Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Hồi 13: Phú Yên
Trường An in "Nhật mộ biên thảo III" March 11th, 2012

Năm Quý Dậu, tháng giêng, giao chiến tại Bình Khang, quân Nam Hà do Thống binh Nguyễn Hữu Kính chỉ huy đánh lui quân Chiêm Thành của vua Bà Tranh. Sau nửa năm bao vây dinh Bình Khang, Chiêm Thành phải lui quân về Diên Ninh. Thừa thắng, Thống binh Nguyễn Hữu Kính đưa quân đuổi theo nhà vua Bà Tranh từ Bình Khang đến Kamran[1], khiến kinh đô Chiêm Thành Bal Canar tại Parik[2] chấn động.

Chỉ sau bốn tháng bao vây Bình Khang, quân đội Chiêm Thành lại bị phá vỡ.

“Không ngạc nhiên, hả?” Ngẩng đầu nhìn tảng đá lớn trên đỉnh núi phía xa, người thanh niên áo trắng hỏi như cười. Tấn Đà Lãng[3] nằm cạnh biển, là nơi đặt thủ sở của quân Nguyễn tại Phú Yên, thuyền bè neo đậu đông đúc, thuyền quân lẫn với thuyền buôn. Theo dòng Đà Rằng đi xuống, thuyền bè từ vùng Thượng về gặp gỡ với các tàu buôn từ biển vào cửa Đà Lãng. Từ phía Bắc bờ sông, thành Hồ cổ của Chiêm quốc[4] nay trở thành nơi đóng quân của Nam Hà, mấy chiếc thuyền nhỏ của lính coi sóc cửa biển vẫn lại qua.

Chiêm Thành qua đây sẽ phải bại binh mất nước; An Nam qua đây binh tướng chết tác tan. Hai câu này mới đúng có một vế.” Nhìn theo ánh mắt người thanh niên, kẻ có bộ dạng lực lưỡng gần như hoang dã cười, mắt nheo lại thành một cái nhìn đầy thâm ý. “Nghe ý câu này thì chẳng giống như nhà vua An Nam làm cho lắm.[5] Có kẻ xâm chiếm nào lại tự đi giới hạn lấy chính mình?”

“Có rất nhiều chuyện hoang đường ở nơi đây.” Người thanh niên nghe vậy chỉ cười. “Kể cả nếu như có kẻ sau này khắc thêm lên một câu sau đó, cũng chẳng phải là chuyện lạ.”

“Mới hơn hai trăm năm mà đá đã mòn đến không đọc nổi, hay lại bảo là có kẻ chạy lên mài?” Bên kia, Quảng Phú nhếch môi, vẫn khinh bạc liếc mắt qua tảng đá trên đỉnh núi cao. “Hoặc là vận trời chưa đến lúc ứng nghiệm.”

“Ít nhất một nửa đã thấy rồi.” Với thái độ của Quảng Phú, Hoắc Phương cũng chỉ nhún vai. “Lần này, e rằng vua Bà Tranh có đem cả Panduranga cầu hòa cũng không được nữa.”

“Không nên chọc giận một đứa nhóc con.” Thở phì qua đôi môi dày, Quảng Phú nói bất chấp ánh mắt cảnh cáo của Hoắc Phương. “Với một đứa nhóc con, chiến công này quả là đáng để vỗ ngực đấy, dù nó chẳng phải ra trận. Lần này, e là đến cả Panduranga, Chiêm Thành cũng không giữ được.”

“Nói thế thì lại e hơi sớm rồi.” Hoắc Phương thu hồi ánh mắt nhìn xuống chén trà, lạnh nhạt cười. Y không định giải thích cho kẻ thất phu bên kia bàn về những gì mình đang nghĩ. Gã dường như cũng chẳng quan tâm.

Chiêm Thành đã chuẩn bị hơn một năm, hay lâu hơn, cho cuộc tấn công này. Nhưng họ thậm chí không đột phá qua được dinh Bình Khang, bị đẩy lùi ngay tức khắc với cuộc phản công của viên Thống binh con trai Chiêu Vũ hầu. Họ bao giờ cũng lựa chọn không sai thời điểm, nhưng lại có kết quả hoàn toàn sai lầm. Nhưng lần trước, vua Bà Tấm còn có thể chiếm Phú Yên, chỉ bại khi quân Nguyễn bọc hậu đánh ngược từ Aya Tră[6] lên mà đột kích. Lần này, Chiêm quốc không giành được bất kỳ lợi thế nào, có vẻ chẳng phải chỉ vì quân Nguyễn quá mạnh. Vị chúa trẻ đã sớm liệu định tình thế mà phái Chưởng cơ Phò mã của mình tới phòng thủ, nhưng quân đội của Chiêm quốc hình như không có được sự ứng phó tương đồng?

Lần này, đến cả Panduranga cũng không giữ được. Quảng Phú nói, gã dường như cũng đã nhận ra. Vị chúa trẻ đã liệu định tình thế này từ lâu, Nam Hà đã phản ứng tốt hơn, đối phó nhịp nhàng và nhuận sắc trên từng động thái tranh chấp. Mọi điều đã được liệu định từ lâu – Có thể, ngay cả chính cuộc tấn công của Chiêm quốc. Sự phản ứng của Chiêm Thành đã được chờ đợi, từ rất lâu.

Và người ta cần một cái cớ, một lý do, chỉ có thế.

Lần này nhà vua Chiêm Thành còn gì để có thể trao đổi cho tự do và mạng sống của mình? Ngoài mảnh đất duy nhất Chiêm quốc còn giữ được? Mọi thứ, hầu như, đã đi đến sẵn một kết quả rõ ràng mà ai cũng có thể mường tượng.

Nhưng y – như tất cả những kẻ thông thuộc vùng đất này – sẽ không cho rằng mọi điều sẽ đơn giản như thế.

Ngay cả kẻ đang ngồi đối diện với y, bất chấp vẻ ngoài thô lỗ và đơn giản gần như cục súc võ biền, cũng sẽ không cho rằng như thế. Sự xuất hiện của gã ở đây đã là chứng minh.

“Với tình hình chiến trận thuận lợi, có vẻ chuyến hàng của chúng ta đến vùng Thượng sẽ không cần đợi lâu thêm.” Y chuyển hướng câu chuyện, ra dấu về phía đoàn thuyền đậu trong bến. Quảng Phú chẳng động một mi mắt về hướng y vừa chỉ. Gã vẫn không thay đổi kế hoạch chuyển hàng ngay cả khi tin báo từ Bình Khang chuyển về - mà y biết rõ, chuyến hàng này được gửi đến cho ai.

Mà cũng có thể, kẻ ấy lại không phải là người y đã nghĩ.

Ở một địa vị như hiện tại, y có khả năng biết – hoặc thấu hiểu – một vài điều mà kẻ bên ngoài khó lòng thấu rõ. Kẻ bên ngoài, của cả hai phía, khó lòng thấu rõ hết đối phương.

Cuộc chiến này không phải chỉ mới được tiến hành, cũng chẳng phải chỉ là kết quả của xung đột hiện tại. Mọi sự bắt đầu từ lâu, rất lâu, cái kết quả này, ngay cả sự thắng thế của quân đội Nam Hà trên chiến trường bây giờ. Triều đình Chiêm Thành, từ cái ngày bị đẩy về bờ Tây sông Phan Rang, đã bị chia cắt và phân tán – chia cắt và phân tán hơn cả mức bình thường của nó. Với sự tràn lấn dần dần của cả quân và dân Nam Hà xuống phương Nam, những vùng đất còn lại của Chiêm Thành cùng đồng minh và các vị vương đã phân tán như lá cỏ trong gió. Bốn mươi năm sau khi mất miền Đông Phan Rang, nhà vua Chiêm quốc chẳng thể nào lấy lại được những gì từng có trên vùng đất cũ. Kể cả trong tình trạng rối ren hiện tại, ngài ta cũng đã chẳng thể nào tận dụng được thời cơ.

Chiêm quốc không thể tận dụng được thời cơ, khi mối liên hệ với Chân Lạp đã đột ngột bị cắt đứt. Nhị vương Chân Lạp qua đời, để người con trai quay trở về Oudong nhận vị Đại vương làm cha vợ. Hai vùng Lục Thủy Chân Lạp thế là đã được sát nhập trên danh nghĩa, bất chấp quân Nam Hà cùng nhóm người Đường ở Trấn Biên và Mỹ Tho. Đạt được mục đích của mình, vị Đại vương Chân Lạp đã không còn muốn phiêu lưu thêm với vận may, rút lui khỏi kế hoạch liên kết cùng Chiêm Thành. Vì thế, nhà vua Bà Tranh đã ra quân chỉ có một mình, thậm chí không có được sự đồng tình của một số người trong triều đình.

Liều lĩnh, phiêu lưu, vội vã – chẳng cần ở trong triều đình ấy, y cũng có thể mường tượng được. Chân Lạp rút lui khỏi cuộc chiến, đồng nghĩa với Đại Thành cũng sẽ chẳng nhúng tay vào, Chiêm Thành chỉ có thể trông chờ vào lực lượng đồng minh vùng Thượng. Nhưng đội quân thô sơ của núi rừng có thể đối đầu với súng mạnh thuyền lớn của quân đội Nam Hà trong thành lũy và các đụn cát lòng sông mênh mông ven biển? Kết quả đã được trả lời trong hàng trăm năm. Nếu muốn tìm kiếm một sự thành công, Chiêm Thành cần nhiều hơn thứ gọi là vận may và cơ hội. Nhiều hơn vận may và cơ hội – và một khi không có đủ, phải tạo ra nó.

Đó là điều một số kẻ sẽ nghĩ, sẽ suy tính và cân nhắc. Những kẻ đã chọn đứng bên lề cuộc chiến này, nhìn ngắm nó, chờ đợi kết quả của nó. Những kẻ vẫn còn đang chờ đợi, sắp đặt và lựa chọn, tìm cách tự tạo ra ván cờ số phận của riêng mình. Những kẻ đang kết nối mọi mối dây trên vùng đất này, tạo thành những cái bẫy giăng giăng.

Quảng Phú không thay đổi lịch trình, y cũng chẳng ngạc nhiên về điều đó.

Chiến tranh, nói cho cùng, chỉ là chuyện của hai đội quân.

Uống hết bình trà, Quảng Phú không nói không rằng chống tay đứng dậy, xuống lầu đi về sau nhà. Ngồi lại một mình, Hoắc Phương nheo mắt nhìn bóng nắng đổ xuống nghiêng qua hàng hiên. Bọn y đã đến để đợi một vị khách từ sớm, nhưng theo tin báo, thuyền của họ từ Phú Yên về trễ. Càng đợi lâu, Quảng Phú càng nóng nảy cộc cằn, đến mức y đã thoáng ý định bảo gã lấy một số thuyền đi trước. Y vốn không định đi xa hơn địa phận Phú Yên, nhưng ‘công việc’ yêu cầu y phải đến gặp gỡ vài người. Nói cho cùng, dù nhận lời Như Yên, y vẫn luôn là kẻ mang nhiều mối quan hệ hai mang – Đến mức, khi chưa đến thời điểm phải quyết định, y sẽ không dễ dàng bỏ xuống bất cứ ai. Y biết việc Linh lão đầu đang làm, nhưng điều đó lại cho y một lý do hợp lý , giải thích cho sự xuất hiện của y nơi này hiện tại.

Kẻ đã hẹn y ở bến cảng này, cũng là một trong số người ấy.

Y nheo mắt nhìn theo đường nắng chiếu tới tảng đá lớn trên đỉnh núi phía xa. Vượt qua nơi ấy sẽ là ranh giới của Chiêm Thành – Ranh giới cổ của Chiêm Thành. Cái ranh giới ấy sẽ bị xóa đi, sớm hoặc muộn. Sớm hay muộn. Y không hẳn tin vào những lời sấm truyền hay truyền thuyết cổ xưa mang nhiều sắc thái hoang đường, chỉ là, có những điều chỉ có thể xảy ra – theo cách này hay cách khác – có những điều phải xảy ra, có những thứ không thể dung nạp được nhau, không có điểm hòa hoãn hay khoan nhượng. Nhà vua Bà Tranh đã châm ngòi cho cuộc chiến, đã bước qua ranh giới – đồng thời, đẩy tất cả mọi người mọi kẻ qua ranh giới. Có những kẻ đã nhận ra, đã kịp đứng lùi về phía sau, nhưng điều đó cũng chẳng cản được cái kết quả đang xảy đến.

Ngay cả vị chúa trẻ và triều đình đất Phú Xuân của cậu ta cũng sẽ không có lựa chọn – Cho hậu quả của những điều đang xảy ra.

Nắng quái chiếu chênh chếch mé Tây chợt nhạt đi khi có đám mây lớn trôi qua bầu trời. Cúi đầu uống cạn trà trong chén, khi ngẩng đầu lên, Hoắc Phương hơi giật mình nhận ra có người đứng bên cạnh. Một cô gái mặc trang phục Chiêm Thành, mặt quấn kín trong tấm khăn lớn sặc sỡ, chỉ rõ đôi mắt hạnh đào đen nhánh nhìn xuống y. Thấy y ngẩng lên, cô gái khẽ gật đầu, giọng nói phát ra sau tấm khăn trầm trầm.

“Hoắc bang chủ.” Cô ta nói như một lời chào. Hoắc Phương lấy lại vẻ bình thản, ngồi thẳng lưng lên, gật đầu đáp lễ, nhướng mày như chờ đợi cô gái nói tiếp.

Cô gái này đã đến cạnh bên mà y không hề hay biết, Hoắc Phương tự nhắc thầm. Tuy sức khỏe hiện tại không tốt, hầu như võ công không còn, giác quan của y cũng không sa sút đến mức ấy. Kẻ có thân thủ thế này, hoàn toàn không tầm thường.

Như thể nhận ra sự cảnh giác trong dáng vẻ, ánh mắt y, mắt cô gái nheo lại như cười.

“Chủ nhân của tôi có hẹn với Hoắc bang chủ hôm nay, người cũng vừa tới.” Vừa nói, cô gái vừa ra dấu chỉ xuống bến thuyền, lấy trong túi đeo ra một tấm thẻ bài Thanh Hải bang mà y đã giao cho người liên lạc. Nhận được tín vật, y gật đầu đứng dậy.

“Chủ nhân của cô ở đâu?” Y hỏi, thoáng có ý nghĩ chờ đợi Quảng Phú trở về. Nhưng cô gái đã quay lưng đi mà không có ý định chờ y. Hoắc Phương chỉ kịp nhắn với người chủ quán báo cho đồng bạn.

Bước chân cô gái thoăn thoắt, nhanh đến mức hơi lạ lùng, Hoắc Phương – dù y không muốn thừa nhận – cũng khó khăn để bắt kịp được cô qua con đường dọc bờ sông đông chen người. May mắn cho y, cô gái không đi xa. Cô dẫn y lên một chiếc thuyền nhỏ đậu bên mé vụng. Trên thuyền có mấy người phu đang khuân vài kiện hàng nhỏ xuống, nhưng trong thuyền hầu như trống rỗng. Khoang thuyền trải chiếu, bài trí đúng theo lối người Chiêm. Người phụ nữ ngồi trong thuyền cũng quấn kín khăn đúng theo lối của cô gái đã dẫn y tới. Khi y vào trong khoang, cô gái dẫn đường vào theo, đóng cửa khoang mà ngồi lại bên cửa.

Khi người phụ nữ ngẩng đầu nhìn lên, Hoắc Phương không khó khăn để nhận ra ánh mắt người quen cũ.

“Lê… phu nhân, lâu không gặp.” Y hơi cúi mình trước khi ngồi xuống phía đối diện thiếu phụ nọ. Lê phu nhân, Lê Anh, quả thật đã lâu y không gặp bà – Từ ngày sự biến xảy ra ở Phú Xuân.

Lê Anh chỉ nhìn y, đưa tay kéo tấm khăn che mặt xuống. Hai vết sẹo, dù đã được chăm sóc cẩn thận, vẫn còn đường nét mờ mờ trên má bà. Có thể vì vết sẹo, có thể vì tuổi tác, bà đã già đi nhanh chóng trong những năm tháng này. Đôi mắt đen tinh anh đã như bị một lớp sương mờ bao phủ, gò má cao hẳn lên, khóe mắt hằn nếp khi bà nheo mắt nhìn y.

Bà trông già hơn cả cái tuổi vừa qua tứ tuần của mình.

“Oc-nha That nhờ ta tới, ông ấy không tiện đến đây.” Hoắc Phương vừa yên vị, Lê Anh đã nói ngay, không để tâm đến lời chào của y. “Đức vua hiện đang bị bao vây ở Kamran.”

“Nghe nói tình hình rất nguy cấp.” Hoắc Phương gật đầu, ra vẻ quan tâm mà thận trọng ướm lời. Bên kia, y nghe như Lê Anh cười hắt ra trong cổ dù khuôn miệng không hề cử động.

“Nam Hà dùng thủy quân vòng qua vịnh Kamran bọc hậu, quân Đức vua không còn đường lui, quân tiếp viện cũng không thể tới.” Khi nói, giọng bà lại rất trầm lặng, gần như lạnh lùng. Hoắc Phương im lặng gật đầu. Hai vị dũng tướng của Nam Hà đều đã được phái tới chiến trường, kẻ giữ Bình Khang người bọc Cam Ranh, tạo thành gọng kềm siết nát quân của vua Bà Tranh. Mấy tháng chuẩn bị, Nam Hà đã chờ đợi quân Chiêm Thành tạo thành thói quen chiếm cứ các vùng đất vừa lấy lại, tập trung số quân lớn về - Và phản công bằng cả hai cánh quân Nam Bắc. Thủy quân của Nam Hà luôn là một sức mạnh đáng nể, làm mũi dùi tấn công cho cả đội quân ở vùng đất ven bờ biển này[7]. “Nếu Đức vua lọt vào tay Nam Hà, sẽ rất bất lợi.”

“Đức vua không phải là người dễ khuất phục.” Hoắc Phương nói, như một lời nhận xét hoàn toàn công tâm. Nhà vua Bà Tranh, người đã nung nấu ý định báo phục bao nhiêu năm trời, bằng bao nhiêu phương cách, hẳn nhiên không phải là người có thể dâng đất đai của mình để cầu mạng sống như người tiền nhiệm. Vả lại, Chiêm quốc không còn bao nhiêu đất đai nữa để mất. Từ Bình Khang đến Phan Rí chỉ còn lại một khoảng đất không bằng sải tay. Nếu mất, Chiêm quốc sẽ mất tất cả.

Lê Anh lại phát ra một tiếng giống như tiếng cười, mà cũng gần như thở dài.

“Đức vua còn có thể quyết định sao?” Bà hỏi, nhưng nghe như một lời than nhẹ. Hoắc Phương hơi ngẩng đầu, thấy ánh mắt bà u ám một đám mây giông. Khi bà nói, y nghe rõ tiếng răng hơi nghiến vào nhau. “Mất Đức vua hay mất cả đất nước, phải chọn một trong hai, thay vì mất cả hai.”

“Ai sẽ thay thế ngài?” Sau một hồi im lặng, Hoắc Phương chậm rãi lên tiếng. Hóa ra đây là lý do Oc-nha That không thể rời Phan Rí, y thầm nghĩ. Ông ta phải ở lại, để ứng phó với sự biến ở ngay triều đình Chiêm quốc.

Nhà vua Bà Tranh thua trận, lọt vào tay Nam Hà – Và Nam Hà sẽ toàn quyền quyết định sự sống chết của tù nhân, điều đã dẫn đến việc nhà vua Bà Tấm phải dâng hai phủ Diên Ninh và Thái Khang cho chúa Nguyễn để đổi lấy mạng sống. Nhưng lần này, Chiêm Thành không còn gì nữa để mất. Và để bảo toàn lấy Panduranga, triều đình Parik sẽ buộc phải lựa chọn. Ví dụ như, hy sinh nhà vua.

Đổ tất cả ‘tội lỗi’ cho nhà vua đã cầm quân ra trận, thành lập một triều đình mới trước khi địch thủ kịp nắm lấy con tin. Vô hiệu hóa quyền lực của nhà vua ‘đã bị phế truất’ làm tù binh trong tay kẻ thù. Hạ đến mức thấp nhất cái giá phải trả cho chiến bại.

Nhưng y không nghĩ Oc-nha That lại có khả năng làm điều đó, Hoắc Phương tự nhắc mình. Quen biết với ông ta bấy lâu, y lại chẳng rõ lòng trung thành của vị Hữu trà viên này dành cho nhà vua và hoàng tộc? Theo tính cách của Oc-nha That, ông ta sẽ muốn liều chết giữ Parik để chống quân Nguyễn hơn là đưa nhà vua đầu hàng.

“Nghĩ rằng Nam Hà lại chẳng có cách đối phó sao?” Lần này, Lê Anh nhếch mép. Vết sẹo xô lệch khiến nụ cười của bà thoáng vẻ khắc nghiệt đáng sợ. “Khi Nguyễn Hoàng đến Thuận Hóa, đã chọn cách gì để đánh Phú Yên?”

“Cống nộp.” Hoắc Phương vẫn dùng giọng trung tính nhất để trả lời. Ép lân bang phiên thuộc nộp số cống vật nhiều hơn hẳn mức mà họ có thể giao – hay muốn giao, và lấy đó làm cớ để khởi binh. Một phương cách được Nam Hà sử dụng thường xuyên từ mảnh đất Panduranga đến chiến trường Chân Lạp.

Một khi đã có ý định, hoàn toàn không khó để tìm ra được một nguyên do.

“Po Chongchan là kẻ có khả năng lên nắm quyền.” Lê Anh cau mày trước thái độ của y. Bà không thích bàn chuyện với tên gian thương hai mặt này, kẻ rõ rành rành đang có mối liên hệ mật thiết với triều đình Nam Hà. Nhưng đây cũng không phải là việc bí mật, ít nhất, cho đến lúc bà nói ra. Không phải là việc bí mật, khi Nam Hà có lẽ, hay rất sớm, cũng sẽ biết.

“Cũng không lạ.” Hơi nghiêng đầu, Hoắc Phương vẫn bình thản nói. Po Chongchan là người có nhiều tham vọng khó lường, tuy nhiên, ông ta cũng là người duy nhất mà triều đình Parik có thể nhờ cậy được lúc này. Tuy thế, Po Chongchan thuộc phe chủ chiến, đến lúc nguy cấp lại định bỏ rơi đức vua ‘cướp ngôi’, thật dễ hiểu tại sao lại khiến một số người phẫn nộ.

Lê Anh cũng không có cảm tình với Po Chongchan, chắc chắn, Hoắc Phương thầm nghĩ khi nhìn ánh mắt người phụ nữ ngày càng tối lại. Khi Lê Anh bị bắt, Po Chongchan đã tìm tới Phú Xuân chẳng phải để giải cứu bà, cũng chẳng làm nên được một chuyện gì có ý nghĩa hơn là để mình rơi vào cái bẫy của người nơi ấy lẫn kẻ thân cận của Oc-nha That. Một kẻ không có đầu óc, người bên cạnh Oc-nha That kể lại với y lời vị Hữu trà viên này nói về người hoàng thân nọ. Từ ngày ấy, rạn nứt trong triều đình Chiêm Thành ngày càng rõ. Do tác động của Nam Hà, có thể, nhưng một khi các đồng bạn chẳng còn chút tin tưởng hay kính trọng nhau, mối liên hệ sẽ chỉ đi đến một kết thúc tồi tệ.

Lê Anh hừ khẽ, khiến Hoắc Phương nghĩ rằng mình phải có thái độ tích cực hơn những lời nói vô thưởng vô phạt từ đầu đến giờ.

“Như vậy, Hữu trà viên muốn tìm tôi…” Y chầm chậm thăm dò. Là Oc-nha That nhắn y tới nơi này, viện cớ nhờ ảnh hưởng của y để đưa người của ông ta vào vùng Thượng đã bị phong tỏa. Nhưng hẳn ông ta còn có mục đích khác. Con đường đến vùng Thượng vốn quen thuộc với người Chiêm Thành ngàn đời nay, họ hoàn toàn có thể vượt qua mà không lý tới quân canh của Nam Hà. Oc-nha That còn cảnh giác với y hơn cả mật thám của Nam Hà, khi biết y có thể bán đứng mình bất cứ lúc nào. Triều đình Chiêm Thành xáo trộn, quyền lực ông ta ở nơi ấy còn được bao lăm để nghĩ rằng y sẽ giúp đỡ nhóm người của ông ta?

“Ta nghe nói, mấy tháng này, Hoắc bang chủ ở trong vùng Thượng, đi qua các nguồn từ Quy Ninh đến đây.” Lê Anh im lặng rồi nhẹ mỉm cười. Bà dùng đúng giọng thăm dò của Hoắc Phương. “Có lý do gì khiến Hoắc bang chủ phải đích thân đi kiểm soát thị trường phương Nam này, nơi không thuộc ảnh hưởng của bang chủ?”

“Chiến tranh xảy ra, nguồn cá muối từ Diên Ninh đến Panduranga đều không còn, để không thất hẹn với bạn hàng, tôi đành phải đích thân đi đôn đốc, tìm nguồn hàng mới.” Hoắc Phương cười, mềm mại trả lời. Ngừng một lát, y nói thêm. “Bấy lâu nay, tôi với Linh lão gia ở Quy Ninh cũng có chút giao tình, nhân chuyến đi của tôi, lão gia nhờ làm vài việc, lần chần mãi cho đến hôm nay.”

Y ngừng lời, ra vẻ như vô tình mà thanh minh, càng ra vẻ như không để ý đến quan hệ của Linh lão và nhóm người này. Lê Anh mặt không đổi sắc. Là người phụ trách công việc liên lạc của triều đình, bà đủ kinh nghiệm để hiểu được thái độ của Hoắc Phương lẫn con người của y. Bảo rằng y không biết quan hệ của Linh lão lẫn ‘công việc’ mà ông ta nhờ vả, ai có thể tin? Nói ra điều này, y ra dấu hiệu rằng mình có tham gia vào việc bọn họ đang làm.

Oc-nha That tìm đến y tất nhiên không phải vì tin tưởng, mà là lợi dụng y đến lúc nào còn có thể. Cùng một thái độ với y.

Bà nhè nhẹ thở ra qua đôi môi khép. Vì Oc-nha That yêu cầu, bà đến tìm y. Nhưng mọi cuộc trao đổi với y đều ẩn chứa quá nhiều nguy cơ. Vì Po Chongchan tin y, cũng là một phần lý do.

“Oc-nha That muốn nhờ bang chủ…” Bà nói, nhưng lời bị ngắt ngang bởi tiếng nói từ bên cửa.

“Gượm đã, công nữ.” Cô gái dẫn Hoắc Phương đến vốn ngồi im bên cửa bỗng lên tiếng. Cô ta gật đầu với Lê Anh rồi quay về phía Hoắc Phương, đưa tay kéo tấm khăn che mặt xuống.

Một gương mặt hoàn mỹ đến khó tả, đến mức có cảm giác như tượng tạc. Bức tượng nữ thần của người phương Nam, những mô tả của họ, cũng chỉ là như thế.

Cô gái hơi nghiêng đầu, vuốt những sợi tóc lòa xòa ra sau, cúi mình như lời chào.

“Tôi là Chiêm Dao Luật.” Cô ta nói, bằng tiếng An Nam hoàn toàn chuẩn xác. Nụ cười thấp thoáng bên khóe môi đỏ. “Hẳn bang chủ đã ít nhiều nghe tiếng.”

 

 

Chú thích:

[1] Kamran: Cam Ranh.

[2] Parik: Phan Rí. Sau khi vua Bà Tấm nhường phần đất phía Đông Phan Rang cho chúa Nguyễn, kinh đô Panduranga chuyển về Bal Canar thuộc Phan Rí, nay là thôn Tịnh Mỹ.

[3] Đà Lãng: Sau này có tên là tấn Đà Diễn, nằm ở thôn Đông Tác tức phía Nam thành phố Tuy Hòa hiện nay. Sông Đà Rằng chảy từ phía Tây Bắc tỉnh Kontum chảy qua Gia Lai rồi vào Phú Yên, đổ ra biển Đông ở cửa biển Đà Diễn.

[4] Thành Hồ: Theo Đại Nam nhất thống chí, thành Hồ còn được gọi là thành An Nghiệp, ở phía Bắc sông Đà Diễn, thuộc thôn An Nghiệp của Tuy Hòa, chu vi 1400 trượng, do người Chiêm Thành xây. Năm 1578, chúa Nguyễn Hoàng sai Lương Văn Chánh đánh được thành này, bắt đầu tiến xuống phương Nam. Nay nằm ở thị trấn Phú Hòa.

[5] Núi Thạch Bi (ngày nay gọi là núi Đá Bia) là núi cao nhất trong khối Đại Lãnh, nằm ở phía Đông Tuy Hòa, có tảng đá bia nằm trên đỉnh núi cao đến 80m. Tương truyền, vua Lê Thánh Tông khi đánh Chiêm Thành đã cho khắc lên bia này mấy câu, ngày nay không còn đọc được (ngay từ thời Nguyễn, những câu này đã thất truyền). Theo Đại Nam nhất thống chí và vài ghi chép khác, tương truyền, câu này là: “Chiêm Thành qua đây sẽ phải bại binh mất nước; An Nam qua đây binh tướng chết tác tan”. Sau này, có nhiều nghi ngờ rằng vua Lê Thánh Tông chưa hề đặt chân đến Phú Yên. Theo Đại Nam nhất thống chí, vào năm 1771, đời Nguyễn Phúc Thuần, sét đánh xuống biến đá núi đen biến thành trắng, xa trông như bia đá đứng sững, sắc như vôi đá, triều đình liền cho người cầu đảo (Chỉ trong năm sau đó, Tây Sơn nổi dậy ngay ở phía Bắc Phú Yên, Phú Yên trở thành ranh giới phân tranh nhiều năm liền).

[6] Aya Tră: Nha Trang.

[7] Trong Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn viết, khi quân Trịnh đánh vào Trấn Ninh, có người là Trần Duy Trung dâng thư nói, Nam Hà chỉ mạnh về thủy quân, quân bộ không bằng. Theo lời, quân Trịnh do Hoàng Ngũ Phúc chỉ huy tránh tuyệt đối đụng độ với thủy quân Nam Hà mà dùng quân bộ tấn công từ phía Tây bọc về.

 




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.