Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Chép vụn 5
Trường An February 26th, 2014

1830-1832

Những năm sau này đánh dấu sự thay đổi rất lớn của MM, đặc biệt về tôn giáo và thái độ với các quần thần.

Về tôn giáo, cần nhắc đến những biến loạn tại nước Pháp và châu Âu, đặc biệt là cuộc CM Tháng Bảy năm 1830. Lưu ý là bên cạnh MM có khá nhiều người Pháp, và MM cũng đã tỏ ra biết khá rõ về cuộc CMTS Pháp trước đó. Những chính sách bài Thiên Chúa giáo của MM xuất hiện ngay vào 1831-1832 hẳn không phải là trùng hợp tình cờ.

Cuộc CM Tháng Bảy của Pháp nảy sinh từ Lệnh cấm báng bổ Thiên Chúa giáo do nhà vua Charles X đặt ra, trong đó cấm bất cứ hình thức báng bổ thần thánh (Thiên Chúa) nào, từ nghĩa đen đến nghĩa bóng, và đặt mức độ xử phạt khác nhau - Nặng nhất là tử hình. Cùng với món nợ lớn mà nước Pháp phải chịu sau chiến tranh thời Napoleon, người dân lại tiếp tục lật đổ nhà vua. Có hơn 3000 người chết trong cuộc nổi dậy này.

Sự biến này đã kéo theo cuộc nổi dậy vào tháng 8 ở Brussels và miền Nam Hà Lan có dân cư phần lớn thuộc Thiên Chúa giáo đòi độc lập với chính phủ Tin lành, dẫn đến thành lập nước Bỉ. Ở Ý và Ba Lan cũng có những cuộc nổi dậy tương tự. Cả châu Âu bị cuốn vào cuộc xung đột tôn giáo lần nữa sau thời kỳ Kháng cách.

Thời gian này cũng là lúc những thuộc quốc đấu tranh tách rời khỏi các đế quốc lớn ở châu Âu, thành lập những quốc gia nhỏ độc lập (như hiện nay). Cuộc CM Công nghiệp kéo theo hàng loạt cuộc nổi dậy lớn nhỏ của công nhân, đặc biệt là ở Pháp - Dẫn đến kết quả là Cách mạng mùa xuân năm 1848.

Hoạt động cấm đạo bắt đầu được thực hiện:

Phủ Thừa Thiên có dân xã Dương Sơn (thuộc huyện Hương Trà) mê hoặc đạo giáo Gia tô đã lâu, xây nhà thờ, thờ thiên chúa, suy tôn người Tây dương là Phan Văn Kinh làm đạo trưởng, họp nhau giảng đạo cầu kinh. Việc phát giác. Quan phủ [Thừa Thiên] gọi cả đến công đường khuyên bảo lại đến hai, ba lần, rút cục vẫn không có một người nào chịu bỏ đạo. Vua giao xuống bộ Hình bàn xử. Bộ xin kết án tên thủ phạm là lý cựu Phạm Văn Khoa phải tội giảo giam hậu (Giao giam hậu: tội bị thắt cổ nhưng còn được giam lại, đợi vua quyết định.), tòng phạm là lý trưởng Trần Văn Tài bị tội mãn lưu (Mãn lưu: tội bị đày xa hơn 3.000 dặm và phải làm việc khổ dịch trong 10 năm (theo Từ nguyên), Vũ lâm phó đội là Trần Văn Sơn bị cách chức, cùng với 13 người lính, đều bị đóng gông 1 tháng, khi mãn hạn phải đánh 100 trượng, rồi phân phát đi làm lính ở các nơi Quảng Ngãi, Thanh Hoa. Ngoài ra đàn bà đàn ông ở dân ấy bị đánh roi, đánh trượng rồi tha. Đạo trưởng Phan Văn Kinh thì tâu xin xử tội giảo giam hậu, đợi lệnh, nhà thờ đạo thì dỡ đi. Lời nghị tội ấy dâng lên, vua cho được giảm : Trần Văn Tài phát vãng sung quân ở Trấn Ninh, Phan Văn Kinh vì là người ngoại di ở phương xa, chưa thuộc pháp độ, được gia ơn cho làm lính ở phủ Thừa Thiên, nhưng bị quản thúc nghiêm ngặt hơn không cho ra ngoài để truyền giáo. Còn các binh lính là bọn Trần Văn Sơn, những ai đi Quảng Ngãi, gọi là “Phục nghĩa binh”, những ai đi Thanh Hoa, gọi là “Phục hoa binh” để phân biệt với các hạng lính khác.

Biền binh ở các ty, Cảnh tất, Loan nghi thuộc vệ Loan giá có người theo đạo Gia tô. Vua nghe thấy, nói rằng: “Đạo Gia tô, ta cho là chỉ có lũ ngu mới bị mê hoặc, không ngờ ngay ở bên tả hữu ta cũng có kẻ tin theo, thật rất đáng lạ”. Vua bèn sai bộ Hình bắt để trị tội.

Vua đặc cách tha tội cho họ, nhân dụ bộ Hình rằng: “Đạo Gia tô nguyên từ người Tây dương đem vào truyền bá đã lâu, dân ngu phần nhiều bị mê hoặc mà không biết hối. Thử nghĩ: cái thuyết thiên đường, tóm lại chỉ đều là chuyện hoang đường, không có bằng chứng. Hơn nữa không kính thần minh, chẳng thờ tiên tổ, rất trái với chính đạo. Thậm chí lập riêng nhà giảng tụ tập nhiều người, cám dỗ dâm ô phụ nữ, lừa gạt lấy mắt người ốm. Những việc trái luân lý, hại phong hoá, điều ấy kể ra còn nhiều, thực đã phạm đến pháp luật. Đạo ấy lại quy là tà thuật hơn đạo nào hết."



Đồng thời, năm 1830 đánh dấu có 10.000 thùng thuốc phiện được bán ở TQ. Điều này dẫn tới hàng loạt chỉ dụ của MM về thuốc phiện, ngày càng nghiêm khắc hơn. Hoạt động của cướp biển cũng ngày càng ác liệt hơn. Không rõ vì lý do gì, có thể sau sự kiện của Trần Nhật Vĩnh, thái độ của MM với LVD thay đổi. Đặc biệt sau này, nhiều án tham nhũng, làm trái pháp luật của quan lại ở Gia Định phát ra, LVD tuổi già thất bại trong cuộc tiễu trừ cướp biển Chà Và. Trong cuộc tiễu trừ cướp biển, quan tướng GĐ cũng không thành công. Sự buôn lậu gạo, thuốc phiện ở GĐ cũng vượt khỏi tầm kiểm soát. Thái độ của MM với GĐ ngày càng bực bội hơn, bắt đầu châm biếm LVD từ chuyện lặt vặt trở đi.


Trấn thủ Phiên An Nguyễn Hữu Thuyên, Hiệp trấn Phạm Vũ Phác, nguyên thự Tham hiệp Nguyễn Thừa Giảng, vì xử án không đúng bị dân trong hạt kiện, vua ra lệnh đều phải giải chức, đợi xét xử.

Thự Hiệp trấn Bình Thuận là Lê Hữu Đức bị lỗi, phạt xuống đến 5 cấp, giáng bổ làm Hàn lâm viện Tu soạn.

Vua nói rằng: “Những vật nhà nước cần dùng không thể thiếu được. Những sản vật các địa phương sản xuất, không mua ở dân thì lấy đâu cho đủ dùng. Chỉ sợ hữu ty không biết giữ lòng công theo pháp luật mà thôi. Như năm trước mua đậu khấu mỗi 100 cân trả đến trên dưới 150 lạng bạc, thế mà bảo hộ Chân Lạp là Nguyễn Văn Thuỵ cùng phạm viên là Trần Nhật Vĩnh chỉ trả 50, 60 lạng, lại còn nói tự xuất của nhà để cấp thêm. Bọn ấy đã mưu gian cho đầy túi, lại đổ lỗi cho bề trên, thì dân mọn ở biên thuỳ còn trông mong gì nữa. Trẫm đã từng mạt sát mối tệ, đinh ninh răn bảo, không biết Hộ tào ngày nay là Ngô Bá Nhân đã biết soi gương ấy hay chưa!”.

Giặc biển Chà Và nổi Trẫm ở ngoài biển Phù My trấn Bình Thuận cướp bóc thuyền buôn rồi đi. Thành Gia Định cũng dâng sớ báo rằng các hạt Biên Hoà, Vĩnh Thanh, Hà Tiên đều có thuyền giặc đi lại cướp bóc của cải và thuyền của nhân dân.

Chưởng Tả quân, lĩnh Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt chết. Truy tặng Tá vận công thần, Đặc tiến Tráng võ tướng quân, Tả quân Đô thống phủ, Chưởng phủ sự, Thái bảo, Quận công, thuỵ Uy Nghị. Ban cho 10 cây gấm màu, 10 tấm nhiễu màu, 3.000 quan tiền, trước hãy ban một tuần tế, đến ngày an táng lại cho một tuần tế nữa. Rồi đó, sắc cho hai vệ Tả bảo nhất và Tả bảo nhị thuộc Tả quân đồn thú ở thành Gia Định rút về hàng ngũ ở Kinh, vệ Minh nghĩa rút về tỉnh Quảng Ngãi, chia bổ vào 6 cơ Tĩnh man, còn lính trước ở cơ An thuận thì cứ cho lưu lại liệu bổ vào các đội Tả sai, Tả thuận, đợi sau khi an táng Lê Văn Duyệt xong thì về Kinh. Bọn thuộc binh, viên tử, hào mục của Duyệt thì sung bổ vào chân khuyết trong cơ đội ở thành, ai muốn về quê quán thì giao sở tại ghi vào sổ để chịu sai dịch.

Lê Văn Duyệt nguyên Tổng trấn Gia Định, có giấu riêng 1 thớt voi. Bộ Binh xét rõ, đem việc tâu lên. Vua dụ Nội các rằng: “Voi trận không như trâu ngựa, tư gia sao được nuôi riêng. Lê Văn Duyệt ương bướng, tự phụ, cậy công kiêu rông, thiên lệch, nghe theo lời nói của tiểu nhân, liều lĩnh dám làm, thực có can phạm pháp luật. Các tào ở Gia Định thành đều có biết cả sự việc, nếu vì sợ quyền thế đè nén, không thể can ngăn được, thì cũng nên làm tập tấu kín dâng lên, chứ sao lại cam lòng hùa theo, một loạt bưng mồm nín lặng? Đáng lý phải nên trị tội, song vì Duyệt đã chết rồi, nên cho miễn nghị tội. Các tào cũng được gia ơn rộng tha, nhưng phải truyền chỉ nghiêm quở."



Bắt đầu thực hiện hình lệnh khắc nghiệt:

Vua bảo hộ Hình rằng: “Trước đây binh dịch ở kho cho đến quan lại trông coi thông đồng làm bậy phát ra thì nhẹ tay, đong vào thì nặng tay, lợi mình, thiệt người, cái gì cũng làm! ta vẫn biết rõ hết nên khi việc phát ra tất trị tội nặng để răn kẻ điêu ngoa. Lại nghĩ đổi lại cách thức cái hộc, cái phương đặt làm quy chế lâu dài. Chẳng ngờ một tấm khổ tâm của ta lo nghĩ vì quan quân, dân chúng đặt ra khuôn phép tốt lành để tỏ sự tin thực công bằng ấy lại bị bọn kia dám dở nhiều ngón, xảo trá xoay cách vơ vét, thật đáng căm giận xiết bao! Tên chính phạm Đinh Văn Tăng, tội chết có thừa, chuẩn cho lập tức chém đầu đem bêu và chặt một bàn tay, ướp muối phơi khô, rồi treo lên mãi mãi, để quan lại binh lính chức dịch trông thấy sờn lòng, không dám phạm nữa, cho hợp với ý lập pháp của đế vương xưa: dùng hình phạt để mong đi đến chỗ không cần hình phạt nữa. Bọn lại coi kho là Nguyễn Danh Chấn hằng ngày cùng nhau làm việc, hẳn có dự vào tham tang, bọn ấy đều là lũ dạy khỉ leo cây, đều bị tội giảo nhưng còn được giam để đợi lệnh. Suất đội Nguyễn Viết Tân có trách nhiệm kiểm soát, há lại không biết rõ tình trạng, vậy phạt 100 trượng, đồ 3 năm; 40 người lính coi kho cùng một tội ác, dựa nhau làm gian, há có thể nghe cho chối cãi. Vậy đều đem đóng gông để ở cửa kho 1 tháng, khi hết hạn đánh 100 trượng, đuổi về hàng ngũ cũ, phái lính khác đến thay. Đoàn Văn Chử bí mật do thám được sự thực thì thưởng 20 lạng bạc, ghi tên để bổ chánh đội trưởng. Bố chính Lê Nguyên Hy vì không xem xét phải giáng chức. Lại có hai kho Xích Đằng ở Sơn Nam và Hải Dương bọn lại viên và người coi kho đem cái quan hộc kiểu mới tháo ván đáy ra, đẽo trũng rồi lắp vào; lại nặng tay ấn gạo xuống, gạt ngược để lạm thu. Vua bèn đặc cách sai chủ sự bộ Hộ là Trần Ngọc Hà đến hội với quan tỉnh Hưng Yên xét xử vụ án này. Khi án xong, bọn Nguyễn Đình Hiển và Lê Văn Thanh đứng đầu đều bị chém bêu đầu và đục lấy mỗi bên một mảnh xương sọ, phơi gió cho khô, treo ở cửa kho mãi mãi, để răn người khác, còn thì xử chém, thắt cổ, sung quân và phát lưu có thứ bậc khác nhau. Thưởng cho Nguyễn Văn Nghị 20 lạng bạc. Còn quan trấn ở hai nơi ấy đều bị giáng chức. Tự đó kho ở Hưng Yên, dân đều nộp tô thuế, tuyệt không có kẻ làm khó dễ để sách nhiễu nữa.

Được tin ấy vua bảo quần thần rằng: “Ta muốn trị kẻ có tội để ngăn ngừa khỏi mắc tội, bất đắc dĩ mới dùng hình phạt tàn khốc ấy. Nay tệ ấy do đấy quả đã trừ được. Ôi! lấy một mảnh xương sọ mà cứu được ức muôn người khỏi khổ luỵ, thì dù có mang tiếng là hình phạt tàn khốc cũng không hề gì!”.

Trần Quang Tĩnh, nguyên Bắc thành Binh tào Tham tri kiêm lĩnh Đê chính, trước kia vì đê Sơn Tây vỡ, bị tội đồ và phải đền tiền hơn 1.600 quan, giao thành Gia Định giam và truy thu, mới được hơn 400 quan. Đến nay tuổi gần 70, Tĩnh không có sức bồi thường được nữa, quan thành Gia Định vì Tĩnh mà trần tình tâu lên. Vua tha cho.

Lại truyền dụ cho các nha môn trong Kinh và ngoài các tỉnh đều biết: từ nay về sau ai nấy nên một mực giữ lòng công bình trung chính, bỏ hết tình diện nể nang. Này, bè bạn dẫu là một trong ngũ luân, nhưng ý nói của thánh nhân, là chỉ về lúc người ta chưa ra làm quan! Khi chưa làm quan thì không có những sự phát giác tham hặc về việc công, chỗ bạn hữu còn có thể lấy tình nghĩa mà chơi với nhau, thương yêu nhau và giúp đỡ nhau. Một khi đã dâng lễ tương kiến để làm tôi, thì vì nước quên nhà, vì công quên tư, dẫu đến vợ con thân mình và nhà mình, khi gặp việc nghĩa phải làm, người xưa phần nhiều không nghĩ đến tình riêng, phương chi là bè bạn. Vả lại, cái hoạ bè đảng, các đời Hán, Đường, Tống và Minh, gương sờ sờ còn đó. Xét ra, lúc đầu chẳng qua giao du trò chuyện, hoặc chuốc tiếng mua ơn, cho người ta thân thiết với mình để một ngày kia giúp đỡ nhau; về sau thói quen ngày càng ăn sâu: bênh vực bè đảng, đả kích người ngoài, mọi việc che đậy, nịnh bạn, dối vua, rồi mắc tội không thể tha thứ! Đó há không phải là do ban đầu, chưa trừ bỏ cái tệ nể nang, để đến nỗi mắc phải tai hoạ không thể lường được ấy? Thử nghĩ: phải tội với trời còn không thể kêu cầu đâu được, huống hồ là bè bạn ư? Chẳng qua lòng riêu kéo bè, làm việc mờ tối, lại càng dắt nhau xuống giếng nào có ích gì?

Người Bình Định là Lê Văn Lễ làm thư nặc danh tố giác bọn Nguyễn Văn Thể che giấu nòi giống Tây Sơn là Nguyễn Văn Lương (con Nguyễn Văn Nhạc) và Nguyễn Văn Trượng (con Nguyễn Văn Đức, Đức là anh tên Lương). Quan trấn thần bắt được bọn Thể, nghiêm giam rồi mật tấu lên. Vua sai ngay Tả tham tri Hình bộ là Trương Minh Giảng lĩnh cờ bài khâm sai, đem theo thuộc viên ở bộ và trấn phủ vệ Cẩm y đến nơi để tra xét. Những tên phạm bị bắt đều nói rằng hai tên Lương và Trượng nghe tin lùng bắt đã trốn đi, nếu không ở Thạch Thành trấn Phú Yên, thì ở trong hạt Gia Định. Giảng tâu rõ duyên do. Vua bèn sai truyền chỉ cho các quan địa phương từ trấn Phú Yên trở vào Nam đến Gia Định, cho đi mọi nơi dò bắt, lại treo giải thưởng cho quân dân ai bắt được hai tên phạm ấy giải nộp quan thì thưởng cho 100 lạng bạc, thám báo được sự thực thì thưởng cho 50 lạng bạc, nếu dung ẩn và dẫn đường cho phạm đi trốn thì xử cùng tội.

... Lại sai đình thần xét lại án của dòng dõi nguỵ là Nguyễn Văn Lương, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Văn Đâu, đều chém ngang lưng, ném thây xuống bể, thân thuộc và con gái của nguỵ cùng con của đồng đảng nguỵ là Trần Quang Tồn (con nguỵ Thiếu phó Trần Quang Diệu), kẻ phạm tội chứa chấp nguỵ là Nguyễn Văn Thể cộng 15 tên đều trảm quyết. Những thân thuộc của nguỵ còn nhỏ tuổi và Lê Thiện Anh khinh thường thả dòng dõi nguỵ, Trần Văn Tha tri tình mà cố ý tha, cộng 14 tên phạm đều phải án chém nhưng được giam đợi lệnh. Lại phát vãng làm quân, làm nô lệ, và bị tội đồ, tội lưu tất cả hơn 40 tên phạm. Còn bao nhiêu đều tha.

“Vua tôi nghĩa như xương thịt, lúc nhàn rỗi vui cười có ý kiến gì cứ nên bày tỏ thẳng, Trẫm há lại lấy văn tự mà tranh hay với thần hạ sao? Đời trước Tuỳ Dạng Đế nhân câu “Không lương lạc yến nê” (Không lương lạc yến nê: bùn chim én rơi ở nhà vắng vẻ.) của Tiết Đạo Hành mà sinh lòng ghét, Trẫm rất khinh bỉ. Phàm vua mà mở lòng dung nạp, thì tài trí của thiên hạ đều là tài trí của mình. Vì bằng thánh như Nghiêu Thuấn, nếu không biết nghe người nói, nộp lời can ngăn, bỏ ý riêng theo người, thì dẫu có các quan như tứ nhạc(Tứ nhạc: chỉ chư hầu bốn phương.) cửu mục ( ửu mục: chỉ mục bá ở chín châu.) thì có ai ra sức trung thành với mình”.

Đắp thành đất 10 phủ ở Bắc Kỳ.

"Nhân nghĩ nhà nước đặt phép cốt lợi cho dân, mà thưởng phạt cũng là phép thường. Bọn phái viên nếu một niềm công trung, giữ theo pháp luật, không đua nhau lấy lợi nhỏ, mà sách nhiễu ngoại lệ, khiến người ta vui vẻ đi lại mà thuế nhà nước được thêm thì cũng nên khen thưởng để khuyến khích. Nếu có thể khoe khoang thanh thế, ráo riết lạm thu, lái buôn lớn thì sợ đi lại, dân buôn nhỏ thì phải nộp đến kiệt quệ đến nỗi thuế khoá vì thế mà tăng giảm, những vết xấu ấy cần phải nghiêm trị để nêu điều trung chính mà răn kẻ tham ô."

Thị lang Nội các là Phan Thanh Giản và Trương Đăng Quế dâng bài tụng đại khánh, thuật các công việc tự lúc vua lên ngôi đến nay, siêng lo chính trị làm gốc để được phúc hưởng thọ. Vua phê: “Bọn ngươi không lo cố gắng làm hết chức phận, cứ ngày thêm lầm lỗi, nay lại làm bài văn vô dụng này đối với lầm lỗi có bổ ích gì? Trẫm có thích nịnh ngoài mặt đâu? Vậy ném trả lại và truyền chỉ quở mắng”.

Bộ Hình dâng án ăn trộm. Người phạm ấy giữa ngày khánh tiết ăn trộm ở trước thể lâu. Vua ghét quá, sai cắm tên nỏ vào hai tai dắt đi dong phố cho mọi người biết. Lại đánh 100 côn hồng, xử tội trảm giam hậu.

Tiết Hạ chí, Khâm thiên giám suy nghiệm độ cao của mặt trời ở kinh sư để tiến lên. Vua dem bản vẽ chỉ bảo cho, mới biết là sai. Dụ rằng: “Bọn ngươi chức vụ là việc xem xét khí tượng mà không có kiến thức đích xác như thế, đáng lẽ giao nghị tội, nhưng còn nghĩ trước đây suy toán phép lịch biết được giây phút nguyệt thực lại tròn và trích ra được chỗ lầm của người Thanh cũng là đáng khen, nay hãy miễn cho. Sau này phải cho tinh tường hơn, không có một chút sai lầm mới được”.

Thự Tham tri Hình bộ là Nguyễn Công Trứ tâu rằng: "Từ Vĩnh Thanh trở về Nam đến Hà Tiên, đất rất màu mỡ, mà những ruộng cấy lúa được chưa khai khẩn hết. Xin đem các tù phạm an tháp ở đấy". Vua nói rằng: "Ngươi mới biết được một, chưa biết được hai. Hà Tiên là chỗ biên thuỳ, tiếp giáp nước Xiêm, nếu thả cả bọn tù phạm ra đấy, quan sở tại quản thúc có chỗ không chu đáo, một khi chúng trốn đi, ở nước ta thì chúng là người có tội, đến nước khác thì chúng lại là người có công, tệ hại sẽ không nói xiết". Rồi các địa phương liền theo nghị dồn bổ làm binh, dâng sớ tâu lên. (Quảng Ngãi thì đội Quy Ngãi; Bình Định thì 2 đội Bình Thiện; Phú Yên thì 5 cơ đội Yên Man; Bình Hoà thì 2 đội Hoà Thiện; Bình Thuận thì 2 đội thuộc binh; Phiên An thì đội An Lương; Vĩnh Thanh thì đội Vĩnh Lương; Định Tường thì đội Tường Mỹ, Hà Tiên thì đội Biên Lương; Nghệ An thì phủ Trấn Ninh 3 đội Ninh Thiện, phủ Tương Dương 3 đội An Thiện, Thanh Hoa thì 2 đội Thiên Thiện, Nam Định thì đội Hướng Thiện).

Vua dụ bộ Hộ rằng: "Nhà nước đúc tiền cho dân đủ tiêu dùng. Lại sợ dân ngu thấy lợi mà dễ phạm phép, cho nên có luật cấm đúc tiền trộm, phép nước rất nghiêm, là để dứt hẳn cái tệ điêu bạc. Nay lại nghe nói người nước Thanh đúc tiền ở nước ấy đem đến trộn lẫn để dùng khiến hàng hoá đắt mà tiền rẻ, có lẽ cũng do cớ ấy. Vậy hạ lệnh cho quan Bắc Thành nghiêm sức cho hạt duyên biên, phàm chỗ giáp giới nước Thanh, đường thuỷ, đường bộ, cửa ải, bến đò phải tìm cách dò thám, nếu có kẻ chở tiền kẽm từ nước Thanh đến thì bắt trị tội".

Bắc Thành lấy học trò trong hạt thành là bọn Hoàng Bỉnh Dy và Ngô Thập sung vào ngạch cống cử, bộ Lễ tâu rằng Bỉnh Dy là dòng dõi Hoàng Ngũ Phúc, Thập là em Ngô Hiệu, Ngũ Phúc có tội với bản triều, Hiệu thì có tên ở sổ nguỵ, Dy Thập không nên cho đứng hàng ngang với kẻ sĩ áo xanh. Vua bảo rằng: “Nhà nước đã có thể thống hà tất bo bo giữ hình tích làm gì. Vả bội nghịch vô đạo như Tây Sơn còn không nỡ giết hết cả họ, nữa là Hoàng Ngũ Phúc và Ngô Hiệu, tội chỉ ở bản thân nó, chứ con cháu thân thuộc có can gì. Không nên quá câu nệ. Hoàng Bỉnh Dy và Ngô Thập có thể đều cho Giám thần xét hạch, nếu dự trúng cách thì cũng cho học ở Quốc tử giám.

Vua dụ: “Trẫm rất thích thơ cổ hoạ cổ, cùng sách lạ của cổ nhân, mà chưa tìm được nhiều. Bọn ngươi nên để lòng tìm mua đem về dâng. Vả lại Trẫm nghe nói những nhà quan ở Yên Kinh nhiều người chép sách riêng, nhưng vì việc quan thiệp đến nhà Thanh, cho nên chỉ chứa riêng ở nhà, chưa dám đem ra khắc in. Bọn ngươi nếu thấy những sách loại ấy dẫu còn là bản thảo cũng không kể giá đắt cứ mua”.

Vua lại bảo bộ Binh rằng: “Địa thế nước ta ở ven biển, vốn lấy thuỷ quân làm món sở trường. Nhà Lê xưa không phòng thuỷ chiến, đến nỗi bại vong. Tây Sơn sau khi được nước cũng coi khinh thường không chịu thao luyện cho tinh. Thuỷ quân của Hoàng khảo ta tiến một trận giặc liền tan vỡ, dư uy lừng lẫy, cũng vì cớ đó. Nay tuy gặp buổi thanh bình, thuỷ quân càng không thể coi thường được. Nên bắt thao diễn luôn để ngày thêm tinh thục rồi cho tuần xét ngoài mặt biển để dẹp yên giặc biển, thế cũng là làm một việc mà được hai.

Tham hiệp Quảng Nam Nguyễn Đức Hội bị tội, phải cách chức. Hội cư xử trong gia đình không có khuôn phép. Người vợ bị đuổi, vào kêu ở Kinh. Đình thần bàn rằng Hội là người giữ việc nuôi dạy dân mà không cảm hoá được một người đàn bà, làm nhục cả đám quan thân (Quan thân: quan là mũ; thân là dải áo. Quan thân chỉ vào bọn làm quan.). Xin giải chức giao trấn xét hỏi. Hội cuối cùng bị cách chức, phái theo bộ Lễ sai phái gắng sức làm việc chuộc tội.

Các hoàng tử hoàng nữ thấy mùa hạ nóng nực nhiều người bị ốm, xin tự xuất thuốc men, sai thầy thuốc đặt nhà phát thuốc không lấy tiền ở những chỗ đông đúc trong kinh thành để phát thuốc cho người ốm. Vua cho làm.

Vua dụ bộ Công rằng: “Bắc Thành thống hạt 11 trấn, từ trước đến nay chỉ có một đường cái quan từ Sơn Nam trở lên bắc đến Nam Quan. Những chỗ khác trấn tiếp giáp nhau, còn nhân đường nhỏ của dân gian mà đi lại cũng vẫn chưa có đường lớn giao thông. Giả sử khi có việc cần cấp, sao khỏi trở ngại chậm trễ được? Vậy tư cho quan thành căn cứ vào các trấn lỵ, chỗ nào có thể mở đường cái to, khiến cho khi có việc công, tiện thông báo lẫn cho nhau và liên lạc tiếp ứng với nhau để chặn bắt giặc cướp. Lại ngay từ các trấn lỵ hoặc nhân đường mới này, hoặc mở đường khác, xem có thể chạy ngựa trạm đến thẳng kinh đô, thì lập tức sai sở tại xem xét tình thế, liệu chỗ đặt nhà trạm, rồi vẽ thành bản đồ, báo về bộ để tâu lên”.

Viên phân châu Khâm châu nhà Thanh, đưa thư cho tỉnh Quảng Yên nói giặc biển quấy nhiễu, có bọn thuyền buôn nhà Thanh là Trần Kim Phát, tình nguyện tự xuất công, xuất của ra biển nã bắt, đã được cấp giấy chấp chiếu cho phép không phân biệt bờ cõi, cứ việc đuổi bắt, mong rằng bên ta xét rõ không nên ngăn trở nhau. Thự Tuần phủ Lê Đạo Quảng cho là việc có quan hệ biên phòng, bèn tâu rõ lên, xin chỉ định đoạt. Vua dụ rằng: “Hải phận nước ta, dẫu giáp liền với nhà Thanh, nhưng bờ cõi đã có ranh giới rõ ràng sao lại nói là không phân biệt được? Ví phỏng bắt giặc, thì đôi bên đều phái binh thuyền, hải phận mình mà chặn bắt, thì giặc còn trốn đi đâu ? Há nên tính sẵn đến bước phải vượt bờ cõi của nhau ư?”. Vậy lập tức sức cho thổ Tri châu ở Vạn Ninh phải chiếu theo bản thư phúc đáp của bộ gửi đến mà viết tinh tả để trả lời. Từ nay về sau có việc gì trọng đại, quan hệ đến quốc thể mới được tâu lên. Còn việc tầm thường như việc này thì cứ tự đi trả lời quyết không có lý nào chiều theo lời xin của họ. Cứ việc một mặt tâu trình đầy đủ, một mặt thi hành cũng chẳng hại gì chứ  không nên loanh quanh kêu xin đợi lệnh, chỉ thêm chậm trễ ra thôi!”.

Đổi trấn Thuận Thành làm phủ Ninh Thuận. "Nay đương lúc nước nhà đã thống nhất, thanh danh văn hoá đã mở mang, tức như phủ Tương Dương ở Nghệ An; phủ Cam Lộ ở Quảng Trị đều đã đặt ra phủ, huyện, chia bổ quan chức. Đến như các phủ đất mới mở cũng đã bỏ thổ quan đặt lưu quan, mọi việc đều được sắp xếp đâu ra đó. Thế mà một hạt Thuận Thành phong tục vẫn nguyên như cũ hình như chỉ tạm ràng buộc, e chưa hợp với nghĩa đồng đều chung một phong tục. Vậy xin đặc cách sai quan Kinh một phen kinh lý để cho sự thể được giống như người Kinh”.



Thuyền buôn của Đô-ô-chi Ly người nước Pháp bị bão chìm ở phận biển Đà Nẵng. Nhà vua sai tỉnh Quảng Trị cấp cho 100 quan tiền 50 phương gạo, tìm chỗ cho ở. Nhân tiện cho đi về nước.

Phái viên thuyền Phấn bằng là bọn Vệ uý Trần Văn Lễ và Thị độc Nguyễn Tri Phương tự Tiểu Tây dương về, đem ngựa thiên mã (cao hơn 3 thước 7 tấc) Tây Vực dâng lên. Có người ở trận Bình Hoà tên là Du Gi lưu ngụ ở nước ấy gần 50 năm, đến bây giờ theo thuyền quan về, cho tên là Nam Phúc, trao chức Chánh đội trưởng, sung ty Hành nhân.

Binh thuyền của nước Phú Lãng Sa đến đậu ở cửa biển Đà Nẵng, nói là vâng mệnh vua nước họ, muốn được một viên quan ở nha Thương bạc đến nói chuyện. Vua sai sung biện Nội các Thị giảng học sĩ Nguyễn Tri Phương đến để dò hỏi, thuyền trưởng nhất định không nói. Lại sai Thị lang Trương Đăng Quế quyền chức quan Thương bạc đến. Thuyền trưởng ấy nói rằng vua nước ấy muốn cùng nước ta giao hiếu, nhưng xa cách biển khơi không đạo đạt được, nay nghe tin nước Hồng Mao mưu đồ xâm lất đất Quảng Đông (Trung Quốc), thế tất rồi cũng lan đến nước ta, nên vua nước ấy sai đến báo tin dặn ta đừng giúp Quảng Đông.

Trương Đăng Quế về tâu, vua cười nói rằng: “Nước ấy muốn mượn việc đó làm ơn với ta để mong đạt kế muốn giao hiếu đó thôi. Nước Hồng Mao mưu lấn nước Thanh, có can thiệp gì đến ta”. Lại sai Nguyễn Tri Phương đến bảo cho họ biết. Khi Tri Phương đã về thuyền ấy vẫn còn dùng dằng chưa đi, tự tiện lên núi Tam Thai (Tam Thai: núi Non nước.) để xem xét, lại nói muốn được một người hoa tiêu cùng đi ra các hạt Bắc Thành để vẽ đồ bản. Viên tấn thủ báo về, bộ Binh tâu lên. Vua nói: “Vào nước người ta tất phải hỏi các điều cấm. Vượt qua hải phận còn có điều lệ nghiêm cấm huống chi muốn vào nước người mà vẽ địa đồ mang về sao họ vô lý đến thế ! Tấn thủ không biết lấy lời lẽ nghiêm nghị mà cự tuyệt, động một tý là tâu báo, sao lại không có định kiến như thế!”. Sai Tri Phương lại đến hiểu thị thuyền ấy mới đi. Bọn Thành thủ uý án thủ hai đài thành An Hải, Điện Hải là Lê Văn Tường, Thủ ngự Đà Nẵng là Nguyễn Văn Ngữ, Hiệp thủ là Trương Vân Loan, vì không ngăn cản được việc họ lên núi, đều bị cách chức.

Đúc súng bắn liền 4 phát mẫu tử liên châu. Vua khen tinh xảo, thưởng cho các thợ áo quần và bạc lạng theo thứ bậc.

Quốc trưởng nước Nhã Di Lý (Nước này ở Tây dương, hoặc gọi Hoa Kỳ, hoặc gọi là Ma Ly Căn, hoặc gọi là Anh Cát Lợi mới đều là biệt hiệu nước ấy) sai bọn bề tôi là Nghĩa Đức Môn La Bách Đại, Uý Đức Giai Tâm Gia (tên hai người) đem quốc thư xin thông thương thuyền ở cửa vụng Lấm thuộc Phú Yên. Vua sai Viên ngoại lang Nguyễn Tri Phương, Tư vụ Lý Văn Phức đi hội với quan tỉnh, lên trên thuyền thết tiệc và hỏi ý họ đến đây làm gì. Họ nói: “Chỉ đến vì muốn giao hiếu và thông thương” nói năng rất cung kính. Đến lúc dịch thư ra có nhiều chỗ không hợp thể thức. Vua bảo không cần đệ trình thư ấy. Rồi cho quan quyền lĩnh chức Thương bạc làm tờ trả lời. Đại lược nói: “Nước ấy muốn xin thông thương, cố nhiên là ta không ngăn trở, nhưng phải tuân theo pháp luật đã định. Từ nay, nếu có đến buôn bán thì cho đỗ ở vụng Trà Sơn, tấn sở Đà Nẵng, không được lên bờ làm nhà, vượt quá kỷ luật, rồi giao thư cho họ mà bảo họ đi”.



Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.