Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

47. Nhất phiến tinh tra vạn lý san
Trường An in "Minh nguyệt 2" May 11th, 2019

47. Nhất phiến tinh tra vạn lý san, càn khôn vô xứ bất vi nhàn[1]
(Một mảnh bè sao trăm dặm núi, càn khôn nơi nào chẳng nhàn nhã)

 

Tháng mười một năm ấy, Tường bất ngờ gặp lại cha cô ở thành Gia Định.

Sau buổi học ở Thái miếu, Tường đi về qua phía cổng thành gần đại điện thì bắt gặp một bóng dáng quen thuộc. Cha cô đang đứng cạnh cổng nói chuyện với một người đàn ông thấp nhỏ mặc áo tướng, cũng đồng thời nhìn thấy cô.

“Cha!” Tường chạy lại, gần như thảng thốt gọi. Gương mặt Lê Chất thoáng một vẻ gì đó mà cô không cắt nghĩa được, trước khi anh ta cúi người xuống ôm lấy cô.

“Cha vừa được triệu về Gia Định. Con ở đây quen chưa, đã vào cung chơi rồi à?” Nhấc bổng Tường lên, Lê Chất vừa cười vừa nói, thuận miệng giới thiệu với viên tướng trước mặt. “Con gái tôi đấy.”

“Ta thỉnh thoảng thấy cô bé này ngoài cổng nội điện.” Giọng người đàn ông kia cao một cách bất thường, hơi the thé gần như giọng nữ. Lê Chất liền cười ha hả.

“Con gái ngoan đã làm thân được với các cô cậu rồi à?” Anh ta đưa tay vuốt tóc Tường, rồi lại chuyển giọng. “Cha được lệnh đưa quân đến Trấn Biên ngay, không về nhà được. Con đừng báo cho mẹ và bà biết nhé, kẻo họ lo lắng không đâu. Cha dẫn con đi ăn bánh.”

Lê Chất bế Tường cùng viên tướng nọ đi khỏi thành, ra bến sông phía trước. Thuyền quân đậu san sát cho đến tận phố Sài Côn, phía Xưởng thuyền lô nhô tàu chiến. Trên bến bãi người đi lại tấp nập, vài người dừng chân đứng lại chào viên tướng kia “Lê Chánh thống”.

“Anh đừng nghĩ nhiều.” Viên tướng họ Lê mà sau này cô biết tên Lê Văn Duyệt như nói tiếp câu chuyện dang dở của họ. “Bây giờ đang lúc nhiều việc mà thiếu người, phải phân chia ra coi sóc đến tận Bình Định. Kẻ không biết chữ như ta còn được quản ty Tàu vụ, Tống Viết Phúc quản thuế vụ thủy lợi. Thám tử báo Tây Sơn sắp đưa đại quân xuống đánh chiếm lại Bình Định, chúa công trước đã bảo với Võ Hậu quân là giặc có xuống thì sẽ đưa hai đồn Tả Hữu Ngự lâm quân lên để sẵn sàng tiếp viện cho Diên Khánh. Anh được phái đưa hai đồn Tả Hữu đến Trấn Biên là một việc quan trọng sinh tử đấy.”

“Tôi không nghĩ gì đâu, anh Duyệt.” Lê Chất vẫn cười. “Bao nhiêu hàng quân ở Bình Định mà còn giữ một tướng mới về hàng trong thành thì mới lạ chứ. Võ Hậu quân đã phái toàn bộ hàng tướng mới ra vùng ngoài rồi, tôi được triệu về Gia Định nhận công việc xem như có chút vinh dự.”

“Bọn Đặng Trần Thường, Trịnh Hoài Đức sắp được triệu về, anh ở Trấn Biên vẫn hơn.” Trong giọng Lê Văn Duyệt có chút ý sâu xa. Lê Chất ngẩng đầu nhìn áng mây phía bên kia sông, nụ cười như dính cứng trên môi.

“Những kẻ cố chấp không kiến thức ấy chỉ biết nói cho sướng miệng. Tôi đã bẩm với chúa công, từ đầu đến cuối tôi chẳng hề làm sai điều gì. Tôi vì đại nghĩa mà muốn quy phục chúa công từ đầu, đâu phải chờ đến lúc chủ tướng Lê Trung của tôi bị bọn tặc tử hại chết. Tôi đến Bình Định xây dựng lực lượng nhằm phối hợp trong ngoài với chúa công, chỉ trong một tháng chiếm được Bình Định đã tranh chiếm hàng mười năm, tránh được bao cảnh sinh linh đồ thán, đỡ được bao công sức máu xương.” Ngừng một thoáng, giọng Lê Chất càng kiên định hơn. “Ngay cả với Lê Văn Thanh, tôi cũng không làm gì phải hổ thẹn. Anh ta giữ thành cho giặc, tôi vì đại nghĩa mà không thể làm theo. Nhưng tôi đã xin chúa công giữ mạng cho Lê Văn Thanh, lưu dụng anh ta, chỉ đường dẫn lối cho anh ta theo đường chính nghĩa. Chỉ là anh ta cố chấp ôm lấy cái triều đình thối nát ấy, con người như thế nếu cứ cố giữ thành Bình Định đến cùng thì cũng chỉ hại người hại mình, kết cuộc càng thê thảm hơn. Chủ tướng Lê Trung năm ấy không chịu theo tôi nên mới rước họa sát thân. Tôi dù sao cũng đã cho anh ta một con đường sống, cho tất cả mọi người con đường sống, dẫn họ từ chỗ tối về sáng. Chăm chăm giữ lấy điều tiết nhỏ để hại đến cái nghĩa lớn là ngu muội mà thôi.”

“Đúng vậy, những kẻ hại mình hại người lại cứ tưởng là mình giỏi mình hay!” Lê Văn Duyệt cười lớn. “Bọn nho sĩ giỏi nói chữ mà lại không biết ‘binh bất yếm trá’. Chỉ cần anh lập được công lớn là bọn chúng sẽ phải im miệng, thậm chí uốn lưỡi mài bút ngợi ca công lao của anh thôi. Trước ta đánh đồn Trung Hội cứu Diên Khánh, giả lệnh chúa chia quân hai ngả cùng Nguyễn Đức Xuyên hạ cái đồn mà chúng ta đánh mãi không xong, chúa công vẫn bảo ta có công được thưởng, tội gì đâu!”

Bọn họ đã đến quán nước bên bờ sông. Lê Chất mua cho Tường một chiếc bánh lớn. Không để Tường mang bánh về nhà, anh ta đứng chờ cô ăn ngay tại quán. Lê Văn Duyệt vẫn chưa vội cáo từ. Ông ta nhìn Tường, hơi nheo mắt.

“Nhà con mới đến đây có thiếu thốn gì không? Có thiếu gì thì con bảo mẹ và bà khi đi chợ nhớ nói là người nhà của Chánh thống Lê Văn Duyệt. Ta quản Tàu vụ, phố chợ hàng hóa người Tàu ở đây đều dưới quyền ta cả.” Lê Văn Duyệt nói. Vẫn ngậm bánh trong miệng, Tường im lặng gật đầu. Lê Văn Duyệt liền vỗ vai Lê Chất. “Anh chỉ cần ra trận cố sức mà đánh giặc, việc nhà ở đây không phải lo.”

Lê Văn Duyệt đã đi, Lê Chất ngồi xuống ghế nhìn Tường ăn hết cái bánh. Ánh mắt anh ta lướt từ vết bẩn trên mặt cô đến tà áo quăn queo nhăn nhúm. Hồi lâu, Lê Chất thở dài, vuốt tóc Tường.

“Con chịu khổ một thời gian, rồi cha sẽ về đón con. Con sẽ lại là cô chiêu mặc áo lụa, đeo vòng vàng.” Tường nghe mùi hoi hoi hăng hăng trong tay cha cô, cả tiếng khớp xương kêu khi tay cha nắm lại. “Con vốn là rồng phượng, không phải để sống trong đất bùn.”

“Cha…” Tường ngẩng đầu, nhưng rồi lại im lặng trước ánh mắt của cha cô.

Trong mắt cha không có cô, chỉ có ánh hoàng hôn đang dội đến phía bên sông. Ngọn lửa trời cháy rực trong mắt cha cô, và rồi thế gian chẳng còn điều gì khác.

Đưa cô đến đầu ngõ phố, Lê Chất vội vã rời đi. Nắng chiều đổ bóng cha cô trải suốt con đường đỏ rực. Cha vẫn thường đi vắng từ lúc cô mới sinh, vài tháng mới về nhà. Cha con đi đánh trận, mẹ cô nói. Quân Nguyễn chiếm Bình Thuận rồi Diên Khánh, Phú Yên, đánh lên Quy Nhơn, mấy năm này chẳng lúc nào yên.

Rồi cha cùng ông ngoại đưa cô đến Quy Nhơn. Ở trong nhà, cô nghe tiếng súng nổ vang dội bốn phía thành khi đến mùa gió nồm thổi. Cha cô vẫn đi biền biệt không thấy bóng, chỉ những người lính đến bảo vệ quanh phủ đệ. Trong đó có một người rất giống cha cô. Cha cô còn từng bá vai đưa anh ta vào nhà ăn uống, bảo rằng trời sinh chúng ta là anh em. Và anh ta đã chết thay cha cô.

Đại nghĩa diệt thân, cha cô bảo. Và cô nhớ đến một buổi đêm xa xôi nọ đã thấy ông ngoại trách mắng cha cô. Chúng ta đã làm sai với anh cái gì, ông hỏi. Tôi không làm sai với ai cả, cha cô lại nói. Ông ấy không nghe tôi nên dẫn tới họa sát thân. Chỉ cần tôi thắng, đó là đúng. Còn con đường của họ đều là sai, sai tất cả.

Ngay cả sự tồn tại của cha cô như một lỗi lầm và nỗi ô nhục cũng sẽ trở thành đúng đắn. Tất cả mọi người, cả thế gian trời đất này, đều sai, sai hết. Cha cô đã quen sống với cừu hận và oán ghét, với cố chấp và thù địch, đến mức sẵn sàng đạp lên, chơi đùa cùng chúng.

Ngày đó, trí óc ngây thơ của Tường vốn không hiểu được cha, cô chỉ thấy buồn. Bóng mặt trời đỏ quạch nuốt chửng lấy hình dáng cha cô. Cha chẳng một lần quay nhìn cô, như cha vẫn chẳng bao giờ quay đầu lại. Thậm chí cha không một lần cúi đầu nhìn lại con đường đã đi. Cha cô không về nhà, có lẽ vì sợ những câu hỏi, cũng sợ phải thú nhận vị chủ tướng ‘Võ Hậu quân’ nọ đã nghi ngờ mà ném mình về Gia Định. Mái nhà với bà và mẹ cô không phải nơi để cha cô an yên ngơi nghỉ, không dành cho kẻ chiến bại hay thậm chí chỉ mới bắt đầu đối mặt với hoang mang.

Tường cúi đầu đi về nhà. Những ngôi nhà trong xóm đã bắt đầu nhóm lửa nấu cơm, ríu rít tiếng người. Vẫn còn nhiều người phải ở lại Bình Định, nhưng số đông quân đội đã trở về nghỉ ngơi trong nửa năm gió bấc. Những gia đình không có người trở về giấu tiếng thở dài lặng lẽ, tiếp tục công việc hàng ngày của mình. Thành trì đông đúc thêm lên, bóng dáng những người đàn ông xuất hiện trong xóm trở nên lạ lùng đối với Tường. Đêm đêm, mẹ cô khóa chặt cửa, ôm đứa trẻ ngồi trong bóng tối nghe tiếng cười từ xung quanh vọng tới.

“Bé Tường!” Cô chợt nghe tiếng gọi phía trước. Hồ Thị Hoa từ sau cửa nhà vẫy tay với cô, ra hiệu cho cô đợi rồi chạy vào nhà đem ra một cái làn. “Trong cung đãi yến sứ thần Xiêm La đưa các ông họ Mạc về Hà Tiên, cha chị đem ít món về, em mời mẹ và bà ăn cùng nhé.”

“Vậy ạ…” Tường nói khẽ, không đưa tay nhận. Trước đây nhà cô sung túc, cho đến khi cô nhặt nhạnh đổi lấy thức ăn, cũng chưa từng nhận thức ăn thừa của người.

“Đây là phần của cha chị trong cung, không phải đồ chia lại đâu.” Nhận ra thái độ của Tường, Hồ Thị Hoa dịu dàng nói. “Cha chị đi xa về mà chẳng có gì gọi là làm quà, vẫn lấy làm áy náy với láng giềng.”

Tường mím môi, đỡ lấy chiếc làn trong tay Hồ Thị Hoa. Người chị này có lẽ do đi lại trong cung nhiều nên nói năng lắm lúc vừa khéo léo vừa khách sáo dù chỉ với một cô bé con như Tường. Tuy nhiên cô không muốn làm Hồ Thị Hoa khó xử, vả lại vẫn thấy người trong vùng này chia sẻ thức ăn cho nhau luôn, có lẽ chuyện chẳng mấy quan trọng đối với họ.

“Cám ơn chị.” Tường ôm cái làn vào để trên bàn trong nhà. Bà và mẹ cô vẫn chưa về. Hồ Thị Hoa đi theo sau cô, tò mò nhìn quanh quất căn nhà trống trải vốn chẳng có gì để nhìn. Gia đình Tường vốn sống khép kín, cửa ngoài luôn đóng kể cả khi có người, với nhà hàng xóm kề bên cũng hầu như chưa từng qua lại.

“Để bếp thế này sẽ bị ướt đấy.” Hồ Thị Hoa ngước nhìn mái nhà thủng trên cái bếp nhỏ góc phòng. “Bên nhà em có gì cần sửa không?”

“Không cần.” Bấu mép bàn, Tường cau mày nói. Bỗng dưng cô có cảm giác như muốn khóc, thậm chí muốn đuổi Hồ Thị Hoa đi.

Hẳn Hồ Thị Hoa lại định nói cha cô ấy sẽ sang nhà cô sửa sang giúp. Mấy ngày này, cô đã nhìn thấy ông Hồ Văn Bôi đóng lại hàng rào, lợp lại mái nhà, đem một cây hoa lớn về trồng trước cửa. Trong câu chuyện của Hồ Thị Hoa và mọi cô cậu bé khác đều là ‘cha chị’, ‘anh tôi’. Tường vốn đã quen thuộc với sự xa cách của cha cô, nhưng vừa gặp lại cha khiến cô cảm thấy ấm ức, nghèn nghẹn trong lòng. Cô không hề muốn nghe Hồ Thị Hoa nói về cha cô ấy, chẳng muốn nhận sự giúp đỡ của họ, thậm chí là nhìn thấy họ.

Hồ Thị Hoa im lặng đi đến, lấy trong làn ra một trái quýt. Ngồi bên bàn, cô bóc quýt, đưa cho Tường.

“Quýt ngọt lắm, em ăn trước một quả này.” Tách một múi quýt đưa đến miệng Tường, Hồ Thị Hoa cười. “Em ăn nửa quả, chị ăn nửa quả.”

Tường lặng lẽ nhận lấy múi quýt, Hồ Thị Hoa tách lấy múi khác tự ăn, rồi lại chia cho Tường. Hai người chậm rãi ăn hết quả quýt khi nắng hoàng hôn đang tắt dần bên chái nhà.

“Hết rồi.” Hồ Thị Hoa giơ vỏ quýt lên, cười nói. “Ăn xong một quả quýt, thấy mọi thứ đều xong hết.”

“Đèn trong nhà đâu rồi nhỉ?” Hồ Thị Hoa đứng lên đi quanh phòng tìm đèn thắp lên, thuận tay sắp xếp lại vài món đồ lệch chỗ. Đèn đã sáng, cô đặt nó lên bàn, lại cười với Tường.

“Chị ở nhà bên, có gì em cứ gọi chị nhé.” Ngừng một thoáng, Hồ Thị Hoa gật đầu. “Muốn sang ngủ với chị cũng được.”

“Cô Tư trong cung vẫn phải ngủ cùng người khác đấy. Ngay cả cậu Tư cũng vậy. À, là cậu ấy bị lạnh.” Hồ Thị Hoa bật cười khẽ với câu nói của mình, nhẹ xoa tóc Tường. “Nếu em bị lạnh thì gọi chị.”

“Bị lạnh?” Tường lại hỏi, sức khỏe cô vẫn rất tốt, từ bé chưa từng bị bệnh nặng, với câu nói của Hồ Thị Hoa chỉ thấy lạ.

“Người tâm trạng không tốt dễ bị lạnh. Nhìn cậu Tư nghịch ngợm hoạt bát thế nhưng thật ra rất dễ bị lạnh, hễ tâm trạng xấu là tay chân cậu ấy lạnh toát, cả khi buồn bực cũng vậy. Nhiều khi giống như bệnh do cậu ấy tưởng tượng ra.” Hồ Thị Hoa cười. “Em không bị lạnh nhưng muốn chơi với chị thì cứ sang nhé.”

Nghe tiếng chân đầu ngõ, cho là bà và mẹ Tường đã về, Hồ Thị Hoa liền đi sang cửa ngách rời khỏi nhà. Tường đứng giữa phòng, ngẫm nghĩ về điều Hồ Thị Hoa vừa nói. Hẳn cô chị này vẫn chỉ tìm cách dỗ dành cô mà thôi.

Tường cũng không có thời gian để nghĩ lâu về việc ấy. Ngay tối hôm đó, bà cô báo rằng thành thu trước một kỳ thuế, rồi thu thêm gạo thị nạp ở Gia Định. Giá cả tất cả mọi thứ sẽ lại tăng, bà than thở. Từ nay phải tiết kiệm hơn, kẻo đến kỳ giáp hạt sẽ chẳng có gì ăn, bà vừa nói vừa tắt ngọn đèn trong nhà.

Năm mới đến với tin quân Tây Sơn đã bao vây Bình Định, và tiếp tục là các lệnh thu thuế, phu dịch, tuyển quân. Các đoàn sứ trao đổi với Xiêm La, Vạn Tượng, Chân Lạp lại qua nườm nượp. Ngay cả hoàng cung cũng chẳng bày lễ năm mới, chỉ tập trung tổ chức một buổi đại duyệt ở đồng Tập Trận. Chiến tranh đã đến lúc quyết định, mọi người nói.

Đám trẻ dưới gốc thị càng lúc càng ít ỏi, chỉ có cậu bé Nguyễn Văn Đức[2] kia vẫn chăm chỉ tới, im lặng ngồi viết chữ trên bậc thang đá. Hoàng tư Nguyễn Phúc Kiểu dần vắng bóng, rồi một buổi, Hồ Thị Hoa bảo, cậu ấy sắp đi ra Vụng Tàu tiến quân cùng chúa công.

“Chắc cậu ấy đòi đi đấy thôi, chứ chẳng có chức phận gì mà ra trận.” Ngồi trước hiên nhà, Hồ Thị Hoa ngẩng đầu nhìn trăng trên cao, nói rồi lại chuyển sang ý khác. “Đông cung được lưu lại giữ Gia Định, cậu Tư là con nuôi Nguyên phi phải thay mặt đi điều binh.”

“Cha chị cũng sắp phải đi rồi.” Hồ Thị Hoa thở dài. Ngọn lửa vẫn đang lập lòe chiếu qua những ô cửa nhà san sát kéo dài hai bên con đường xóm nhỏ. Tháng tư, cuối mùa thu đầu mùa mưa của Gia Định, gió đang đổi chiều. Xóm làng yên ắng hơn vài tháng trước, những người đàn ông nghỉ ngơi lấy sức cho một chuyến đi dài. Những người phụ nữ mệt mỏi sau ngày kiệt sức làm việc, nhưng chẳng một ai than vãn. Gạo ấy để cho quân ra trận, họ nói trước các lệnh thu thuế liên tục của thành. Quân ra trận, đó là chồng, cha, anh em họ. Trong những năm này, lính được trở về quê ngày thu hoạch để làm việc, ra trận lúc nông nhàn. Một guồng quay đều đặn suốt mười năm đến mức chẳng ai còn than thở về nó nữa. Họ chỉ thở dài.

Tường nhìn khuôn mặt nghiêng nghiêng của Hồ Thị Hoa xanh xao trong ánh trăng. Cô đã hiểu tại sao mỗi lần vào cung nghỉ ngơi thì Hồ Thị Hoa lại có vẻ khỏe mạnh hơn. Ở nhà, Hồ Thị Hoa và mẹ cô vẫn nhận đồ trong quân về may. Những chiếc áo chiến, chăn màn vừa dày vừa nặng, kim đâm rách đầu ngón tay, lâu ngày thành vết chai. Dù không phải đóng thuế, nhưng giá cả mọi thứ ở Gia Định đều tăng, lại có quân mới tuyển cần trang phục, bác gái Hồ nhận thêm việc về nhà. Họ vá lại cả áo cũ, có chiếc còn vương vết máu.

“Chị có may thứ gì tặng cậu Tư không?” Tường khẽ hỏi. Hôm trước cô thấy Hồ Thị Hoa may áo bảo tặng cho cha ra trận, vài người khác trong thành cũng làm thế.

“Cậu ấy thì cần gì?” Hồ Thị Hoa cười khẽ. “Những thứ cậu ấy dùng đều đắt cả. Các cô các bà trong cung thấy cậu ấy lần đầu ra trận đã rối rít chuẩn bị đủ thứ rồi. Cậu ấy còn phải phát bực cả lên.”

Lần đầu tiên, Tường thấy Hồ Thị Hoa buồn bã. Cô ấy vẫn cười, nhưng dường trăng đang ánh lên long lanh trong mắt. Nỗi buồn không phải tiễn người ra trận, Nguyễn Phúc Kiểu sẽ không phải ra trận địa, chỉ là một sự hiện diện để hiệu triệu toàn quân, chính Hồ Thị Hoa nói. Cô buồn vì điều khác, khi hướng mắt lên ánh trăng xa xôi trên bầu trời. Xa xa, phía trước bọn họ là những mái nhà cao của cung điện trong thành, ngói lưu ly lấp loáng bóng trăng. Trong những bức tường dày là gấm lụa ngát hương, vàng khua ngọc chạm, là những con người tưởng chừng thân thiết nhưng lại xa xôi vời vợi. Đó là lần đầu tiên Tường nhận ra điểm khác biệt giữa nơi này và phía ấy, dù chỉ cách nhau vài quãng đường ngắn mấy bước là qua.

Không biết phải nói gì, Tường nhè nhẹ đan tay vào những ngón tay Hồ Thị Hoa. Bàn tay mềm mại, ấm áp, đầu ngón trỏ có vết chai mảnh. Cô không thích nhìn cô bé tươi tắn xinh đẹp này âu sầu. Cô ấy đáng lẽ phải là đóa hoa nắng, là ánh sáng trên trời cao.

Cô ấy bảo, ở một mình buồn bã sẽ rất lạnh.

Tháng tư, đại quân xuất phát. Chúa thân dẫn thủy binh ra Vụng Tàu, để Nguyễn Đức Xuyên đem quân và voi đi đường bộ. Bến cảng Sài Côn tàu bè lớp lớp, cột buồm nhấp nhô, những khẩu thần công sáng ngời trong nắng, quân kỳ rực rỡ. Người đến tiễn đông chật trong ngoài, những khuôn mặt khóc cười loáng thoáng xung quanh mà Tường chẳng nhận được ai trong số họ. Cô đứng chung với đám trẻ nhà quan ra đưa tiễn. Bọn họ không giống thường dân ở ngoài cảng đang khóc cười tiễn biệt, tất thảy đều im lặng, chỉ có đôi trẻ còn quá nhỏ khóc kêu liền bị mẹ hoặc vú nuôi đưa sang chỗ khác.

Quân kỳ dựng hai bên đường xuống bến, dàn nhạc công liên tục tấu khúc lễ mừng. Quân lính trên tàu đã vào chỗ. Xong buổi lễ, chúa đưa đoàn người xuống thuyền trong tiếng hô vang dội. Tiếng hô và tiếng khóc cùng một lúc ào lên trong phát súng nổ đanh báo hiệu cho cuộc chiến bắt đầu.

Nhóm người ở hai bên đường đồng loạt quỳ xuống, dập đầu khi chúa đi qua. Đồng loạt, họ cất lên lời chúc tụng đều như đã tập luyện sẵn. Khi Hồ Thị Hoa nắm tay Tường đứng dậy, đoàn người đã xuống tàu. Xuyên qua đám đông lô nhô, lần đầu tiên Tường nhìn thấy người trên tàu. Chiếc tàu to lớn, cột buồm như chạm vào mây. Một cô bé con như cô ngẩng đầu thật cao mới có thể nhìn thấy.

Ở trên tàu là hoàng Tư Nguyễn Phúc Kiểu. Nhưng cậu ta không phải là cậu bé vẫn lang thang với các cô thường ngày, cũng chẳng phải vị công tử tinh quái sáng lấp lánh trong cung nội. Áo chiến, giáp vàng, vai đeo súng, kiếm ngang lưng, quân kỳ rực rỡ và tiếng hô dậy đất, chẳng thể nhận ra cậu ta vẫn chỉ là cậu bé mới lên mười. Cậu ta đón tuổi lên mười của mình bằng lần đầu tiên ra trận.

Nguyễn Phúc Kiểu đứng một mình trên con tàu xếp trước tàu của vị chúa trên bến, dưới bóng cờ lọng phất phới bay, giữa những dàn thần công sáng loáng, giáo gươm chói mắt. Cậu ta vung gươm, súng nổ. Chiếc tàu đầu tiên khởi hành, dẫn đoàn thủy quân tiến ra cửa biển. Người trên bến lại quỳ sụp đồng thanh cất lời chúc tụng. Tiếng ồn ở bờ sông như muốn vỡ tung.

Nhưng thuyền chúa vừa xa trong bóng nắng, tất cả lại im lặng đứng lên, như họ đã luôn im lặng khi đứng nơi đây. Đã mười ba năm chiến tranh, và mười sáu năm loạn lạc dài trước đó, họ đã quen với sự ra đi cùng rời bỏ. Một đứa trẻ oằn người khóc thét, mẹ nó vội ôm nó vào lòng, vội vã rời đi. Lướt ngang qua, Tường thấy mắt cô ta loáng thoáng ánh lệ.

Bác gái Hồ cũng thở ra, tay dắt tay bế hai đứa con vào bóng râm. Bên kia, Tường thấy Đông cung Nguyễn Phúc Cảnh đang dẫn đoàn quan tướng và gia quyến nhà chúa ra về. Toán lính quát dẹp đường cho đoàn xe ngựa quay lại thành. Những người phụ nữ khác vẫn đang đứng ở bờ sông, vài người ôm nhau khóc.

“Về thôi chị.” Tường nắm tay Hồ Thị Hoa nói khẽ. Cô vẫn đang đứng nhìn bóng những chiếc thuyền cuối cùng khuất vào nắng rực đầu sông. Hồ Thị Hoa gật đầu, cùng Tường đến đứng dưới hiên dãy nhà dựng hàng gần đó, chờ đợi người vãn để đi về.

Hồ Thị Hoa không nói câu gì cả buổi hôm ấy. Còn Tường chỉ đứng yên, nhìn đám người đông đúc lao xao xung quanh. Cô không có việc gì để đến đây, chỉ là muốn đi theo Hồ Thị Hoa. Ánh nắng sớm từ đầu sông hắt lại, gió nhè nhẹ thổi. Tháng tư, nắng đã gay gắt ngay buổi đầu ngày.

Nheo mắt trong nắng, Tường bỗng nhớ đến cha cô buổi chiều hôm nọ. Bọn họ đều ra đi như thế. Có lẽ Nguyễn Phúc Kiểu cũng đã bắt đầu ước mơ của cậu ta. Đeo súng, giương buồm, nhồi đạn vào thần công, và chinh phục thế gian. Ước mơ của cậu ta đúng là như thế. Cậu ta vốn không phải là cậu nhỏ mặc áo vải thô mỉm cười dưới gốc thị, cũng không phải là công tử bé đứng trước chiếc đèn trong căn phòng thơm hương phấn.

Chỉ là ánh mắt Hồ Thị Hoa vẫn như thế, dịu dàng trong vắt nhìn về ánh sáng mặt trời. Cô không còn buồn, chỉ im lặng. Thế gian trong mắt cô vẫn rực rỡ sáng ngời, như thể vĩnh viễn chẳng đổi thay.

 

Chú thích:




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.