Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

75. Càn khôn di hận nhân hà tại
Trường An in "Minh nguyệt 2" July 19th, 2019
  1. Càn khôn di hận nhân hà tại, kim cổ lưu sầu thuỷ tự đông[1]
    (Càn khôn còn mãi hận người nơi đâu, mối sầu lưu kim cổ nước chảy về đông)

 

Sau khi cha cô qua đời, tin tức từ Bắc Thành chầm chậm chuyển về Phú Xuân. Toán giặc biển ở Nam Định, Hải Dương đông đến hàng ngàn người. Đinh Thế Thai ở Sơn Tây cướp bóc dữ dội. Thổ phỉ Xa Văn Nhị kết hợp với Lê Duy Lương kêu gọi quân ở Hưng Hóa. Tống Lượng, Tống Huân ở Bắc Ninh cũng họp đảng vài ngàn người cướp Phượng Nhãn. Ba Công Dụng họp Tàu Ô đánh Quảng Yên. Lời sấm truyền đồn đại về ngôi sao chổi nọ lan rộng khắp nơi, thậm chí cả nội thị cũng thì thầm đọc cho nhau nghe trong các góc khuất cung đình.

Trong khi đó, dịch bệnh vẫn tiếp tục lan rộng ở Gia Định với con số người chết đến hàng vạn. Thời gian này, Gia Định hầu như năm nào cũng có dịch lệ. Số người chết thực sự hơn thế mấy lần, do Gia Định là đất nhiều dân ngoại tịch nhất, mợ cô nói, vẫn còn rùng mình về đợt dịch năm trước. Quan tài cậu cô vừa được đưa về Kinh, chờ đợi mẹ cô cùng tới phúng viếng. Cơn mưa đầu sau đợt khô hạn lâu ngày đổ xuống, chẳng thể làm tan bớt sự lo lắng khắp nơi trong khu thành. Những tiếng xì xào lẫn trong mưa, nói về các lệnh gọi người về Kinh của nhà vua. Hình tào Bắc Thành Vũ Đức Thông là kẻ đầu tiên bị thay thế sau cái chết của Lê Chất cha cô, những viên tướng Hậu quân cũng đang bị xem xét chuyển đổi. Cái chết của cha cô sẽ chỉ là sự bắt đầu cho một vụ việc còn lớn hơn, không chỉ nhà vua muốn loại trừ thế lực của ông mà ngay cả những kẻ dưới trước kia cũng sẽ tìm chủ mới tâng công. Các vụ việc loạn lạc khắp Bắc Thành chưa giải quyết được này chính là thứ dễ tìm nhất.

Mẹ cô cùng các anh em ghé qua hoàng cung nhận ân huệ của triều đình rồi lập tức khởi hành về Bình Định, cô chỉ kịp nói mấy lời mà chưa chắc mẹ cô đã nghe được khi còn đang vật mình khóc lóc. Mợ cô tới, kể mấy chuyện hãi hùng khổ sở, xin cô cho chút tiền phúng điếu cậu. Rồi họ để cô lại một mình nơi này, ngơ ngẩn nhìn cơn mưa đổ xuống trong trời thu im lặng.

Mùa thu năm đó, bỗng nhiên cả đất trời cùng tịch mịch. Đến mức dù ở góc Tây của lục viện, cô vẫn nghe tiếng xôn xao. Đầu tháng tám, nhà vua chợt liên tiếp cho gọi cung nhân đến điện của ngài ta trong mấy ngày liền, rồi cũng bỗng dưng như thế, tất cả rơi vào im lặng. Cô nhìn lên vầng trăng đang dần tròn trên cao, nhận ra đã gần đến Trung thu. Ngày Trung thu, cha mẹ cô sẽ mở tiệc thật lớn trong phủ, nhưng cô hầu như chẳng bao giờ tham dự với đám người ồn ĩ, mà lang thang trong các con phố nhỏ ngắm đèn. Ngày Trung thu, cha cô sẽ say mềm, mẹ cô sẽ ngồi nghe hát cùng các bà đến nửa đêm, rồi đưa các thứ bánh trái còn lại đến cho người hầu cùng ban hát.

Ngày Trung thu, thành này cũng mở tiệc cho bọn trẻ trong cung của Thái hậu, rồi chúng tản ra chơi trong vườn. Đang có tang, cô cùng Miên Liêu cáo không đến, đưa tiền cho nội thị mua một hộp bánh về điện. Không thể thắp nhang đèn, cô sắp bánh, đốt hương trầm trên bàn kê cạnh cửa sổ. Đợi đến nửa đêm, người đã vắng, cô mới đem quả bánh nhỏ đến chùa Hồng Nhân trong vườn dâng lễ.

Sau khi nhà vua thả cung nữ, người trong cung này chỉ có hơn trăm, ban đêm duy nghe được tiếng lính đổi canh ngoài các cổng thành. Cô đi qua ao Ngọc Dịch đến ngôi chùa không bao giờ khép cửa, sắp từng chiếc bánh lên đĩa trước án thờ. Không biết đọc kinh, cô chỉ thắp nhang, đứng ngẩn người nhìn những cây nhang cháy hết.

Khi cô ra khỏi chùa, mưa lại lất phất buông, cô bèn lánh vào Trường xuân tiên quán chờ tạnh. Đến trước hiên quán, cô mới nhận ra cánh cửa không khép, bên trong có ánh lửa, lại thoáng như hơi rượu. Nghĩ là cung nữ canh đêm, cô mở cửa đi vào, giật mình khi nhận ra người trong phòng.

Nhà vua nghe tiếng động cũng ngẩng lên, rời mắt khỏi cái phong vũ biểu Tây dương bằng thủy ngân đang cầm trên tay. Nhận ra cô, ngài ta chẳng có thái độ nào. Thậm chí cô còn thấy dường mắt ngài ta đã mờ đi trong hơi rượu nồng. Mai là ngày chẵn, ngài ta không phải thượng triều, do đó hẳn đã tự cho mình uống nhiều hơn bình thường. Vốn đã nghe tiếng đồn về thái độ mấy ngày hôm nay của ngài ta, cô cau mày, quay người toan bỏ đi. Thấy thế, nhà vua bật cười.

“Hôm nay sao ngươi không tới dự tiệc?” Giọng ngài ta lúc say rượu này lại có đôi chút giống trẻ con, y hệt giọng đứa trẻ năm xưa ở Gia Định.

“Tôi đang có tang, bệ hạ không nhớ à?” Cô cáu kỉnh nói. Nhà vua cau mày nhìn vạch thủy ngân trong phong vũ biểu.

“Nhớ? Ta quên rồi.” Bây giờ thì cô đoan chắc ngài ta đã say đến mức đi lạc đường vào quán này thay vì điện của mình. Im một lúc, ngài ta lại cười nói. “Ngươi có nhớ, hai mươi năm trước đây là ngày gì không?”

“Ngài im đi!” Cô đỏ mặt rít qua kẽ răng. Tháng tám và tháng chín, người trong cung này nhắc đi nhắc lại. Hóa ra đó là phương cách tưởng nhớ của ngài ta, cô những muốn mắng cả ngàn câu nhưng không thốt ra được lời nào.

“Làm sao để không nhớ nữa?” Chẳng biết có nghe lời của cô hay không, người kia thì thầm nói chuyện với cái phong vũ biểu. “Ngươi biết không, từ bé ta đã thông minh, chữ nhìn qua là nhớ, sách đọc qua là thuộc, ngay cả chữ Tây dương ta cũng có thể nhớ. Chuyện gì ta cũng nhớ, người nào ta cũng nhớ, cho nên ta chỉ nhớ thôi. Nhớ tất cả mọi thứ.

“Ngươi nói xem, có phải ta bị trời phạt không?” Tiếng cười nồng hơi rượu luẩn quẩn trong căn phòng nhỏ. “Muốn không nhớ nữa, thì tốt nhất là nhắm mắt lại mà ngủ đi, rồi thì đến mơ cũng không thể. Rồi có nửa đêm thức dậy, tay chân cũng lạnh toát, tim gan lạnh toát. Rồi sẽ thấy chán ngán đến mức chẳng còn dám nghĩ nữa.

“Ta lại vừa kể cho quần thần nghe chuyện Đường Minh hoàng. Ta vẫn thường bảo quần thần phải nhắc nhở ta đừng trở thành như Đường Minh hoàng.[2] Nhưng Đường Minh hoàng đêm Trung thu còn được đón đi gặp Thái Chân, còn ta nhắc mãi về ông ta vì ghen ghét đấy thôi. Ta nhắc đi nhắc lại đừng trở thành như ông ta, ta không phải là ông ta, trong khi chỉ biết ngồi nhìn lên cung trăng, trong khi tẩn mẩn xây cung tiên điện ngọc nơi này. Ngươi nói xem, là ta ngốc hay ta điên?”

“Ngài về ngủ thôi, đừng nghĩ nữa.” Đứng lặng hồi lâu, cô nói khẽ, dù cho rằng chẳng có tác dụng với người say.

“Ta nghĩ cái gì bây giờ?” Người kia lại cười. “Khi cô ấy mất, ta nghĩ sẽ ổn thôi, ta còn phải làm một ông vua tốt. Ta sẽ lên ngôi, sẽ nhân ái đối xử với mọi người, sẽ lấy luật pháp trừng trị kẻ xấu, sẽ điều chỉnh thứ này thứ kia, không thể để sự xấu xa hoành hành. Người đói ta cho cơm, ốm ta cho thuốc. Đường hỏng ta xây, sông cạn ta đào, lập chợ tạo phố, chế tạo máy móc, đóng thuyền ra khơi. Rồi ngươi xem, ta đang làm gì ở cái đất nước này vậy? Lê Chất chết, ta tự do rồi phải không? Nhưng trấn thần Bình Thuận vừa báo cho ta Lê Văn Duyệt nghe tin tàu Anh Cát Lợi đến cảng ấy đã cho người dụ chúng tới Gia Định. Ta trách hỏi thì ông ta bảo rằng ông ta có quyền mới khiến chúng hàng phục. Ha ha, phải rồi, ông ta có quyền!

“Ngay cả các cung phi, ta cũng nghĩ mình sẽ cố gắng tốt với họ. Rồi bây giờ ta lại đang đối xử với bọn họ như thế nào vậy? Ta đang đối xử với chính ta như thế nào vậy? Chẳng phải đây là cách mọi người trên đời đều sống hay sao? Chẳng phải đây là luân lý, tình nghĩa, trách nhiệm, phong hóa mà ta cần tạo lập hay sao? Nhưng nơi này là chốn quái quỷ gì vậy? Phụ hoàng ta bảo, con chẳng làm gì được đâu nếu cứ gàn dở như thế. Con cần xây dựng một triều đình dựa trên những kẻ thân tín, và chẳng gì gắn bó hơn hôn nhân, dòng máu, những người sẽ đem cả cuộc đời sống chết vì con. Và chúng, tất cả bọn chúng, chẳng cần gì ngoài tiền, danh cùng dục. Ha ha, cái gọi là phong hóa, là trách nhiệm, là lòng tốt mà ta phải làm, chính là như thế. Triều đình, đất nước ta dựng xây chính là như thế! Ta, cuộc đời này, chính là như thế.

“Ta cứ nghĩ mãi thì chẳng phải sẽ phát điên lên sao? Ngươi nói xem, ta có thể nghĩ cái gì?”

Thì thào càng lúc càng nhỏ, người kia gục đầu xuống bàn, nhắm mắt. Cô nghe tiếng chân chạy ở ngoài, rồi Chu Phúc Năng hớt hải dẫn mấy nội thị tới.

“Ngài ngự đây rồi.” Anh ta òa lên như khóc, tới đỡ nhà vua dậy. Vai ngài ta gạt phải cái phong vũ biểu, cô vội đưa tay cầm lấy. Đám nội giám rối rít đưa nhà vua về điện, cầm cái phong vũ biểu trong tay, cô đành đi theo. Đây là vật mua từ tàu Tây dương, nếu vỡ hay mất thì lại có người chịu phạt.

Về đến điện, nhà vua lại có vẻ như tỉnh táo hơn. Ngồi trên sập chờ Chu Phúc Năng đưa thuốc giã rượu về, ngài ta nhìn cô đặt phong vũ biểu vào góc phòng như thể mới nhận ra cô.

“Ngươi đứng đó nghĩ gì thế?” Thấy cô lặng yên nhìn góc tường tối sẫm, nhà vua lên tiếng. Cô thở ra mới đáp.

“Thần nhớ cha. Ông ấy từng nói, có ba thứ người không dám hận mà ông ấy dám, là trời, vua, cha mẹ.” Cô bỗng cười. “Rồi thần lại nghĩ, những người giống nhau mới thật là ghét nhau không chịu được.”

“Trên đường tuần du, ta gặp mấy kẻ dâng tấu sớ nói rằng ta phạm lỗi với trời.” Nhà vua cũng cười. “Ta giết tất.”

“Nên trời sẽ cho ngài sống không được chết không yên đâu.” Cô lẳng lặng nói. “Ngài hết cứu nổi rồi.”

Cô nghe tiếng cười dài trong điện, vang âm âm giữa các bức tường, kính pha lê và vàng ngọc. Chu Phúc Năng nâng bát thuốc quỳ dâng dưới chân nhà vua, ngài ta nhắm mắt như đã ngủ. Cô bèn đi khỏi điện, nghe tiếng lạch cạch phía sau. Chu Phúc Năng để chén thuốc xuống án, chạy theo cô.

“Xin bà đừng nói cho ai biết.” Viên nội giám năn nỉ. “Hôm nay ngài ngự chỉ vui vẻ mà uống nhiều một chút, dùng thuốc rồi sẽ không sao.”

“Ta chỉ đi ngang thôi, nào biết gì.” Cô hàm hồ trả lời. Vui vẻ? Nên hẳn ngài ta đang dùng rượu độc giải khát, lấy thạch tín chữa bệnh.

Vầng trăng vẫn vằng vặc trên cao. Không phải Hán Vũ đế, Tống Nhân tông, thậm chí chẳng phải Phù Sai, Trần hậu chủ, mà là Đường Minh hoàng. Đường Minh hoàng lên được cung trăng. Đường Minh hoàng lấy nửa đời nhớ thương người trong bức họa. Nửa đời minh quân, nửa đời hôn ám, nửa đời tỉnh táo, nửa đời say. Minh hoàng vô luân, điên cuồng, bất chấp, ngu ngốc, ích kỷ, say đắm, xót thương, thống khổ. Minh hoàng rơi nước mắt đi tìm lại người trong mộng. Mộng của người có lâu đài nằm trong mây ngũ sắc, có khúc nghê thường sáng rực đài trăng, có tiên nga vẫn mãi chờ dưới bóng nhật nguyệt chiếu rọi biển sóng mù.

Người không phải Minh hoàng, người đem ký ức phá thành từng mảnh nhỏ, lấy cơn say sưa vùi lấp qua nỗi nhớ, biến những gì đẹp đẽ nhất thành dơ bẩn đến độ chính mình cũng không chịu đựng nổi, rồi trượt đi trong năm tháng vẩn bụi mờ. Người không phải Minh hoàng, minh tỉnh một đời, mộng mị một đời, cợt nhạo một đời, phẫn uất một đời. Khát cầu trăng sáng, rơi vào bóng đêm. Đã quen nói lời dối trá, đến mức lừa được cả chính mình. Sớm mai mộng tỉnh, tuế nguyệt đã phôi pha. Sớm mai mộng tỉnh, người vẫn là đế vương – trên mảnh đất tàn tro loạn lạc, giữa thế gian bão nổi sóng cồn.

Sáng hôm sau, Hạ đến Lý thiện phòng trả mâm quả, về kể cho Đông nghe nhà vua sai dẫn con voi ngự vào hẳn sân điện, tự tay lấy cỏ cho ăn. Ngài ấy kể chuyện Đường Minh hoàng có con voi mắt xanh biếc, biết ngậm chén rượu dâng thọ. Khi An Lộc Sơn đến Trường An, con voi ấy cũng được sai ngậm chén, nhưng nó trừng mắt không chịu làm. Rồi ngài ấy nói sang chuyện đền Voi Ré ở đây thờ con voi chết vì chủ, bảo rằng voi có tình nghĩa biết tri lý, là vật nuôi tốt nhất, hơn cả chó ngựa.

Miên Liêu nghe chuyện liền đòi xem voi, cô cho hai cô cung nữ bế thằng bé đi. Ở một mình trong điện đếm tiền để giao Ngọc Cửu đem đến chùa làm đàn chay cho cha, cô lại thoáng nghĩ: hẳn ngài ta đang ngồi với đám trẻ con ngắm voi, chẳng rõ là mơ đến con voi mắt biếc hay buổi tiệc chúc thọ của Đường Minh hoàng?

Khi gặp cô cùng với gia đình quay trở lại Kinh đến điện tạ ơn, nhà vua chẳng tỏ thái độ gì, có lẽ ngài ta không hề nhớ những gì đã nói khi say. Sớm mai thức dậy, người tỉnh mộng tan, chỉ còn đôi mảnh vỡ của giấc mơ lẫn lộn vào ký ức.

 

Chỉ ba tháng sau, con voi ấy được giao cho Trương Văn Minh đưa đến Bắc Thành đánh dẹp Phan Bá Vành.

Những tin tức lẫn lộn từ Bắc Thành vẫn chuyển đến, người lắc đầu kể loạn lạc khắp nơi, những viên quan được gọi về lại bảo cướp đã được kiểm soát. Cho đến tháng mười một, thành thần mới tâu bọn cướp biển ở Hải Dương đã lên tới năm ngàn người.

Khi ấy, những viên quan do nhà vua bổ dụng mới tới nơi. Sau cái chết của cha cô, các quan thân tín của ông lần lượt bị gọi về Kinh, ngay cả Cai bạ Lê Đại Cương ở tận Vĩnh Thanh cũng nhận chỉ triệu về nhận công việc mới. Nhà vua chưa có động thái nào với họ vì còn đang bận rộn với cơn lũ dâng khắp ba tỉnh sau trận bão đầu tháng chín, xét duyệt hàng trăm án thu thẩm. Như thể đã thống nhất từ trước, các quan viên đều nói Bắc Thành đã yên tĩnh hơn. Phải đến khi những viên Tham hiệp mới cắt cử vào tháng mười tới Nam Định, Hải Dương, những cái tin về giặc cướp ven biển đánh giết Quản phủ Tiên Hưng và Ninh Giang mới được báo lại. Phan Bá Vành, Nguyễn Hạnh họp cùng cướp biển nhà Thanh hoành hành ở Hải Dương, Trấn thủ Nguyễn Đăng Huyên hầu như bất lực.

Tháng mười hai, Trấn thủ Nghệ An Trương Văn Minh được gia hàm Tiền phong Đô Thống chế quản lý biền binh Bắc Thành, cử đi đánh dẹp cướp biển. Thống chế Trương Phúc Đặng bị giáng bốn cấp, lột mũ áo, bắt về Kinh.

Người trong nội cung biết cái tin ấy ngay sau buổi chầu sáng, do công chúa Ngọc Anh chạy thẳng vào điện Dưỡng Tâm mà thậm chí không ghé qua báo cung Từ Thọ. Đang đưa Miên Liêu về điện, hai mẹ con cô suýt bị Ngọc Anh va phải ở cổng cung thành. Hôm ấy trời vừa tạnh mưa, gấu quần Ngọc Anh bết đất hẳn do đạp phải vũng nước ở đâu đó. Tránh mẹ con cô, Ngọc Anh trượt chân trên nền gạch trơn, hơi lảo đảo.

“Có chuyện gì thế?” Vội đỡ vai Ngọc Anh, cô hỏi. Cô công chúa dường lúc ấy mới nhận ra cô, mím môi, má đỏ bừng bừng.

“Ta vào gặp hoàng thượng.” Cô ấy nói như hụt hơi. “Anh Đặng bị cách chức bắt về rồi.”

Lời chưa nói hết, Ngọc Anh đã chạy đi. Lo lắng giao Miên Liêu lại cho hai cô cung nữ, cô cũng vội theo Ngọc Anh. Nhà vua chừng mới về điện, còn chưa thay mũ áo lên triều. Thấy người chị tới, ngài ta thoáng vẻ nửa lo lắng nửa bực bội. Xua tay cho các cung nữ cùng nội giám xung quanh lui ra, ngài ta quay lại phía Ngọc Anh mà nhẹ nhàng nói.

“Việc công không thể nói tình riêng. Tội của Trương Phúc Đặng mới chỉ cách chức là nhẹ nhàng lắm rồi.” Đối diện với người chị đang tức giận, nhà vua vẫn điềm đạm. “Ngày trước chỉ là tù nhân Thanh Hoa phá ngục, Phò mã Nguyễn Văn Ngoạn cũng bị lột mũ áo bắt về Kinh đấy thôi.”

“Bề ngoài thì thế, nhưng đã có bao nhiêu cái tội của Phò mã được ghi ở Văn thư phòng rồi, bệ hạ?” Ngọc Anh cười gằn. “Cả một đám quan tướng ở Bắc Thành, trên thì có Trấn thủ, Binh tào, dưới thì quân cả chục vạn, không đánh nổi bọn cướp biển lại chỉ đổ tội cho một người là thế nào? Năm xưa còn có cả đám người bị xử tội chung với anh Ngoạn đấy!”

“Anh ta quản lý binh lính Bắc Thành nhưng đã làm được cái gì? Khi ta hỏi tới còn không biết gì để báo!” Dường nhà vua cũng đâm nổi nóng lớn tiếng nói. “Toàn bộ những gì ta biết là do người ngoài báo lại, nói rằng dân vùng biển Hải Dương xiêu tán hết cả. Thậm chí chuyện bọn lính được lệnh bắt cướp nhưng chỉ đi dọa nạt dân chúng lấy tiền, ta cũng chỉ biết do duyệt án thu thẩm, không một ai nói đến! Cả năm trời từ khi bọn Vành nổi lên, nhưng tên Vũ Đức Cát cũng là do thổ hào bắt giữ, sao lúc ấy báo công nhanh đến thế? Cả năm trời, tới lúc ta giục thì mới đẩy vài tên Quản phủ đi đánh lấy lệ, để rồi tướng bỏ quân mà chạy, người chết vô số! Ngẫm rộng ra, cả cái Bắc Thành chỉ báo công chứ không báo án, tốt khoe xấu che dẫn đến hậu quả như hôm nay, không phải tội của kẻ làm tướng à?”

“Phò mã chỉ quản lý biền binh chứ quản sao được tới cả địa phương?” Ngọc Anh ấm ức im lặng, cô ở sau cửa bèn lên tiếng. “Nơi nào có cướp thì quan tướng nơi ấy đem quân đi đánh, không được mới gọi đến quan trên. Nếu dân bảo vệ che giấu cho cướp, quân vừa đến thì chúng tản đi, ai làm gì? Giặc cũng nào muốn đánh nhau với quan tướng, chẳng qua trộm cướp mấy nơi, quấy rối vài chỗ lấy tiền lấy của, phô trương thanh thế. Quan địa phương thấy thế cũng chẳng báo lên để phiền hà ra, còn bị giáng tội, coi như nơi nào xui xẻo bị chúng đánh cướp thì tự đi mà lo. Đánh thì không đánh được, đợi đến khi chúng họp nhau thành bọn giặc lớn thì mắc tội, Phò mã mới ở Bắc Thành một năm, đã quen thế nào được với cách làm ở nơi ấy.”

“Mới một năm? Một năm chưa đủ thì cần bao lâu thế?” Nghe cô nói, nhà vua càng giận hơn. Cô bước hẳn vào điện, nhún vai.

“Có thể là cả đời đấy. Người ở đây quen với quân lính ngoan ngoãn nghe lời, tướng hiệu răm rắp tuân lệnh, không nghe thì đánh thì phạt, đã biết thế nào là phải đi lấy lòng cả một lính lệ tép riu? Không lấy được lòng người thì kêu gọi thế nào được chúng ra sức vì mình? Không sai phái được tướng thì có chuyện không nghe chúng báo, lúc thường thì bị chúng lừa dối kiếm ăn. Không lôi kéo được các xóm các làng thì trên đe dọa dưới, dưới che giấu trên, chỉ cần vài nắm gạo thì ai còn biết đến vua?” Cô đến sau kéo tay áo Ngọc Anh, thở ra. “Phò mã chỉ quen quản lý quân Thị trung Thị nội, làm những việc lề lối trong kinh kỳ, Bắc Thành phức tạp rối loạn bao năm nay sao có thể chịu trách nhiệm một mình được?”

“Thế Bắc Thành rối loạn bao năm nay dưới quyền của ai đấy?” Nhà vua như thể được cớ mà hỏi vặn. Tới lượt cô thấy máu nóng bốc lên đầu.

“Dưới quyền của cha tôi và ngài. Nhưng cha tôi mất rồi, ngài chịu nhé?” Cô chỉ tay ra phía điện Cần Chính, cười nhạt. “Cả cái triều đình của ngài cũng vậy. Bây giờ có phải tất cả thấy chỉ một mình Phò mã chịu phạt là thở ra nhẹ nhõm, đẩy cho bằng hết tội lên đầu anh ấy, chẳng biết phải truy tội ra từ đâu không? Ngài cũng chẳng làm được gì ngoài giết gà dọa khỉ, lấy ngay Phò mã để xử phạt làm hiệu, ra vẻ như mình sắt thép liêm minh, nghiêm khắc công chính. Để toàn bộ người trên đất nước này nhìn vào, Phò mã còn ngẩng mặt lên với ai được nữa?”

“Làm tướng mà để một đám đàn bà tới cửa cầu xin mới là không ngẩng mặt nhìn ai được.” Nhà vua nói qua kẽ răng, nhìn lại Ngọc Anh mà hạ giọng. “Làm người trong triều, ai cũng phải trải qua sóng gió, chị đừng cho là hoàng thân quốc thích thì được hưởng đặc ân. Càng là hoàng thân quốc thích càng phải làm gương cho người, đảm đương trọng trách thì càng phải gánh vác trách nhiệm. Trương Phúc Đặng xưa nay một đường tiến tới, ngay cả khi tắc trách ở Bình Định thì ta đã niệm tình là người mới mà châm chước. Đến nay đã năm sáu năm làm việc ở bên ngoài, không thể cứ viện cớ chẳng biết gì. Dùng người không có tài cán là lỗi của ta, người không thích hợp thì giải chức về Kinh, tội đến đâu xử đến đấy. Chị là trưởng công chúa của một nước, chồng là Đô Thống chế, nên biết cái gì đúng gì sai.”

Tay Ngọc Anh run rẩy trong tay cô, rồi cô công chúa bất thần quay người bỏ đi không nói thêm một lời. Cô nhìn lại nhà vua, ngài ta cũng nhìn cô, ánh mắt lạnh tanh.

“Ngài có nhớ không, hai chục năm trước ngài mở phủ ở ngoài thành, chính Hoàng Công Lý và chú Phò mã là Trương Phúc Phượng xây nhà cho ngài đấy.” Im lặng hồi lâu, cô nói, rồi lại cười khẽ. “Số phận của ngài, hẳn là phải giết toàn bộ bọn họ.”

Cô chạy ra ngoài theo Ngọc Anh. Lúc này tranh cãi chẳng để làm gì, ngay cả tìm lý do cũng chẳng để làm gì. Việc trên đời vốn chỉ cần hợp lý, không cần lý do, huống hồ là thứ lý do không biết phải bắt đầu từ đâu, ai gây nên nỗi. Trương Phúc Đặng phải là người gánh chịu mọi trách nhiệm, vì địa vị mà mình đã mang.

Minh hoàng khóc dưới bóng trăng, vốn chỉ là người ở trong giấc mộng.

 

Chú thích:

[1] Nhâm Tuất niên mạnh đông sứ hành do Quảng Đông thuỷ trình vãng Quảng Tây, hoạ Trịnh Cấn Trai thứ lạp ông tam thập vận kỳ 2 của Ngô Nhân Tĩnh

[2] Minh Mạng nhắc đến Đường Minh hoàng rất nhiều so với các nhân vật lịch sử khác, thường xuyên bảo “Ta không phải là Đường Minh hoàng” (1840), “Ta vẫn thường soi gương ấy… lo người đời sau lại lấy lời ta cười Minh hoàng mà cười ta” (1827), làm thơ vịnh Đường Minh hoàng có câu “Kỷ sấu sơ duyên cần vạn cơ, Vãn niên hà độc Thái Chân phì” rồi bảo “Đến năm già đắm yêu Dương phi, chính sự trễ nải không giữ được tốt đến cùng. Đức của người làm vua ở chỗ không nhàn rỗi… Các khanh nên đọc thơ này để châm biếm trẫm” (1830), nhưng có thể kể rành rõ chuyện vụn vặt như “Đường Minh hoàng có con voi mắt biếc, ngậm chén rượu dâng thọ”. 




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.