- Mỗi ức chi anh thanh khí vị, kỷ hồi hương mộng nhiễu tiên thành[1]
(Nhớ đóa chi lan thanh cao ấy, mấy hồi mộng ngát quẩn quanh tiên thành)
Tháng chín, Thiệu Hóa công Chẩn qua đời. Tháng mười, hoàng tử thứ mười bốn là Miên Hựu mất.
Thiệu Hóa công đã bệnh nặng từ tháng trước, Ngọc Cửu báo với cô khi đến thăm Miên Liêu mới sinh, bảo rằng cả Thái hậu và nhà vua đều lo lắng không yên. Nhà vua hễ có thời gian rảnh thì đến thăm Nguyễn Phúc Chẩn, rồi lại về cung Từ Thọ an ủi mẹ. Mùa giáp hạt đói kém nhất đang đi qua, nhưng ngài ta vẫn chẳng có lúc yên lành.
“Trong các anh em, ngài ngự thương Thiệu Hóa công nhất, hơn cả Kiến An công. Ngài ấy nhìn Thiệu Hóa công lớn lên mà.” Ngọc Cửu vừa ôm Miên Liêu trong tay rung khe khẽ vừa nói. “Hồi đó Thái hậu đón hoàng Cả vào cung, chính Thiệu Hóa công chăm sóc cho cậu ấy, ngày nào ngài ngự cũng đến chơi với cả hai đứa trẻ. Hoàng Cả, hoàng Ba buồn lắm, Thiệu Hóa công vừa như chú vừa như anh em liền khúc ruột. Thiệu Hóa công thật thà hiền lành, ai cũng thương.”
Cô thầm nhớ tới cậu bé thi thoảng thấy xuất hiện trong ngôi nhà góc thành thuở Hồ Thị Hoa còn sống. Tết Trung thu, bọn họ còn mở một buổi tiệc nhỏ trong sân cạnh hồ nước.
“Có tiếng gì vậy?” Không muốn nghĩ thêm, cô quay đầu lắng tai nghe tiếng nhạc vọng tới mà hỏi. Nơi này gần cửa Tây, tiếng động như thể phát ra từ khu đền miếu đầu thành.
“Lễ tiến công thần tòng tự ở Thế miếu đấy.” Ngọc Cửu trả lời. “Hai năm trước, Thế miếu xây xong, hoàng thượng bảo triều đình xét công thần cho tòng tự, bàn đến ba lần, mãi đến tháng rồi mới quyết định xong.”
“Tại sao?” Cô hỏi. Ngọc Cửu nhíu đầu mày như thể cố nhớ lại.
“Hoàng thượng bảo xét huân lao các công thần, ai thủy chung hết lòng, công lao đặc biệt thì đưa vào tòng tự, hẳn vì thế nên khó quyết. Quyền trọng công cao như Hoài quốc công Võ Tánh, Quận công Nguyễn Văn Trương thì dễ rồi, nhưng tiết liệt đặc biệt với trung thành như nhất thì phải xét đến những ai?” Ngọc Cửu nhún vai. “Bàn đi bàn lại, cuối cùng thống nhất được tới Chưởng cơ Nguyễn Văn Mẫn, Chưởng dinh Đỗ Văn Hựu cùng các vị công thần khác.”
Cô kềm tiếng thở trong cổ, cúi đầu nhấp chén nước. Nguyễn Văn Mẫn và Đỗ Văn Hựu đều tử trận năm Kỷ Dậu khi đánh Phạm Văn Sâm ở sông Ba Thắc. Dù rằng cả hai người đều có công Vọng Các, lập công lao trong những ngày đầu khó khăn ở Gia Định, nhưng chẳng lẽ những người cả đời đi theo Thế Tổ lại chẳng ‘thủy chung hết lòng’ bằng?
Nhà vua bắt các quan xét lại đến ba lần suốt hơn hai năm trời là chờ đợi cái gì? Dù sao cũng sẽ chẳng ai nhớ đến một vị Cai đội nhỏ nhoi suốt hơn hai mươi năm chỉ ở bên túc trực, một người được thăng đến tận Khâm sai Chưởng cơ nhưng còn không được cho vào miếu công thần, con cháu không được tập ấm. Một người chỉ vì đứa con gái mà cái tên đã dường như bị xóa sạch trong hoàng thành này.
Cuộc chiến ấy là nơi lập công thành danh của các bậc tài năng, những kẻ liều lĩnh đủ để chiến đấu và chiến thắng. Hồ Văn Bôi thậm chí chẳng được như một số người khác sống lâu đủ để tạo lập vị trí cho mình. Cuộc sống của ông kết thúc ngay khi quốc gia này khởi đầu, và cả cuộc đời ông, nước mắt và sự lao khổ của vợ con ông đằng đẵng những ngày ấy, biến mất. Chiến tranh không phải là nơi cho những người như ông. Cũng như hoàng thành này tuyệt nhiên không có chỗ cho con gái ông.
“Bệnh dịch lại đang phát đấy.” Ngọc Cửu chợt lo lắng nói. “Không những Thiệu Hóa công mắc bệnh mà Miên Hựu con trai chị Bảo cũng bệnh rồi, được đưa ra cách ly ở Thái Y viện. Người đến Gia Định chuẩn bị tàu cho hai ông Tây về nước bảo ở Thuận Thành, Bình Thuận bắt đầu phát dịch lẻ tẻ, tuy chưa lớn nhưng chẳng biết có lan rộng hay không.”
“Hai ông Tây về nước à?” Dù sao với bệnh dịch thì cô cũng chẳng làm gì được, đành hỏi sang chuyện khác.
“Sau khi thấy lời mời thông hiếu của Miến Điện bị từ chối, Tả quân về Gia Định thì họ cùng đệ đơn từ chức cả, đem toàn bộ gia quyến về Phú Lang Sa.” Ngọc Cửu nói, lại hơi bĩu môi. “Nghe anh Hậu bảo, lúc triều thần bàn chuyện thông hiếu, hai ông Tây ấy thúc đẩy mạnh nhất. Đúng là bọn Tây dương chỉ muốn gây sự cho người ta đánh nhau. Lúc ấy nhỡ Xiêm La cầu cứu Anh Cát Lợi thì chúng lại đưa quốc thư của Phú Lang Sa ra dụ dỗ chứ tốt lành gì.
"Chúng ở đây chẳng giúp được thứ gì, đóng tàu thì mất bóng, bàn chuyện thì toàn trục lợi, nhờ đến thì toàn làm việc chủ quan mưu đồ cho nước chúng, lại chỉ trưng trổ ngông nghênh ra chiều giỏi giang trịch thượng. Thế mà một hai nói là chỉ muốn giúp đỡ chúng ta giàu mạnh, so với bọn cố đạo cũng chỉ có cái miệng giảng kinh hứa hẹn thiên đường còn tệ hơn. Ơn nghĩa bao năm của Thế Tổ với bọn người ấy, chỉ cần vua chúng đem mồi quyền lợi ra nhử là chúng quên sạch, chỉ thiếu điều đem dâng nước ta cho Phú Lang Sa càng nhanh càng tốt.” Ngọc Cửu hẳn đang học cách nói của Lê Hậu. Dù cha cô có vẻ thân thiết với hai ông Tây dương này, Lê Hậu cũng như phần đông người ở Kinh chẳng ưa họ. “Khi mới về, chúng bảo muốn làm tôi cả đời, nhưng thấy âm mưu không xong thì quay ngoắt. Người ta bảo đám Tây dương dối trá lật lọng quả thật chẳng sai!”
Ngọc Cửu hơi gắt gỏng khiến Miên Liêu giật mình, ọ ẹ khóc. Bà vú ở bên vội đón thằng bé, ru khe khẽ. Cô bèn bảo bà ta cho thằng bé vào nhà trong nằm ngủ. Thấy người xung quanh khuất bóng, Ngọc Cửu hơi nghiêng về phía cô, nhỏ giọng.
“Mà vợ của Anh Duệ thái tử cũng vừa mất mấy tháng trước đấy. Tự dưng người đang khỏe mạnh mà rơi xuống nước chết đuối, có lạ lùng không?” Trong mắt Ngọc Cửu, cô thấy ánh nhìn là lạ như thể có điều gì cô ấy rất muốn nói ra mà phải nén lại. “Ứng Hòa công Mỹ Đường làm đám tang mẹ qua loa rồi đóng cửa phủ, bị vua cấm vào chầu hầu, không biết là có chuyện gì xảy ra.[2]”
“Em lại nghe được gì thế?” Cô cười hỏi. Nhưng câu trả lời của Ngọc Cửu làm nụ cười tan biến trên môi cô.
“Thuộc hạ của anh Hậu có thời gian sang giúp việc bên Tả quân nói, có người tố Ứng Hòa công thông gian với mẹ. Tả quân liền báo cho hoàng thượng.” Ngọc Cửu ghé sát tai cô, giọng càng nhỏ lại. “Hoàng thượng bảo Tả quân xử trí chị Quyên đi.”
Miên Liêu ở nhà trong bỗng khóc ré lên, cô vội đi vào dỗ con. Ở ngoài, mấy công chúa nhỏ nghe Ngọc Cửu vào cung thì đến điện của cô chơi, chị em cười nói rôm rả. Ôm đứa con trong lòng, cô cũng không vội ra ngoài. Nghe tiếng cười của Ngọc Cửu, cô còn thoáng như sợ hãi.
Sau một thời gian sống ở phủ Hậu quân, có lẽ Ngọc Cửu đã quen với những câu chuyện thế này, những âm mưu đấu đá không hồi kết và sự tàn nhẫn không tưởng tượng nổi trong các lời đồn đại nửa thực nửa hư. Vẫn là những việc không bao giờ có thể biết thật giả đúng sai, cũng chẳng rõ kẻ nào mới thực sự khởi đầu toan tính, nhưng trở thành nguyên do cho mọi xung đột, vũ khí để xử trị và đe dọa lẫn nhau.
Nhà vua, vẫn như khi ngài ta xuôi chiều xử Hoàng Công Lý, đã ra một quyết định giảm thiểu tổn hại nhất. Chẳng thể làm to cái án này để khiến toàn bộ hoàng tộc mất mặt. Và mọi người đều chẳng cần biết thật hay giả, họ chỉ biết một đứa con dòng thứ như ngài ta không những đã chiếm ngôi thừa kế lại đi triệt hạ dòng chính. Năm xưa, khi thuộc hạ phủ Thái Bình công Mỹ Thùy đốt nhà người, ngài ta cũng chỉ xử trị mỗi kẻ phạm tội, không một lời khiển trách hay hình phạt cho Mỹ Thùy như ngài ta làm với các người em. Một cái án quái gở thế này, nói ra thì ai sẽ tin? Điều tra thì lại càng tệ hại! Dù kết quả thế nào cũng chỉ khiến sự hoang mang nghi ngờ, thù ghét căm hận bộc phát. Không thể động chạm đến dòng họ Anh Duệ, ngài ta chỉ xử lý mỗi một Tống Thị Quyên, và kết thúc mọi sự trong im lặng.
Một mạng người, một cuộc đời, chìm xuống dòng nước không phân rõ đục trong, giữa những toan tính, xung đột và mưu đồ hoàn toàn không liên quan đến mình. Thật hay giả, cái án được báo ra với mục đích hoàn toàn khác, như thói thường của triều đình này.
Nguyễn Phúc Kiểu đã trả giá nặng nề cho quyết định của mình, sự ương ngạnh của mình, như vẫn thế. Mặc dù ngài ta đã học được cách phản kích và lợi dụng, thao túng theo chiều ngược lại, những kẻ cùng đinh dưới bóng Tả quân đã nắm được một yếu điểm lợi hại nhất: Danh. Ngay cả sự quay lưng của hai viên tướng Tây dương cũng sẽ kéo theo nhóm cố đạo khắp nơi trong nước, những kẻ có ảnh hưởng sâu rộng với tín đồ. Dù nhà vua đã chẳng bao giờ thân thiện với đạo giáo ấy, hiện thời họ càng có nhiều lý do hơn để lộ rõ thái độ thù địch với quân vương đã từ chối vua họ. Những cố đạo khắp vùng biển này nói cho cùng đến nơi đây để phục vụ cho chính các quốc gia Tây dương, dùng đạo giáo để nuốt chửng các cộng đồng như tại Nam Dương.
Thế gian này không có thiên đường, cũng nào đâu vị thánh nhân cứu rỗi, chỉ có những con người quay cuồng trong hư thực đúng sai của một sân khấu tuồng chèo.
Và sinh mạng cũng như cỏ hoa rơi rụng trong cơn hạn cháy khô năm ấy. Đầu tháng chín, Thiệu Hóa công Nguyễn Phúc Chẩn nhắm mắt xuôi tay mặc cho bao nỗ lực cứu chữa của hoàng cung. Nhà vua nghỉ chầu năm ngày, đến tận lễ tế rót rượu dâng cúng. Ngày đưa tang, ngài ta lên cổng Đông Nam nhìn theo linh cữu mà rơi nước mắt.
Cái chết của hoàng tử nhỏ mới bốn tuổi Miên Hựu rơi tõm vào không khí tang tóc chộn rộn của cung thành. Mọi người đều nói về sự đau lòng của Thái hậu, đều lũ lượt kéo đến cửa cung Từ Thọ vấn an, chỉ sợ không ai nhớ mặt mình. Cô gái Nguyễn Thị Bảo nước mắt ròng ròng trở về từ Thái Y viện, đem gói quần áo của con đi quàn. Đứa trẻ nhanh chóng bị đưa khỏi thành khi những tin báo về bệnh dịch tiếp tục lan tràn ở phía Nam liên tục chuyển tới.[3] Cậu con trai cả chỉ vừa sáu tuổi đi đưa tang em trai rồi về ôm mẹ khóc trong khu viện vắng lặng.
Ngay cả Thái hậu lẫn nhà vua cũng chẳng được phép đi đưa tang con em mình, cô nghĩ khi nhìn bọn họ mà không bước lại gần. Cả cung điện này đang khóc thương, nên tiếng khóc của mẹ con họ rơi mất hút vào những bức tường. Cả đất nước này lại đang khóc thương, trong tháng năm đằng đẵng, trong thứ số phận chẳng thể nào hiểu nổi. Cuộc sống, trong những tháng năm này, cũng trở nên chẳng thể nào hiểu nổi.
Vì mới sinh, cô không phải đến tham dự dòng người đứng trước cung Từ Thọ kia. Lễ bão kiến ra mắt vua sau trăm ngày, cô mới rời khỏi lục viện, ôm Miên Liêu tới Dưỡng Tâm điện. Vừa bước tới hành lang, cô đã ngửi thấy mùi khói thuốc nồng nặc, liền cau mày trao đứa trẻ cho cung nữ, một mình vào điện.
“Xin ngài cho quạt bớt khói thuốc, trẻ con hô hấp không tốt.” Cô cúi mình chào, nói ngay. Nhà vua rít hơi cuối cùng rồi mới trao điếu thuốc pha lê bịt vàng cho nội giám, bảo người xung quanh mở các cửa, quạt khói đi.
Khói đặc quánh chẳng thể nhanh chóng tản bớt, cô quỳ trên sàn nhìn những hình bóng lăng xăng trong phòng. Đến lúc này cô mới quan sát rõ căn phòng, thấy cái thước đo của Tây dương để chung với toàn cầu đồ, bản vẽ máy móc và mấy thứ lạ lùng hẳn do tàu Tây dương đem tới. Mấy chậu kim chi ngọc diệp để cạnh cửa sổ bắt ánh nắng hắt vào tỏa sáng dìu dịu. Đồ ngự dụng của nhà vua toàn bộ là vàng ngọc, ngay cả trang trí trên màn cũng bằng hạt pha lê dệt sợi vàng. Quả nhiên Nguyễn Phúc Kiểu lớn lên trong châu lụa, vàng ngọc dưới tay như đất bùn. Nhưng lúc này hương đốt trong phòng đã bị mùi khói át gần hết, nhìn lâu cô còn thấy cay cả mắt.
“Thay vì hút thuốc uống rượu, ngài gọi người bên Tây tới thì hơn.” Cô chợt nói. Vì giọng cô chẳng rõ thái độ là gì, nhà vua nghiêng người bên thư án, nheo mắt.
“Có người nhờ khanh sang đây cầu tình à?” Ngài ta cười hỏi. “Khanh chuẩn bị làm một vị hiền hậu đó sao?”
“Không, thần bỗng dưng nghĩ thế thôi. Ở đây ngài đối với họ, họ đối với ngài, cũng giống như rượu, như thuốc,… như thuốc phiện.” Cô ngẫm nghĩ một thoáng rồi trả lời. “Thế là qua hết một đời. Cả đám người xui xẻo.”
Nhà vua bật cười.
“Thuốc, không phải để nghiện.” Ngài ta bỗng đổi giọng. “Qua hết một đời? Khanh hẳn chỉ muốn ta nhanh nhanh thế thôi.”
Ngài ta không hỏi, nên cô cũng chẳng buồn đáp. Ngay từ khi cô mới mở lời, ngài ta đã thăm dò chuyện khác, người đã sẵn nghi ngờ thì cô cần gì phải thanh minh. Đã trăm ngày trôi qua, và cô sẽ rất ngạc nhiên nếu cha cô chưa có kế hoạch lập cô thành hoàng hậu, hay ít nhất là chính cung. Thậm chí có thể thư thúc giục của cha cô từ Bắc Thành đã đến tay nhà vua. Còn ngài ta, sau khi cho cô một đặc ân tuyên phong thẳng lên chức tần từ lúc vừa nhập cung, thì đã xem như thế là đủ. Một loạt cung nhân khác được thăng sau khi điện Chương Thuận dựng xong, chỉ trừ hai vị cung tần cao nhất. Một vị thế có vẻ căng thẳng kỳ lạ do chính ngài ta tạo dựng, với mục đích gì thì cô chưa thể đoán định được.
Ngài ta vẫn chưa thể trở mặt dù đã ném được cha cô về Bắc Thành, Tả quân về Gia Định. Người ở các nơi ấy vẫn có cách để đe dọa ngài ta. Tả quân rời khỏi Gia Định được nửa năm, dư đảng của sư Kế nổi dậy ở Chân Lạp. Một kẻ bề tôi khác của Chân Lạp chạy sang Xiêm, được Xiêm giúp đỡ cướp bóc vùng biên giới, Nguyễn Văn Thoại phải đem quân đi đánh dẹp. Hoàng thượng phải rút Trần Văn Năng về rồi, người kể thì thầm. Trước bè phái sư Kế nổi dậy, Trần Văn Năng xin quân đi đánh, An phủ Chân Lạp dẹp được thì Tả quân bảo Trần Văn Năng không quen việc, chỉ là bọn cướp bóc mà chuyện nhỏ báo to cầu thưởng cho An phủ. Đến khi biên giới với Xiêm bị cướp quấy rối thì Tả quân cho Nguyễn Văn Thoại đi đánh lập công, nghe đâu Trần Văn Năng mắng đổng rằng quả là cái lưỡi không xương.
À, mà vị Bảo hộ Chân Lạp đã về hưu trí Trần Văn Tuân vừa bị xử giảo giam hậu vì tội giao thông với nước ngoài đấy. Trần Văn Tuân được người Chân Lạp yêu thích, trước kia vua Nặc Chăn không vừa lòng Nguyễn Văn Thoại, Trần Văn Tuân phải giữ chức Bảo hộ thay, khi đã về hưu vẫn đi lại quà cáp nhau, rồi bị cái án này. Năm xưa, trong vụ án Nguyễn Văn Thành, chỉ có Trần Văn Tuân muốn giảm nhẹ tội cho Trung quân. Để rồi bây giờ đã hưu trí cũng phải bị tội chết.
Những tiếng nói không lúc nào ngơi nghỉ phủ lấp hoàng thành trong luồng tử khí suốt năm tháng này. Sau những xung đột ở điện Cần Chính là những cái chết liên tục xảy ra. Sau Ngọc Tông đến Tống Thị Quyên, rồi Nguyễn Phúc Chẩn, cái chết quẩn quanh Nguyễn Phúc Kiểu dưới đủ mọi hình dạng, trong nỗi sợ hãi mơ hồ đến từ lời đồn đại không nguôi đi lẩn quất giữa những bức tường. Hậu quân và Tả quân muốn giết chết ngài ta – và những kẻ thân cận của ngài ta lần lượt hứng chịu mũi giáo ấy.
Khói tan, cung nữ được lệnh bế Miên Liêu vào làm lễ ra mắt nhà vua, nhận tên ngài ta ban cho. Không muốn mất thời gian ở căn phòng nồng mùi khói, xong lễ thì cô đã nhanh chóng đứng lên bế con đi khỏi điện. Khi nhà vua chạm vào đứa trẻ, cô còn thoáng nhíu mày khó chịu. Ngài ta gợi nhắc lại cho cô chuyện gì đang xảy ra, những cái chết và âm mưu tàn độc giăng giăng quanh bọn họ. Kể cả những cái chết do chính ngài ta phán quyết, thật giả đúng sai không có một chút ý nghĩa nào. Ngài ta đã học được chọn lựa, giả dối và trả giá, với bất kỳ ai. Cô, ngài ta và đứa trẻ này, vốn được định sẵn không thể ở cùng một chỗ.
Vừa ra khỏi cổng Dưỡng Tâm điện, cô chợt nghe tiếng nhạc vọng tới từ Thanh Phong đường. Thấy cô quay đầu nhìn, cung nữ bên cạnh cười.
“Hoàng thượng cho soạn bản nhạc Thánh thọ mười chương mừng Thái hậu, hẳn muốn an ủi người. Nhạc sinh bắt đầu diễn tập mấy khúc vừa được viết ở Thanh Phong đường.” Cô gái nói. Cô gật đầu, định đi thì câu hát vẳng vào tai.
‘Trường Lạc lý sùng xưng, tham bác hậu, dụ hàm hoằng. Huyên bệ vi du thụy thái ngưng, tiên giai nghê vũ tụng thanh đằng. Tôn thân doãn thiếp, phúc lý chù ưng. Thiên xuân thọ vực đăng nhật nguyệt thăng hằng.’[4]
‘Ngọc luật nhất dương hồi, giai thời hiệp khánh diên khai. Hiên quang tinh thái lãng tam thai, nhật nguyệt minh huy chiếu cửu cai. Hòa bình thiên quyến, phúc lý nhật lai. Hoanh du hiến thọ bôi, thụy ái tiên giai.’[5]
‘Khải hựu ngưỡng hồng từ, cơ vương hóa, lập mẫu nghi. Chung lân diễn khánh dụ phong di, cư vũ ngưng hòa đới thọ mi. Tường khai bảo vụ, thụy hiến đan trì. Bái thủ tụng duy kỳ, kiền chúc tiên ly.’[6]
Gì thế? Cô suýt nữa thì buột miệng. Nhưng trước ánh mắt người xung quanh, cô đành ôm Miên Liêu rời khỏi trường lang.
Khu vườn mùa đông trải dài bên cạnh. Sau mùa hạn gay gắt, gió lại lạnh cắt xương. Những tán cây úa vàng mùa thu đang trút nốt những chiếc lá cuối cùng. Rặng cây thường xanh run rẩy dưới bầu trời xám xịt. Chỉ còn chút mùi hương của đôi loài hoa vẫn nở trong mùa đông. Mặt nước lăn tăn gió thổi, dâng lên xâm xấp gốc cỏ dưới chân đài. Những ngọn núi nhỏ trập trùng che khuất lẫn nhau, màu đá xanh biếc lẫn sắc rêu cổ kính. Cô có thể đọc thầm trong tâm trí từng cái tên Tam thần sơn, lầu Thúy Tiêu, điện Thiên Thân, ao Ngọc Dịch, động Linh Thông, cầu Phổ Độ, đình Tứ Chiếu… Từng cái tên đều như ở cõi xa xôi nào đó.
Hẳn Thái hậu chẳng hài lòng. Cung Trường Ninh vốn được xây bên cung Từ Thọ làm chỗ nghỉ ngơi cho Thái hậu nhưng lầu các hồ núi chẳng có tên nào[7]. Vị Thái hậu phải làm thay công việc của hoàng hậu bận rộn chẳng kém con trai, và hẳn cảm thấy việc nghĩ chữ đặt tên cho từng hòn núi nhỏ đến cánh cổng một là vô nghĩa. Huống hồ là tạo dựng nên cả một khoảng không hư ảo chỉ bằng những cái tên. Huống hồ là trong hoàn cảnh như bây giờ, đắm chìm vào ánh sáng huyền hoặc của mây mù trên ba đỉnh non Bột Hải.
Ngài ta vẫn như thế. Hẳn những tiên cung cùng nhạc trời nọ được viết ra trong khói thuốc đắng cả mắt, trong cả hơi rượu và sự mệt mỏi đến tan nát cả tâm can, nỗi sợ hãi cùng oán hận ngập tràn. Trong bóng tối, khi những ngọn đèn đã tắt, thế gian bên ngoài đã lặng im, tâm trí trôi nổi giữa những bi hoan lạc khổ mà ngày tháng để lại. Trong nỗi thù hận chán chường căm ghét, ngay cả với bản thân mình. Trong khu thành ngập ngụa mùi son phấn trộn cùng máu đỏ. Rơi vào khoảng không thăm thẳm trên tường thành thẳng đứng, vốn là chẳng có nơi kết thúc.
Tiếng nhạc mỏng manh vẫn thoảng theo gió đến từ đầu tường bên kia. Bầu trời trên cung thành vẫn xám xịt một màu trong đông giá. Nhưng bỗng dưng cô lại nhớ tới cầu vồng bảy sắc chân trời năm ấy. Ánh sáng đã rực rỡ trên những dòng sông, lấp lánh dưới tán cây thơm ngát. Bàn tay vẫn ấm mãi hơi nắng, vĩnh viễn không tan.
“Đức bà…?” Cung nữ hoảng hốt gọi khi cô bất chợt ngồi sụp xuống lan can. Vẫn ôm chặt Miên Liêu trong tay, cô run rẩy trong cơn đau không thở nổi.
Trong vô tận bóng tối, ánh sáng của những ngày tháng cũ chợt chiếu xuyên qua đáy lòng cô, như dao cắt, như lửa xé. Nếu bỏ đi những điều đó thì sẽ còn lại gì, cô từng nói, rồi lại không dám quay đầu, không dám nghĩ, không dám cả mơ về. Rốt cuộc, cô đã không thể nhớ rõ cô ấy ngày xa xưa nọ, chỉ còn ký ức như của kiếp nào, nhắc nhớ đến một giấc mộng đã nằm giữa những tầng mây.
Tất cả bọn họ đã chẳng còn là họ của ngày xưa. Chỉ có ánh cầu vồng chiều hôm ấy trong khoảng thời không bất biến nọ vẫn vĩnh viễn tươi đẹp, vĩnh viễn chẳng đổi thay.
Chú thích:
[1] Lưu biệt Tiên thành chư hữu của Ngô Nhân Tĩnh
[2] Chuyện của Mỹ Đường vốn là được bảo mật trong cung. Ngọc điệp của họ Nguyễn Phúc chỉ ghi tội của Mỹ Đường là “Vì đắm đuối chơi bời tự biết có tội, năm Minh Mạng thứ 5, mang nộp cả sắc và ấn, xin tha tội, được làm thứ nhân”. Khi Mỹ Đường xin nộp trả sách ấn, vua cũng chỉ bàn với các tôn thất đại thần. Cái án cuối cùng của Tôn nhân phủ năm 1836 lúc này nằm dưới quyền quản lý của Tôn Thất Bạch và các con trai Minh Mạng. Thực lục viết vào đời Tự Đức mới nói rõ về án này.
[3] Theo Hồi ức Huế của Michel Đức Chaigneau, gia đình ông đã mất liền một lúc 3 người chỉ trong vòng 10 ngày lưu trú ở Sài Gòn thời gian này.
[4] Bản nhạc có tên Sùng khánh. Nghĩa “Cung Trường Lạc tên gọi long trọng, hợp cùng trời đất lượng cả bao dung. Áo vi du của vương hậu trên thềm tiên tụ thành vẻ lành, khúc nghê thường vũ y của tiên cung hát vang. Lễ tôn thân mĩ mãn, phúc lộc thịnh nhiều. Thọ tới ngàn xuân sánh cùng nhật nguyệt”.
[5] Bản nhạc Tập khánh. Nghĩa: “Sáo ngọc báo tiết tháng 11, hợp cùng thời tốt mở tiệc mừng. Ánh sáng sao cao vọi trải rộng trên đỉnh Tam thai, nhật nguyệt sáng rọi chiếu chín cõi. Trời thương cho hòa bình, ngày đem lại phúc lộc. Vui vẻ hiến chén rượu thọ, mây đẹp phủ cung tiên”.
[6] Bản nhạc Chương khánh. Nghĩa “Nhờ từ mẫu dẫn bảo giúp đỡ, gây phong hóa cho nhà vua, lập thành mẫu nghi thiên hạ. Phúc tốt di truyền mãi con cháu thịnh nhiều, đức hòa quý báu ấy nên tuổi thọ trường. Sao bảo vụ mở điềm hay, điện Dao Trì dâng chén thọ. Ai nấy đều chắp tay thành kính chúc tuổi tiên tốt lành”.
[7] Theo Điển sự lệ thì đến đời Thiệu Trị mới đặt tên cho lầu các, cảnh quan trong cung Trường Ninh.