Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

36. Ly quần hồng nhạn dạ minh sương
Trường An in "Minh nguyệt 1" March 19th, 2019
  1. Ly quần hồng nhạn dạ minh sương, thạch thành túy phỏng chung mai tích[1]
    (Hồng nhạn xa bầy kêu sương tối, thạch thành say tìm dấu chôn chuông)

 

Thái Công Triều không muốn đưa quân về Phiên An, bọn y đành cùng Trương Minh Giảng xây thành cho vua Chân Lạp, đợi các quan tướng hội đến Nam Vang. Tham tán Nguyễn Xuân sau khi sắp đặt canh gác Bông Xui đã cùng Lê Đại Cương từ An Giang tới cùng lúc. Trong cuộc họp mà y không được phép tham dự, họ quyết định cho hai ngàn lính đi theo Trương Minh Giảng và Thái Công Triều giữ Nam Vang, chỉ đưa khoảng một ngàn sáu trăm lính theo Trương Phúc Đĩnh về Phiên An.

Tấu sớ đã được chuyển đi, nhưng y xem Trương Minh Giảng vẫn có vẻ bồn chồn không yên. Vừa lúc Lê Đại Cương, vốn đã được phục chức Thự Tuần phủ An Giang đến, Thái Công Triều liền kéo ông ta thì thầm to nhỏ. Một tập tâu mới liền ngay lập tức được chuyển về kinh thành, các quan cùng ký tên xin cho Thái Công Triều ở lại vùng biên giới.

Dụ trả lời từ Phú Xuân đưa đến: Cho Thái Công Triều quyền Lãnh binh An Giang.

Tháng tư, quan quân mở cuộc tấn công thành Phiên An. Thành không bị hạ, quân tướng chết trận hơn 300, người bị thương đến 2400.

Cái tin ấy đưa đến làm cả những người ở Nam Vang cũng phải câm lặng. Mặt Trương Minh Giảng trắng bệch, mãi sau viên tướng này mới nói nên lời.

“Chỉ là một cái cô thành, sao lại có thể thương vong như thế?” Anh ta dường như vẫn còn chưa thể tin được cái tin gần như chiến bại của quan quân tại Phiên An. Người lính báo tin đưa mắt nhìn lên, mím môi rồi thở dài.

“Theo kế hoạch, bốn ngày trước khi đánh thì chúng tôi liên tục bắn pháo vào thành làm kiệt sức giặc. Ngày đánh, chúng tôi bắn hỏa pháo, khói mù vào trung tâm thành lúc canh năm để giặc rối loạn tai mắt, rồi cho binh tiến sát chân thành. Nhưng thành này quá cao, hào thì sâu, giặc ở trên thành bắn súng, lấy đá ném xuống. Người leo thang thì bị đẩy ngã, vượt hào thì bị súng, đá bắn, còn hỏa yên, hỏa tiễn của chúng ta cũng vô dụng.” Ngừng một thoáng, người lính nói tiếp. “Đánh suốt bốn giờ liền, cả Tướng quân Nguyễn Văn Trọng cũng bị thương, chúng tôi đành phải lui binh.”

“Bây giờ ở Phiên An hẳn đang vô cùng rối loạn, phải có một Tướng quân về an định tình hình.” Thái Công Triều nhẹ nhàng lên tiếng, nhìn sang Nguyễn Xuân. “Tướng quân thạo cả văn võ, vừa thắng trận ở Chân Lạp, có uy danh trong quân, có lẽ nên về Phiên An một chuyến.”

Nguyễn Xuân im lặng gật đầu, lập tức gọi người chuẩn bị về Phiên An. Người lính báo tin đã lui, Thái Công Triều mới khẽ gọi các viên tướng ngồi lại.

“Nghe bọn giặc trong thành phòng thủ tốt đến thế, chắc hẳn chúng đã chuẩn bị trước rồi. Tháng chạp vừa rồi trong quân thứ của Tướng quân Tống Phúc Lương phát hiện gian tế, mới đây cũng nghe tin quân bên ngoài bán gạo muối cho đám người trong thành, cho thấy bọn chúng liên lạc với nhau không khó. Mấy cổng thành Dương mã nhằm để đột kích từ phía trong bây giờ được chúng sử dụng để lẩn lút ra ngoài.” Trương Minh Giảng cau mày nói. “Khi ở Phiên An tôi đã nghe bọn giặc đào hầm dựng lũy ngay trong thành để tránh pháo, nơi ở của bọn chủ chốt như Lê Văn Khôi thì đắp tiền lên làm rào chắn đạn pháo. Nếu biết rõ ngày đánh thành, chúng chỉ cần núp trong hầm kín chứ chẳng mất tí sức lực nào. Vả lại, có thể chúng biết cả các cổng mà quan quân tấn công, đưa người đến chặn trước, chuẩn bị kỹ càng đá, súng, đạn, nên pháo khói, hỏa mù chẳng hề có tác dụng làm rối loạn chúng.”

“Tường cao hào sâu chỉ là cái cớ, rõ ràng chúng được chỉ huy, chuẩn bị cực kỳ tốt.” Nguyễn Xuân thở dài nói. “Tôi nghe Tướng quân Tống Phúc Lương sau trận Thuận Cảng thì bệnh nặng kéo dài, vừa rồi Tuần phủ Hà Duy Phiên bị địch dùng kế tố cáo cùng quê Thanh Hoa nên thông đồng với giặc, phải giải chức về Kinh rồi. Đã quản lý không tốt thì làm gì cũng hỏng cả. Lần này Tướng quân Tống Phúc Lương và Tham tán đại thần Lê Đăng Doanh khó tránh khỏi tội.”

“Còn phải hỏi! Tất cả đến bây giờ chẳng phải đều từ họ mà ra?” Trương Minh Giảng dường không kềm nổi nóng nảy nói lớn. “Tháng tám chúng ta bao vây Phiên An, lúc ấy chỉ cần đánh mạnh vào thành lùa hết chúng ra thì đã xong việc. Đến hoàng thượng còn sốt ruột gọi liên tục mấy lần mà họ vẫn nhất quyết không dùng hỏa công, đợi chúng xây hào đắp hầm cho vững! Chức Tham tán đại thần của Lê Đăng Doanh lại càng chẳng phải để cho ông ta giấu giếm loanh quanh? Có nhớ lúc ông đánh bọn người Thanh ở phố Sài Côn, rõ ràng là chúng tập hợp đánh binh thuyền ông, rông rỡ cướp bóc tàn ngược khắp nơi, thế mà Lê Đăng Doanh đã báo cáo thế nào để hoàng thượng trách tội ông không khoan dung xử trí đám người ấy, để Nguyễn Văn Trọng phải nhận bọn chúng đầu hàng? Không có người mà hoàng thượng đưa xuống báo lại thì các ông chịu trách oan chẳng nói làm gì, mà quân tình bây giờ còn loạn hơn bao nhiêu lần, toàn quân có mà hóa thành đoàn kẻ cướp! Bọn gian tế trong quân Tống Phúc Lương bị bắt vào tháng chạp, đến tháng ba cũng mới có kẻ đi báo về Kinh!

“Ngay trong lúc vị Tham tán đại thần này múa bút tùy tiện theo ý ông ta, tha cho bọn Thanh phỉ, nói toàn lời dung thứ sáo rỗng, bọn giặc Phiên An đã biết phải lợi dụng chúng ta ra làm sao rồi! Chúng cứ đợi vào lúc nước sôi lửa bỏng lại nhả ra vài đứa đàn bà con trẻ, khóc lóc rằng bị o ép bắt giữ, vậy là trong có được một đám gian tế, ngoài lại chùn tay ‘nhân từ’. Bây giờ thì ông ta đi mà gánh tính mạng cả ngàn người vì mấy kẻ như thế mà chết!”

“Chuyện gian tế chỉ là một lý do, tôi thấy bọn ở Phiên An vẫn còn vững mạnh đấy.” Nguyễn Xuân nhẹ nhàng lên tiếng, nửa như muốn xoa dịu Trương Minh Giảng. “Trong tình thế quân Xiêm đã bị đẩy lui như thế mà chúng vẫn còn cố thủ chắc chắn đến vậy, cho thấy tinh thần chúng vẫn rất cao. Ngoại trừ nhóm Gia-tô liều chết vì đạo, Phú Hoài Nhân nói sao thì chúng nhắm mắt nghe, đám người còn lại vẫn được tổ chức tốt. Bọn trốn ra ngoài nói đám người Nguyễn Văn Chắm canh phòng bọn chúng rất gắt gao nên chúng ra hàng trễ, nhưng nhìn tình hình này thì chỉ là lời chống chế mà thôi.

“Sau khi Lê Văn Khôi chết, Nguyễn Văn Chắm lên nắm quyền hành, nhưng hắn chỉ là một tên tù thuộc đội Hồi lương, liều lĩnh có thừa mà uy quyền chỉ huy không đủ. Nguyễn Hựu Dự tuy là Hiệp trấn Hà Tiên cũ, từng làm ở Binh tào Gia Định, nhưng thân là quan lớn chưa chắc đã điều khiển được đám vong mạng này. Bọn như Nguyễn Hàm càng không phải nói, chỉ là nhờ chút danh tiếng của cha mà huênh hoang. Phú Hoài Nhân chỉ điều khiển được bọn theo đạo, đám còn lại chẳng coi ra gì.” Nguyễn Xuân quay nhìn Thái Công Triều, hỏi. “Trong đám người Phiên An, ngoài Lê Văn Khôi thì kẻ nào có uy tín nhất?”

“Vũ Vĩnh Lộc.” Thái Công Triều chầm chậm nhả ra một cái tên. “Lê Văn Khôi dựa vào danh tiếng cậu ngoại của thân hoàng đệ mà dù chỉ là một Phó Vệ úy thì vẫn chỉ huy được đám người Phiên An. Nhưng ở Phiên An bấy lâu, nhà họ Vũ dựa vào thế anh em rể Tả quân mới thực sự nắm quyền. Dù họ Vũ chẳng có chức tước gì, việc trong ngoài của phủ Tổng trấn đều do bọn ấy nắm giữ. Khi vừa khởi loạn, anh em họ Vũ giữ Hậu quân, Hữu quân, hơn nửa đội quân của Phiên An. Vũ Vĩnh Tiền bị giết, Vũ Vĩnh Tài thay thế chức Hữu quân, trong thành hiện còn Vũ Vĩnh Lộc, hắn mới là tay kiệt hiệt nhất trong bọn.

“Vụ việc ở Phiên An vừa rồi, các anh có cảm thấy kỳ lạ không? Chúng ta đánh bại Xiêm tại Chân Lạp, nhóm quan tướng ở Phiên An mới quyết định đánh thành để trừ hoàn toàn mối họa. Thì ngay lập tức, Tuần phủ Hà Duy Phiên bị tung tin đồn đại là người cùng quê quen biết Lê Văn Khôi, mà kẻ đem tin này vào báo thì lại báo ngay cho Tống Phúc Lương. Đây là âm mưu tung tin đồn nhảm nhằm hạ Hà Duy Phiên, tuy lúc ấy cho là do Tuần phủ tham hặc một tên Vệ úy mà bị tay sai của hắn báo thù, nhưng sau đến Tống Phúc Lương lại bị tố tội che giấu kẻ gian tế. Không biết là chủ ý của kẻ nào, nhưng việc này rõ ràng gây ly gián, tranh chấp trong các quan tướng giữ Phiên An. Tuần phủ Hà Duy Phiên phải giải chức về Kinh, trong khi việc chỉ huy giữ Gia Định mấy tháng nay đều do ông ta coi quản rất tốt. Đến khi đánh thành, Tống Phúc Lương thì đã già, Trương Phúc Đĩnh, Hồ Văn Khuê là tay mới chưa quen chiến trận, Nguyễn Văn Trọng xông pha lại bị thương, có vẻ là chia quân mỗi người đánh một phách nên chẳng có hiệu quả gì.” Thái Công Triều chậm rãi nói, mắt hơi nheo lại. “Vũ Vĩnh Lộc đa mưu quyền biến, đây có vẻ là hành động của hắn chứ chẳng phải một kẻ chỉ biết tư túi như Nguyễn Hựu Dự hay tên võ phu như Nguyễn Văn Chắm nghĩ ra được. Vũ Vĩnh Lộc ở cạnh bên Tả quân, nhưng khôn khéo không gây chuyện như Trần Nhật Vĩnh, thông thuộc trò khích bác lợi dụng người, càng quen với việc trong triều. Hắn lấy tiếng là em rể Tả quân, lấy vợ tôn thất, nên ở Gia Định bấy lâu nay đi lại thu phục người, kết hợp với Lê Văn Khôi để thao túng trên dưới trong ngoài. Danh Lê Văn Khôi thì cao, ảnh hưởng thì rộng, nhưng việc thực thi nằm trong tay anh em họ Vũ. Đám người trong thành Phiên An bây giờ, ngoài bọn Hồi lương, Gia-tô thì hẳn đều do Vũ Vĩnh Lộc chỉ huy đấy.”

“Vả các anh cho rằng đánh đuổi quân Xiêm thì bọn người ở đấy sẽ ngã lòng, nhưng Nông Văn Vân lại vừa đem bọn người Thanh đánh Tuyên Quang, Cao Bằng, Xiêm La cũng vừa tiếp tục đánh vào Trấn Tĩnh, quấy nhiễu Trấn Ninh không chịu rút lui, đám thổ ty từng phù trợ cho Lê Duy Lương vẫn ẩn núp chờ chực. Tôi vừa nghe nói dòng họ trấn vương Chiêm Thành đang bị điều tra do liên lạc với Lê Văn Khôi. Chúng quyết định cứ thập thò dai dẳng nhằm gây rối loạn, rút kiệt sức người sức của của quốc gia, loạn nhỏ biến thành loạn to. Đến khi ấy, từng tấc đất đều là quân khởi loạn. Với đám hương dõng tham tiền đem bán lương thực cho bọn trong thành Phiên An, chúng có thể thủ liền mười năm để đợi! Nguyễn Văn Chắm tôn một đứa trẻ con của Lê Văn Khôi làm chủ tướng là có cái ý tiếp tục dùng ảnh hưởng của Lê Văn Khôi để kêu gọi đám người bên ngoài.” Thái Công Triều đưa mắt nhìn hai viên đại tướng, dừng lại ở Nguyễn Xuân. “Đừng tin một lời nào của bọn chúng, cũng đừng tiếp tục hy vọng chúng sẽ quay đầu lại.”

“Ta sẽ ghi nhớ.” Nguyễn Xuân mím môi, trầm giọng nói.

Nhóm người của Nguyễn Xuân khởi hành về Phiên An ngay buổi chiều hôm đó. Y cùng Thái Công Triều ra bến cảng coi việc phân chia đội quân. Đứng dưới bóng cây rậm rạp, Thái Công Triều chợt liếc mắt nhìn y, cười nói.

“Cậu đang nghĩ gì thế?” Hẳn anh ta cũng cảm thấy lạ về sự im lặng của y. Y hồi lâu mới trả lời.

“Anh có tin tức gì về người nhà họ Vũ không?” Thân thuộc của những viên tướng trong thành Phiên An bị truy tầm khắp nơi. Và với trận chiến vừa rồi, Vũ Vĩnh Lộc được xướng tên như một kẻ đầu sỏ, người họ Vũ hẳn sẽ bị đưa đến cổng thành Phiên An trước hết.

“Mấy người vợ của Lê Văn Duyệt bị bắt giữ ngay khi quan quân chiếm lại Phiên An. Còn vợ và con gái Vũ Vĩnh Lộc vẫn lẩn trốn được.” Thái Công Triều chợt cười. “Họ có thời gian nuôi giấu cậu, phải không? Trước Vũ Vĩnh Lộc đem vợ lẽ và con trai vào thành, người bên ngoài nghĩ không cần phải lùng tìm thân thuộc còn lại của anh em họ Vũ làm gì. Nhưng tình hình này thì gia phả ba đời nhà họ Vũ sẽ bị truy lùng, dù không phải ai cũng như Trần Văn Năng thì mẹ con nhà ấy khó thoát tội. Nhà họ Vũ đích thực chỉ có mấy anh em côi cút, trên không họ hàng, dưới không thân thích, chỉ còn hai mẹ con ở ngoài đấy thôi.”

“Nếu không yên lòng, cậu có thể về Phiên An một chuyến.” Nhìn y qua đuôi mắt, Thái Công Triều cười nói. “Tôi cũng cần một thân tín liên lạc với Nguyễn Xuân, đang nghĩ nên cử ai đi. Người thân quen của tôi thì các ông ấy lại chẳng tin.

“Vừa rồi đánh trận, hoàng thượng cho rất nhiều y sinh, thái y của kinh thành đến. Nghe quân bị thương nhiều như thế, y sinh sẽ càng được phái tới nhiều hơn. Cậu nên đến xem thử trong bọn họ có ai chữa trị được cho cô Hai Lâm không.” Như chợt nhớ ra, Thái Công Triều nói. “Vả lại, ta vừa nghe chuyện Nguyễn Hoàng Nhiên có xích mích với quân đóng nhậm trong vùng. Ngô Bá Tuấn bị cách chức, Nguyễn Công Tú được cử tới tra xét sẽ không để yên đâu.”

“Nguyễn Hoàng Nhiên lại làm chuyện gì?” Nghe chuyện, y hỏi. Thái Công Triều bật cười.

“Anh em Nguyễn Hoàng đi theo ta đánh trận, nhưng hoàng thượng bảo ai vốn ở trong quân mới giữ lại, người vô sự thì cho về nhà. Vả lại nhà họ Nguyễn Hoàng giờ còn có hai anh em, chỉ lấy một người ra trận, nên Nguyễn Hoàng Thỏa ở lại Phiên An, đi theo Lê Đại Cương, Nguyễn Hoàng Nhiên về quê. Anh ta có vẻ không vui, ở nhà vẫn tự xưng chức quan, thấy động thì tập hợp binh lính, nhiều người nhiều việc thì bị lính tố ăn chặn tiền lương. Như Ngô Bá Tuấn vừa rồi bị tham hặc tội bắt giữ, tra tấn người trái phép, tùy tiện thả người – chẳng qua trong tỉnh rối loạn, đám trộm cướp bạn nghịch khắp nơi, nhưng làm sai thì vẫn là tội, tùy tiện càng là tội.” Thái Công Triều vỗ vai y. “Tuy bây giờ Nguyễn Hoàng Thỏa vẫn giữ vị trí quan trọng trong quân, chưa ai đụng đến Nguyễn Hoàng Nhiên, nhưng không thể để người lâu dài ở chỗ anh ta được đâu. Cậu nên về Gia Định để sắp xếp một chuyến.”

Thế tại sao lại giục y gấp như vậy? Y nghĩ thầm, nhưng chỉ gật đầu.

Khi y trở lại, Phiên An vẫn mang dáng vẻ của vài tháng trước đó, chỉ trừ khu lán trại dành cho thương binh thoang thoảng mùi máu nồng đậm. Mùi máu và khói súng vẫn còn chưa tan hết bên chân thành, đất quanh thành bị cày xới lật tung, ngổn ngang thanh tre gỗ, mảnh sắt thép vung vãi. Đầu mùa mưa, không gian oi nồng, nắng như thiêu, càng làm mùi máu tản đi khắp vùng. Nguyễn Xuân không đến chào các tướng trước mà tới ngay khu thương binh. Trên những ván gỗ, người nằm chật cứng, tiếng rên rỉ vọng khắp. Ngoài khoảng đất rộng của đồng Tập Trận, những cỗ quan gỗ được xếp cạnh nhau kéo dài, bên cạnh có thêm vài thi thể quấn chiếu mới được đưa ra từ khu thương bệnh.

Mùa hạ, nắng rực trên đồng đất, oi ả như rút kiệt từng hơi thở người. Đàn ruồi ngửi thấy mùi máu bay đến đen kịt trên tường ngoài khu trại. Tiếng quạ kêu văng vẳng trên bóng tường thành cao ngất.

Người trong khu lán trại vẫn bận rộn chạy quanh, chỉ có một thầy thuốc đi qua chú ý đến nhóm người vừa tới. Thầy thuốc ngoại khoa Hoàng Tiến Hạnh được phái từ Kinh đến từng theo quân tới An Giang nhận ra Nguyễn Xuân, liền cúi người chào ông ta.

“Tướng quân vừa từ Nam Vang về ạ.” Hoàng Tiến Hạnh nhìn dáng vẻ còn mặc nguyên áo chiến của Nguyễn Xuân, nói khẽ. “Tướng quân Nguyễn Văn Trọng cũng đang trong trại lấy thuốc, ngài có đến chào ông ấy không?”

“Tướng quân có bị thương nặng lắm không?” Nguyễn Xuân hỏi. Biết Nguyễn Văn Trọng chỉ trúng đạn nhẹ, Nguyễn Xuân bèn nói. “Để cho ông ấy nghỉ ngơi vậy. Việc cứu chữa binh lính ở đây thế nào?”

“Các thầy thuốc, y sinh trong Gia Định nghe tin đều tới, tự bỏ tiền của, thuốc thang cứu chữa binh lính.” Hoàng Tiến Hạnh phác tay về phía những bóng người lăng xăng trong trại, nói. “Có người Thanh là Dương Đoan Bằng huy động thuốc thang của cả tàu buôn trong vùng đưa tới, đích thân đến chữa cho quân. Tình hình tuy khẩn cấp nhưng chúng tôi không bị thiếu thuốc men.”

“Ta sẽ ghi nhớ ban thưởng cho họ.” Nguyễn Xuân trầm giọng nói. Ông ta đưa người vào trại thăm hỏi người bị thương, để y ở lại sắp xếp cho nhóm người vừa về Phiên An.

Sau khi ổn định chỗ ở trong trại quân cạnh đó, y liền quay về trại thương bệnh phụ giúp người cứu chữa cho binh lính. Nguyễn Xuân và Nguyễn Văn Trọng đều không thấy bóng dáng, có lẽ họ đã trở về dinh Tuần phủ để hội họp với các quan tướng.

Vừa theo Hoàng Tiến Hạnh bê một chậu nước vào căn trại lớn, y chợt nghe tiếng nói lơ lớ khá quen tai của người Thanh sống trong vùng. Thầy thuốc người Thanh đang chẩn bệnh cho một người lính, nhưng y sinh bên cạnh ông ta có vẻ không nghe ra thứ tiếng này, đặt bút đầy bối rối trên tờ ghi chép.

“Để tôi ghi giúp.” Thấy vậy, y đi tới đề nghị, quay lại nói với thầy thuốc người Thanh. “Ông cứ nói tiếng Tàu đi, tôi hiểu.”

“Cậu là người Minh Hương?” Sau khi xong việc, thầy thuốc người Thanh tên Dương Đoan Bằng hỏi y. Tiếng nói của y khá rành rẽ nhưng để tóc không cạo đầu, ông ta hẳn nghĩ y là người thuộc làng Minh Hương lân cận trong vùng.

“Phải.” Ngần ngừ một thoáng, y nói, không muốn giải thích thêm. Có lẽ thấy thân cận hơn với y, Dương Đoan Bằng xởi lởi mời y ở lại phụ giúp cho ông ta ghi đơn thuốc và phiên dịch. Tiếng Kinh của ông ta vốn đã khó nghe, lính trong trại lại từ khắp nơi trong nước tới, nhiều người hoàn toàn chẳng nghe ra được ông ta nói gì.

Theo người xung quanh, Dương Đoan Bằng là thầy thuốc người Thanh nổi tiếng trong phố Sài Côn kiêm nhà buôn bán thuốc có quan hệ khắp biển Đông. Sự biến xảy ra, ông ta trốn đến Biên Hòa rồi trở lại. Khi Xiêm đánh vào, triều đình xuống lệnh huy động y sư khắp nơi tới, Dương Đoan Bằng chủ động đến doanh trại chờ lệnh, thuốc men cũng do ông ta tự đưa tới mà không lấy tiền, đồng thời huy động thuốc từ các nhà buôn khác trong Gia Định cho quan quân.

“Việc vừa rồi do đám du thử du thực càn quấy gây ra, tiệm thuốc của ta trong phố Sài Côn cũng bị đốt mất, may mà nhà kho không sao.” Chập tối, đã xong việc trong trại, Dương Đoan Bằng nói với y trên đường ra cổng doanh. “Tưởng đã tránh được bọn Bạch Liên giáo, Hồng Hoa hội chuyên gây sự để buôn thuốc phiện ở Thanh, vậy mà đến đây vẫn còn gặp chúng, rồi bị người ta gộp cả vào gọi là Thanh phỉ.”

“Tra xét xong thì các ông càng được yên ổn làm ăn thôi, không phải chung đụng với những kẻ càn quấy.” Y nói, nhớ tới lời Trương Minh Giảng về việc quan quân xử trí nhóm người Thanh nổi loạn ở phố Sài Côn. Thật ra đôi khi y cũng chẳng thể phán định được điều gì là nên hay không nên, phải hay không phải trong những ngày này.

“Cậu có rảnh rỗi thì đến nhà tôi chơi.” Dương Đoan Bằng cười nói. “Chúng tôi đang xây lại phố Sài Côn, bắt đầu lại việc làm ăn. Chỉ còn mỗi khu thành này đứng đây làm tâm trạng ai cũng bất an, ai cũng mong chúng bị hạ sớm đi.”

“Vâng.” Y khẽ khàng đáp. Nghĩ cần đến trình diện quan chủ quản Phiên An, y liền chia tay Dương Đoan Bằng, đi tới dinh Án sát. Vừa đi y vừa miên man thầm nghĩ: vậy mà đã gần một năm rồi.

Tháng năm năm trước, Lê Văn Khôi dẫn đoàn người vào thành trong một đêm hè oi ả. Để Phiên An hóa thành một khoảng đất đầy tàn tro, đì đùng tiếng đạn pháo thâu đêm. Vậy mà hiện tại con người lại tiếp tục sinh sôi xây dựng lại quanh khu thành đen kịt, sừng sững như một cơn ác mộng. Sự sống vẫn tiếp diễn trong tiếng đạn pháo và mùi máu tanh, trong những trận chiến và dưới bóng tử thần chực chờ đe dọa.

Y nhớ tới lời Thái Công Triều nói về những biến động xảy ra trên khắp đất nước này. Thế giới của y luôn quá nhỏ nhoi, luôn chỉ bó hẹp trong vài con người và một vùng đất. Đi theo Thái Công Triều xuôi ngược Biển Hồ, đối đầu với những đội quân thuyền hỗn loạn và những trận chiến mù lòa, gặp gỡ muôn vàn con người xa lạ từ dáng hình đến tâm tính, thanh âm, y đã thấy một cuộc chiến lớn mở ra trước mắt. Cuộc chiến như thể vẫn diễn ra từng ngày từng giờ, như thể vĩnh viễn không bao giờ kết thúc, như thể thấm đẫm từng tấc mảnh đất này trong mùi máu tanh.

Chỉ cần một lơi lỏng, đất nước này sẽ vỡ nát, từng tấc đất của nó sẽ chìm trong biến loạn, Thái Công Triều nói. Và hiện tại y đã hiểu rõ điều đó khi ngước nhìn bóng của ngôi thành in vào nền trời. Khi nỗi sợ như ngấm vào từng hơi thở y trong tiếng rên xiết của khu nhà thương bệnh, trong tiếng kinh cầu, tiếng khóc vẳng tới từ đồng Tập Trận. Đêm nay pháo đã lặng, để gió ù ù ùa về mang theo mùi mưa tanh ngấy, mang theo hơi khói của những trận chiến vẫn đang tiếp diễn ở phương Bắc. Thậm chí, có lẽ quân Xiêm vẫn đang tập hợp ở bờ Tây, thực hiện lời thề quyết chiến của viên đại tướng. Sự sống giữa những cuộc chiến nhỏ nhoi như ngọn cỏ mùa hạn, những sinh mạng tan biến vào cát bụi dễ dàng hơn cả cái búng tay. Người ta đều nói về sống chết dễ dàng như thở.

Bóng ngôi thành trải dài nuốt chửng sinh mạng tựa một cơn ác mộng. Y vẫn còn nghĩ đến điều đó khi ngẩng đầu nhìn cổng dinh Án sát sáng ánh lửa. Một toán lính vừa áp giải người tới.

Y nhận ra, gần như ngay lập tức, vợ và cô con gái nhỏ của Vũ Vĩnh Lộc. Hai cái bóng mỏng manh cúi gục giữa mũi giáo mác tua tủa lấp loáng rợn người.

 

Chú thích:

[1] Ký hoài Hoàng Ngọc Uẩn Hối Sơn Chân Lạp hành của Trịnh Hoài Đức




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.