Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

65. Bách sách tình đầu loạn tự ty
Trường An in "Minh nguyệt 2" June 22nd, 2019
  1. Bách sách tình đầu loạn tự ty, vô ngôn ky chẩm độc chi di[1]
    (Tình này rối loạn vò tơ, lặng im tựa gối chống cằm thâu đêm)

 

Tường về phủ đệ thì Lê Hậu em cô cũng vừa quay lại sau chuyến đi đến Bình Định thăm bà. Ngồi trong gian chính điện, áo khoác ngoài ướt mồ hôi cởi vắt lưng ghế, cậu em trai nhìn thấy cô liền cười.

“Lâu quá không gặp, chị trông lại trắng trẻo giống con gái hơn rồi đấy.” Lê Hậu nói, liền bị cô cướp mất chiếc quạt trong tay cậu ta.

“Sao em về sớm thế? Sức khỏe bà thế nào rồi?” Cô hỏi, lòng thầm lấy làm lạ rằng chẳng hề nghe người nhà ở Bắc Thành nói về chuyện bà bị bệnh, khi đến đây thì cô mới được thông báo Lê Hậu đã về Bình Định.

“Có gì đâu, cha kiếm cớ đó mà, cuối cùng lại rơi trúng đầu em.” Lê Hậu trề môi, ưỡn vai ra chiều mệt mỏi. “Cha dâng biểu xin về Kinh, hẳn muốn chắc chắn hơn nên bảo rằng bà bị bệnh, hoàng thượng nhất quyết không cho, ra lệnh bảo em về thăm bà thay cha đi.”

“Cha thân là Tổng trấn Bắc Thành, mới về thành được nửa năm mà lại xin chầu Kinh à?” Cô chớp mắt hỏi. Lê Hậu bật cười lớn.

“Nghe bảo trong triều có ông Lê Duy Thanh gây tội gì đó ở Sơn Nam thượng, cha đã cho Hình tào Bắc Thành xét xử lập án xong xuôi cả rồi, nhưng người thì hoàng thượng đem về Kinh. Hình bộ xử thì chỉ cách chức ông Duy Thanh này, cho đi hiệu lực ở Quảng Bình. Cha đang giận lắm, mà hoàng thượng nhất quyết không cho cha vào Kinh là vì thế đấy.” Lê Hậu cười khẽ trong cổ. “Khi rời khỏi Bắc Thành, hoàng thượng đem cả Phó Tổng trấn Lê Văn Phong theo rồi, giờ Bắc Thành chỉ còn lại mỗi cha quản lý, ngài ta cứ thế lấy cớ mà bác đơn thôi.”

“À…” Cô nói khẽ, nhớ lại mấy lời của cha cô khi Nguyễn Phúc Kiểu gần như bỏ chạy khỏi Bắc Thành, hóa ra đó là lý do tại sao cha cô bảo ngài ta ‘gian xảo, bụng dạ khó lường’. Giờ thì cha cô đã mắc kẹt ở Bắc Thành với đám quan thân tín của nhà vua, không còn cơ hội ‘vào triều hét một tiếng để bọn quan văn im thin thít’.

Nghe tin báo hai chị em cô về, người trong phủ đệ lần lượt ra chào. Bỗng cô thấy trong nhóm người mới vào phủ có vài gương mặt khá quen, liền nghiêng đầu hỏi khẽ Lê Hậu. Cậu ta cho đám phụ nữ ấy lui xuống rồi mới trả lời cô.

“Mấy người ấy là cung nhân tiền triều. Thế Tổ mất có di ngôn bảo rằng cung nhân nào không có con trai thì cho về quê, hoàng thượng cho họ hai năm lương rồi đưa về[2].” Một bên khóe môi của Lê Hậu chợt cong lên. “Cha dẫn họ về hầu đấy.”

“Như vậy cũng được sao?” Cô gần như hoảng hốt hỏi. Những người này không phải cung nữ bình thường, về lý thường lẽ ra phải thủ tiết. Dù họ quay lại quê nhà lấy chồng thì là khuất mắt trông coi, đằng này cha cô đem họ về làm nàng hầu vợ lẽ ngay giữa kinh thành, thần tử lấy vợ của vua, đằng nào nghĩ cũng thấy sai.

“Triều đình chẳng hề nói là không cho họ lấy chồng. Cha cũng có ép họ đâu, họ muốn vào phủ đấy chứ.” Lê Hậu lại cười trước vẻ mặt cô, nhịp chiếc quạt trong tay. “Một đám đàn bà con gái được nuông chiều quen, nhàn hạ sung sướng trong tam cung lục viện, bây giờ ra ngoài tái giá tìm đâu được chỗ tốt như hoàng cung? Về nhà thì ở với ai, chẳng lẽ chịu đựng bà chị dâu chì chiết là đồ vô dụng không đẻ được con trai cho vua để cả nhà được nhờ? Hay là đi dựng am tu cho hết đời? Muốn ở lại hoàng cung thì sau ba năm lên lăng cư tang sẽ bị ném vào sau điện Hoàng Nhân mà chết rục trong đó làm bà từ coi đền giữ việc cúng kiếng, cung điện còn phải để chỗ cho người mới tới. Được cho về rồi cũng phải sơm sớm tìm chỗ nương nhờ, nhà ta chẳng phải là tốt nhất còn gì?”

“Thế thì cũng có khác gì nhau đâu?” Cô cau mày, vẫn cảm thấy không thể hiểu nổi. Cha cô tuổi đã lớn, cơ hội để các cô gái này có con rất thấp. Họ từ một góc cung điện lại vào một góc dinh phủ với tương lai chẳng có gì tốt đẹp trước mắt – trong khi có thể chọn lựa một cuộc sống tươi sáng hơn nhiều. Hai năm lương của cung nhân coi như là số tiền khấm khá, không ở cùng người thân thì có thể mua ruộng hay buôn bán, tìm một người chồng bình thường.

“Em đã bảo rồi, ăn toàn sơn hào hải vị, mặc ít ra thì cũng là gấm đoạn lụa the, chịu khổ không nổi nữa đâu.” Lê Hậu vẫn cười. “Ở trong cung thì quá lắm cũng chỉ là hầu hạ người, nghĩ nhiều lắm cũng chỉ là lấy lòng người này kẻ nọ, lúc rảnh thì nằm ườn ra mà ngắm ngọc vàng oanh yến, mơ tưởng chuyện ân sủng biến thành phượng hoàng. Ngay cả có xuất thân là cung nữ thì việc vất vả nhất phải làm cũng chỉ là giặt giũ, vá may, nấu nướng. Ra ngoài mà sống mỗi ngày nơm nớp lo chuyện gạo tiền, dãi dầu mưa nắng, thậm chí lo chuyện nhà chuyện cửa cho chồng – có khả năng làm không?

“Một đám con gái mười lăm, mười sáu tuổi vào cung, trên thì đã có hậu phi gánh vác, dưới thì được hầu hạ nuông chiều, cả đời thấy được mấy bức tường với một đám đàn bà và nội giám, rốt lại chỉ là bọn oanh yến vô tri thậm chí chẳng có suy nghĩ gì đâu. Có nghĩ thì cũng chỉ nghĩ được toàn chuyện nhỏ mọn hẹp hòi, mấy thứ tranh giành kèn cựa trước mắt, tưởng là đanh đá gớm ghê mà rặt việc vô dụng vô ích, tưởng rành rẽ giỏi giang mà thật chỉ rặt thứ vặt vãnh chẳng ra sao.” Lê Hậu phác tay, nhún vai. “Bây giờ chỉ cần nằm ườn trong phòng xông hương đợi gọi, hút thuốc xem hát mua vui, khéo hầu hạ để được thưởng, không sinh được con thì nhận con nuôi, ít ra vẫn còn có thể tự do đi lại hơn trong cấm thành. Cuộc sống thế với họ là nhất rồi. Cha mẹ thân nhân đưa họ vào cung chỉ mong được ít ơn thừa của vua, đến đây may ra kiếm chác được từ ngài Tổng trấn, cũng coi là nở mày nở mặt chứ có mất gì đâu.”

Cô toan nói, nhưng bỗng im lặng. Người hầu ra báo phòng đã được dọn dẹp xong, Lê Hậu về nghỉ ngơi, để lại cô trong ngôi nhà quen thuộc bấy lâu mà chợt trở nên xa lạ.

Tuy nhiên, người nhà không ở nơi này, phủ đệ chỉ có Lê Hậu chưa lập gia đình, cô chẳng còn bị làm phiền bởi những câu chuyện bực mình dù vẫn bị kiểm soát từng bước đi. Lê Hậu không ai quản thúc có vẻ thoải mái hơn hẳn. Tối hôm ấy, ăn xong cơm, cậu em cô lại đón khách đến chơi, bày bữa rượu nhỏ.

Người đến là một thanh niên trẻ trông chỉ vừa mười chín đôi mươi, nét mặt là lạ khiến cô nhận ra ngay con trai của một người Tây dương làm quan trong triều. Viên quan Phú Lang Sa này rất thân với Tả quân, do đó thỉnh thoảng vẫn đến phủ đệ trò chuyện cùng cha cô. Nghe nói ông ta về nước Phú Lang Sa ba năm trước, năm ngoái vừa quay lại, bảo rằng muốn làm quan với triều đình trọn đời. Ngồi trên sập chái kia phòng hóng gió, cô nghe câu chuyện của hai thanh niên nọ lọt vào tai. Có vẻ nghe Lê Hậu vừa về, cậu người lai Tây dương kia đến tìm.

“Nghe nói nhà vua hay cho gọi cậu đến gặp lắm à?” Lê Hậu vừa nhấc chén rượu vừa cười hỏi. Cậu thanh niên kia gật đầu.

“Có lúc gọi đến nhà Lương tạ, phần nhiều là gặp ở vọng lâu trên hòn đảo góc thành, hình như nó gọi là cung Tịnh Tâm thì phải. Ngài ấy… tính khí khá thất thường.” Cậu ta bày tỏ một vẻ mặt không rõ là gì, nhún vai. “Ngài ấy hỏi đủ mọi thứ về Phú Lang Sa, bắt tôi đọc từng chữ ghi trên bản đồ, từng tên người tên đất, xong đến lúc chán thì quay lưng bỏ đi không nói tiếng nào, rồi khi khác lại gọi tôi tới. Hỏi hết chuyện này đến chuyện nọ, chẳng bao giờ lộ ra thái độ nào trên mặt, tôi ca ngợi Phú Lang Sa quá lời thì cũng chỉ có tùy tùng của ngài ấy mắng tôi. Mỗi lần gặp ngài ấy tôi đau đầu kinh khủng, vừa giống như bị tra khảo vừa phải tự biết giữ mồm giữ miệng, chẳng biết đâu mà lần.”

“Nghe thế là nhà vua thích cậu rồi đấy.” Lê Hậu ha hả cười. Cậu thanh niên kia nhẹ cười theo.

“Có lần ngài ấy hỏi tôi muốn làm quan không, nhưng tôi muốn về Phú Lang Sa hơn. Cha tôi thì muốn thiết lập quan hệ giữa hai nước, nhà vua lại chẳng nghe.” Cậu ta có vẻ bất mãn nói. Từ bên kia, cô nhìn gương mặt Lê Hậu cũng thoáng một thái độ không rõ, nhưng em trai cô không bàn thêm, chuyển sang chuyện khác.

“Nhà vua gọi cậu đến nhiều thế hẳn muốn giống như Thế Tổ thân thiết với cha cậu, thế ngài ấy có kể chuyện gì cho cậu nghe không?” Lê Hậu hấp háy mắt hỏi. “Nghe nói năm xưa cha cậu được nghe những chuyện kỳ lạ lắm.”

“Không.” Cậu thanh niên trả lời ngay lập tức. “Chỉ hỏi và hỏi, hỏi trên trời dưới đất đến khi tôi mệt bã người. Ai có thể thân thiết với ngài ấy? Càng không bao giờ có chuyện ngài ấy tự kể chuyện riêng tư như Thế Tổ.”

“Thế Tổ nói chuyện gì thế?” Có vẻ đây mới là điều Lê Hậu thực sự muốn hỏi. Mắt cậu thanh niên cũng sáng lên vẻ tinh quái khi cậu ta cười hì hì.

“Có lần Thế Tổ nói về nội cung của ngài ấy, bảo toàn là một đám yêu quái. Ngài bảo, ở ngoài nói chuyện được với những người hiểu biết, có thể lắng nghe, thấu hiểu, vâng lời nếu cần. Còn đám phụ nữ trong cung là một đàn yêu tinh cãi cọ xâu xé nhau rồi đòi vua phân xử, trong khi chả có thị nào kém tàn độc, vô lý, ngu ngốc hơn.” Cậu ta thẳng lưng lên, đổi giọng. “Đám yêu nữ ấy sẽ hét điếc cả tai ‘Muôn tâu bệ hạ, con mụ kia đã đối xử tệ với thần, đã mắng chửi thần, xin bệ hạ phân minh cho hạ thần’. Một khi bỏ bê yêu nữ nào là kẻ ấy sẽ mách với cha, đồn thổi ra bên ngoài những chuyện thối tha, để cả triều đình coi ta là trò cười. Đau đầu, đau đầu lắm! Rồi một đám yêu nữ khác sẽ đến ỏn thót ‘Bệ hạ đã không còn sủng ái thần thiếp, đã chiếu cố kẻ khác. Muôn tâu bệ hạ… xin đến lượt thần thiếp’.”

Cả hai thanh niên phá lên cười sặc sụa. Cô cau mày, đứng dậy đi vào trong nhà. Đã ngà ngà say rượu, không biết các cậu ta còn thốt ra những lời nào.

Cô nghĩ đến những lời của Lê Hậu lúc sáng, nhìn ánh lửa chập chờn chiếu qua cửa gian nhà trong, khẽ thở ra. Từ ngày bé cô đã chỉ quen biết với hoàng hậu, Nhị phi, vốn chỉ nhìn thấy những cô gái nọ quần là áo lượt lại qua như đàn bươm bướm, chẳng mấy bận tâm đến họ cùng cuộc sống của họ. Hóa ra, bọn họ ghét nhau đến vậy. Bên dưới phù hoa cùng dục vọng, nỗi chán chường ghét bỏ chất chồng đè nặng. Dưới những mái ngói lưu ly, những linh hồn bị hủy hoại dần dà chìm sâu trong bóng tối. Không ai thoát ra khỏi nó, dù cửa lồng có mở, dù bầu trời vẫn ở trên đầu.

Cả đời không có được chân tình thì sẽ đáng thương xiết bao, ngài ta nói, rồi dìm giấc mộng của người con trai xuống dòng nước. Đám yêu tinh, ngài ta nói, rồi mở cửa lồng thả họ bay đi. Ngài ta luôn là một người thực tế, một người có thể trừng trừng mắt nhìn vào thế gian, chấp nhận toàn bộ thế gian này với một nụ cười. Tàn nhẫn vô cùng mà cũng cảm thương vô hạn.

Trong lòng cô lại nhen nhóm một hy vọng nhỏ. Nguyễn Phúc Kiểu đã diễn một màn kịch suốt hai tháng ở Bắc Thành, có thể ngài ta cũng chỉ hứa hẹn đẩy đưa với cha cô. Nguyễn Phúc Kiểu không giống người cha mình có thể chịu đựng chấp nhận bao dung, chính xác tính cách ngài ta thất thường nhiều khi đến mức không hiểu nổi, hễ nổi giận lên là trở mặt. Cha cô nhanh chóng đẩy cô về Kinh hẳn để làm sức ép với Nguyễn Phúc Kiểu, đồng thời tìm cớ để quay lại Phú Xuân, nhưng thế thì ngài ta lại càng tìm cách tránh. Ai có thể tin được cái miệng của Nguyễn Phúc Kiểu?

Nghĩ vậy nên cô cũng không ngạc nhiên khi vài ngày sau, Lê Hậu từ ngoài về, kéo tay áo cô nói nhỏ.

“Chị biết gì chưa, hoàng thượng vừa phục chức Chưởng cơ Trấn thủ Thanh Hoa ngoại cho Ngô Văn Sở đấy.” Cậu ta thì thầm có vẻ gấp gáp trong khi cô chỉ nhướn mày. “Đó là cha của Hiền tần. Nghe nói lúc đi Bắc tuần ngài ta cũng có ghé lại nhà họ. Người trong cung không nói gì với chị à?”

“Nói làm gì?” Cô mới là người không hiểu được thái độ của Lê Hậu. Sắp đến ngày tuyển thêm người mới vào cung, ngài ta phải cho Ngô Thị Chính một chính danh xứng đáng với vị trí để quản lý cái cung nội ấy, không thể giống như Nhị phi ngày xưa nói không ai nghe, cả cung điện biến thành bầy yêu tinh. Chuyện như thế cô chẳng cần biết, mọi người hẳn cũng cảm thấy chẳng cần nói.

“Cô ta là người đứng đầu nội cung bây giờ đấy, con trai nghe nói cũng ngoan ngoãn thông minh, được hoàng thượng yêu quý lắm.” Thấy vẻ mặt cô, Lê Hậu hoa tay. “Ba đứa con trai đầu thì hai đứa được Thái hậu đem vào cung nuôi, chẳng thân thiết gì với cha, hoàng Tư là con dòng thứ chẳng có cơ hội gì rồi. Hoàng Năm từ nhỏ ở chung nhà, mẹ lại được coi trọng đến thế, chẳng phải đang chuẩn bị cho con đường sau này à?”

Thế thì sao, cô toan hỏi rồi lại thôi. Cả nhà đang chờ đợi lệnh gọi tiến cung của cô, cha cô cũng mấy lần dâng biểu xin vào chầu. Động thái của Nguyễn Phúc Kiểu chẳng phải là đang chặn trước toàn bộ người muốn nhập cung sau đó? Trong những người vợ còn sống, Ngô Thị Chính là người vào hầu sớm nhất, con trai gần đến tuổi trưởng thành, cha cũng coi như là một công thần chiến tích lừng lẫy. Dù Ngô Văn Sở sớm bị cách chức, ba năm trong thành Bình Định đã khiến ông ta gắn bó với các viên tướng dưới quyền Quận công Võ Tánh, trong đó có cả Trấn thủ Sơn Nam hạ Nguyễn Văn Hiếu. Cha có danh tiếng, con gái cũng sinh nhiều hoàng tử, hoàng nữ nhất hiện tại, đủ tạo lập chỗ đứng vững chắc. Thế Tổ năm xưa ngoài Hoàng hậu chỉ có Tả, Hữu cung tần, xem ra địa vị Ngô Thị Chính ứng với Tả cung tần lúc ấy. Liệu cha cô có còn muốn đưa cô vào thách thức này hay không?

Họ muốn gấp cứ gấp, còn cô thì lại nhẹ nhõm cả lòng.

“Hoàng thượng cho họ Ngô hai trăm phương gạo, trong khi chính họ Trần dòng dõi Hà Hoa quận công chỉ được cho một trăm lạng bạc thôi.” Lê Hậu vẫn đang ngẫm nghĩ so đo, nhưng cô nghe lọt tai chuyện hoàn toàn khác.

“Hà Hoa quận công?” Ở Bắc Thành cô không để ý những chuyện phân phong này, nghe cái tên mới không biết là ai.

“Tham tri Trần Hưng Đạt, ông ngoại của hoàng thượng đấy, năm ngoái được phong tước Hà Hoa quận công.” Lê Hậu trả lời, đã thoáng vẻ bực mình. Nói thêm vài câu mà thái độ của cô vẫn không thay đổi, cậu ta liền bỏ đi.

Hà Hoa? Khi ấy cô vẫn còn đang ngẩn người mà nghĩ. Dù đây là tên một địa phương ở Nghệ An, trong nước cũng còn ngàn vạn cái tên khác. Nguyễn Phúc Kiểu tặng tước này cho ông ngoại, không biết Thái hậu cảm giác thế nào? Ngay cả đến Nguyễn Phúc Kiểu cũng chẳng biết nghĩ gì mà làm thế?

Trong lòng lấn cấn, cô lấy cớ đi đến An Hội thăm Ngự Viên. Ngôi vườn này khá lớn, xây dựng công phu, nằm trên con đường sông tấp nập nhất kinh kỳ nên vẫn còn chưa làm xong những phần cuối. Ngôi đền trên danh nghĩa vẫn chỉ do nhà họ Hồ lập, không nằm trong nơi thờ cúng của nhà nước. Vào đền thắp hương cho án thờ, cô lật mở bản sao sách phong bên án.

“Lễ nãi lí chi nghi nhiên, tứ thụy bí chương cổ điển; ân diệc nghĩa chi sở tại, truy bao tái xỉ long nghi. Duẫn hiệp cốc thì, hoán ban chi phất. Quyến duy tuyển thị Hồ thị, trâm thân lệnh phiệt, uyển diễm thanh tiêu, trang nhàn nhã phụng, vu khuê nghi huân, vô vi tiết lệnh, thục túc trưng vu tiềm để, xước hữu di huy. Hùng chiêm hiệp cát, ân sủng phương long, nghĩ mộng sạ trình, thiên niên cự sắc, miễn hoài thệ giả, thâm hữu trắc nhiên, đặc mệnh sử thần tê ngân sách, tặng vi Chiêu nghi, thụy Thuận Đức. Thượng kì phục thử huy chương, thức khâm thành mệnh. Dụng úy quỳnh dao chi ý, vĩnh ưng hoa cổn chi vinh.[3]

Các bản sách phong cho cung tần bậc thấp hầu hết do bộ Lễ soạn theo mẫu đã sẵn, nhưng lời lẽ bản này vừa trịnh trọng vừa tình cảm kỳ lạ. Với một người bị bỏ quên hoàn toàn như Hồ Văn Bôi, con gái chỉ phong đến Chiêu nghi nhưng lại dùng những từ ngữ cao quý như thế, liệu sẽ do viên quan nào viết được? Cô ngờ ngợ lướt qua đến khi nhìn thấy cái tên thụy được ban cho Hồ Thị Hoa.

Thuận Đức – đức thuận? Đức của Khôn là Thuận, một trong những dòng đầu tiên của Kinh Dịch nói. Chí tai Khôn nguyên, vạn vật tư sinh, nãi thuận thừa thiên. Khôn Đức là tên cung điện của Hoàng hậu nằm trong hoàng thành hiện tại. Khôn sánh với Càn, trời cùng đất, địa cửu thiên trường.

Ngón tay bỗng dưng run rẩy, cô buông rơi trang sách, đi khỏi đền thờ. Thơ thẩn qua lại bên sông một lúc, cô bắt gặp người quen cũ, liền hỏi đôi câu chuyện, biết rằng mẹ Hồ Thị Hoa đã qua đời vài năm trước. Muốn vào nhà thắp hương cho bà nhưng thấy cửa nhà đóng kín cô lại thôi.

Không muốn về nhà, ngồi dưới gốc cây ven sông, cô ngẩng đầu nhìn bến đò, phố chợ, dòng sông, chiếc cầu cùng tháp Đông Hoa bên cổng Chính Đông môn. Bây giờ không mấy ai còn nhớ những cái tên cầu kỳ ấy nữa, họ gọi toàn bộ khu vực này là Đông Hoa, tên của chiếc cầu gỗ. Đi về phương Đông, sẽ gặp ánh mặt trời. Người trong tòa thành ấy, trong trùng trùng điệp điệp vòng vây và bóng tối, tin rằng chỉ cần hướng về phương Đông. Cậu ta trong những năm tháng xuân xanh, những tháng ngày bị giam giữ, hẳn đã chạy qua nhiều con đường, vô số, vô số bước chân đi về phương Đông. Cô gái ở phương Đông, ánh sáng, biển cả, thái dương, Bồng Lai và giấc mộng.

Rốt cuộc, sau những năm dài giam cầm, cô đã hiểu được cậu ta. Trong tận cùng nỗi thất vọng và bất lực, cô mới hiểu được những nỗi niềm bất đắc dĩ của cuộc đời. Trong những tính toán cùng suy nghĩ lạnh lùng đến mức chẳng hề còn niềm tin tưởng ở thế gian, cô lại bắt đầu thấu được lòng người. Cô luôn là một đứa trẻ thiếu bao dung độ lượng, cô độc mà lại cực đoan cùng cảm tính, chỉ biết điều mình muốn. Thật ra cô lại giống bà nội hơn cô đã từng nghĩ, cô luôn sống trong thế giới của riêng mình, và căm ghét bất cứ kẻ nào cướp mất tình yêu của cô. Cô chẳng cần bất cứ thứ gì trên thế gian này, ngoại trừ ký ức. Như ngọc kết tinh trong đá, nỗi cô độc ngày càng tinh thuần theo tháng năm, không cách nào biến chuyển.

Nỗi căm ghét bao nhiêu năm của cô với cậu ta đột nhiên mất đi trong thời khắc ấy, thậm chí cô còn có cảm giác như muốn khóc.

Nhưng kẻ địch lớn nhất của Nguyễn Phúc Kiểu chính là trời cao. Tháng chín năm ấy, trong cơn bão lũ quay cuồng giáng xuống Phú Xuân, tin từ biên giới báo về: Thổ dân Hưng Hóa Lý Khai Ba tự xưng Lý hoàng, họp cùng người Thanh là Mã Triều Châu, người Man tên Vương Vĩnh Phát, đem vài ngàn người chiếm bảo Trấn Hà, đốt phá phố Bảo Thắng.

Nối tiếp những năm thiên tai nặng nề, sau một mùa hè hạn hán, mùa thu đông năm ấy lại chìm trong màu mưa lũ. Nước nhấn chìm cả một dải đất từ Quảng Trị đến Phú Xuân, nhà cửa, trâu cày cùng con người trôi theo dòng lũ cuồn cuộn đổ đến từ khắp bốn phương trời. Binh lính đi chẩn cấp cứu dân cũng có người chết đuối. Nhà cửa ngay tại kinh kỳ sụp đổ trong gió bão. Đất trời tối sầm trong bể nước ào ào xối xuống từ thiên không. Người người oằn mình dưới những mái nhà chợt trở nên mỏng manh như chiếc lá, dắt díu nhau bỏ trốn lên những vùng đất cao, run cầm cập trong cơn đói lạnh.

Những chiếc xe dự triều vẫn lầm lũi lăn bánh trên con đường Hoàng thành, đem về tin tức những sự kiện vẫn dồn dập tiếp diễn khắp đất nước. Thổ Tri huyện Hưng Hóa Cầm Nhân Bình bị phục binh bắn chết. Phú Yên lụt vỡ cửa sông. Bắc Thành mưa dầm thóc kém, Quảng Nam thiếu đói. Kinh kỳ giá gạo tăng vọt. Trong lúc ấy, Tả quân Lê Văn Duyệt dâng thư của quốc vương Chân Lạp xin đào kênh Vĩnh Tế, huy động gần bốn vạn dân binh các thành cùng hơn mười sáu ngàn dân Chân Lạp.

Hoàng thượng bảo lá thư của vua Phiên hẳn chẳng phải thực tình, các quan Chân Lạp sẽ ngăn trở. Tiếng nói lại rì rầm trong gian chính điện nhà cô. Người ở Gia Định muốn dùng việc ấy lập công hay là còn ý khác? Tháng trước hoàng thượng bổ Trần Nhật Vĩnh làm Ký lục Vĩnh Thanh, Tả quân không cho anh ta đi, nhất quyết giữ ở Phiên An. Rồi bây giờ lại có biểu xin đào sông, công việc to lớn như thế cần biết bao nhiêu là tiền của, nhân lực. Vua Phiên Nặc Chăn vốn trước đã bất mãn với triều đình, khiến Thế Tổ phải cho rút quân về, bỏ chức Bảo hộ. Nay vì loạn sư Kế nên Nặc Chăn bắt buộc phải chấp nhận bảo hộ, nhưng ngay lập tức đã bị Gia Định bức ép đem người lẫn của đi đào sông. Hoàng thượng dù không tin lá thư của Nặc Chăn thì vẫn muốn làm cho xong việc, để Tả quân toàn quyền ở Gia Định.

Rồi người xem, sau chuyện cái kênh này kẻ nào sẽ phải chết, có người cười nói. Bọn giặc ở Hưng Hóa đã vây phố Bảo Thắng hơn hai tháng rồi, Hậu quân vừa dâng biểu nói việc dẹp loạn, nhưng bảo rằng nên tạm bỏ Bảo Thắng đi, lại đòi phái binh Kinh và Thanh Nghệ tới. Trấn thủ Hưng Hóa Nguyễn Đức Niên chết trong quân rồi, xem có giống Bắc Thành muốn động tay động chân giải quyết chuyện này không?

Hậu quân nói thế khác gì bảo hoàng thượng tự lo phái binh Kinh đi mà bắt giặc. Thanh Hoa và Nghệ An lại có bọn cướp chực chờ trong rừng núi, cách nào phái đi giải quyết chuyện Hưng Hóa? Hoàng thượng vừa phải cho phép Phó Tổng trấn Lê Văn Phong về Bắc Thành rồi đấy. Mấy thứ mưu mẹo tinh ranh vặt vãnh của ngài ta xem làm sao mà chống được với trời!

Những câu chuyện rì rào trong rầm rập tiếng mưa, kéo theo vệt bùn sền sệt dưới bánh xe lăn trên đường đá hoàng thành. Khắp nơi báo tin mất mùa, vùng hạn hán vùng bão lụt, những nhóm người lại tiếp tục tụ họp trên những đỉnh rừng cao, những mưu tính cùng tranh đoạt vẫn tiếp tục âm thầm nảy nở. Nguyễn Phúc Kiểu đã bỏ chạy khỏi thành Thăng Long, nhưng không bao giờ thoát khỏi bàn tay của đất trời.

 

Chú thích:

[1] Chi di của Đoàn Huyên

[2] Tháng 5-1820, Minh Mạng theo di mệnh của Gia Long cho cung nhân không có con về quê, cấp cho mỗi người 2 năm lương.

[3] Dịch nghĩa: Lễ là lẽ đương nhiên, ban tên thụy là phép chương cổ điển, ân cùng nghĩa là ở đó, truy khen nhằm tô đậm lễ lớn lao. Chọn được ngày lành, ban ra sắc chỉ. Nhớ tuyển thị Hồ thị, nhà trâm anh cao quý, chuẩn tắc thanh cao như ngọc uyển diễm, trọng quy nhàn nhã đoan trang, với những khuê nghi không làm trái đạo, hiền thục ở nơi tiềm để tên vẫn còn ghi khen. Vừa ứng điềm hùng, ân sủng đang nồng thắm, mộng kiến chợt say, tuổi trời quá thiếu. Da diết nhớ người đã mất, sâu sắc đau lòng, đặc mệnh sứ thần ban sách bạc, tặng làm Chiêu nghi, thụy Thuận Đức. Mong nhận lấy huy hiệu này, kính tuân mệnh lệnh để an ủi ý quỳnh dao, vĩnh viễn nhận được vinh hiển.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.