- Túng mục hà quan thậm, ngu tâm khôi khoách nhiên[1]
(Mắt trông xa bát ngát, lòng vui thoáng thảnh thơi)
Tháng chín năm ấy, trời vần vũ mây mù. Tường ngước nhìn tán thị đã kết quả chín vàng, bước qua cánh cổng sau vào vườn. Do lơ đãng, cô mất một lúc mới nhận thấy bóng dáng nhỏ bé đang đứng dưới gốc thị.
“Bé Tường!” Hồ Thị Hoa lên tiếng trước, nụ cười của cô như sáng cả góc trời xám xịt. Tường chưa phản ứng, cô đã chạy lại. “Chị nhớ ra hôm nọ hứa dạy em học, đang nghĩ hôm nay không biết em có tới đây.”
“Hôm nay họ không tới ạ?” Tường nhỏ nhẹ hỏi. Hồ Thị Hoa trông đã khỏe mạnh hơn hôm trước, má đỏ hây hây, có vẻ nghỉ ngơi trong cung giúp cho cô rất nhiều.
“Hôm nay cung mừng tết Trùng Cửu, họ phải ở hầu.” Hồ Thị Hoa nắm tay Tường, cười nói. “Theo lệ bọn họ tập hợp làm thơ uống rượu, các cô cậu cũng phải tham gia, dù rượu không uống nhưng thơ thì vẫn cứ phải làm. Chúng ta đến đó xem coi như học tập.”
“Em… không…” Tường hoảng hốt toan rút tay khỏi bàn tay Hồ Thị Hoa. “Em còn chưa học xong chữ cơ bản, với thơ có biết gì đâu.”
“Chúng ta chỉ ngồi xem thôi, có ai bắt mình viết đâu.” Hồ Thị Hoa cười giòn, nắm tay Tường kéo đi. “Mà lễ sáng xong rồi, các quan đã về hết, chỉ còn cô cậu và các bà trong hậu điện. Trời sắp mưa rồi, em vào điện ngồi chơi chờ tạnh mưa nhờ xe cung nhân đưa về.”
Tường liền im lặng đi theo Hồ Thị Hoa vòng qua mấy con đường, vài khu nhà lớn đến một ngôi điện nằm sau bức tường thấp. Một dòng suối nhỏ được đào quanh điện, xây hòn giả sơn dưới gốc cổ thụ. Trời tối mờ mờ, đèn lồng đã được thắp, cửa điện bốn phía đều mở. Trong gian nhà chính đã được dọn quang, trải chiếu hoa, người không đông như Tường đã tưởng. Mới có khoảng năm, sáu người trong điện, vài cung nhân vẫn đang đem lên những chiếc mâm bàn thấp kê song song nhau.
“Nhanh lên nào!” Một người phụ nữ độ ba mươi tuổi đứng trước gian điện, vỗ tay gọi. “Trời sắp mưa rồi, nói nhà bếp xong món nào thì đưa lên ngay, để ở gian bên cũng được.”
“Con đã bảo họ, mẹ Hai vào nghỉ đi, người vất vả cả ngày rồi.” Một cô gái chừng gần đôi mươi đến sau bà, nhẹ nhàng cười bảo. “Chỉ hâm lại mấy món ban sáng, pha thêm ít trà hoa cúc, dù có mưa thì cũng chẳng sao ạ.”
Vừa nói cô vừa đỡ vai người phụ nữ đến ngồi sau mâm giữa phòng, bên kia đã có một cô sắp đến độ cài trâm cùng một cô bé trạc tuổi Hồ Thị Hoa ngồi đợi. Hồ Thị Hoa dẫn Tường đến, dập đầu chào họ dưới thềm.
“Con chào Nhị phi và công nữ Cả, công nữ Hai, công nữ Năm ạ.” Hồ Thị Hoa cất giọng thanh thanh, Tường bắt chước làm theo cô.
“Thôi, sao lần nào cũng khách sáo thế?” Người phụ nữ vốn là Nhị phi Trần Thị Đang cười nói, cho cung nhân đỡ hai đứa trẻ đứng lên. Bà đưa mắt nhìn sang Tường. “Con là con nhà ai?”
“Bẩm bà, con tên là Lê Thị Tường, cha con là Lê Chất, mới theo hầu chúa công ở Quy Nhơn. Con và mẹ mới được đưa đến Gia Định, chưa có dịp vào diện kiến bà ạ.” Tường chắp tay cúi đầu nói, cảm giác ánh mắt của bà Trần Thị Đang đang lướt qua mình từ đầu đến chân.
“Còn bé mà thành thạo lễ nghi nhỉ.” Nhưng bà vẫn chỉ cười, rồi vẫy tay với Hồ Thị Hoa. “Bọn trẻ còn mệt sau lễ buổi sáng nên chưa đến, con ngồi chờ một lúc nhé.”
“Em lại đây!” Công nữ Cả Ngọc Châu gọi, cho Hồ Thị Hoa cùng Tường ngồi sau cô. Hồ Thị Hoa vừa ngồi xuống, cô đã vuốt tóc, bẹo má cô bé. “Ở mấy ngày trong cung xinh hơn rồi này, thật muốn bắt về nuôi quá!”
“Con thích trẻ con thì sinh một đứa mà nuôi.” Nhị phi đón tách trà do cung nữ dâng, vừa thổi khói vừa nói. Ngọc Châu chỉ cười không đáp, bà lại thở dài. “Trưởng công nữ lập lời thề đại định, đâu phải là để cho bọn trẻ con làm cớ.”
“Chiến tranh còn, không biết người sống chết lúc nào, các công nữ vì tình nghĩa mà hạ giá, đâu phải tự dưng lại vì một người xa lạ mà nơm nớp lo sợ làm lỡ dở cả đời.” Ngọc Châu buông tay khỏi tóc Hồ Thị Hoa, quay lưng lại với hai đứa trẻ. “Bây giờ con lấy chồng thì người ấy chắc chắn chẳng thể trốn riết ở Gia Định này mà phải đi đầu chiến tuyến, lúc ấy con không những hại mình mà hại cả người nữa.”
“Chúng con ở chung với nhau rất vui, sao lại phải lấy chồng?” Cô bé công nữ thứ Năm tên Ngọc Xuyến thấy vẻ mặt của Ngọc Châu liền dẩu môi. “Con thấy lấy chồng không ai vui cả, vừa lo việc nhà chồng, lo cho con, lại phải nơm nớp đủ chuyện. Hôm trước con ra phố thấy hai bà nhà nọ đánh nhau, thật dễ sợ.”
“Các con là công nữ, chỉ có nhà chồng phải chăm cho các con, chồng không thể lấy vợ lẽ, lo thế làm gì?” Nhị phi cười nói, đặt tách trà xuống bàn, chậm rãi tự rót cho mình. “Vả lại, chỉ có hạng phụ nữ tầm thường mới phải đánh nhau vì đàn ông. Tranh chấp cấu xé, tự cho mình thắng được người kia là giỏi là hay, thật ra là vừa ngu ngốc vừa kém cỏi. Lại cho rằng vấn đề là ở đàn ông, không hỏi tại sao họ lại yêu người chứ không yêu mình, cứ tưởng rằng mình triệt hạ người kia đi thì sẽ chiếm được chồng. Không trau dồi bản thân để trở thành người có thể nắm được trái tim người khác, đủ quan trọng khiến họ không thể bỏ được, đủ khôn ngoan khiến họ kính trọng, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời họ, cấu xé đánh nhau chỉ càng làm mình trở thành thảm hại tầm thường. Mà loại đàn ông đến chuyện nhà còn không quyết được, để phụ nữ đánh nhau xem ai thắng thì đoạt được ấy, cũng là hạng bỏ đi.
“Các con là con cháu nhà vương tộc, đừng học theo thói của bọn phố phường, cho thế là hay. Chúng ta nuôi dạy các con, cho học chữ đọc sách, tìm nhà tốt người tốt cho các con, chẳng phải để các con hạ mình vì việc không đâu. Với người dưới phải có đại lượng, sai thì trách, lỗi thì phạt, chính đại quang minh mà hành xử.” Bà nhấp môi tách trà rồi mới nói khẽ. “Cái trò cấu xé của phụ nữ, ta nhìn rất không vừa mắt.”
“Trên đời này được mấy kẻ không tầm thường?” Ngọc Xuyến vẫn lầm bầm, người chị Ngọc Quỳnh bên cạnh liền thúc vào sau lưng cô.
Ngoài cổng điện nghe lao xao tiếng người. Hồ Thị Hoa cùng Tường vội lật đật quỳ lên, cúi đầu. Các công tử, công nữ cùng vài cung nhân đỡ theo một người phụ nữ lớn tuổi vào điện. Nhị phi Trần Thị Đang cũng đứng dậy, cúi chào.
“Hôm nay ta đến uống với các cháu một chén trà rồi về nghỉ thôi.” Quốc mẫu nắm tay Nhị phi nói. “Cả ngày nay phải tiếp khách, nghe họ phàn nàn về đủ chuyện xảy ra khi chúa công không ở Gia Định, ta mệt quá rồi.”
“Bà Nguyên phi bảo tối nay đến nhà hoàng Cả dự lễ với mẹ con nhà họ. Chiều nay có vẻ mưa to, các cháu mới sinh không tiện đưa ra gió nhiều.” Cung nhân bên cạnh báo cho Nhị phi. Bà chỉ gật đầu, đỡ Quốc mẫu ngồi xuống. Các cô cậu xung quanh cũng tự tìm chỗ ngồi. Ngọc Xuyến đỡ mẹ là cung nhân tên Phạm Thị Lộc đến ngồi chung với Ngọc Châu. Hồ Thị Hoa liền dắt Tường đến ngồi sau cô công nữ thứ Ba tên Ngọc Anh và chị cùng mẹ của cô là Ngọc Quỳnh.
“Cậu Tư chưa đến sao cô Ba?” Nhìn quanh điện, Hồ Thị Hoa nghiêng về phía Ngọc Anh hỏi khẽ.
“Sáng nay cậu ấy uống trộm mấy chén rượu cúc, hẳn lăn ra ngủ rồi.” Ngọc Anh che quạt cười bảo. “Nhưng bọn trẻ sẽ gọi cậu ấy dậy thôi. Cả bọn chỉ có cậu Tư biết làm thơ, cậu ấy không đến thì ngồi nghe Nhị phi mắng à?”
“Cậu Năm dạo này cũng đã làm được mấy câu thơ rồi đấy.” Ngọc Quỳnh bên cạnh nghe chuyện cũng cười khẽ. “Chỉ có điều là… hơi quái dị.”
Họ nghe gió rào rào quanh ngọn cây, các cung nhân vội vàng khép bớt cửa điện tránh mưa hắt. Một chiếc đèn lớn được khiêng vào giữa phòng, quanh đèn đã có viết vài bài thơ nét chữ khác nhau, có lẽ do các quan đề ban sáng.
“Hôm nay là tết Trùng cửu, chúng ta đáng lẽ nên làm tiệc thưởng hoa, nhưng thời tiết không tốt, lại đang lúc có chiến tranh không thể phung phí, nhà ta làm một buổi họp mặt đạm bạc gọi là chung vui với con cháu.” Quốc mẫu vẫn ngồi ngả lưng về sau lim dim mắt, Nhị phi bèn lên tiếng nói, ra hiệu về phía chiếc đèn. “Chúa công sắp về, trận chiến Quy Nhơn thắng lợi lớn, các quan muốn gửi thơ chúc mừng ngài. Nếu có thêm lời chúc của các con thì hẳn chúa công sẽ càng vui.”
Bà vừa nói đến đấy đã nghe tiếng cười ở cổng điện. Hoàng Tư Nguyễn Phúc Kiểu dắt hai đứa hầu đi vào, trên tay trẻ hầu bưng một cái đĩa lớn đựng con vịt quay vàng ươm. Cậu ta làm lễ xong thì nhìn Quốc mẫu và Nhị phi cười hì hì.
“Con biết tiệc chỉ có mấy món ăn thừa ban sáng thôi nên đem thêm cho các chị em một món.” Cậu ta nói như thanh minh với Nhị phi. Gió thổi mùi thịt vịt nóng hổi thơm phức bay đầy căn phòng kín. “Vịt này do anh em con góp tiền mua đấy ạ.”
“Phải, phải ạ.” Bên kia phòng, hoàng Năm Nguyễn Phúc Đài gật đầu lia lịa. Nhị phi bèn gọi đưa con vịt vào, cắt chia cho mỗi người. Ăn xong miếng thịt vịt, uống một chén trà, Quốc mẫu cáo từ ra về trước. Vài cung nhân cũng lục tục đi theo bà. Trời đổ mưa ầm ào trắng xóa chiều muộn.
Một cung nhân đến thì thầm với Nhị phi điều gì đó, bà vội vã đứng dậy cáo từ, giao cho Ngọc Châu quản buổi tiệc. Bóng bọn họ vừa đi khuất, Nguyễn Phúc Kiểu đã chạy đến trước mặt Ngọc Anh.
“Chị xem này.” Cậu ta xòe ra một viên ngọc to bằng quả trứng, có dây buộc. Vốn đã quen nhìn vàng ngọc, mấy cô công nữ nhướn mắt hỏi lại. “Ngọc này của Xiêm La, họ bảo là ngọc thần thánh, hễ buộc vào người rồi bắn thì sẽ không bị trúng đạn.”
“Thật à?” Ngọc Anh hỏi lại. Ở bên kia, Ngọc Xuyến, Ngọc Quỳnh cũng chạy tới xem viên ngọc, trong khi Nguyễn Phúc Đài chỉ ngồi mỉm cười.
“Em buộc viên ngọc vào cổ một con vịt rồi bắn thử. Vịt chết.” Nguyễn Phúc Kiểu tung viên ngọc trong tay, cười ha ha. Cậu ta gật đầu khi Ngọc Xuyến chỉ tay vào miếng thịt vịt đang ăn dở. “Yên tâm, ta đã lấy đạn ra rồi.”
“Cậu Tư, ngọc đâu ra thế?” Ngọc Châu im lặng đi đến phía sau bọn trẻ, cười hỏi. Nguyễn Phúc Kiểu quay lại, mặt không đổi sắc.
“Sứ thần Xiêm La đến dâng vào kho. Sáng nay em hỏi chuyện quan coi kho về những thứ kỳ lạ của Phiên quốc thì ông ấy nói cho biết. Em mượn xem thế nào.” Cậu ta mỉm cười. “Nếu ngọc quả thật có tác dụng thì chẳng phải ta đã có một vũ khí lợi hại mới sao?”
“Thôi đi, cậu mà tin những chuyện thế này à? Có mà nghe thấy thứ gì lạ thì cậu đòi xem cho bằng được đấy thôi. Chơi xong trả ngọc lại cho kho, chúa công hỏi đến không được đâu.” Ngọc Châu bật cười, lắc đầu. “Ăn xong thì làm mấy bài thơ để chúng tôi chép lên đèn mừng chiến thắng cho chúa công, đừng tưởng mang con vịt đến thì Nhị phi quên dạy dỗ cậu.”
“Này,” Ngọc Châu quay về chỗ ngồi, Ngọc Xuyến liền kéo tay Nguyễn Phúc Kiểu hỏi khẽ. “Anh lấy súng ở đâu thế?”
Cậu ta làm ngơ ra vẻ không nghe thấy câu hỏi của Ngọc Xuyến. Họ ăn xong bữa tối, cung nhân đem vào rổ thị lớn nhưng chỉ để giữa phòng. Lát sau cung nhân khác đưa tới thêm một giỏ đựng bánh khô, bùa gỗ đào, túi đỏ đựng quả thù du, Ngọc Châu liền phát cho mỗi công tử, công nữ một món. Bút mực được đem đến, Nguyễn Phúc Kiểu vẫy Hồ Thị Hoa lại.
“Mài mực cho ta.” Cậu ta cười nói, kéo tay Hồ Thị Hoa, buộc vào cổ tay cô cái túi thù du đỏ vừa nhận được. “Trời thu hàn khí nhiều, ngươi đeo đỡ bệnh.”
“Cậu còn say rượu chưa tỉnh à?” Hồ Thị Hoa đỏ mặt giật tay lại, nhưng cái túi đỏ đã buộc chặt quanh tay cô.
Ngọn đèn lớn cao hơn cả hai đứa trẻ. Những nét mực mỏng manh họa trúc xanh hoa đỏ sáng rực giữa căn phòng sơn son thếp vàng, thơm nức hương thị mùa thu lẫn mùi phấn son thoang thoảng. Cậu trai vung bút đề thơ lên ngọn đèn, cô bé cầm nghiên mực nghiêng đầu ngâm khẽ. Đám đông nho nhỏ quanh họ vẫn huyên náo nói chuyện, bày trò chơi. Những bóng áo lụa thêu hoa xinh đẹp như đàn bướm bay, chập chờn trong bóng lửa. Ngoài cửa, bốn phương trời, bão mưa vần vũ.
Trong góc phòng, Tường nhìn ngọn lửa và quầng sáng bao quanh nó. Ở giữa quầng sáng là hai người họ, như thể luôn luôn chỉ có hai người họ giữa thế gian. Hoa là ánh sáng, Hồ Thị Hoa từng giải thích cái tên của mình khi dạy cô học chữ. Theo chúa công giải thích thì tên tôi nghĩa là ‘đặc dĩ phương văn’, hẳn ánh sáng cũng giống như hương, như hoa. Xuân hoa thu thật, sự rực rỡ của mùa xuân và miên trường của mùa thu. Xuân hoa, thật đẹp đúng không? Chỉ cần nhắm mắt lại đã tưởng tượng được muôn vàn rực rỡ.
Là nắng, là bầu trời, là cả giọt mưa. Là ngọn lửa, là ánh đèn, là cả hào quang và giấc mộng. Trong giấc mộng của cô những năm tháng sau này, quầng sáng ấy vẫn đôi lần trở lại như bóng một ngọn đèn chìm nổi trong sương. Bão giông vẫn đang rung lên ngoài cửa, xuân hoa đã thoang thoảng hơi thu tàn úa. Thiều quang bay qua bầu trời. Để rồi, giấc mộng ấy lại trở thành điều chân thật duy nhất giữa thế gian.
Tiệc tan, mưa vẫn chỉ mạnh lên chứ không có dấu hiệu ngớt. Nguyễn Phúc Kiểu kéo một người lính cạnh đó dò hỏi, được biết vừa có tin báo lụt ở Trấn Biên. Lụt lớn lắm, cả ngàn nhà chìm trôi mất, người chết chưa biết là bao nhiêu, Quốc mẫu cùng hậu, phi đã gọi cả hoàng Hai và Trấn thần đến gấp, ghi tin báo khẩn cho chúa công.
Nghe tin, Nguyễn Phúc Kiểu vội vã chạy về phía chính điện. Người hầu cầm ô í ới chạy theo cậu ta. Thấy Hồ Thị Hoa và Tường đứng trước điện, công nữ thứ tư tên Ngọc Trân liền mỉm cười.
“Tối nay hai người về chỗ ta đi, có ai ở cùng xóm thì nhờ về báo cho nhà cô bé này.” Không giống tính cách huyên náo của các cô cậu khác, Ngọc Trân có vẻ an tĩnh như cả ngày không cất tiếng nói. “Các cô ở cùng mẹ họ, ta chỉ có một mình, cung nhân ở cùng ta tối nay xin sang phòng khác rồi.”
“Tôi đang ở cùng cô Ba, để tôi báo với cô ấy.” Thấy Tường gật đầu, Hồ Thị Hoa bèn nói. Họ theo Ngọc Trân về phòng của cô. Vừa đi, Hồ Thị Hoa vừa áy náy nói với Tường. “Khi có Nhị phi thì họ sẽ đàng hoàng làm thơ, nhưng không có ai thì đẩy cả cho cậu Tư. Em lại chẳng học được gì rồi.”
“Em thích tiệc vui như thế này hơn ạ.” Tường nhún vai.
Ngoại trừ Quốc mẫu, Nguyên phi có điện riêng, Nhị phi có khu nhà phía sau điện Nguyên phi, nội cung phía sau xây nhà san sát nhau nằm trong khu vườn lớn. Phòng của Ngọc Trân khá nhỏ, phía trong chỉ có hai cái giường. Bên ngoài cũng trần thiết đơn giản, trên bàn bày vài thứ bút mực và một lọ hoa lạ không rõ từ đâu đem tới.
“Mẹ ta mất lâu rồi, chỉ có một người hầu thôi.” Ngọc Trân nhàn nhạt nói như giải thích. Người hầu sắp xếp xong giường chiếu, cô cho bà đi nghỉ. Chốc lát chợt nghe tiếng gõ cửa, cung nhân đem tới một túi thị.
“Hoàng Tư quên chưa phát cho mọi người, công nữ Cả chia mỗi phòng một túi lấy hương hoa.” Cung nhân nói. Hồ Thị Hoa đem túi thị vào phòng, cười bảo.
“Cậu ấy đúng là say rượu chưa tỉnh rồi.” Cô lấy trong túi ra một trái thị, đưa cho Tường đang ngồi bên chiếc bàn thấp kê trên sập. “Đừng ăn vội, trái này ăn cũng không ngon.”
Tường đón lấy trái thị, nhìn thoáng qua túi thù du vẫn đeo trên cổ tay Hồ Thị Hoa. Ngọc Trân nhặt một trái lên, ngẩn người như ngẫm nghĩ.
“Ngươi nghĩ cậu ấy lấy viên ngọc từ đâu?” Cô đột nhiên hỏi, rồi lại tự trả lời. “Ngọc, vịt, súng, hẳn lại đến phỉnh phờ hoàng Hai rồi.”
“Cậu ấy vốn thích ngọc, coi ngọc như đồ chơi, nghe đến thứ ngọc lạ thì thể nào chẳng tìm cách xem.” Hồ Thị Hoa tìm ấm trà rót nước cho Ngọc Trân. Ngồi xuống bên bàn, cô chống cằm lên tay, lại thở dài. “Thật ra thì cậu ấy tò mò với mọi thứ, cái gì cũng muốn xem mới phải. Cậu ấy bảo, khi lớn sẽ đi thuyền ra biển, tìm đến những nơi xa nhất.”
“Khi đại định rồi, chúa công lên ngôi, Đông cung kế nghiệp, hoàng Hai sẽ làm tướng quân, Nhị phi đã có cậu Năm, còn cậu ấy sẽ làm tông thất đi công cán mọi nơi. Giương một cánh buồm lớn, đeo súng, nhồi đạn vào thần công, thế là khởi hành. Cậu ấy sẽ tìm đến mọi nơi chỉ có trong sách, hỏi chuyện mọi người, xem xét mọi thứ, mang về sách vở, vàng bạc, châu báu lạ lùng nhất. Lúc ấy thì mấy tên thủy thủ Tây dương đừng hòng bịa chuyện, thầy tu Tây dương đừng hòng lấy kỹ thuật của họ ra đe dọa bắt chẹt, ngay cả thương buôn người Thanh cũng không thể thao túng kinh tế ta.” Hồ Thị Hoa cười, mắt cô cũng sáng lên. “Cậu ấy thích ngọc, vì ngọc là kết tinh của cả vùng đất, là tinh hoa của đất trời nơi ấy. Cầm một viên ngọc, giống như nắm được thế gian.”
“Ta cũng muốn…” Ngọc Trân lơ đãng nói, bất chợt ngừng lời.
“Tôi đã từng bảo cậu ấy dẫn tôi theo với.” Hồ Thị Hoa như cảm nhận được tâm trạng của Ngọc Trân, liền mỉm cười. “Khi đại định, cha tôi về rồi, các em tôi cũng lớn, thế là tôi có thể đi mọi nơi.”
“Đi mọi nơi có gì vui đâu ạ?” Tường rụt rè lên tiếng. Cô sinh ra ở Phú Xuân, đến Quy Nhơn với bà, rồi về Gia Định. Núi cao rừng sâu, đường dài sông lớn, với cô chỉ có nỗi nhọc nhằn.
“Thế em ước sau này sẽ thế nào?” Ngọc Trân quay nhìn Tường hỏi. Ôm quả thị trong tay, Tường cũng ngẩn người.
Lớn lên thì sẽ lấy chồng, mẹ cô nói. Tìm một nhà thật danh giá, lấy chồng và sinh con, bà và ông ngoại cô từng bảo. ‘Đại định’ trong giấc mơ của bà và mẹ cô là cha cô sẽ làm nên nghiệp lớn, trở thành quan to, danh giá hơn tất cả mọi người.
Cha cô, đó là giấc mơ của cả bà và mẹ cô. Cha con ra thế là vì bà ấy, mẹ cô từng tấm tức nói khi bà cô đã ra chợ. Bà ta bị lừa chửa hoang, sinh ra đứa con bị người người mắng chửi, bà ta chỉ có ước muốn duy nhất là đạp lên đầu tất cả bọn họ. Cha con từ bé đã đánh người, đánh người thành quen, đánh mãi thành tướng, tất cả là do bà ta. Đẩy cha con ra trận liều sống liều chết để vinh thân phì gia cũng là bà ta.
Cuộc sống của bọn họ sẽ trở thành con sâu cái kiến trôi theo dòng nước nơi đây nếu cha cô thất bại. Cuộc sống của cô sẽ trở thành ngọn cỏ bị vùi lấp nơi đây nếu cha cô chỉ là một viên tướng quèn. Bà và mẹ cô sẽ vùi lấp nhau, lấp cả cô đến chết với sự thù hằn và hờn trách. Giấc mơ của cô mỗi ngày chỉ là tiếng thú rừng tru hú trong đêm thâu và giật mình hoảng hốt mỗi khi nghe tiếng người.
Tất cả mọi người đều giống nhau, cô từng nghĩ. Tìm cái ăn, cái mặc, rồi tìm người để lấy, để sinh con, rồi lại tiếp tục tìm cái ăn mặc cho từng ấy con người. Cho đến khi tới nơi đây, cô bé trước mặt dẫn cô đến dưới gốc cây thị, bảo rằng trong sách có đất trời, có núi cao biển rộng, có ánh sáng và hương hoa, có cả giấc mơ. Người phụ nữ kia bảo, sống phải quang minh chính đại. Cô công nữ trước mặt nói, cô muốn tìm đến nơi xa xôi nhất chỉ có trong sách. Các cô gái khác nói về hạnh phúc và ước nguyện, cả những nỗi sợ hãi và từ bỏ. Tất cả đều vì chính bản thân họ, chẳng đặt giấc mơ vào một ai khác.
“Em ấy còn bé mà.” Nhìn vẻ mặt Tường, Hồ Thị Hoa cười nói. Đưa tay ôm vai Tường, Hồ Thị Hoa xoa nhẹ mái tóc cháy nắng của cô bé. “Em ấy từ xa đến đây, đi nhiều nơi rồi, không giống chúng mình chỉ ngồi một chỗ ước ao. Em ấy mà kể chuyện thì còn hơn cậu Tư toàn nghe ngóng vớ vẩn ngoài bến bãi nhiều.”
“Thế à? Em từ đâu đến thế?” Ngọc Trân nghiêng người tới, vẻ hứng thú lộ ra trên khuôn mặt vốn lạnh nhạt thường ngày. Nghe những nơi Tường từng ở, cô càng hỏi thêm nhiều hơn.
Núi cao vực sâu, sông dài biển rộng, thú rừng tru trong núi, ve vắt đặc bãi bồi, Tường chậm chạp kể lại. Chậm chạp, cô cảm thấy, dường như tất cả đều đẹp đẽ. Vẻ đẹp của chúng ánh lên trong mắt hai cô bé trước mặt.
Tối hôm ấy, mưa suốt cả đêm dài. Trong giấc mơ, cô vẫn thấy bóng đen tru từng hồi vang nơi rừng thẳm, nhưng nỗi sợ hãi đã không còn. Hơi ấm nồng nàn thơm hương thị mùa thu bao phủ cô, ánh sáng lấp lánh trải dài trên biển rộng.
Chú thích:
[1] Thúy Hoa sơn hành cung tức cảnh lục vận của Minh Mạng