Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

82. Sầu thính giá cô song lệ lạc
Trường An in "Minh nguyệt 2" August 10th, 2019
  1. Sầu thính giá cô song lệ lạc, dạ phi hồ điệp ngũ canh truyền[1]
    (Sầu nghe chim đa đa kêu mà hai hàng lệ rót, bươm bướm bay trong đêm suốt năm canh)

 

Sách Thập di ký viết: Đảo Doanh Châu còn có tên Hồn Châu, Hoàn Châu. Phía Đông có động sâu cùng bầy cá dài ngàn trượng. Xa xa trên mặt biển có mây ngũ sắc, thật ra là nước do đàn cá này phun lên, rực rỡ như áng tường vân. Núi vàng quanh quanh, cao thẳng chọc trời, giữa có án ngọc dao lấy ngọc bích khắc làm rồng, huyền hỏa tinh làm mặt trời, ngọc đen làm quạ, ngọc xanh làm trăng. Lúc nào cũng có gió thơm vi vu thổi tới, tụ vào tay áo, hương bao năm không tan. Có thú tên Khứu thạch hình dạng như kỳ lân, không ăn cây cỏ sống, không uống nước đục, có khả năng dò tìm vàng ngọc. Có cỏ tên Vân miêu hình như xương bồ, ăn một lá sẽ say, ăn lá thứ hai lại tỉnh. Có chim hình dạng như phượng, thân tím cánh đỏ, hót rồi nhả châu hàng hộc, các tiên thường lấy để trang sức cho quần áo, vừa nhẹ vừa chói sáng sánh mặt trăng mặt trời.

Trên đảo có cây tên Ảnh mộc, nhận ánh mặt trời giữa trưa sẽ lấp lánh tựa ngàn sao, tán cây như lọng hoa, các tiên trú để tránh mưa gió. Ảnh mộc vạn năm mới kết một quả, quả này vỏ xanh ruột đen, ăn vào người nhẹ đến có thể bay.        

“Ảnh mộc ở đâu?” Nghe kể đến đấy, Miên Liêu quay đầu hỏi, chỉ ngón tay ra xung quanh. “Tường thành sơn vàng này, đình Cát vân này, hoa cỏ này, có cả cá nữa, nhưng không có cây lấp lánh như sao.”

“Cây ấy vạn năm chỉ có một quả, giờ không thấy đâu.” Vẫn quay lưng về phía thằng bé, Nguyễn Thị Bảo chợt nói. Bọn họ đang ở trong đình Doanh Châu tại nhĩ sắp xếp nốt trà nước chờ Thái hậu. Ngày đầu năm, không muốn ở trong cung Trường Ninh chật chội, Thái hậu cho bọn họ ra hồ Kim Thủy sau thành câu cá thưởng trà. Nhóm người đông đúc tập trung ở đình Thất doanh mới được xây năm trước. Thân thể nặng nề nên Nguyễn Thị Bảo ngồi nghỉ ở đình này, cung nữ vẫn bận rộn đem các mâm bánh trái đến. Miên Liêu chạy theo cô, hỏi về tên cái đình.

“Mỗi dịp lễ tết cho đốt cây bông, cũng là Ảnh mộc đấy.” Cô nghe câu nói kia thì chỉ cười, đáp lời Miên Liêu. Có vẻ ý định của Thái hậu cho mọi người đến đây khuây khỏa lại chẳng mấy tốt cho cô cung tần kia. Bên đảo Doanh Châu đã kịp xây một xưởng thuyền, cạnh thuyền Kim Hoa đóng bốn năm trước thêm mấy chiếc tam bản lớn nhỏ đều có tên Hoa Bồng. Chuẩn bị cho buổi câu cá, nội giám đang tháo dây, chèo chúng đến cạnh các thủy đình.

Nghe tiếng xôn xao từ phía cung Trường Ninh, đã thấy nhà vua đưa Thái hậu tới đình Thất doanh. Các cần câu được sắp sẵn vừa buông xuống, một lúc đã kéo lên được năm, sáu con cá lớn. Thái hậu cùng bọn trẻ đều vui cười. Cô nhìn nụ cười của họ, bất chợt thấy mình như đã lùi vào một thế gian khác.

Sự sống cùng cái chết trong khu thành này đều giản đơn như hoa nở rồi tàn. Khi người đã được đưa ra ngoài, chỗ ở cùng đồ dùng của họ lập tức có người thay thế. Trong những năm này, vài cô cung nhân cũng đã qua đời, nhưng rồi họ chỉ còn là cái tên ghi trong sổ. Ngay cả những kẻ buồn thương vì họ cũng chỉ có thể khoác lên nụ cười, nhất là trong năm mừng tứ tuần Đại khánh của nhà vua. Lễ mừng đã được cho chuẩn bị từ tháng tám năm ngoái, lệnh gọi con hát, ca công lẫn chuẩn bị lễ vật được phát đi toàn đất nước, kể cả các khu vực người Man. Người trong cung nội lại nói tới tuyển thêm người mới, những cung nhân từ tiềm để đều đã trên ba mươi, phải nhường cơ hội lại cho những kẻ muốn tỏ lòng hiếu kính nhà vua và tìm kiếm con đường tiến thân, thậm chí là chút thể diện trong quan trường.

Ngài ấy bảo, dù sức cùng lực kiệt rồi nhưng vẫn phải nhận đám con gái ấy, vì cha của bọn chúng coi đó là một vinh dự, lời cậu người lai ấy vẳng lại từ tháng năm cũ. Bỏ bê một thị thì thị ấy lập tức đi mách cha, để ngài ấy thành trò cười của cả kinh thành. Ngài ấy vừa sợ hãi vừa căm ghét đám đàn bà ấy, vô cùng sợ hãi.

Lời nói ấy, bỗng dưng Lê Hậu nhắc lại cho cô. Ngày đầu năm, cô chợt được gọi đến cung Trường Ninh gặp người em trai. Cậu ta thông báo cho cô, mình vừa được phong làm Vệ úy vệ Diệu võ, chuẩn bị đi thú ở Nghệ An.

“Nghe nói em phải đến Nghệ An thì mẹ và Ngọc Cửu đều không bằng lòng, định vào cung xin đức vua, kéo cả chị theo nữa. Em đã bảo họ đừng làm thế nhưng chẳng biết họ có nghe không, chị có gặp thì đừng theo họ nhé.” Lê Hậu cười nói, trong khi cô cảm thấy đây không phải chuyện đáng cười.

“Dù phải đi thú thì ở Thanh Hoa hay Quảng Nam vẫn tốt hơn.” Cô lo lắng nói khẽ. Đến Nghệ An trú đóng có thể phải tới Trấn Ninh, nơi này chiêu mục đầu lĩnh là Chiêu Nội vừa bị xử trảm cuối năm ngoái vì tội bắt quốc vương Vạn Tượng giao nộp cho Xiêm. Thái độ của Xiêm vẫn nửa lạnh nửa nóng, tranh cãi về viên tướng giết hại đoàn sứ vẫn dằng dai chưa có kết quả, Nghệ An và vùng biên giới vẫn là nơi nguy hiểm. Chưa kể nơi này rừng sâu núi cao, vô cùng khó khăn vất vả.

“Chỉ cần làm tốt ở đó thì sẽ được thăng nhanh thôi, chứ ngồi đợi ở mấy sở thu thuế biết đến bao giờ.” Lê Hậu lắc đầu. “Trương Phúc Đặng, Trương Văn Minh, Nguyễn Văn Ngoạn chịu khổ một thời gian thì thành Đô Thống chế, Tổng trấn, Lãnh binh được cả, làm không được thì cách chức về phủ, chẳng hơn cả đời chỉ ôm cái chức Phò mã ăn nhờ ở đậu đệ trạch công chúa sao?”

“Vả lại, em còn phải lo cho mẹ và nhà ta, cả chị nữa.” Cô vừa dợm nói, Lê Hậu đã ngắt lời, giọng chợt hạ xuống. “Tả quân già rồi, không thể làm chỗ dựa mãi, vả lại quan hệ của hoàng thượng và ông ấy không tốt ai cũng biết cả. Đến lúc Tả quân không còn, việc cũ lôi lại, chúng ta biết phải làm sao? Dù em là Phò mã, nhà ta chỉ là mẹ con cô quả, có chuyện gì thì tịch biên là xong, em chẳng sao cả, nhưng chị ở đây phải làm thế nào?

“Hoàng thượng ghét chị, chị thì chẳng phải là người cầu cạnh được kẻ khác, lại ở vị quá cao, khi có chuyện sẽ khổ lắm.” Khi cô rơi vào im lặng, Lê Hậu khẽ khàng thở dài. “Năm xưa em chẳng biết suy nghĩ nên không khuyên ngăn cha, để chị rơi vào chốn hèn mọn này. Phận lẽ mọn ở đâu chả như nhau, khoác thêm cái vỏ tần phi chẳng qua cũng chỉ để đẻ con, hầu hạ người, làm trò cười thầm cho trong triều ngoài ngõ chứ có ai coi trọng. Cha mình cả đời anh hùng làm nên từ tay trắng, đâu phải cậy nhờ ơn phúc của người mà sống, bán con gái cầu vinh. Em không thể đưa chị ra khỏi đây, cũng có thể giúp chị sống thanh thản đàng hoàng.”

“Hoàng thượng có ý muốn dùng em thật không?” Lúc sau, cô hỏi. Ngài ta rất căm ghét cha cô, lẽ nào lại muốn nâng đỡ cho Lê Hậu?

“Bây giờ thì nhà ta còn cái gì nữa đâu, người đã chạy về phía chủ mới cả rồi.” Lê Hậu mỉm cười, trong mắt lại phân không rõ vui buồn. “Thấy quan hệ của hoàng thượng và Tả quân, sau khi hai Thượng thư bị xử, người nơi này cũng chân trước chân sau tìm kế vạn toàn. Nghe đâu đến Nguyễn Văn Thoại ở tận Chân Lạp cũng đã bị báo cáo lại những việc mua hàng khống, chuyên quyền tự tiện. Em là Phò mã nên được hưởng chút ít ân huệ, cho cơ hội, chứ có thể làm gì bây giờ. Chị không cần quá lo.”

Chị đừng lo cho em, đừng đi xin, đừng tìm cách bảo bọc em. Em sẽ bảo vệ chị. Ngọc Cửu khóc nói, anh ấy bảo, các anh em trai trong nhà kẻ thì nhỏ tuổi, người chỉ thích chơi bời, không thể nhờ cậy được. Đã mãn tang cha rồi, không thể cứ ở trong nhà mãi. Nay Tạ Quang Cự sau khi bắt Chiêu Nội đang làm việc phủ dụ dân Trấn Ninh, chỉ cần hoàn thành công việc trở về thì sẽ được thưởng quân công.

Lê Hậu rời khỏi kinh thành trong ngày lễ nhạc rộn rã cả hoàng cung sách phong tước công cho các hoàng tử lớn. Năm ấy, chuẩn bị cho lễ tứ tuần Vạn thọ, các điển lễ diễn ra suốt từ xuân đến hạ. Từ nửa năm ngoái, khí trời đã thuận hòa, các bờ đê cao ngất của Bắc Thành đã chống chịu được đợt lũ mới, triều đình chỉ còn bận rộn công việc xếp đặt, chỉnh lý cùng cai trị những khu vực man thuộc vừa lập thành phủ ở biên giới xáo động sau cuộc chiến Vạn Tượng. Nhà vua đã có thời gian rảnh rỗi đi câu cá cùng Thái hậu ở hồ Kim Thủy, sửa sang bộ luật, xây dựng đài trấn biển và thành trì trong khắp Bắc Kỳ.

Tháng ba, đền thờ Hồ Phạm nhị tần đổi dựng thành bảy gian nhà lớn tại Ngự Viên bên sông Đông Hoa, quy chế lễ tế ngang với hoàng thân quốc thích[2]. Những đoàn người đến chúc mừng, tham diễn trong lễ Vạn thọ cũng lần lượt về Kinh. Ngàn vạn chiếc đèn được treo khắp Phú Xuân khi những dãy lầu hoa được dựng ngoài cổng thành. Hoa được kết khắp cung nội, từ nội đình cho đến vườn ngự uyển. Từ đầu tháng tư, các đoàn xiếc làm trò đã được cho biểu diễn trước cửa thành cho toàn dân. Nhà vua ban yến cho khắp hoàng tử hoàng thân, công chúa cùng con cháu trong nội đình, cho các quan đến chơi thuyền ở Doanh Châu. Sứ giả các nước, thổ ty thổ mục khắp đất nước được dẫn vào triều kiến rộn rã các con đường kinh thành.

Từ nửa tháng trước khánh tiết, các bằng hoa đã treo đèn trưng bày vật phẩm hiếm lạ, thành nơi biểu diễn cho các đoàn tạp kỹ khắp nơi đổ về. Các cổng thành đốt đình liệu cùng ngàn đĩa đèn sáng rực, hòa cùng với muôn ngọn đèn trong ngoài thành.[3]

Không khí lễ tiệc khiến lời đe dọa của nhà vua khi chuyển Văn thư phòng thành Nội các ngày đầu năm “Quan viên nào càn bậy xuôi theo chiều gió kết bè đảng, giết chết không tha” rơi vào khoảng yên ắng tạm thời. Ngày đại yến, những khúc nhạc kỳ lạ vang trên điện Thái Hòa dường vọng xuống từ trời cao xanh hồng rực mây sáng.

“Vi viên củng ngọc thần, thư hóa nhật áng tường vân. Cửu ngũ long phi kiến đại nhân, tam thiên hổ bái khánh xương thần. Ngư ly vịnh đức, Trạm lộ ca nhân. Đan bệ hưởng thiều quân, cận chúc thiên xuân.”[4]

“Tình húc lệ lâu đài, cung phiến khải, thái vân hồi. Tiên trượng tường quang bạng nhật khai. Tiêu thiều thanh khúc tự thiên lai. Trù thêm hải ốc, khánh tập huyên giai. Kế tiết hiến hà bôi, vĩnh chúc đài lai.”[5]

Các buổi yến tiệc khắp trong ngoài kéo dài đến gần hết tháng tư. Ngay cả sảnh thự các nha bộ cũng cho diễn tuồng múa hát. Kinh thành ồn ã cả ngày lẫn đêm, các con đường đông chật người từ khắp quanh vùng đổ đến xem lễ. Trong cung nội cũng bận rộn đón các cô gái vừa được đưa vào. Tới nửa đêm canh ba, xung quanh mới bắt đầu yên ắng, cô ngồi trong vườn ngẩng nhìn quầng sáng của ngàn vạn ngọn đèn cháy xuyên đêm hắt lên bầu trời, trong nỗi lo buồn không biết từ đâu đưa đến.

Khi những ngọn đèn cuối cùng vừa tắt, cô đã hiểu được lý do của linh cảm ấy: Lê Hậu từ Nghệ An trở về, ốm chết trong thành.

Ngay khi những ngọn đèn lễ tiết vừa tắt, cơn bão lớn quét qua Bắc Thành. Trong cơn mưa dầm dề ngày mùa hạ, Lê Hậu cùng đoàn người Tạ Quang Cự trở về Phú Xuân. Lần này chẳng có Ngọc Cửu cười tít mắt đem quà bánh vào cung, chỉ một người hầu trong phủ đến báo với cô rằng Lê Hậu đổ bệnh nặng, xin Thái hậu nhân sâm và nhục quế chữa trị. Nhưng chỉ cầm cự được thêm vài ngày, Lê Hậu không thắng được sơn lam chướng khí của vùng núi Trấn Ninh.

Ngay trước đó, Phò mã Trương Văn Minh cũng qua đời trong phủ đệ công chúa Ngọc Xuyến. Ông ta đã bị cách chức ở Bắc Thành, rồi vì đê điều yên ổn mà được phục hàm Quản cơ, vừa về Kinh đã đổ bệnh.

Tiết Đoan dương năm ấy, mặt trời thẳng đứng trên cao, hơi nóng ngùn ngụt đổ trên con đường đá lát. Cô đứng ở cổng cung Trường Ninh lại như thấy tay chân lạnh cóng. Tiếng nhạc tang vọng đến từ phía Tây hoàng thành, thanh âm lẫn lộn. Cô đã không xin Thái hậu đến đệ trạch Ngọc Cửu tế Lê Hậu. Cô đã chẳng gặp được cậu ta lần cuối, và hình ảnh cuối cùng của người em trai trong cô là nụ cười khi cậu ta quay bước trước cung Trường Ninh. Người em trai cô đã từng bế trên tay, đã từng ở bên cô suốt những năm tháng khốn khó nhất chạy trốn ở Bình Định, chia từng thìa cháo loãng nơi thành Gia Định. Người em trai đã thay cha chạy đôn đáo chăm sóc cho bà nội, rồi bảo cô rằng, em muốn bảo vệ chị.

Cô đã không nghe được tiếng người tới, không nhận ra tiếng mẹ cô, cho đến khi lãnh cái tát giáng thẳng mặt.

“Mày còn gọi người đến làm gì? Để lấy mấy thứ này à?” Mẹ cô đầu bù tóc rối chỉ tay xuống cô đã ngã xuống, cái hộp trang sức cô mang theo rơi vung vãi. Nghe Lê Hậu mất, cô gọi người của phủ công chúa vào cung, chẳng biết tại sao mẹ cô lại xăm xăm tới thay. Nước mắt nhòe nhoẹt đôi mắt đỏ sưng vù, mẹ cô đứng giữa cửa cung mà nghiến răng rền rĩ. “Nhà tao mà lại cần mấy thứ rác rưởi của Cung tần? Mày cho ân cho huệ lớn quá, nhà tao không dám nhận. Thằng Hậu chết là vì mày! Xem mày đã làm được cái gì cho nó, thứ vô dụng vô loài?

“Người ta là cung tần thì cha phục chức Chưởng cơ, từ Quản cơ lên Phó Vệ úy, thậm chí chết hai mươi năm thì cả nhà vẫn vẻ vang quyền chức. Còn mày một tiếng cho em cũng không nói được, để nó bị đẩy vào rừng thiêng nước độc chết trong ấy, mày vừa lòng chưa? Tao đã bảo nó nhờ mày, mà nó một hai nói không thể làm phiền chị, chỉ sợ mày bị ghét bị oán. Trong khi mày nghĩ gì cho nó? Đến bây giờ đem cho nó mấy thứ rác rưởi này coi như là tình nghĩa đấy à?” Mấy cung nữ nội giám xung quanh chạy tới, nhưng mẹ cô vẫn gần như gào lên. “Tao đã dạy mày từ lâu rồi, sống sao cho giống con người! Em mày bị dằn vặt chà đạp đến chết trong rừng là vì mày! Mày giết chết nó!”

“Ở đây là đâu mà bà lớn làm ầm ĩ thế!” Nghe động, người trong cung Từ Thọ bên cạnh đi ra. Ngô Thị Chính cau mày nhìn mẹ cô, đưa tay ra hiệu cho người xung quanh. “Bà đang lúc xúc động, đưa ra ngoài cho người chăm sóc. Từ nay để người vào cửa Tiên Thọ phải hỏi bề trên trước, không phải là cứ nhất phẩm phu nhân thì nhắm mắt cho qua đâu. Đức hoàng nghe ồn ào phiền lòng không tốt.”

Các cung nữ, nội giám gần như đẩy mẹ cô ra cổng. Một cô gái trẻ cúi xuống nhặt đồ trang sức cho vào hộp giúp cô. Cô nói cám ơn khẽ rồi vào cung Trường Ninh, chờ đám người bên ngoài tản đi.

Cô nhận ra cô gái vừa rồi là Nguyễn Thị Viên, con gái Đô Thống chế Thị trung Nguyễn Văn Khiêm. Công thần Vọng Các, tướng nhất phẩm được phong công hầu, nắm giữ quân đội tinh binh kinh kỳ bao nhiêu năm, con gái vừa vào cung đã trở thành người có thế lực không nhỏ. Cán cân quyền lực nhiều năm nay trong cung nghiêng về phía cô đã được cân bằng. Thậm chí, cô mới là kẻ dưới.

Cô hiểu tại sao Lê Hậu bỗng nhiên lại trở nên lo lắng như thế vì cô. Dù sao, Lê Chất cha cô vẫn là một bậc công thần nhất phẩm đường đường, cô cứ yên lặng giữ phận thì chẳng ai làm gì được. Tuy nhiên hôn sự của Hồ Văn Thập với công chúa Ngọc Thành đã tuyên cáo về nhà họ Hồ cùng những ân điển mà nhà vua dành cho họ bao năm qua, kể cả những khuất tất trong các lệnh xử lý giấy tờ bằng sắc của ngài ta. Phẩm trật của Hồ Văn Bôi được nâng lên cùng hai người con trai được đưa vào triều đình đã đủ để Hồ Thị Hoa được chính thức lập đền thờ cùng Phạm Thị Tuyết. Và đến lúc ấy, nhà vua cũng có thể chính thức phong chức thân công cho Miên Tông, con trai của Chiêu nghi đã ngang hàng với các vị cung tần địa vị cao nhất cung nội.

Đồng thời, con gái quan chức cao cũng lần lượt được đưa vào cung trong những năm này, lần lượt sinh con và thăng bậc. Ngô Thị Chính lại sinh hoàng tử, hoàng nữ, có hai con trai được phong thân công. Thế cục mới được hình thành trong nội cung ngày càng đông đúc xáo động, khi cô vẫn im lìm với vị trí của một Hữu cung tần dường như không ai động chạm tới nổi – nhưng cũng có thể, là một mục tiêu triệt hạ của muôn vàn người. Nơi này chỉ biết đến điều luật của nó – quyền lực. Cô không phải một cung nhân nhỏ nhoi giải khuây cho nhà vua để chỉ cần ngoan ngoãn là có thể yên ổn sống với thân phận ‘lẽ mọn hèn mạt’, mà là sự ngáng trở của chừng ấy con người.

Cũng như gia đình cô không phải là con cái của một viên quan hưu trí bình thường để khoanh tay nhìn cuộc chiến đang diễn ra ở hai đầu đất nước. Trên con đường này, họ chỉ có thể đi lên, dùng cả sinh mạng để kiếm tìm quyền lực và sự sống còn. Cô đã không thể giúp được gì cho họ, và Lê Hậu buộc phải ra đi. Cậu ta đã sớm nhìn thấu thế cục, thấu cả ý định của nhà vua và sự bất lực của cô.

Ngẩn người trong cung Trường Ninh, cô không biết trời đã tối tự lúc nào. Không có đèn cũng chẳng gọi người, cô dựa vào ánh trăng sao mà rời khỏi cung. Nhưng không về lục viện, cô tới đình Thất doanh bên hồ Kim Thủy ngay trước cửa cung Trường Ninh. Mùa hạ, sen nở trắng dưới chân đình, đường trúc rì rào trong gió nhẹ, hương thơm của muôn loài hoa thoang thoảng đưa.

Gục đầu xuống gối, cô nghe tiếng côn trùng, ếch nhái rền rĩ, chỉ giật mình khi có tiếng động bên cạnh. Chiếc thuyền nhỏ trôi đi trong hồ va phải chân đình, khiến người trong thuyền cũng mở mắt ngẩng đầu lên.

“Sao ngươi ở đây?” Ngài ta như đã ngủ thiếp đi giữa hồ, choàng tỉnh mà thấy cô. Cô nhẹ nhếch khóe môi.

“Tôi phạm luật rồi, ngài giết tôi đi.” Uể oải gục đầu vào tay, cô cười. “Rồi ném xác tôi ra ngoài thành, càng xa càng tốt. Tôi không muốn chết ở đây. Cũng đừng làm bia xây mộ, tôi không muốn làm người nhà ngài, cung tần phi tử ngớ ngẩn gì đó của ngài.”

Người trong thuyền im lặng. Cô nghe tiếng mái chèo khua động như thể ngài ta đang đưa chiếc thuyền ra khỏi chỗ vướng. Trong gió thoảng đến hơi rượu ngòn ngọt, tháng năm nào ngài ta cũng khó chịu đến mức tìm cách bỏ trốn. Mấy năm nay sau khi định lễ Tịch điền, ngài ta đã lánh được vài ngày ở cung Khánh Ninh. Nhưng lúc này nghĩ đến lý do của điều đó, cô vừa buồn vừa giận.

“Có phải lúc nào ngài cũng thấy tôi là một đứa trẻ ngớ ngẩn không? Tôi thấy cái cung nội của ngài thật là nực cười. Cha mẹ bán con gái cầu vinh, con gái lấy thân xác hầu người gọi là báo hiếu. Lúc ban ơn cho họ, ngài nghĩ gì mà họ nghĩ gì vậy? Đứa con gái đã khiến ngài thỏa mãn vui vẻ, nên đem tiền bạc chức tước trả cho mẹ cha. Ha ha, thứ gọi là ‘tình yêu’ của ngài rẻ rúng đến như thế trong mắt người đời. Mà cái thứ gọi là ân sủng của ngài nghĩ ra mới thật là kinh tởm. Một đám người điên cuồng hèn mạt, chẳng biết cái gì là cử án tề mi, chẳng nghĩ tới tự tôn danh khí, cho là lấy sắc hầu hạ một kẻ tôn quý, được mấy cái danh xưng chết giẫm là cao quý hơn người, nhận lương nhiều lộc hậu là giỏi giang. Một đám gọi là lương thần dũng tướng, quan cao thần giỏi, lại nhờ vào thân xác đứa con gái mà cầu vinh, cho là vẻ vang danh giá. Quả thật một đám công hầu thế gia mới là vừa ti tiện vừa hèn mọn, tiết nghĩa mới là vừa hiếm hoi vừa buồn cười.[6]” Cô ngẩng đầu lên, nhìn về phía gác Hải tĩnh niên phong chập chờn ánh lửa phía xa. “Nhưng cuối cùng là tôi nhầm đúng không? Đó mới là hiếu thảo, đó mới là biết nghĩ, biết sống, biết làm người. Thứ tình yêu rẻ rúng kinh tởm của ngài đó mới là đáng giá, là thánh sủng, là trân quý vô song. Những kẻ càng đứng ở trên cao thì lại càng coi đó là bình thường, càng túng dục vô luân, càng được hoan hô cổ vũ, được cầu xin ca ngợi. Đó mới là bình thường, đó mới là cái cách người ta nên sống. Đó mới là cách làm người.”

 

“Người?” Người trên thuyền nghe như đã cười ngay khi cô vừa dứt lời, ném mái chèo xuống sàn thuyền. “Ngươi xem người là cái thứ gì?”

Chúng ta là người cơ mà, cô nghĩ đến câu nói xa xưa ấy, rồi lại lặng im. Con người, máu xương thịt da, đầy dục vọng, tham muốn, sai lầm. Ở nơi này, con người dùng dục vọng, vật chất cùng sự giả trá để trói buộc, thao túng, giết chóc, lợi dụng nhau. Ta căm ghét lẫn sợ hãi bọn chúng, ta sợ chúng hơn tất cả mọi thứ trên đời, nhà vua kia nói. Nhưng không có nơi nào để thoát, thậm chí là bỏ trốn. Khỏi ngôi thành này, thế gian này, một thứ luân lý gần như đương nhiên bất biến. Cơn say nối tiếp tháng ngày, để người chìm vào trong bùn đất, lấy những khoái nhạc tạm bợ ru mình mãi một đời. Thuyền Hoa Bồng chẳng đưa người đến được Bồng Lai, chẳng tìm lại được người trong mộng, chỉ là cơn say trôi trong hồ nước cạn.

Thậm chí cô không muốn hỏi ngài ta có ý gì khi cử Lê Hậu đến Nghệ An. Dù ngài ta có ác ý, thì trong cuộc đời này, ngài ta đã giết chết bao nhiêu con người, đã chứng kiến cái chết của bao nhiêu con người. Một cái mạng của em trai cô chẳng đáng gì với ngài ta, và nỗi đau của cô cũng chỉ một mình cô biết. Ngài ta vẫn sống đúng như cách của người trong khu thành này nên sống, trong thứ luân lý, đạo đức, luật lệ, cách thức của nó. Đúng vậy, chỉ có cô là sai, luôn luôn sai. Cô khiến em trai phải chết, cha cô phải đau lòng đến chết, mẹ cô phải buồn phiền giận dữ, thậm chí con trai cô rồi cũng sẽ chịu bao khó khăn vì sự ngang ngược ngốc nghếch của cô.

“Ngài có nhớ Ngọc Thành không?” Cô bỗng hỏi. “Hẳn ngài lại nghĩ thầm rằng, đáng tiếc, một cô gái cương liệt trong sạch như thế mà bị cái thành này làm hỏng. Ngài chẳng thấy mình sai đâu.”

“Ngài phải bị trời lẫn người giẫm đạp cho, đời đời.” Cô cười nói, trong nước mắt. Đốm lửa phía Doanh Châu nhòe nhoẹt trong mắt cô.

Thuyền Hoa Bồng chẳng đến được Doanh Châu. Cô vẫn ở đây, hồ nước cạn soi kinh thành phù hoa vạn trượng, chói rực ngàn muôn ngọn đèn át cả sao trời, soi đêm dằng dặc như hố sâu không đáy. Hồ nước cạn nuốt chửng tiếng khóc của cô, trả lại lặng thinh.

 

Chú thích:

[1] Đồng Hà Bình đề hoài Trình Khắc Gia khách Triều Dương của Ngô Nhân Tĩnh

[2] Theo lệ được định cuối năm 1830, nghi tiết lễ tế của Hồ Phạm nhị tần từ tương đương với lễ ở đền Dụ Khánh (thờ cha mẹ Thuận Thiên hoàng hậu mẹ Minh Mạng), đền Anh Duệ thái tử, đền Thiệu Hóa quận vương (anh em Minh Mạng).

[3] Theo Thực lục, lệ thường lễ lớn thì cho thắp một ngàn đĩa đèn trên thành, đến cuối thời Minh Mạng đổi thành hai cây đình liệu lớn mà bỏ đốt đĩa đèn. Ngoài thành thì mỗi nhà dân cũng thắp đèn, nhưng không phải là luật lệ mà là thói quen mỗi dịp lễ. Năm 1830 Minh Mạng còn phải xuống chiếu bảo Phủ doãn khuyên dân chúng đừng tranh đua nhau đốt đèn tốn tiền.

[4] Bài nhạc Cảnh phúc: Sao Tử Vi hướng về phía bắc thần, ngày hóa quốc dài rộng có mây lành đầy trời. Điềm cửu ngũ long phi (quẻ Càn của Kinh dịch báo vua ra đời) ứng hiện được trông thấy vị đại đức, ba ngàn thần công chúc thọ được thời vận vinh xương. Thơ Ngư ly vịnh đức tốt, thơ Trạm lộ ca ngợi lòng nhân. Nhạc quân thiều vang chốn bệ son, chúc mừng vua đến ngàn xuân.

[5] Bài nhạc Diên phúc: Ban mai quang tạnh ở lâu đài sáng rực, cửa cung mở, mây đẹp bay tới. Nghi trượng tiên dựa bóng mặt trời sáng ánh lành, khúc tiêu thiều trong trẻo từ trời vọng xuống. Thẻ hải ốc còn thêm, phúc tụ ở thềm huyên. Tính đốt tay dâng chén thọ, chúc cơ nghiệp thái bình.

[6] Năm 1830, khi xét tặng tiết phụ, trong mục hạng thứ (chót cùng), Minh Mạng xét một nhóm có sự trạng rõ rệt đáng ghi, nhóm còn lại là “vợ quan mà giữ tiết được” cho xếp cuối danh sách thưởng. Nghĩa là trong mắt Minh Mạng, vợ quan mà giữ tiết thôi cũng đáng ghi nhận rồi.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.