Đi lang thang rồi bị "đầu độc" vở cải lương Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà. Thú thiệt là trước giờ tớ không mê cải lương, chẳng qua giờ "lỡ dại" nói ra mình đang tìm tư liệu, thế là... Đến giờ mới biết vở cải lương này nói về cái gì.
(Ờ, thì nó có liên quan đến chuyện tớ đang "ngâm cứu", tuy cũng là không liên quan gì lắm).
Võ Đông Sơ được cử đi đánh giặc Tàu Ô, rồi chết trong khi đang đánh nhau với Thanh (Giặc Thanh ở đây có thể là bọn Tàu Ô trên bộ - đây là nhóm cướp còn lại rất nhiều ở vùng biên giới sau khi Ngô Tam Quế bị diệt). Cho thấy tình hình biên giới phía Bắc vào thời Nguyễn cũng chẳng mấy yên ổn.
Dưới đây là nội dung của truyện tranh được viết lại từ tiểu thuyết của Hồng Bàng. Dài qúa nên để tab spoiler.
(Kể ra, về thân thế thì "làm màu"thế thôi, chả thấy liên quan chỗ nào. Nhưng với tư cách là truyện của người miền Nam thì có thể nói nó được gợi cảm hứng khá nhiều từ "người thật".)
1. Dưới trào vua Gia Long, thành Bình Ðịnh là một nơi đô hội, lịch xinh nhất thời bấy giờ. Ngoài những non cao chớn chở, những tháp của người Chiêm Thành mà khi xưa bị cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam ta dồn đi, còn trơ mình giữa vũ trụ bao la như không nài quản gió sương điểm thêm cho phong cảnh một nét hùng vĩ phong quang, còn thêm những sự tích ly kỳ.
2. Những di tích còn tồn tại đó chứng tỏ các bậc anh hùng xưa đã dày công tô điểm bằng máu xương cho nước nhà được thêm hùng cường muôn thuở vậy.
Lúc ấy, tại thành Bình Ðịnh có một chàng trai tuấn tú, khôi ngô và văn võ toàn tài, tên là Võ Ðông Sơ, con của vị anh hùng tiết liệt Võ Tánh, cỡi bạch mã, ngày đi đêm nghỉ đến kinh kỳ khảo thí.
3. Từ ngày cha mẹ mất sớm, Ðông Sơ ở với người chú, tháng lại ngày qua, chuyên thao luyện võ nghệ, văn chương để chờ dịp ra giúp nước. Hôm nay nghe có lệnh nhà vua mở khoa thi để chọn kẻ anh hùng ra dẹp giặc Tàu Ô đang hoành hành trên mặt biển Ðông Dương, chàng mừng khấp khởi, cho là dịp để cho mình thi gan anh hùng. Chàng vội vã lên ngựa để kịp đến kinh kỳ.
4. Ðến nơi, trong thời gian tạm trú tại lữ quán Thăng Long, Ðông Sơ thấy ngày thi hãy còn chưa đến, bèn ra dạo phố để xem cảnh chợ mua bán thế nào. Khi chàng vừa đi ngang qua ngôi nhà cũ kỹ, bỗng thấy một người cao lớn, trang phục nghèo nàn, cầm tấm bảng trên có khắc bốn chữ: “Mải kiếm tán thân” (Bán kiếm chôn mẹ).
5. Ðông Sơ lấy làm lạ, liền dừng bước lại hỏi kẻ bán kiếm:
- Cây kiếm này có giá trị thế nào và người bán nó là bao nhiêu?
Với vẻ mặt chứa chan nhiều sầu nảo, kẻ ấy thưa:
- Bẩm đại nhân, cây kiếm này vốn là vật báu lưu truyền 3 đời. Nó có giá trị ở chổ, từ xưa đến nay, chưa hề bao giờ lọt vào tay một kẻ tiểu nhân nào. Nay vì hoàn cảnh gia đình quẩn bách nên đành phải bán nó đi, chứ thật lòng tôi không bao giờ muốn. Nghe lời nói bi thảm của người bán kiếm, Ðông Sơ cũng thấy lòng mình buồn lây.
6. Chàng thử nhắc thanh kiếm lên xem. Quả thật trên thanh trường kiếm có khắc mấy chữ vào thời vua Khang Hy bên Trung Quốc.
Nhìn người bán kiếm, chàng lấy làm thương hại, hỏi qua danh tánh mới biết người ấy tên là Triệu Dõng, vốn kẻ có chí khí anh hùng, nhưng không may sinh trong gia đình nghèo khổ.
7. Không thể nào làm ngơ trước việc nghĩa, Ðông Sơ không cần hỏi qua giá cả, còn bao nhiêu tiền liền móc hết trao cho Triệu Dõng và hỏi qua quê quán, gia đình. Ðoạn chàng mang kiếm vào mình, lầm lủi bước đi mà lòng vẫn còn đượm lây nỗi buồn của người bán kiếm nọ.
Chàng đi mãi phố này qua phố khác, lòng mong tìm những cảnh thanh lịch để phôi phai trong tâm não nỗi buồn không đâu, nhưng tuyệt nhiên chàng không tìm được sự thỏa mãn.
8. Sau cùng, chàng trở lại lử quán, quyết lấy sự học tập để đợi ngày thi tuyển. Ðông Sơ không mong gì hơn là được chiếm bảng vàng để lãnh một trách nhiệm gánh vác non sông, phục vụ nhân dân để không hổ mặt là trai nam nhi trong thời quốc biến.
9. Những ngày lưu trú tại Thăng Long, cái thú tiêu khiển thời khắc của chàng không gì bằng hơn là ngày thì ra vườn múa kiếm, thao luyện những đường gươm tuyệt diệu, đêm thì vùi mài nơi bàn sách khảo cứu văn chương.
Chàng luôn luôn ấp ủ mộng đẹp, tin tưởng sắt đá vào năng lực của mình, sẽ không bao giờ hổ danh giòng giống anh hùng.
10. Có một hôm Ðông Sơ đang ngồi bên áng văn, bỗng tiểu đồng vào thưa có người khách lạ đến hỏi thăm. Chàng vội bước ra xem thì thấy khách lạ cũng chỉ là một người đến dự thi như chàng. Người ấy tìm nơi tạm trú nhưng chưa có quán trọ, Ðông Sơ bèn bảo tiểu đồng chì khách mướn phòng kế bên mình và cùng nhau kết tình bằng hữu thân mật.
11. Nhân một hôm, nghe người ta đồn: cách lữ quán trăm dặm, có một ngôi miếu tên là Quan Âm Các thật thanh lịch và cảnh vật nơi ấy rất tốt tươi. Ðông Sơ không ngăn được tính tò mò, lòng hâm mộ giục chàng tìm đến nơi để xem qua cho biết.
Ngôi Quan Âm Các là một ngôi miễu xưa, tuy nhỏ song kiến trúc theo lối cổ thật vô cùng đẹp đẽ, làm một di tích bất hủ cho nền mỹ thuật thời bấy giờ. Chàng khen thầm: Quả nhiên thiên hạ đồn không sai tí nào!
12. Chàng đang đi vơ vẩn khắp xóm liễu lẫn hào sen, bỗng phía đàng kia đi lại hai người thiếu nữ bưng lễ vật đến cúng miếu. Hai người đều có vẻ yêu kiều, mà người đi trước trông qua đủ biết là chủ, còn đứa sau là nữ tỳ.
Ðông Sơ bèn nép vào bụi hoa để nhìn trộm, cho thỏa cái sắc đẹp mà bình thường chàng ít khi gặp.
13. Cái vẻ đẹp nghiêng thành của tiểu thơ nọ dường như có một mãnh lực thiêng liêng thu hút được tinh thần của chàng trai trẻ giàu cảm tình. Chàng nhẹ nhàng bước theo dưới ánh trăng huyền diệu. Nhưng thốt nhiên, chàng lùi lại ba bước dò xem một kẻ có sắc mặt hung tợn, trong tay có cầm đoản đao đang định hành động gì trước tiểu thư và tỳ nữ. Một ý nghĩ thoáng qua, Ðông Sơ liếc thấy tiểu thư đeo những trang vật quý báu, biết ngay tên nọ là quân cường đồ theo dõi nàng để cướp của.
14. Tiểu thư là Bạch Thu Hà con của quan Tổng trấn Tây Thành, nhân đêm rằm đến cúng chùa, không ngờ có tên cường đồ rình theo đoạt của.
Khi tên hung đồ vừa xốc tới toan uy hiếp Thu Hà, Ðông Sơ lẹ làng nhảy tới trợ cứu nguy.
15. Tên hung đồ bực dọc vì bị người ngăn trở cuộc làm ăn, bèn tức giận quay gươm trở lại đánh nhầu với Ðông Sơ một cách hăng hái. Nhưng Ðông Sơ là một chàng trai giỏi về kiếm thuật, nên chẳng bao lâu tên hung đồ biết không thể chống cự lại đành quăng gươm quỳ xuống xin tha tội chết. Ðông Sơ thấy kẻ ấy đầu hàng thì không nỡ xuống tay bèn hỏi:
- Vì đâu nhà ngươi lại hành động như thế?
Kẻ cướp van lơn thưa rằng:
- Vì quá ư nghèo đói nên hành động thiếu suy xét.
16. Ðông Sơ vốn là người giàu lòng từ thiện, không nỡ bắt kẻ kia trị tội, chỉ khuyên hắn không nên tái phạm tội lổi mà phải bị pháp luật trừng trị, rồi thả cho đi. Tên cướp vừa tạ ơn lui đi thì Thu Hà lại bước đến tạ ơn cứu nạn. Nhìn vẻ đẹp quyến rũ của tiểu thư, Ðông Sơ cảm thấy bồi hồi. Chàng thầm ước ao được con người đẹp kia chung đấp xây mộng đẹp, gây nên hạnh phúc gia đình muôn thuở. Song cuộc gặp gỡ bất ngờ không cho phép chàng thực hiện được mộng tưởng, đành phải gác lại những mơ ước bên lòng.
17. Song khi về đến nhà chàng không làm sao quên được hình ảnh của người đẹp nọ. Ái tình đã chớm nở trong lòng người trai. Nhưng có riêng gì Ðông Sơ mà cả Thu Hà cũng không tránh được một nỗi băn khoăn, rung động từ khi gặp người cứu nạn. Cái hình ảnh thân yêu của chàng trai lạ kia tự nhiên lại cứ thấy phản phất mãi trong tâm hồn cô thiếu nữ xuân tình.
18. Ðông Sơ cứ mãi thao thức suốt cả đêm dài. Sáng hôm sau, chàng vừa thức dậy, bỗng tiểu đồng bảo có người khách muốn vào ra mắt. Ðông Sơ bèn cho mời vào.
19. Người khách này tên Trần Tú Tài cũng vẫn là kẻ đơn độc, đến đây để chờ ngày dự thi. Trong lúc buồn không có lấy một người bạn trò chuyện, nên Trần Tú Tài bạo dạn qua làm quen với Ðông Sơ.
Ðông Sơ thấy khách cũng là kẻ đồng hành bèn mời vào và bắt đầu chuyện trò thân mật bên chung trà còn nghi ngút khói.
Trần Tú Tài nói:
- Cuộc thi này chia ra làm hai môn: văn và võ. Kẻ trúng tuyển phải đậu hết cả hai. Vậy đại huynh đã có đệ sớ lên giám khảo chưa vậy?
20. Ðông Sơ đáp:
- Ðiều ấy quả là điều tôi rất mong mỏi, cho nên đã làm xong tất sớ thảo. Tôi tin tưởng và hy vọng lắm.
Ðang lúc hai người chuyện trò mật thiết, bỗng từ bên ngoài cửa sổ phóng vào một đoản kiếm, ghim ngay bàn, trước mặt hai người. Sau chuôi kiếm có buộc chặt một phong thư.
21. Hai người lấy làm ngạc nhiên, mở thư ra đọc thì thấy dặn rằng: “Khoa thi này Ðông Sơ phải nhường phần thắng cho Bạch Xuân Phương, nếu không y lời sẽ bị chết dọc đàng”.
Ðông Sơ còn đang phân vân, xảy có một cô gái bước vào trao cho chàng bức thư thứ nhì. Chàng càng hết sức ngạc nhiên, liền xé thư ra xem. Thì ra đó là thư của Bạch Thu Hà mách cho chàng biết trước có kẻ âm mưu hạ sát chàng dọc đàng và khuyên chàng phải hết sức cẩn thận.
Ðông Sơ xem xong, tức giận chẳng cùng, nhưng vẫn giữ thái độ bình tỉnh như thường. Hôm sau, trời vừa tảng sáng, chàng đã lên ngựa phi đến võ trường. Ðến một nơi sầm uất, bỗng có một mũi tên trong bụi bắn ra.
22. Ðông Sơ thấy kịp lách đầu tránh, đoạn tìm đuổi thủ phạm, song vì trời còn nhá nhem tối nên không đuổi bắt được. Chàng đành bỏ qua để quay ngựa lại võ trường. Vừa đến nơi thì các thí sinh cũng đã tề tựu đủ mặt. Quang cảnh rộn rịp khác thường càng làm cho chàng thêm phấn khởi.
23. Thế là cuộc thi tuyển bắt đầu. Những hồi trống rền vang nổi dậy. Cờ xí rợp trời. Quan Thái giám hạch từng tên thí sinh xong, đoạn cho bắt đầu xạ tiển.
Bạch Xuân Phương là anh của Bạch Thu Hà, vốn là một vị công tử lêu lỏng chơi bời, tánh tình kiêu căng, thích khoe tài bước ra xin bắn trước. Chàng tưởng mình là kẻ xuất chúng, nên hống hách rút tên ra oai bắn ba lượt. Nhưng cả 3 mũi đều trượt cả. Xuân Phương hổ thẹn lầm lủi bỏ đi vào giữa lúc tiếng người chế nhạo đầy tai.
24. Tiếp theo Xuân Phương, Võ Ðông Sơ được ra tranh cử. Chàng không lo sợ hồi hộp, vẫn tự tin ở năng lực của mình. Chàng bắn 3 phát đều trúng đích cả 3. Tiếng hoan hô nổi lên vang dậy. Xuân Phương càng thêm hổ thẹn, bước đến trước mặt quan Thái giám nói:
- Võ Ðông Sơ chưa phải là kẻ có tài, nếu chưa đánh “roi và côn”. Vậy xin quan trên cho phép chúng tôi so tài với nhau mới biết được ai cao thấp.
25. Giám khảo nghe Xuân Phương cố nài nỉ được đấu với Ðông Sơ thì cũng thuận lòng, song ông ta ra điều kiện buộc phải bịt đầu roi để tránh sự nguy hiểm cho tính mạng. Thế rồi, hai địch thủ tranh nhau quyết liệt giữa võ trường, khiến cho người xem phải hồi hộp từng giây, từng phút một. Xuân Phương vì cố thù Võ Ðông Sơ, nên chàng quyết lòng hạ cho kỳ được địch thủ để chuộc lại cái nhục thua kém vừa qua.
26. Nhưng Ðông Sơ nào phải tay tầm thường. Vũ thuật của chàng đã lên cao, nên chẳng mấy hiệp chàng dùng miếng hiểm nghèo đánh Xuân Phương rơi xuống ngựa, mang lấy thương tích ở chân.
Xuân Phương khập khà, khập khểnh bước vào võ trường, lên ngựa về nhà mà lòng vẫn tràn ngập mối căm thù với Ðông Sơ
27. Từ ngày được Ðông Sơ cứu tử tại Quan Âm Các đến nay, Thu Hà bỗng dưng thấy lòng mình rộn lên những mầm yêu đương. Cái hình ảnh của chàng trai trẻ uy nghi nọ luôn luôn hiện rõ trước mắt nhung huyền của nàng. Rồi tự nhiên một nỗi buồn mênh mang từ đâu cứ xâm chiếm mãi tâm hồn người trinh nữ. Tự nhiên, nàng bắt đầu nghĩ ngợi đến một cuộc tình duyên mà trong đó phải có người con trai nọ thì nàng mới yên lòng.
28. Những đêm trường vắng lặng, Thu Hà thường ra hiên ngắm trăng để gởi chút tơ lòng cùng chị nguyệt. Nỗi nhớ nhung tràn ngập trong tâm hồn. Nàng không thể gởi đâu cho hết được. Trước cảnh chạnh lòng, nàng bèn mượn tiếng đàn để ngân lên những nỗi lòng ai oán. Nàng tưởng tượng sẽ nhờ tiếng tơ đồng đưa thấu đến tai người xa vắng những nỗi niềm tâm sự u uẩn trong lòng.
29. Đang lúc tâm hồn nàng rung chảy theo nhịp đàn ảo mộng, bỗng từ xa, một bóng đen từ từ tiến đến. Thu Hà hốt hoảng, ngỡ là ma quỷ, nhưng bóng đen ấy tiến đến rất nhanh và khẽ thốt lời êm ái:
- Trước hết xin cô nương thứ lỗi cho kẻ này đến đây thực hết sức đột ngột làm lỡ dỡ đường tơ đang rung phím của cô nương. Thu Hà nhìn kỹ lại mới biết là Đông Sơ thì hết sợ và lộ vẻ vui mầng. Bấy giờ, bóng trăng đã lên cao, soi rõ vạn vật.
30. Đông Sơ nhìn nét kiều diễm thiết tha mà lòng nhủ thầm: “Nàng quả là một trang giai nhân tuyệt sắc”.
Không để sự e thẹn làm mất đi thời khắc quí báu, Đông Sơ nói:
- Cuộc gặp gỡ vừa qua khiến cho tôi mãi thổn thức. Có lẽ tơ duyên hóa công đã dành sẵn, cho nên không lúc nào hình ảnh của cô nương lại không hiện rõ trong tâm khảm tôi. Tôi ước mong sao, cô nương đừng nê chấp tôi là kẻ phương xa, để được cùng nhau nên nợ ba sinh thì diễm phúc cho tôi không biết chừng nào.
Tình yêu đã chớm nở từ lâu, Thu Hà không thế nào từ chối được với bạn lòng.
31. Dưới ánh trăng xanh biếc, hai mái đầu xanh kề nhau và trao đổi những lời thề nguyền sắc son, vàng đá. Giờ phúc trôi qua lẹ làng bên tình yêu say đắm. Phúc chốc canh đã tàn, Đông Sơ vội từ giã người yêu và hứa sẽ làm lễ cưới long trọng. Phút chia tay như dao cắt. Chàng và nàng lưu luyến mãi đến khi trống lầu điểm canh mới giã từ nhau. Đông Sơ lên ngựa sải nhanh về quán trọ.
32. Về đến phòng, mặc dù hình ảnh của người yêu mãi ám ảnh trong trí, Đông Sơ vẫn không xao lảng sự học hành. Chàng luôn luôn ngồi bên bàn để trau dồi văn chương cho đến sáng.
Trời vừa rạng đông thì có một người lính đến trao cho chàng một phong thơ.
33. Chàng vội tiếp mở ra xem. Thì ra đó là lịnh của Tổng trấn Lê Công đòi chàng.
Ðông Sơ vội vàng sửa soạn yên mã phi nhanh đến sở công, ra mắt Tổng trấn.
Lúc bấy giờ Lê Công ngồi trước bàn án nghiêm chỉnh, có quân hầu hai bên. Ðông Sơ bước vào bái lễ xong, đứng chờ lịnh. Trông qua tướng mạo tuấn tú của Ðông Sơ, Lê Công hỏi thăm qua gia thất và nói:
- Hiện nay, ngoài mặt biển có quân giặc Tàu Ô đang hoành hành, triều đình có sắc chỉ phong cho ngươi làm Ðô úy, lãnh quân ra trừ giặc, lập thân danh, chẳng hay ngươi nghĩ thế nào?
34. Ðông Sơ chẳng chút ngại ngùng, thưa ngay:
- Thưa quan trên, kẻ hạ này đã sanh trong đất nước thì khi nước non gặp cơn nguy biến phải đem thân ra gánh vác mới là tròn phận tu mi, chứ có lý đâu lại dám chối từ. Ðiều ấy là điều mà kẻ hạ này thường mong ước được làm.
Lê Công gật đầu và ban cho chức sắc để thừa hành nhiệm vụ.
35. Từ ngày lãnh nhiệm vụ tảo trừ bọn giặc Tàu Ô, Ðông Sơ lắm lúc thấy nỗi buồn xa xôi cứ xâm chiếm tâm hồn. Từng đêm, chàng đối diện với ngọn đèn mà lòng luôn tưởng nhớ đến người yêu. Thừa biết sứ mạng của mình là hệ trọng, còn tình yêu chỉ là phụ thuộc, nhưng mảnh tình son sắt kia làm sao mà ngơ được với đôi bạn trẻ vừa mới yêu nhau. Cảnh ngộ chia phôi, biết đâu Thu Hà có rõ được lòng son, dạ sắt của chàng? Vì thế chàng vội viết thư sai tiểu đồng mang đi.
36. Chàng căn dặn phải trao tận tay Thu Hà. Tiểu đồng vâng lịnh Ðông Sơ mang đi. Khi đến nơí, tiểu đồng vào Tây viên gặp lúc Thu Hà đang dạo xem phong cảnh, liền trao ngay phong thư và kính cẩn thưa rằng:
- Cậu tôi rất có lòng trông đợi!
37. Thu Hà đọc thơ mới hay Ðông Sơ sắp dấn thân vào vòng chinh chiến. Nàng không ngăn được nỗi buồn, lo, sợ sệt. Song nàng nghĩ phận làm trai nợ nước phải trước nợ tình, nên đành phải gắng gượng dắn lòng, nguôi cơn buồn thảm. Nàng y lời hẹn trong thơ của người tình, liền đi đến Tây viên để gặp mặt người yêu trong giờ tiển biệt.
38. Thật là cảnh chia ly, người đi không nở, kẻ ở lại không đành, đôi bạn tâm đồng lưu luyến với bao lời thề ước minh sơn. Thế rồi, chàng ra đi mang theo lòng những nỗi buồn man mác, còn nàng thì trở lại tư gia lo tròn nữ hạnh.
39. Thu Hà đang thắc mắc vì nỗi sầu thương chưa giải đặng thì anh nàng là Bạch Xuân Phương bước vào với vẻ mặt vui tươi, bảo:
- Anh muốn nói với em một chuyện, vì từ ngày cha mẹ chúng ta qua đời, anh là người thay thế gia đình, phải lo mọi việc cho chu toàn. Nay em cũng đã khôn lớn rồi, cần phải có một gia đình hạnh phúc. Anh đã nghĩ kỹ, trong đời nảy không ai hơn là công tử Trần Xuân. Người ấy giàu có không ai bằng. Vậy em không nên từ việc hôn nhân cùng cậu ấy.
40. Nghe anh bảo, lòng Thu Hà càng thêm rối loạn, bồi hồi, chưa biết phải trả lời làm sao thì bên ngoài đã có công tử Trần Xuân cùng với bà mai dong là Trần Thị bước vào hỏi han dồn dập.
41. Xuân Phương cố tán tụng để thuyết phục em mình, song Thu Hà vẫn không nguôi được nét buồn trên mặt và không chịu quyết định cuộc hôn nhân đối với công tử Trần Xuân. Xuân Phương lấy làm bực tức, nghĩ thầm: “Nếu không dùng quyền lực để trấn áp Thu Hà thì chắc chắn nàng sẽ không bao giờ chịu tuân theo lời”. Chàng bèn giả bộ giận dữ để cho em kinh sợ. Song lúc ấy không biết Thu Hà vụt nghĩ như thế nào mà bỗng nhiên nàng đổi giận làm vui, tỏ ý vâng lời. Xuân Phương vui vẻ vội vã bước ra mời Trần Thị và Trần Xuân vào bàn khách.
42. Sau cuộc hứa hẹn ấy, lòng Thu Hà càng như dao cắt, tâm sự éo le nàng không biết tỏ cùng ai. Chỉ riêng có thế nữ Xuân Đào là kẻ ở sát cạnh nàng, vui buồn được thông cảm nhau mới hiểu được. Vì thế, Thu Hà vội viết thư cho Đông Sơ hiểu rõ cảnh ngộ của mỉnh và sai thế nữ mang đi.
43. Đoạn nàng lại viết thư cho anh, rồi cùng thế nữ trốn đi. Nàng không quản cuộc đời phiêu dạt đầy dẩy gian khổ từ đây.
Trước hết cả hai đến mướn một ghe thương hồ để đưa nàng và thế nử đi tìm người dì.
Thấy nàng là một khách có vẽ sang trọng, chủ thuyền vô cùng đắc ý, niềm nở đón tiếp. Thấy chủ thuyền là người có tuổi tác, Thu Hà kính trọng và không nghi ngờ gì cả. Nàng đặt tất cả lòng tín nhiệm vào chủ thuyền trên bước đường phiêu dạt.
44. Về phần Đông Sơ, từ ngày lãnh trọng trách ra mặt bể trừ giặc, lòng lúc nào cũng thấy trống trải lạnh lùng. Tuy nhiên nhiệm vụ nam nhi là trọng, chàng tìm tâm sự giải buồn trong cuộc chiến chinh, liền hối thúc quân sĩ đem vũ khí xuống chiến thuyền để sẳn sàng chờ lịnh xuất phát.
45. Thuyền chàng giả là thuyền thương hồ để bọn cướp Tàu Ô lầm mà cướp đoạt. Trong mấy ngày đầu lênh đênh trên mặt biển, chàng nhờ có cảnh trời nước bao la, nhìn từng cánh chim lộn về tổ cũ mà vợi bớt niềm ai oán nặng vương bên lòng. Ngày ngày, chàng ra đứng trước mũi thuyền để ngắm cảnh mây trôi về phương nào.
46. Bỗng từ xa một cánh buồm đen lù lù tiến đến. Chàng biết ngay là bọn cướp bể, liền truyền lịnh quân sĩ sẵn sàng gươm giáo để chờ giờ chiến đấu. Bọn giặc vừa đến gần sát bên, thình lình Ðông Sơ trương cờ lệnh.
47. Quân cướp Tàu Ô biết phỏng tay vì gặp chiến thuyền của triều đình. Nhưng nước cờ đã đến phút cuối cùng, bọn họ đành liều mạng tử chiến với Ðông Sơ. Sau khi hạ lịnh nghinh chiến, Ðông Sơ bèn đích thân tiến tới trước và nhảy sang thuyền địch. Quân sĩ thấy chúa tướng của mình anh dũng như thế cũng không dám rụt rè, liều chết phóng mình sang thuyền, đánh quyết liệt. Quân Tàu Ô tan rã, kẻ nhảy xuống nước, người chịu đầu hàng.
48. Khi trận chiến chấm dứt, Ðông Sơ bắt bọn tù binh đem dâng triều đình xử tội. Còn chàng được thăng chức vinh diệu.
Nhân một hôm cùng hai bạn đồng đội đi dạo mé sông, Ðông Sơ xảy thấy có một bàn tay từ trong mui ghe đưa lên và ra hiệu cầu cứu.
49. Ðông Sơ nhìn kỷ, nhận ra là Bạch Thu Hà, người yêu của mình thì biến sắc, biết ngay nàng gặp tai biến gì, liền vội vã để bạn ở lại trên bờ, còn mình thì nhảy xuống sông lội theo chiếc thuyền ấy. Chàng cố bơi theo chiếc thuyền kia, song vì sóng to gió lớn nên chẳng được bao lâu chàng bị sóng nhận chìm. Giòng nước bạc lôi cuốn chàng tận phương nào không rõ. Ai nấy đều tin rằng Ðông Sơ đã chết chìm trong khơi bể.
50. Bị sóng dập, Ðông Sơ bất tỉnh. Ðến khi bừng tỉnh thì lấy làm lạ lùng vì mình đang nằm trên một chiếc thuyền. Và người ngồi kế bên không ai đâu lạ, chính là Triệu Dõng, người bán kiếm cho chàng trong lúc nọ.
Chàng chưa kịp hỏi thì Triệu Dõng cùng em gái là Triệu Nương liền thuật hết lại mọi việc cho chàng nghe. Thì ra chàng được Triệu Dõng cứu sống. Chàng vô cùng cám nghĩa.
51. Sau khi từ biệt Triệu Dõng và không tìm được thuyền của Thu Hà, Ðông Sơ trở về nhà với một nỗi buồn chan chứa. Khi đến nhà tiểu đồng liền đến thưa việc có thư của Thu Hà gửi đến. Ðông Sơ bồi hồi mở thư ra đọc. Trong thư, Thu Hà đã để lại chàng những tin tức đau buồn, không hẹn ngày tái ngộ. Chàng thương nàng bấy nhiêu thì lại càng lo sợ cho kiếp má hồng trải cơn gió bụi, khó tránh được mọi nỗi đáng cay vùi vập của thế đời.
52. Nhưng biết đâu mà tìm cho ra bóng người tri kỹ. Từ đớ, Ðông Sơ chỉ biết dẫn bộ hạ đi khắp nơi, trước xem phong cảnh dể nguôi ngoai nỗi buồn, sau để có thể dò la được tin tức của người yêu.
Nhưng bóng chim vẫn biền biệt.
53. Về phần Thu Hà, từ khi nàng trải thân trên dặm trường sương gió, những ngỡ được chủ thuyền là kẻ hiền lương che chở cho, nhưng không ngờ khi đưa Thu Hà và thế nữ đến một nơi hoang vắng thì vợ chồng tên chủ thuyền liền dở thủ đoạn cướp bóc. Vợ chồng hắn cưỡng bách nàng phải trao tất cả nữ trang quí báu, nếu không sẽ xô xuống sông mất xác.
54. Thu Hà biết mình đã sa vào tay bọn cường đạo, nếu không tuân theo ắt khó toàn tánh mạng, liền lột hết nữ trang trao cho hắn và xin đừng làm hại đến tính mạng. Tuy vậy, khi đến một khu rừng hoang vắng, chủ thuyền muốn cho khỏi bị bại lộ sự cướp bóc của mình, liền xô thế nữ và Thu Hà lên bờ rồi chèo thuyền đi mất.
55. Bây giờ của cải đã mất hết lại còn bị lạc vào rừng hoang, không một lều tranh đâu đấy, cả hao cô gáo lo sợ không cùng. Ði mãi đến những nơi sơn cùng mà chưa tìm được nhà ai, phần đói khát, Thu Hà uể oải khẩn nguyện Trời Phật luôn miệng. Song rừng già vẫn mù mịch, không lối ra.
56. Ðêm đã bắt đầu rơi xuống vạn vật. Sương đêm và khí lạnh tái buốt lòng người. Ði đến một cây đại thọ, Xuân Ðào cố gắng nói cùng Thu Hà:
- Xin cô nương hãy dừng bước lại đây, chớ chúng ta có đi xa nữa cũng vô ích. Thu Hà thấy chân tay đều mệt mỏi rã rời, nên không cãi lời thế nữ. Hai người cùng ngồi lại gốc cây.
57. Vì quá mệt mỏi và đói khát nên hai người ngủ thiếp lúc nào không hay. Thình lình có một con vật khổng lồ tiến sát lại hai người toan vồ lấy để ăn thịt.
Xuân Ðào kinh hãi vội gọi Thu Hà thức dậy hầu có chạy trốn. Nhưng sức đã đuối, không còn đứng dậy nổi, hai người đành phú cho số mạng.
58. Khi con ác thú vừa vồ đến hai người, bỗng có một vị cứu tinh từ đâu xuất hiện. Người ấy cỡi con bạch tượng. Bạch tượng vẫy vòi hút lấy con vật và quật chết tươi.
59. Thu Hà và thế nữ ngỡ mình đã bị ác thú giết chết, nào ngờ khi bừng tỉnh mới hay là đã có người cứu tử. Người ấy là một thiếu nữ, ăn vận theo lối võ phục, tay cầm cung nỏ bớc đến trước mặt hai người và hỏi:
- Chẳng hay nhị vị từ đâu đến đây và lạc vào giữa rừng như thế này?
Thu Hà thấy người hỏi mình thật là một người tao nhả, nên không dấu sự thật, thuật hết mọi nỗi đuôi đầu.
60. Người cứu Thu Hà và thế nữ là Hoàng Nhị Cơ. Sau khi nghe hết dự tình của nàng, Hoàng Nhị Cơ bèn rước về sơn trại của anh mình ở miền này.
61. Cả ba nhờ con bạch tượng đua ra khỏi quảng núi rừng nguy hiểm. Khi vừa đến sơn trại, xảy có hai con voi đen khác ra nghinh tiếp. Chúng kêu rống lên làm Thu Hà và thế nữ hoảng sợ. Hoàng Nhị Cơ thấy thế liền nói:
- Hai con voi đen này anh tôi đã bắt được bên Xiêm Quốc đem về nuôi từ khi còn nhỏ. Vì vậy nó khôn ngoan lắm. Mỗi khi tôi hoặc anh tôi về tới đây thì chúng ra mừng. Và mỗi lần tỏ nỗi mừng như thế, chúng kêu to tựa như lúc ở rừng xanh.
62. Nhị Cơ về đến nơi bèn đưa Thu Hà và thế nữ vào một phòng riêng, gọi bọn ở sửa soạn chăn mền rối rít. Thấy thế, Thu Hà vô cùng ngại ngùng. Hoàng Nhị Cơ vẫn vui vẻ khuyên nhủ Thu Hà chớ nên ngại ngùng điều gì cả. Nàng sẽ coi Thu Hà như người thân quyến trong nhà, cùng chung sống để tránh khỏi cảnh bão táp, phong ba cho số kiếp má đào.
63. Về phần Đông Sơ, từ khi thoát khỏi lượn thủy triều, chàng luôn luôn để tâm tìm kiếm người bạn chung tình. Đi khắp đó đây, bỗng một hôm nhân ghé vào lữ quán, Đông Sơ gặp lại hai người ăn vận theo miền rừng núi đang ngồi uống rượu và khề khà bảo chủ quán:
- Quán đâu, hôm nay có bao nhiêu rượu đem hết cho ta mua! Chớ nên bán cho ai mà không đủ cho ta dùng hôm nay.
64. Người trẻ hơn hỏi:
- Hôm nay làm gì mà anh mua rượu nhiều thế?
Người già đáp lại:
- Nào phải mua cho tôi đâu. Anh không nghe sao? Hôm nay là ngày lễ cưới của gia chủ, chúng ta còn lạ gì!
Người trẻ:
- A! A!
65. Đông Sơ nghe nói lễ cưới, tự nhiên chàng không ngăn được sự tò mò lẫn nghi ngờ. Chàng bước đến hỏi thăm người ấy xem lễ cưới của ai. Trong lúc men rượu hừng say, người già không dấu, đáp ngay:
- Đám cưới một cô gái ở Bình Định cứ còn đâu?
Đông Sơ căn dặn:
- Nhưng là tên gì mới được chứ?
- Tên thì tôi không được rõ. Song tôi được biết người là một kẻ lạc đường đến đây nhờ gia chủ tôi cứu sống trong lúc lâm nguy.
Đông Sơ nghe qua, lòng càng bồi hồi, muốn hỏi thêm cho cặn kẻ nhưng hai tên kia đã đi mất. Đông Sơ không biết làm thế nào, đành gọi chủ quán lại để hỏi thăm đường lên sơn trại.
66. Chủ quán thấy Đông Sơ là một võ quan trẻ tuổi, ăn nói nhã nhặn và vui vẻ, bèn chỉ đường lên sơn trại và dặn kỹ Đông Sơ đường ấy rất nguy hiểm, khó đến nơi lắm. Đông Sơ không để ý đến câu nói nguy hiểm của chủ quán vì chàng tự tin ở sức mình có thừa. Chàng chỉ cần biết qua đường xá, rồi cùng Đội Nghĩa mạo hiểm ra đi giữa đêm trăng mờ.
67. Vì tên chủ quán nói qua đoạn đường nguy hiểm, Đông Sơ và Đội Nghĩa luôn luôn cẩn thận, trông trước và trông sau. Nhưng Đội Nghĩa vốn có tánh nhát gan, nên đi được một đỗi đường bỗng kêu lên thất thanh. Đông Sơ ngỡ là gặp bọn cường san lập tức quay lại, chỉ thấy một cành cây quấn vào cổ viên Đội thì bật cười.
68. Khi cả hai đi tới ngọn đồi cao thì thấy lộ ra một ngôi tháp. Ngôi tháp ấy xây cất trên một địa thế rất hiểm trở, khó tới gần được. Đông Sơ và Đội Nghĩa phải dùng giây để đu mình vượt qua các vuông hào rộng.
69. Vừa rơi xuống mặt đất, Đông Sơ bỗng gặp hai bóng đen tiến đến. Chàng lẹ làng rút kiếm đề phòng> Khi hai bòng đen tiến sát bên, Đông Sơ bèn hô to:
- Hãy dừng bước, nếu tiến tới nữa ta sẽ không dung mạng!
Dưới ánh trăng mập mờ, hai bóng kia nhận thấy kẻ cầm gươm là một chàng trai tuấn tú, liền đáp lại:
- Chúng tôi là kẻ ở sơn trại, còn người là ai mà đang đêm lại đến đây làm gì?
70. Đông Sơ đáp:
- Ta là Đô úy Võ Đông Sơ, muốn đến đây săn bắn.
Nghe qua tên Võ Đông Sơ, hai người kia reo mừng:
- Thế là gặp ân nhân rồi, may quá, xin người dừng gươm cho chúng tôi kể sự tình.
Đông Sơ còn ngơ ngác thì hai người ấy liền mời chàng vào sơn trại.
71. Đông Sơ chưa biết rõ hư thiệt ra sao, nhưng muốn biết rõ chuyện mình muốn tìm, nên bước theo vào. Khi ngồi vào bàn, người trai ấy mới kể lể:
- Chúng tôi xin kể lai lịch sự mang ơn cho quan nhơn như thế này. Chúng tôi là kẻ buôn lậu, thường vượt bể bằng thuyền buồm. Chuyến rồi bị bọn cướp Tàu Ô chận đường cướp đoạt, may nhờ thuyền quan nhân tới kịp đánh tan bọn kia. Nhờ thế, chúng tôi mới được thoát khỏi.
72. Nghe thuật qua, Đông Sơ mới nhớ lại việc chinh chiến cũ. Thế rồi, hai người thân mật đàm đạo. Nhờ vậy. Đông Sơ mới dọ được chắc chắn quả Thu Hà ưng thuận hôn lễ cùng Nhứt Lang. Lòng căm tức tràn ngập, Đông Sơ thầm trách Thu Hà bội bạc. Tuy vậy, Đông Sơ cũng chưa nỡ vội lìa sơn trại, ở nán lại ít ngày để xem sự thế ra sao. Đến ngày thứ tư thì Nhứt Lang bảo là Thu Hà đã tự trầm mình nơi biển cả. Nàng để lại một phong thư tuyệt mệnh. Thư ấy kể rõ nỗi tình éo le của nàng khó nỗi bộc bạch cùng ai. Nếu chối từ hôn nhân với Nhứt Lang thì e rằng người cho là kẻ không biết ơn cứu tử, còn thuận tình thì nàng không thể nào bội bạc được lời thề năm xưa. Trước cảnh tình khó xử ấy, thêm hôm nay Đông Sơ lại đến đây, càng làm cho nàng thêm hổ thẹn. Vì thế nàng quyết mượn giòng nước bạc để bộc bạch nỗi lòng.
73. Nhưng lúc nàng vừa toan lao mình xuống giòng nước lủ thì xảy đâu có thuyền Triệu Dõng đậu gần đó. Trông thấy có kẻ toan hủy nợ đời, chàng vội nhảy theo vớt lên. Nhìn ra, chàng biết là Thu Hà, người bạn tình chung của Đông Sơ thì chàng lấy làm lạ hỏi tất cả duyên cớ vì đâu. Nghe xong tự sự, Triệu Dõng liền bảo nàng qua thuyền để đưa ra khỏi địa thế này.
74. Song thuyền của chàng đi được một đỗi đường thì có quân của sơn trại rượt theo. Tên bộ hạ của Nhứt Lang nhảy qua thuyền chàng cản lại. Triệu Dõng buộc lòng phải đánh tên nọ để tháo lui, rồi đưa Thu Hà về nhà người cô tạm trú.
75. Về đó, Thu Hà vẫn không nguôi được nỗi buồn ngổn ngang trong lòng, mặc dù bên cạnh nàng có em gái của Triệu Dõng là Triệu Nương luôn luôn khuyên giải.
Một hôm, nhân ngày rằm tháng tốt, ngày vía của đức Thích Ca Mâu Ni, Triệu Nương (em Triệu Dõng) bèn sắm hoa quả, hương đèn và rủ Thu Hà đi cúng Phật. Thu Hà cũng thấy đó là dịp giải muộn, nên nhận lời.
76. Khi vào đến chùa, khi khẩn nguyện trước bàn Phật, Thu Hà chợt thấy một cái bài vị đề tên mình thì hết sức ngạc nhiên. Nàng liền hỏi sư cụ về việc lạ lùng khó tả này.
Nhà sư đáp:
- Cách đây ba hôm, có một quan nhơn tên Võ Đông Sơ đến đây xin đặt bài vị đề tên này. Người bảo đó là tên của người vợ vừa tử nạn mà tìm không được xác.
77. Nghe sư cụ thuật qua, nàng bồi hồi cảm động. Nàng chẳng biết giờ đây chàng ở phương nào và có thấu rõ được lòng nàng chăng.
Khi hai người ra khỏi chùa, vừa bước lên xe, Thu Hà bỗng trông thấy phía sau có anh mình là Xuân Phương và công tử Trần Xuân rượt theo, liền hối tên đánh xe quất ngựa chạy nhanh.
78. Nhưng đến hôm sau, Xuân Phương lại tìm đến chỗ ở của Thu Hà và bảo nàng phải về kẻo có sự lôi thôi về thưa kiện. Thu Hà đành phải nghe theo, Triệu Dõng biết rõ cảnh tình của nàng, nên giả ra kẻ cướp chận dọc đường cướp Thu Hà qua xe, rồi cho chạy nhanh về một nơi khác để cho họ không được biết.
Phía sau, bỗng có hai người phóng ngựa cố đuổi theo để bắt lại cho kỳ được.
79. Triệu Dõng quất ngựa chạy càng nhanh, khiến cho Triệu Nương lo sợ bảo:
- Hãy tạm lẩn vào rừng trốn tránh, họa chăng bọn họ sẽ không biết đâu mà theo. Chứ cho xe chạy như thế này, họ vẫn có cơ theo đuổi mãi.
Thu Hà ngăn lại và nói:
- Thà cứ chạy như thế này rủi có gặp tai nạn mà chết còn hơn là lẩn trốn để rồi họ cũng còn tìm được nữa thì thêm rắc rối mà thôi.
80. Thu hà vừa dứt lời thì phía trước Triệu Dõng đã la to:
- Hãy mau thoát ra khỏi xe!
Tiếng chàng chưa dứt thì một tiếng “rắc” vang lên rồi cả thân xe cùng ngựa đổ nhào xuống giòng sông, nghe một tiếng ầm vang động.
81. Tất cả đều không mong gì còn sống sót, may nhờ Triệu Dõng cố hết sức mới vớt lên được cả hai. Khi đem được hai cô gái lên bờ thì phía sau người cỡi ngựa cũng tới. Thì ra người ấy lại chính là Đông Sơ. Đôi tình nhân cũ gặp lại, cà hai đều mầng rở khôn cùng. Tưởng đã rủi, nào ngờ gặp may, Triệu Dõng thấy cảnh sum họp của ân nhân thì có lòng mừng nên rước cả hai về nhà mình an nghỉ. Nhưng về đến nơi, hai người vừa hỏi han tâm tình nhau thì bên ngoài có Xuân Phương và Trần Xuân đến.
82. Triệu Dõng ra trước cửa ngăn bọn họ, không cho vào, Xuân Phương nói:
- Nếu nhà ngươi không trả em ta lại, ta sẽ cầu đến pháp luật can thiệp, chừng đó mi đùng có trách ta sao độc ác!
Triệu Dõng nghe qua nổi xung thiên, nhảy đến ấu đả với hai người. Nhờ võ nghệ khá cao, không mấy chút, chàng đánh bại Xuân Phương và công tử Trần Xuân.
83. Lúc ấy, Ðông Sơ ở trong nhà. Nghe tiếng đánh nhau ồn ào, chàng vôi bước ra thì thấy Triệu Dõng một mình đánh với hai người mà vẫn đem phần thắng về mình thì vô cùng ca ngợi.
Từ đó, Xuân Phương và Trần Xuân không còn tìm đến nhà Triệu Dõng đòi em nữa.
84. Nhờ vậy mà Ðông Sơ và Thu Hà được tâm ở yên nơi này. Sau bao ngày giông tố phũ phàng, cà hai mới tìm thấy được chút hạnh phúc êm đềm để bỏ qua những ngày nhớ nhung, buồn thảm. Tuy vậy, nghịch cảnh của hai người vẫn chưa cho phép cả hai hoàn toàn thỏa mãn được. Ai nấy cũng đều nơm nớp lo sợ còn có sự rắc rối nữa xảy do Xuân Phương và công tử Trần Xuân gây nên.
85. Cho nên mỗi đêm, Triệu Dõng đều bàn định với Ðông Sơ những kế hoạch để phòng thủ và ngăn ngừa khi có bọn họ đến trả thù. Nhưng từ ấy mãi đến sau, họ không còn léo hánh đến nữa. Bấy giờ, ai nấy mới yên lòng.
86. Ðêm đêm, dưới ánh trăng huyền diệu, gió lung lay cành lá, mây trôi qua mặt chị Hằng như bức lụa mỏng, Thu Hà và Ðông Sơ thường ra ngắm trăng để cùng nhau bày tỏ nỗi lòng. Càng gian khổ bấy nhiêu, mối tình của hai người lại càng thắm thiết bấy nhiêu. Không nỡ rời nhau một phút, còn ai lạ gì mối tình đầu của tuổi trẻ nó thấm thía là thế nào.
87. Sáng hôm sau, Ðông Sơ vừa thức dậy thì có một người lính mang chỉ của nhà vua đến trao cho chàng. Ðông Sơ đặt bàn hương án để rước đọc. Chiếu chỉ nhà vua triệu chàng ra dẹp giặc nhà Thanh đang lăm le xâm chiếm bờ cõi.
88. Giờ phút chia ly lại điểm. Ðông Sơ thấy lòng buồn rười rượi. Tuy vậy, “thân trai, nợ nước”, chàng không dám lãng xao. Nợ nước cao hơn nợ tình, phận làm trai, chàng phải làm cho tròn. Bởi thế chàng phải từ biệt người yêu để đến kinh thành ra mắt long nhan. Nhà vua giải rõ cho chàng nghe tình thế của nước nhà rồi cấp phát cho lịnh tiển.
89. Ngay ngày hôm ấy, Ðông Sơ lãnh sứ mạng dẫn một đạo quân ra án ngữ Lạng Sơn để ngăn giặc. Từ đây, Ðông Sơ lại mượn đường chinh chiến để khuây khỏa mối tình riêng. Tất cả quân sĩ đều xót thương và cảm mến chàng vô kể.
90. Lúc bấy giờ, Triệu Dõng đã nhập ngũ theo Ðông Sơ và theo hộ vệ chàng không rời một bước. Khi tiến binh cũng như lúc hạ trại, cả hai đều luôn khắn khích nhau như anh em ruột.
Một hôm nhân hành quân sát vùng biên cương, Ðông Sơ và Triệu Dõng đi xa địa phận để xem tình hình.
91. Hai người vẫn bình tỉnh đi vào rừng sâu, hoang vắng. Ðến một miếng đất trống trải, bỗng nhiên từ đâu bay đến một mũi tên, cắm phập vào ngực Triệu Dõng. Ðông Sơ hốt hoảng vội chạy bổ đến cứu người bạn chí thân. Mũi tên cắm quá sâu và có tẩm thuốc độc nên Triệu Dõng không chịu nổi. Chỉ mấy phút sau, Triệu Dõng thở hơi cuối cùng. Ðông Sơ đau đớn, tiếc thương người bạn trung thành, vội xốc đỡ lên tay thì bỗng nghe tiếng gió của mũi tên thứ nhì bay đến.
92. Chàng nghiêng đầu tránh khỏi. Biết ngay có bọn Thanh mai phục, chàng liền tuốt kiếm ra khỏi vỏ, quyết ra tay rửa hận.
Vừa lúc đó, từ trên cành cây, bọn quân Thanh nhảy xuống vây chặt Ðông Sơ vào giữa toan bắt sống.
93. Ðông Sơ không nao núng. Chàng không để cho bọn nghịch rảnh tay trước, liền tiến tới mau lẹ, chém xả hai tên Tàu đi đầu. Bọn chúng không dám hờ ơ, đều dùng binh khí đánh chàng ráo riết. Tiếng binh khí va chạm nhau, khua vang một góc rừng.
94. Lúc đó đoàn binh dưới quyền thống lỉnh của Ðông Sơ, thấy chủ tướng của mình đi lâu mà không về, liền dẫn nhau đi tìm kiếm. Ðến nơi thấy bọn nhà Thanh vây đánh Ðông Sơ, binh sĩ đều ùa tới tử chiến với quân Tàu. Quân Tàu cự không lại, tán loạn hàng ngũ, bỏ chạy rối rít.
95. Sau phút chiến gay go, ác liệt và cũng là lần quân ta chiến thắng quân Tàu một cách oanh liệt, Ðông Sơ điểm lại xác chết quân thù. Thấy thây người chết ngổn ngang, lòng sao khỏi chua xót. Ðông Sơ bước lại bên xác chết của Triệu Dõng ngậm ngùi thương tiếc.
96. Không ngờ lúc ấy, có một tên lính Tàu giả chết, chờ Ðông Sơ không để ý, thình lình thích sau lưng chàng một nhát gươm. Ðông Sơ chỉ kịp la len một tiếng rồi ngã gục trước vũng máu đào. Trước khi tắt thở, Ðông Sơ vận cỏn kêu tên Thu Hà, như để nhắn gửi lời vĩnh biệt với người bạn chung tình.
97. Tên Tàu vừa đâm Ðông Sơ, thấy chàng còn kêu lên, vội vung gươm bồi thêm nhát nữa. Nhưng hắn chưa kịp hạ gươm thì Ðội Nghĩa đã tiến tới, đâm hắn một gươm từ sau ra tới trước ngực. Tên Tàu chết không kịp ngáp.
98. Hôm sau, trước tụng đình có đạt hai chiếc hàng song nhau, có quan của thánh hoàng ngự tọa, phong tước cho hai người chết vì nhiệm vụ nước nhà. Tất cả binh sĩ dưới quyền điều khiển của Ðông Sơ đều ngậm ngùi thương tiếc vị tướng lãnh trẻ tuổi của mình. Trước quan tài, họ im lặng tưởng niệm linh hồn người anh hùng vắn số,
99/100. Hay tin Ðông Sơ bỏ mình vì nhiệm vụ, Thu Hà đau đớn khôn tả. Nàng đến trước linh sàng người quá cố khóc than kể lể cho cuộc tình duyên tan vỡ. Mối tình tuyệt vọng càng dâng ngập lòng nàng một niềm u uất không thể nào nguôi. Những ngỡ lời thề son sắt sẽ được cùng nhau gắn chặt chữ đồng, cho nên bao quản khó khăn trở ngại, nàng đã có vượt qua để có ngày cùng người yêu xây dựng một cuộc đời êm ấm. Nào ngờ, bao mộng đẹp, mái đầu xanh vương lắm nợ phong trần, chỉ toàn xây trên ảo mộng vì ngày cuối cùng chỉ chịu cuộc vĩnh viễn biệt ly. Thế là nàng không còn mong gì nữa! Hy vọng cuối cùng của nàng là được gặp mặt người yêu ở bên thế giới, để cho trọn lời thề. Sau những giờ khóc than không cạn, Thu Hà quyên sinh bằng một luỡi kiếm sắc bén. Giọt máu trong tim nàng phun ra như ống thụt, và như quấn quít lấy người bạn tình chung nên đẫm lên nắp áo quan chàng những vệt không phai.
Trời ơi! Bởi sa cơ giữa chiến truờng thọ tiễn nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu Hà.
Bạn tình ơi! Đừng hoài công mòn mỏi đợi chờ.
Hãy gọi tên anh trong những chiều xuân lạnh khi cánh nhạn bay về cuối nẻo trời xa.
Hay những lúc canh khuya tựa rèm châu ngắm áng trăng tà,
nàng hãy nhớ đến tháng năm này, có một người yêu đã vùi thây giữa vùng cát trắng.
Ta cảm thấy máu ngừng trong nhịp thở, rút gươm thiêng mà dòng lệ tuôn sa.
Khắc vào cây ba chữ Bạch Thu Hà để kỷ niệm ngày ta không gặp nữa.
Tuấn mã ơi! Hãy phi mau về báo hung tin cho quân ta được rõ rằng Võ Đông Sơ đã vùi thây trong gió bụi quan hà.
Tiếng kẻng thu quân tắt liệm tự bao giờ.
Hoàng hôn phủ trùm lên bãi chiến một vẻ u buồn lạnh lẽo tiêu sơ.
Lá rừng rơi rụng như mưa, phải chăng xây hộ nấm mồ cho ta.
Máu hồng theo lệ tuôn sa, nhắc câu chung thủy lòng ta nghẹn ngào.
Máu đào tuôn đẫm ướt nhung bào, chí anh hùng vùi trong kiếm đao.
Tóc chiều rơi cuối nẻo biên thùy, ta thấy miền xa rũ bóng quân kỳ.
Ta muốn kêu lên ba tiếng Bạch Thu Hà.
Bạch Thu Hà ơi! Tim ta như ngừng đập, máu tuần hoàn ngưng chảy khắp châu thân.
Thôi thôi, lỡ làng tiếng hẹn trăm năm, từ đây nàng có nhớ đến ta,
hãy ngâm câu "túy ngọa sa trường quân mạc tiễu, cổ lai kinh chiến kỷ nhân hờn"
Bởi thọ tiễn thương giữa dòng chinh chiến nên giọt máu hồng nhuộm thắm bãi trường sa
Những tưởng buổi tương phùng được vầy cuộc đôi ta cho được trăm năm vẹn vẽ hương nguyền
Ai có ngờ duyên mới trao duyên thì giấc mộng tình đã thành thiên lệ sử
Võ lang ơi đôi ngã sâm thương uyên ương rã cánh, thiếp đành cam gãy gánh chung tình.
Gió kép mưa đơn, thiếp thui thủi một mình.
Chàng hy sinh đền ơn xã tắc
Thiếp nghẹn ngào tím ruột bầm gan.
Rảo bước theo đám quân canh đến trước tùng đình,
Thiếp ngập ngừng chưa dám bước vào trong.
Bởi thiếp đây đâu dám ngờ rằng
Võ Đông Sơ đã ra người thiên cổ.
Thiếp muốn xé tan áng mây trên tầng cao diệu vợi, để hỏi thử cao xanh ông ghét ghen chi mà để tội kẻ chương đài.
Một kiếp quần thoa lận đận biết bao ngày.
Nhưng mảnh kiên trinh thiếp nguyền vẹn giữ
Cho trọn lời đoan thệ cùng ai.
Thôi rồi đá nát vàng phai
Cầu Ô lỡ nhịp mộng đời dở dang.
Nhìn lên trướng rủ màu tang
Chàng đi để thiếp khóc than một mình.
Ánh nguyệt mới nhô lên đã bị phủ che bởi vầng mây xám.
Cũng như đời thiếp vừa thoát cơn khổ nạn
đã đành cam vắng bạn chung tình.
Quấn mảnh khăn tang thiếp quỳ trước tùng đình.
Chàng ra đi muôn đời không trở lại
Chén rượu đào thiếp đưa tiễn ai đây?
Rượu sanh ly dưới làn hương khói
Trước linh sàng thiếp thổn thức từng cơn.
Rượu đôi chung, lễ người thiên cổ
Tiễn đưa ai đi mãi không về.