- Nhân gian cánh hữu vô kỳ biệt, dục hoán niên niên nhất độ lai[1]
(Nhân gian còn có cuộc ly biệt vô kỳ hạn, muốn đổi hàng năm một độ gặp người)
Vì sứ nhà Thanh đến trễ, đoàn tiếp sứ phải ở thành Thăng Long chờ đợi hai tháng trời. Chuyện ầm ĩ của Lê Duy Thanh rồi cũng nhanh chóng lắng đi trong những lệnh chỉ tìm sách, tuyển người, các buổi tiếp kiến, tế lễ, duyệt binh, khen thưởng của nhà vua. Thêm hàng vạn quan tiền nữa được phát sau buổi duyệt binh[2], các đàn miếu tế núi sông toàn hạt được đồng loạt tiến hành, cả khu thành cứ thế chộn rộn cho đến giữa tháng chạp, sứ Thanh vượt ải Nam Quan đến tuyên phong và dụ tế.
Tuy nhiên, các buổi lễ này chỉ diễn ra trong đúng hai ngày. Sứ Thanh xong lễ dụ tế lập tức ra cửa quan về nước. Ngay chiều ấy, đoàn tiếp sứ của nhà vua cũng thông báo hồi loan, rời khỏi Thăng Long sáng sớm ngày hôm sau. Cả hai đoàn người cùng rời đi, để lại những án thờ, lỗ bộ còn chưa kịp dọn dẹp khắp thành. Người người vội vàng thu xếp trước ngày phong ấn mừng năm mới, tiếng nhạc vẫn còn văng vẳng trong các dinh phủ, kéo dài qua tháng giêng.
Sự bận rộn của tất cả mọi người khiến chẳng mấy ai để ý đến cung cách biến mất nhanh chóng của đoàn tiếp sứ. Qua đầu Tết Nguyên đán, cô mới tình cờ nghe câu chuyện bên phòng cha cô khi đến lấy bánh cho mẹ.
“Hoàng thượng về Kinh ngay mùng một, chỉ đi mất mười một ngày, duy có ghé lại Nguyên miếu ở Thanh Hoa. Đi gấp đến mức thuyền theo hầu chỉ có mấy chiếc theo kịp, quân hỗ giá ở các bến sông rơi rụng lại cả.[3]” Thuộc hạ của cha cô nói, vẫn chưa cởi áo khoác ẩm ướt. “Ngay cả hoàng Cả và Thiệu Hóa công được báo sau lễ Tết nguyên đán ra đón ở Tam Giang cũng trở tay không kịp.”
“Hoàng thượng có vẻ bức bối lắm rồi đấy.” Lê Chất cha cô cười khùng khục trong cổ. “Giương hết buồm, lấy hết sức mà đi như thế, chưa ai làm gì thì có khi đã tự hại thân trước.”
“Vâng, toàn bộ đoàn hỗ giá lẫn quân tướng hộ giá suốt từ Bắc Thành đến Kinh nháo nhào lên cả. Lúc cập bến ở Kinh mặt ai nấy không còn hột máu.” Người kia vẫn thận trọng nói. “Hoàng thượng còn thưởng tiền và ngày phép cho người về trước, như thể là… một cuộc đua.[4]”
“Sau khi ngài ta vứt lại ở đây một đám thân quan Vũ Xuân Cẩn, Nguyễn Công Tiệp, Ngô Bá Nhân, và vác Lê Duy Thanh đi mất.” Lê Chất cha cô chợt hừ khẽ, đổi giọng ngay lập tức. “Giỏi, giỏi lắm, cho bọn người ấy theo tiếng đi hộ giá để đến đâu không vừa mắt thì thay lập tức, ném cả bọn ở lại đây, trói Lê Duy Thanh ở Tả vệ rồi không nói tiếng nào đem về Kinh. Quả nhiên từ xưa ta đã biết là kẻ gian trá lắt léo, bụng dạ khó lường. Có phải sau khi làm xong những việc ấy thì nghĩ phải chạy cho mau không thể ở đây được?”
Cha cô vừa hầm hừ nói vừa cười nhạt. Người thuộc hạ kia lúng túng cười theo. Lúc sau anh ta mới à lên một tiếng.
“Nghe nói Hữu quân Nguyễn Văn Nhân đổ bệnh rồi. Có thể hoàng thượng vội về vì việc ấy chăng? Nên mới gọi hai hoàng tử có nhiệm vụ giữ thành đến đón trước?”
“Có thể đấy. Thân tín của hoàng thượng chỉ còn Hữu quân và Tượng quân, giờ lại mất đi Nguyễn Văn Nhân.” Lê Chất cha cô ngẫm nghĩ nói, giọng lại không tỏ vẻ gì. “Tượng quân Nguyễn Đức Xuyên lại chẳng mấy hòa hợp với bọn văn thần.”
Nguyễn Phúc Kiểu thật là xúi quẩy, cô nghe ra những lời mà cha cô không nói. Vừa gượng dậy sau đại dịch thì lại một đại thần mất đi, trong khi những người mà hẳn ngài ta ghét bỏ vẫn sừng sững. Bây giờ đến cả một tiếng nói có khả năng đối trọng của Nguyễn Văn Nhân trên triều đường cũng không còn, điện Thái Hòa, Cần Chính đã im ắng lại thêm lạnh rợn.
Họ chờ đợi, và chỉ hai tháng sau, tin báo Chưởng Hữu quân Nguyễn Văn Nhân qua đời được chuyển tới Bắc Thành. Đồng thời, cha cô cũng thông báo sửa soạn cho cô về Kinh.
“Xong lễ trừ phục, thăng phối thì hậu cung bắt đầu tuyển thêm người mới rồi.” Mẹ cô đến báo với cô, thái độ vui vẻ không hề che giấu. “Tuổi con cũng lớn rồi, gả sớm ngày nào hay ngày ấy, không thì làm sao tranh lại với bọn con gái nhỏ.”
“Thái hậu cũng gửi lời hỏi thăm con đấy.” Khi cô vẫn nhất quyết im lặng, mẹ cô bèn nói. “Năm sau em Hậu con làm lễ cưới công chúa Ngọc Cửu, chúng ta là người một nhà thân càng thêm thân, con ở trong cung cũng như nhà mình.”
Cô để thoát ra một tiếng cười khẽ.
Để không phải ngồi nghe mẹ cô nói những chuyện buồn cười, cô bèn đến phòng cha. Tới ngoài cửa, cô bỗng nghe bên trong vọng ra một giọng nói quen.
“Cám ơn ngài Tổng trấn đã đề bạt, tôi sẽ cố gắng làm việc hết sức.” Cô nhận ra giọng Bạch Xuân Nguyên, liền hơi ngẩn người.
“Lê Đại Cương tiến cử anh với ta, bảo rằng anh không chỉ giỏi từ chương mà còn thông thạo ngôn ngữ, có thể nói chuyện với người nước ngoài.” Cha cô từ tốn đáp. “Dù sao anh cũng là người Tả quân đưa tới, bị mai một ở Hậu quân làm những việc lặt vặt là không nên. Chính thức làm việc ở các tào, bắt đầu là một viên Tri bạ nhưng giỏi giang tri lý thì đường tương lai sẽ rộng mở.
“Ta biết tính anh khẳng khái cương trực, nhưng người loại nào họp theo loại ấy, không phải là không có tương lai. Ta cũng rất muốn tìm những người như anh làm việc chỉnh đốn Bắc Thành này, nhưng quá khó khăn.” Cha cô thở ra, hạ giọng. “Người người chỉ thấy bọn tham quan sâu dân mọt nước, trách ta là Tổng trấn mà lại dùng bọn chúng, bảo ta dung dưỡng cho chúng làm loạn. Nhưng họ có ở vị trí của ta thì cũng biết làm gì? Đâu phải chỉ như trong tuồng kịch, tất cả mọi người là lương dân bị kẻ xấu làm hại, giữa đám người tội nghiệp có một hai tên tham quan tội lỗi đầy mình – nhưng chỉ cần khử đi là xong, có khó mấy thì cũng chỉ là thêm một, hai tên tham quan khác, thậm chí là hôn quân bạo chúa. Không hề, ta phải làm gì đây khi kẻ xấu là vạn vạn, thậm chí chẳng ai nhận ra mình xấu xa đến mức độ nào? Từng chuyện nhỏ một, từng con người một, tất cả đều ẩn chứa điều gian dối, lợi dụng. Ta xử kẻ này, ta chém kẻ kia, nhưng rốt ra, chẳng có kẻ nào biết sợ. Nỗi sợ chỉ để chúng họp nhau lại che giấu cho nhau, hoặc đi làm loạn. Anh làm việc ở Hậu quân chắc cũng đã thấy rồi, bọn tướng, cai thì mượn cớ thu hết lương tiền của lính, có khi không để lại đồng nào. Để đến phiên lính muốn có cái ăn mặc thì họp nhau đi cướp của dân. Dân chúng ghét lính lại thì nghĩ ra trăm phương ngàn kế luồn lách giấu tội, càng ngày càng xảo trá. Cứ như thế, kẻ trên ức hiếp kẻ dưới, kẻ dưới lừa dối người trên, càng ngày càng loạn.
“Kẻ dọa nạt kẻ lọc lừa, kẻ tham tàn kẻ gian dối, rồi tất cả đổ riệt cho ta làm chúng ra như thế. Nào nào, chẳng phải ta cũng muốn có binh hùng tướng mạnh trăm trận trăm thắng, cũng muốn có một mảnh đất yên ả thái bình kê cao gối ngủ kỹ hay sao?” Lê Chất cha cô lại bật cười. “Những nho sĩ như anh chỉ biết mơ về thời Nghiêu Thuấn mà lại không biết cách nào trở thành Nghiêu Thuấn. Mọi thứ anh muốn làm được thì chỉ khi anh có quyền lực mới có khả năng thực hiện, và khi ấy cũng phải có được kẻ giúp đỡ tùy tòng. Còn bằng không, đi hết cả thế gian này cũng chẳng có thứ đất nước lý tưởng mà anh mơ tới đâu.”
“Tôi hiểu, thưa ngài.” Bạch Xuân Nguyên nói khẽ. Người hầu mang trà thuốc tới, cô bèn lui ra hành lang.
Cô đứng đợi một lúc, Bạch Xuân Nguyên trở ra. Thấy cô, anh ta thoáng ngạc nhiên nhưng vẫn gật đầu chào. Cô ngước mắt nhìn lên bầu trời trên đỉnh lầu các, tháng ba, đợt rét nàng Bân đang thổi về, nhưng trời vẫn xanh trong. Bạch Xuân Nguyên đã đi khỏi, cô vẫn không hề hay biết. Trong lúc ấy, cô thậm chí còn không muốn bàn bạc thêm chuyện gì với cha cô.
Tất cả vốn đã được quyết định. Dù có đi hết cả thế gian này, cô cũng chẳng thể trốn thoát. Đâu phải chỉ một, hai người, cha cô nói, thậm chí còn chẳng phải là vạn vạn kẻ - mà là, tất cả. Tất cả mọi người đều có mong muốn của riêng họ, ý đồ của riêng họ, và cả vị trí trong cuộc cờ của riêng họ. Tất cả vẫn đang xoay vần dưới bầu trời.
Ta muốn sao, cha cô cười nói, như ông vẫn luôn cười. Như ông vẫn luôn là người cha yêu thương cô hết mực, trong cái thế gian mà ông biết. Thế gian này vốn chưa bao giờ khoan nhượng với ông, ngay từ khi mở mắt chào đời. Và ông không bao giờ cho rằng việc làm của mình là lợi dụng hay tàn nhẫn, xấu xa. Đó là khôn ngoan, ông nói, sự khôn ngoan khi mỗi kẻ hiểu được đúng vị thế của mình và người khác, không mộng mơ cùng tô vẽ, hãy sống đúng theo trật tự mà thế gian này tạo thành. Cơn gió cùng dòng nước vốn tự nhiên chẳng có mạnh yếu hay thuận nghịch. Vì thế, ông trở thành quần thần được vua Thế Tổ coi trọng, hơn cả những người đã vì một giấc mơ mà đi theo ngài ta.
Trở về phòng, cô nhặt lên cuốn ghi chép của Toản Phu đã hơi nhăn, đặt vào hành lý. Ba năm rồi, cuối cùng cô đã được ra khỏi khu thành này. Trước khi bước chân vào một tòa thành khác, ít nhất cô cũng lại được vượt qua biển khơi.
Tháng năm, cô trở lại Phú Xuân. Đã vào giữa những ngày hạ, ve kêu inh ỏi trên vòm lá. Qua trận mưa lũ hai năm trước, một góc kinh thành bị sụt lở, công việc tôn tạo xây đắp vẫn đang được tiến hành. Thuyền đi qua cầu Đông Hoa, cô liền cho dừng lại bên bến đò, bước lên bờ. Khu bờ đông sông Hộ Thành này bỗng dưng có thêm một ngôi đền mới nằm giữa vườn hoa, chỉ cách mấy bước chân tới nhà họ Hồ. Vườn hoa lớn chiếm cả một khoảng đất ngay cạnh chợ An Hội hẳn không phải của người thường. Cô vẫn còn đang đứng nhìn quanh, chợt thấy cô vợ của Hồ Văn Lưu đi tới.
“Cô Hai Hậu quân ạ, lâu quá rồi không gặp.” Cô gái cười nói. Thấy vẻ ngơ ngác của cô, cô ta bèn chỉ về đền thờ giải thích. “Nhà vua mới xây vườn hoa, từ đó khu này được gọi là Ngự Viên, nhân tiện lập đền thờ cho chị Hai.”
“À…” Cô lạnh nhạt nói, đưa mắt nhìn qua đền thờ và vườn hoa. Có lẽ hiểu thái độ của cô thành ý khác, vợ của Hồ Văn Lưu nắm tay cô cười.
“Ngay sau khi lên ngôi, ngài ấy đã ban lệnh cấp tiền gạo cho cả nhà chúng tôi đấy[5], cho cả con trai con gái không sót một ai. Mỗi tháng trai ba quan tiền, ba phương gạo, gái hai quan, hai phương, mỗi năm cả nhà có đến hơn trăm quan tiền, trăm phương gạo.” Cô gái nói như an ủi cô. “Không được tập ấm mà ân huệ còn hơn cả nhà ấm tử, thế cũng đã đủ rồi.”
Cô rút tay, tìm cớ cáo từ cô gái, xuống thuyền rời đi.
Có lẽ do bị giam giữ quá lâu, cô đã trở nên không thể chịu đựng được con người. Những lời nói của họ đều dễ khiến cô khó chịu. Ngồi ở đầu thuyền, ánh mắt cô chìm trong nắng lấp lánh trên sông. Những đợt sóng nhỏ xanh lục chuyển chuyển nối tiếp đến cây cầu gỗ bắc ngang dòng nước. Đông Hoa, Đông Hoa, cái tên xuất phát từ cây cầu được dựng xây sau khi cô ấy đã mất đi, trên một hòn đảo cách biệt với kinh thành, do những trễ tràng và ngăn cách. Vượt qua dòng sông, đi về phương Đông, nhưng đã chẳng còn cô ấy nữa. Và sau đó, những gì ở lại chỉ còn là những hồi vọng đáng cười. Cô ấy vốn chẳng cần bất cứ thứ gì trong đó.
Khu thành trì này, những luật lệ và danh xưng, những trịnh trọng vờ vĩnh cùng khắt khe lạnh bạc, đã ngày càng nhiều thêm chỉ trong vài năm ngắn ngủi. Người dẫn cô vào thành nói nhanh những điều cấm được đặt ra vào cuối thời vua trước và đầu đời vua này. Nghe cô về, cung Từ Thọ cho gọi, cô dù lòng chẳng muốn vẫn đi theo nội giám tới. Cung này được dựng riêng mé Tây thành, cổng Tiên Thọ sau dẫn thẳng đến mà chẳng cần phải đi qua khu điện khác. Điện đài nằm giữa dòng suối bao quanh, giả sơn phong rêu nép dưới bóng cây. Cung điện yên tĩnh dù có vẻ đông đúc hơn ngày Thái hậu còn là Nhị phi. Đi qua cửa, cô mới thấy công chúa Ba Ngọc Anh đang ngồi cạnh sập Thái hậu.
“Cho em xem này.” Lễ chào hỏi xong, cô được Thái hậu cho ngồi cạnh Ngọc Anh, cô công chúa đã cười nói, đưa cho cô tờ giấy đang cầm trong tay. “Chùa Đại Giác ở Biên Hòa gửi cho ta đấy.”
“Ưng - Ngọc Anh công chúa mệnh đề - Biên Hòa, Đại Giác cổ tự.
Đại tham nguyên chính đạo, quán danh lợi vị phong trần bào ảnh đáo đầu, vô đắc vô minh, chư bàn thị huyễn.
Giác ngộ hóa huyền cơ, chiếu tham sân si sắc tướng chân như, cứu cánh bất sinh bất diệt, ngũ uẩn giai không.
Thiên vận Giáp Dần. Mạnh hạ cát nhật.”[6]
“Đây là thủ bút ta để lại chùa năm Giáp Dần, lúc ta mới năm tuổi. Hai năm trước, khi hoàng thượng lên ngôi đã cho lệnh tu sửa chùa, ta cũng cúng một bức hoành phi. Chùa gửi thư cảm tạ, lại biên cho ta về thủ bút gần ba mươi năm trước.” Ngọc Anh vẫn hào hứng nói, dường rất vui vẻ với ký ức cũ. “Hôm ấy ta hẳn được dẫn đến chơi, rồi viết theo mấy dòng này, bây giờ đọc lại thật là kỳ lạ.”
“Danh lợi vị phong trần bào ảnh đáo đầu…” Cầm tờ giấy trong tay, cô lại lẩm nhẩm, hầu như không nghe những lời Ngọc Anh nói. Chẳng biết ai đọc hay hướng dẫn cho một cô bé năm tuổi ghi những câu này.
Cô cũng ra vẻ như không thấy ánh mắt là lạ của Thái hậu, nhưng bà vẫn chỉ hỏi cô về sức khỏe và cuộc sống ở Bắc Thành. Ngày mùa hạ nực nồng trong căn phòng kéo rèm trúc che kín, thoang thoảng mùi gỗ thơm khiến cô có cảm giác mệt mỏi muốn díu cả mắt, câu chuyện cũng càng lúc càng nhạt nhẽo. Cuối cùng, Ngọc Anh hiểu ý kéo cô đứng lên.
“Con dẫn em ấy đi thắp hương cho chùa Hồng Nhân nhé. Em ấy mới về đây, chắc chưa thấy hoàng cung mới đâu.” Vừa nói Ngọc Anh vừa nhấc phần lễ trên sập có vẻ được họ chuẩn bị sẵn trước khi cô tới. Cô quay đầu tránh ánh mắt Thái hậu, đi theo Ngọc Anh ra khỏi điện.
Qua khu điện Tây, họ đi dưới một con đường dài rợp bóng tre trúc tầng tầng xanh ngát, tới cái hồ nằm ở góc thành. Quanh hồ là một đồng hoa lớn rực rỡ ngát hương. Một chiếc cầu ngói được dựng qua dòng nước dẫn đến bờ hồ[7]. Cô nhìn thấy đình phía Tây có biển đề mấy chữ “Cung nhai bộ nguyệt”[8], biển phía Đông thì ghi “Doanh Châu tại nhĩ”[9]. Ngoài hồ có một hòn đảo bắc cầu để qua, bên trên xây lầu các đề “Hải tĩnh niên phong”[10]. Từ đây đi theo dòng sông nhỏ qua cửa cung thành lại đến một khoảng vườn nước chảy quanh quanh, có một cái ao lớn chính giữa. Chùa Hồng Nhân mà Ngọc Anh dắt cô tới nằm ở phía Đông vườn, nhìn chếch sang hồ thấy một ngôi nhà nhỏ đề “Trường xuân tiên quán”, xa xa là điện Thiên Thân. Rải rác trong hồ lẫn ven bờ là mấy ngôi lầu điện có biển Thúy Tiêu, Diên Hi, Đông An… Trên mấy hòn núi nhỏ cũng có lầu đình soi bóng xuống nước. Mùa hạ, sen đang nở rộ trong hồ, tre trúc reo như mưa. Nắng trên mặt nước phản chiếu đến lóa mắt, tưởng như bao quanh cả vườn trong quang hoa tựa sương khói.
“Đây là chỗ tu tiên hay tập đạo?” Nhìn thấy mấy chữ ‘Trường xuân tiên quán’, cô buột miệng hỏi. Nơi này vốn là khu vườn ngự uyển cũ với hoa lá cỏ cây cùng điện đài rất bình thường, chỉ trong một năm tự dưng biến thành nơi giã thuốc của Bát tiên. Ở Bắc Thành cô nghe rì rầm việc nhà vua ngay sau bệnh dịch đã cho dựng vườn, hóa ra việc đầu tiên ngài ta làm với hoàng thành là đem biến cả ngự uyển thành Nhược thủy Bồng Lai[11]. Vườn này lấy dòng nước làm chủ, cầu tạ đình đài phong phú nhưng còn đơn giản mộc mạc, chữ biển đề thì kỳ lạ.[12]
“Kia là ao Ngọc Dịch, đảo ở góc hoàng thành là đảo Doanh Châu.” Ngọc Anh không có vẻ phật lòng, còn cười lớn. “Chúng ta thường đùa phía Tây thành là chỗ một bọn đàn bà con nít chí chóe, phía Đông thì là nơi luyện thuốc của thần tiên.”
“Tần Thủy Hoàng gần năm mươi tuổi mới đi tìm đảo Bồng Lai, tội gì phải sớm thế?” Cô nhếch nhẹ khóe môi. Nơi này tuy nằm sau điện Dưỡng Tâm nhưng vẫn ở trong cung thành, phi tần cung nhân có thể tới, đảo Doanh Châu ở ngoài thì hẳn chỉ mình ngài ta đến. Mới vào cung mà ngài ta đã tìm ngay một góc lánh đi, xa xôi cách trở với toàn phần còn lại của hoàng thành.
“Luyện thuốc trường sinh bất lão đấy.” Ngọc Anh chỉ mỉm cười nói, vào chùa Hồng Nhân làm lễ. Cô đứng cạnh bên, nhìn tờ giấy chép hai câu đối ngày trước của Ngọc Anh, lòng dạ lại chợt nôn nao không hiểu vì sao.
“Phò mã Đặng dạo này thế nào rồi ạ?” Khi làm lễ xong, đến Trường xuân tiên quán ngồi nghỉ ngơi, cô bèn hỏi, chợt nhớ rằng cô không thấy Trương Phúc Đặng ở quanh thành như trước đây.
“Anh ấy được cử đến trấn thủ Bình Định rồi, cả năm chưa về.” Ngọc Anh thở khẽ. “Hoàng thượng bảo đi làm cho quen việc, sau này còn giúp đỡ ngài.”
“Ta cũng lo lắm.” Cô chưa kịp hỏi, Ngọc Anh đã nói, cúi đầu cười. “Trước khi anh Đặng đi, hoàng thượng còn dặn đi dặn lại gắng sức mà làm việc, trông coi binh lính, đừng để giống như Hoàng Công Lý. Vừa rồi tù phạm Thanh Hoa phá ngục, anh Ngoạn chồng chị Ngọc Châu bị lột mũ áo chờ xét xử, chưa biết thế nào.”
Không biết phải nói gì, cô đành im lặng. Ngón tay Ngọc Anh mân mê mép giấy khi ánh mắt cô công chúa thất lạc trong nắng hạ ngoài hiên. Sen trong hồ nở trắng, lá rì rào xôn xao quanh họ.
“Dạo này ta vẫn thường nghĩ tới Gia Định.” Ngọc Anh lại chợt nói. “Năm đó mẹ ta mất, ta đến chùa làm lễ, vừa khóc vừa chép mấy chữ này lại. Nét chữ thô kệch vụng về, thậm chí chỉ là vẽ theo mà chưa hiểu là gì. Năm kia dịch bệnh phát ra, ta bỗng dưng nghĩ đến ngôi chùa ấy. Rồi ngày tháng cũ cứ hiện lại trong mơ vậy. Ba năm nay, không đêm nào ta ngon giấc.”
“Ngọc Nga sắp tái giá rồi, nhưng Ngọc Ngoạn cứ muốn ở một mình như vậy. Chúng ta dù ở trong thành này mà vẫn tan tác mỗi người một nơi. Hóa ra… đã hai mươi năm rồi.” Một nụ cười mơ hồ bỗng thoáng hiện trên gương mặt người thiếu phụ. “Giống như là Bồng Lai.”
Bóng ngả về chiều, Ngọc Anh dẫn cô ra khỏi vườn bằng con đường cũ. Đi qua góc thành, cô đưa mắt nhìn lầu các ẩn chìm trên đảo nhỏ.
Góc thành này chính là hồ trước phủ đệ của Nguyễn Phúc Kiểu khi vừa xuất các, cũng là nơi cậu ta đã sống những ngày hạnh phúc nhất cùng Hồ Thị Hoa. Ngày ấy, quanh ngôi nhà là khoảng tre trúc quanh quanh hồ nước trắng màu sen, cảnh tượng thật không khác với Thê Phượng viên sau này mà Nguyễn Phúc Kiểu xây dựng rồi cho Thiệu Hóa công vào ở. Sau khi Nguyễn Phúc Kiểu ra ngoài kinh thành lập phủ, cô cũng chẳng mấy khi đến góc thành này, không thể ngờ ngài ta vẫn quay lại đây, tạo lập nên chốn Bồng Lai của mình.[13]
Biển tĩnh dòng nhược thủy, Doanh Châu chập chờn đường vào mộng, ao rượu quán tiên mơ giấc trường xuân. Xuân hoa không phải là thu thật, xuân hoa không chịu nổi tháng năm. Xuân hoa rụng rơi biến mất vào gió mưa, dưới nắng trời, một lần xuất hiện tại nhân gian để vĩnh thế tan trôi theo dòng nước.
Cha cô luôn dạy cô rằng hãy trở thành một người khôn ngoan. Giống như nhiều người sau này vẫn nghĩ, ông không hề sai, ông chỉ làm những gì đúng như mình nên làm. Ông chỉ có ước muốn, không có mộng. Giống như vị vua của ông, người đã lần lượt bóp nát từng giấc mộng của người thừa kế. Giống như ông đã làm vụn vỡ giấc mộng của cô, ngay từ lúc khởi đầu. Cô chưa bao giờ thực sự bỏ trốn, vì cô không biết phải đi đâu. Cô không có giấc mộng nào trên thế gian này, ngoài bóng một đóa Không Hoa đã tan theo dòng nước.
Bồng Lai năm ấy không phải là mộng mơ, mà là thương xót. Là xót xa mãi chẳng nguôi ngoai của vết thương do mộng vỡ.
Chú thích:
[1] Thất tịch kỳ 2 của Đoàn Huyên
[2] Tháng 11 năm 1821, Minh Mạng cho 5 dinh quân Thần sách 5.000 quan, cho binh lính Bắc Thành 1 vạn quan.
[3] Thực lục, tháng 12 năm 1821: Khi hồi loan, đi gấp đường, đến tối ngày 30 tết thì đã tới Tam Giang, tính mới có 11 ngày, thuyền theo hầu chỉ có mấy chiếc theo kịp.
[4] Thực lục, tháng 1 năm 1822: Biền binh các quân Thị trung và Thị nội, ai về trước thì cấp cho tiền và cho về thăm nhà một tháng; ai về sau, cho về thăm nhà 20 ngày.
[5] Thực lục, tháng 1 năm 1820: Cho năm con của Chưởng cơ Hồ Văn Bôi là công thần Vọng Các hằng tháng được cấp tiền gạo (con trai tiền 3 quan gạo 3 phương, con gái tiền 2 quan gạo 2 phương).
[6] Kính ghi - Công chúa Ngọc Anh - Đại Giác cổ tự, đất Biên Hòa.
Làm người trong chính đạo, phải xem danh lợi như gió bụi, như bóng nước xoáy vần, chẳng thấu vô minh, tất cả chỉ là huyễn.
Tỏ ngộ được huyền cơ, soi rọi được tham sân si, sắc tướng của chân như rốt cuộc chẳng sanh diệt, năm uẩn đều là không.
Vận trời năm Giáp Dần. Ngày tốt tháng đầu mùa hạ.
[7] Khung cảnh khu đất sau thành này được mô tả trong Hồi ký Huế của Michel Đức Chaigneau.
[8] Đường cung đi chơi mặt trăng
[9] Doanh Châu ở gần đây
[10] Biển yên gió thời gian
[11] Nước biển quanh các đảo Bồng Lai rất nhẹ, đỡ không được hạt cải, cho nên được gọi là Nhược thủy.
[12] Quy cách của vườn ngự uyển được ghi trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Trong đó Doanh Châu, đình Doanh Châu tại nhĩ, Hải tĩnh niên phong, Trường xuân tiên quán là một trong những phần được dựng đầu tiên. Vườn này lấy dòng nước làm chủ chảy từ hồ Kim Thủy nội sang sông Tiểu Ngự Hà rồi đến ao Ngọc Dịch. Trong đó phần Doanh Châu nằm ở góc hoàng thành, đi qua cửa cung thành mới vào ao Ngọc Dịch.
[13] Theo Đại Nam nhất thống chí, vườn Cơ Hạ trước là nơi học tập của Minh Mạng, khi Minh Mạng mới xuất các thì nâng lên làm thiên phủ (phủ đệ). Theo Thực lục, đến tháng 2 năm 1807, tức sau khi cưới Hồ Thị Hoa, mới có lệnh xây phủ cho hoàng tử ở ngoài kinh thành. Đến thời Thiệu Trị thì dời vườn Thư Quang vào góc thành này, lập nên vườn Cơ Hạ.