Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

TS – LC&ĐV – 7
Trường An December 12th, 2017

4. Xây dựng

Như vậy, ta có thể thấy ngay vấn đề của Tây Sơn khi lên nắm quyền quản lý nước Việt: Phải làm gì với những "mảnh vỡ" cả về địa lý, dân cư, tư tưởng, lịch sử... này? Theo lời khuyên của ông lão cả đời đọc sách trong núi Nguyễn Thiếp, Nguyễn Huệ quyết định phương cách có thể dễ làm nhất, đồng thời là 1 phương cách nhiều nguy cơ nhất: Chia để trị. Có lẽ cần phải nói thêm, trong nhiều cách "chia để trị", ông lão đọc sách trong núi (với những loại sách bị Minh Mạng chê bôi "600 năm trước"), đã chọn 1 phương cách cổ xưa và... không hiệu quả nhất (nếu ta nhớ nhà Chu đã dùng cách này được bao nhiêu năm) thay vì những phương thức chính trị hành chính hiện đại hơn mà nhà Minh, nhà Thanh đã và đang dùng để quản lý cái nước TQ to gấp mấy chục lần. Đây có lẽ là hậu quả của 1 vấn đề thâm-căn-cố-đế khác là: vấn đề thì ai cũng thấy, nhưng giải quyết cách nào thì...

Nhưng cũng có thể, lựa chọn này xuất phát từ chính bản thân Nguyễn Huệ lẫn triều đình phát xuất từ Quy Nhơn: Không hề tin vào những "lực lượng bên ngoài" - có thể Nguyễn Huệ còn không tin được cả tướng lĩnh của mình sau vụ việc của những Nguyễn Văn Duệ, Vũ Văn Nhậm. Cho nên, Nguyễn Huệ sẵn sàng dùng mấy đứa con chỉ hơn 10 tuổi của mình làm "tiểu vương" sở quản thay vì dùng quan trấn nhậm, hạn chế quyền lực của họ 1 cách thấp nhất (nếu Nguyễn Huệ còn sống). Và triều đình Quy Nhơn, như đã nói trước, trong cả quá trình ta thấy những "lực lượng bên ngoài" liên tục xuất hiện rồi biến mất, đến cuối cùng ngoài Võ Văn Dũng thì vẫn chỉ còn là người Quy Nhơn.

Vậy là, kế thừa triều đình Lê Trịnh - triều đình Thanh Hóa nằm giữa Đông Kinh - thì nay ta có 1 triều đình Quy Nhơn nằm giữa Phú Xuân (với chiều hướng chạy lên phía Bắc), và 1 "tiểu triều" nằm giữa Đông Kinh. Vậy là, toàn bộ vấn đề của Lê Trịnh lại chạy về phía Tây Sơn, lần này còn phức tạp thêm nhiều lần.

Có 1 câu chuyện được ghi trong Hoàng Lê nhất thống chí rằng khi Nguyễn Nhạc ra Bắc, đã đụng độ làng nọ ở Nghệ An, và dù đã bảo "đây là quê cũ của tôi" thì vẫn bị tấn công. Câu chuyện này được nhắc lại trong Lê quý kỷ sự với cái kết thảm khốc hơn nhiều: Nguyễn Nhạc cho quân tàn sát cả làng. (Và 1 sử-gia-tân-thời nào đó vừa lôi chuyện này lên với ngôi đền trên núi mỗi năm cúng "đám tang Tây Sơn" và... đổ cho Gia Long làm. *cảm khái* Thiệt ra làm người cũng nên còn chút lương tâm, để con cháu thờ phụng người giết cha ông mình ở ngay đền thờ nhà họ là thất đức lắm đó.)

Nhắc lại chuyện này để có thể lý giải cho thái độ của Nguyễn Nhạc khi ra Bắc - ảo tưởng về "quê cũ" Nghệ An mà Nguyễn Huệ ôm ấp đã hoàn toàn không còn. Và rồi ta thấy triều đình Tây Sơn bắt đầu phân hóa - đại diện bằng 2 anh em Nhạc Huệ.

Ngoài họ tộc họ Bùi, Phạm là "họ ngoại" rõ rành rành đi theo Nguyễn Huệ (và Tạ Chí Đại Trường còn nhắc đến 1 số nghi vấn về họ tộc của những viên tướng khác) - nói chung, là gắn bó với Nguyễn Huệ trong 1 quan hệ thiết thân - thì những viên tướng khác đều có nguồn gốc "ngoài Quy Nhơn", từ Trần Quang Diệu cho tới Ngô Văn Sở. Còn đi theo Nguyễn Nhạc thì ta thấy họ tộc của tướng lĩnh phong phú hơn nhiều - ít nhất trong số tướng theo hàng Nguyễn sau này hay vẫn cố sống cố chết bám lấy Quy Nhơn vì nhiều lý do. Nói cách khác, đến lúc này, nếu muốn nói đến "lực lượng Quy Nhơn" hay "người Quy Nhơn" thì nên nói về Tây Sơn của Nguyễn Nhạc.

Trong bối cảnh đã nói trước kia, cái triều đình lập từ họ tộc này bị ném vào 1 "vùng đất xa lạ", và rốt cuộc đã thể hiện tất cả khía cạnh "cực đoan họ tộc" của nó. Nguyễn Huệ thà phân chia đất nước thành nhiều phần do mấy đứa con nhỏ nắm quyền còn hơn là quan tướng, rồi lại tiếp tục giao đất nước cho đứa trẻ nhỏ vắt mũi chưa sạch cháu dòng họ Bùi, họ Phạm hơn là đứa con lớn hơn. Quản việc thì ta thấy nào Phò mã, nào cháu dâu cháu rể. Khởi đầu từ Nguyễn Huệ, Tây Sơn đã lọt vào 1 vòng xoáy to lớn hơn rất nhiều: Mất lòng tin.

Khởi đầu từ Nguyễn Huệ đến Vũ Văn Nhậm, Nguyễn Văn Duệ, Võ Văn Dũng, Trần Văn Kỷ,... vòng xoáy chém giết lẫn nhau trong đoàn người này ngày càng lan rộng. Bùi Đắc Tuyên không tin được bất kỳ ai, để Trần Văn Kỷ xúi bảo Võ Văn Dũng giết Bùi. Võ Văn Dũng liên tục gây hấn với cả vua quan Quang Toản, Trần Quang Diệu - trong khi, chỉ cần 1 lần giấu chiếu che chở cho Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu đã hoàn toàn lấy được lòng tin của viên tướng này để sống chết cùng nhau.

Khởi đầu từ 1 cuộc phản bội sẵn sàng đem "tội lớn nhất" đổ ngược lên đầu vua mình, quay lại giết chóc chính những người bạn, người thân của mình - Từ đó bất cứ ai trong Tây Sơn cũng bị bóng ma của sự phản bội đeo đuổi ám ảnh. Và càng vị kỷ, càng mưu toan, họ lại càng phản bội nhau, đạp lên nhau nhiều hơn, càng chứng thực sự phản bội này rõ ràng hơn. Và cuối cùng, là giết lẫn nhau chết hết - dù là dưới triều đình Tây Sơn hay chạy về phía quân Nguyễn quay ngược lại "trả thù".

Thật ra Nguyễn Huệ không phải là người giỏi về chính trị - hay nói theo quan điểm "nguồn gốc", hoàn toàn thiếu vắng căn cốt mà người làm chính trị, đặc biệt là chính trị Nho Khổng được huấn luyện. Khi thiếu vắng sự hướng dẫn của những nho sĩ "thầy dùi" biết cách mượn chính danh nào "phù Dương", nào "phù Lê" dù chả cái nào là thật nhưng cũng... chưa thấy sai chỗ nào, vừa kêu gọi được số đông vừa tạo sĩ khí cho bản thân 1 cách vô cùng "đại nghĩa" - Thì Nguyễn Huệ đem tội "giết vua" mà ai trong đội quân này cũng biết "công lớn" thuộc về Nguyễn Huệ đổ lên cho Nguyễn Nhạc, dù gọi được người trong 1 chốc nhưng người xung quanh ai cũng biết là giả dối. Khi ra Bắc "phù Lê", Nguyễn Hữu Chỉnh yêu cầu đoàn quân này kỷ luật tuyệt đối không tơ hào ai 1 đồng, thì khi về - dưới sự quản lý của Nguyễn Huệ - cũng đoàn quân này cướp bóc cưỡng bức người tiếng kêu khóc vang rền. Tiếp theo, Nguyễn Huệ đá bỏ cờ "phù Lê", cho Vũ Văn Nhậm đưa quân đuổi giết vua Lê khắp nơi - trong khi việc Lê Chiêu Thống làm rất là chính-danh: đòi lại Nghệ An bị Tây Sơn chiếm - lập Giám quốc ra sau này cũng chỉ là chữa cháy. Được Ngô Thì Nhậm hướng cho lý do đánh Thanh, chiếm lấy Bắc Hà vô cùng oanh liệt, cách kêu gọi quan tướng Đàng Ngoài, thì lại tiếp tục gây rạn vỡ vì triều đình "họ tộc" của mình.

Thuyết chính danh trong đạo lý Nho Khổng, thực tế chính là tính đạo đức và kỷ luật cần có trong 1 thể chế chính trị, nó xác lập lên lý tưởng, đường hướng cho toàn bộ con người trong đó, từ đó nó hạn chế thấp nhất sự phân rã, phản bội, lợi dụng. Người trong đó có thể phản bội, lợi dụng, lật đổ - nhưng tất cả đều không được bày-tỏ ra ngoài. Nếu không, nó sẽ đem đến sự phân rã toàn diện cho toàn bộ cơ cấu.

Và tất nhiên thì Nguyễn Huệ cũng chả được như các sử-gia-tân-thời sau này bơm vá những lý tưởng cao cả như công bằng xã hội, chủ nghĩa quốc gia dân tộc, thống nhất quốc gia... gì cả. Nhắc lại, nước VN ngày ấy, kể cả mảnh đất mà Tây Sơn khởi phát, vốn là mảnh đất có vô số tộc người, ngay trong lòng nó còn có cả các tiểu quốc nhỏ, lịch sử chia rẽ còn mới như hôm qua. Khi nhà Nguyễn thống nhất quốc gia còn phải dùng danh nghĩa "trước đây là người 1 nhà", Nguyễn Huệ vào bái kiến vua Lê còn phải dùng bài "Hoàng Lê nhất thống" - tất cả đều là sự "thống nhất dưới 1 quyền lực chính danh", còn lại thì người ta phải dùng thứ danh nghĩa nào để mà "nhất thống"? Quy Nhơn không có được cái danh nghĩa này, và nhắc lại, sự việc xảy ra với Nguyễn Nhạc ngay từ khi ra Bắc dưới danh nghĩa Tây Sơn (và nghi vấn Nguyễn Huệ đã dùng danh nghĩa chúa Nguyễn để "phù Lê" càng rõ hơn) càng làm Nguyễn Nhạc hiểu rõ điều đó hơn. Đất nước VN ngày ấy chỉ đơn giản là không hề tồn tại, cho nên dù là 1 lực lượng địa phương chưa bao giờ có ý thức quốc gia như Tây Sơn hay là lực lượng hoàng gia quý tộc như chúa Nguyễn, quan Lê Trịnh cũng chưa bao giờ nói về cái danh nghĩa đó (dù bên Nguyễn thì nhiều lần nhắc nhở về "chúng ta là người 1 nhà" với Đàng Ngoài hơn, ngay cả khi Trịnh Nguyễn đang đánh nhau). Nhiều nhà nghiên cứu ngoại quốc lẫn hải ngoại sau này cũng khẳng định, chủ nghĩa quốc gia hiện-đại chưa bao giờ xuất hiện trong tâm trí người VN cổ xưa.

Còn "công bằng xã hội" thì rất đáng tiếc... Khổng Tử đã nói 2000 năm trước rồi. Dù xã hội VN cổ vẫn nhiều phân hóa và bất công, nhưng đó là sự phân hóa đương nhiên của quyền lực và tiền bạc chứ không phải do 1 thứ định chế phân tầng giai cấp như trong xã hội Bà-la-môn hay Nhật Bản, thậm chí cả Tây dương. Các thủy thủ người Pháp của Gia Long nhấn mạnh rất nhiều lần về tính chất "không có giai cấp quý tộc" ở xã hội VN - thực chất là không có 1 giai cấp nào được hưởng đặc quyền đặc lợi trong luật pháp theo kiểu "1 tội mà tùy giai cấp hình phạt khác nhau". Dù trong thực tế, quyền lực và tiền bạc cũng tạo phân cấp của riêng nó, nhưng phương châm của Khổng giáo, ngay từ Khổng Tử khởi xướng, đã là công-bằng - vua có tội cũng phải xử như thứ dân. (Một lần nữa, đạo nào cũng phải tùy nơi). Sĩ nông công thương cũng chỉ là mức độ được tôn trọng trong xã hội chứ chẳng có đặc quyền đặc lợi gì khác biệt. Cho nên, mọi mâu thuẫn ở xã hội VN lúc này đều có tính cá nhân hơn là 1 đích nhắm rõ ràng kiểu "giai cấp phong kiến bóc lột", là 1 ông quan tham, 1 ông vua ngớ ngẩn hay 1 triều đình hủ bại nào đó. "Anh hùng Lương Sơn Bạc" thì cũng chỉ giăng bảng "Thế thiên hành đạo" trừ quan tham, thực thi "công lý" cho bản thân hay đòi tự do cá nhân. Còn lật đổ để "không còn vua quan" thì... Tây Sơn giết nhau chí chết để tranh ngôi, nên thôi, quên đi.

Chuyện "kẻ bình dân làm vua" thì lại 1 lần nữa phải nhắc, toàn bộ các triều đại của VN, trừ Nguyễn ra, đều khởi đầu từ các ông vua "áo vải" cả. (Và đều khởi đầu y như Tây Sơn, "thờ phật để ăn oản"). Nghĩa là, nó chẳng phải là cái gì độc đáo cuốn hút để người ta say mê ca tụng, ngược lại, với cả Đông và Tây trong thời điểm đó, 1 "nhà nước được xây dựng từ thành phần cặn bã" là thứ khá đáng khinh, không đáng tin tưởng (Hãy nhớ cho xã hội phương Tây thời kỳ ấy hầu hết là nhà nước phong kiến). Đặc trưng của xã hội VN là tính chất địa phương nhỏ lẻ, từ khởi thủy quốc gia cho đến cận đại, nên việc các thủ lĩnh địa phương hoặc người cầm đầu địa phương trở thành vua của quốc gia là việc rất bình thường.

Vậy là, một khi đã dựa vào mâu thuẫn và thù hằn cá nhân để trừ diệt đối thủ, đưa mình lên tầm cao - Trong khi không hề xây dựng được 1 lý tưởng hay danh nghĩa nào cho mình để cuốn hút cộng đồng, chỉ dựa vào chút ít "chính danh" phù Lê mà hầu hết chẳng ai tin, Tây Sơn phải làm gì với 1 nước VN gồm Đàng Trong và Đàng Ngoài phân rã như đã nói trước?

Sự phân chia của Đàng Trong và Đàng Ngoài vốn không giống nhau. Ở Đàng Ngoài, tính chất địa phương nằm ở làng xã và tộc họ. Các làng vốn là 1 số tộc họ sống chung với nhau, kết hôn lẫn với nhau, và trưởng làng chính là người có thế lực nhất trong làng - vua quan dùng họ để quản lý toàn bộ làng xã này. Ở Đàng Trong, quyền lực địa phương phần lớn lại nằm trong kinh tế - những chủ nguồn, chủ thuộc, chủ nhóm người; pha lẫn vào đó là họ tộc ở địa phương sống theo lối nông nghiệp. Như vậy, tạm có thể thấy rằng, nhu cầu ổn định của Đàng Ngoài nằm ở quan hệ với các thế lực địa phương, lợi ích về quyền lực cá nhân, họ tộc; trong khi nhu cầu của Đàng Trong là cân bằng về lợi ích kinh tế, với các tộc người thì cũng là lợi ích quyền lực, nhưng không có tính chất như Đàng Ngoài.

Chúng ta hãy quên đi thứ lý thuyết cho rằng "chỉ cần dân ấm no thì sẽ bình yên", hay "đói kém sinh loạn lạc", dù thực tế thì đói kém sinh loạn lạc thật, nhưng đó chỉ là 1 số toán cướp nhỏ lẻ vốn chẳng làm hại gì được đến ai. Nói cách khác, khi cơ cấu làng xã còn vững mạnh đủ để tạo thành "bức tường" che chở cho cái cốt lõi bên trong thì lực lượng triều đình dễ dàng phá vỡ "bọn cướp" này. Sự tình chỉ trở thành phức tạp khi những thế lực này tự tạo 1 danh nghĩa cho mình như cuộc nổi loạn của nhà sư cuối thời Trần, "Ninh Đông vương" Nguyễn Hữu Cầu hay "sao Ba Ngôi" Phan Bá Vành. Các cuộc đánh dẹp thời Nguyễn đều cho thấy sự kết hợp giữa cơ cấu làng và "cướp". Hay nói cách khác, sự mâu thuẫn quyền lực tại địa phương sẽ dẫn đến chuyện "tiếp lực" cho loạn lạc mà 1 vài kẻ đại diện khởi đầu. Với cơ cấu làng xã họ tộc chặt chẽ của Đàng Ngoài, thực tế mà nói, "dân chúng" chỉ là 1 phần có rất ít tiếng nói - Tư tưởng của họ do người trưởng tộc "tạo thành", đường hướng của họ do người trưởng dẫn dắt, và hành động của họ cũng đều nằm dưới sự lãnh đạo của "người" này - xin hãy hiểu, "người" này là 1 từ phiếm chỉ nói về khá nhiều đối tượng, từ ông trưởng làng cho đến ông trưởng họ, cho đến 1 người nào đó "có tiếng nói". Cho nên, mọi xung động khởi phát cũng đều từ "tầng lớp" này. Mâu thuẫn xảy ra với họ là mâu thuẫn thế lực, quyền lực, địa phương lực. Như đã thấy trong suốt lịch sử VN, chính là việc "triều đình bên Đông thì bên Tây nổi dậy", việc nghiêng lệch thế lực trong triều đình dẫn đến việc địa phương nổi lên.

Ở Đàng Trong, từ cuộc khủng hoảng tiền kẽm cho tới loạn Lê Văn Khôi đều có đặc trưng là sự tham gia của tầng lớp thương nhân bên cạnh các nhóm người dân tộc. Nguyên nhân của các loạn lạc này đều khởi đầu từ mâu thuẫn quyền lực ở tầng lớp quan lại "phía trên" tác động xuống quyền lợi của nhóm người "phía dưới". Như ta thấy hoạt động của nhà nước VN Cộng hòa thời kỳ đầu chính là sự tiếp nối của hoạt động ở Sài Gòn từ xưa, sự kết hợp chặt chẽ của tầng lớp chính trị gia và thương nhân. Trung Quốc cổ có câu rằng "Phú khả địch quốc, quốc tắc suy" - hoàn toàn trái ngược với quan điểm hiện đại cho rằng phải phát triển kinh tế thì nước mới giàu, nhà Minh sụp đổ trong thời kỳ thương nghiệp phát triển rực rỡ nhất, đang trở thành "nghi án" khó giải thích nổi trong giới sử gia. Thật ra, điều này cũng... rất gần với các cuộc nổi dậy của giai cấp bình dân châu Âu thời công thương nghiệp phát triển. Các nhà buôn dựa vào quan hệ với quan chức để vơ vét tài nguyên, đè nén người nghèo - trong nền kinh tế chưa phát triển dư dả để "người nghèo cũng là đủ ăn", nơi 1 nạn đói có thể giết chết hàng triệu người, việc tài sản tập trung vào tay 1 số người đem đến tác hại vô cùng lớn. Đến lượt họ, các quan chức dựa vào thương nhân để lấy tài sản tạo thế lực cho mình, lôi kéo bè phái tạo nên mạng lưới trùm ngày càng rộng. Các thế lực kinh tế này còn có thể ảnh hưởng, kết liên với các thế lực địa phương. Trong xã hội, người nắm tài sản cũng đồng thời là chủ của tầng lớp dưới, như địa chủ với nông dân, chủ nhà với nô bộc. Kết quả, khi có sự xung đột về quyền lực, nó sẽ lôi kéo toàn bộ cái khối này vào cuộc. Với xã hội quân chủ nơi chỉ có 1 quyền lực duy nhất, thế lực kinh tế do đó cũng là duy nhất, là sự lũng đoạn không thể khống chế có thể gây sụp đổ cả 1 cơ cấu - Mà các chính trị gia cổ đại phương Đông phải ứng phó với nó bằng cách thuyên chuyển quan liên tục giữa các địa phương, không cho phép bè phái hình thành.

Như vậy, Tây Sơn khéo thay đã... phá nát toàn bộ cơ cấu này. Các thế lực địa phương họ tộc Đàng Ngoài mất đi sức mạnh của nó vì đã mất người khởi xướng. Các thế lực kinh tế Đàng Trong bị phá hủy hoàn toàn theo nền kinh tế lẫn chính trị xã hội. Tuy vậy, việc phá hủy này chỉ là tạm thời, và khi có cơ hội nó lại mọc lên. Ở đây ta chỉ bàn đến việc Tây Sơn ứng phó như thế nào với thực tế của VN cuối thế kỷ 18.

- Với Đàng Ngoài, Tây Sơn giữ nguyên cơ cấu cũ, thậm chí bắt dân lưu lạc trở về nguyên quán, cho người có thế lực lớn quản làng xã. Ở tầm cấp cao hơn, Tây Sơn dùng lại người của Lê Trịnh, thậm chí có những người "bị buộc ra làm quan". Tuy nhiên, tất cả bọn họ nằm dưới sự kiểm soát của 1 ông "Sát tứ phụ nhi thị lang" Ngô Thì Nhậm mà Ngô gia văn phái dù hết sức tô vẽ tâng bốc che giấu thì họ Ngô cũng chẳng dám thừa nhận + 1 ông lão có tiếng mà không có miếng (thế lực) nào trong núi (Chú ý, trường hợp này khác với cả khi Nguyễn Phúc Ánh đi tìm Võ Trường Toản - người là thầy của hầu hết quan lại Gia Định) + vài ông quan "bị bỏ rơi" khác. Kết quả, khi quân Nguyễn ra Bắc, chính các quan Đàng Ngoài dâng tấu cho Gia Long khi đó đã trở về Huế xin "xử tội những kẻ kia cho biết xấu" - Lại cần chú ý, Gia Long đã dùng lại hầu hết quan lại Lê Trịnh + Tây Sơn, chính những người đã từng ở dưới kẻ bị họ đòi đưa ra xử kia. Như vậy, những quan lại cầm đầu này không hề "được lòng người", cũng như nói lên sự bất mãn của quan lại Đàng Ngoài với Tây Sơn. Đến giai đoạn thứ 2, Ngô Văn Sở ra thay Võ Văn Dũng, rồi Nguyễn Quang Thùy cùng các tướng đã xuất hiện trong trận Trấn Ninh quản lãnh Bắc Thành, cơ cấu lãnh đạo Bắc Thành đều đã chuyển hết sang Quy Nhơn. Điều này có thể đã dẫn đến hệ quả là toàn bộ "thế lực Lê Trịnh" đuổi theo bắt Tây Sơn ngày cuối cùng, ngay cả những bộ tộc người thiểu số ở Lạng Sơn.

Sự quản lý bằng cách phân phong, dùng quân lực áp chế chặt chẽ cũng cho thấy tính hiệu quả của nó khi "gọng kềm sắt" còn vững vàng, nhưng chỉ cần lơi lỏng là thấy ngay hậu quả. Triều Nguyễn cuối thời Lê Chất cũng đã cho thấy kết quả này, khi chỉ cần mất đi "bàn tay sắt" quản Bắc Thành, loạn lập tức bùng nổ - và cũng dưới sự quản lý của 1 ông Quy Nhơn. Sự việc này đã khiến Minh Mạng cải tổ lại toàn bộ cơ cấu hành chính, khởi nguồn từ Bắc Thành - và cơ cấu mới này chứng tỏ sự vững vàng của nó ngay cả trong loạn lạc Lê Văn Khôi, đánh dẹp tan toàn bộ các lực lượng dai dẳng hàng mấy chục năm mà Gia Long không dẹp được. Để rồi sau này đến tận cuối Pháp thuộc, VN chưa bao giờ thấy lại các cuộc nổi dậy có quy mô lớn đến vài tỉnh thành như trước. Thật ra, việc này có cốt lõi rất đơn giản: Thắt chặt quyền lực trung ương và tiêu giảm quyền lực địa phương - ngay cả trong ý thức.

Nhưng để thực hiện điều này cần đến cơ-cấu và trật-tự, thứ mà Tây Sơn chưa bao giờ có. Lực lượng này liên tục phản bội, tranh đoạt, đấu đá nhau, là nơi mà tính cá nhân bị đẩy đến mức độ cực đoan, nơi mà ai cũng chỉ e "đứa kia" có phần lớn hơn thì sẽ quay lại giết mình. Một triều đình chắp vá không biết dùng ai tin ai, chỉ có cách tự xé nhỏ mình ra để tùy thời ứng biến. Trong môi trường đó, các thế lực địa phương cũ chỉ cần chút ít thời gian và không gian đã có thể rục rịch sống dậy, được hận thù mới cũ tiếp sức, bùng phát vào bất cứ lúc nào.

- Ở (một nửa) Đàng Trong, Tây Sơn của cả Nguyễn Nhạc lẫn Nguyễn Huệ đều có vẻ không hề muốn xây dựng lại nền kinh tế. Hơn 10 năm trời nằm dưới quyền Nguyễn Nhạc, Hội An không được đặt thêm 1 viên đá. Phú Xuân dưới thời Nguyễn Huệ chỉ còn vài chục thương nhân, đến khi Gia Long trở lại mới xây cái chợ Quy Lai thị tiền thân của chợ Đông Ba gọi thương nhân "trở về". Nguyễn Huệ thậm chí xin Trung Quốc mở nơi buôn bán chứ không muốn xây dựng cảng thị ở VN. Điều này có thể phản ánh tâm lý lo ngại của Tây Sơn với chính lực lượng thương nhân này. Cho nên xung đột với thương nhân có thể bỏ qua (còn đâu mà xung đột). Ở đây vấn đề chỉ là thù oán quá sâu sắc của người Thuận Quảng và Tây Sơn, dù họ chưa bao giờ thực hiện được cuộc nổi dậy lật đổ nào thì vẫn ồ ạt theo về với những đợt tiến quân của quân Nguyễn. (Thật ra việc không thực hiện nổi cuộc nổi dậy nào cũng đã cho thấy khá nhiều rồi). - Theo nhận xét vô cùng ngắn gọn của các chứng nhân ngoại quốc - Cochinchina tan tành vì cuộc nổi dậy cuối thế kỷ 18.

Khi lừa dân Thuận Quảng hết lần này đến lần khác, Nguyễn Huệ tỏ ra chưa bao giờ để tâm thực sự đến vùng đất này để tìm cách "lấy lòng" nó. Do đó, nói về phương cách Tây Sơn quản lý Đàng Trong có hơi thừa chăng?

Chỉ là quay ngược lại đoạn khởi đầu, Tậy Sơn dùng thương nhân rồi diệt thương nhân, dùng Trịnh rồi diệt Trịnh, tôn Lê rồi diệt Lê, tôn Nhạc rồi hạ Nhạc. Một quá trình liên tiếp xảy ra để rồi đến lúc họ không thể (và không đủ can đảm) dùng bất cứ lực lượng nào trong đó, không thể tin bất cứ ai. - Từ đó, họ đưa ra những quyết định và cách thức dần dần đẩy chính mình vào tuyệt lộ, từ chuyện cá nhân cho đến chuyện quốc gia. Trong 1 đất nước tan vỡ và phân rã, cách thức này tuyệt nhiên không đem lại lợi ích nào.



Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.