Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

N
Thursday, February 20, 2014 Author: Trường An

Trong đây có đoạn phim tư liệu quay vua Khải Định. Để ý thấy là... chiều cao của người VN lúc đó cũng ngang ngang với người Pháp. '_' (Thật ra lúc trước cũng đã thấy vua Bảo Đại với Nam Phương hoàng hậu cao ngang người Pháp trong những bức ảnh chụp rồi.) Với lại quay lên phim thì người trông không có vẻ nhùn nhùn bé bé giống trên hình. (Thật ra cái này để ý mấy anh diễn viên mét tám mét chín mà mặc đồ cổ trang, chụp hình ngang ngang thì cũng nhùn đi đáng kể.)

Nghe bẩu người Pháp cũng thuộc dạng nhùn ở châu Âu. Nhưng vậy thì không chỉ dân châu Á phát triển chiều cao mà dân Âu cũng rứa.

Ơ mà công nhận trang phục lên phim đẹp, nhất là đồ của quan. '__'

---

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, TS PhanThanh Hải cho biết: Thế Tổ Cao hoàng đế niên hiệu Gia Long tên thật là Nguyễn Phúc Ánh, sinh ngày 8 tháng 2 năm 1762, mất ngày 3 tháng 2 năm 1820, là vị chúa Nguyễn thứ 10 cũng là vị hoàng đế đầu tiên của vương triều Nguyễn, người đã thống nhất toàn cõi Việt Nam sau hơn 200 năm đất nước bị chia cắt, phân liệt. Dưới thời vua Gia Long, lãnh thổ nước Việt Nam rộng lớn hơn bao giờ hết, trải dài từ biên giới Trung Quốc đến vịnh Thái Lan, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cũng dưới thời vua Gia Long, Quốc hiệu Việt Nam lần đầu tiên chính thức được sử dụng vào năm 1804, đến nay đã tròn 210 năm.

Theo TS PhanThanh Hải, sau khi thiết đặt triều đại, với Quốc hiệu Việt Nam (1804), vua Gia Long đã áp dụng chính sách khoan hòa, cởi mở trong trị vì, khiến cho đất nước vừa kinh qua chiến tranh nồi da xáo thịt gần 200 năm, đã nhanh chóng trở nên trù phú thịnh vượng, thành một quốc gia hùng cường ở khu vực Đông Nam Á.Đặc biệt, với tầm nhìn thấu suốt về vị trí, vai trò vô cùng quan trọng của biển đảo đối với việc giữ gìn và phát triển đất nước, vua Gia Long đã không ngừng tuyên bố và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với các đảo và quần đảo trên biển Đông, đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; đồng thời chăm lo xây dựng lực lượng hải quân và các tuyến phòng thủ ven biển, mặt khác vẫn tích cực phát triển ngoại giao và thương mại trên biển. Vì vậy, nước Việt Nam đầu thời Nguyễn là một quốc gia hùng cường và có uy tín ở khu vực.

Vua Gia Long cũng là người cho quy hoạch và xây dựng Kinh thành Huế trên nền tảng của văn hóa truyền thống có kết hợp khéo léo với các yếu tố văn minh phương Tây, tạo nên một “kiệt tác về thơ kiến trúc đô thị”, đã được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới.

Báo Nhân dân

---

Trích ĐNTL.

Định điều lệ hương đảng cho các xã dân ở Bắc Hà.

Về lễ giá thú. Phong hóa loài người bắt đầu gây nên từ đó. Sách Kinh nói: “Hôn lễ là mối đầu của đạo người”. Văn Trung Tử nói: “Giá thú mà bàn của cải là thói của rợ mọi”...

Việc thờ thần thờ phật. Trước phải xem việc dân rồi mới đến việc thần. Sách Kinh nói: “Cúng tế nhàm là bất kính”. Sách Truyện nói: “Kính quỷ thần mà nên ở xa”. Lại nói: “Nếu không phải ma của mình mà tế thì là siểm nịnh”. Đó đều là nói việc thờ cúng quỷ thần tất phải có đạo. Gần đây có nhiều kẻ siểm nịnh thần kỳ, thành hoàng miếu vũ thì cửa ngăn nóc chồng, chạm xà vẽ cột, tế khí nghi trượng thì trang sức vàng bạc, màn tàn cờ quạt thì thêu thùa văn vẻ, tế xuân tế thu, vào đám hát xướng, nhiều thì vài mươi ngày đêm, ít thì tám chín ngày đêm, chèo tuồng hát hỏng, thướng lèo vô số, ăn uống xa hoa, tiêu không tiếc của. Ngoài ra lại đua thuyền múa rối, đủ mọi thứ trò, lại kén lấy trai tơ gái trẻ, đánh cờ đánh bài, tiếng là thờ thần, thực để thỏa dục. Rồi lại bắt đóng góp, hao của tốn tiền... Đến như việc thờ phật thì sách Truyện nói: “Say mê dị đoan, chỉ hại mà thôi”. Lại nói: “Có tội với trời thì cầu đảo vào đâu được”. Người có thờ phật là cốt để phúc báo. Sách nhà phật nói: “Có duyên phật độ, không duyên phật chẳng độ”. Lại nói: “Thờ cha mẹ chẳng ra gì, tuy hằng ngày ăn chay niệm phật cũng vô ích. Trung với vua mà đến thế, dẫu không cúng phật cũng không sao”. Như thế thì người có duyên cần gì phải phật độ, mà người không duyên thì phật độ làm sao được? Thử xem những tổ đã thành phật như là Mục Liên mà cũng không độ được mẹ, chuộng phật giáo như Tiêu Diễn mà cũng không giữ được thân, huống chi những bọn bất trung bất hiếu, không biết quân vương là phật hiện thời, bỏ cả cha mẹ là phật sinh thành, mà đi cầu phật vô hình xa ngoài muôn dặm, để mong phúc may chưa đến, có lẽ ấy được chăng? Gần đây có kẻ sùng phụng đạo phật, xây dựng chùa chiền quá cao, lầu gác rất là tráng lệ, đúc chuông tô tượng rất đỗi trang hoàng, cùng là làm chay, chạy đàn, mở hội, phí tổn về cúng phật nuôi sư không thể chép hết, để cầu phúc báo viển vông, đến nỗi tiêu hao máu mỡ.

... Lại đời sống của dân đều có định mệnh, tai không thể giải được, phúc không thể cầu được, cái thuật cầu đảo giải trừ đều vô ích cả. Từ xưa, đồng cốt cũng nhảm mà họ Cao Tân đã bày rõ việc tế tự, tả đạo dối dân, nên thiên Vương chế đã đặt luật giết trừ, đó đều là để bài bỏ mê tín, khiến cho tục dân theo về đường chính. Tây Môn Báo ném mụ đồng xuống sông, Địch Nhân Kiệt phá những đền thờ nhảm. Thực là có định kiến. Nay thói thờ quỷ mù quáng đã sâu, người ta không hay giữ yên tính mệnh, động đến là xin phù chú, kêu đồng bóng, lập đàn trường, khua chuông trống, như chiều gió lướt, tập tục theo nhau, làm cho mê hoặc. Kẻ có tà thuật đều giả thác ảo huyền, làm rối tai mắt. Thổi bùa vẽ khoán, tạ pháp án để sinh nhai; chuộc mệnh gọi hồn, xem nhà bệnh là hàng quý. Thậm chí phụ đồng thiếp tính, bịa đặt lời thần, cấm thuốc nhịn ăn, làm cho người bệnh không thể chữa được nữa. Lại còn ngựa rơm người giấy, đập cửa đốt nhà, cùng với mọi thứ bùa thuốc mê hoặc, khiến cho vợ cả ghét chồng, chồng say vợ lẽ, đã dụng thuật để nhiễu người, lại gõ cửa để xin chữa, lừa dối trăm chiều, thực làm hại lớn cho dân chúng. Từ nay dân gian như có đau ốm, chỉ nên cầu thuốc để trị, cẩn thận sự đi đứng, nhất thiết chớ nên tin nghe bọn yêu tà mà cầu cúng xằng xiên. Những bọn thầy pháp cô đồng cũng không được sùng phụng hương lửa để nhương tai trừ họa.

:botay:




Nữ sĩ
Wednesday, February 19, 2014 Author: Trường An

Nữ sĩ thời Nguyễn ở miền trong nổi tiếng nhất là Tam Khanh công chúa. Đây là 3 nàng công chúa được đặt biệt hiệu Trọng Khanh, Thúc Khanh và Quý Khanh. Ba người đều là em gái cùng mẹ với Tùng Thiện vương, cũng là một danh sĩ nổi tiếng (Thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường).


Quy Đức công chúa Vĩnh Trinh

Biệt hiệu là Nguyệt Đình, em gái của Tùng Thiện vương Miên Thẩm. Tuổi còn bé mà thông minh, tính hiếu đễ thuần nhất. Lúc đầu theo học nữ sử ở trong cung, lớn lên thích ngâm vịnh. Chúa thác sinh ở nhà vua, lấy chồng người phú quý mà khiêm tốn giữ gìn, không ưa xa xỉ, duy chỉ thích sách vở mà thôi. Sau khi kết hôn, cùng Thuật (chồng) chia đôn để hỏi chữ, cùng nhau xướng họa, thường có nhiều bài hay, được các vương khen ngợi. Năm thứ 14, Thuật chết ở Gia Định. Chúa xin tự làm sinh phần cùng nơi với mộ của Thuật. Từ đấy thề giữ mộ tiết than khóc, phòng riêng một mình không ra khỏi ngõ. Nhiều người khen là khổ tiết.

Trước tác của chúa có tập Nguyệt Đình Thi Thảo. Tuy Lý vương đề bàn tập thơ, ghi: Phát ra bởi tình, mà đúng lễ nghĩa như các thơ Hà Quảng, Tài Trí ở thiên Vệ phong (Kinh Thi).


Thuận Lễ công chúa Tĩnh Hòa

Tự là Quý Khanh, một tên hiệu nữa là Dưỡng Chi, biệt hiệu Thường Sơn, em gái Tùng Thiện vương Miên Thẩm. Lúc bé thông minh dịu dàng, có đức tốt, thích sách vở, được vua rất yêu. Lúc bé học ở trong cung, thuộc nữ tắc, càng thông kinh sử, đến cả cung từ, học được bài gì ở Nhạc Phủ đều đem dạy người, trong cung gọi là thầy học gái. Khi lớn lên, cùng anh là Miên Thẩm thờ mẹ đẻ ở nhà tư. Nhân học được thơ Đường luật, liền làm được thơ. Chúa ưa thích âm luật, khéo đặt khúc hát, có đặt ra bộ nữ nhạc, đàn sáo đầy nhà, các anh trai em gái thường lại hội yến, lấy đàn hát làm vui. Thương Sơn vương trước đề tập thơ có nói rằng "Tăng Thành trăng tĩnh, đêm nghe tiếng đọc sách dịu dàng. Động Đình gió cao, mùa thu khúc tơ vàng dìu dặt" là chỉ vào việc ấy.

Năm Tự Đức thứ tư, gả cho Đô úy Văn Cát. Sau khi vu quy, chúa cùng Cát vợ chồng hòa hợp, cùng nhau ngâm vịnh gọi là thi xã. Trước tác có tập "Huệ Phố thi".


Lại Đức công chúa Trinh Thận

Hiệu Mai Am, còn có hiệu Thúc Khanh, Nữ Chi, biệt hiệu Diệu Liên, em gái Tùng Thiện vương. Lúc nhỏ bà sống với mẹ và ba chị em gái ở viện Đoan Chính trong Tử Cấm Thành sau dời về Sở Tiêu Viên (vườn mía) thuộc khu dinh thự của Tùng Thiện Vương. Vì đây là khu vực thơ văn của Tùng Thiện Vương và cũng là nơi Tùng Thiện thi xã thường xuyên họp bạn thơ văn nên Mai Am đã được tiếp xúc thi thơ từ rất sớm. Tới tuổi đi học, với thân phận là con cháu hoàng tộc nên bà và chị em không được học ở trường ngoài mà được cho học trong Tôn học đường do anh ruột Tùng Thiện Vương phụ trách. Ba công chúa được sự dạy dỗ của anh nên sớm bộc lộ tài năng về thơ phú. Nguyệt Đình, Mai Am, Huệ Phố được gọi là Tam Khanh (theo ba tên hiệu của ba người lần lượt Trọng Khanh, Thúc Khanh và Quý Khanh) trở nên nổi tiếng lừng lẫy về tài văn chương trong giới nữ lưu ở đất kinh thành. Trong ba người, Mai Am được coi là người tài năng và nổi tiếng nhất. Bà đã sáng lập ra Thỉnh Nguyệt Đình, là nơi bà chủ trì các đêm thơ, có sự tham gia của nhiều danh sĩ đất kinh kỳ.

Trước tác có Diệu Liên thi tập.

Thơ Mai Am - Ức mai:

Lâm đường tạc dạ sóc phong xuy,
Tiểu các thanh hàn độc toạ trì.
Địch lí quan san sầu cựu khúc,
Thuỷ biên li lạc nhận tiền kì.
Hương nam tuyết bắc vô hương cấn,
Nguyệt địa vân giai hữu mộng tư.
Dục hả tân từ viễn tương tặng,
Mỹ nhân uyển tại thuỷ chi mi.


Bên cạnh đó còn có vài người nổi bật khác:


Nguyễn Nhược Thị Bích hay còn gọi là Nguyễn Nhược Thị, tự Lang Hoàn.

Sinh tại Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận. Bà là con gái thứ 4 của Nguyễn Nhược Sơn (hay Nguyễn Nhược San, nguyên là Bố chính tỉnh Thanh Hóa). Nhờ tư chất thông minh, lại được đi học ngay từ nhỏ nên bà sớm nổi tiếng về tài văn chương. Vừa có tài sắc, lại được Phụ chính đại thần Lâm Duy Nghĩa tiến cử, năm 18 tuổi (Tự Đức nguyên niên, 1848), Nguyễn Nhược Thị Bích được tuyển vào cung. Trong một buổi ngâm vịnh, Vua Tự Đức xướng đề thơ Tào Mai (Hoa mai sớm nở) và bài họa của bà được nhà vua khen tặng 20 nén bạc, đồng thời cho sung chức Thượng Nghi Viên Sư, để dạy học trong nội cung. Năm 1868, bà được tấn phong là Lục giai Tiệp dư. Theo sử nhà Nguyễn, thì trong khoảng thời gian bà được cử làm thầy dạy “kinh điển và dạy tập nội đình” cho Đồng Khánh khi ông chưa lên ngôi. Vì thế, trong cung người ta còn gọi bà là Tiệp Dư Phu Tử.

Một thời gian sau, Tiệp dư Nguyễn Thị Bích trở thành Bí Thư cho Thái hậu Từ Dũ, nhờ vậy mà bà nghe được nhiều điều trao đổi giữa thái hậu và vua, bởi những lúc đó chỉ mình bà được ở gần hầu hạ.

Sau khi vua Tự Đức qua đời (1883), mọi ý chỉ sắc dụ của Lưỡng Tôn cung (chỉ Hoàng thái hậu Từ Dụ và Chính phi Trang Ý) đều do một tay bà soạn thảo.

Tác phẩm nổi tiếng là Hạnh thục ca.


Phạm Lam Anh

Con gái của Hộ bộ Phạm Hữu Kính thời Võ vương. Tiểu tự là Khuê, tự hiệu Ngâm Xi. Từ nhỏ đã nhanh nhẹn, thông minh, biết làm thơ. Kính rất yêu chiều, đón Nguyễn Dũng Hiệu đến dạy học ở nhà. Hiệu là người huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, vốn nổi tiếng là người hay thơ, hiệu là Phúc Am. Kính đi làm quan, lưu Hiệu ở nhà dạy các con. Hiệu và Lam Anh lấy thư từ tặng đáp nhau, rồi tư thông với nhau. Kính về, giận lắm, muốn trầm hà Lam Anh, có người bạn khuyên giải mới thôi. Cuối cùng gả Lam Anh cho Hiệu. Lam Anh đã về với Hiệu, cùng nhau xướng họa, có tập "Chiến cổ Đường thi" lưu hành ở đời.

Thơ Lam Anh - Vịnh Khuất Nguyên:

Trí nan tất toại thiên thu sự,
Ba bất toàn trầm nhất phiến trung.
Cô phẫn khí thành thiên khả vấn
Độc nhân tinh khứ quốc cơ không.


Hòa Mỹ công chúa Trang Tĩnh

Em cùng mẹ với Tuy Lý vương Miên Trinh. Từ bé đã đoan trang dịu dàng, lập chí không cẩu thả. Nữ sử Đinh Phượng dạy học trong cung cấm, bảo với người rằng: Hoàng nữ Trang Tĩnh không chỉ thông minh tuyệt vời mà thôi, mà là người đoan trang trầm tĩnh, như tên đã ban cho. Năm Thiệu Trị thứ 7 thì chết, lúc 23 tuổi.


Cao Ngọc Anh

Quê ở làng Thịnh Mỹ, xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Con của Đông các đại học sĩ Cao Xuân Dục, làm Thượng thư Bộ học dưới triều Tự Đức. Giáo sư Cao Xuân Huy gọi bà bằng cô. Thuở nhỏ, bà được cha kèm cặp bút nghiên, tư chất thông minh và hay chữ. Bà thường gặp gỡ xướng họa với các bà phi, bà chúa và các tiểu thư ở đế đô. Thỉnh thoảng các bậc đại nho đến nhà chơi, trò chuyện với cha, bà cũng được phép tham dự và xướng họa. Hồi đó, bà lừng danh là một tiểu thư giỏi Hán Nôm của đất kinh kỳ.

Khi đời đã hoàng hôn, con cháu mới sưu tầm thơ của bà từ trong những trang ít ỏi đã được in, chủ yếu là từ những bản chép tay và từ trí nhớ của các học giả, các nhà nho sống đồng thời với bà. Năm 1964, tập "Khuê sầu thi thảo" được xuất bản ở Sài Gòn, gồm 51 bài thơ chữ Hán, 68 bài thơ chữ Nôm, tổng cộng 119 bài. Ngoài ra, còn một số bài văn tế, ca trù, câu đối.


Sương Nguyệt Anh, tên thật là Nguyễn Thị Khuê

Sinh tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Bà là con gái thứ tư của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.

Thuở nhỏ, bà cùng người chị tên là Nguyễn Thị Xuyến, được cha (Đồ Chiểu) truyền dạy nên giỏi cả chữ Hán lẫn chữ Nôm. Khi cả hai khôn lớn, nổi tiếng tài sắc, được người quanh vùng ca tụng gọi là Nhị Kiều.

Năm 1888, Sương Nguyệt Anh được 24 tuổi thì cha mất. Tri phủ Ba Tường đến hỏi bà làm vợ không được, nên mang lòng oán hận, đang tìm cách hãm hại... Để tránh tai họa, bà cùng gia đình người anh (Nguyễn Đình Chúc) chuyển sang Cái Nứa (Mỹ Tho) rồi dời về Rạch Miễu ở nhờ nhà ông nghè Trương Văn Mân. Ở đây, bà kết duyên với một phó tổng sở tại góa vợ tên Nguyễn Công Tính, sinh được một gái tên là Nguyễn Thị Vinh. Năm con gái được 2 tuổi, thì chồng mất. Từ đó bà thủ tiết nuôi con, thờ chồng và mở trường dạy chữ Nho cho học trò trong vùng để sinh sống. Và cũng từ đó, bà thêm trước bút hiệu Nguyệt Anh một chữ “sương”, thành "Sương Nguyệt Anh", có nghĩa là Nguyệt Anh goá chồng.

Năm 1917, Sương Nguyệt Anh được một nhóm chí sĩ ái quốc mời làm chủ bút tờ Nữ giới chung nghĩa là "tiếng chuông của nữ giới".


Trần Ngọc Lầu

Trần Ngọc Lầu, người ở tỉnh Vĩnh Long, là con của Thủ Khoa Trần Xuân Sanh. Khoảng năm 1867, cảnh sống túng quẫn, nên cha con bà phải rời quê để đến Mỹ Tho tìm sinh kế. Ở nơi mới, ông Sanh làm nghề dạy học và hốt thuốc.

Là con nhà có học, xinh đẹp, biết làm thơ nên bà thường bị người khác phái trêu ghẹo. Trong Vĩnh Long xưa, tác giả Huỳnh Minh cho biết: Từ thửa trẻ, bà đã cùng một bạn trai tên Nguyễn Hữu Đức (bút danh Phụng Lãm) yêu nhau. Ông này cũng là một khách tài hoa, văn chương lỗi lạc. Nhưng về sau, ông Đức đã phụ bà để cưới vợ giàu, khiến bà phải cười đau khóc hận.

Trần Ngọc Lầu có để lại tập thơ "Ngọc Lầu thi tập".

Thơ Trần Ngọc Lầu - Tự than thân

Nằm đêm nghĩ lại luống than thầm,
Tài bộ như vầy đáng mấy trăm.
Khôn khéo dễ thua người vịnh tuyết,
Thông minh nào kém bạn thân cầm.
Văn chương Tống Tín coi nhiều bợm,
Từ điệu Như Hoành ngó vắng tăm.
Chí dốc noi theo gương họ Mạnh,
Kén lừa cho gặp khách tri âm.


Đạm Phương Nữ Sử

Tên thật là Công Tôn nữ Đồng Canh, tự Quý Lương. Thân phụ bà là Nguyễn Miền Triện, hoàng tử thứ 66 của vua Minh Mạng, thụ tước Hoàng Hoá Quận Vương.

Thời niên thiếu Công Tôn Nữ Đồng Canh được thụ hưởng nền giáo dục truyền thống nghiêm túc của hoàng tộc, nhờ vậy bà giỏi cả Hán văn, Pháp văn, quốc ngữ, cầm, kỳ, thi, hoạ và giỏi nữ công gia chánh. Đạm Phương Nữ Sử có lợi thế từ vốn văn hoá sâu rộng nhờ thông thạo Hán văn, Pháp văn. Bà đọc nhiều, hiểu sâu, biết rộng, sớm tiếp cận tư tưởng tiến bộ của nhân loại, đặc biệt là tư tưởng dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái, nhân quyền của các nhà cách mạng tư sản dân chủ Pháp, Trung Quốc như J.J.Rutxô, X.Xi mông, Lương Khai Siêu, Tôn Dật Tiên… Bà còn được tiếp xúc với các bậc chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và các đảng viên cộng sản Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu… Tri thức và những mối quan hệ đó đã thúc đẩy Đạm Phương Nữ Sử chuyển hoá nhận thức, tự giác đứng vào hàng ngũ những trí thức tiến bộ của thời đại.

Năm 1926, Đạm Phương Nữ Sử sáng lập Nữ công học hội Huế, trực tiếp làm đội trưởng, tự dự thảo tôn chỉ, mục đích, nội quy, chương trình hoạt động của Hội. Đây là tổ chức phụ nữ phi chính phủ đầu tiên ở nước ta buộc chính quyền thực dân phong kiến thừa nhận.

(Ngoại trừ Mai Am không được ghi chép, tất cả tư liệu về công chúa trên đây được lấy từ Đại Nam liệt truyện.)




NN
Wednesday, February 19, 2014 Author: Trường An

Ngồi sửa lại Đông biên, tự dưng nghĩ tới quang cảnh trong vườn Cơ Hạ. Thật chứ, "nơi thái tử cùng hoàng thân sống và học ngày xưa", anh chị em hòa thuận quấn quýt nhau, cuối cùng chớp mắt thành như thế, có là quang cảnh Đại Quan viên cũng không buồn hơn được.

"Nguyên lai xá tử yên hồng khai biến. Tự giá bàn đô phó dữ đoạn tỉnh đồi viên."

Trước sao hồng tía đua chen, Giờ sao giếng lấp tường nghiêng thế này?

Nhưng mà mềnh ghét viết chuyện cung đình, ghét quy tắc cung đình. T__T Đang nghĩ chỉnh sửa vài đoạn của Đông biên. Càng đọc kỹ sử càng thấy Minh Mạng chả giống người ta nghĩ, có khi còn hơi... tửng tửng. Ngay cả quan niệm, thái độ của người VN xưa với Tây cũng chả giống cách hay nghĩ.

... Nhưng hiện giờ mình còn chưa nghĩ được gì, vì cả buổi tối cứ luẩn quẩn "Nguyên lai xá tử yên hồng khai biến". T_T

(Thật chứ, chuyện trong vườn Cơ Hạ còn thảm gấp mấy lần vườn Đại Quan. Nghĩ tới Minh Mạng mất vợ lúc mới mười mấy tuổi, buộc phải xử trị gia đình của mấy người em, trèo đèo vượt sông thăm cô em khác đi tu, phải nói là đau gấp mấy lần Giả Bảo Ngọc. Mà giáo dục cung đình thời Nguyễn sinh ra toàn tài nữ, Tam Khanh công chúa lập Thưởng Nguyệt đình xướng họa với văn nhân cũng ăn đứt luôn Kim Lăng thập nhị.

Pề ét: Nhưng cuối cùng là mềnh vẫn ghét quy tắc cung đình. /___\ Ai viết đê, mềnh... vẫy cờ cổ vũ.)




NNN
Saturday, February 15, 2014 Author: Trường An

Hú hú, cái tội ăn quá nhiều đồ nóng từ tết nên mấy hôm nay bị lở mồm (chưa long móng), cử động lưỡi 1 tí là đau. :(( Khó chịu quá, chíu khọ quá.

(Mềnh mới ăn có 1 kg hạt bí, 1 hộp chocolate, mấy gói kẹo thôi mà. :(( )

---

Đọc 1 truyện cổ trang của HQ, tự dưng thấy dạt dào cảm xúc. Vì cái trò giải mật mã - thực hiện nhiệm vụ đó ngày xưa lớp mình cũng đã từng chơi, cả trò ném người xuống sông cũng đúng luôn. =)) Truyện được dựng thành phin rồi nhưng ngó qua 15ph là tắt khẩn cấp vì cái trò tình-tiền-tù-tội của phin. Đọc truyện cổ trang mà nhớ những ngày đi học ghê gớm. Những trò làm loạn, trốn tiết, đánh nhau, thi đấu thể thao, bày trò văn nghệ, cả chia bè kéo phái, nói xấu cán bộ, đến ngày thi thì săn đứa nào chép bài chăm để photo, những buổi thảo luận, tranh luận, thuyết trình, hội chợ... (nghĩ lại thì hình như lớp mình cũng rất giỏi bày trò =)) ).

Hú hú, chẳng lẽ bây giờ mình chuyển tông sang viết truyện giảng đường. Ngày xưa đi học vui lắm, đại học coi như là giải thoát khỏi cấp 3 ai cũng cắm đầu vào học nên hình như đứa nào cũng điên điên, phá luật là niềm vui của tuổi chẻ. :)) Mà vừa quậy phá đó mà vừa đàm thiên thuyết địa ngay được đó, vừa hy vọng đó mà vừa u uất đó, vừa tin tưởng vừa phản nghịch đó, bạn này nhà giàu nhưng hay nghĩ, bạn kia nặng gánh gia đình... đọc truyện cổ mà gần như y hệt "ngày xưa" (cả cái đoạn có "cấp trên" xuống tham dự hội đoàn :)) ).

Ôi, tuổi trẻ *nhớ quá*. TT___TT

Giữa rừng truyện toàn các bạn trẻ tự kỷ, trong óc toàn tình tiền tù tội, đọc 1 truyện trẻ trung lấp lánh, khỏe khoắn như này thấy mình trẻ ra 10 tuổi. *lăn lăn*




SS
Tuesday, February 11, 2014 Author: Trường An

Dạo gần đây mỗi lần nghe tới chữ "sâu sắc" là tự dưng lại nhớ tới câu "sâu sắc như cơi đựng trầu".

Có lẽ là từ dạo nhìn người người khen chương trình Táo quân này "sâu sắc" quá, tự dưng nghĩ tới "phong tục" chửi hay hay chửi của người VN - mà ai đó đã nâng tầm nó lên "nét đẹp văn hóa". Bụng nghĩ, "ờ, thì sao?". Tốn nơron não bộ để nghĩ ra cách chửi bới, chì chiết, cạnh khóe người khác cho hay cho tốt thì có tác dụng gì? Chọc tức thằng bị chửi đã đành một lẽ, đằng này chửi sao cho thằng bị chửi không có cớ chửi lại, hay thậm chí không biết mình bị chửi (chửi càng ngầm càng khéo thì càng "sâu sắc"), thì có tác dụng quái gở gì?

Nói đến chương trình Táo quân, lâu lâu lại nghe câu "cái này sẽ được lên Táo", bụng lại tiếp tục nghĩ "để có tích sự gì?". Được chửi và được nghe chửi (hộ) là một thứ khoái cảm, chắc thế, để xả nỗi ấm ức tích tụ trong bụng. Còn đứa bị chửi có nghe hay thậm chí có thèm để ý đến không là chuyện của nó. Chửi mất gà xong thì ngoe nguẩy đi về nuôi con gà khác, bị bắt tiếp thì chửi tiếp. Và toàn bộ thần kinh, não bộ, chữ nghĩa được huy động trong công việc soi mói, bơi móc, rỉa rói, và thành quả là "chửi hay như hát". Túm lại là chả có tích sự gì.

Nói thật chứ thà lao vào đánh nhau đi còn hơn. Hay chỉ thẳng mặt nhau mà chửi, mà đánh nhau rồi cạch mặt nhau ra, giải quyết xong bố nó đi. Không thì quên phứt đi mà dùng não vào việc khác. Cái thể loại nhai nhải bới móc ra vẻ "thâm sâu" ấy dở hơi bỏ xừ.

Người ta "sâu sắc" là nghĩ ra học thuyết mới, đào sâu lý luận, phân tích phân giải, chứ chả có cái loại "sâu sắc" nào là mỉa mai cay độc, mắng mèo quèo chó, chửi hay như hát.

Người ta "sâu sắc" là học một hiểu mười, thấu tình đạt lý, chứ chả có loại "sâu sắc" nào là miệng nam mô bụng bồ dao găm, soi mói, tiểu tiết, hẹp hòi, chẻ sợi tóc làm tư.

Người ta bức xúc thì kiến nghị, nghĩ cách giải quyết, ta bức xúc thì nghĩ cách chửi cho hả dạ, chửi xong thì... thôi.

Người ta "sâu sắc" thì từ hiện tượng nghĩ tới bản chất, tìm ra điểm bất cập, ta "sâu sắc" là ta nghĩ ra cách nào chửi cho khéo, cho độc, cho hả dạ ta.

Mà nói thật, nghĩ ra được những lời cay độc thì bụng dạ cũng chẳng ra gì. Mình cũng từng tức mờ mắt mắng người rồi nên mình biết những lời đó chả phải lời đầu môi đâu, lời nói ăn vào tâm đấy. Có tức thì đi đánh nhau, chỉ tay vào mặt nhau mà nói cho hết, chứ càng ôm lâu trong bụng, lòng dạ mình càng băng hoại, càng cay độc thêm thôi. "Văn hóa chửi" là một loại ẩn ức bất lực, cào xé chính mình trong loại khoái cảm biến thành ngôn từ, không có bất cứ tác dụng nào. Mà người sống trong cái "văn hóa" đó cũng đã luyện thành "thần công" mắt ngơ tai điếc "Chắc nó trừ mình ra". Người chửi cho tai mình nghe, và lấy làm khoan khoái vì sự "sâu sắc" trong lời chửi "hay ho" của mình. Nghĩ ra thì thật là bệnh. =_____=

Ngày cuối năm nào cũng nghe chửi mất gà, lấy đó làm khoan khoái, âu cũng là một sở thích hơi lạ thường.

Cả ngàn năm lịch sử không nghĩ ra được một học thuyết, một trường phái, một phân nhánh hay một loại lý thuyết nào, chỉ có "văn hóa chửi" là thịnh đạt thì không biết bao nhiêu nơron não phung phí đi rồi?




N
Monday, February 10, 2014 Author: Trường An

Xem xong Tân Thiên Long ồi, nói chung là vẫn thiếu thiếu dư dư dở hơi vài chỗ. Nhưng tự dưng ngồi xem lại nghĩ ra chuyện ếu liên quan gì lắm đến phin. Hông biết người viết trường đoạn Mộ Dung Phục bị điên có ẩn ý gì sâu xa hông, nhưng thật sự... siêu xuất sắc. :tiec:

*tung hoa, tung bông, tung pháo*

Vầng, siêu xuất sắc. Cái "lý tưởng" thương sinh, quốc gia dân tộc gì gì đó chỉ là ảo tưởng của người-điên. :)) Không phải là Mộ Dung Phục dối trá, hắn nghĩ thế thật, nhưng đó chỉ là ý nghĩ của người-chiến-thắng. Cũng y như lúc hắn dựa vào "mối thù" mà làm đủ mọi chuyện, dù cho mối thù ấy chỉ là một loại ảo tưởng thì hắn cũng không bỏ xuống được. Rốt cuộc thì cái gọi là lý tưởng cũng chỉ vì chính bản thân hắn. Kim Dung dùng Mộ Dung Phục để lột tả về tham vọng và lý tưởng, phin còn nâng lên một bậc khi cho MDP phát điên tiếp tục sống trong cái lý tưởng nọ. Khi đó, những anh em do chính tay hắn giết, người yêu do chính tay hắn hại cũng trở thành "hy sinh cao đẹp", ngai vàng đầy máu của hắn cũng trở thành "vì lê dân bách tính". Con người ti bỉ thủ đoạn của hắn được "biến" thành "vì nước quên thân".

Điều này thực ra bàng bạc trong tất cả những nhân vật ngôi cao chức cả của KD. Dùng lý tưởng để trang hoàng cho con người ti bỉ của mình, mà cũng vì lý tưởng mà trở thành như thế - Trong khi cái gọi là lý tưởng cũng là ảo tưởng, còn thực tế chỉ là loại ếu ra gì. Con người có khả năng tự lừa mình cực cao, rồi đến lượt mình đi lừa người khác. Ngay cả những thứ tốt đẹp cũng chỉ là vì tốt-cho-bản-thân chứ chả phải vì ai.

Như có ai đó đã nói (mềnh quên sạch tên rồi ạ), những bậc "anh hùng" vốn xuất phát điểm vô cùng bình thường chứ ếu có đâu "trời sinh làm vua". Tất cả những thứ khác đều do trang-trí ra đó. :))

Cái ảo và cái thực trong MDP được nâng tới mức max level, đến mức người xem cũng không biết đâu là ảo đâu là thực trong con người này. Nhưng con người vốn là huyễn hóa, có cái gì là thực đâu.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, người thay đổi cũng chỉ vì chính bản thân. Người viết Tiến quân ca như Văn Cao thà sống cả nửa đời trong hắt hủi, còn loại người "đổi mới" kiểu Xuân Diệu thì lên tiếng mạt sát chính những gì mình đã làm, ăn hôi đạp Văn Cao xuống bùn, thì cũng do tính người thôi chứ bản chất cũng chả có gì thay đổi.

(Mà nhắc đến Văn Cao. Trên thực tế, những người "vị lý tưởng" nhất cũng là những người thua cuộc sớm nhất, bị vứt bỏ nhanh nhất, bị lợi dụng nhiều nhất. Còn những kẻ leo càng cao thì càng ếu có "lý tưởng" gì. Chỉ ở trong thế giới super man của Hollywood mới có các anh trùm "save the world", mới có thiện ác đối đầu. Trong khi Cộng hòa với Dân chủ, cánh tả với cánh hữu, khủng bố với "cách mệnh" ếu khác gì nhao trên toàn thế giới.)





Copyright © Trường An. All rights reserved.