“Đã nghe tiếng.” Sau một thoáng im lặng ngắn, Hoắc Phương chỉ mỉm cười. Vẻ lành lạnh nhàn nhạt thường trực trên khuôn mặt đã che giấu tất cả phản ứng của y với cái tên vừa được thốt ra.
Chiêm Dao Luật, nữ sứ giả đã một mình chặn đứng đoàn quân Nam Hà, khiến hai viên Thống binh danh cao vọng trọng của Nam Hà bị phế truất trong nhục nhã. Chiêm Dao Luật, nữ sứ giả của Đại vương Chân Lạp, cô gái Chiêm Thành làm việc cho nhà vua Chân Lạp.
Nàng ta là người Chiêm Thành, Hoắc Phương thầm nghĩ. Điều đó giải thích một phần cho sự có mặt của nàng ta ở đây. Phần lý do còn lại, có lẽ nằm ở vùng đất phía Nam Panduranga.
Bề ngoài, Đại vương Chân Lạp đã rút lui khỏi trận chiến, e ngại một hậu quả có thể xảy ra nếu ra mặt giúp đỡ Chiêm Thành, nhưng ai có thể biết điều gì được che giấu đằng sau đó? Đại vương Chân Lạp hẳn cũng đã nhận ra – từ cuộc chiến vài năm trước, hoặc từ nhóm người được cấy vào vùng đất Thủy Chân Lạp – rằng tham vọng của Nam Hà sẽ không dừng lại ở Panduranga. Panduranga thất thủ sẽ chẳng có ích lợi cho Chân Lạp, sẽ chỉ mở toang con đường cho đội quân đến từ phương Bắc. Và như một vị vương khôn ngoan, nhà vua Chân Lạp hẳn đã lường trước hậu quả để ngăn ngừa nó, hay ít nhất là kéo dài cuộc chiến này, kéo dài sự tồn tại của bức bình phong án ngữ vùng đất phương Bắc.
Sự chú tâm của Linh lão đầu, Quảng Phú và Oc-nha That cho vùng Thượng phía Tây Nam bỗng trở nên sáng rõ hơn bao giờ. Nam Hà có thể xâm lấn vùng đất ven biển Chiêm Thành, nhưng chưa bao giờ có thể thực sự kiểm soát được những vùng đất sâu trong núi – nơi vẫn còn ghi đậm dấu ấn của vương quốc Chiêm Thành[1]. Những vùng đất hoang vu trong núi, những tộc người đa dạng và xa lạ ở ranh giới của bốn quốc gia, lại là nơi cất giấu nhiều sức mạnh hơn cái vẻ bề ngoài của họ. Voi, ngựa, nơi ẩn nấp, đường đi, lương thực, con người… Chiêm quốc đã bị tiêu diệt rồi phục sinh bao nhiêu lần từ trong rừng núi.
“Tôi được Đại vương Chân Lạp phái tới.” Thấy thái độ của Hoắc Phương, Chiêm Dao Luật cũng chỉ lạnh nhạt nhún vai, nhưng mắt không rời khỏi gương mặt y một mảy may. Nàng chậm rãi nói từng chữ như để tăng thêm sức mạnh cho lời của mình. “Tôi đến đây để thay mặt Đại vương chuyển lời cho bang chủ.”
“Tôi chỉ là kẻ bố y nhỏ bé, Đại vương sao lại có thể nghe tiếng phiền lòng như vậy?” Hoắc Phương cười, lời nói chẳng phải không có chút thật lòng. Y cũng chỉ là một thương buôn nắm giữ bang hội trong một cảng biển nho nhỏ của Biển Đông, trong bao nhiêu cảng biển trải dài khắp đại dương; với vùng đất xa xôi như Đại Thành đã ít ghé tới, chẳng mấy liên hệ với nhóm người ở Đông Phố hơn vài quan hệ công việc, càng chẳng bao giờ đặt chân đến Vũng Long đã bị phong tỏa sau nhiều cuộc chiến dài. Đại vương Chân Lạp chỉ đích danh y? Hẳn chẳng qua chỉ là lời của viên nữ sứ này khi nàng ta đại diện cho chủ nhân mình giải quyết việc nơi đây.
Nhưng Chiêm Dao Luật đã nhẹ lắc đầu.
“Ngài quả tình muốn Dao Luật chuyển lời đến cho Hoắc bang chủ.” Nàng vẫn ôn hòa nói, nhìn y không chớp mắt. “Bốn bể mênh mông, không biết nơi đâu là nhà, thì đừng tuyệt đường sống của chính mình. Thỏ khôn hết thì chó săn cũng chẳng còn, e rằng người thiệt thòi cuối cùng sẽ là bang chủ.
“Nam Hà một mình đến phương Nam, dùng sức mạnh ép người quy phục, gây hấn với nơi nơi, âu cũng là việc của kẻ mang thân phận cao quý, có thể bức người mà không e ngại người chán ghét. Nhưng bang chủ là kẻ dưới, thân phận thế nào, địa vị thế nào, công việc thế nào, cuộc đời thế nào? Cho đến ngày hôm nay, bang chủ vẫn không tuyệt tình với Hữu trà viên chẳng phải vì hiểu rõ chẳng thể phụ người mà không sợ người oán hận? Triều đình Nam Hà làm bao nhiêu việc, nhưng tướng quân thì có sĩ tốt, vua chúa thì có quan lại, bang chủ có được gì? Đến ngày Nam Hà công thành việc đạt, bang chủ phải ngoảnh mặt quay lưng với không chỉ một đôi người trong thiên hạ, chẳng phải là kẻ gánh tất cả oán ghét giận dữ thù hận? Kẻ dùng sức mạnh có thể khuất phục người, nhưng không phải là kẻ đúng, càng không phải là kẻ có thể thay thế cho cả thiên hạ. Bang chủ xem, phương Nam này, người An Nam đông hay các giống dân khác đông? Kẻ ở trên chỉ cần đếm số dân đinh đóng thuế, chứ người phải nhận lãnh hậu quả trước mắt của tình người thế đời nào phải là bọn họ.” Giọng nói của Dao Luật rất trầm, gần như mềm mại. Tay chắp trên gối, mắt nàng sâu đen không thấy đáy khi khuôn mặt nàng mang một biểu cảm gần giống Hoắc Phương. “Đánh thắng một trận thì dễ, đánh thắng một thành, một đất nước, cũng không hẳn là chuyện khó làm, nhưng chỉ có trẻ con ấu trĩ mới tin rằng có thể dùng sức mạnh giải quyết tất cả. Chúa của Nam Hà hiện thời chỉ là một đứa trẻ, liệu có thể ngồi vững được bao lâu? Nam Hà thắng, phần lợi chưa chắc đã thuộc về bang chủ, Nam Hà thua, bang chủ cũng chưa chắc đã chịu thiệt. Nhưng Nam Hà toàn thắng, bức đối thủ đến đường cùng, thì tử lộ của bang chủ cũng bắt đầu từ đó. Bang chủ đi lại trong giang hồ, là người của giang hồ, rõ lòng thiên hạ, hẳn nhiên hiểu rõ.”
“Cám ơn tiểu thư đã có lòng nhắc nhở quan tâm.” Hai khóe môi của Hoắc Phương chỉ nhè nhẹ cong, y nói khi Dao Luật ngừng lời. “Nhưng tôi vẫn chưa rõ, tại sao vận mệnh của một thương nhân nho nhỏ như tôi lại khiến Đại vương Chân Lạp phải bận lòng?”
“Bởi vì hiện tại việc của Chiêm Thành không phải chỉ là việc của Chiêm Thành, mà liên quan đến tất cả các quốc gia lân cận. Ai Lao, Chân Lạp, Nam Hà, thậm chí cả Đại Thành.” Dao Luật trả lời, Hoắc Phương nghe trong lời nàng như có sự thận trọng đầy cảnh giác. “Mà việc của Nam Hà cũng không phải chỉ là chuyện của triều đình Phú Xuân. Mảnh đất này do rất nhiều vùng ghép lại, mà Quảng Nam quốc là một phần mắt xích trọng yếu nhất.”
Dao Luật nói rồi im lặng. Hoắc Phương cũng không lên tiếng, ra vẻ như đang chờ đợi nàng. Y nghĩ mình biết ý được nói ra tiếp theo, nhưng lại cho rằng điều đó quá phiêu lưu để bọn họ nói với y. Bọn họ biết quan hệ khác thường của y và triều đình Nam Hà, biết rất rõ.
Mắt xích trọng yếu nhất, nàng ta nói, và y không khó khăn để biết cái ý nghĩa ẩn sau lời nói đó. Ý định của nhà vua Chân Lạp không chỉ nằm ở phương Nam, ở vùng đất hiện đang tranh chấp. Ngài ta hướng tới vùng đất đang được Nam Hà kiểm soát, địa phận của Nam Hà, thậm chí, triều đình của nó. Quảng Nam, nơi hết lần này đến lần khác bị nhiều nhóm phiến loạn chiếm giữ, âm mưu đoạt lấy Thuận Hóa.
“Tất nhiên, tôi không định bảo bang chủ bội phản.” Bất chợt, Dao Luật cười. Ngón tay nàng sửa lại mép váy trên gối trong một cử chỉ duyên dáng là lạ. “Tình thế ngày hôm nay, ta không diệt người thì người sẽ diệt ta, đều là chuyện đáng buồn cả. Sao ta lại không thử tìm kiếm phương cách để hòa hoãn, cho mọi người một đường sống?”
“Nếu có thể thì đã không có ngày hôm nay.” Nụ cười vẫn ở trên môi Hoắc Phương thoáng nét chế giễu nho nhỏ. Việc của ngày hôm nay tuyệt nhiên chẳng phải là ý muốn của một hai kẻ, càng chẳng phải chỉ là ý thích hay thứ gọi là ‘tham vọng’ nhất thời. Chẳng qua, tất cả đều quá phức tạp để phân tích hay giải thích rạch ròi.
Đường sống, trong tình cảnh này, chỉ là biện pháp hòa hoãn cho kẻ đang thua trận. Ta không diệt người thì người diệt ta, cô gái này nói, hẳn nàng ta cũng hiểu ý nghĩa lời của mình. Nếu vị chúa Nam Hà và triều đình của cậu ta không phản ứng kịp thời hay có đủ sức mạnh để đẩy lui đội quân tấn công của Chiêm Thành, e rằng kẻ phải bỏ chạy hay đối đầu với án tử bây giờ chính là bọn họ. Hàng ngàn năm, hai quốc gia này đã đánh nhau hàng ngàn năm. Y còn có thể hiểu, chẳng lẽ bọn họ lại không hiểu?
“Ta chỉ có thể lo việc của hiện tại, không phải là quá khứ, chẳng phải là tương lai. Bang chủ nghĩ, khi Nam Hà chiến thắng, bành trướng xuống phương Nam, thì có lợi cho ai?” Lời Dao Luật vẫn trầm tĩnh. “Bang chủ không có lợi, chúng sinh cũng không có lợi, chúng tôi không có lợi, Nam Hà cũng chưa chắc đã được lợi. Tranh chiếm kéo dài, hận thù chồng chất, đến ngày tất cả gom góp hội tụ đủ để thành một ngọn lửa lớn có thể hất cả Nam Hà xuống biển. Sự đời biến chuyển khôn lường, nếu ta có thể ngăn được chiến tranh một lúc, cũng đã cứu được muôn vạn sinh linh một thưở, nếu ta có thể đem thân mình làm lá chắn dù chỉ một thời, cũng là giúp được chính chúng ta cùng thân nhân bên cạnh. Nếu bảo rằng kết quả không thể thay đổi, thì lịch sử hàng ngàn năm có lúc nào yên bình? Cũng như nói rằng tất cả sinh vật đều phải chết, thế thì sao phải cố gắng sống còn? Việc không có lợi cho bất cứ ai, tại sao lại phải cố chấp mà không dám thử thay đổi một lần?”
“À…” Im lặng hồi lâu, Hoắc Phương cười. Quả là đệ nhất sứ giả của nhà vua Chân Lạp, tranh luận với nàng ta chẳng thể dẫn tới đâu. “Như vậy, Đại vương nhờ tiểu thư nhắn với tôi về việc gì?”
“Về việc này…” Dao Luật liếc nhìn Lê Anh rồi mới quay về phía Hoắc Phương, ánh mắt chợt lạnh thêm vài phần. “Chúng tôi cần sự khẳng định chắc chắn của bang chủ, vì đây là chuyện liên quan đến sống chết.
“Sống chết của chính Hoắc bang chủ.” Lần này, ra vẻ như không nhận thấy Lê Anh cũng đã quay nhìn mình, Dao Luật lạnh lẽo buông từng lời như dao chém. “Ngay tại đây, vào lúc này.”
***
“Hoắc Phương gọi tôi tới?” Nhướn mày, Như Yên nhìn Linh lão mà hỏi lại như thể không hiểu điều ông ta vừa nói. “Y đang ở tận Phú Yên, sắp đến vùng Thượng rồi, có phải?”
“Quảng Phú đem thuyền đi một mình, Hoắc bang chủ ở lại một ngôi làng để giải quyết công việc.” Đặt lá thư Hoắc Phương vừa gửi tới trước mặt Như Yên, Linh lão ngồi xuống chiếc ghế kê phía bên kia bàn. Ông ta cũng nhẹ cau mày. “Chưởng cơ Phò mã có liên hệ với công nữ?”
“Cũng vừa gửi thư tới.” Như Yên khẽ gật đầu. Linh lão hỏi điều này hẳn chẳng phải vì biết Nguyễn Hữu Oai vừa cho người đưa tin về trang viện. Chiến cuộc tại Bình Khang vừa kết thúc, nhà vua Bà Tranh đã lọt vào tay quân của Thống binh Nguyễn Hữu Kính. Chồng nàng gửi thư về không chỉ để báo tin vui, quan trọng hơn, ông có vài điều cần thăm dò trước về thái độ của triều đình với chiến thắng này, xem có thể tiến được đến đâu. Kinh nghiệm của những vị tướng bị vị chúa trước trừng phạt khiến các quan tướng buộc phải thận trọng. Tự tiện đàm phán hay hòa hoãn với Chiêm Thành, dù chỉ một ngày, cũng dễ dàng gây ra điều tiếng khiến trọng tội giáng xuống.
Nhà vua Bà Tranh bị bắt tại Aya Tră, nhưng triều đình cùng phần quân đội còn lại của Chiêm Thành vẫn đang cố thủ Parik. Thúc quân tiến đánh tiêu diệt toàn bộ hay dừng lại kêu gọi địch thủ đầu hàng, cho đối phương một cơ hội đàm phán – đó không phải là điều tướng quân tại chiến trường có thể quyết định được. Ngay cả lệnh của vị chúa cũng không phải là điều quyết định, nếu như triều đình Nam Hà không đồng tình với ý kiến ấy. Khi tình thế có thể thay đổi bất cứ lúc nào khiến lệnh của vị chúa hóa ra sai lầm, sự phản đối trong triều không thể hướng về ngài ta, mà là kẻ cầm quân chịu trách nhiệm trước trận.
Nguyễn Hữu Oai tính tình cẩn trọng, hẳn ông đã không thăm dò hỏi ý kiến từ chỉ một mình nàng.
“Mà Chiêm Thành cũng không định đàm phán.” Bên kia bàn, Linh lão chợt mỉm cười. Đôi mắt hẹp của ông ta nhìn xuống những ngón tay nàng đặt trên lá thư Hoắc Phương vừa gửi. “Bọn họ đã cử sứ giả đến tạ tội, định cống nộp những thành viên chủ chiến ủng hộ nhà vua cho Nam Hà tùy nghi phân xử.”
“Phú Yên lúc này hẳn đang rất rối ren.” Như Yên lơ đãng nói, dường như không trả lời vào trọng tâm ý của Linh lão. Phản ứng này của Chiêm Thành, nàng đã nghe phong thanh từ trước nên chẳng hề ngạc nhiên. Ý nghĩ của nàng quay lại về lá thư trên tay. Trong thời điểm thế này, Hoắc Phương gọi nàng tới làm gì?
Hơn trăm năm trước, nhà vua Po Klong Hlau chấn chỉnh Panduranga, lấy lại Thành Hồ ở Phú Yên. Mười năm sau, khi Chân Lạp và Chiêm Thành xung đột ở mạn Nam, chúa Tiên sai Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh tấn công chiếm lấy Thành Hồ, khai khẩn đất hoang, đưa dân thành xóm lập làng từ Cù Mông đến Bà Nông. Chỉ mười bốn năm sau, Phù Nghĩa hầu không còn, cư dân Phú Yên nổi dậy khiến Nam Hà phải cử Lưu thủ Văn Phong đến dẹp loạn. Rồi cũng vị Lưu thủ này bị buộc tội ‘dùng người Chiêm Thành làm phản’ chỉ mười tám năm sau đó, để chúa Sãi đưa vị phò mã họ Mạc được ban quốc tính của mình tới[2]. Vùng đất đã yên ổn được hơn bốn mươi năm, cho đến khi nhà vua Chiêm Thành đánh vào. Nam Hà mở rộng đất đai đến miền Đông Phan Rang, Phú Yên đã thoát khỏi số phận làm biên giới tranh chấp được hai mươi năm, cho đến hiện tại.
Hai mươi năm, chẳng đủ khiến cho một thế hệ kịp mất đi, dấu ấn tranh chấp cũ bị xóa nhòa. Đứng trước nguy cơ diệt vong của triều đình cuối cùng của đất nước đã tồn tại ngàn năm Chiêm Thành quốc, sự xáo trộn trên đất Phú Yên là điều hoàn toàn có thể dễ mường tượng thấy. Sự xáo trộn mà nàng có thể linh cảm ngay tại nơi đây.
Như Yên đưa mắt nhìn Linh lão dưới hàng mi dài, qua mép giấy bức thư. Quảng Phú đã đưa chuyến hàng của ‘bọn họ’ đến vùng Thượng, ông ta vẫn không ngớt vẻ bận rộn lo toan. Trong vùng này cho đến Phú Yên, người Hroi là một cộng đồng đông đúc, ông ta lại có đủ ảnh hưởng với họ để lo sợ bất cứ sự xáo trộn nào ảnh hưởng đến mình. Vẻ bồn chồn của Linh lão hiện tại hẳn chẳng phải vì lo sợ.
Ông ta cũng không tỏ vẻ muốn ngăn cản nàng đến Phú Yên. Đưa lá thư của Hoắc Phương cho nàng, ông ta hẳn muốn dùng những gì Hoắc Phương kể trong thư thuyết phục nàng.
Chuyến hàng bình thường, y nói. Cuộc chiến ở Bình Khang đã được dẹp yên, quân Nam Hà cũng có phần nào nới lỏng những chốt canh về vùng Thượng. Nhưng y đã gặp người quen cũ của ‘Phương tiểu thư’, muốn nàng tới bàn bạc đôi chuyện.
Lý do này khiến nàng phải cau mày. Linh lão vẫn chăm chú nhìn như muốn dò xét phản ứng của nàng. ‘Người quen’, Hoắc Phương viết cho ông ta, như thể nhắc nhở về ‘người quen’ cũ của nàng ngày xưa đã từng từ nơi nào tới.
Ý nghĩ ấy khiến tim nàng cũng phãi đập hụt một nhịp rất nhỏ.
Nhưng hẳn là không phải, Như Yên nghĩ thầm khi lật phong thư đọc địa chỉ nơi gửi tới. Y đang ở gần Bà Nông, gần một nơi mà nàng nghĩ rằng mình cũng đã từng nghe qua.
“Phiền phức quá!” Cuối cùng, nàng thở ra, xếp lá thư lại, gật đầu với ánh mắt của Linh lão. “Để tôi đi xem con vịt ốm này định giở trò gì, nhân tiện – nếu Phò mã có đi qua, tôi cũng đón tiếp ngài được sớm hơn.”
“Chưởng cơ Phò mã ở dinh Bình Khang, hẳn chỉ có Lễ Thành hầu trở về…” Nghe câu nói sau của nàng, Linh lão nhíu mày. Như Yên hơi mỉm cười, sửa lại ngọn tóc mai bên má.
“Nếu chúa cho người mang thư quà tới ủy lạo, tướng quân hẳn cũng có phần. Tôi ở gần cũng giúp ngài tự hào được ít nhiều.” Ngón tay nàng lướt qua đôi môi đỏ, làm một cử chỉ như cân nhắc. “Nếu Phò mã quả thật được cử làm Lưu thủ như những Phù Nghĩa hầu, Thành Lộc hầu, thì tôi cũng phải nghĩ tới việc đi theo ngài ấy thôi. Nay công lao lớn đến thế, ngài có muốn hay không thì ấn son cũng đã được đặt vào tay rồi. Dù sao, trước kia cũng đã có một công nữ đi về nơi ấy, tôi nay lại chê xa thì hóa ra làm người ta cười trách.”
“Khi Phò mã Thành Lộc hầu đến, đất đai ấy yên ổn hơn bây giờ. Vả lại…” Linh lão nói, rồi bất chợt im lặng như thể lỡ lời. Như Yên vẫn chỉ cười, ra vẻ như không nhận thấy.
“Thành sâu hào cao, còn cách xa cả một quãng đường dài mới tới nơi chiến địa, cũng không đáng lo. Từ dạo lấy được Thành Hồ, Phú Yên cũng đã bớt hoang dã, so với nơi này không khác bao nhiêu.” Đưa mắt nhìn Linh lão, nàng ngọt ngào cười. “Vì Hoắc Phương gọi đến, tôi nhân tiện đi xem xét một thể.”
Vì ông ta muốn mượn cớ Hoắc Phương đẩy nàng đến Phú Yên, Như Yên thầm bĩu môi khi thấy sắc mặt Linh lão tối lại. Lý do thì cho tới hiện tại nàng cũng đã lờ mờ đoán ra. Vua Bà Tranh thua cuộc, bị chính triều thần của mình dâng cho Nam Hà, những kẻ viếng thăm khu điền trang này sẽ không lúc nào ngớt, nàng ở lại chẳng hề tiện. Nhân có Hoắc Phương gọi, ông ta liền bảo nàng đi. Không nghĩ nàng định đi hẳn về Phú Yên.
“Buồn thật, tôi rất hợp với Giang Hồng, cũng rất thích trang trại này.” Đưa lại lá thư cho Linh lão, nàng để ngón tay mình chạm nhẹ vào tay áo rộng của ông ta. “Nhờ lão gia gọi người chuẩn bị xe thuyền, ta sắp xếp xong thì có thể đi sớm.”
Cầm lấy lá thư, Linh lão im lặng một lúc rồi gật đầu đứng lên. Lần chần thêm mấy cái mím môi, ông ta chào nàng, quay người đi về phía cửa.
Nói cho cùng, ông ta vẫn là người coi trọng đại sự hơn hết thảy. Nhìn nắng hắt bóng Linh lão trượt qua sàn, Như Yên nhịp ngón tay lên môi mà nhủ thầm. Ông ta cũng không đủ liều lĩnh để làm bất cứ việc gì chưa rõ ràng kết quả. Trò chơi của nàng, đáng tiếc, lại kết thúc hơi sớm hơn dự định. Nhưng dù sao nàng đã muốn rời khỏi nơi này đến Phú Yên từ lâu. Sự chậm trễ của Hoắc Phương khiến nàng bị buộc chân ở gia trang này, nhưng y cũng đã cho nàng lý do để đến nơi ấy. Như thể y luôn rõ ý muốn của nàng từ lâu. Y cũng rõ để mặc nàng ở đây quá lâu sẽ có hậu quả gì.
Còn y, hẳn cũng sẽ phải trở về. Sự xáo trộn của triều đình Parik cùng an nguy của Oc-nha That quan trọng hơn vài chuyến hàng cùng vài mối liên hệ của y ở nơi này hiện tại. Ở nơi này, y đã có một thuộc hạ rất đắc lực có thể thay thế mình.
Nàng nheo mắt nhìn nắng vàng nhuộm ruộm khoảng sân trước nhà. Cây lá xào xạc trong gió, đem hương giáng hương tỏa lan.
Từ đêm ấy, nàng đã không còn gặp lại y. Như thể y luôn biết rõ nơi nàng đến để không bao giờ xuất hiện. Y đã thận trọng, ngay cả với từng đường đi nước bước nơi đây. Linh lão cũng thận trọng, nhưng có thể với lý do khác, để tránh cho nàng bắt gặp y.
“Xuân Tử.” Ngẫm nghĩ hồi lâu, nàng cất tiếng gọi. Từ phía sau nhà, Xuân Tử đi lên, chắp tay đứng cạnh bàn. Nàng vốn không thích những người đứng phía sau, luôn khiến nàng phải quay đầu lại. “Lâm Phi đã ổn chưa?”
Ở đây, chỉ Xuân Tử là người được phép đi lại tự do, có thể ra ngoài tùy ý. Bọn nàng có quá nhiều thông tin cần liên lạc đến mức nhất thời không nhớ hết. Những việc nhỏ, Xuân Tử toàn quyền giải quyết chứ không phải báo cho nàng. Lúc này, nàng hỏi về gã thuộc hạ cũ, như thể mới sực nhớ ra.
“Gã đã đến nơi, coi bộ làm ăn cũng đàng hoàng, ổn định tốt.” Xuân Tử trả lời, tay vẫn khoanh trong áo. “Gã định đưa quà đến cám ơn công nữ, nhưng tôi bảo, không phải lúc này.”
“Đúng vậy.” Như Yên bật cười. Ngả người qua ghế ghé về phía Xuân Tử, nàng hạ giọng. “Nếu gã muốn cám ơn thì bảo xuôi nguồn Đà Bồng đến mà gặp ta.”
Chú thích:
[1] Vương quốc Chiêm Thành cổ bao gồm cả các vùng đất Thượng mà ngày nay ta gọi là Tây Nguyên. Các di tích của đền tháp Chiêm Thành kéo dài vào trong núi chứ không chỉ giới hạn ở vùng trung tâm Chiêm Thành cổ. Nhiều nhà vua Chiêm Thành, đặc biệt trong thời gian vương quốc bị đẩy về phương Nam, xuất thân từ các tộc người Thượng.
[2] Khi nhà Mạc bị Lê-Trịnh đánh bại ở Bắc, Mạc Cảnh Huống là em trai của Mạc Kính Điển vào Nam theo chúa Nguyễn, được xem là một trong những khai quốc công thần nhà Nguyễn, lấy em vợ của chúa Nguyễn Hoàng là Nguyễn Ngọc Dương. Cháu của Mạc Cảnh Huống, con gái của Mạc Kính Điển là Mạc Thị Giai sau khi nhà Mạc thất thủ cũng đã vào Nam, trở thành vương phi của chúa Sãi. Mạc Cảnh Huống lập rất nhiều công lao cho Nam Hà, được phong chức Nguyên huân Sư Thống thủ Thống Thái phó, tổng chỉ huy quân đội Nam Hà cho đến năm 1638 mới từ quan về Diên Phước, Quảng Nam, lập nên chi phái họ Mạc ở đây, sau phải đổi thành Nguyễn Trường dưới thời Tây Sơn để tránh sự giết hại (ghi lại trong gia phả họ Nguyễn Trường tại Duy Xuyên).
Chúa Sãi cũng gả con gái là công chúa Ngọc Liên cho con trưởng của Mạc Cảnh Huống, ban cho người này mang họ Nguyễn Phúc, tên là Nguyễn Phúc Vinh, sau đổi thành Nguyễn Hữu, cử làm Lưu thủ đánh dẹp cuộc nổi dậy của Văn Phong ở Phú Yên. Vì công ấy, Nguyễn Phúc Vinh được dùng ấn son, cai trị vùng Phú Yên từ năm 1629.
Mạc Cảnh Huống được dân làng Cổ Trai (Quảng Trị) và Trà Kiệu (Quảng Nam) tôn là vị thần bảo hộ cho dân làng.
Vương phi Mạc Thị Giai sau được ban họ Nguyễn, là mẹ của Nguyễn Phúc Kỳ, Nguyễn Phúc Trung, Nguyễn Phúc Anh, chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan và các công nữ Ngọc Liên, Ngọc Vạn, Ngọc Khoa. Bà xuất thân từ vương triều họ Mạc nên giỏi về ẩm thực cung đình, được dân chúng vùng duyên hải Nam Trung Bộ tôn là Bà tổ bếp hay Bà tổ của nghề nấu ăn đất phương Nam.