãn đương;
Giải nhĩ cựu oan;
Hoàn kỳ nguyên tính.
Lai hâm lai hưởng, cộng ngưỡng thụ ư hồng ân;
Dĩ phụ dĩ du, đồng siêu thăng ư tịnh cảnh.

Kim tắc:

Đàn soạn cụ trần;
úy bi giao tịnh.
Đổ di hài chi hữu mộ, cảm xâm dã thảo nhàn hoa;
Tưởng bạch cốt chi vô, hận phó trường giang cao lĩnh.
Ô hô ! Ai tai !
Nhĩ bối hưởng chi."

Dịch nghĩa:

Ngày tháng 5 Giáp Tuất (1694) niên hiệu Chính Hòa 15

VĂN TẾ XÓT THƯƠNG U HỒN Ở XÃ

ĐA GIÁ THƯợNG

Gửi lời tế đến vong linh các u hồn rằng:

Ô hô !

Vật có héo tươi tùy thời, song có khác chi nhau bởi đều làm tỏ chữ thời;
Người ta sống chết có mệnh, vậy nên thật đáng thương cho kẻ thác không phải mệnh.

Hỡi ôi lũ các ngươi:

Muôn dặm xa quê;
Năm phương khác tính.
Kẻ thì nghề tinh trí sáng bôn ba theo việc công thương;
Kẻ thì tốt giọng hay đàn náo nức theo nghề ca vịnh.
Có khi hành lữ rồi nghỉ ngơi, quán xá cốt chỉ tạm thời;
Có khi lao dịch mà lai vãng, đường xa dừng chân chốc lát.
Vô sự nhàn du, đâu có biết cài cửa hưởng vui;
Thái bình vịnh cảnh, chẳng hề mang giáo gươm tự vệ.
Nào ngờ Đa Giá Thượng lắm kẻ hung đồ;
Dám giữa buổi thái bình gây ra trọng án.
Cướp ở đường, giết ở cửa, bạo tàn nào kém sài lang;
Ném xuống nước, vứt lên non, hung ác thực hơn hổ báo.

Thương kẻ hiền lành;
Xót người bất hạnh.

Cha mẹ anh em ngươi khổ ngóng, miên man trong mộng tưởng đến dung nhan;
Vợ chồng con cái ngươi mỏi trông, hoảng hốt trước đèn ngỡ là bóng ảnh.
Tích dấu tung chìm thật khôn lường;
Sao dời vật đổi đành hưu quạnh.
Tan tác tha hương quán khách, nào biết về đâu;
Thê hương đất lạnh hồn cô, ai người cầu đảo.
Hàm oan nào thuở tiêu ma;
Ôm hận khi nao cho hết.

Mừng nay:

Trên có thánh minh;
Ban ra nhân chính.
Khắp nơi nhật chiếu nguyệt soi, tấu đàn hặc vừa được vua xem;
Uy đức sấm vang chớp giật, lệnh tiễu trừ ban ngay lập tức.

Bọn ta:

Tâu xin ban mệnh khám tra;
Nhận lệnh thi hành chính sự.
Xét duyên do, tìm trốn tránh, lũ hung đồ trốn lẩn vào đâu;
Tóm lũ ẩn, truy bọn gian, bày đảng ác đừng hòng chạy thoát.
Vạch rõ tội trạng tham tàn;
Có đủ sự tình ngang ngạnh.

Nói đến ba trăm mười tám người bị hại, ai mà chẳng rơi lệ xót thương;
Kể về hai chục năm chứa chất ác gian, ai không muốn bêu đầu lũ ác.
Biểu tấu vừa đệ lên;
Đấng cao minh đã biết.
Theo pháp xử nghiêm diệt lũ ác, trừ bỏ bọn độc dữ gian hung.
Dùng lễ nghi tống táng thưởng khao, an ủi hồn nơi giá lạnh.

Lũ các ngươi hãy nên:

Giải bỏ oan khiên;
Trở về bản tính.
Về hâm về hưởng, cùng nhau đón nhận ơn vua;
Vừa hiểu vừa tin, cùng siêu thăng nơi tịnh cảnh.

Bữa nay thì:

Cỗ đã đặt bày
Bảo nhau đến hưởng.
Ngắm di hài đã có mộ, cảm thông cỏ nội hoa đồng;
Tưởng xương trắng hề rơi, hận gửi sông dài núi thẳm.
Hỡi ôi thương thay
Lũ người về hưởng.



Tài liệu tham khảo

1. Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. KHXH, H. 1993.

2. Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nxb. Giáo dục, 1998.

3. Việt sử cương mục tiết yếu, Nxb. KHXH, H. 2000.

4. Di sản Hán Nôm - Thư mục đề yếu, Trần Nghĩa (Đồng chủ biên), Nxb. KHXH, H. 1993.

5. Lược truyện các tác gia Việt Nam, Trần Văn Giáp, Nxb. KHXH, H. 1972.

6. Ninh Bình tỉnh chí, A.1268.

7. Quốc âm tế văn sao, VNv.256.





Copyright © Trường An. All rights reserved.