Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Diêu (1)
Trường An March 31st, 2018

Trong sân nhà, trước hiên căn phòng của y có một cây hoa đỏ. Cây đã lâu năm, cao vài trượng, tỏa tán rợp trên mái nhà. Người trong vùng không ai biết cây hoa ấy là gì, nghe nói rằng do tàu Tây dương đem tới tặng chủ nhân trước của căn nhà. Cây có lá và quả giống bồ kết, nhưng đến mùa hạ sẽ nở hoa đỏ thắm. Bông hoa tỏa cánh tròn, có nhụy dài, kết thành chùm rực rỡ. Trong số các bông hoa đỏ, bông cái còn có một cánh màu trắng điểm đỏ, trông như sợi lông của hỏa phượng hoàng.

Vì thế, người xung quanh y gọi đó là cây phượng.

Đó là loài cây do tàu phương xa đưa tới. Phần lớn thời gian, nó đứng lặng yên bên hiên nhà, chìm khuất trong bóng xanh của ngàn cây nội cỏ xung quanh. Chỉ có đôi tháng mùa hè, cái cây đột nhiên sáng rực một màu đỏ chói mắt. Từ xa nhìn lại, tán cây như một đám lửa, nổi bật lên trên nền mái nhà phong rêu xám, trên những tường đá mốc meo và vườn cây ăn trái quanh nó. Nắng mùa hạ như hun đốt nó, gió mùa hạ như thổi bùng nó lên, cả mảnh đất mùa hạ cũng như đang bốc cháy thành muôn đốm lửa hồng.

Rồi cũng nhanh chóng như thế, đám lửa đỏ lụi tàn, để lại những dải quả đen như than cháy trên cành cây.

Không biết cái cây đã trải qua bao nhiêu mùa hạ, gốc nó dày xù xì, nổi lên đẩy bật cả một góc tường rào. Mẹ y nói, khi bà sinh ra thì cái cây đã có ở đấy, có lẽ do chủ nhân trước của nhà này trồng.

'Chủ nhân trước' của ngôi nhà, mọi người chỉ nói như thế, nhưng khi lớn lên, y biết đó là bà cố ngoại y.

Nhưng mọi người cũng không gọi đó là bà cố ngoại y, bà cố ngoại 'thực sự' của y là bà Cả của Khánh Mỹ hầu – ngay cả cái tên này cũng không còn bao nhiêu người nhớ nữa. Còn 'bà ta', người phụ nữ họ Tống nọ, chẳng qua là một cái tên bị xóa sạch trong sử sách, trong gia phả, thậm chí trong ngay cả dòng máu những đứa con.

Y biết về bà ta, chỉ do y càng lớn càng giống 'họ Tống'.

Ngày còn nhỏ, y là một đứa bé trai xinh đẹp, dù với y đó không phải là lời khen. Da trắng, mắt to, mi dài, môi đỏ, y xinh đẹp đến nỗi phụ nữ trong nhà thích mặc đồ nữ cho y để chơi đùa. Thắt bím quả đào hai bên, váy hoa đỏ, y chạy dưới hàng hiên tràn ngập màu đỏ hoa phượng, va phải chân ông ngoại.

Trong đời, y chưa bao giờ thấy ông nổi giận như lần ấy. Trước mặt y, ông tát mẹ y, rút dây mây đánh mẹ y, đánh vào cả y đã lăn vào cản. Ánh mắt ông lúc ấy như có thể giết cả y.

"Đồ yêu nghiệt." Ông nghiến răng, môi run bần bật, mắt trừng trừng nhìn y. Rồi sau đó, y bị tách khỏi mẹ, đưa về cho dì Ba con chú họ nuôi nấng. Hai căn nhà chỉ cách nhau một khoảng sân vườn, nhưng y chỉ có thể về ngồi dưới hàng hiên trước cửa phòng đóng kín, ngẩng đầu nhìn tán phượng lúc xanh lúc đỏ. Thi thoảng y nghe tiếng khóc trong phòng, nhưng chưa bao giờ đẩy cửa vào.

Ở nhà chú, y được xếp vào căn phòng cạnh bếp. Muội than bám vào quần áo y, tóc y, mặt y. Chú cũng cho y đi học chữ với thầy đồ trong làng, và khi hết mực thì y vạch than tập viết. Vậy là cả ngón tay y cũng đen màu muội than.

Một thằng bé gầy gò đen đúa sống cạnh bếp, vậy là chẳng còn ai nhìn vào gương mặt y để run rẩy, nguyền rủa hay khiếp sợ.

Ngôi nhà của họ y nằm trong làng cạnh dòng sông, một trong những ngôi làng chẳng nhớ nổi tên ở lưu vực sông Hoài. Nhà đã cũ, vách đã mục thủng đôi chỗ, mái ngói nứt vỡ lung tung, phải lấy rơm lợp lên, ngay cả tường rào cũng bị trâu bò húc đổ vài góc. Hồ bán nguyệt trước nhà hẳn để trồng sen giờ gieo rau muống, bèo và nuôi cá. Bức bình phong để trước hòn non bộ đóng rêu mốc ngả nghiêng, chỉ sót đôi mảng gạch vẫn còn sắc màu. Mỗi người trong nhà chiếm lấy một góc riêng tự dựng thêm chỗ ở. Khoảng sân rộng xung quanh để trồng cây trái, nuôi gà vịt. Cả khu nhà lớn bao giờ cũng thoang thoảng mùi phân bò lẫn trong mùi khói đắng.

Thứ đẹp đẽ duy nhất được lưu lại ở căn nhà có lẽ chỉ là cây phượng trước cửa phòng mẹ y. Rễ nó đã làm sụp một góc tường rào, và người ta bảo năm xưa mẹ y đã lẻn qua nơi đó để trốn đi.

Mẹ y đi theo tiếng hát trên dòng sông, rồi trở về khi đã mang thai y, không có ai bên cạnh. Dù ông ngoại đánh bao nhiêu, mẹ y cũng không hé răng nửa lời.

Còn y, trong những năm sau này, chẳng hiểu sao lại nghĩ rằng tiếng hát nọ đã chìm vào dòng sông. Mẹ y dìm anh ta xuống sông, rồi quay về qua khoảng sụp của tường rào như ngày bỏ đi.

Một ý nghĩ có vẻ điên cuồng, nhưng y biết, sự điên cuồng chảy trong dòng máu y, dòng máu bọn họ. Cũng như y có thể cảm nhận thấy sự hoang dã bất kham của người cha không bao giờ biết mặt chảy trong mình, trong mỗi lần y cất tiếng hát và nhảy múa. Có niềm vui nào đó, hồn nhiên đến dại khờ, thống khoái đến say mê trong vũ điệu của lửa, ánh sáng, dối gạt và lừa lọc. Y nghe tiếng nước chảy trong dòng sông ào ạt, trong mùa nước trắng đồng, vũ điệu của dạt trôi và nhấn chìm, của sự tàn nhẫn mê muội trong nhân thế, của cả nỗi thất vọng lớn lao dưới bầu trời.

Người cha ấy đã tan vào dòng nước, vào bầu trời, nên y mang họ mẹ. Ly, mẹ y gọi. Một ngày, có đứa trẻ trong lớp học nhìn y rồi cười nắc nẻ mà nói 'Ly tao, Ly tao'. Y nhìn thằng bé mắt còn gỉ ghèn chưa lau sạch, mỉm cười. Chẳng biết có điều gì trong nụ cười của y khiến thằng bé thất sắc. Y liền cúi đầu thu lại bút nghiên, trở về khu nhà thoang thoảng mùi phân bò đăng đắng. Không thể đi cửa chính gần phòng ông ngoại, y len theo mảng tường vỡ mà vào. Vẫn nghe tiếng ông ngoại y lè nhè trong căn nhà chính.

Đàn ông trong nhà y không làm việc, 'công việc' chính của họ là uống rượu, nói chuyện và cãi nhau, đến đầu tháng thì tới một chỗ nào đó để lãnh về vài đồng 'lương' vốn chỉ đủ một bữa rượu. Nghe nói ông ngoại y đã uống rượu đến tán gia bại sản, uống hết cả đất phong, cuối cùng đành dọn về ngôi nhà này. Ngôi nhà này là do 'bà ta' để lại cho ông, nhưng ban đầu ông không định nhận, cứ thế bỏ hoang.

Nghe nói ông ngoại y cũng có chức tước, nhưng thời gian dần dần trôi, ông dần bị đẩy về bên lề. Tước của ông được truyền lại cho bác y, tuy nhiên y cũng chỉ thấy bác ngày ngày ra ngồi ở căn nhà thu thuế đầu sông uống rượu. Một ngày, bác y say rượu ngã xuống sông. Rồi tước lại giảm một bậc, truyền lại cho chú y làm người thay thế đến chòi ngồi uống rượu.

Khi còn nhỏ, y hay nghe được tin tức của cuộc chiến 'ở phương Bắc'. Đàn ông trong nhà y bàn luận, tranh cãi rất hăng say về nó, bên bàn rượu. Ngoài sân, con gà mái dẫn đàn gà con nhảy qua mảnh tường đổ, kêu líp chíp.

Thím Cả y vừa băm bèo vừa cười nói, có đánh nhau thì cũng chẳng bắt lính đến nhà ta.

Thím Ba hạ giọng bảo, nếu thua trận thì chắc chúa Trịnh cũng nhớ tình cũ... Mỗi lần đánh nhau là một lần đói kém, đáng lo đấy.

Nhưng chẳng có gì xảy ra, và 'trận chiến phương Bắc' cũng đã tan vào bầu trời hoi hoi mùi phân bò trên mái. Y cũng quên cuộc chiến ấy đi, cho đến ngày có một thanh niên xuất hiện bên dòng sông, đi vào ngõ lối nhà y.

Áo lụa xanh dệt hoa văn chìm, đuôi quạt ngà thò khỏi túi gấm, lưng đeo một cây tiêu bằng ngọc, cả chuôi kiếm treo bên ngựa cũng bằng vàng khối. Trong đời y cho đến lúc ấy chưa từng gặp một người quý phái đến thế. Lúc thanh niên nọ hỏi thăm nhà ông ngoại y, y ngẩng lên, chỉ vào mảnh ngọc đeo bên thắt lưng anh ta "Cho em với".

Thanh niên nọ mỉm cười, cởi mảnh ngọc đưa cho y, cử chỉ như y bứt lá cây đầu làng xòe ra cho bọn trẻ mua đồ hàng. Y chỉ cho anh ta bức bình phong trước nhà, bảo "Anh vào đi". Nhưng nghe tiếng người lạ, ông ngoại y đang múc nước rửa chân liền nghiêng người nhìn lại. Ông cau mày khi thấy y, y vội chạy lủi đi mất.

Khi người thanh niên rời khỏi, y đang đứng cạnh dòng sông, cúi đầu nhìn mảnh ngọc trong tay. Khi y ngẩng đầu, mặt trời đang lặn bên kia dòng chói vào trong mắt, y ngẩn người mà nhìn dòng nước vẫn đang trôi, những chiếc thuyền vẫn đang trôi. Từ bên kia bờ, tiếng hát văng vẳng đến.

Nghe tiếng ngựa đi qua, y quay nhìn, rồi bước theo. Được vài bước, người thanh niên quay lại nhìn y.

"Em muốn ra bến sông." Thấy ánh mắt anh ta, y giải thích. Làng này vốn xa bến sông lớn, nơi có những chiếc thuyền lớn vẫn trôi qua.

"Em muốn đi đâu?" Cau mày một cái, rồi người thanh niên cười hỏi. Y nắm chặt mảnh ngọc trong tay, mím môi.

"Đi đâu cũng được." Với mảnh ngọc này, có lẽ y sẽ đi được rất xa.

Lần này người thanh niên bật cười.

"Theo ta."

Anh ta chỉ nói như thế, và y đi theo. Không đỡ y lên ngựa, anh ta cứ thong thả bước, để y lúp xúp đi theo. Bọn y đã bước khỏi làng, qua một con đồi, qua một con sông nhỏ, một hai ngôi làng nữa. Đến bến cảng, quay đầu thấy y vẫn còn theo sau, người thanh niên vẫy tay gọi người trong thuyền đưa y lên.

Lúc ấy y không nhớ đến mẹ. Chỉ khi thuyền đã đi một quãng xa, khi đã nhìn chán chê dòng sông trôi qua hai bờ bên hông thuyền, y mới quay đầu bảo người thanh niên "Mẹ em...".

"Ta đã nói chuyện với mẹ em, bảo đưa em đi." Người thanh niên nhắm mắt, ngả người trên sàn thuyền, trả lời trong gió hoàng hôn.

Và rồi, y cũng không nhớ nữa. Khi người thanh niên – mà giờ y gọi là 'công tử' – đặt tên mới cho y, y bảo muốn là Diêu. Đó là một loài cá ở dưới bùn nhưng có thể bay[1]. Y muốn bay.

Y đã bay qua những dòng sông, vô vàn ngọn núi, đến khu hạ lưu sông Hoài. Công tử chỉ đưa y đến một khu nhà lớn có nhiều đứa trẻ đồng tuổi với y, rồi bỏ đi. Đi về phương Nam, người trong nhà bảo. Công tử muốn xem núi xem sông, nhìn biển rộng. Phía Nam có rừng sâu vực cao, có đồng cát sông dài, có muôn muôn vạn vạn giống người kỳ lạ và những câu chuyện lạ kỳ. Phương Nam có một công nữ và những cuộc chiến. Phương Nam có biển, biển kết nối thế giới và bầu trời. Người từ biển đến đem theo bao nhiêu câu chuyện lạ, và những giấc mơ mênh mông hoang đường.

Một ngày, y trốn vào phố Đường nhân nhộn nhịp, nhìn thấy gánh hát nọ dựng rạp trong khoảng sân đầu phố. Người kép hát mặc áo xanh, đeo ngọc bội, cầm quạt ngà cất giọng ngân nga. Chiều hôm đó, y lấy hết tiền được phát mua phấn và bột màu, tự vẽ mặt cho mình. Lấy màu đen quét lên, mày y bớt thanh. Màu đồng, da y bớt trắng. Màu trắng, môi y bớt đỏ. Màu tím, mắt y như sưng lên. Trong gương, y nhìn mặt mình như một bức họa, như một tờ giấy, biến đổi thay hình.

Trong căn phòng nhỏ, y vẫy tay áo, cất giọng ngân nga.

Toàn thân y nhẹ bỗng, như đã được giải phóng khỏi mặt đất. Chân y nhảy múa, tay y vung vẩy không theo một điệu nhịp nào. Y cảm thấy mình như có thể bay lên, biến mất, ngay cả máu cũng không còn chảy và tim không còn đập. Tiếng dòng nước y hay nghe cũng đã biến mất. Y đã bay khỏi dòng sông.

Y muốn bay.

Ở khu nhà, bọn y được học chữ, học võ công, tập luyện để trở thành cận vệ nhà chúa. Đó là những người may mắn, những bức tường lại thì thầm bảo, còn những người khác sẽ trở thành võ sĩ, tay sai trong đội quân nhà chúa. Có còn nhớ năm xưa, chúa Thượng sai võ sĩ một đêm máu nhuộm sông Hoài?

Hiện giờ cuộc chiến ở phương Bắc đã lặng xuống mấy năm, nhưng căng thẳng nơi biên giới có mất lúc nào? Chúa Hiền lại vừa có cuộc chiến khác ở Chân Lạp, và chuyện với Chiêm Thành. Bọn trẻ này ở đây, là một thế hệ được chuẩn bị cho chiến tranh tiếp nối.

Y được dạy võ, dạy văn, dạy cách dùng độc, ám sát, điều tra, lẩn trốn, truyền tin, giết người. Và khi y nói, họ sẵn sàng cho y học ca, học hát, học cách hóa trang và đổi giọng. Y đã nuốt hàng trăm bát thuốc để nhuận cổ họng, đã tự lấy mình thử trăm loại độc, đã hàng ngày hàng giờ tập từng mũi tiêu cho đến khi ngón tay bật máu.

Người ta bảo, y là một công cụ giết người.

Một ngày, có thư chuyển tới tận tay y. Đến lúc đó, y mới nhớ ra mình đã quên người phụ nữ dưới cây hoa đỏ. Thư bảo, y về chịu tang.

Y đi ngày đêm không nghỉ về lại ngôi nhà thoang thoảng mùi phân bò. Hóa ra quãng đường ấy không xa xôi như y tưởng ngày còn nhỏ. Khi y về, mẹ y cũng vừa được đưa vào quan tài chưa đóng đinh. Bà đã bệnh nhiều ngày, thư được gửi cho y khi bà đang hấp hối.

Y nhìn người phụ nữ mỏng mảnh như xác ve trong quan tài. Khuôn mặt tái nhợt, xám xịt, lũm sâu không còn rõ đường nét. Đôi môi được tô đỏ chỉ như mảnh giấy đặt lên mặt bà. Họ mặc cho bà bộ quần áo tốt nhất bà có, bằng lụa Nam nhuộm chàm xanh nhạt. Bà không có bất cứ thứ nữ trang nào.

Y đi ra sân, nhảy lên mái nhà, bẻ một cành phượng đem vào phòng, hái hoa rắc lên thi thể mẹ. Màu cánh hoa đỏ khiến mảng đỏ kỳ dị trên môi bà dịu lại, hương hoa đăng đắng khiến mùi uế tạp cũng giảm bớt. Khi đóng nắp quan tài, y nghĩ, thế là mẹ đã không còn lẻ loi.

Chẳng có ai đến viếng, nhà cũng chẳng phát tang, trước căn phòng để quan tài chỉ có bát hương cùng mấy nén nhang cắm vội. Y ngồi dưới hàng hiên, ngẩng nhìn bầu trời qua tán hoa đỏ. Những cánh hoa thắm vẫn rơi xuống như từ cánh của hỏa phượng hoàng.

Phượng hoàng, phượng hoàng chỉ uống nước suối trong, đậu cây ngô đồng.

"Phượng hoàng minh hĩ, Vu bỉ cao cương. Ngô đồng sinh hĩ, Vu bỉ triêu dương.[2]" Y khe khẽ hát. Trong ánh nắng mùa hạ chói chang ran rát mắt.

Đám tang mẹ, y rửa sạch mặt mũi, mặc áo xô gai. Phu kiệu và thầy tu được thuê tới đưa bà ra mảnh đất ngoài làng. Mẹ y không được chôn cùng họ tộc, chỉ được một khoảng phía ngoài. Vài người trong nhà đi theo quan tài. Mỗi khi ánh mắt họ lướt qua y, y lại cảm thấy có nỗi kinh sợ chập chờn trong đó. Chôn cất xong cho mẹ, y quay đầu rời khỏi làng. Ban sớm, bình minh vừa hửng, gió thổi qua gương mặt để trần của y. Y lại lầm thầm hát, triêu dương, triêu dương.

Phượng hoàng, phượng hoàng. Bay trên trời cao, vượt qua núi lớn, hướng về phía mặt trời.

 

 

Chú thích:

    [1] Cá diêu hay còn gọi là văn diêu ngư, phi ngư, là 1 con vật thần thoại Trung Quốc. Theo Sơn hải kinh, cá này kết từ khí của núi, khói của sông, sống trong vùng bùn cát phía Tây. Cá này thân có cánh, thường bay từ biển Tây sang biển Đông vào ban đêm. Người ăn phải cá này phát điên.

    [2] Trích Kinh thi. Dịch nghĩa: Phượng hoàng hót, tại ngọn núi cao. Ngô đồng mọc, tại ánh nắng sớm.



Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.