Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

TS – LC&ĐV – 5
Trường An November 20th, 2017

II-2. Phân rã

Thật ra, khi nói Tây Sơn không đại diện cho thành phần nào, thì vẫn còn 1 thành phần: Những người chả trung thành với ai, chả phù Lê, Trịnh hay Nguyễn. Trong cuộc khủng hoảng quyền lực nhiều thế kỷ, thành phần này thật ra chiếm số lượng khá đông đảo. Họ đại diện cho sự đổ vỡ niềm tin, đổ vỡ lòng trung thành lẫn không hề có 1 "nguồn cội" nào. Ví dụ như chính anh em Tây Sơn là hậu nhân của tù binh bị chúa Nguyễn đưa đến Quy Nhơn - hỏi rằng họ theo Nguyễn hay theo Trịnh, Lê, hay thậm chí là Chiêm Thành? Hỏi họ rằng khái niệm quốc gia là gì, đạo lý là gì? Hay những viên quan dưới triều Lê Trịnh nhìn chúa Trịnh bức tử vua Lê hết lần này đến lần khác, họ coi lòng trung thành là gì?

Cái họ biết, cái họ tin, chỉ là lợi ích của bản thân - từ chúng dân hết sức bình thường cho đến quan đến tướng. Với ai đó có chí hơn một ít thì là chí khí của-mình, ước vọng của-mình. Kết quả, điều khiến họ gia nhập Tây Sơn thường chỉ nhằm 2 mục đích: 1. Đem lại quyền lợi cho mình. 2. Hy vọng sự thay đổi (để thực hiện ước vọng của mình).

Kết quả, nếu theo dõi lịch sử sẽ thấy lực lượng quân Tây Sơn liên tục biến đổi, có những người chỉ xuất hiện trong 1 thời điểm rồi "mất hút".

Ví dụ như ông giáo Hiến, người đã xây dựng hầu hết kế hoạch "làm phản" cho Tây Sơn lúc khởi đầu - Ông giáo này thật ra lại có liên hệ rất vi diệu với... cha của Nguyễn Phúc Ánh. Và "sau lúc khởi đầu", cái tên này đã hoàn toàn biến mất trong Tây Sơn.

Ví dụ như Đỗ Nhàn Trập - người thực sự tạo ra chiến bại liên tiếp cho Nguyễn Phúc Ánh ở Gia Định, đưa quân dồn đuổi Nguyễn Phúc Ánh khắp vùng biển Xiêm La. Ngay cả chiến thắng của Tây Sơn ở Rạch Gầm Xoài Mút cũng có sự góp mặt quyết định của 1 người thuộc quân Nguyễn lập mưu. Đỗ Nhàn Trập là thuộc hạ của Đỗ Thanh Nhơn, người bị Nguyễn Phúc Ánh giết chết. Và sau trận chiến Gia Định, cái tên này cũng biến mất trong lịch sử.

Và cộng thêm vào đó là những lực lượng tham gia rồi trở mặt như quân Hòa Nghĩa, quân Lương Sơn, Nguyễn Hữu Chỉnh... Tất cả bọn họ tham gia Tây Sơn vì muốn lợi dụng - sử dụng lực lượng này mưu lợi cho mình, thực hiện mưu tính của mình, hoặc vì... bị lừa. Và khi Tây Sơn không thực hiện đúng lời hứa, hoặc khi cảm thấy không còn lợi dụng được nhau, nhóm người này bỏ đi.

Khi Tây Sơn ra Bắc, họ tiếp tục thu nhận được những người được gọi là sĩ phu "thất chí" trong triều Lê Trịnh. Ngô Thì Nhậm vì việc "sát tứ phụ nhi Thị lang" bị Trịnh Khải đuổi, Võ Văn Dũng bị tống giam vì "có cảm tình với Tây Sơn", và rồi khi Tây Sơn nắm được quyền lực thì cái lớp sĩ phu phần lớn "chả biết trung thành với cái gì" trong hàng thế kỷ này gia nhập - 1 phần vì "để bảo toàn gia đình" như anh trai Nguyễn Du, 1 phần vì cơ hội thăng tiến, cơ hội thay đổi, vân vân và vân vân. Tất cả tạo thành hoạt cảnh cho câu ca "Lê triều tiến sĩ nhị thập tứ. Bát chân, bát ngụy, bát chân ngụy" nổi tiếng trong ngõ ngoài nhà.

Thật ra, tính chất "ô hợp" này không phải là điều gì đáng nói - khi nó là kết quả tất nhiên của 1 lịch sử khủng hoảng toàn diện về niềm tin và đạo đức. Khi người ta không biết tin cái gì, người ta sẽ tin vào sự thay đổi - với 1 hiện trạng gây bất mãn, kẻ dám đứng lên phản kháng ít nhiều sẽ được ủng hộ vào thời kỳ đầu.

Cái vấn đề chính ở đây - là Tây Sơn không hề xây dựng được loại danh nghĩa nào cho mình. Do đó, nhóm người tụ họp dưới trướng của Tây Sơn vẫn mang thứ bản chất mà họ có - vì-mình hơn hết thảy. Họ đi theo Tây Sơn chẳng phải vì bất cứ đạo nghĩa hay lý tưởng nào của đoàn quân - triều đình này. Và Tây Sơn càng không xây dựng được thứ quyền lực tối cao đại diện cho lòng trung thành như nhất, khái niệm 1 quốc gia thống nhất để người ta theo - khi tự xé nhỏ mình ra thành "chế độ nhà Chu", khi anh em đánh nhau phân chia đất nước. Vậy là, sự phân rã của Tây Sơn nhìn theo chiều dọc là 2 khía cạnh:

-1- Phân rã về tư tưởng: Như đã nói trước, Tây Sơn hết phù ông này đến thế lực nọ để đánh ra phát triển lên. Nhưng khi nhận tước phong của vua Lê, Tây Sơn ít nhất vẫn còn giữ được 1 danh nghĩa: Quy Nhơn. Cuộc chiến của Nhạc - Huệ đã phá vỡ danh nghĩa cuối cùng này, có nghĩa là đã đẩy đội quân của Nguyễn Huệ thành đội quân "xa lạ" trên tất cả các phần đất còn lại của VN. Sự phân rã xảy ra trong đội quân của Nhạc - Huệ, biểu hiện thành như khủng hoảng tại Gia Định, Nguyễn Văn Duệ, Vũ Văn Nhậm bị Nguyễn Huệ giết chết, là sự bắt đầu của cuộc khủng hoảng xa hơn nằm tại Quy Nhơn sẽ bùng nổ trong thời Quang Toản.

Nguyễn Huệ khi quay lại đánh Quy Nhơn cũng đã nghĩ đến việc tạo lập 1 "danh nghĩa" cho mình. Lời chiếu "Không tội gì to bằng giết vua" mà các sử gia thường đổ cho "ông thư lại trước là thuộc hạ triều Nguyễn" thực ra không đơn giản như vậy. Lời chiếu này được Nguyễn Huệ sử dụng, do đó hoàn toàn nằm trong ý muốn của Nguyễn Huệ - Đẩy tất cả "tội lỗi" tiêu diệt triều Nguyễn cho Nguyễn Nhạc. Nên nhớ, khi này Nguyễn Huệ đang cầm quân mộ từ Thuận Quảng đi đánh xuống Quy Nhơn. Cũng như Nguyễn Nhạc năm xưa, Nguyễn Huệ đang tìm cách kích động lòng thù hận của số người "phù Nguyễn" trong cuộc chiến của mình. Đồng thời, là đẩy toàn bộ trách nhiệm các hành động năm đó cho Nguyễn Nhạc - chỉ như vậy nhóm người của Nguyễn Huệ mới có thể ở lại Thuận Quảng.

Nhưng cuộc chiến ở Bắc Hà đã đưa Tây Sơn của Nguyễn Huệ đi vào 1 chiều hướng khác. Lê Chiêu Thống sử dụng Nguyễn Hữu Chỉnh diệt tàn quân Trịnh, củng cố lực lượng để đòi lại Nghệ An bị Tây Sơn chiếm giữ. Nguyễn Huệ liền cho Vũ Văn Nhậm đánh ra tiêu diệt triều đình của Lê Chiêu Thống, đuổi vua Lê chạy khắp miền Bắc - Cuộc chiến này được ghi dấu trong các ghi chép lịch sử như 1 chuỗi cuộc tàn sát, phá hoại, triệt hạ mà đội quân Vũ Văn Nhậm thực hiện trong cuộc truy lùng vua Lê, để rồi khi ra Bắc, Nguyễn Huệ phải đem Vũ Văn Nhậm làm tốt thí giết chết để xoa dịu người Đàng Ngoài. Tuy vậy, Nguyễn Huệ vẫn phải lập hoàng tử nhà Lê làm Giám quốc chứ không thể chính danh chiếm Bắc Hà. Cuộc tấn công của nhà Thanh dưới danh nghĩa Lê Chiêu Thống, ngược lại, tạo điều kiện cho Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế chính danh.

Và khi đã lên ngôi hoàng đế, đã mang danh "phù Lê", Nguyễn Huệ đã có thể vứt bỏ cái tiếng "phù Nguyễn" - cho triệt hạ toàn bộ lăng mộ nhà Nguyễn tại Phú Xuân, quên lời nói "không tội gì lớn bằng giết vua" như chưa từng tồn tại. Tư tưởng của Nguyễn Huệ lúc này rất rõ: Tiến ra phía Bắc. Thái độ của dân chúng vùng Thuận Quảng đã chẳng còn quan trọng.

Có lẽ việc hội quân ở Nghệ An đánh Thanh đã khiến Nguyễn Huệ mang hơi nhiều ảo tưởng về đất "quê cũ" này. Triệt hạ lăng mộ Nguyễn tại Phú Xuân, đổi tên Đông Đô thành Bắc Thành, tất cả các vùng "kinh đô" cũ đều bị hạ để chuẩn bị cho 1 kinh đô mới ở Nghệ An. Nhưng Bắc Hà bị đói, xứ Thanh có nơi không còn 1 bóng người. Và có lẽ, các cuộc tấn công của Vạn Tượng - trong thời gian này là đi cùng sức ép của Xiêm La - đã khiến Nguyễn Huệ hiểu ra vùng Nghệ An có khi chẳng phải là "đất lành" như đã tưởng.

Việc chuyển về Nghệ An bị hoãn, thế là Tây Sơn của Nguyễn Huệ kẹt lại tại Phú Xuân, trong vùng đất đã "lỡ" bị lừa đến 2 lần. Để đến ngày đứa trẻ chăn trâu thấy quân Tây Sơn cũng chạy về mách cho quân Nguyễn.

Chưa kể đến Thanh Nghệ là "đất nóng" của lịch sử, là nơi hoàng thân nhà Lê tụ họp nổi dậy từ suốt thời Mạc, Trịnh cho đến Nguyễn. Trong cuộc chiến của mình, Nguyễn Phúc Ánh cũng sử dụng Thanh Nghệ như cái "chìa khóa" cầm chân đội quân ở Bắc Hà, tấn công đội quân Quang Toản bại trận ở Trấn Ninh. Nghệ An cũng là nơi xuất thân của nhiều dòng họ khoa bảng Lê Trịnh chẳng kém gì vùng Kinh Bắc - ví dụ như làng của Nguyễn Du cùng anh trai của ông bị đốt giết ngay dưới thời Nguyễn Huệ.

Nhân nói đến Kinh Bắc, cần nhắc nhớ đây là quê ngoại của công chúa Ngọc Hân - sau này là cả Ngọc Bình. Và cuộc xung đột trong triều Lê Trịnh có thể rất liên quan đến vùng đất này. Đặng Thị Huệ là người Kinh Bắc, và cuộc thay đổi vị trí thái tử triều Lê mà chúa Trịnh khởi đầu, sau này Ngọc Hân bị đẩy ra làm danh nghĩa có khả năng liên quan đến mối quan hệ Kinh Bắc - Thanh Nghệ này. Chúa Trịnh không muốn có 1 ông vua Lê có họ ngoại quá mạnh, Đặng Thị Huệ cùng Quận Huy đã kiềm giữ đội quân Thanh Nghệ để bị giết, Nguyễn Huệ chắc chắn cũng không muốn lập vua Lê "cạnh tranh" vùng thang mộc của mình. Kinh Bắc là nơi rất nhiều trung thần nhà Lê sinh sống, nhưng nằm ở vị thế dễ kiểm soát hơn hẳn Thanh Nghệ. Khi Quang Toản bị đẩy ra Bắc Hà cũng đã xây dựng hành cung phụ trợ nơi đây.

Kết quả, "chiến thắng lẫy lừng" đi qua, Nguyễn Huệ phải đối mặt với 1 Bắc Hà đói kém, vùng Nghệ An rối loạn, kinh tế suy sụp và... không biết trú chân nơi đâu - Kết quả của cuộc "khủng hoảng danh nghĩa" sau quá nhiều lần mượn danh và trở mặt. Ở miền Bắc, dù sao Tây Sơn vẫn ít "nợ máu" hơn ở Thuận Quảng, tội lỗi ngày truy sát vua Lê đã được đẩy hết cho Vũ Văn Nhậm. Vậy là, để tiến ra Bắc, lá cờ "phù Lê" một lần nữa lại giương lên qua cô công chúa quê Kinh Bắc. Và người VN được cái là "lòng ái quốc" rất lớn, chỉ cần có xung đột với nước ngoài là tự nhiên hăng hái - vậy là 1 cuộc chiến mới được hoạch định, đặt dân chúng vào tình thế "không đứng cạnh nhà nước thì mất nước".

Và rồi, tư tưởng "hướng Bắc" này lại đưa đến kết quả phân rã nguy hiểm hơn: Vùng miền.


-2- Phân rã về vùng miền: Về cơ bản, quân Tây Sơn có nòng cốt là nhóm người Quy Nhơn. Tuy nhiên, trong thời Quang Toản, ta lại thấy sự "tung hoành" của 1 ông người Hải Dương: Võ Văn Dũng - đồng thời là sự biến động liên tục trong nhóm người này tại Bắc Thành. Dù thông tin về cuộc tranh chấp này khá rời rạc, vẫn có thể nhận thấy vài điều cơ bản:

Khi Nguyễn Huệ chết, có thông tin về sự tranh chấp của quan trong triều chọn lựa giữa 2 người con là Quang Thùy và Quang Toản. Trong đó, Quang Thùy chính là người quản Bắc Thành trên danh nghĩa, theo "phân phong kiểu chế độ nhà Chu". Quang Toản có họ ngoại dòng dõi Bình Định - 1 ông thái sư Bùi Đắc Tuyên nào đó mà suốt thời Nhạc Huệ chưa bao giờ nghe thấy tên. Kết quả, phe Bình Định thắng, hất Ngô Thì Nhậm vào chùa tu.

Ngô Văn Sở là thân tín của Bùi Đắc Tuyên, và lực lượng này còn đủ mạnh để "giải giáp" Quy Nhơn, bức Nguyễn Nhạc thổ huyết chết. Nhưng ở đây ta lại thấy rất ít sự phản kháng trong hàng ngũ tướng Quy Nhơn của Nguyễn Nhạc, nhiều trong số đó như các vị họ Lê - Lê Trung, Lê Văn Thanh...- quay vào trong quân Ngô Văn Sở. Một lần nữa, tính địa phương được phát huy ở đây, mà... "vua" là cái gì? Quang Bảo muốn "làm phản" và bị các thuộc hạ cũ của cha mình nhấn nước chết ngay tại chỗ. Một số thuộc hạ của Quang Bảo - Nguyễn Nhạc chạy thẳng về phía chúa Nguyễn.

Khi lực lượng Quy Nhơn này đến lúc cực mạnh thì Ngô Văn Sở được cử ra làm Tổng trấn Bắc Thành "thay thế" cho Võ Văn Dũng. Võ Văn Dũng, dù là bị khích tướng hay tự nhận ra, hẳn cũng hiểu "ngày nguy hiểm" của mình đang tới, và đã quay ngược lại giết Ngô Văn Sở, Bùi Đắc Tuyên, bức dòng họ Bùi và Trần Quang Diệu về vườn. Sau đó, liên tiếp những cái chết của các viên tướng Quy Nhơn, mà đỉnh cao là Lê Trung, khiến Tây Sơn mất Quy Nhơn.

Đây có thể là cuộc chiến của văn-võ, nhưng đồng thời cũng có thể là cuộc chiến của Bắc-Nam trong triều đình Tây Sơn, hay là của các viên tướng "bên ngoài" với cái hạt nhân "Quy Nhơn" nằm trong toán người này. Tất cả đã khởi đầu ngay sau khi Nguyễn Huệ chết - Từ chối dời đô ra Nghệ An, triều đình của Bùi Đắc Tuyên đã tỏ rõ thái độ phản "hướng Bắc" của Nguyễn Huệ, ngược lại lợi dụng sơ hở của Nguyễn Nhạc để về lại đất thang mộc cũ - 1 động thái "hướng Nam". Dù vẫn cho Ngọc Hân chủ tế "Nghĩa tôn phù vằng vặc bóng dương" lẫn lấy công chúa Ngọc Bình cho Quang Toản, hành động này chỉ để kết nối với miền Bắc - trong khi các ông trọng thần của miền Bắc đã bị "về vườn" gần hết. Ngô Thì Nhậm nếu không bị Đặng Trần Thường lôi ra đánh chết thì hẳn cũng sẽ lại "biến mất" trong lịch sử Tây Sơn như ông giáo Hiến.

Và như vậy, các "ông vua con" của các vùng "theo lối nhà Chu" này lại trở thành như vua Lê, lại là bình phong, công cụ cho các lực lượng bên trong đánh giết nhau tranh giành quyền lực, cho đến ngày hất Tây Sơn xuống hố.

Ghi chép lịch sử cho thấy "dòng chảy" hàng quân của Tây Sơn đổ về phía Nguyễn xảy ra suốt từ sau khi Nguyễn Huệ chết, cuộc thanh trừng giết chóc trong triều đình này xảy ra, thậm chí từ ngay khi anh em Nhạc Huệ đánh nhau - Không hề đợi đến lúc triều đình này suy vong. Những kẻ "không trung thành với ai" tiếp tục cuộc chọn lựa của mình. Những kẻ có cơ hội để tranh giành thì tiếp tục đấu đá nhau, kẻ nào mạnh thì thắng. Và những mâu thuẫn không được giải quyết tiếp tục đổ vỡ. Phần đông người đến với Tây Sơn không hề tìm được thứ mình muốn, và lại rơi vào vòng xoáy chém giết vì những lý do hết sức "trời ơi" đầy tính cá nhân. Nhưng nhìn sâu vào bản chất của tất cả các mâu thuẫn, phân rã này đều có 1 nguyên do lớn nhất: Khả năng quản lý đất nước của một nhóm người địa phương này rất "có vấn đề".

Đầu tiên là Nguyễn Nhạc, sau đó là Bùi Đắc Tuyên và nhóm quan tướng Quy Nhơn, tất cả đều quây vào 1 tâm điểm là Quy Nhơn, "trở về Quy Nhơn", sử dụng người Quy Nhơn, thành bại cũng Quy Nhơn... Tuy nhiên, xét trong bối cảnh của VN, điều này không hẳn là sai lầm, khi Quang Toản mặc dù đã lấy công chúa nhà Lê, dựng hành cung, đắp thành Thăng Long... thì khi chạy trốn vẫn chẳng có ai giúp đỡ, thậm chí bị truy đuổi sát sao, dân chúng phá cả cầu không cho đoàn quân này qua sông. Như đã nói trước, toàn bộ quân Tây Sơn bị bắt vì các lực lượng phù Lê Trịnh nằm trong dân, cho thấy "oán thù" này rất ít khả năng được xác lập trong đời Quang Toản mà là sự mâu thuẫn mang tính lịch sử hầu như không thể thay đổi - Mâu thuẫn này còn kéo dài trong thời Nguyễn và thậm chí thời gian rất lâu, rất lâu sau. Việc dính chặt với vùng đất thang mộc "nhà mình" là điều mà tất cả các vua, các thời đại của VN đều làm - Và lịch sử chứng minh, đây là phương cách đúng đắn trong 1 đất nước quá nặng tính địa phương như VN. Từ thời Lý, Trần, Lê, Trịnh hay thậm chí trước nữa là Tiền Lê, là Ngô Quyền, mọi toan tính sử dụng "lực lượng bên ngoài" đều dẫn đến 1 kết quả duy nhất: Mất nước (hay triều đại sẽ bị tiêu diệt).

Và khi sử dụng "lực lượng bên ngoài" làm sức nặng cân bằng với quyền lực của "thang mộc", các nhà vua đều phải chơi trò bập bênh đầy nguy hiểm, nhà Lê với số vua bị giết nhiều nhất trong lịch sử VN là minh chứng cho điều đó. Trong trường hợp của Nguyễn Huệ, dù số người Bắc Hà trong triều đình Tây Sơn đều là "lực lượng bị bỏ rơi" không tập hợp được cho mình danh phận hay quyền lực thế gia nào, thì quyết định "phân phong theo kiểu nhà Chu" cũng đã trao cho họ 1 vũ khí quá mức nguy hiểm: Lúc này, họ có thể lấy danh nghĩa của chính "ông vua con" kia để tự tạo quyền lực cho mình. Khi ấy, "lực lượng bên ngoài" không còn là bộ phận để cân bằng quyền lực với "thang mộc" mà dễ dàng phản ngược lại. Triều đình Quang Toản, mà đại diện là Bùi Đắc Tuyên, buộc phải ra tay triệt hạ ngay từ đầu, và may mắn là Nguyễn Quang Thùy cùng Võ Văn Dũng đều là người trung thành với Tây Sơn, nếu không hậu quả đã chẳng cần đến Nguyễn Phúc Ánh đánh lên. Thế nhưng, mâu thuẫn thì vẫn cứ nằm đó, và càng ngày càng đẩy Tây Sơn vào diệt vong.

Sự lựa chọn "phân phong theo chế độ nhà Chu" của Nguyễn Huệ tuy vậy có thể vẫn chỉ là 1 quyết định "khó có thể làm khác" - khi chính Nguyễn Huệ đã quay lưng với Quy Nhơn, không còn đường lùi. Dùng phương thức này để cho mỗi vùng có quyền tự trị lớn hơn, do đó sự bất mãn sẽ giảm thiểu, đồng thời lại có thể cài cắm quyền lực để kiểm soát, ổn định và thu được nguồn lợi từ các vùng - Thật ra, là hầu như cùng phương thức với cách mà các chúa Nguyễn đã dùng ngày đến miền Nam. Cũng như Nguyễn Huệ lúc này, các chúa Nguyễn cũng đã mất đi vùng thang mộc, cũng đã phải bắt đầu tất cả từ "tay trắng", tự tạo danh nghĩa cho mình bằng phương thức "liên kết tầm gần, tấn công tầm xa".

Nhưng điều làm Nguyễn Hoàng được xưng tụng "chúa Tiên" là... lúa ở Đàng Trong giá chỉ 3 tiền 1 giạ, là vùng đất Thuận Quảng cho đến ngày ấy vẫn hầu như không quan không tướng, hầu như chẳng có 1 thế lực nào cai quản ngoài đóng thuế. Còn vùng đất của Nguyễn Huệ trú chân vừa trải qua những nạn đói thảm khốc mà tất cả tội lỗi đổ lên đầu quân Tây Sơn, phía Nam thì theo chúa Nguyễn, phía Bắc ca bài Lê Trịnh. Dù có đánh đuổi quân Xiêm, quân Thanh thì... chẳng biết những quân này so với Tây Sơn độ tàn ác, phá phách của ai lớn hơn. Nguyễn Huệ lại chẳng phải là bậc "cải cách trong mơ" của những sử gia tân thời giơ cao lá cờ Bình đẳng bác ái như Napoleon để tạo lập lý tưởng chói ngời, chẳng qua đánh nhau cũng chỉ để "đen răng dài tóc", cách thức thì cũng chỉ là làm nông và... học theo ông Chu Tử cách đó chừng 6,7 trăm năm (như Minh Mạng sau này chê bai cách học cử nghiệp Đàng Ngoài).

Nói 1 cách công bằng, như Nguyễn Thiếp bảo "người giỏi làm được, người dở không làm được", thì có thể với 1 vị vua quyền biến, cách thức "chia để trị" này cũng có thể phát huy tác dụng, như Gia Long sau này cũng chia Tổng trấn các vùng - và rồi liên tục lợi dụng sự đấu đá của quần thần để tiêu diệt, chế giảm lực lượng các vùng, để đến thời Minh Mạng có thể đặt 1 cơ sở "thống nhất" tương đối. Đất nước VN lúc này vẫn đang nằm trong cái trạng thái "chả cần biết đến tiến bộ đổi thay" như hàng ngàn năm trước, vẫn là đất nước nằm trong những vụn vặt cá nhân vô luân vô lý trì trệ hỗn độn và đi theo 1 đường lối "có lý" của riêng nó. Nhưng lịch sử không có "nếu như", và Nguyễn Huệ chết, để Quang Toản lãnh hoàn toàn cái cơ đồ nát bấy ngổn ngang dang dở của cha ông, 1 triều đình "lạc lối" hoàn toàn khỏi những phương thức bình trị của lịch sử, 1 vị thế treo đầu sóng ngọn gió mà chẳng có 1 thuyền trưởng nào dẫn đường, cũng chẳng có bờ bến nào để trở về.



Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.