Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Nữ sĩ
Trường An February 19th, 2014

Nữ sĩ thời Nguyễn ở miền trong nổi tiếng nhất là Tam Khanh công chúa. Đây là 3 nàng công chúa được đặt biệt hiệu Trọng Khanh, Thúc Khanh và Quý Khanh. Ba người đều là em gái cùng mẹ với Tùng Thiện vương, cũng là một danh sĩ nổi tiếng (Thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường).


Quy Đức công chúa Vĩnh Trinh

Biệt hiệu là Nguyệt Đình, em gái của Tùng Thiện vương Miên Thẩm. Tuổi còn bé mà thông minh, tính hiếu đễ thuần nhất. Lúc đầu theo học nữ sử ở trong cung, lớn lên thích ngâm vịnh. Chúa thác sinh ở nhà vua, lấy chồng người phú quý mà khiêm tốn giữ gìn, không ưa xa xỉ, duy chỉ thích sách vở mà thôi. Sau khi kết hôn, cùng Thuật (chồng) chia đôn để hỏi chữ, cùng nhau xướng họa, thường có nhiều bài hay, được các vương khen ngợi. Năm thứ 14, Thuật chết ở Gia Định. Chúa xin tự làm sinh phần cùng nơi với mộ của Thuật. Từ đấy thề giữ mộ tiết than khóc, phòng riêng một mình không ra khỏi ngõ. Nhiều người khen là khổ tiết.

Trước tác của chúa có tập Nguyệt Đình Thi Thảo. Tuy Lý vương đề bàn tập thơ, ghi: Phát ra bởi tình, mà đúng lễ nghĩa như các thơ Hà Quảng, Tài Trí ở thiên Vệ phong (Kinh Thi).


Thuận Lễ công chúa Tĩnh Hòa

Tự là Quý Khanh, một tên hiệu nữa là Dưỡng Chi, biệt hiệu Thường Sơn, em gái Tùng Thiện vương Miên Thẩm. Lúc bé thông minh dịu dàng, có đức tốt, thích sách vở, được vua rất yêu. Lúc bé học ở trong cung, thuộc nữ tắc, càng thông kinh sử, đến cả cung từ, học được bài gì ở Nhạc Phủ đều đem dạy người, trong cung gọi là thầy học gái. Khi lớn lên, cùng anh là Miên Thẩm thờ mẹ đẻ ở nhà tư. Nhân học được thơ Đường luật, liền làm được thơ. Chúa ưa thích âm luật, khéo đặt khúc hát, có đặt ra bộ nữ nhạc, đàn sáo đầy nhà, các anh trai em gái thường lại hội yến, lấy đàn hát làm vui. Thương Sơn vương trước đề tập thơ có nói rằng "Tăng Thành trăng tĩnh, đêm nghe tiếng đọc sách dịu dàng. Động Đình gió cao, mùa thu khúc tơ vàng dìu dặt" là chỉ vào việc ấy.

Năm Tự Đức thứ tư, gả cho Đô úy Văn Cát. Sau khi vu quy, chúa cùng Cát vợ chồng hòa hợp, cùng nhau ngâm vịnh gọi là thi xã. Trước tác có tập "Huệ Phố thi".


Lại Đức công chúa Trinh Thận

Hiệu Mai Am, còn có hiệu Thúc Khanh, Nữ Chi, biệt hiệu Diệu Liên, em gái Tùng Thiện vương. Lúc nhỏ bà sống với mẹ và ba chị em gái ở viện Đoan Chính trong Tử Cấm Thành sau dời về Sở Tiêu Viên (vườn mía) thuộc khu dinh thự của Tùng Thiện Vương. Vì đây là khu vực thơ văn của Tùng Thiện Vương và cũng là nơi Tùng Thiện thi xã thường xuyên họp bạn thơ văn nên Mai Am đã được tiếp xúc thi thơ từ rất sớm. Tới tuổi đi học, với thân phận là con cháu hoàng tộc nên bà và chị em không được học ở trường ngoài mà được cho học trong Tôn học đường do anh ruột Tùng Thiện Vương phụ trách. Ba công chúa được sự dạy dỗ của anh nên sớm bộc lộ tài năng về thơ phú. Nguyệt Đình, Mai Am, Huệ Phố được gọi là Tam Khanh (theo ba tên hiệu của ba người lần lượt Trọng Khanh, Thúc Khanh và Quý Khanh) trở nên nổi tiếng lừng lẫy về tài văn chương trong giới nữ lưu ở đất kinh thành. Trong ba người, Mai Am được coi là người tài năng và nổi tiếng nhất. Bà đã sáng lập ra Thỉnh Nguyệt Đình, là nơi bà chủ trì các đêm thơ, có sự tham gia của nhiều danh sĩ đất kinh kỳ.

Trước tác có Diệu Liên thi tập.

Thơ Mai Am - Ức mai:

Lâm đường tạc dạ sóc phong xuy,
Tiểu các thanh hàn độc toạ trì.
Địch lí quan san sầu cựu khúc,
Thuỷ biên li lạc nhận tiền kì.
Hương nam tuyết bắc vô hương cấn,
Nguyệt địa vân giai hữu mộng tư.
Dục hả tân từ viễn tương tặng,
Mỹ nhân uyển tại thuỷ chi mi.


Bên cạnh đó còn có vài người nổi bật khác:


Nguyễn Nhược Thị Bích hay còn gọi là Nguyễn Nhược Thị, tự Lang Hoàn.

Sinh tại Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận. Bà là con gái thứ 4 của Nguyễn Nhược Sơn (hay Nguyễn Nhược San, nguyên là Bố chính tỉnh Thanh Hóa). Nhờ tư chất thông minh, lại được đi học ngay từ nhỏ nên bà sớm nổi tiếng về tài văn chương. Vừa có tài sắc, lại được Phụ chính đại thần Lâm Duy Nghĩa tiến cử, năm 18 tuổi (Tự Đức nguyên niên, 1848), Nguyễn Nhược Thị Bích được tuyển vào cung. Trong một buổi ngâm vịnh, Vua Tự Đức xướng đề thơ Tào Mai (Hoa mai sớm nở) và bài họa của bà được nhà vua khen tặng 20 nén bạc, đồng thời cho sung chức Thượng Nghi Viên Sư, để dạy học trong nội cung. Năm 1868, bà được tấn phong là Lục giai Tiệp dư. Theo sử nhà Nguyễn, thì trong khoảng thời gian bà được cử làm thầy dạy “kinh điển và dạy tập nội đình” cho Đồng Khánh khi ông chưa lên ngôi. Vì thế, trong cung người ta còn gọi bà là Tiệp Dư Phu Tử.

Một thời gian sau, Tiệp dư Nguyễn Thị Bích trở thành Bí Thư cho Thái hậu Từ Dũ, nhờ vậy mà bà nghe được nhiều điều trao đổi giữa thái hậu và vua, bởi những lúc đó chỉ mình bà được ở gần hầu hạ.

Sau khi vua Tự Đức qua đời (1883), mọi ý chỉ sắc dụ của Lưỡng Tôn cung (chỉ Hoàng thái hậu Từ Dụ và Chính phi Trang Ý) đều do một tay bà soạn thảo.

Tác phẩm nổi tiếng là Hạnh thục ca.


Phạm Lam Anh

Con gái của Hộ bộ Phạm Hữu Kính thời Võ vương. Tiểu tự là Khuê, tự hiệu Ngâm Xi. Từ nhỏ đã nhanh nhẹn, thông minh, biết làm thơ. Kính rất yêu chiều, đón Nguyễn Dũng Hiệu đến dạy học ở nhà. Hiệu là người huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, vốn nổi tiếng là người hay thơ, hiệu là Phúc Am. Kính đi làm quan, lưu Hiệu ở nhà dạy các con. Hiệu và Lam Anh lấy thư từ tặng đáp nhau, rồi tư thông với nhau. Kính về, giận lắm, muốn trầm hà Lam Anh, có người bạn khuyên giải mới thôi. Cuối cùng gả Lam Anh cho Hiệu. Lam Anh đã về với Hiệu, cùng nhau xướng họa, có tập "Chiến cổ Đường thi" lưu hành ở đời.

Thơ Lam Anh - Vịnh Khuất Nguyên:

Trí nan tất toại thiên thu sự,
Ba bất toàn trầm nhất phiến trung.
Cô phẫn khí thành thiên khả vấn
Độc nhân tinh khứ quốc cơ không.


Hòa Mỹ công chúa Trang Tĩnh

Em cùng mẹ với Tuy Lý vương Miên Trinh. Từ bé đã đoan trang dịu dàng, lập chí không cẩu thả. Nữ sử Đinh Phượng dạy học trong cung cấm, bảo với người rằng: Hoàng nữ Trang Tĩnh không chỉ thông minh tuyệt vời mà thôi, mà là người đoan trang trầm tĩnh, như tên đã ban cho. Năm Thiệu Trị thứ 7 thì chết, lúc 23 tuổi.


Cao Ngọc Anh

Quê ở làng Thịnh Mỹ, xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Con của Đông các đại học sĩ Cao Xuân Dục, làm Thượng thư Bộ học dưới triều Tự Đức. Giáo sư Cao Xuân Huy gọi bà bằng cô. Thuở nhỏ, bà được cha kèm cặp bút nghiên, tư chất thông minh và hay chữ. Bà thường gặp gỡ xướng họa với các bà phi, bà chúa và các tiểu thư ở đế đô. Thỉnh thoảng các bậc đại nho đến nhà chơi, trò chuyện với cha, bà cũng được phép tham dự và xướng họa. Hồi đó, bà lừng danh là một tiểu thư giỏi Hán Nôm của đất kinh kỳ.

Khi đời đã hoàng hôn, con cháu mới sưu tầm thơ của bà từ trong những trang ít ỏi đã được in, chủ yếu là từ những bản chép tay và từ trí nhớ của các học giả, các nhà nho sống đồng thời với bà. Năm 1964, tập "Khuê sầu thi thảo" được xuất bản ở Sài Gòn, gồm 51 bài thơ chữ Hán, 68 bài thơ chữ Nôm, tổng cộng 119 bài. Ngoài ra, còn một số bài văn tế, ca trù, câu đối.


Sương Nguyệt Anh, tên thật là Nguyễn Thị Khuê

Sinh tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Bà là con gái thứ tư của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.

Thuở nhỏ, bà cùng người chị tên là Nguyễn Thị Xuyến, được cha (Đồ Chiểu) truyền dạy nên giỏi cả chữ Hán lẫn chữ Nôm. Khi cả hai khôn lớn, nổi tiếng tài sắc, được người quanh vùng ca tụng gọi là Nhị Kiều.

Năm 1888, Sương Nguyệt Anh được 24 tuổi thì cha mất. Tri phủ Ba Tường đến hỏi bà làm vợ không được, nên mang lòng oán hận, đang tìm cách hãm hại... Để tránh tai họa, bà cùng gia đình người anh (Nguyễn Đình Chúc) chuyển sang Cái Nứa (Mỹ Tho) rồi dời về Rạch Miễu ở nhờ nhà ông nghè Trương Văn Mân. Ở đây, bà kết duyên với một phó tổng sở tại góa vợ tên Nguyễn Công Tính, sinh được một gái tên là Nguyễn Thị Vinh. Năm con gái được 2 tuổi, thì chồng mất. Từ đó bà thủ tiết nuôi con, thờ chồng và mở trường dạy chữ Nho cho học trò trong vùng để sinh sống. Và cũng từ đó, bà thêm trước bút hiệu Nguyệt Anh một chữ “sương”, thành "Sương Nguyệt Anh", có nghĩa là Nguyệt Anh goá chồng.

Năm 1917, Sương Nguyệt Anh được một nhóm chí sĩ ái quốc mời làm chủ bút tờ Nữ giới chung nghĩa là "tiếng chuông của nữ giới".


Trần Ngọc Lầu

Trần Ngọc Lầu, người ở tỉnh Vĩnh Long, là con của Thủ Khoa Trần Xuân Sanh. Khoảng năm 1867, cảnh sống túng quẫn, nên cha con bà phải rời quê để đến Mỹ Tho tìm sinh kế. Ở nơi mới, ông Sanh làm nghề dạy học và hốt thuốc.

Là con nhà có học, xinh đẹp, biết làm thơ nên bà thường bị người khác phái trêu ghẹo. Trong Vĩnh Long xưa, tác giả Huỳnh Minh cho biết: Từ thửa trẻ, bà đã cùng một bạn trai tên Nguyễn Hữu Đức (bút danh Phụng Lãm) yêu nhau. Ông này cũng là một khách tài hoa, văn chương lỗi lạc. Nhưng về sau, ông Đức đã phụ bà để cưới vợ giàu, khiến bà phải cười đau khóc hận.

Trần Ngọc Lầu có để lại tập thơ "Ngọc Lầu thi tập".

Thơ Trần Ngọc Lầu - Tự than thân

Nằm đêm nghĩ lại luống than thầm,
Tài bộ như vầy đáng mấy trăm.
Khôn khéo dễ thua người vịnh tuyết,
Thông minh nào kém bạn thân cầm.
Văn chương Tống Tín coi nhiều bợm,
Từ điệu Như Hoành ngó vắng tăm.
Chí dốc noi theo gương họ Mạnh,
Kén lừa cho gặp khách tri âm.


Đạm Phương Nữ Sử

Tên thật là Công Tôn nữ Đồng Canh, tự Quý Lương. Thân phụ bà là Nguyễn Miền Triện, hoàng tử thứ 66 của vua Minh Mạng, thụ tước Hoàng Hoá Quận Vương.

Thời niên thiếu Công Tôn Nữ Đồng Canh được thụ hưởng nền giáo dục truyền thống nghiêm túc của hoàng tộc, nhờ vậy bà giỏi cả Hán văn, Pháp văn, quốc ngữ, cầm, kỳ, thi, hoạ và giỏi nữ công gia chánh. Đạm Phương Nữ Sử có lợi thế từ vốn văn hoá sâu rộng nhờ thông thạo Hán văn, Pháp văn. Bà đọc nhiều, hiểu sâu, biết rộng, sớm tiếp cận tư tưởng tiến bộ của nhân loại, đặc biệt là tư tưởng dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái, nhân quyền của các nhà cách mạng tư sản dân chủ Pháp, Trung Quốc như J.J.Rutxô, X.Xi mông, Lương Khai Siêu, Tôn Dật Tiên… Bà còn được tiếp xúc với các bậc chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và các đảng viên cộng sản Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu… Tri thức và những mối quan hệ đó đã thúc đẩy Đạm Phương Nữ Sử chuyển hoá nhận thức, tự giác đứng vào hàng ngũ những trí thức tiến bộ của thời đại.

Năm 1926, Đạm Phương Nữ Sử sáng lập Nữ công học hội Huế, trực tiếp làm đội trưởng, tự dự thảo tôn chỉ, mục đích, nội quy, chương trình hoạt động của Hội. Đây là tổ chức phụ nữ phi chính phủ đầu tiên ở nước ta buộc chính quyền thực dân phong kiến thừa nhận.

(Ngoại trừ Mai Am không được ghi chép, tất cả tư liệu về công chúa trên đây được lấy từ Đại Nam liệt truyện.)



Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.