Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

35. Tự hành hồ hạ thời
Trường An in "Minh nguyệt 1" March 9th, 2019
  1. Tự hành hồ hạ thời, trường dưỡng thiên niên ngẫu[1]
    (Tự đi vào mùa hạ, mầm sống dưỡng ngàn năm)

 

Thái Công Triều đến Hà Tiên, mang theo một cái tin: Trần Văn Năng đã qua đời.

“Vừa lấy được Nam Vang thì ông ấy phát bệnh, phải chuyển gấp về Gia Định, không ngờ đến Thuận Cảng đã qua đời. Có lẽ là giấu bệnh lâu rồi, xong việc ở Nam Vang mới không gượng được nữa.” Thái Công Triều ngẫm nghĩ nói, chợt thoáng cười. “Trước đây ta không hiểu tại sao Tống Phúc Lương lại lãnh quân đi thay, hóa ra vì tình thế lúc ấy không thể báo bệnh được. Tướng quân Trần Văn Năng che giấu khéo lắm, đến hoàng thượng cũng không hề hay biết.”

“Thế cho nên là chuyện rắc rối thất thủ biên giới vừa rồi cũng nhẹ nhàng đi, người sống có ngay cớ để biện minh, sai lầm thất thố coi như có lý do cả.” Thái Công Triều nhún vai nói. “Tuy nhiên ở Hà Tiên thì vẫn chỉ có thể tự lo, mong chờ xem các vùng khác có khá hơn để tiếp viện không.

“Nghe nói chỉ Vĩnh Long quản lý trị an tốt, họ vừa cho binh thuyền đến tiếp viện Long Xuyên. Định Tường lại có trộm cướp nổi lên, An Giang thì binh Xiêm vừa rút chưa ổn định, vả lại tình trạng các quan cũng không tốt. Lãnh binh Nguyễn Đăng Huyên thì già cả rồi, Án sát Bùi Văn Lý tâm trạng suy sụp.” Trước ánh mắt thắc mắc của y, Thái Công Triều liền giải thích thêm. “Vừa rồi hoàng thượng xuống dụ tra hỏi về chuyện trong vùng, có nói tại sao các quan An Giang không cố giữ lấy thành trì mà vừa thấy Xiêm đến đánh đã rút. Việc này tuy ở An Giang không thấy viện binh, còn thêm Hà Tiên thất thủ, binh Xiêm dồn cả ba đường tới thì người trong vùng hoang mang rối loạn, quan quân cũng nghĩ bảo toàn lực lượng là trên hết. Người ở biên giới sợ bóng sợ gió, nhất là Trịnh Đường bảo quân ô hợp cả vùng kéo tới, có khi lại phao lên là Anh Cát Lợi góp phần tấn công. Nhưng quả thật chỉ cần cố thủ thêm vài ngày thì Trương Minh Giảng đã tới, anh ta có thể dùng chỉ ngàn quân chống cả vạn quân, quân Xiêm không thể vào sâu Gia Định, thiệt hại ở An Giang cũng không lớn đến mức như thế. Sự thực xảy ra như vậy, quyết định của Bùi Văn Lý thành ra sai lầm lớn, câu hỏi của hoàng thượng như xát muối vào ông ta.

“Thêm nữa là hiện tại quân Chân Lạp cùng Lê Đại Cương đang thắng lợi lớn ở Phủ Lật, cho thấy Lê Đại Cương quả thật có sức kêu gọi, lãnh đạo người Chân Lạp như thế nào. Vụ việc Lê Đại Cương thất trận trước Lê Văn Khôi thực ra cũng giống chuyện quan lại An Giang bây giờ, bị cái tiếng của bọn Khôi hù dọa, thua vài trận thì hoảng hốt tưởng mất cả Gia Định tới nơi, không cách nào chống cự thì đành phải bỏ chạy.” Thái Công Triều nhẹ nhếch môi như cười. “Bùi Văn Lý trước nay dạy học cho các hoàng tử, kề cận ngôi cửu ngũ, tâm cao khí ngạo, giỏi thấy lỗi của người mà không hiểu tình đời, càng ít kinh nghiệm làm việc ở địa phương. Sai cùng một cách như Lê Đại Cương, cùng một lý do như Lê Đại Cương, nhưng với trách nhiệm canh phòng biên giới thì hậu quả nặng hơn Lê Đại Cương, ông ta chịu đựng không nổi. Lại thêm Trần Văn Năng ôm bệnh mà tới, chết ở giữa đường, ông ta không thể oán hận đám người ở Phiên An được nữa, nghĩ đi nghĩ lại hẳn chỉ còn biết tự trách mình. Bây giờ hoàng thượng không trách tội nữa thì Bùi Văn Lý cũng chẳng muốn làm gì.”

“Nhưng cậu và ta chẳng cần lo chuyện người khác bây giờ. Cả Hà Tiên xem như chỉ còn chúng ta chống đỡ.” Thái Công Triều cười nói, lại nghiêng người về phía y mà hạ giọng. “Ta cũng bất ngờ khi thấy cậu còn ở đây, chẳng lẽ cậu muốn về lại Phiên An rồi bị đem đi Phú Xuân thật à?”

“Hiện giờ thì tôi chưa rời khỏi Hà Tiên được đâu. Như anh nói, ở đây chỉ còn dựa vào chúng ta thôi.” Y nhàn nhạt trả lời. “Anh vừa mới dông dài chuyện các quan ở An Giang, chẳng lẽ không phải anh tự nguyện đến đây ‘tiễu phỉ’ à?”

Thái Công Triều nheo mắt nhìn y, rồi bật cười.

Anh ta cười lục khục trong cổ một hồi dài, ngả người vào thành khoang thuyền mà cười. Y nhìn làn khói mỏng của điếu thuốc trong tay anh ta lay động, tan loãng liên tục vào không khí.

“Cậu Mạc, cậu luôn rất thông minh. Nếu cậu tiến thân trong quan trường vài năm nữa thì không biết sẽ thành cái dạng gì.” Thái Công Triều dứt tiếng cười chợt tặc lưỡi. “Còn bây giờ, đáng tiếc, cậu chỉ thông minh mà không đủ khôn ngoan.”

“Phải như Mạc Hầu Hy anh cậu thì cứ giả khờ giả không biết gì mà đi theo ta, ta nói gì cũng chỉ thuận nước đẩy thuyền theo, không bao giờ bộc lộ cho ta biết thứ cậu ta muốn. Ngay cả khi nghe lệnh phải chuyển về Kinh xét hỏi, cậu ta cũng không nhờ ta giúp đỡ. Ồ, vì cậu ta biết ta sẽ phải lên tiếng cho cậu ta – vì lợi ích của chính ta.” Thái Công Triều rít một hơi thuốc, nói mà không nhìn y. “Bây giờ cậu cũng vậy. Nhưng ta còn nhớ ngày hôm ấy bắt Nguyễn Quang Lộc, cậu đã nói gì với ta. Cậu luôn luôn biết ta quá rõ, đồng thời chẳng buồn che giấu. Cậu biết, nếu không bỏ chạy thì cậu phải nương nhờ vào ta thôi.

“À không, là ta phải giúp đỡ cậu, làm chỗ nương nhờ cho cậu. Thỏ khôn hết thì chó săn cũng chẳng còn, huống hồ ta sống trong bầy sói với một con cú biết tuốt như cậu.” Thái Công Triều lại cười ha ha. “Ngay từ khi nghe ta khuyên không nên trở về Phiên An, cậu đã đổi sắc mặt. Lúc ấy hẳn cậu đang nghĩ: Không chỉ Mạc Hầu Hy mà cả ta cũng không muốn cho cậu đến Phú Xuân. Hầu như những kẻ biết rõ về ta tại Phiên An đã chết, chỉ còn cậu cứ vòng quanh ở đây. Cậu nắm giữ quá nhiều bí mật. Mà kẻ giữ bí mật tốt nhất chỉ là người chết. Lại đáng tiếc, vẫn còn một Mạc Hầu Hy đang ở Kinh, dù mơ mơ hồ hồ thì cậu ta ở cạnh ta bao lâu nay, lại chẳng biết đôi điều về ta để bảo vệ cậu từ xa ngàn dặm. Anh em nhà cậu tính toán giỏi đấy.”

“Ngay từ lúc ấy anh đã chẳng còn muốn trở về cái bẫy chuột Phiên An. Hiện tại biên giới đang thiếu người, anh kết thân với Trương Minh Giảng cũng là tính đường xin ra ngoài.” Thái Công Triều đã thẳng thắn lật bài ngửa, y cũng chẳng khách khí nói. “Anh quản quân nghĩa dõng, có tiếng thông thuộc địa hạt, tính rằng không có họ Mạc thì càng dễ tranh thủ lòng người nên mới bảo tôi tìm đường bỏ đi.”

“Không, không, là tôi có ý tốt với cậu thật đấy. Họ Mạc nhà cậu còn cái gì mà tôi phải sợ? Dù tố tội tôi thì cũng đâu phải là lý do cho anh em cậu đầu quân hại người. Chẳng qua tôi nghĩ cậu rời khỏi nơi này thì sẽ tự do hơn, cậu đâu phải là người thích lập công dương danh, lăn lộn quan trường. Với những việc phải làm hiện tại, cậu còn chả chán ghét cùng cực đi?” Thái Công Triều hạ điếu thuốc, nhướn mày nhìn y. “Lý do gì mà cậu cứ nhất quyết ở lại đây thế?”

“Tôi có việc phải làm.” Y nói khẽ. “Vả lại tôi không thể bỏ cha anh ở Kinh xem như không biết được. Tôi giả chết thì cũng làm họ đau lòng, mà hiện thời chẳng có ai tin, họ càng bị nghi ngờ. Dù có bị giải về Phú Xuân thì đến lúc ấy tôi sảy chân rơi xuống sông Hương là xong, chứ đi lúc này thì không được.”

“Ta nghe nói cậu vừa đem mấy người về.” Thái Công Triều nheo mắt. “Ta biết một ngôi chùa lớn ở Định Tường, nằm trong vùng của anh em Nguyễn Hoàng Nhiên, Hoàng Thỏa, trị an rất tốt. Cậu có muốn cho họ đến nương nhờ một thời gian?”

“Vâng, nhờ anh.” Nghĩ hồi lâu, y nhẹ đáp.

Quả nhiên vừa đến thì Thái Công Triều đã dò hỏi về y. Thậm chí, y có cảm giác rằng anh ta đã nhắm đến Hà Tiên từ rất lâu trước đó. Chính Thái Công Triều cho y lời khuyên để trở về Hà Tiên, giành quyền kiểm soát tỉnh lị này, cũng chính anh ta chiêu tập Mạc Hầu Hy vào đội quân của mình. Ngay cả cuộc tấn công đồn Châu Đốc có thể cũng nằm trong ý định đoạt ảnh hưởng ở vùng An Giang của anh ta. Toàn bộ sự việc xảy ra ở nơi này dường như vẫn nằm trong mưu tính của anh ta.

Thái Công Triều luôn đi trước kẻ khác một bước, giành lấy quyền chủ động trong những biến loạn có thể do chính anh ta góp phần. Y luôn không thể quên Thái Công Triều làm Trung quân chỉ huy đoàn thuyền đánh xuống Định Tường ngày ấy, rồi cũng chính anh ta đưa nghĩa binh Định Tường quét sạch bọn Lê Văn Khôi ở Gia Định. Và rồi Thái Công Triều cũng im lặng trước những tin tức về nhóm người mưu phản loạn, đồng thời khuyên Trương Minh Giảng đánh chặn Xiêm ở Thuận Cảng – như thể anh ta biết rõ đường đi nước bước của nhóm quân này. Và rồi khi cuộc chiến với Xiêm đã trên đường ngã ngũ, Thái Công Triều tính cách rời khỏi chiến trường sa lầy Phiên An – bằng sự hoang tàn rối loạn tại Hà Tiên, An Giang hiện tại. Khi những viên quan Bắc Kỳ đã thất bại và kẻ thù chực chờ ở biên giới, triều đình sẽ phải dùng lại những người đã quen thuộc địa hạt, nắm giữ được các quan hệ như Thái Công Triều hay Lê Đại Cương.

Cậu không đủ khôn ngoan, Thái Công Triều nói – như anh ta. Như cách Thái Công Triều tiếp cận bọn Lê Văn Khôi, thân mật và hào sảng với tất cả mọi người, thu nắm bí mật và điểm yếu của toàn bộ bọn họ với một bộ mặt luôn mỉm cười. Như cách anh ta phản bội và tiêu diệt toàn bộ những người từng là anh em đồng bạn, như cách anh ta lợi dụng và điều khiển cơn lốc xoáy mà không cần bận tâm đến bất cứ ai. Như cách anh ta vẽ ra một con đường tiến thân liều lĩnh độc nhất vô nhị mà lại phong quang vô hạn – như thể một trò đùa.

Hà Tiên – Nam Vang – An Giang sẽ là chiến trường mới của Thái Công Triều. Có lẽ, ngay từ đầu, đã là mục tiêu của Thái Công Triều.

Nhưng lúc này y biết mình chỉ có thể dựa vào anh ta, cũng như toàn bộ Gia Định này phải dựa vào anh ta. Vệ úy chư quân Thái Công Triều luôn xuất hiện ở những chiến trường cam go nhất, cùng vết thương chưa khỏi hẳn mà anh ta vẫn mang như một chiến tích, dù chẳng cần ra trận nhưng đã có thể ổn định đại cục. Như hiện tại anh ta đã phái đội binh thuyền đi càn quét khắp vùng biển Xiêm La, truy lùng tàn quân dọc sông Giang Thành. Nghe đại đội quân đến, Xiêm đã trốn lánh gần hết, ngay cả những đội hải tặc Chà Và, Thanh phỉ cũng yên ắng lại. Một vùng biển loạn lạc bỗng ngay lập tức an bình.

Trước đây khi chưa từng trải qua chiến tranh, y không hiểu được sự ảnh hưởng và tầm quan trọng của những viên đại tướng trong triều đình, những người mà có thể chỉ cần họ ở Gia Định, Xiêm La sẽ không dám đến tấn công. Nhìn Thái Công Triều, y mới hiểu rõ tại sao vị vua trên ngôi cao cửu ngũ kia phải chấp nhận nhường nhịn viên tướng mà mình không hề ưa thích, chấp nhận cả những hậu quả mà nhóm người của ông ta gây nên. Thứ danh tiếng vốn tạo thành trên chiến trận, bằng sự suy tôn như với một vị thần có thể khuynh trời đảo đất, với một con người có thể chống lại muôn người như thể mang ánh hào quang, với những chiến công qua thời gian ngày càng trở nên phóng đại hoang đường, là thứ không thể thay thế. Thậm chí, có thể những bóng hình ấy là thứ phóng đại hoang đường ngay trong lúc nó xảy ra, ví dụ như Thái Công Triều. Sự tồn tại của anh ta trong mắt y mang đầy đủ những kỳ quái ngược ngạo của thế gian.

Vậy mà cái thế gian ấy dù muốn dù không cũng cứ phải dựa vào anh ta, xoay xung quanh anh ta, xây dựng quanh anh ta. Như y đã tính toán ngay từ lúc nghe tin Thái Công Triều đưa quân đến Hà Tiên: Anh ta chính là hy vọng duy nhất của y lúc này. Cứ để lộ cho anh ta thấy những gì y nghĩ, buộc anh ta phải giữ y lại, không đưa về Phiên An lẫn Phú Xuân. Và đề nghị anh ta chăm sóc cho cô Hai Lâm.

“Thí chủ định ở lại Hà Tiên?” Nghe y báo đã tìm được chỗ trú cho bọn họ ở Định Tường, nhà sư vốn được gọi tên là sư Tràm hỏi lại.

“Đợi tình hình ở đây ổn định, tôi sẽ đến tìm sư cụ và cô Hai, hy vọng lúc đó tôi cũng tìm được nơi ở cho cô ấy.” Y gật đầu, đưa cho nhà sư gói tiền y mượn được từ chỗ Thái Công Triều. “Hà Tiên này vẫn còn chưa yên, tôi không thể giữ hai người ở đây. Sư cụ dẫn cô Hai đi sớm, sẽ có quân đưa hai người đến Định Tường.”

“Thí chủ vẫn ở trong quân đội sao?” Nhà sư già vẫn hỏi. Đã biết thân phận thật của y không phải là đạo sĩ đi tìm người hôm trước, ông lại trở nên quan tâm đặc biệt đến y. Có lẽ trước kia ông biết đôi điều về Mạc Hầu Hy và quan hệ của anh ta với nhà họ Lâm này.

“Tôi đi theo quân đến Cần Bột tiễu phỉ. Có lẽ phải đến phía Bắc Chân Lạp một chuyến.” Im lặng một thoáng, y liền nói tiếp. “Xiêm vẫn còn đóng quân ở quanh Biển Hồ, tính bề lấn xuống. Lần này chúng đã mất công đi thì dù không chiếm được Gia Định nhưng cũng muốn lấn thêm được khoảng đất nào hay khoảng đất ấy. Để Xiêm chiếm vùng biên đạo Quang Hóa thì Gia Định có thể lâm nguy bất cứ lúc nào, không thể để yên cho chúng được.”

“Tôi cũng cảm thấy thế.” Nhà sư già cầm bao tiền, lại thở dài. “Ban đầu khi gặp thí chủ, tôi nghĩ cậu đúng là một đạo nhân. Bây giờ thì thí chủ lại không phải nữa.”

Y toan nói, nhưng rồi im lặng.

Nhà sư này chỉ biết tiếc thương và cầu nguyện, chỉ biết lênh đênh đi mọi nơi mọi vùng gom lấy từng mảnh thi thể nát tan, thậm chí ông còn không tỏ ra căm hận hay giận dữ với những kẻ gây ra cảnh ấy. Còn y lại cảm thấy không cần thiết phải giải thích điều mình muốn với kẻ khác.

Trong mắt những kẻ như Thái Công Triều, y đang tìm cách trốn tránh hoặc lập một công lao gì đó cho dòng họ lẫn bản thân. Trong mắt những người như sư Tràm, y đang thù hận lao ra chiến trường chém giết như những thanh niên Gia Định hiện tại. Trong khi lý do của y thực sự giản đơn hơn thế, đúng như y đã nói: không thể để Xiêm tiếp cận đe dọa Gia Định. Vì y không muốn nhìn thấy Hà Tiên như hiện tại. Vì để cô Hai Lâm này bình yên, y sẽ phải giữ lấy Gia Định.

Ngày xưa Mạc Hầu Hy đã từng hỏi bọn y đang mong chờ điều gì trong những năm tháng lặng lờ trầm uất. Ngày xưa y đã từng có lúc ước muốn thế gian này cứ việc tan vỡ và sụp đổ. Ngày xưa y đã yên lặng nhìn bọn Lê Văn Khôi vào thành Phiên An khởi loạn với tâm trạng của một kẻ chờ xem diễn tiến kịch tình. Ngày xưa y chưa từng biết rằng khi thế gian này biến thành hoang địa thì y lại đau lòng đến thế.

Thái Công Triều đã ngay lập tức thảo thư gửi cho Nguyễn Hoàng Nhiên, đưa thuyền đến đón nhà sư và cô gái trong ngày hôm ấy. Y tiễn hai người ra bến trước khi tới gia nhập đội thuyền. Nhà sư già lặng lẽ nói mấy câu tạ ơn y, trong khi cô gái giương mắt nhìn, y nghĩ có lẽ gương mặt mình cũng chẳng khác cái cây khô ngoài bãi trong mắt cô. Vết bầm bên má cô đã tan bớt, trả cô về hình dáng như của một đứa trẻ mắt lơ láo, tóc tai xõa xượi bơ phờ, lấm lem hôi hám. Đến cả lính trên tàu đã thấy bao cảnh chiến trường cũng thở dài khi nhìn thấy cô.

Nhà sư đưa cô gái lên thuyền, y đã quay lưng đi về phía biển. Đi theo Thái Công Triều.

Tháng hai, Trương Phúc Đĩnh, Thái Công Triều và Trương Minh Giảng cùng đến hội quân tại Bông Xui.

Sau khi càn quét biển Cần Bột, đoàn quân do Trương Phúc Đĩnh, Thái Công Triều lãnh đạo nghe tin quân Xiêm đi về Ba Lai kéo đến Bông Xui, liền tiến tới Bông Linh thám thính. Phủ Lật, Bông Xui nằm ở tả hữu Biển Hồ, là khu vực tiếp giáp Xiêm La, Bắc Tầm Bôn, rừng rậm núi cao. Quân Xiêm rút về nơi này, hợp cùng Nặc Giun, Nặc Yêm xây dựng đồn lũy. Ẩn trong rừng sâu, ba ngàn quân cùng sáu mươi thớt voi chia làm ba đồn ở hai bên sông Tiểu Đà.

Trương Minh Giảng được báo liền đưa đại quân đến, chuyển Hồ Văn Khuê tiếp quản công việc tại Hà Tiên. Tại đây, đội quân chia đôi cho Thái Công Triều và Tôn Thất Tường đóng giữ Bông Xui, hai ngàn quân theo Trương Minh Giảng tiến đến Phủ Lật. Nghe tin tướng Xiêm Phi Nhã Chất Tri là chủ tướng nơi này, Trương Minh Giảng điều thêm nửa số biền binh tại Bông Long tiếp viện.

Tháng ba, sau một thời gian thăm dò, Trương Minh Giảng chia hai đạo quân tả hữu tiến đánh Ca Gò. Tham tán Nguyễn Xuân gặp hơn ngàn quân Xiêm đóng tại Ca Lăng, liền đốc quân đánh tan. Sáng hôm sau, Xiêm đưa hơn ba ngàn quân từ Phủ Lật đến tiếp ứng, bị Trương Minh Giảng và Trương Phúc Đĩnh chặn đánh.

Nghe tin quân Nam tới Ca Lăng, tướng Xiêm Phi Nhã Chất Tri dồn tất cả đại quân chừng năm ngàn người trong vùng đến bao vây đồn lũy quân Trương Minh Giảng. Chờ quân Xiêm đến gần, Trương Minh Giảng mới tung quân ra đón đánh, chém được một đại tướng, đuổi quân Xiêm tan chạy. Xiêm buộc phải đốt đồn trại, lui khỏi Phủ Lật về Bắc Tầm Bôn.

Trương Minh Giảng chia quân Phiên đóng đồn trú vùng biên giới, cắt đặt Trương Phúc Đĩnh kinh lý Bông Xui, đưa Thái Công Triều đến Nam Vang đón vua Chân Lạp quay về. Vừa tới Nam Vang, bọn y đã nghe tin chuyển đến: Trịnh Đường bị cách chức thẩm tra.

“Khi quân Xiêm tiến đánh, Hà Tiên thất thủ, Trịnh Đường quay về tỉnh lị lấy ấn tín và giấy tờ, lại giấu thêm một ngàn quan trong kho đem theo xuống thuyền chạy trốn, Án sát Hà Tiên Đặng Văn Nguyên trông thấy. Vừa rồi Đặng Văn Nguyên khi ra đầu ở Sa Đéc đã nói với Tham tán Hồ Văn Khuê chuyện ấy, hoàng thượng bắt Đặng Văn Nguyên về Kinh, Tham tán Hồ Văn Khuê đến Hà Tiên tra án, đàn hặc Trịnh Đường.” Người báo tin đến từ Hà Tiên kể lại, chợt thở dài. “Khi hỏi về số tiền ấy, Trịnh Đường tâu là toàn bộ đã bị giặc lấy mất. Hoàng thượng đã cho Tán tương Trần Chấn đến tiếp nhận chức Tuần phủ, tra án ở ngay tại Hà Tiên.”

“Tuần phủ Định Tường Ngô Bá Tuấn cũng vừa bị Án sát Nguyễn Công Tú tham hặc các tội phạm phải trong lúc quản lý vùng này, phải cách chức rồi.” Ở bên cạnh, Thái Công Triều đột nhiên lên tiếng như thông báo. Đang ở nơi đông đúc, không ai nói thêm.

Không như Thái Công Triều nghĩ, cơn giận của nhà vua có vẻ chẳng hề mất đi. Hoặc là những viên quan vừa tới đã chẳng bỏ qua cơ hội tố cáo sai phạm của các quan trước trong cảnh loạn lạc. Định Tường và Hà Tiên, hai khu vực rối loạn nhất, quả nhiên đã không thoát khỏi tầm điều tra.

Hoặc tất cả đều có nguyên do, y cúi đầu nghe Trương Minh Giảng hỏi về những lỗi sai của Ngô Bá Tuấn, lại thầm nghĩ. Đó là lý do Trịnh Đường luôn tìm cách loanh quanh đe dọa khi y hỏi về họ Mạc lẫn việc ông ta làm khi bỏ chạy khỏi tỉnh lị. Ông ta chẳng hề biết điều gì xảy ra trong tỉnh khi còn bận khuân ngàn quan tiền xuống thuyền. Thậm chí, có thể nhiều người đang nghĩ đây là lý do khiến Hà Tiên thất thủ - vị Tuần phủ này chẳng hề làm gì, chỉ đợi cơ loạn lạc để ra tay trộm lấy của công. Người nghĩ ra kế lấy thúng úp voi, quả nhiên xảo trá không ngờ.

“Theo Thự Tuần phủ Trần Chấn thì Trịnh Đường khai rằng trong lúc dùng binh đã tiêu hết bốn trăm quan, còn lại thì biền binh đã ném xuống sông. Đọc xong sớ ấy, hoàng thượng nổi giận đùng đùng, bảo Trịnh Đường đến mức này còn bắt biền binh khai gian lươn lẹo đỡ tội, bắt giải Trịnh Đường về Kinh ngay rồi.” Sau khi gặp gỡ quốc vương Chân Lạp, các tướng ra ngoài họp riêng, Trương Minh Giảng nói. “Nghe Phiên An có việc, Hồ Văn Khuê cũng sắp đem quân trở lại thành. Hà Tiên hiện giờ chỉ có mấy quan tỉnh và biền binh, Trần Chấn mới tới nơi hẳn còn chưa biết phải làm gì.”

“Ở Phiên An có việc gì thế?” Thái Công Triều hỏi. Y thoáng ngạc nhiên rằng anh ta lại chẳng biết sớm việc Trương Minh Giảng đang nói.

“Có chừng một trăm tên trong thành trốn ra. Theo chúng nói thì Lê Văn Khôi đã chết vào tháng mười một năm ngoái. Đặng Vĩnh Ưng sau khi cha hắn bị giải đến Gia Định chém đầu thì cũng đã chết, không biết là vì bệnh hay bị bọn trong thành trừ khử. Bọn khác đang chết dần chết mòn, đến Nguyễn Văn Chắm cũng đang ốm nặng. Các quan tướng tại Phiên An đang hoạch định đánh thành. Hoàng thượng nhiều lần kêu gọi chúng ta nhanh chóng giải quyết chuyện biên cương, đưa quân về họp ở Phiên An.” Trương Minh Giảng nhìn Thái Công Triều, khẽ gật đầu. “Ngài cũng gọi anh cùng đội hương dõng. Nhưng ở đây đang có việc, thành trì của vua Chân Lạp đã bị quân Xiêm đốt phá cả rồi, tôi và anh phải tìm chỗ xây thành mới cho ông ta đã.”

“Anh chưa về Phiên An thì đám người ở đấy còn chưa đánh thành được đâu.” Thái Công Triều cười nói. “Vừa rồi chúng ta đi đánh quân Xiêm, chẳng biết nhóm Tống Phúc Lương quản lý thế nào mà để bị đám tàn quân trong thành đánh ra, chết đến bốn mươi người. Nay bắt được vài kẻ hèn nhát trốn tránh, nghe vài lời nói chẳng biết thực hư, đám người ấy lại vẽ ra một kế hoạch đánh thành hoành tráng nhằm lấy việc che tội, để hoàng thượng khỏi trách cả bọn là đồ vô dụng không biết phải làm gì với cái thành ấy.”

“Ở đây còn bao nhiêu việc thế này, tôi không thể về Phiên An được.” Trương Minh Giảng cau mày, anh ta chưa nói xong thì Thái Công Triều đã chặn lời.

“Tôi cũng không thể bỏ nơi quan yếu để về trông các ông ấy được đâu. An nguy của Gia Định quan trọng hơn là việc thành bại của những người ấy. Cả vạn quân ở ngoài, dù không thắng được thì cũng chẳng thể thua toán người trong thành, cứ để các ông ấy chờ đi.” Thái Công Triều trầm giọng chém đinh chặt sắt nói. “Anh vừa bảo Hà Tiên chẳng còn ai cả, Phi Nhã Chất Tri thì chờ chực ở biên giới thề chết chiếm lấy Chân Lạp, bây giờ mà là lúc nói chuyện cái thành nát Phiên An à?”

 

Chú thích:

[1] Liên của Trịnh Hoài Đức




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.