Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Chép vụn 7
Trường An March 3rd, 2014

1834

Dân thời MM xem ra khá hơn dân thời Vũ Trọng Phụng. Ban đầu là quan ở Nam Định huy động được dân đi đào sông thoát nước, kết quả thu được là nước lụt thoát hết, sau Hưng Yên thấy thế làm theo, vua cho tiền mà dân (lẫn quan) tình nguyện không lấy '_' (mà mấy con sông này không ghi tên, chỉ có sông Đào Nam Định là có chút manh mối). Theo đến 1834 thì ở Bắc đã có 6 con sông đào, chắc cũng không lớn (sông Hưng Yên gần 2km, huy động 2000 người mà vẫn gọi là "tiểu công trình"). Nhưng vì vậy mới thuyết phục được đi đào một cái sông "nhớn" khác. (Đã bắt đầu có những nơi bỏ đê vì "giữ lại vô ích".)

Quan quân đánh thành GĐ bị MM mắng xa xả chắc đều nghĩ bụng "Thành do cha ngài xây chứ ai =__=|||" Tội nghiệp cái thành, vì chuyện này mà phăng teo. (Nhưng nghĩ vây 3 năm, làm đủ trò mà không hạ được, chỉ chờ đám trong thành chui ra thì chắc cũng phát khùng).

Lê Văn Khôi vốn người Cao Bằng, lại được ban họ Nguyễn Hựu (vốn phải gọi là Nguyễn Hựu Khôi, sau MM ghét nên mới bảo "nó coi như là con nuôi của LVD, vậy ta gọi nó là LVK"), sách bảo LVD thu được LVK khi đi đánh ở Thanh - Nghệ (LVD chưa bao giờ đến Cao Bằng). Lần ấy LVD đi bình định bọn thổ mục họ Quách, nghe LVD đến thì "tự ra hàng". LVK còn có một người em gái làm vợ lẽ của em trai MM.

Mà thổ mục họ Quách này đến đời MM lại "nhặt" được Lê Duy Lương, trở giáo làm phản tiếp. LVK lấy cớ phò trợ Lê Duy Lương mà lấy GĐ, liên hệ với Nông Văn Vân là anh vợ. Đầu dây mối nhợ ra làm sao mà MM truất ngạch tập tước của họ Lê luôn.

---

Lúc này mới thấy xe "thủy hỏa ký tế" tức là xe chữa cháy, vậy cái "thủy sương xa" vào 1826 chắc là xe hơi nước. Nhìn lại lịch sử thì cái xe dùng động cơ hơi nước được tạo ra đầu tiên ở... phương Đông, do một giáo sĩ làm cho nhà vua TQ chơi. Mô hình xe hơi nước vào thời MM có lẽ là thế này: Hình. Còn cái xe cứu hỏa chắc là cái này: Hình.

Sau này VN mà có sản xuất xe hơi thì MM trở thành ông tổ của ngành xe hơi VN luôn thể. =)) (ờ mà, chữ "xe hơi" là viết tắt của "xe hơi nước" chứ đâu.)

(Mà vầng, "ta ghét nhất là (bị) nói dối" - cái này cũng đã đoán được.)


Sai Hộ thành binh mã Phó sứ Trương Viết Súy đi nguồn Hữu nguyên chế xe “thủy hỏa ký tế” (cách làm: lợi dụng sức nước xô mạnh để máy xoay chuyển, không tốn công sức) và chiếu theo các bài thuốc súng mới chế theo mà luyện thuốc (bài Hồng Phương, bài Hùng Phương, bài Hộc Phương, mỗi thứ 2 vạn cân). Lại phái các viên ty thuộc các Bộ, các Viện và người ở các đội thị vệ, kim thương đến xem để suy nghiệm.

Lại nói: “Ta thấy trong cung dùng nước phải gánh, xách rất phiền, nhân chế ra cái xe nước, từ đó đỡ được biết bao nhân lực (cách thức: đục một cái lỗ từ phía ngoài tường trong cung thông vào phía trong, hình dạng khuất khúc, trong ngoài không trông thấy nhau. Trong tường để một chiếc chậu đồng lớn. ấn định giờ lấy nước, phía ngoài tường, đẩy xe nước đến rót vào miệng lỗ cho chảy vào chậu; trong cung, mọi người đều đến nơi đó lấy nước).

“Trước giờ, những chỗ đông nhà ở, mùa hè rất sợ cháy. Ta đã chế cái xe chữa cháy. Nếu dùng chữa cháy thì đỡ tốn sức mà lửa nào cũng phải tắt. Rồi sau đem xe ra cho bầy tôi xem”. (Cách thức: nước chứa vào trong một cái thùng. Trong thùng làm một cái máy đẩy nước. Lại lấy da cuộn thành một cái vòi tròn mà dài. Khi chữa cháy, 4, 5 người kéo xe, một người cầm cái sào dài buộc vòi da vào đầu sào giơ lên; 4 người theo hai bên xe vặn máy, thì nước trong thùng chạy qua vòi da tuôn lên như mưa).

Vua đến khe doành ở Hữu Trạch xem xe “Thủy hỏa ký tế”, thấy công trình nhanh chóng, rất hài lòng. Thưởng cho viên trông coi làm xe ấy là Trương Viết Súy kỷ lục 1 thứ và 3 đồng ngân tiền Phi long hạng lớn. Sai viên Kinh doãn chọn chỗ đất ở nơi đó lập miếu thờ chung hai vị thần doành khe và thuốc súng, hằng năm, đến kỳ trọng xuân luyện thuốc súng thì mổ trâu, dê, lợn để tế. Lại sai lập xưởng ở Thái Bình đài, vát 300 lính để theo phương pháp luyện thuốc súng.

---

“Từ trước, các học trò quen theo lối cử nghiệp cũ, nay đổi dùng văn thức tam trường, cốt để chấn chỉnh sửa lại thói quen của học trò để ngày càng đi vào lối học sâu rộng, đầy đủ, đẹp đẽ, thế mà quan trường phần nhiều lại hay câu nệ, thì e rằng những người học rộng, tài cao, khó lấy gì để tự tỏ mình ra được. Vậy, xin từ nay, phàm các kỳ thi hương, thi hội và nha môn các trường học ở trong Kinh và ngoài các tỉnh tất cả những phép khảo thí, dạy dỗ và học tập, khi dùng chữ làm văn, không cứ phải trưng dẫn hay lấy chữ ở sách nào, miễn là chiếu ứng và phát huy được ý nghĩa trong bài thì dẫu chẳng phải là chữ ở chỗ ra đầu bài mà là chữ sinh động nghĩ ra, thực có kiến thức, cũng là đều đáng nên để ý phê khen hoặc lấy đỗ, khiến học trò biết đường noi theo, đua ganh mài giũa, để cho lớn nhỏ đều thành tài, thu lấy thực hiệu được người giỏi”.

Sĩ tử nước ta, kiến văn hẹp hòi, nên lời văn chỉ được thế thôi. Song không những sĩ tử như thế mà cả đến những người dự hàng học quan và các quan trường chấm thi cũng ít người học rộng! Trong quyển thi có 1, 2 câu hợp lối mới, lại bị quan trường sổ toẹt, thì sĩ tử trông vào đâu để làm khuôn mẫu? Vả lại, việc trường thi chỉ chọn những người văn học khoa mục sung vào mà còn như thế, thì nay biết chọn đâu được!”.

“Xưa, Lý Bạch nhà Đường, biết dịch thư nước Phiên; nếu không học thì dịch làm sao được? Ta muốn đặt 4 nhà dịch quán ở Kinh đô, chọn những người am hiểu tiếng nói các nước Phiên, hậu cấp tiền, lương, sai dạy người trong nước, học tiếng nói và chữ viết các nước, để phòng khi phải thông dịch. Trừ những tiếng nói chim muông, còn thì nên biết cả, để trở thành một nước đại văn minh. Như thế thì việc đối ngoại không lầm lỡ, mà quốc thể tự được tôn trọng”.


Khiến bọn Cai đội Nguyễn Lương Huy và Chủ sự Lý Văn Phức coi quản các thuyền hiệu Định Dương và Thanh Dương đi công cán sang Hạ Châu đem theo Cà Lộ và Tú La (hai người này trước bị an trí ở tấu sở Đà Nẵng), người Bút-tu-kê, thả cho về nước.

Thuyền buôn của người Anh Cát Lợi đến đỗ ở tấn sở Đà Nẵng thuộc Quảng Nam, bắn 9 phát súng chào. Phó vệ úy án thủ 2 pháo đài An Hải và Điện Hải là Nguyễn Văn Lượng, Phó vệ úy trú phòng là Cao Văn Điện, vì thấy sắp đến ngày lễ Đại tự, không dám bắn súng để đáp lễ. Việc tâu lên. Vua dụ quở rằng: “Thuyền nước ngoài đến, theo lệ, có bắn súng đáp lễ. Huống chi, bắn súng cũng là việc thường, có hại quan hệ gì đến điển lễ cúng tế? Bọn ngươi sao mà chẳng thông nghĩa lý đến thế!”. Mỗi người đều bị phạt 6 tháng lương. Sắc sai bộ Binh tư hội, và truyền cho 2 pháo đài mỗi đài bắn ngay 3 phát súng để đáp lễ, rồi đến nói với chủ thuyền Anh Cát Lợi rằng: vừa đây, viên giữ tấn sở vì thấy quý quốc mới đến, nên chưa dám tự tiện bắn súng đáp lễ; nay được quan Thương bạc truyền sức, mới theo lệ làm. Sau đó sai bọn sung biện Các vụ là Nguyễn Tri Phương và Biện lý bộ Hộ là Phạm Thế Hiển xuống thuyền đổi mua võ khí và dặn: nên giữ một mực công bình chính trực, khiến sau nó không nói lại gì được mình, để giữ quốc thể. Còn thuế cảng thì đánh theo lệ thuyền Tây dương.

Lại nói: “Ta từ nhỏ rất ghét người nói dối. Biết được ai nói dối, thì không hề tha thứ bao giờ. Hôm vừa rồi, xem thấy sử chép vua Thái Tổ nhà Minh có cho dựng một tấm bia ở trong cung, khắc mấy chữ “Nói càn bậy thì chém”. Lúc mới ta cũng cho là phải, nay nhân nghĩ: Phàm người nói dối, xét về tình và lý, cũng có nặng nhẹ khác nhau, há nên nhất thiết trị tội cả? Ta ở trong cung, nghe ở bên cạnh có tiếng ho, hỏi, họ chối là không. Như vậy là họ sợ ta mà phải nói dối, thì có tội gì! Xưa, vua Thuấn hay hỏi và hay xét đoán. Thực  nên noi theo. Có điều là những bậc vua chúa, có người xét đoán sáng suốt, có người xét đoán hà khắc; hay, dở do đấy lại có khác nhau”.

Vua dụ rằng: “Năm ngoái, tên giặc Khôi làm phản, có nhiều người nhà Thanh a dua, mang lấy tội chết. Nay bọn khách đáp thuyền này đến đây, lại không có bang trưởng chịu trách nhiệm cam kết bảo đảm. Vậy truyền chỉ cho bọn thuyền hộ: lần này là lần đầu lầm lỗi, triều đình hãy tạm tha thứ, không nghiêm trách. Từ nay, phải bảo nhau: nếu là những người có vật lực đi buôn thì mới được đáp thuyền đến trao đổi mua bán. Còn cứ chở đến hàng trăm hàng nghìn những quân vô lại du côn, lỡ xảy ra việc lôi thôi thì phạm nhân tất bị xử tử, mà thuyền hộ cũng bị trị tội nặng và của cải trong thuyền đều bị sung công. Nay hạn cho trong tháng tư, phải quay buồm về, nếu cố ý để hành khách lưu lại kéo lên bờ gây sự, thì thuyền hộ tất bị chém đầu, không tha”.

“Trận đánh thành này đều đã hết lòng trù tính, hiệu lệnh rất đều, ba quân cùng cố sức xông pha dưới mũi tên ngọn giáo, ai cũng muốn giết hết giặc để tỏ lòng nghĩa phẫn. Ngặt vì thành này hào sâu, tường cao, đánh phá thực khó, mà đánh bằng hỏa yên, hỏa tiễn cũng vô hiệu, cho nên rút cục không thành công.

Dòng dõi vua Chiêm Thành là Quản cơ, hàm Vệ úy Nguyễn Văn Thừa, bị tội, phải tống giam.

Năm ngoái Đỗ Văn Hoan, người Bình Thuận buôn bán ở Gia Định, gặp khi giặc Khôi làm phản, có gửi y chở giúp người Man, tên là Tiêm Vô (gia nô của Nguyễn Văn Vĩnh, nguyên trấn thủ Thuận Thành) mang mật thư của giặc dụ tên Thừa chiêu tập bè đảng, chờ khởi sự. Thừa đã nhận lời, âm mưu làm phản. Sau được tin quan quân tiến đánh, tên Khôi liều chết, cố giữ cô thành, Thừa bèn thôi việc mưu phản. Sau, tên Hoan bị người ta tố giác việc này ; quan tỉnh là Hoàng Quốc Điều và Phan Phu liền bắt Hoan giam giữ nghiêm cẩn, rồi tham hặc việc Thừa tư thông với giặc. Vua cho đòi về Kinh để xét hỏi, nhưng Thừa nhiều lần cáo ốm, không chịu đi. Bèn cách chức, khóa giam lại và sai Ngự sử Lê Hữu Bản đến hội xét, nhưng Thừa còn giảo trá chối cãi. Sau giao cho bộ nghiêm xét, Thừa chịu thú nhận và xưng ra đồng đảng là Nguyễn Văn Nguyên (con Nguyễn Văn Vĩnh). Liền cho bắt cả để xét xử trị tội.

Các lễ tiết hằng năm: Tế Nam Giao, đàn Xã tắc vào 2 ngày ngày mậu, mùa xuân, mùa thu và lễ Nguyên đán ở liệt miếu, lệ vẫn đốt đèn lồng lớn sáng ngời, từ nay bỏ bớt đi; duy các miếu, đàn, từ, vũ về các vị trung tự, quần tự, đèn đuốc không bằng những bậc đại tự, thì vẫn theo lệ cũ. Lại, các tiết Thánh thọ, Vạn thọ, Nguyên đán, Đoan dương ở trước sân cung điện và trước Ngọ Môn, lệ có treo đèn lồng, cũng bỏ.

Tiết Vạn thọ. Hằng năm, vào ngày hôm trước, treo cờ khánh hỉ ở trên kỳ đài, đốt 1.000 ngọn đèn đĩa ở phía trước kinh thành; đến hôm chính ngày lễ, ở nhà Duyệt Thị thì có múa bát dật, hát bội; ở đài phía nam thì đốt cây bông, múa bài bông.

Bộ Hộ bàn định rồi tâu: “Minh Mệnh năm đầu [1820], có lệ định về các thuyền buôn ngoại quốc đi tới các địa hạt: thành Gia Định cũ thì đánh thuế toàn ngạch; còn từ tỉnh Bình Thuận trở ra Bắc, chiếu theo ngạch thuế đánh ở Gia Định, mà giảm dần hoặc 2 phần, hoặc 3, 4 phần không giống nhau: Đó vì Gia Định là nơi buôn bán sầm uất, còn các hạt khác thì chỗ nhiều chỗ ít khác nhau, nên chiết trung, châm chước, định ra phân số có hơn kém nhau. Nhưng, gần đây, từ Bình Thuận trở ra Bắc có đường biển thuận lợi, thuyền buôn qua lại ngày một nhiều, Nam Định và Hà Nội lại không kém gì Gia Định, nếu cứ nhất khái theo như lệ trước, chẳng hoá ra như người đánh dấu vào thuyền để tìm gươm ư? Vậy xin từ nay, hễ các thuyền buôn ngoại quốc đến buôn bán, thì ở 6 tỉnh Nam Kỳ cứ theo như lệ thành Gia Định cũ, tính thước đánh thuế toàn ngạch. Còn về Tả Kỳ (Tả Kỳ: chỉ tỉnh Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận và Khánh Hoà.) từ Bình Thuận trở ra, đến Quảng Nam thuộc Nam Trực (Nam Trực: chỉ Quảng Nam, Quảng Ngãi.), về Bắc Trực (Bắc Trực: chỉ Quảng Trị, Quảng Bình.) từ Quảng Trị trở ra đến Ninh Bình thuộc Bắc Kỳ, đều chiểu theo ngạch thuế Nam Kỳ, giảm 1 phần 10. Đến như Nam Định, Hà Nội và các tỉnh ngoài ở Bắc Kỳ, đều đánh thuế toàn ngạch như Nam Kỳ. Duy Thừa Thiên là nơi kinh đô, sự thể không giống với các hạt khác, xin theo như lệ trước, giảm 4 phần 10 so với Nam Kỳ. Còn đối với Ma Lục Giáp (Ma Lục Giáp: tức là Malắcca, một nước nhỏ thời xưa, ở về phía tây nam bán đảo Mã Lai, cư dân là người Mã Lai.), trước đây đánh thuế như ở các xứ Quỳnh Châu, Lôi Châu và Chà Và, nhưng nay Ma Lục Giáp đã là thuộc địa của Anh Cát Lợi, thì xin đánh thuế như các nước ở Tây dương, bắt đầu thi hành từ tháng giêng năm Minh Mệnh thứ 16 [1835]”.

Vua cùng bộ Binh bàn về tình hình nước Xiêm : “Vả, phong tục của họ như: hằng năm, đến ngày lễ “Làm phúc”, họ đem vàng bạc chặt ra từng tấc từng phân, vứt ra cho các quan tranh nhau nhặt lấy thì còn ra lễ nghĩa gì? Lại còn lấy hoa quả tung ra cho mọi người tranh nhau cướp, thậm chí giẫm, đè lên nhau mà chết bẹp. Làm phúc như vậy kể cũng quái gở! Họ lại nói: họ có một thứ ngọc, hễ đeo vào người, không bị trúng đạn. Ta đã lấy ngọc ấy đeo vào cổ một con vịt rồi bắn thử thì vịt chết."

=))



Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.