Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

81. Hải sầu ngư hữu lệ
Trường An in "Minh nguyệt 2" August 7th, 2019
  1. Hải sầu ngư hữu lệ, sơn hận điểu năng ngôn[1]
    (Biển sầu cá nhỏ lệ, núi hận chim biết nói)

 

Mùa xuân năm ấy, cô tình cờ gặp được Bạch Xuân Nguyên trong vườn Thiệu Phương.

Miên Liêu đã đến tuổi ra Dưỡng Chính đường học tập, cô đến thăm con thì bất ngờ bị công chúa Ngọc Thành và Ngọc Cơ kéo vào vườn Thiệu Phương. Thấy cô đi ngang, hai công chúa này đứng ở cổng vườn vẫy cô tới.

Khu vườn này nằm trong nội cung nhưng tiếp giáp với điện của nhà vua, ngài ta vẫn gọi quan viên, hoàng tử lớn vào uống trà nói chuyện. Quanh vườn không có lính canh, chỉ gồm nội giám và cung nữ trực ban. Thấy hai trưởng công chúa kia lôi lôi kéo kéo cô vào hiên Vĩnh Phương, bọn họ cũng chẳng nói gì. Ngọc Thành và Ngọc Cơ là hai trưởng công chúa duy nhất còn ở trong cung, danh thế lớn hơn cả các phi tần.

“Hôm nay ai đến đây thế?” Thấy Ngọc Cơ đóng cánh cửa hiên Vĩnh Phương, cô cười nói. Ngày đầu năm, cô nghe nói nhà vua đã định cho hai trưởng công chúa này hạ giá, lựa chọn Phò mã trong con trai các quan, viên tử ở Kinh. Hôm nay thấy hành động của bọn họ ở nơi nhà vua tiếp riêng khách quý, cô nghĩ đã biết ngay. Hẳn e thẹn nếu bị bắt gặp với lý do nấp nhìn xem Phò mã, họ mới kéo theo cô vào vườn, ra vẻ là một buổi trò chuyện của chị em.

“Không biết nên mới đến xem.” Ngọc Cơ cười nói. Vừa nói đến đấy thì họ đã nghe tiếng xôn xao bên ngoài cổng nối với Duyệt Thị đường. Nhìn qua tấm mành trúc, cô thấy nhà vua đi vào cùng một đám đông chừng gần chục người. Nhìn kỹ, cô hơi giật mình thấy anh em Hồ Văn Lưu, Hồ Văn Thập cùng Bạch Xuân Nguyên lẫn với các viên quan như Trương Đăng Quế, Lê Văn Đức.

“Đó là Nguyễn Hoàng Thành, con trai Tiền quân như người ta nói.” Ngọc Cơ thì thầm với Ngọc Thành, chỉ về phía một thanh niên có vẻ chân chất. Phò mã được chỉ hôn cho các cô hẳn phải khá trẻ, rất dễ nhận ra trong nhóm người này. Nhưng Nguyễn Hoàng Thành đã có vẻ nhỏ tuổi nhất trong bọn họ.

Các công chúa vẫn quan sát đám người, thì thầm với nhau, trong khi cô chú mục vào Bạch Xuân Nguyên. Vị Lang trung Hộ bộ này đang trở thành một cái tên được trọng vọng trong cả kinh thành. Sắp phải đi sứ sang Xiêm, nhưng khuôn mặt anh ta vẫn thản nhiên nghiêm lạnh, chẳng mấy khác với viên Văn hàn trong trí nhớ cô ở Bắc Thành.

Nhóm người vào điện Hoàng Phúc, vị trí ngồi của Bạch Xuân Nguyên chỉ dưới nhà vua, anh em họ Hồ ngồi cuối bàn cùng Nguyễn Hoàng Thành. Khu vườn này khá nhỏ, do đó tiếng nói của họ có thể vọng rõ đến nơi các cô ở.

“Đây là những câu hỏi bất ngờ triều Xiêm có thể đặt ra, bộ Lễ đã soạn lại, các quan nghĩ câu trả lời thỏa đáng nhất. Anh xem có thể bàn luận thêm được gì không?” Sau mấy câu chuyện phiếm, Trương Đăng Quế lấy ra một tập giấy đưa cho Bạch Xuân Nguyên. “Việc đi sứ cốt ở khôn khéo, không chỉ hoàn thành nhiệm vụ được giao mà nhất quyết không thể làm mất thể diện quốc gia mới được. Lê Nguyên Hy khi trước ở Xiêm bị vua Xiêm vặn hỏi liên tục nhằm đổ lỗi rằng chúng ta tìm cách gây sự trước, bây giờ sự thể với anh còn khó khăn hơn.”

“Đưa thư thì chỉ cần người, nhưng biện pháp vạn toàn thì phải nhờ cậy anh thôi vậy.” Lê Văn Đức im lặng một lúc chợt nói. Cô thấy anh ta đưa mắt cho nhà vua, rồi mới khẽ khàng tiếp. “Tôi là Tham tri Binh bộ, nhưng không hy vọng lần này sẽ phải xuất quân đâu.”

“Tôi hiểu.” Bạch Xuân Nguyên trầm ngâm đáp. Người quanh bàn đồng loạt im lặng khi nội giám cùng cung nữ đem trà nước tới. Chỉ có Nguyễn Hoàng Thành tuổi trẻ tính nóng không nhịn được mà cất lời.

“Lần này Xiêm vô cớ giết sứ, lấn chiếm đất ta, không đánh chúng một trận thì làm sao hả dạ được?” Cậu thanh niên có vẻ nóng nảy nói. Cô nghe tiếng cười khẽ như của nhà vua.

“Vì thể diện nên mới không thể bỏ qua, nhưng Xiêm hẳn cũng đang chờ ta tức giận mà đưa quân sang, hư biến thành thực, đúng biến thành sai. Quan hệ của ta với Xiêm bao năm nay, chính là chờ xem kẻ nào lầm lỗi trước.” Ngài ta hạ giọng. “Vả lại binh đao xưa nay là việc bất tường, không phải trò diễn trận đất mà hễ thích thì làm.”

“Đất Vạn Tượng sơn lam chướng khí nhiều vô kể, các đội quân trước phái đi chưa đánh trận nào đã ngã bệnh hàng loạt, ngay cả các quan viên cũng chết giữa đường.” Lê Văn Đức nhẹ nhàng nói như giải thích. “Ngoại trừ các quan tướng, có ai thích xảy ra việc binh đao liên lụy đến mình? Ta mới chẳng đặng đừng cử quân phòng thủ Tây thùy, A Nỗ sang xin quân còn không cho, thế mà đầu năm nay đã có kẻ dân mọn cuồng ngôn bảo rằng thiên tai nước lũ xảy ra vì động binh đấy.”

“Thật là lý do ngay trước mắt đấy thôi!” Trương Đăng Quế bật cười. Vài tiếng cười góp theo trong bàn nhưng chẳng có ý vui vẻ. Cô nhìn bóng lưng Bạch Xuân Nguyên, bàn tay anh ta nắm chặt tập giấy đến nổi gân xanh, tưởng như thấy cả gánh nặng ngàn cân trên vai anh ta.

Không muốn chiến tranh, nhưng thể diện thì không thể mất. Lời lẽ bức thư gửi cho triều đình Xiêm đầy lời trách móc, đòi người, yêu cầu trừng trị, bởi vì muốn đẩy hoàn toàn trách nhiệm gây chiến sang phía Xiêm La. Tuy nhiên, tháng chín năm ngoái, một trận lũ lớn chưa từng thấy quét qua Phú Xuân cùng các tỉnh phụ cận khiến gần một trăm người chết. Nước lũ Bắc Thành cao bất thường khiến mọi bờ đê đều trở thành vô dụng. Cơn lũ tàn phá khắp cả miền Bắc đất nước, tạo nên dư luận xấu đến mức một sĩ dân từ tận Nghệ An vào dâng sớ bảo việc động binh gây nên thiên tai, xin phân phong lại đất nước cho các quan. Tình hình này chẳng có lợi cho một cuộc chiến ngoài biên giới.

Thế nên họ chọn Bạch Xuân Nguyên, con người dường như không hề biết sợ, dường như coi bản thân mặc nhiên là chính nghĩa đường đường, để sang Xiêm trách tội và đòi người. Như thế, nhà vua vừa có thể xoa dịu phe phái chủ chiến trong triều đình, vừa tìm được đường lui trong cuộc chiến không mong muốn. Bạch Xuân Nguyên sẽ phải tìm đường sống trong cái chết cho không chỉ anh ta mà cả một đất nước phía sau.

“Anh đi sứ thì gia đình thế nào?” Thêm vài tuần trà, Hồ Văn Lưu thân thiết hỏi Bạch Xuân Nguyên. Cô nghe dường có tiếng thở dài rất khẽ.

“Mẹ tôi vừa mất vài năm trước, chỉ còn thằng Khản cũng sắp đến tuổi thành niên.” Bạch Xuân Nguyên nói, rồi lại thêm. “Vợ tôi mất nhiều năm rồi, nhà chỉ có hai cha con.”

“Anh không lấy vợ kế à?” Vẫn là Nguyễn Hoàng Thành hỏi. Bạch Xuân Nguyên cười.

“Nhà tôi nghèo, nuôi hai cha con còn khó khăn. Mà nhờ vậy nên tôi mới có cơ hội đền ơn nước.” Anh ta nâng ly trà trong tay, cười nói. “Làm trai đứng thẳng trong trời đất, làm những gì muốn làm, theo tâm mình mà tự tại một đời, không có gì phải thương tiếc hối hận.”

“Đúng thế.” Nhà vua chợt nói. Cô dường thấy bóng ngài ta nâng ly uống cùng Bạch Xuân Nguyên.

Hai cô công chúa sau hồi quan sát thì có vẻ đã hết hứng thú, vào trong hiên ngồi uống trà ăn bánh. Bàn chuyện thêm một lúc, các viên quan đi ra, Bạch Xuân Nguyên dạo quanh vườn xem hoa, chỉ còn anh em họ Hồ cùng Nguyễn Hoàng Thành ở lại, nhà vua mới gọi Hoàng Thành và Hồ Văn Thập đến gần.

“Các người là thanh niên tài tuấn, con cháu công thần, ta vẫn muốn gây dựng. Chuyện công chúa hạ giá hẳn các người đã nghe rồi. Việc này nên bàn với cha mẹ, trưởng bối mới phải, nhưng nhà các người đều chẳng còn ai.” Nhà vua từ tốn nói. “Trong cung còn trưởng công chúa thứ mười ba và mười sáu chưa hạ giá, ta xem tính cách thì Ngọc Cơ hợp với Hoàng Thành, Ngọc Thành xứng với Văn Thập đấy.”

Cô nghe tiếng thở sau lưng ngay khi nhà vua vừa dứt lời, quay lại thấy Ngọc Thành đứng cạnh bên vai. Khó mà tả được các thái độ, cảm xúc cùng lúc thể hiện trên khuôn mặt cô công chúa. Hoàn toàn không giống vẻ mặt của Ngọc Cơ, Ngọc Thành trông vừa kinh hoảng vừa tức giận. Ngọc Cơ lẫn cô phải vội vàng đưa tay giữ Ngọc Thành, ra hiệu cho cô gái giữ im lặng.

Ngọc Thành ngồi sụp xuống cạnh bàn thở dồn dập, mặt trắng bệch. Sức khỏe cô công chúa này đã yếu ớt, đến khi xúc động như không thở nổi, chỉ còn phát ra hơi khùng khục trong cổ họng. Khi cô gái bình tĩnh lại thì nhóm người trong vườn đã rời đi hết thảy.

“Người ấy là con trai họ ngoại hoàng Cả, mai này danh vọng không thiếu đâu.” Ngọc Cơ nói như an ủi người em gái. Ngọc Thành ngước đôi mắt đỏ ngầu nhìn lên.

“Họ ngoại hoàng Cả, bà Chiêu nghi đó đấy à?” Ngọc Thành nói như tiếng cười gằn trong cổ. “Các chị hạ giá vào nhà Tiền, Hậu, Tả, Hữu, Tượng, Thủy quân, Quận công này Đô thống kia, có kém thì cũng là cháu của Đô thống, con của  hầu tước, dòng dõi công thần khai quốc. Ngay cả các chị tái giá cũng là với Tổng trấn, con Thống chế. Tại sao chỉ có em bị gả vào cái nhà ấy?”

“Hoàng thượng có ý cất nhắc, tương lai sẽ không tệ.” Ngọc Cơ vẫn cố gắng nói. Đổi lại Ngọc Thành càng giận hơn.

“Không tệ thì chị đổi cho em nhé? Anh ta có vẻ trên dưới ba mươi, trong khi em chỉ mới mười tám tuổi, tại sao là em mà không phải chị?” Nước mắt chảy ròng ròng trên má Ngọc Thành khi Ngọc Cơ mím môi im lặng. “Có đợi cho đến ngày hoàng Cả thành vua thì em cũng còn mặt mũi nào bây giờ?”

“Ngài ngự hẳn không định lập hoàng Cả đâu.” Ở cạnh bên, cô buột miệng, nói xong mới thấy hối hận.

Ngọc Thành trừng trừng mắt nhìn hai người trước mặt, rồi quay lưng chạy về điện Trinh Minh. Cô thở dài, gọi người thu dọn trà nước trong hiên.

“Sao chị nghĩ ngài ngự không định lập hoàng Cả?” Ra khỏi vườn Thiệu Phương, Ngọc Cơ mới hạ giọng hỏi.

“Trong các bài thơ ban tên cho dòng dõi thân công, tận hai bài có chữ Hoa đấy[2].” Cô ơ hờ trả lời. Nhà vua lấy chữ Hoa đặt cho rất nhiều thứ, nhưng hẳn chữ tên của hoàng thân không phải là để đùa. Ai cũng thấy ngài ta yêu thương Miên Tông, nhưng với ngài ta thì ngôi vua chẳng phải là thứ đẹp đẽ đáng ao ước gì. Theo lý thường mà nói thì ngài ta hẳn chỉ muốn Miên Tông nhàn hạ vui vẻ cả đời, thay vì đứng ở nơi trăm gió ngàn sương như ngài ta.

Cũng vì thế, sự tồn tại của Miên Tông mới như vết dằm với người nơi đây, và vừa rồi tạo nên sự phẫn nộ của Ngọc Thành. Sự yêu chiều của nhà vua với cậu ta, cả sự nâng đỡ cất nhắc với anh em họ Hồ, chẳng qua vì ngài ta thích. Lấy công chúa, Hồ Văn Thập sẽ lập tức có chức tước tam phẩm, đường đường dự đại triều. Quả thật như Ngọc Thành nói, các công chúa khác đều được gả cho dòng dõi Quận công, công hầu, đến cả tái giá thì Phò mã cũng đã danh vị đường đường, nào phải là công cụ để cất nhắc anh em của một phi tần đã chết hai mươi năm trước, theo ý muốn kỳ lạ của nhà vua.

Lại càng chẳng nói tới hôn lễ xa hoa choáng ngợp hàng ngàn người tham dự, lễ vật đưa dài cả quãng đường của Ngọc Ngôn, Ngọc Cửu, các công chúa khác dù gia tộc chồng không dư dả thì cũng cả đội quân, nửa triều đình tới chúc mừng, vẻ vang với muôn người. Anh em họ Hồ mỗi tháng được vài quan tiền, mấy năm nay mới có thêm lương ấm tử, e rằng muốn sắm lễ cũng phải nghĩ nhiều. Với một nơi coi trọng thể diện như hoàng thành này, Ngọc Thành làm sao mà chịu nổi?

Dù cô công chúa có tới gặp nhà vua phản đối hôn sự cũng vô ích, ngài ta làm sao mà hiểu nổi những thứ như ‘thể diện’ cùng ‘tiếng tăm’ trong hôn nhân? Hồ Văn Thập là một chàng trai tốt, trung hậu thật thà, chăm chỉ làm việc, tương lai vô hạn, ngài ta sẽ nói như thế, thậm chí cho thêm tiền sính lễ tư trang, cử người đón rước, lễ nhạc vang lừng. Ngay cả Hồ Văn Bôi cùng hàm Thống chế nhị phẩm trong lời ngài ta cũng chẳng có gì không bằng với những quan tướng lừng lẫy kia. Dũng tướng không bằng trí tướng, trí tướng không bằng phúc tướng, cùng trăm vạn lý lẽ không dành cho những kẻ hẹp hòi tục khí chỉ biết xét việc qua vẻ bề ngoài. Ngài ta có thể đối phó thuyết phục được cả triều đình thì một cô công chúa nhỏ đáng kể gì.

Nhưng dù sao, đầu năm ấy không phải là khoảng thời gian có lợi cho hôn nhân. Sau một mùa đông bão lũ giá lạnh, toàn kinh kỳ phải xây dựng lại, trong khi chờ đợi động tĩnh từ biên giới Tây Bắc. Những chiếc thuyền lớn học theo mẫu thuyền Tây dương vừa mua được khởi công đóng ở bờ sông. Cơn lũ tại Bắc Thành làm nổi lên một vấn đề khó khăn: dòng nước càng lúc càng hung dữ khó đoán. Hoàng Quýnh cùng Lê Đại Cương đi xem xét đê điều cuối năm trước lần đầu tiên nói đến những bờ đê có hại hơn là lợi, thế nước và mức nông sâu của từng dòng sông cửa biển. Nhưng việc cần kíp cho mùa lũ sắp tới, triều đình chi hàng chục vạn quan tiền khác để đắp lại hơn một ngàn sở đê điều ở Bắc Thành, cử người đi khám xét đo đạc từng dòng nước, hỏi thăm bô lão trong vùng về lịch sử của khu đê. Những tập bản đồ cùng báo cáo chuyển về chất đống trong Dưỡng Tâm điện. Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ được phái đi khai hoang vùng ven biển Nam Định bắt đầu báo lên những kết quả đầu tiên. Những chính sách mới lập phó Lý trưởng cùng kiểm soát quyền lực trong làng xã được sao đi cấp phát cho các tỉnh thành. Người người bắt đầu nói đến việc sửa sang cùng chuyển đổi, đề ra những phương cách gây ra các cuộc tranh luận triền miên trong chính điện lẫn công sở các nha bộ.

Tháng năm, tin tức đầu tiên từ Xiêm La về với viên sứ thần được vua Xiêm phái đến Gia Định. Có vẻ Bạch Xuân Nguyên đã thành công trong triều đình nước này, sứ Xiêm trình thư nối lại việc giao hiếu, thông báo rằng Thủ hợp Lê Đình Duật đã chết sau khi bị bắt sang Xiêm. Dù vẫn còn tranh cãi quanh việc khu xử các tướng lĩnh xâm phạm biên giới giết người, hai nước đã đồng lòng rút khỏi địa phận Vạn Tượng. Hai người con của vua A Nỗ được đưa tới Trấn Ninh, trở thành vũ khí chuẩn bị cho xung đột. Tháng sáu, Bạch Xuân Nguyên trở về, ngay lập tức đi đến Quảng Trị xử trí việc biên giới với người Xiêm. Không chỉ với triều đình Việt, anh ta đã trở thành một người được Xiêm La coi trọng nể vì trong các cuộc đàm phán kéo dài quanh Tây thùy.

Cũng trong tháng sáu năm ấy, Bảo hộ Chân Lạp Nguyễn Văn Thoại qua đời. Thống chế Nguyễn Văn Tuyên và Biên vụ Hà Tiên Bùi Đức Minh được cử tới thay thế. Trong triều lại râm ran về những xung đột của nhà vua và Tả quân. Tả quân không muốn dùng Nguyễn Văn Tuyên mà lấy Nguyễn Văn Xuân, nhà vua lấy lý do Nguyễn Văn Xuân đã gần tám mươi tuổi mà bác đi.

Sau vụ việc của Trần Nhật Vĩnh, hàng loạt quan lại ở Gia Định bị thay thế, Hình tào hiện đang nằm trong tay Vũ Xuân Cẩn, Mạc Công Du bị cách chức tại Hà Tiên, nay lại đến Chân Lạp. Từ lâu người ta đã xì xào về đường dây liên hệ của Trần Nhật Vĩnh và Nguyễn Văn Thoại, một kẻ vơ vét tài nguyên của Chân Lạp, một kẻ đem tiêu thụ ở Sài Côn – vẫn là Ngọc Cửu với vị trí trong dinh phủ Hậu quân luôn biết quá nhiều nói với cô. Nghe tin Trần Nhật Vĩnh bị chém đầu, Tả quân buồn đến ngã bệnh, nay lại thêm Nguyễn Văn Thoại tuy đã chết nhưng chẳng biết sẽ bị Nguyễn Văn Tuyên lôi ra việc gì. Dưới cái vẻ thân thiết tình cảm nọ, cả hai đầu đất nước chỉ đang âm thầm tra xét từng lỗi lầm của nhau, buộc phải gắn bó với nhau vì xung động ở biên giới, đồng thời lợi dụng ngay chính những biến động ấy để trói ràng thao túng nhau.

Trong muôn vàn công việc ấy, câu hỏi của nhà vua với Hồ Văn Thập và Nguyễn Hoàng Thành rơi vào quên lãng. Cho tới tháng bảy, tin tức về việc nhà vua tuyển lựa Phò mã cho hai trưởng công chúa cuối cùng mới truyền ra ngoài. Hồ Văn Thập là ai, người người hỏi nhau, dường lúc ấy mới có người biết mẹ của hoàng Cả họ Hồ.

“Tại sao đến tận lúc này ngài ấy mới cất nhắc anh em họ nhỉ?” Ngọc Cửu đón phong thanh tin đồn đã nhanh chân vào cung nghe ngóng. Cô nhìn đôi mắt cô công chúa hấp háy, biết rằng cô ấy hẳn đã nghe được chuyện gì ở ngoài. “Em thắc mắc nên chạy sang đệ trạch chị Ngọc Xuyến hỏi, dù sao ở đây chỉ còn chị ấy cùng độ tuổi với hoàng huynh. Chị ấy cũng ngạc nhiên hỏi cái gì đó về sổ Hoa danh, rồi không nói nữa.

“Em về hỏi đến sổ Hoa danh, may được một viên tử bạn của anh Hậu kể cho.” Ngọc Cửu nghiêng về phía cô, tít mắt cười. “Sau khi lên ngôi, hoàng thượng cho lập sổ Hoa danh ghi tên các con quan võ từ tam phẩm trở lên để tập luyện võ nghệ xem xét bổ dùng. Ngay sau khi phong tặng ông Hồ Văn Bôi làm Thống chế, hoàng thượng định số con các quan được ghi vào sổ, chánh nhị phẩm được hai người. Năm sau ngài ấy lại bảo rằng trước con quan tòng nhị phẩm chỉ được một người, nhưng cha thăng chức thì cho thêm một người nữa. Rồi đến năm ngoái, mới tháng chạp đây, ngài ấy định lại viên tử của quan thời quốc sơ, cho rằng chỉ sai, chỉ truyền, giấy công đồng không đủ chứng thực, phải tâu xin đổi bằng sắc lại cho tất cả mọi người[3]. Cuối xuân năm nay, ngài ấy bảo chỉ viên tử con quan có sắc chiếu từ năm thứ chín về trước mới được công nhận. Bởi vì toàn bộ bằng sắc cũ đã bị thu tiêu rồi[4].

“Ngay sau đó hoàng huynh cho lục dụng anh em họ Hồ, thậm chí gả công chúa cho, chị có thấy lạ không? Hai mươi năm rồi đấy, ngài ấy lên ngôi cũng mười năm rồi đấy.” Ngọc Cửu đưa ngón tay ra dấu số, hạ giọng. “Có phải vì bây giờ ai muốn hỏi đến giấy tờ bằng cớ thì cũng chẳng còn nữa không? Quan thời quốc sơ trên toàn bộ đất nước này đều chẳng còn giấy tờ gốc nữa, chỉ có sắc chiếu mới cấp cho.”

“Em ngày càng giống tính thằng Hậu.” Cô nhàn nhạt nói. Quả nhiên Phò mã Vệ úy được vào chầu đại triều nhưng không có chức vụ việc làm gì thì chỉ đi nghe chuyện khắp hang cùng ngõ kiệt. Những câu chuyện nằm giữa các bức tường đá phủ đệ kinh thành luôn hàm chứa vẻ dữ dội hoang đường.

“Nếu như vậy chẳng phải quá đáng sợ sao?” Ngọc Cửu chớp mắt nhìn cô, thái độ bỗng nhiên thay đổi. “Hai mươi năm rồi mà vẫn làm đến như thế, chẳng phải quá đáng sợ sao?”

Cô im lặng. Cô vẫn im lặng trong vài tháng sau đó, khi Ngọc Thành qua đời ngay trước lễ nghênh hôn.

Tháng tám, nhà vua ban sắc chỉ tứ hôn cho hai trưởng công chúa. Ngọc Thành trước đó đã ngã bệnh, không đợi được Hồ Văn Thập mang sính lễ đến cung điện.

Điện quàn cô công chúa mới mười tám tuổi nghi ngút khói hương, các cung tần, công chúa được chia ban làm lễ. Cô đi theo Thái hậu đến tế công chúa một tuần rượu. Lễ xong, bà đứng lặng nhìn quan tài cùng bài vị Ngọc Thành. Theo lệ, Hồ Văn Thập cũng phải mặc áo tang canh linh cữu, cái bóng trắng bất động sau tấm màn giăng bên cửa. Hồi lâu sau, Thái hậu chậm chạp đi đến trước mặt anh ta, Hồ Văn Thập vội quỳ lạy chào.

“Con lớn quá rồi.” Thái hậu khẽ khàng nói khi Hồ Văn Thập ngẩng lên. “Tiếc rằng ta không kịp nhận lễ của con, nhưng dù sao con cũng là người nhà ta, thi thoảng gọi anh em con vào cung trò chuyện với ta một lúc.”

Hồ Văn Thập lạy tạ, Thái hậu lại quay vào trong hậu điện. Bà đặt tay lên cỗ quan của Ngọc Thành, lệ trong mắt như sương. Xin lỗi con, cô tưởng như nghe bà thì thầm.

Thái hậu được dìu về cung nghỉ ngơi, chỉ còn cô và Ngô Thị Chính hỏi han nốt những việc còn lại của tang lễ. Dù đã mang thai vài tháng cuối, Ngô Thị Chính vẫn phải tới nơi này. Thấy cô ấy mặt mũi xanh nhợt, cô liền đỡ đến ngồi ở gian bên.

“Tội nghiệp.” Ngồi nghỉ một lát, Ngô Thị Chính chợt nhìn ra cửa mà nói. Ngoài cửa, cái bóng của Hồ Văn Thập vẫn thẳng đơ bất động. Sau cô ấy lại tiếp một câu không rõ thái độ là gì. “Thật đáng sợ.”

Cô vẫn tiếp tục lặng im. Hai mươi năm, thật đáng sợ, Ngọc Cửu nói. Làm đến như thế này, thật đáng sợ. Hay là, cách làm này thật đáng sợ? Xin lỗi, Thái hậu thì thầm, vì kết quả của ngày hôm nay. Tình yêu này, hay oán hận này, đã trở thành không thể vãn hồi.

Trong những năm này, Nguyễn Phúc Kiểu đã thật yên lặng, đã ngày càng quen thuộc với vị trí và quyền lực mà mình có trong tay. Trong bão tố cùng tranh đoạt, ngài ta đã nắm lấy được quyền lực, giương cao thứ chính nghĩa mình mong muốn, thúc đẩy tạo thành cái triều đình cùng đất nước mình ước vọng. Nhưng song song đó, cô lần đầu tiên nhận ra thứ bóng tối ngày càng cuộn xoáy sau bóng của hoàng thành. Tình yêu cùng oán hận, đều đã trở thành không thể vãn hồi.

 

Chú thích:

[1] Khách trung tạp cảm kỳ 11 của Ngô Nhân Tĩnh

[2] Không chỉ dòng dõi nhà vua, các hoàng tử anh em Minh Mạng cũng được ban một bài thơ đặt tên riêng vào năm 1823. Chữ Hoa (trên chữ hoa, dưới chữ thập) xuất hiện trong hai bài của Định Viễn công và An Khánh công, sau này mới được đổi lại.

[3] Thực lục, năm 1828: Cho là các quan thời quốc sơ được chỉ sai, chỉ truyền, hoặc có giấy phó công đồng cũng đều là được ơn nhà vua cả. Song trong ấy sự trạng phần nhiều không đủ chứng thực, nên phải theo đó mà châm chước nghĩ định. Xin phàm người theo đi Vọng Các, xếp vào hạng Vọng Các công thần thì con vẫn là Vọng Các viên tử như cũ. Còn những người khác nếu hiện dự chức gì thì giao cho người cai quản, xét tâu xin đổi cấp bằng sắc. Người nào đã chết, hoặc về hưu, đều cho cứ giữ hàm cũ, từ Chánh tam phẩm trở lên, các con đều cho là quan viên tử, từ Tòng tam phẩm đến Thất phẩm, đều cho 1 con làm quan viên tử. Còn các đạo chỉ sai, chỉ truyền và phó từ của công đồng khi trước đều thủ tiêu cả.

[4] Thực lục, năm 1829: Nay đã sửa sang quy chế bình thường, xếp đặt quan chế, phàm ai liệt vào hàng quan thì phải có chiếu sắc làm bằng chứng. Những quan bậc ấy thì bằng sắc đã thu tiêu rồi, nếu lại vin vào đấy mà gia ân cho tập ấm thì lâu ngày dấu tích đã mất, chẳng khỏi cái tệ giả mạo. Vậy định lại rằng phàm là con công thần Vọng Các, và hiện có danh sách từ năm Minh Mệnh thứ 9 [1828] trở về trước thì vẫn cho vào hạng quan viên tử; còn các chức quan khác mà không có sắc chiếu, thì con đều không được dự.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.