3. Mang mang kim cổ hận, tĩnh tại bất ngôn trung[1]
(Mênh mang hận kim cổ, đều chẳng thể nói thành)
Qua cơn mưa, bờ tre giậu trúc đón nắng thu hòa dịu trong veo. Gió từ sông thổi vào rì rào sắc vườn thu xanh vàng thơm hương cỏ. Hàng hiên chạy quanh vườn mái ngói phủ rêu, lắc rắc hạt mưa muộn. Chuông gió đầu hồi kêu lanh canh khe khẽ như lẫn với tiếng ngựa xe xa lăng lắc đầu ngõ trúc.
Trời tạnh ráo, y cùng cậu thiếu niên rời khỏi Thê Phượng viên định trở về, vừa ra khỏi khúc quanh đầu ngõ đã gặp một đám đông chắn cửa. Thanh niên tên Miên Phú kia cũng vừa đúng lúc đi ra, đứng lại trò chuyện với một đoàn người khác. Liếc mắt nhìn qua, y thấy có một hai cái lọng, cáng trống xếp một bên, cho thấy đây không phải nhóm tùy tùng của người thường. Nghe tiếng nhạc ngựa, Miên Phú quay đầu nhìn lại, phác tay.
“Liêu cũng ở đây à?” Lúc này y nghe giọng anh ta vừa có vẻ dè chừng, vừa lại nhẹ nhõm. Như thể thiếu niên này sẽ giúp anh ta thoát khỏi một tình huống khó xử. Anh ta nhoành miệng cười hà hà. “Sao hôm nay Bạch Liên thôn đông vui thế?”
“Đây là đường đến Văn Miếu, hẳn phải đông đúc rồi.” Cậu thiếu niên đi lên trước, nhìn thấy người trong đám đông thì nhẹ cười nói. “Chắc anh Phú lâu ngày không gặp hoàng Cả.”
Cậu ta vừa nói vừa cúi mình làm lễ. Nhìn qua Miên Phú, y thấy người đàn ông mặc áo gấm chừng ba mươi tuổi đứng bên con ngựa thắng cương vàng. Gương mặt thanh thoát, dáng vẻ cao gầy, anh ta trông hòa hợp với sắc thái mùa thu đang bao quanh đến lạ. Ngay cả ánh mắt anh ta nhìn sang Miên Phú cũng như phản chiếu nắng đang hắt trên mặt sông.
“Phải rồi, sao em không đến học?” Anh ta dường nói tiếp câu chuyện đang dang dở với Miên Phú, đưa tay ra hiệu cho thiếu niên lại gần. “Phụ hoàng cất hình phạt, ban lại áo mão cho em, bảo em về phủ đường học chung với các hoàng tử, vậy mà các Thị học bảo em rất ít khi tới. Không phải phụ hoàng cấm em vào chầu thì em có thể muốn làm gì cũng được.”
“Ông… phụ hoàng có muốn để tâm đến em nữa đâu.” Miên Phú khó chịu ra mặt, lầm bầm trả lời. “Bây giờ cũng mới chỉ phục hồi có nửa số lương, phủ em thiếu trước hụt sau, em phải chạy vạy khắp nơi, không có thời gian học. Nên em đến tìm Thiệu Hóa đình hầu định nhờ vả một ít, ngờ đâu cậu ấy cũng vừa bị phạt. Có khi em đến mức phải chạy sang phủ Kiến An công đây.”
“Kiến An công hai năm nay cũng bị phạt lương, không có tiền đâu.” Người được gọi là hoàng Cả mà y biết có tên Miên Tông kia cười nói. “Ông ấy bị phạt đến bốn năm liền, chia đôi mỗi năm lãnh nửa lương thì thành tám năm, giờ phải biết thu vén công chuyện trong nhà, bớt chuyện người ngoài đi rồi.”
“Ông… phụ hoàng phạt lão ta à?” Miên Phú ngẩng đầu, kinh ngạc hỏi. Miên Tông hơi nhíu một bên mày trước khi trả lời.
“Em không đến học, quả nhiên chuyện gì cũng không biết. Hoàng Quýnh đến cai quản Gia Định, trước thì đám thương nhân dưới quyền phủ Kiến An mạo danh thương buôn nhà Thanh trốn thuế bao nhiêu năm nay bị phát hiện, sau thì nhóm thuộc cấp của Kiến An công nhân lúc hỗn loạn làm bậy bị bắt. Kiến An công bị phạt cắt lương bốn năm liền, khiển trách nặng nề.” Hoàng trưởng tử Miên Tông ôn tồn nói, không rõ được cảm xúc gì trong giọng anh ta. “Quốc có quốc pháp, gia có gia quy, tại sao không phạt được?”
Miên Phú chớp mắt ngẩn người, đột nhiên vỗ tay cười lớn.
“Lão gặp phải Hoàng Quýnh, quả nhiên đi đời rồi! Lão Quýnh trời không sợ đất không sợ thì lại sợ chữ ‘Kiến An’ à, đây là lần thứ bao nhiêu Quýnh tóm bè phái phủ Kiến An rồi?” Anh ta khành khạch cười một lúc, rồi như nghĩ ra điều gì mà cúi về phía Miên Tông, hạ giọng. “Nhưng anh nói ‘trốn thuế bao nhiêu năm nay’, là từ bao giờ thế?
“Đám thương buôn, hử? Rồi còn đám thuộc hạ nào nữa ấy.” Lần này Miên Tông không trả lời, Miên Phú càng tiến sát lại, mắt lóe lên tia sáng kỳ lạ. “Nghe nói loạn ở thành Phiên An, đám ngụy quân treo cờ ghi chữ ‘Kiến An công’, thì ra không phải bọn chúng lấy bừa một cái tên đâu nhỉ?”
“Lê Văn Khôi được Lê Văn Duyệt đem về, nhờ ổn định Thanh Nghệ mà xếp vào hàng công thần thân tín. Bao năm nay chân rết của hắn đâu phải chỉ riêng ở Gia Định. Hắn với thổ mục Tuyên Quang lấy chị em của nhau, đem cháu gái gả cho thân hoàng đệ, lấy quan hệ có sẵn câu kết thổ mục Thanh Nghệ, móc nối với họ cựu Lê, lấy quan hệ buôn bán câu kết thao túng Hà Tiên. Rồi chỉ cần hắn gọi một tiếng, chừng ấy người đáp lại cả.” Càng nói, giọng Miên Phú càng sôi nổi, không giấu được thích thú ngấm ngầm. “Nghĩ lại lúc ấy mà ta không khống chế được, loạn lạc dấn sâu vào thêm một tí mà xem, Kiến An công đã có thể đường đường chính chính nghe theo tiếng gọi của ‘loạn dân’, ra tay ổn định sơn hà?”
“Em lại nghĩ nhiều rồi.” Người đàn ông tên Miên Tông bình thản đứng nghe Miên Phú nói hết, rồi mỉm cười. “Em có nghĩ phụ hoàng phạt em vì lỗi gì? Em không phi ngựa chết người nhưng em cùng đám thuộc hạ ra bờ thành cưỡi ngựa, em không vào chợ nhưng chúng đua ngựa phi vào chợ. Là em rủ rê chúng hay chúng rủ rê em cũng thế, đều là vì em không chịu học hành đàng hoàng, chỉ thích đàn đúm với đám vô công rồi nghề dựa bã quyền môn, lêu lổng ăn chơi.
“Xa người hay, gần kẻ dở, làm những việc phá phách hư hỏng mà tưởng là hay, nghe những lời điêu trác xảo trá, những chuyện thấp kém hoang đường mà tưởng là thật. Một đám người như thế tập hợp cùng nhau, tâm trí ngày càng tối tăm mông muội, tâm hồn ngày càng nhỏ nhen tủn mủn, mà lại càng tưởng mình giỏi giang tri lý nhất thiên hạ, càng hống hách ngang ngược cho rằng mình đúng. Cấm túc, phạt lương, vốn là để đám hèn mọn ấy không còn bám theo em nữa.” Ngoảnh đầu nheo mắt trông ra dòng sông, hoàng trưởng tử Miên Tông chậm rãi nói. “Chúng ta là con cháu hoàng thất, được cấp lương mở phủ, phong tước phong hầu, nếu không làm được một vương gia kinh bang tế thế thì cũng nên chiêu mộ sĩ phu lo lắng chuyện tương lai. Nào phải đem phủ đệ của mình thành ổ nuôi đám du đãng, đàn trò con hát?”
“So với đám thuộc hạ nhà Kiến An công thì nuôi con hát có khi còn tốt.” Miên Phú hừ khẽ trong cổ. “Đám tự vỗ ngực xưng sĩ phu, ra rả sách thánh hiền, chẳng qua chỉ là một bọn trợn mắt nói dối, lật lọng vô sỉ không ai bằng.”
“Lấy chữ lập thân thì cũng không khác gì với nuôi heo nuôi gà lập nghiệp.” Miên Tông nhẹ cúi đầu cười. “Nhưng con người thì có cuộc đời, sử sách kể chuyện vận mệnh, còn con hát chỉ kể câu chuyện. Tách câu chuyện thành trích đoạn, lấy bài ca câu hát khai thác ai oán thương sầu, khêu lên những cảm xúc hoang đường phù phiếm, đúng là thứ chỉ mua vui được vài trống canh. Nhân bất học bất tri lý, rồi chỉ nghe hơi nồi chõ những thứ vụn vặt chẳng đầu đuôi, đôi ba câu chuyện mua vui, vài ước đoán kịch tính, phỏng chừng hư cấu thành trò tuồng của bọn con hát mà thôi. Rồi lại cứ tưởng thế gian là thế thật.”
“Trò tuồng của bọn con hát đều do đám nhiều chữ viết ra đấy!” Dường đã không còn chịu đựng nổi, Miên Phú nghiến răng gắt gỏng. Vẫn còn như định nói điều gì, Miên Tông lại thở dài.
“Chẳng trách phụ hoàng không muốn gặp em.” Anh ta khẽ gật đầu. “Phụ hoàng trăm công ngàn việc không thể cứ bận lòng vì em mãi, để ta thay mặt ngài dạy bảo em vậy.”
“Các ngươi đưa hoàng Tám theo ta!” Nắm dây cương ngựa, hoàng Cả Miên Tông gật đầu với cậu thiếu niên rồi quay đi. Tùy tùng của Miên Tông nắm lấy ngựa của Miên Phú, vừa lễ phép vừa cương quyết đẩy anh ta lên ngựa. Nhóm người của Miên Phú đành phải im lặng đi theo.
Thiếu niên vẫn đứng cạnh cửa, cúi người đợi đám đông đi khuất. Tiếng lục lạc vừa xa, cậu ta đã giục mọi người nhanh rời khỏi.
“Ông hoàng Cả chỉ nói miệng chứ dễ mềm lòng, hoàng Tám sớm chạy được thôi.” Thiếu niên nhỏ giọng nói với tùy tùng bên cạnh cậu. “Ta đi đường vòng sau các phủ ra bờ sông, ít gặp người hơn.”
Và rồi cậu ta im lặng suốt trên quãng đường. Tới bờ sông, cậu ta không cho y về nhà trọ cũ mà chuyển vào một ngôi nhà trong Kinh thành. Vẫn như thường lệ, cậu ta cũng không buồn hẹn ngày mai sẽ quay lại lấy viên hổ phách. Lính hầu đưa y vào thành qua cửa phía Tây. Khoảng đất trong thành chia làm hai khu vực ở hai bờ sông Ngự Hà, phía nam phần lớn là phủ đệ và nhà công đồng, kho bãi, phía bắc sông là nhà cửa san sát quanh ruộng tịch điền cùng trường bắn và một ngôi điện lớn, phần đông là lính tráng và quan tướng cấp thấp ở trong khu vực này. Ngôi nhà y ở sát bên mé sông có vẻ giống một trạm gác bỏ trống, vẫn còn đầy đủ đồ đạc, kể cả vài bộ quần áo để thay.
Trong mấy ngày này, y đã kịp quen với hành động thất thường của các cô cậu hoàng gia. Đến mức cô bé nọ xuất hiện thình lình giữa cửa nhà thì y cũng chẳng giật mình, dù trời đã vào đêm. Thấy y đang ngồi cạnh bàn, trước mặt là viên hổ phách được đặt cẩn thận trong đĩa gỗ lót gấm, cô cũng chỉ im lặng bước tới.
“Tôi đang chờ cô đây.” Y lên tiếng trước, quan sát nét mặt lành lạnh của cô bé. Cô vẫn mặc sắc áo hôm trước, trên cổ vẫn là cái khánh nhận hồng ngọc. Đứng trong bóng tối, có cảm giác chỉ một cái chớp mắt thì cô sẽ tan ra.
Cô bé cúi đầu nhìn ngắm viên hổ phách với vẻ nghiêm túc là lạ, y có cảm giác gần như là… ghét bỏ. Gương mặt cô sắt lại, đôi mắt vốn trong trẻo bỗng dưng âm u tăm tối.
“Đập vỡ nó đi!” Cô chợt nói. Y giật mình, nhưng không để y hỏi lại, cô đã gật đầu. “Đập vỡ nó đi, ta bảo đảm cho ngươi.”
Lời hứa của những người như cô đáng giá bao nhiêu? Y nghĩ thầm. Nếu có chuyện xảy ra, người như cô bé này chỉ việc chạy xa, đổ tất cả tội lỗi cho y. Nhưng cũng như thiếu niên nọ, cô bé mím môi im lặng, trừng trừng nhìn y. Và rồi y biết mình không có lựa chọn.
Y lục sau nhà ra một cây búa, để viên hổ phách xuống sàn, ra sức đập xuống. Quả nhiên là đá ngàn năm, nó chẳng hề suy chuyển.
“Tiếp tục!” Cô bé vẫn đứng yên, ánh mắt nhìn như thôi miên vào khối hổ phách. Y đập đến lần thứ ba, cây búa trong tay đột nhiên giật nảy lên. Cô cau mày. “Tiếp tục!”
Cây búa đập xuống – bất chợt vỡ tan.
Hoặc là viên hổ phách đã vỡ tan. Hay là ánh sáng trong căn phòng – thế giới, đã tan thành hàng ngàn mảnh màu hổ phách. Y bỗng ngửi thấy hương hoa sen thoảng trong làn gió, và ánh nắng vô cùng quen thuộc của phương Nam.
Nắng phương Nam rực rỡ trên nước sông cuồn cuộn, bờ cỏ lẫn với dừa nước cao quá đầu người, màu xanh ngút ngàn trải dưới bầu trời. Dòng sông tách vào trong bờ cỏ một dòng nước nhỏ. Lẫn trong cây cỏ là vài ngôi nhà lúp xúp ven sông, một chiếc thuyền chài buộc bên bến vắng. Đây có vẻ là một khu lán trại tạm vì hiện tại không có một bóng người trên bờ. Trên thuyền chài chỉ có hai đứa trẻ con cầm cần câu nhấp nhổm.
Cỏ ở bờ lạch bên kia chợt lay động, mấy bé gái trạc tuổi các cậu trai trên thuyền vạch cỏ nhìn ra. Trên tay mỗi cô là một ôm to hoa sen cùng đài sen vừa mới hái còn ròng nước.
“Này…” Một cô bé đưa tay định vẫy, đột nhiên thất sắc chỉ tay. “Họ về rồi kìa!”
Hai cậu bé trên thuyền cũng vừa thấy các cô bé, liền theo cử chỉ của cô quay đầu lại. Lẫn trong đám cỏ cao là một cái bóng xám lừng lững. Con voi quơ vòi qua cụm dừa nước, đủng đỉnh tiến tới bờ sông.
“À, là con Xám.” Thấy con voi, cậu trai lớn hơn cười nói. “Con voi này già rồi, chẳng làm được việc gì nữa, họ thường để nó canh giữ ở đây thôi.”
“Xám già, Xám già!” Cậu nhỏ hơn cười ha hả, vẫy tay gọi con voi. “Xám già vô dụng! Xám già xấu xí!”
Dường đã chán câu cá, cậu ta quăng cần câu, đứng trên thuyền mà huơ tay vẫy chân gọi con voi. Cậu lớn vội kéo áo cậu ta.
“Nó nghe được…”
Lời chưa nói hết, đã nghe uỳnh một tiếng. Bờ đất rung chuyển, con voi đập vòi dạt cả mảng cỏ, xông tới thuyền của hai đứa trẻ.
“Nó bơi được đấy…” Cậu lớn thất sắc nói. Quýnh quáng, hai đứa trẻ vội nhảy xuống sông. Khi con voi đến bên thuyền chài, bóng cả hai đứa đã không còn sủi tăm trên mặt nước.
“Ôi, làm sao bây giờ?” Ở bờ bên kia, mấy cô bé sợ hãi níu áo nhau, run rẩy hỏi. Mắt các cô trân trối nhìn vào đoạn lạch mà hai cậu bé vừa nhảy xuống. Con voi trầm mình xuống nước, đập vòi quần thảo tìm kiếm bọn trẻ. Các cô càng run lên, gần như òa khóc. “Chết rồi… chết rồi…”
“Phải đuổi con voi đi!” Trong nhóm, một cô bé chợt nói, quẳng bó hoa trên tay, định xông xuống nước. Các cô khác vội giữ cô lại. Vùng không ra, cô bé vừa gấp vừa tức nói như òa khóc. “Hai cậu ấy có làm sao thì cả nhà em chết hết!”
“Khoan đã!” Cô bé nhỏ nhất vốn im lặng quan sát từ đầu chợt lên tiếng. “Nó đi rồi.”
Một lúc tìm không thấy người, nghe tiếng thanh la bên kia bãi cỏ, con voi liền lên bờ, quay về phía tiếng gọi. Bóng con voi đã khuất, hai đứa trẻ kia vẫn chưa thấy bóng dáng. Các cô bên kia lạch sợ đến ngây người. Nhân tay giữ buông lỏng, cô bé kia lao xuống sông, bì bõm khóc gọi.
“Này này!” Đến lúc ấy, hai bé trai mới trồi đầu lên, vội vã kêu. Chúng đã bơi một mạch sang bờ lạch kia, cách các cô bé một quãng. Thấy chúng, các cô bé vứt cả hoa, nhao nhác chạy lại.
“Các em làm gì thế hả?” Cô bé có vẻ lớn nhất bọn giận dữ gào lên. Cậu lớn ngẩng đầu nhìn cô, bày ra bộ mặt đáng thương.
“Em còn biết làm sao được? Chẳng lẽ bơi về phía bên này để voi đuổi các chị?” Ướt mèm từ đầu đến chân, cậu ta vừa gỡ cọng cỏ vướng trong tóc vừa thanh minh. “Mà bọn em lặn cực giỏi, đều do thủy quân thiện chiến nhất của ta dạy, các chị không cần phải lo.”
“Không lo, chỉ tưởng như tim ngừng đập, sắp chết tới nơi thôi! Chị có ngày chết vì các cậu!” Cô bé lớn vẫn nói như quát. Cậu bé nhìn qua cô tới cô nhỏ ướt lướt thướt vừa từ dưới sông lên, đang chầm chậm lại gần.
“Người thì bé như cọng cỏ mà định cứu ai thế? Coi chừng nước cuốn đi mất.” Cậu nhe răng cười. Cô nhỏ mím môi, bất thần nhặt hòn đá dưới chân ném về phía cậu ta. Cậu hoảng hốt nhảy tránh đá lẫn đất bị ném liên tục vào mình.
“Khi nhảy thì báo một tiếng không được à?” Vừa ném, cô bé vừa quát. Cô đột nhiên khóc òa lên. “Cậu có thế nào thì làm sao tôi sống được?”
Tiếng khóc của cô bé vang động cả bờ sông vắng. Cô quẹt bàn tay còn đầy đất qua mắt, càng làm khuôn mặt nhem nhuốc hơn. Đứng bên cạnh bờ cỏ, quần áo ướt mèm, cô trông càng gầy guộc bé nhỏ hơn, rung lên như cành cỏ trong gió.
“Hoa…” Cậu trai lớn lắp bắp, trong khi cả đám trẻ đều có vẻ kinh động ngẩn người vì tiếng khóc của cô nhỏ. Cậu chợt thấy một viên đá lành lạnh được luồn vào tay mình, liền chộp lấy nó đưa ra trước. “Chúng ta ở dưới sông nhặt được thứ này, cho ngươi.”
“Hổ phách ngàn năm, bên trong có cổ vật.” Cậu nhỏ bên cạnh lên tiếng phụ họa. Cậu ta cười. “Hoa dành cho Hoa, đây là duyên số mới có đó.”
“Đúng vậy.” Cậu lớn gật đầu, chạy lại đưa viên hổ phách cho cô bé. Cô vẫn nức nở không đưa tay nhận.
“Vì các chị gấp quá thôi.” Cô bé nhỏ nhất vốn vẫn im lặng bỗng lên tiếng. “Các cậu ấy là người bình thường, không thở được thì biết tự khắc trồi lên, có phải buộc đá ở chân đâu mà chìm mất. Các cậu ấy có lỡ chịu không xong, không lên được thì cũng biết quẫy đạp trôi nổi. Các chị tự lo, phiền vào người rồi đi trách các cậu.”
“Phải nha!” Cậu nhỏ đang phủi áo đứng lên, nghe lời cô bé kia thì ha hả cười, vỗ tay. “Giận chúng ta thì các chị là đồ ngốc trước.”
“Đừng giận nữa, nha nha.” Cậu ta nhảy chân sáo đến trước cô bé ướt nước, chớp chớp mắt. “Đây là số trời, là định mệnh để tìm được báu vật đó.”
“Đây là thứ gì?” Đến lượt cô chị đâm tò mò. Đám trẻ châu đầu nhìn ngắm viên hổ phách trong tay cậu lớn. Dưới nắng mặt trời, cánh hoa trong nó như tỏa hào quang dìu dịu.
“Thứ như thế này sao lại ở đáy sông?” Cô chị ngẩng đầu nhìn quanh mà hỏi. Ngoại trừ lán trại xây tạm bợ, hai bờ sông này vắng tanh không một bóng nhà cửa.
“Ba em nói, ngày trước đây là một bến thuyền.” Một trẻ trong nhóm lên tiếng, chỉ tay về phía khoảng đất trước con sông lớn. “Trước ở đây có cái gò, vốn thực sự là cái miếu, trong miếu có hai cỗ quan tài. Nghe đồn ngày xưa, một đôi nam nữ có ý với nhau, nhưng cô gái nhà giàu họ Phạm hổ thẹn không dám tự ước hẹn, cậu học sinh họ Nguyễn nhà nghèo không dám nhờ mai mối cầu hôn. Cô gái thấy hôn sự không thành, bệnh tương tư mà chết. Cậu học sinh đến nơi quàn quan tài của cô ở trong vườn thắt cổ tự tử, người ta bèn cứ để hai cái quan tài ở cạnh nhau, lập miếu thờ họ. Lâu dần âm khí kết tụ thành ma, có khi hiện lên cả ban ngày. Sau khi cha mẹ cô gái mất thì nơi này trở nên hoang vắng, đất bồi lên thành gò cao. Vong hồn nọ hóa thành du nữ, người quanh vùng gọi tên chỗ ấy là Song Ma, sông này là sông Song Ma. Nhưng hồi Tây Sơn đến, một tướng giặc qua đây, lấy súng thần công bắn nát gò miếu[2]. Chắc viên đá này văng ra rơi xuống sông từ dạo ấy.”
“Còn linh cữu hai người?” Cô bé ướt đã nín khóc, chớp mắt hỏi. Đứa trẻ kia nhún nhún vai.
“Tan nát theo cái gò ấy cả rồi, súng thần công mà.” Nó nghiêng đầu một cái, đột nhiên nhỏ giọng thì thào. “Nghe nói hồi còn miếu thờ, đêm đêm người đi qua đây vẫn nghe tiếng than khóc. Từ dạo có loạn, khu này bỏ hoang, người ta bảo cũng không thấy ma quỷ gì nữa.”
“Mất nhà rồi thì phải đi thôi.” Cậu trai nhỏ cười cợt nói. Nhưng thái độ của cô chị lớn biến đổi là lạ. Cô vội giục đám trẻ lên thuyền trở về.
“Cho ngươi.” Cậu trai lớn ấn viên hổ phách vào tay cô bé, toét miệng cười trước cặp mắt đỏ hoe của cô.
Bờ sông cỏ lay lao xao bóng chiều, thanh âm nước chảy dằng dặc như tiếng khóc. Những cánh hoa sen bị bỏ quên nằm yên trong bùn, ngập dưới triều lên. Ánh hoàng hôn bồng bềnh trôi nổi, chìm dần vào đáy sâu vô tận.
Y lại nghe thấy mùi hoa sen, nhưng lần này không lẫn với mùi nước bùn mà thoang thoảng hương thông lạnh. Hồ sen nằm trong núi, lẫn với sương mờ. Búp lá sen vừa nhú, chỉ đôi ba nụ vừa kịp hé lên mặt nước. Thông xanh mọc ngút ngàn trùng điệp, thiếu niên vạch lá dương xỉ đưa đường cho thiếu nữ phía sau cậu ta đi tới hồ nước.
“Nơi này ta vừa phát hiện ra đấy.” Cậu ta hào hứng nói, nhưng thiếu nữ vẫn bồn chồn quay đầu về phía sau.
“Cậu lấy thuyền đi như thế có sao không?” Cô lo lắng hỏi. Ngậm cành cỏ bên khóe môi, thiếu niên nhún vai.
“Không bị phát hiện thì không sao.” Cậu bàng quan phác tay, nắm tay áo thiếu nữ giật nhẹ. “Đến đây thì ngồi chơi đã.”
Họ ngồi bên hồ nước, ngẩng đầu nhìn bầu trời sớm mùa xuân soi tỏ, đàn chim ríu rít bay qua. Nắng như lọc qua một tầng mây mỏng buông xuống rừng thông tĩnh tại. Tiếng quả thông rơi qua tầng lá xao động cả một khoảng rừng.
“Nơi này yên tĩnh thật, chẳng bù bây giờ khắp nơi đều ồn ào.” Tựa cằm trên gối, thiếu nữ nhắm mắt mỉm cười. Ngừng tay nghịch mảng cây xấu hổ, thiếu niên nhìn cô ngẫm nghĩ rồi chậm chạp nói.
“Nhà bây giờ còn có mấy mẹ con, đã định làm gì chưa?” Cậu hỏi, thiếu nữ mở mắt, thở dài.
“Vừa tang cha tôi được một năm, có lẽ tích chút tiền mở hàng buôn bán nhỏ. Hai đứa em trai của tôi đều còn bé cả, may được nhớ tới lưu dụng thì cũng còn lâu.” Cô cúi đầu ngắt cọng cỏ dưới chân, cười buồn. “Dù sao cha tôi theo hoàng thượng chinh chiến khắp nơi, ở cung điện, chiến trường nhiều hơn ở nhà, mẹ con tôi cũng quen rồi. May mắn hoàng thượng cất nhắc ông tới được Chưởng cơ, chưa tròn năm thì ông mất, cũng chưa ở nhà được mấy ngày. Xưa mẹ tôi theo cha bôn ba khắp nơi, làm đủ mọi việc kiếm ăn, bây giờ cũng đã dễ sống hơn rồi. Kiếm đủ ăn, đủ mua giấy bút đèn sách cho hai đứa trẻ, thế là được.”
“Cậu cũng đừng đi xin hoàng thượng.” Thiếu nữ chợt ngẩng đầu, cười nói. “Ngài đã ban tiền tuất rất hậu, lo lắng nhà cửa cho chúng tôi rồi. Bây giờ ngài bận trăm công ngàn việc, vả lại công thần rất nhiều, vừa qua chiến tranh bao nhiêu mẹ góa con côi, người phải chăm sóc đông vô cùng. Lại còn dịch bệnh, loạn lạc. Nếu ai cũng muốn đến xin thêm để sống sung sướng không cần phải làm gì thì quốc khố lấy đâu ra mà trả? Ngài có muốn cho thêm thì không chỉ ngài khó xử mà chúng tôi cũng khó xử.”
“Công thần Vọng Các, luôn có đặc cách.” Thiếu niên trầm giọng trả lời, nhưng cậu ta không nói thêm. Thiếu nữ nhìn qua cậu, mỉm cười.
“Chúng tôi không khó khăn, hoàng Tư ạ.” Cô vươn tay, xòe đám bông cỏ trong bàn tay ra cho bay tứ tán trong gió. “Giờ chiến tranh đã hết, nhà cửa đã yên, tiền bạc cũng sẵn. Tôi lại có nhà ở cạnh chợ, cạnh sông, có thể đi hái hoa ướp trà, bán giấy bán bút, làm một người bình thường vô ưu vô lo, cũng không phải chờ đợi ai nữa. Ngày xưa tôi theo mẹ chờ cha, rồi cậu đi theo hoàng thượng tôi lại chờ cậu, không ngày nào ăn ngon ngủ yên cả.”
“Chờ ta…” Vẫn đăm đăm nhìn mặt hồ phía trước, thiếu niên nói khẽ, gần như thầm thì.
Giọng cậu gần như tan mất vào ngàn thông rì rào giữa thung lũng núi.
“Hai năm nữa, chờ ta…”
Chú thích:
[1] Bài Thu vọng của Tùng Thiện vương
[2] Truyện kể trong Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, phần Song Ma giang (sông Đôi Ma).