Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

74. Phiêu bồng đoạn ngạnh cộng du du
Trường An in "Minh nguyệt 2" July 17th, 2019
  1. Phiêu bồng đoạn ngạnh cộng du du, không đới nam quan vạn lý sầu[1]
    (Cỏ bồng cành gãy cùng trôi nổi, đội mũ phương nam vạn dặm sầu)

 

Tháng ba năm Bính Dần, Khâm sai Thuộc nội Chưởng cơ Vệ úy Hồ Văn Bôi được truy tặng hàm Nghiêm uy Tướng quân Thượng Hộ quân Thống chế.

Sắc chỉ truy tặng này đến cùng với hai viên tướng ở tiềm để cũ của nhà vua, sau loạt chỉ truy tặng khác, do đó chẳng mấy ai để ý tới. Chỉ có cô gái trẻ Đinh Thị Hạnh vui vẻ mừng rỡ.

“Chỉ truy tặng ngay ngày Thanh minh, hoàng Cả thân đem đến làm lễ cho ông ngoại, cả nhà ôm nhau khóc.” Đinh Thị Hạnh vừa nựng nịu Hồng Bảo vừa cười nói. “Hai cậu suýt nữa đã lấy pháo đốt, may mà hoàng Cả cản lại mới thôi.”

Bên cạnh họ, Tĩnh Hảo đang chơi chọi cỏ gà với Miên Liêu. Vốn Thái hậu nhớ Tĩnh Hảo nên cho gọi vào cung chơi, Phạm Thị Hằng lại đang có mang đi lại khó khăn, Nguyễn Thị Nhậm cũng vừa sinh, cô phủ thiếp Đinh Thị Hạnh bèn đem cả Hồng Bảo và Tĩnh Hảo tới. Sau khi gặp Thái hậu, hai đứa trẻ được cho đến chơi ở cung Trường Ninh, cô tình cờ gặp bọn họ. Đinh Thị Hạnh vốn xuất thân thường dân, chẳng mấy rõ những mối liên hệ chằng chịt trong triều đình, nghe cô hỏi về tình hình Miên Tông liền hồ hởi thông báo việc ông ngoại hoàng Cả là Hồ Văn Bôi vừa được truy tặng.

“Từ hàm tòng nhị phẩm lên chánh nhị phẩm, cũng không phải chuyện to lớn gì lắm.” Cô chỉ nhàn nhạt nói. Cô gái này tốt nhất không nên đem chuyện khoe khắp cung, trong khi cô vẫn chưa biết ý định nhà vua muốn làm gì. Việc truy tặng này chỉ như lời nhắc nhở về sự hiện diện của một người tên Hồ Văn Bôi vốn đã qua đời hơn hai mươi năm trước, một cái tên xa lạ với hầu hết triều thần hiện tại. Bề ngoài thì chỉ là một cử chỉ truy phong đem lại chút ít danh giá thể diện cho công thần cũ, ông cố ngoại người cháu trưởng vừa được sinh của nhà vua, cũng chẳng phải dành cho người công lao đặc biệt được ban thụy hiệu, nhưng với một gia đình bị bỏ quên ngay cạnh bên kinh thành thì có sức nặng vô cùng. Cô cũng hình dung được cảnh ‘cả nhà ôm nhau khóc’ trong lời Đinh Thị Hạnh, như thể uất ức bao năm mới gỡ bỏ.

Tuy nhiên, hàm Thống chế vừa được phong của Hồ Văn Bôi đã nâng ông lên trên hầu hết người thân của cung nhân trong cung nội này hiện tại. Ngoại trừ cha cô, những quan tướng khác đều chỉ mang hàm Chưởng cơ trở xuống. Và dù con gái ông đã mất nhiều năm trước, vài cái nhìn hẳn đang chú mục vào Miên Tông, hoàng trưởng tử của nhà vua. Không như những hoàng tử nọ, Miên Tông chẳng có một ai đứng sau, dù là họ ngoại hay thuộc hạ, người quen của dòng tộc. Theo cô nhớ, họ Hồ tại Bình An chỉ có hai đời, đến ông cố ngoại mà Miên Tông còn chẳng biết tên, thật sự là một dòng họ cầu bơ cầu bất không biết phiêu dạt từ nơi nào tới đất Gia Định. Do đó, nhà vua còn đang phải ẩn giấu sắc chỉ truy phong Hồ Văn Bôi sau hàng loạt giấy tờ cùng hành động khác.

“Thái hậu có hỏi gì không?” Cô hỏi khẽ Đinh Thị Hạnh, cô gái lắc đầu.

“Đức hoàng chỉ chơi với Tĩnh Hảo và Hồng Bảo thôi. Nhưng mấy bà bên cạnh vẫn nhắc là đừng chơi lâu quá.” Đinh Thị Hạnh nói như thể không hiểu được, cô liền cười.

“Thái hậu lớn tuổi rồi, cháu lại đông, không thể nhọc sức quá. Đến chơi với bà nhưng đừng quấy.” Cúi đầu che giấu cái bĩu môi, cô đáp như dặn dò Đinh Thị Hạnh, đồng thời không nói câu tiếp theo ‘đừng ở trước mặt hoàng thượng’.

Ngay ngày đầu năm, ngài ta đã khiến cô cung nhân Trần Thị Huân khóc tầm tã trong viện. Con trai cô gái là Miên Trạch mới ba tuổi đã mắc bệnh, Thái hậu lo lắng ôm bế chăm sóc không cho ai thay, nhà vua ở bên cạnh tỏ rõ sự khó chịu. Nghe Chu Phúc Năng mách lại, ngài ta ra điện nói với các quần thần thân cận ‘là trẻ con mà làm Thái hậu lo phiền’, ‘muốn chôn con để yên lòng cha mẹ’. Lời qua tiếng lại trong cung truyền đến tai Trần Thị Huân, cô gái đành nuốt nước mắt ôm con về, đứa bé chết chỉ vài ngày sau.

Đã biết Nguyễn Phúc Kiểu lâu năm, cô chả lạ gì tính cách chỉ biết mỗi thứ mình để ý của ngài ta. Loại tính cách không chỉ khiến người xung quanh phát điên mà đến chính ngài ta cũng phải tự khổ sở, những người yêu thương hiểu biết ngài ta may ra dung chấp được, còn kẻ bên ngoài như cô thì càng nhìn càng ngứa mắt. Cho nên cô cũng chẳng thường xuyên bế Miên Liêu đến cung Từ Thọ, khi tới chỉ cười chào qua loa rồi để thằng bé đi chơi với bọn trẻ khác.

Vả lại, tâm tình nhà vua hẳn đương cực kỳ không tốt. Từ cuối năm ngoái, dường như cả Bắc Thành nổi loạn sau khi ngôi sao chổi kia xuất hiện trên bầu trời. Viên tướng Thị trung thân tín của ngài ta là Lê Mậu Cúc được cử đi làm Trấn thủ Nam Định vừa bị thổ phỉ Vũ Đức Cát họp bọn với Phan Bá Vành, Nguyễn Hạnh lừa giết chết. Lê Chất cha cô bệnh phải về đinh ưu, và Trương Phúc Đặng lẫn Nguyễn Hữu Thận chẳng có phương cách nào để bình ổn một Bắc Thành nhao nhác.

Ở Thanh Nghệ, tin tức truyền về rằng có kẻ tên Lê Duy Nhiên nuôi giấu Lê Duy Lương, con trai của Diên Tự công Lê Duy Hoán để họp quân tại Ngọc Sơn, Nông Cống. Tham hiệp Thanh Hoa Nguyễn Công Trứ tình nguyện xin đi bắt, Nguyễn Khoa Hào được phái đến Nghệ An họp cùng Nguyễn Đức Nhuận để tìm cách đánh dẹp. Dù Vũ Đức Cát bị thổ mục xã Giao Thủy bắt nộp cho quan, nhóm giặc tụ ngoài biển vẫn chẳng có dấu hiệu suy yếu. Nghe phong thanh chúng đang suy tôn ‘Lê hoàng’ làm minh chủ để mưu việc lớn hơn. Theo đà loạn lạc, những tên cướp nhỏ lẻ khác như Ninh Đăng Tạo cũng họp ở Diễn Châu đánh cướp các vùng xung quanh. Sơn Tây, Thái Nguyên, Bắc Ninh cướp nổi như ong trong cả ban ngày hay những đêm trăng sáng, không dè không sợ.

Tình hình khiến cha cô phải lưu ở Bắc Thành thêm một tháng nữa, đến cuối tháng ba mới có thể về Kinh. Trong khi đó, nhà vua lại đang lên kế hoạch tuần du Quảng Bình, cắt cử các quan viên coi sóc kinh thành. Sắc chỉ truy phong Hồ Văn Bôi càng rơi lẫn vào sự chộn rộn phập phồng khắp mọi nơi, dù anh em Hồ Văn Lưu thực có đốt pháo kéo cả con đường cũng chẳng ai để ý tới.

Và tâm tình của Nguyễn Phúc Kiểu trong năm đó, cô thực chẳng thể nắm bắt được.

“Ngài ta?” Cô nhếch môi khi cha hỏi, nhớ tới lời Hiền tần thì thầm với Thái hậu mà cô tình cờ nghe được mấy hôm trước. Nhà vua đã lại tách mình khỏi lục viện được gần nửa năm mà chẳng có lý do gì, ‘nhưng cứ mặc ngài ấy’ – Ngô Thị Chính nói. Và cô cũng chẳng việc gì phải báo với cha về việc đó. “Vẫn chạy khắp nơi làm đủ mọi thứ đấy thôi.”

“Con không nghe gì về thư của Tả quân à?” Cha cô hỏi, nhíu mày trước vẻ ngơ ngác của cô. “Tả quân viết thư xin nhà vua làm lễ tăng thọ cho ta. Nghe nói bọn quan viên trong cung ai cũng nổi nóng. Xưa nay chỉ có quần thần làm lễ xin tăng thọ cho chủ công, làm gì có quan tướng nào được cái phúc ấy.”

Cha cô nói rồi cười nhạt. Cô nhìn gương mặt ông gầy sọp hẳn, làn da tái ngoét, đến cả đôi mắt cũng không còn vẻ nhanh nhẹn trước đây. Không rõ do tang bà hay sức khỏe ông đã thực xuống đến mức này.

“Kệ bọn họ, cha phải lo sức khỏe của mình trước. Đáng lẽ cha nên ở Bắc Thành tĩnh dưỡng, mọi việc ở đây đã có bọn con lo.” Cô rầu rĩ nói, nhưng chưa hết câu đã bị ngắt lời.

“Tĩnh dưỡng ở Bắc Thành? Có mà bọn chúng chỉ chực siết cổ ta.” Cha cô cười ha hả. “Bọn giặc nổi vì cái ngôi sao vớ vẩn kia, đám điên rồ cuồng tín ấy nghĩ rằng trời kêu gọi cho chúng thành vương thành tướng, thế mà lại bảo ‘Lê Chất vừa nghỉ là đã có cướp’ – Lỗi tại ta à? Ta đã phải cắn răng ở Bắc Thành nửa năm rồi, giờ chỉ còn lại bọn giặc biển để xem tên Trương Phúc Đặng xoay xở ra sao. Miệng thì bảo muốn lưu ta lại lập công, lòng hẳn nguyền rủa ta ngàn vạn câu, ta đánh dẹp được bọn phản loạn thì thôi, không hẳn kéo ta ra xử trảm ngay đấy!”

“Cha à, không đến nỗi thế đâu…” Cô vừa nói, cha cô đã lắc đầu.

“Con có hận ta cho con vào đây không?” Ông bỗng hỏi. Cô còn đang ngẩn người, cha cô thở dài. “Ban đầu ta nghĩ rất đơn giản, với địa vị của ta thì sẽ rất dễ dàng thôi. Ngô thị kia thì là cái gì, tưởng không ai để ý rằng cả chục năm ả không có con à? Vậy mà cứ lấy ả ra làm hòn đá ngáng chân ta, thậm chí ta còn chẳng buồn xử lý ả - tất cả chỉ là cái cớ. Không có Ngô thị kia thì vẫn còn lôi được ra bao nhiêu ả khác. Chỉ muốn lợi dụng ta, vắt chanh bỏ vỏ, chứ tuyệt nhiên sẽ chẳng cho ta thứ gì cả. Ta để con vào đây, là đẩy con vào hang hùm rồi.

“Công lao nửa đời người của ta, chẳng lẽ không xứng đáng sao? Bình định cả quốc gia này, chẳng lẽ không xứng đáng sao? Miệng thì nói đền ơn nhớ ơn công thần, mà thật sự đối xử với ta ra sao? Con gái ta đáng lẽ có thể là nhất phẩm phu nhân đường đường lên xe xuống ngựa, đâu phải để nhét chung với bọn thiếp thất cung nhân lẽ mọn làm đồ chơi cho người! Thứ gì cũng muốn, thứ gì cũng yêu cầu ta phải thế này thế nọ, lấy cả đời ra mà dâng cho, mà trung thành tận hiến, trong khi cho chúng ta được cái gì?” Càng nói cha cô càng có vẻ tức giận, mày râu dựng ngược lên, mắt long sòng sọc. “Bây giờ ta mà có chuyện thì con sẽ ra sao đây? Thằng Hậu chỉ có tước Phò mã Vệ úy hữu danh vô thực, bọn trẻ còn lại chẳng có gì, cậu con đã chết rồi. Ta mà có chuyện gì thì bao nhiêu tội trạng sẽ đổ xuống đầu. Ta còn lạ gì thói đổ tội cho người chết, phủi tay như không!”

“Nếu vậy thì chẳng thể nào tránh được.” Cô nhàn nhạt nói. “Người ta biết cha đã già nên mới làm thế. Cũng như cha biết người còn trẻ nên mới làm thế. Nhưng cha đã rút lui được thì sẽ yên lành thôi.”

Thế trận này, ai thắng ai thua? Cha cô đang tức giận, nhưng có mấy phần thực sự vì cô, mà chỉ do thể diện của chính ông. Đường đường một Chưởng Hậu quân, Tổng trấn Bắc Thành uy danh lẫy lừng một cõi mà con gái vẫn chỉ là cung tần tứ giai, cháu trai bị đặt cho cái tên Liêu tồi tàn bé nhỏ. Ở Bắc Thành, bà Ba của ông có thể làm đàn chay cầu tự chín ngày đêm, còn cô nơi này hầu như chẳng có gì. Nhưng nhà vua vẫn còn có thể dùng thời gian làm lý do, như cha của ngài ta chỉ có một Hoàng hậu duy nhất, còn chức phi tần chỉ là để đặt vị trống, toàn bộ đều là cung tần trở xuống, ngay cả người được gọi là Nhị phi đã đi theo từ ngày gian khó. Thời gian sẽ là thứ vũ khí mạnh nhất của ngài ta so với các quyền thần, trong khi ngài ta vẫn lợi dụng bọn họ để trị an, củng cố quyền lực cho vùng trung tâm này.

Cha cô say mê trong quyền lực mà không nhận ra rằng thứ mình thực sự nắm giữ chẳng là gì. Càng được nhượng bộ, ông càng ngông nghênh, và hẳn đã mắc bao nhiêu sai lầm chỉ vì chút vui vẻ đắc ý thoáng chốc. Ông là một người Nam ở Bắc Thành, là một hàng tướng tiếng xấu khôn gột rửa, người người khinh rẻ, ngàn kẻ bợ đỡ thì cũng vạn kẻ muốn hãm hại. Thân phận càng cao, trách nhiệm càng nặng. Quan lại bình thường chỉ có đôi tên thuộc hạ làm bậy thì đã phải cách chức chém đầu, cha cô một cái nhấc tay đã có thể giết người mà chẳng cần phải báo trước cho vua – rồi sẽ có ngày tất cả phản ngược lại ông. Cha cô đạp lên những con sóng, lợi dụng chúng, mà không hề nhận ra mình cũng chỉ là một ngọn cỏ trôi trên bọt nước.

“Binh lính Bắc Thành hiện thời do Trương Phúc Đặng quản lý được gần năm rồi, Nguyễn Hữu Thận đã đến hơn nửa năm, cha cũng đã nán lại Bắc Thành chừng ấy thời gian. Vùng Nam Định, Hải Dương đang có loạn thì từ bấy đến nay là do Trương Phúc Đặng, Lê Mậu Cúc trấn giữ. Từ giờ có chuyện gì xảy ra cũng chẳng thể là trách nhiệm của cha nữa. Cha về Bình Định nghỉ ngơi, yên tĩnh một thời gian vẫn hơn.” Cô đều đều nói. “Dù sao Tả quân vẫn đang ở Gia Định, quan trong triều vẫn nhiều người biết lý lẽ, cha không có gì sai thì nhà vua làm gì được?”

Ngay cả nếu cha cô có sai rành rành, nhà vua cũng làm gì được, khi toàn bộ việc ngài ta đã phê chuẩn, đã cho qua? Khi cả cái triều đình xung quanh ngài ta còn đang chia rẽ, im lặng dưới quyền lực của các quyền thần, trong các phe phái nay xô mai đẩy như dòng nước? Huống hồ, chính cha cô hẳn cũng chẳng thấy mình sai. Ngay cả khi ông đẩy cô vào nơi này, kẻ sai vẫn là nhà vua, người đã không hề biết trân trọng báo đáp công lao của ông. Trong khi hẳn ngài ta lại đang nghĩ ông đang làm nư đòi địa vị cho con gái, tranh lấy chức quốc trượng để làm Hoắc Quang.

“Hoàng thượng đối xử với con tốt chứ?” Cha cô bỗng dưng hỏi. Cô chớp mắt nhìn lên ông, mỉm cười.

“Cũng tốt ạ.” Cuộc sống của cô tốt hơn hẳn người trong lục viện, ngay cả thái độ của nhà vua cũng coi như là ôn hòa. Ít nhất ngài ta còn chưa thốt ra câu ‘chôn con vì cha mẹ’ như với cô cung nhân tưởng chừng được yêu thích nọ. Trong hoàng cung này có những giới hạn, chỉ cần không đi vượt qua thì sẽ hoàn toàn an ổn. Còn lại, tất cả đều không đáng để ý tới, ngay cả nhà vua và sự thất thường của ngài ta.

Ánh mắt cha cô chợt trở nên buồn bã. Ông nhìn cô, cô nhìn ông, nhìn mái tóc đã hoa râm sau khăn đội đầu, gò má đã hóp lại, làn da trông như vỏ cây nâu xạm. Và ông buồn, và cô đơn như cô chưa bao giờ thấy. Khi ông rời khỏi cung, cô còn thấy bước chân ông kéo lê một chút trên đường, lính hầu phải đỡ ông lên xe.

Khi ấy, cô còn chưa biết rằng đó là lần cuối cùng nhìn thấy cha mình. Trong tâm tưởng cô, ông vẫn luôn là con người mạnh mẽ nhất, đến chừng thế gian như chẳng thể thiếu được ông. Chỉ cần ông có mặt, tất cả sẽ đều ổn. Cô không còn coi ông là một anh hùng như ngày thơ bé, nhưng đã quen tin rằng chỉ cần cha cô muốn thì sẽ làm được tất cả. Ngay cả đợt rối loạn ở Bắc Thành này, cô đã quen nhìn thấy nó bao nhiêu năm. Họ hết tôn Lê rồi đến phù Trịnh, những toán người hết cướp phá vùng này đến tự xưng đánh vào vùng khác, bởi muôn vàn thứ lý do. Rồi đến ngay cả lý do cũng trở nên kiệt quệ, khi ngôi sao nọ tỏa sáng bóc trần mọi dục vọng của con người.

 

Cha cô là một người khôn ngoan. Ông chưa bao giờ tin tưởng vào công lý cũng như lẽ phải, càng chẳng vin dựa vào thứ đạo đức mà nhà vua hiện tại vẫn buộc vào cổ người quanh ngài ta. Ông sẵn sàng sử dụng mọi thủ đoạn, mọi con người để đạt được mục đích của mình. Ông không tin vào lý do, cả của kẻ bần cùng lẫn những bậc đạo đức, thậm chí còn cười nhạo nó. Ông thấu rõ những mặt đen tối bẩn thỉu nhất của lòng người, và sử dụng chúng để triệt hạ nhau. Thế gian này là một cánh rừng hoang, nơi những con thú săn đuổi, tranh chấp, cắn xé nhau trong một lẽ công bằng thản nhiên tuyệt đối.

Có lẽ đầu năm ấy, ngay cả nhà vua cũng nghĩ như thế. Những ngày đó, tin tức loạn lạc từ Bắc Thành vẫn báo về, trận thắng xen lẫn trận thua, nhưng có vẻ mọi thứ vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Nhà vua sau khi tiếp đãi cha cô thì khởi hành đi tuần du Quảng Bình, còn định đến Quảng Nam nhưng hủy bỏ vì trời quá nóng. Ngày lễ Vạn thọ, ngài ta ngoài thưởng tiền cho thọ dân sống lâu còn tìm thưởng cả những nhà ngũ đại đồng đường. Thậm chí mùa hạ, Thanh Nghệ, Ninh Bình báo tin được mùa to. Nhóm quân tướng Nguyễn Công Trứ, Trương Văn Minh dẹp yên được loạn Ninh Đăng Tạo trong núi Nghệ An, bắt được đến hơn ngàn người. Nhóm người man phản loạn ở Bình Hòa cũng bị Nguyễn Văn Quế đánh tan.

Tuy nhiên, ắt nhà vua vẫn ở trạng thái căng thẳng kỳ lạ. Những viên quan thân cận với ngài ta như Lê Bá Tú, Nguyễn Hữu Thu bị Cẩm y vệ bắt đóng gông suốt mười ngày ở cửa Nội vụ phủ vì làm việc sai sót. Đến cuối tháng năm, ngài ta cho người đi tìm đất xây lăng. Những quan làm việc tại sở bộ ở Kinh liên tục bị trách mắng, giáng bổ. Đến tháng bảy, Gia Định báo tin dịch bệnh đã giết chết mười tám ngàn người, ngài ta càng gay gắt khó chịu hơn. Bộ Hình trở thành nơi hứng chịu toàn bộ cơn giận của nhà vua vì ba bốn vụ xử sai liên tiếp, Thượng thư bị giáng thẳng xuống chức Tu soạn, Tham tri biếm Kiểm thảo, Thiêm sự, Lang trung biếm xuống Thư lại cửu phẩm phát đày đi Quảng Nam, Quảng Trị. Ngay cả các hoàng thân cũng không còn tránh thoát được sai quấy. Kiêu kỵ đô úy Võ Khánh bị giáng làm Đội trưởng, lôi ra đánh trước đền Hoài quốc công vì sách nhiễu tự dân. Điện Bàn công làm giả ấn tín, đặt quan chức riêng bị phạt bổng ba năm, rút hết thuộc binh. An Khánh công chỉ vì người nhà ra chợ ép giá mua hàng rẻ mà bị phạt bổng một năm. Nhà vua ra lệnh cho nhà bếp sở Thượng thiện và các nha mà còn đến chợ ép giá, bất kể mua bao nhiêu hàng cũng bị chém ngay tại chỗ.

Tin Lê Chất cha cô qua đời đến vào giữa lúc ấy. Cô tới cung Từ Thọ nghe tin báo trong khí trời nóng như thiêu như đốt ngày đầu thu. Thái hậu tiếp tục ban cho cô ba trăm lạng bạc, nói với cô về những ân điển mà triều đình phong tặng. Cha cô được tặng Thiếu phó, thụy Dũng Nghị, cấp ba ngàn quan tiền làm lễ tang, cho quan đến tế tại quê nhà. Mọi nghi lễ đều là hạng nhất dành cho quan nhất phẩm.

Nhà vua cho nghỉ triều ba ngày để tỏ lòng thương xót, trong khi gọi cung nhân đến điện, hẳn là ngài rất vui mừng, kẻ xấu tính nào đó nói lớn trước cổng viện của cô. Đông hầm hầm cầm gáo nước hắt qua tường, nghe tiếng người kêu lóe chóe, mắng ầm ĩ. Ngồi trong nhà, gói bạc được bao kỹ để trên bàn trước mặt, cô chỉ ngẩn người nhìn mấy chữ ơn vua lộc nước được viết trên nhãn. Ngọc Cửu chưa đến nhận tiền, hẳn vì còn bận sắp xếp tang lễ ở ngôi phủ trống trong Kinh. Mẹ cô và các em trai gái, cả nhà sẽ về Kinh làm lễ. Chẳng còn việc gì ở Bắc Thành, họ ắt cũng sẽ về ở hẳn nơi này. Cậu cô đã chết, cha cô đã chết, nhà không còn một vị quan tướng nào.

Như một cái chớp mắt, quyền lực của gia đình cô tan biến. Ở Bắc Thành, hẳn họ đang thu xếp rời khỏi dinh Tổng trấn, cho người hầu ra đi, thậm chí có thể họ đã phải nhường nơi đó từ khi cha cô về trí sĩ. Quay lại đây, họ chỉ có một ngôi phủ mà từ giờ sẽ chẳng ai còn gọi là phủ Hậu quân. Tuy số ruộng đất, tự điền cùng tiền bạc cha cô tích góp được rất nhiều, toàn bộ phù hoa rộn rã mà mẹ cô ưa thích say sưa đều sẽ không còn nữa. Lê Hậu chỉ là một Phò mã sống ở phủ công chúa, cô chỉ là một cung tần mỗi năm được vài trăm quan tiền mà cha cô vừa mất đi đã có người tới cửa châm chọc.

“Gọi Đông vào.” Cô gọi Hạ tới, khẽ nói. “Ra bảo với nó, kẻ nào nói nhảm chuyện trong cung, ngài ngự mà biết thì xé xác chúng chưa cần ai phải mách đâu.”

Cô bé gật đầu, ra ngoài réo rắt gọi. Tiếng ồn ngoài cửa lập tức lắng xuống. Cô nhìn bóng lá in trên mành trúc bất động như vết mực trong khu thành lặng gió. Đầu thu, khí trời nóng như thiêu, khô ran lồng ngực, đến mức cô cảm thấy từng hơi thở cũng khó khăn nặng trĩu.

Miên Liêu nằm ngủ trên sập, vẫn ôm món đồ chơi mà Thái hậu đưa cho trong lòng, gương mặt non nớt thanh thản. Nó chỉ là một hoàng tử nhỏ trong khu thành đông đúc này, mà sự sống lẫn cái chết có khi chẳng đổi lại được đến cái cau mày của nhà vua. Trong toàn bộ cung nhân ở nơi đây, mẹ nó là người bị nhà vua ghẻ lạnh nhất.

Cha cô không còn nữa. Bao năm nay, cô đã quen với sự vắng mặt của ông, nhưng vẫn ngóng chờ ông quay lại. Chờ cha mua cho cô chiếc bánh ăn vội bên bờ sông, chờ cha cô quay lại nhìn trên con đường hoàng hôn bóng đổ. Hoàng hôn vẫn đang rơi xuống trong tiếng ve bát ngát, cô vẫn lủi thủi một mình trên con đường ấy, nhưng sẽ chẳng còn ai. Cha cô không quay lại, cô bé ấy đã rời đi, xa khuất tự tháng năm nào. Ngay cả bà cô cũng sẽ không đến, dù chỉ để thổi tắt ngọn đèn trên bàn trong căn nhà dột.

“Em lại đây.” Thấy Đông đi vào, cô nói. Nhặt quả quýt trên đĩa, cô im lặng bóc, đưa cho cô bé cung nữ một múi. “Ăn với ta.”

Nhìn cô lạ lẫm, nhưng Đông vẫn đón múi quýt trong tay cô. Cho múi quýt vào miệng, cô mới nhận ra môi mình mặn đắng.

Con có hận ta không, cha cô đã hỏi. Đáng lẽ cô nên hận ông. Con đáng lẽ phải là nhất phẩm phu nhân, danh thế đường đường, nào phải ở trong góc thành này khóc lặng.

 

Chú thích:

[1] Đồng Trần Tuấn, Hà Bính Xích Hạ chu trung tạp vịnh của Ngô Nhân Tĩnh




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.