Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

70. Thiên nhược hữu tình ưng cộng lão
Trường An in "Minh nguyệt 2" July 6th, 2019
  1. Thiên nhược hữu tình ưng cộng lão, địa như vô hận diệc sinh sầu[1]
    (Trời nếu có tình thì già mất, đất như không hận cũng sinh sầu)

 

Tháng ba, hoàng nữ Cả Ngọc Tông của Hiền tần mất.

Cô bé đã bệnh từ tháng hai, cầm cự được tới tháng ba thì qua đời. Từ khi Ngọc Tông đổ bệnh được đưa về viện Thuận Huy cho mẹ chăm sóc đến lúc qua đời, nhà vua chỉ ghé qua đôi ba lần. Ngày Ngọc Tông mất, nhà vua đang thiết triều, Thái hậu cùng Hiền tần tự lo mọi việc đưa cô bé đến điện quàn sau lục viện, gọi người chuẩn bị tang lễ.

Ngô Thị Chính vẫn như hình ảnh trong trí nhớ cô mười bốn năm trước, mắt đỏ hoe, gò má tái nhợt, nhưng im lặng. Dù đã quen biết Ngô Thị Chính từ lâu, cô vẫn chẳng thể nào thân thiết hay trò chuyện được với cô ấy chính vì sự im lặng xa cách thường trực này. Nghe tin, cung nhân trong viện tới giúp đỡ an ủi người mẹ vừa mất con, nhưng Ngô Thị Chính vẫn chỉ lặng lẽ sắp xếp đồ đạc của Ngọc Tông đưa ra điện quàn trong tiếng khóc của mấy đứa con khác.

Nghe nói, đến chiều hôm đó, sau khi tan chầu, nhà vua mới biết tin con gái đã qua đời. Ngài ta có đến điện quàn hay không, cô cũng chẳng hay.

Nhưng hẳn là ngài ta cũng chẳng còn tâm trí để đau lòng vì đứa con gái. Hạn hán kéo dài từ cuối năm trước trên toàn phần giữa đất nước, kích thích những cuộc nổi loạn lớn nhỏ ở Thanh Nghệ. Ngay cả kinh kỳ và vùng trực thuộc cũng khô hạn đến những ngày giáp hạt, giá gạo tăng cao. Nếu trời mãi không mưa, vụ thu hoạch xuân hè quan trọng nhất trong năm sẽ tổn hại nặng nề. Cuối năm ngoái, bốn vạn hộc gạo đã được phát bán rẻ ở Nghệ An nhưng không giúp tình hình khá hơn.

Tham tri Hình bộ Vũ Xuân Cẩn đã được phái dẫn đoàn quan Kinh đi phát chẩn. Tuy vậy đến đầu năm, tin báo Bắc Thành cũng hạn hán lớn. Thanh Hoa động đất. Hạn lan đến Quảng Bình, Bình Định. Nghệ An đói, trộm cướp nổi lên, người vừa đến nơi phát chẩn đã chết. Cuối mùa xuân năm ấy, trong những cơn gió lạnh Nàng Bân, dường thấy cả cỏ cây khô héo dưới nắng rực trên bầu trời xanh ngắt.

Nhưng người trong triều này vẫn còn chuyện khác để giằng co. Tháng hai, nhà vua quyết định từ chối lời mời thông hiếu của Miến Điện. Lê Văn Duyệt và Lê Chất cùng dâng sớ xin từ chức Tổng trấn.

“Hoàng thượng còn tỏ vẻ ngạc nhiên cơ đấy.” Mợ cô vừa bóc quả quýt vừa kể lể. “Ngài hỏi tại sao, như thế nào, tựa chuyện từ trên trời rơi xuống. Lúc cha cháu kê án Lê Duy Thanh ra bảo, theo chứng cứ của Hình tào Bắc Thành thì lão ta phải tội chết, hoàng thượng còn sai lấy bản án đưa cho cha cháu, nói là đình thần làm đấy.”

“Cha cháu và Tả quân cho qua sao?” Cô hỏi. Mợ cô cho múi quýt vào miệng, ăn xong mới trả lời.

“Ngài ta cứ ra vẻ mọi thứ chẳng liên quan đến mình như thế thì nói làm sao? Chẳng lẽ bảo rằng mọi việc ngài ta làm đều ngược ý, rồi đem tất cả ra cho triều thần bàn lại lần nữa? Cứ thế thì đến bao giờ?” Mợ cô chợt bật cười. “Cậu cháu nói, hoàng thượng có thói ngồi im chờ triều thần cãi nhau cho hết, rồi phán quyết. Ai không đồng ý thì cứ tiếp tục cãi nhau với đám triều thần còn lại, ngài ta tiếp tục ngồi nghe. Cái án của Lê Duy Thanh cũng thế đấy, ngài ta ném bản án cho cha cháu tự đi mà cãi nhau với Hình bộ, trong khi Thượng thư Hình bộ Lê Bá Phẩm đã chết rồi, Lại bộ Nguyễn Hữu Thận chỉ là chức trông coi thôi. Nguyễn Hữu Thận thì nhìn giống một ông già nhút nhát, nhưng khôn khéo ra phết đấy. Đá qua đá lại không ai nhận, đến Hình bộ nói chuyện với bức bình phong à?”

“Mợ về bảo nhỏ cha cháu là có làm việc gì cũng nghĩ cho cháu với chứ.” Cô cau mày nói. Dù cha cô thân với Tả quân, việc gì Tả quân muốn thì ông ấy cũng sẽ theo phe, nhưng chuyện Miến Điện chẳng liên quan gì tới cha cô. Hoàng thượng đã thăng thẳng cậu cô lên Chưởng cơ, coi như là ân sủng đặc cách nhằm lấy lòng cha cô, nhưng chỉ vì một Lê Duy Thanh mà cha cô canh cánh trong lòng, theo phe Tả quân thì ít mà dựa thế ép vua phải xử lại theo ý mình thì nhiều. Ý nghĩ cùng tính tình của cha cô thế nào, cô hẳn rõ.

“Thì cha cháu cầm bản án về rồi, nói gì được nữa.” Mợ cô chép miệng. “Cậu cũng đã khuyên cha cháu thôi đi, tội gì phải vì một chuyện nhỏ mà rước bực vào thân. Cha cháu bèn thôi không từ chức nữa, Tả quân vì thế mà không nói gì được.

“Vả lại cha cháu được cử đi kinh lược Thanh Nghệ, đang chuẩn bị lên đường.” Mợ cô cười, trong khi cô lại im lặng.

Theo tấm gương của Tả quân, kinh lược Thanh Nghệ đem đến huân công và sức mạnh, đưa tới bọn thuộc hạ lợi hại cùng những lợi ích lâu dài. Vùng đất nghèo khó này lại bị xẻ nát bởi những phe phái thổ mục và những kẻ liều lĩnh theo đóm ăn tàn, sự thù hận sâu sắc ngấm ngầm truyền đời trong loạn lạc. Kinh lược, nghĩa là gọi một bọn người thuộc phe phái khác tới, đưa cái mồi ra nhử để dập tắt bọn người kia, thậm chí thu phục chúng về dưới trướng. Cứ thế, những cuộc kinh lược đều đặn tới cùng các kho lúa chẩn cấp. Cứ thế, sự sống kỳ quặc quái gở tiếp diễn trong loạn lạc.

Đó cũng là những gì nhà vua làm, đưa mối lợi ra nhử cha cô, tách ông ấy khỏi Tả quân – cũng như ngài ta đem cậu cô ra thuyết phục cha cô. Khi không còn cha cô làm đồng minh, Tả quân sẽ chỉ có một ngàn thuộc hạ từ Gia Định đưa tới, trong một triều đình đang dần dần thay đổi chẳng còn mấy kẻ thân thuộc. Thân tín của Tả quân đã nằm ở cả Gia Định, cho nên ông ấy cứ việc trừng mắt tức giận, thậm chí mỉa mai cay độc ngay giữa triều đình, trong sự im lặng của toàn bộ xung quanh.

“Nhà vua có hỏi cháu gì không?” Mợ cô bỗng hỏi. Cô giấu cái cau mày, lắc đầu. Mợ cô đảo mắt nhìn quanh phòng rồi nghiêng về phía cô hạ giọng như muỗi kêu. “Ngoài kia đồn rằng trong nhà cha cháu có một tên hầu bỗng dưng lăn ra chết. Người bảo cha cháu và Tả quân bàn mưu phản nghịch, thằng hầu ấy nghe được nên bị giết.

“Chuyện đồn đãi thật chẳng biết thế nào. Nhưng mợ nghĩ cha cháu không làm thế đâu. Chẳng dại…” Mợ cô bỏ múi quýt cuối cùng vào miệng, gật gù nói.

Hẳn nhiên, cha cô việc gì phải nghĩ đến chuyện theo một viên tướng nội giám như Tả quân ‘làm loạn’ khi đã có tất cả mọi thứ trong tay? Bọn họ hẳn cũng chẳng có ý nghĩ ấy, chỉ là tìm cách bức ép nhà vua theo ý mình – và có thể theo tính cách huênh hoang của cha cô, sự thô lỗ gay gắt của Tả quân, sự ngang ngược ngông nghênh của các viên tướng võ biền, thì họ đã nói nhiều điều không nên nói chỉ để cho vui. Để rồi lời đồn đại lan khắp kinh thành, đổ dầu vào lửa cho xung đột.

Nhà vua lại vừa ra lệnh thả Đào Quang Lý khỏi nhà ngục, cho làm việc ở Phiên An. Kênh Vĩnh Tế lại được lệnh đào dưới sự quản lý của Trần Văn Năng. Tả quân vẫn phải ở Kinh đến tháng sáu để dự lễ cưới của người thừa tự Lê Văn Yên, nhưng hiện thời hẳn đã thấy sốt ruột. Ngoại trừ một cái án Đào Quang Lý, không biết Trần Văn Năng còn có thể tìm thấy gì ở thành Phiên An? Và viên tướng ấy không phải là một tên Thị vệ nhỏ nhoi để có thể bị đòi chém đòi giết.

Mọi sự ở triều đình này đang giằng co, cả Bắc Thành đang rối loạn, cái chết của cô hoàng nữ nhỏ rơi vào sự yên ắng nẫu lòng của khu cung điện phía Tây. Hoàng cung này chẳng theo Phật, không theo đạo, điện quàn im lìm hương khói khi đám trẻ của Hiền tần đã thút thít theo người về cung. Nửa đêm, Ngô Thị Chính cũng về viện, cô nghe tiếng chân đi lại trong sân một lúc rồi yên. Nằm một lúc, bức bối không thể ngủ được, cô ra sau điện tìm vại nước mưa rửa mặt, lại chợt nghe tiếng thầm thì.

“Chị chợp mắt một lát, mai còn làm lễ.” Giọng nói quen quen mà cô phải nghĩ một lúc mới ra là của Trần Thị Tuyến, người đã vào phủ gần như cùng lúc với Ngô Thị Chính nhiều năm trước. “Ngài ngự cũng nói sẽ sai các quan bàn định nghi thức tươm tất cho chúa Cả rồi.”

“Nghi thức…” Ngô Thị Chính khàn khàn nói, chợt cười khẽ như tiếng cành cây gãy. Trần Thị Tuyến cũng rơi vào im lặng. Cô nhìn quanh, nhận ra họ đang ngồi ở hiên điện sau, cách cô chỉ một bức tường nhô ra mỏng mảnh.

“Nhiều khi ta vẫn nghĩ, rốt cuộc ta đã làm sai cái gì?” Cô đã định vào nhà, Ngô Thị Chính chợt nói. “Cho đến khi ta nhận ra… Miên Hoành có ngày sinh rất gần với hoàng Cả. Hoàng Cả vốn là sinh non đấy.”

“Chị nghĩ nhiều rồi, có mấy đứa trẻ sinh tháng năm mà.” Trần Thị Tuyến vội nói. Nhưng dường như thấy cả mình cũng chẳng có lý hơn, cô ấy thở dài. “Đó là những lúc đặc biệt.”

Trong đêm chỉ còn nghe tiếng gió. Cô quay lại điện của mình, cơn đau nhói nhè nhẹ trong bụng khiến cô phải ngồi xuống sập. Co người, cô dõi mắt nhìn vào bóng tối.

Công chúa Cả hẳn được hưởng mọi nghi thức hàng đầu. Cũng như Miên Hoành và Miên An dù chỉ mới mười bốn và bảy tuổi đã được hưởng lương hoàng tử hạng nhất ngang với hoàng Cả Miên Tông đã ra phủ riêng, như thể lời khẳng định vị chính cung của Hiền tần. Trong khi suốt từ khi Nguyễn Phúc Kiểu trở thành Thái tử, người vợ này không hề có thêm đứa con nào. Một quan hệ kỳ quặc của người phi tần hạng nhất chỉ có nghĩa vụ trông coi Tây cung, dẫn đoàn cung nhân đến hầu Thái hậu và làm các lễ tiết cần thiết. Cũng như cô gái Trần Thị Tuyến kia có địa vị duy sau Hiền tần và cô nhưng chỉ vừa được nhà vua nhớ ra hai năm trước, vào khoảng thời gian ngài ta đủ rảnh rỗi để thực sự nghĩ rằng mình có cả một hậu cung đang chờ, nghĩa vụ cần phải thực hiện của một nhà vua mới lên ngôi. Và hẳn những cái tên được chọn từ trên xuống. Sau đó, cô ấy lại rơi vào khoảng lãng quên hun hút nằm giữa các ngõ ngách lục viện.

Như lúc này thì ngài ta quả thật đã quên bẵng bọn họ, bất cứ ai trong bọn họ.

Cũng như trong thời gian bệnh dịch hoành hành, giữa những mưu đồ và rối loạn bắt đầu khởi phát, ngài ta thà đi ra phía góc thành kia, vẽ nên khu vườn mơ mộng của mình, tuyệt nhiên không cần đến bất cứ ai. Thế gian thực sự của ngài ta vĩnh viễn nằm giữa những tầng mây. Khi thân xác trên mặt đất bị xé nát trong dục vọng của con người.

Đứa trẻ trong bụng cô cựa nhẹ. Lạ lùng, cô chẳng có cảm xúc gì với việc đã mang thai, cũng như tình cảm đặc biệt nào với sinh linh đang lớn lên trong thân thể. Chẳng qua là một chuyện trao đổi, một sự kết hợp để tạo thành mối liên kết bằng xương thịt. Đứa trẻ sẽ sinh ra trong sự lãng quên của cha nó, sự lạnh lùng của người mẹ, và toan tính trùng trùng của những kẻ mà nó sẽ gọi là thân thuộc. Tương lai của nó, cô còn không dám nghĩ tới.

Nguyễn Phúc Kiểu vẫn ương bướng bất kham trong cái vẻ ngoài hòa hoãn. Mối quan hệ của nhà vua với cha cô chỉ có thể bình ổn khi một trong hai không còn nữa. Bây giờ thì thậm chí cô nghĩ, có lẽ cha cô muốn loại trừ nhà vua thật sự - nếu như đứa trẻ cô sinh ra là con trai. Và đó là lý do nhà vua nhanh chóng đẩy cha cô đi kinh lược Thanh Nghệ.

 

Đó là những ‘người thân’ của con cô, đây là nơi cô và nó sẽ sống. Trái tim cô thậm chí không còn cảm giác khi cơn đau lan khắp thân thể bải hoải. Những cơn ốm nghén đến hành hạ cơ thể, chân tay sưng lên đến đi mỗi bước một khó, linh hồn nặng nề chìm vào bầu trời xanh mùa hạn, rơi hun hút vào hư không trong những tiếng thì thầm lan truyền giữa các bức tường. Tâm trí biến thành bóng tối trong những giấc ngủ dài dằng dặc qua ngày đoạn tháng.

Giữa những bức tường thành này, sự sống cùng cái chết cũng trở nên vô nghĩa như nhau. Cái chết của Ngọc Tông nhanh chóng trôi qua khi xác cô bé được đưa khỏi thành. Hôm đó cô lại không có mặt đưa tiễn vì được gọi đến điện Quang Minh gặp cha cô. Ông không thể vào sâu cấm thành, cô không tiện ra ngoài, nơi này là tiện điện mà nhà vua thường gọi các quan vào chầu riêng.

Đi qua trường lang sang vườn Đông, cô bỗng thấy một nhóm cung nữ tụ tập ở góc hành lang, có vẻ như cũng đang đợi nhà vua tan chầu. Bọn họ quay lưng lại không nhận ra cô đến, còn đang nói chuyện ríu rít.

“Nghe tin báo, hoàng thượng thưởng ngay cho mỗi người xung quanh một món đồ chơi đấy.” Cô cung nữ nhỏ cười tít mắt, khoe chuỗi hạt gỗ trong tay. “Ngài thậm chí còn bàn với hoàng Cả đặt tên cho cháu như thế nào nữa cơ. Con trai thì lấy bộ Nhân, con gái lấy bộ Nữ. Nghĩ một lúc thì ngài nói, con trai tên Hồng Bảo, con gái tên Tĩnh Hảo. Trai thì giữ phúc, gái thì an lành.[2]

Viên nội giám dẫn đường cho cô ho khẽ, các cung nữ giật mình vội quỳ chào. Những muốn hỏi về chuyện bọn họ nói nhưng vì đang gấp nên cô bèn thôi.

Ắt Miên Tông vừa báo tin vợ có mang đứa cháu đầu tiên của nhà vua. Bảo hẳn là ‘Bảo ngải dĩ hậu’[3], còn Tĩnh Hảo với nghĩa cho nữ nhi ắt là ‘Nữ viết kê minh’.

Dực ngôn gia chỉ, dữ tử nghi chi. Nghi ngôn ẩm tửu, dữ tử giai lão. Cầm sắt tại ngự, mạc bất tĩnh hảo.[4]

Chần chậm vừa đi vừa suy nghĩ, đến gian sau điện, cô lại ngạc nhiên nghe một tiếng nói khá quen thuộc vọng tới. Giọng của Thái Công Triều.

“Tôi chỉ là Tham luận nhỏ của Trung dinh Thần sách, nhưng Trung dinh đã đóng ở Thanh Hoa thời gian dài thông thuộc công việc thủy thổ nơi ấy, mong được giúp đỡ cho Hậu quân.” Thái Công Triều nói nghe như đang cười theo thói thường của anh ta. “Hiện thời Trung dinh đi Vĩnh Thanh theo ông Trần Công Lại cả rồi, chỉ còn mình tôi ở đây.”

“Được các anh giúp đỡ thì còn gì bằng.” Lê Chất cha cô trả lời, nhưng cô nghe thái độ ông nhạt nhẽo. Có tiếng bàn ghế đẩy kèn kẹt, hẳn mọi người đang đứng dậy nói những lời cuối cùng khi kết thúc buổi bàn chuyện. Tò mò, cô ra cửa ngang nhìn những người đi khỏi phòng. Chỉ đôi ba người trong phòng, có cả Lê Văn Đức hiện thời đang giữ chức quan ở Công bộ.

Thái Công Triều ra cuối cùng, bỗng quay đầu nhìn cánh cửa lắp kính. Lúc ấy cô mới kịp nhận thấy mặt kính phản chiếu gương mặt mình ló ra. Cô vội thu người vào trong.

“May mắn nhé.” Thái Công Triều chỉ nói rất khẽ, như tiếng gió truyền qua hành lang dài. Cô nghe tiếng chân rời khỏi.

Cha cô vào gian nhà sau, gọi cô lại hỏi thăm và dặn dò. Rồi ông bảo, nghe nói phi tần cùng viện đang có tang con hẳn rất ồn ào, ông xin nhà vua cho cô một nơi yên tĩnh kẻo ảnh hưởng đến mẹ con cô.

“Sao…” Cô hơi giật mình, tuy nhiên lại hiểu ý nghĩ của cha cô. Chuyện gì ông muốn lúc này thì phải có bằng được. Vả lại Hiền tần chính là người đứng đầu lục viện, là vị trí mà ông muốn cô đạt được nhất. Ta không hại người thì người hại ta, ông đã sống như thế, và cho rằng tốt nhất cô không nên ở gần cô ta.

Bỗng nhiên, cô miên man nhớ đến những cái tin đồn vụn vặt được nghe suốt thời gian này. Cha cô cùng Tả quân muốn giết nhà vua, và tên hầu tình cờ nghe lén đã phải chết. Nhà vua bác kế hoạch liên kết với Miến Điện, những xung đột ngày càng tăng cao, và ngay sau đó, con gái Cả của Hiền tần chết. Càng nghĩ, sống lưng cô càng lạnh đi trong nỗi hoang mang sợ hãi.

Cha cô vẫn tiếp tục nói, trong khi cô hầu như đã không nghe ông nữa. Cho đến tận khi chào ông ra về, ngồi trong ngôi đình ở vườn Đông, cô vẫn còn nghĩ đến cái khả năng đáng sợ nọ và câu nói thoảng qua hành lang kia.

May mắn nhé.

Sao cô không đi thử xem, cô có thể đi bất cứ đâu mà. Tôi nói thật, cô liệu cách trốn đi là hơn. Cô cho rằng bọn họ nghe cô nói à?

Dòng sông in bầu trời sao mở ra vô tận đêm thâu. Kinh thành đông đúc với những ngõ ngách chẳng mấy người biết tới. Những tháng ngày tự do như vị rượu còn hương mãi trong lồng ngực. Bỗng dưng thấy Thái Công Triều, cô như sực tỉnh khỏi một cơn mộng mị dài. Quá lâu, cô bị giam hãm đã quá lâu, đã chìm trong bóng tối quá lâu, đến mức quên đi có những tháng ngày như thế. Đã có người thật lòng khuyên cô, hãy cất cánh bay vào bầu trời, tìm lấy một giấc mơ. Đã có người ngồi bên, lắng nghe những câu chuyện vớ vẩn của cô, chờ đợi cô tỉnh rượu.

Nghi ngôn ẩm tửu, dữ tử giai lão, mạc bất tĩnh hảo. Đó là cuộc sống mà thậm chí cô còn chưa từng mơ tới, nhưng rồi lúc này nghĩ về nó lại thấy mình không thở nổi.

Theo lời cha cô, nhà vua cho xây một điện mới nằm ở góc Tây lục viện, gần cổng Gia Tường để người trong cung dễ dàng đi lại chăm sóc cho cô. Cậu cô được phái đi nhậm chức Trấn thủ Biên Hòa khiến mợ phải theo chăm sóc, không còn ai vào cung quấy rầy. Tháng sáu năm ấy, khi những buổi cưới hỏi, lễ lạc đã xong, Tả quân cáo từ quay về Gia Định. Cuối tháng bảy, cô hạ sinh một đứa con trai trong khí hạ chuyển thu khô hạn nực nồng.

Sau vài năm bão lũ, năm ấy trời chuyển đại hạn. Khắp nơi thoang thoảng mùi cỏ lá cháy khô, không khí bức bối đến dường ngưng đọng lại đè nặng từng hơi thở. Cơn đau đớn không chịu đựng nổi đến như lăng trì cơ thể, khiến cô chỉ muốn được chết. Cô nửa mê nửa tỉnh chìm nổi trong hơi nóng hầm hập tựa lửa địa ngục bao phủ nuốt chửng toàn bộ con người, rồi cuối cùng ngất lịm đi, rơi vào bóng tối đặc quánh.

Không biết đã qua bao lâu, khi tỉnh lại, cô nghe tiếng trẻ con khóc. Thấy cô mở mắt, bà vú đến hỏi han. Hai cung nữ thân cận vội lau mặt, ôm đứa bé tới cho cô. Cô nhìn sinh vật nhỏ bé đỏ hỏn nằm trong bọc lụa, yên lặng một lúc mới đưa tay nhận.

“Thái hậu nghe tin bà tần chuyển dạ thì tới ôm cháu, nhưng đến tối người trong cung đưa Thái hậu về rồi. Người dặn đưa thêm mấy bà già thạo việc tới hầu.” Đông nói, ra dấu về phía mấy người phụ nữ lớn tuổi đứng trong ngoài nhà, người nấu nước kẻ sắc thuốc. Cô lóng ngóng ôm đứa bé trong tay, nhìn khuôn mặt nhăn nheo, đôi mắt nhắm tít của nó, như thể vẫn chưa tin mình đã sinh nó ra.

Cô đã mang đứa trẻ này trong bụng suốt chín tháng trời nhưng chẳng hề có tình cảm gì với nó, như thể nó chỉ là một căn bệnh mà cô phải chấp nhận, một phần cơ thể nào đó thay đổi mà cô phải chịu đựng. Đến lúc này, cô vẫn cảm thấy xa lạ với đứa trẻ đã hình thành, quẫy đạp suốt những ngày tháng ấy như thể báo cho cô biết sự hiện diện của nó. Trong xung đột gay gắt của những người thân và sự trầm uất kéo dài của mẹ nó. Trong sự cô độc tột cùng mà nó đã trải qua suốt những ngày tháng thành hình.

Nó là một đứa con trai, điều mà cha cô ao ước, điều mà nhà vua lo sợ. Lúc này cô vẫn đang nghĩ tới những gì sẽ xảy đến sau đó, cùng sự hiện diện của nó. Cơn đau bải hoải vẫn lan truyền khắp cơ thể, lòng cô lại lạnh đi dần dần khi cô ôm đứa trẻ vào ngực. Cảm nhận hơi ấm quen thuộc, nó nín khóc, cọ mặt vào vai cô. Đầu óc mông lung, cô chỉ ngẩn người vuốt nhẹ ngón tay lên cơ thể nhỏ bé ấy, nghe mùi máu còn thoang thoảng đâu đây.

Cô không nghe tiếng chào lao xao ngoài cổng cho đến khi bóng áo hoàng bào xuất hiện trước cửa. Ngẩng lên thấy nhà vua, cô im lặng trao đứa bé cho bà vú bế đến trước mặt ngài ta. Nhà vua không ôm nó, chỉ đưa tay vuốt nhẹ khuôn mặt nhỏ đỏ hồng.

“Một đứa trẻ khỏe mạnh đấy.” Thấy thế, cô liền cười. Tựa lưng đầu giường, cơ thể mệt mỏi đến mức không còn cảm giác, có lẽ vì vậy mà cô chẳng biết mình nói gì. “Ngài có thất vọng không?”

Nhà vua cau mày, khẽ nói bà vú ôm đứa trẻ đi cho bú. Hạ và Đông vội dâng thuốc, lấy gối kê lưng cho cô. Người trong phòng im lặng lui bớt ra, để lại nhà vua vẫn đứng một mình ở cửa, không tiến vào.

“Ngài có thường đến thăm cung nhân không?” Uống hết chén thuốc, thấy thái độ kia, cô bèn mỉm cười. “Đa tạ hoàng thượng đã có lòng đến xem thần chết sống thế nào, mong ngài không thất vọng.”

“Không khỏe thì bớt nói đi.” Nhà vua gắt, hơi quay người như thể định đi ra. Cô gọi ngài ta lại.

“Ngài định đặt tên cho nó chưa?” Chưa đến lễ trăm ngày đặt tên, nhưng con cô là đứa trẻ cuối cùng sinh trong năm này, hẳn nhà vua đã chuẩn bị sẵn.

“Liêu.” Ngài ta trả lời ngắn gọn.

Ốc trách tự tăng liêu[5]. Cám ơn hoàng thượng.” Cô lại cười. Hẳn ngài ta lật tự điển chọn chữ bộ Miên từ trên xuống. Cung, Phòng, Trạch, rồi đến Liêu, những cái tên chẳng có ý nghĩa gì[6]. “Là một lều quán nhỏ an nhàn, quả rất tốt.”

Nhà vua quay đầu như muốn nói, nhưng im lặng đi khỏi điện. Bà vú lại ôm đứa trẻ tới cho cô. Nó đã ngủ say.

Ngoạn phi hoa chi nhập hộ, khán tà huy chi độ liêu[7]. Nằm xuống cạnh đứa trẻ, cô mơ màng nghĩ. Một cuộc đời như thế, hẳn là rất tốt.

Hẹn nhau uống rượu, cùng nhau già đi, lặng yên đẹp đẽ.

 

Chú thích:

[1] Áo Môn lữ ngụ Xuân Hòa đường thư hoài của Ngô Nhân Tĩnh

[2] Năm Minh Mạng thứ 19 quy định tôn thất sinh con trai hay gái đều phải trình cho vua hoặc quan tư giáo đặt tên, chỉ có hoàng tử thân công trở lên được phép tự đặt tên cho con gái. 

[3] Trích Kinh Thi, Nam sơn hữu đài ‘Lạc chỉ quân tử, bảo ngải nhĩ hậu’, ‘Vui thay những bậc quân tử, con cháu được dưỡng nuôi yên ổn’.

[4] Trích Kinh Thi, ‘Chàng săn bắn được thêm nhiều chim phù chim nhạn, thiếp tùy nghi nấu nướng chúng. Trò chuyện và uống rượu, hẹn cùng nhau già đi, cầm sắt đàn cho chúng ta. Lại không là tĩnh hảo’. 

[5] Bần cư của Lục Du, “Phòng ốc chật hẹp như lều nhà sư”.

[6] Toàn bộ đều chỉ căn nhà theo các mức khác nhau.

[7] Tự sầu phú của Giản Văn Đế. “Ngắm hoa bay vào cửa, nhìn nắng tà bên song”.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.