- Sầu sát trường đình liễu, thu phong khởi mộ thiền[1]
(Sầu tàn liễu trường đình, gió thu khơi tiếng ve muộn)
Mùa hạ năm sau, Tường lại trở về Phú Xuân.
Lê Chất cha cô được triệu về Kinh, nhân tiện muốn tới Bình Định đón bà, cô cũng quay lại để sắp xếp cùng cả gia đình tới Bắc Thành theo cha. Cha cô một mình tới Bình Định, để cô ở Kinh chờ đợi.
Vừa về, cô được Ngọc Xuyến cử người đến gọi. Nghĩ cô ấy chỉ xa lâu ngày nhớ tới, cô thong thả dọn dẹp, đợi xế chiều mới đến đệ trạch Ngọc Xuyến. Cổng đệ trạch vẫn đóng chặt, cô phải đứng đợi hồi lâu mới thấy người hầu ra mở cửa. Nhưng người hầu lại nói, Ngọc Xuyến ở trong phòng riêng, không muốn gặp khách.
“Là vì…” Nghe cô hỏi lý do, người hầu đưa mắt vào trong nhà, rồi khẽ khàng hạ giọng. “Nghe nói hoàng thượng tứ hôn công chúa cho Chưởng cơ Trương Văn Minh.”
“Đại sứ Bảo tuyền cục Trương Văn Minh?” Cô ngạc nhiên hỏi lại. Nhưng có vẻ chức vị này của Trương Văn Minh còn xa lạ với người hầu hơn.
Trong khi đó, Tường gần như kinh ngạc đến ngây người đứng ở cửa. Với nhiều người, Trương Văn Minh có vẻ tài cao chí lớn, thăng tiến đến Chưởng cơ, lãnh Bảo tuyền cục ở Bắc Thành. Nhưng vừa từ nơi ấy trở lại, cô biết rõ Bảo tuyền cục là nơi thế nào…
Mỗi năm có hàng vạn đồng chảy ra từ Bảo tuyền cục, người ở Bắc Thành nói mà không buồn che giấu hay hạ giọng. Nơi đúc tiền ấy là cái ổ tham nhũng hàng đầu, từ quan trên cho đến kẻ ty lại, thợ thuyền ở dưới, từ vơ vét chút vụn bạc đáy nồi hay chủ tâm pha trộn rút bớt quý kim, đến kê khai điêu số thu chi. Nhà Trương Văn Minh bề ngoài thì thanh cảnh, bên trong phải chứa đến vạn vạn quan tiền. Ông ta lại vừa chết vợ, nhà có mấy đứa con nhỏ, tuổi tác gấp đôi Ngọc Xuyến. Có vẻ vì Ngọc Xuyến mang danh góa chồng, tuổi đã lớn, bắt buộc phải giảm hạ tiêu chuẩn xuống. Nhưng lấy một người như Trương Văn Minh?
Cô đi qua người hầu, vào nhà tới trước cửa phòng Ngọc Xuyến. Gõ mấy tiếng không nghe ai trả lời, cô liền gọi.
“Em đây.” Cô vừa gõ vừa nói khẽ. Hồi lâu sau mới thấy cửa mở, Ngọc Xuyến đầu không chải, áo khoác lỏng lẻo ra đón cô, nhưng cô ấy có vẻ chỉ mệt mỏi chứ không khóc lóc thảm sầu như cô nghĩ.
“Em gọi hầu pha nước nhé, ta chải tóc đã.” Ngọc Xuyến ơ hờ nói. Cũng không gọi người, cô ngồi xuống ghế bên giường nhìn Ngọc Xuyến vuốt lại mái tóc rối tung.
“Em nghe nói…” Ngần ngừ mãi Tường mới lên tiếng. Chỉ búi tạm lọn tóc sau đầu, Ngọc Xuyến quay nhìn cô, lại mỉm cười.
“Ta không sao. Chỉ là… ta đang nằm nghĩ mãi.” Ngọc Xuyến tựa vai dựa thành giường, nhìn sang ô cửa sổ bên hông nhà. Ngoài vườn, cây nắng xanh rờn. “Rốt cuộc thì ta đang sống để làm gì vậy?”
“Cả năm nay, ta cứ nghĩ mãi như thế. Không phải ta buồn, chỉ là nghĩ thôi. Trước đây ta ở trong cung với bọn chị em, chơi cùng bọn trẻ con, đôi khi ồn ào cùng đám người nơi ấy, cứ dằng dai mãi đến khi phụ hoàng chịu không nổi nữa, tiễn ta ra khỏi nhà.” Ngọc Xuyến cười khẽ. Nắng nhạt chiếu vào phòng làm nếp nhăn mờ trên khóe môi cô càng rõ hơn. “Rồi ở đây, ta chỉ có một khoảng vườn với mấy gian nhà, một đám kẻ hầu người hạ, muốn vào cung cũng chẳng còn mấy ai thân quen ở đấy. Thậm chí ta chẳng có cha mẹ chồng để hầu hạ, nghĩa vụ gì mà thực hiện, nhưng ta không thể đi đâu, làm gì với cái danh phận công chúa góa chồng này bây giờ. Ta làm gì đây, chẳng lẽ đóng cửa chết già vì người mới gặp được một ngày? Cả cuộc đời, chẳng lẽ ta cứ đi từ nơi giam giữ này sang nơi giam giữ khác, chưa bao giờ biết một đời sống bình thường, được sống như một con người sao?”
“Nhưng…” Tường thốt khẽ, tuy nhiên cô thực lại không biết mình muốn nói gì. Một năm trước, Ngọc Xuyến nói rằng chỉ cần ở bên Phò mã một ngày là đủ. Nhưng hóa ra, cuộc đời có thể quá dài.
“Trương Văn Minh cũng tốt, anh ta làm việc ở Bắc Thành, chẳng mấy khi về đây, lại có con nhỏ bầu bạn với ta.” Trong mắt Ngọc Xuyến là khoảng không đầy nắng ngoài cửa, nụ cười của cô đã mất đi vẻ xán lạn khi xưa. Cô nói như đã chấp nhận quyết định cho cuộc đời mình, thậm chí như chỉ cần có một người nào đó đến đưa cô rời khỏi ngôi đệ trạch giam lỏng này. Chẳng cần biết đó là ai.
Cho nên, Tường im lặng.
Thời gian quả thật có thể phá vỡ con người, khi ra khỏi nhà, ngẩng nhìn tán cây cạnh cổng đã cao hơn đầu cô, Tường thầm nghĩ. Thời gian cùng nỗi cô độc và sợ hãi phá tan giấc mộng thời thiếu nữ, ý nghĩ giản đơn về tình yêu cùng trường cửu. Quay quắt dưới bóng nắng, chìm đắm trong mù mưa, con người dường đã bị rút kiệt hoàn toàn sự sống. Chẳng ai có thể ôm lấy một giấc mộng hư ảo đến cuối đời. Một cuộc đời, thực sự có thể quá dài.
Ở nơi này, Ngọc Xuyến có thể chẳng bao giờ biết những gì Trương Văn Minh làm ở Bảo tuyền cục, cũng như mẹ cô không bao giờ để ý đến công việc của cha cô. Ông ta không phải là một anh hùng, nhưng có vẻ ngoài như thế. Dù tái giá, hôn nhân của Ngọc Xuyến vẫn coi như danh giá tốt đẹp. Có nhiều khi, con người sống cả cuộc đời cũng chẳng cần biết quá rõ về nhau.
Không hiểu sao trong lòng buồn bã, cô tìm đến đệ trạch của Ngọc Trân ở gần đấy. Phò mã không có nhà, người hầu cũng đưa cô đến phòng riêng của Ngọc Trân. Cô ấy nằm trên giường, xanh xao tái xám trong bóng tối.
“Ta cứ tưởng em ra Bắc Thành hẳn.” Ngọc Trân nắm tay cô, cười nhẹ. “Em ở đấy có vui không?”
“Có người nói với em, thật ra thế gian cũng không có nhiều chỗ để đi lắm đâu.” Tường cười đáp, lòng lại thầm đau đớn khi nhìn vẻ gầy guộc của Ngọc Trân, trông cô ấy như thể chỉ còn chút hơi sức tàn. “Chị ở đây làm sao mà bệnh đến thế?”
“Ta không quen nhà, không ăn ngủ được.” Ngọc Trân chỉ giản dị nói. Nghe tiếng cô ho, người hầu vội chạy đến đưa khăn và ống nhổ. Tường đưa mắt nhìn quanh căn phòng hầu như chẳng có dấu vết của đàn ông, hẳn bấy lâu Ngọc Trân ở phòng riêng. Cô ấy vốn đã chẳng thích nói chuyện với người không quen, chẳng dễ gì thân thiết với vị Phò mã xa lạ, lại bị bệnh tật quấn thân. Đối với cuộc sống và căn nhà sau hôn nhân, hẳn cô ấy chỉ thấy lạ lẫm, mệt mỏi đến gần như chán chường.
Ngọc Trân muốn có một người đưa cô ấy rời đi, nhưng không phải là vào cuộc đời như thế. Sau hôn lễ hoàng gia rộn rã, cô ấy thấy mình lẻ loi trong góc thành cùng một người không hề quen biết, bắt đầu cuộc sống mà cô ấy cũng chẳng có khái niệm gì về nó. Có lẽ như Ngọc Xuyến, cô ấy cũng đã ngày đêm tự hỏi: Mình sống để làm gì? Ý nghĩ ấy, rốt cuộc đã hủy hoại cả hai người.
Ngọc Châu, Ngọc Trân cùng Ngọc Xuyến là những công chúa lấy chồng trễ nhất trong nhà, nhưng Ngọc Châu là vì hoàn cảnh, Ngọc Xuyến và Ngọc Trân vì lựa chọn. Cuối cùng, chẳng ai trong họ hạnh phúc.
Những ngày thơ trẻ ở Gia Định ấy, các cô đã mơ ước điều gì? Vì ước mộng quá cao hay vì đời không lường trước, bọn họ hoàn toàn không có được điều mình muốn? Chúng ta không để cho các con phải thiệt thòi, Nhị phi từng nói, nhưng chẳng ai lấp đầy được khoảng trống trong lòng họ. Họ sống rất đơn giản, Hồ Thị Hoa cũng từng cười bảo, nhưng hóa ra thứ họ cần lại không thể có trên thế gian này.
Tháng năm, hôn lễ của Ngọc Xuyến được cử hành. Trong tháng ấy, Ngọc Trân cũng nhắm mắt lìa trần.
Đến cuối cùng, cô ấy vẫn chẳng nói thêm một lời. Nắng mùa hạ gay gắt đổ xuống trần gian, Phò mã trầm tĩnh cử người đi sắp xếp cho tang lễ. Tường đến thắp hương, nhìn bài vị của cô gái cô đã quen biết suốt thời tuổi trẻ, vẫn tưởng như là của một người xa lạ nào đó.
Dường như cô ấy vẫn tựa cửa nhìn ra ngoài, nơi nắng mưa luân phiên nhau biến chuyển, nơi cánh chim bay qua bầu trời mênh mông. Thế gian trong mắt cô ấy vẫn sáng ngời rực rỡ, mộng ước của cô ấy vẫn bao la bay bổng. Trong căn phòng mùa thu năm nọ, cô ấy đã hỏi rằng cô muốn đi đâu. Nhưng cô lại chưa từng hỏi cô ấy điều ngược lại.
Những ngày thơ trẻ ấy, họ đã mong ước điều gì? Đứng trong một góc nhà nhìn các công chúa đến viếng, Tường lại thầm tự hỏi. Cuối cùng, những người cố chấp ôm lấy giấc mộng lâu nhất lại bị hủy hoại nặng nề nhất. Ngọc Xuyến cuối cùng đã buông tay, chấp nhận lựa chọn duy nhất của cuộc đời. Ngọc Trân cuối cùng đã buông tay, bỏ lại cuộc đời này bay về nơi cô muốn đến. Thanh xuân của họ đã trôi qua trong nỗi cô độc không ai lý giải nổi. Cuộc đời của họ đã mất đi như chưa bao giờ được bắt đầu.
Cô đi ra cửa, đi qua những cỗ kiệu, ngựa xe cùng võng lọng. Người đứng ngồi lố nhố, ngoại trừ kẻ hầu người hạ của phủ cùng công chúa vương tôn đến viếng còn rất đông dân ở quanh vùng tò mò kéo tới ngắm nhìn tang lễ hoàng gia. Cô lấy ngựa phóng thẳng đến bờ sông rồi mới dừng lại.
Thái dương vẫn chói chang trên cao xanh vô tận. Nước sông vẫn trùng điệp ngàn con sóng bạc lấp lánh màu sương nắng. Núi vẫn thanh thanh, hoa trên đồng vẫn rực rỡ sắc màu. Nhưng vùng đất này ngày càng khiến cô ngạt thở. Nhưng khi dừng chân trước bờ nước, cô lại không biết mình muốn đi đâu.
Trên thế gian cũng chẳng có nhiều chỗ để đi lắm đâu, Thái Công Triều cười nói. Trong vô số những bỡn cợt và giả trá, đây lại là lời thật lòng nhất của anh ta. Cô nghĩ đến thành Thăng Long với mùi khói thuốc phiện lờ mờ bay ra từ phòng cha cô, những toan tính cùng thủ đoạn gần như không cần che giấu, như tất nhiên và đương nhiên. Cô nghĩ đến những con đường đầy bóng tối thoang thoảng mùi bùn, văng vẳng tiếng sênh ca, ngập ngụa hương trụy lạc, càng xa nơi thiên tử sống càng bừa bãi vô luân. Cô nghĩ đến những vùng đất rộng lớn mà phận người không hơn con sâu cái kiến dễ dàng bị thổi bay bởi một cơn gió hay dòng nước vô tình. Biển cả mênh mông, sông nước cuồn cuộn, đường đá núi ngập nghềnh, nhưng muôn nẻo cũng như nhau.
Rồi thì sẽ chẳng còn ai nữa, những con người của ngày tháng nọ. Bây giờ cô tiếc thương đến cả cậu công tử cầm túi thù du đỏ mỉm cười bên chiếc đèn đêm ấy. Một hình ảnh xa xôi diệu vợi đến như thể chưa từng có thật. Cũng như họ, từng người, từng người một lìa xa cùng biến đổi, như xưa kia chưa từng có họ trên đời.
Dưới ánh nắng gay gắt ngày mùa hạ, cô lại cảm thấy lạnh. Tuột xuống ngựa, cô co mình ngồi bên bờ sông, nửa như muốn khóc mà không thể rơi nước mắt.
Cô bắt đầu nghĩ đến việc không chờ cha trở lại mà ra Bắc trước. Đúng lúc cô còn đang dọn nốt vài món đồ cuối cùng, có lệnh Nhị phi gọi cô vào cung.
Cho rằng bà lâu ngày không gặp, muốn hỏi han về tình hình Bắc Thành, cô chẳng nghĩ gì mà đi theo nội giám ngay khi được gọi. Nhị phi không ở cung Khôn Đức mà vẫn tại điện cũ của bà, chờ cô ở ngôi đình trong vườn Đông. Bà thấy cô đến thì vẫy tay cho ngồi ở ghế dưới.
“Con trông gầy đi nhiều quá.” Bà nói sau một lúc nắm tay cô nhìn ngắm. “Ở Bắc Thành không vui sao?”
“Không phải ạ, chỉ là chuyện của Ngọc Trân thôi.” Cô khẽ thở dài. Tính cách của Ngọc Trân khiến cô chẳng thể thân thiết, nhưng cái chết của cô ấy lại khiến cô cảm thấy trống vắng đau lòng kỳ lạ, không thể nào vui lên được.
“Nó với con bé Ngọc Xuyến đều quá bướng bỉnh.” Nhị phi cũng thở dài. “Con gái có thì, gần ba mươi còn được bao nhiêu lựa chọn? Sống một mình lâu quá rồi không thể gần gũi được với người khác, tính ra thì tự làm khổ mình.”
“Con cảm thấy họ trước đây rất vui.” Cô nói nhỏ, trong lòng lại cảm thấy hơi nhột nhạt, như thể Nhị phi cũng đang nhắc đến số tuổi của cô. Thâm tâm cô cảm thấy nếu Ngọc Xuyến và Ngọc Trân không phải là công chúa, họ sẽ hạnh phúc hơn hiện tại. Ngay khi đến nơi này để bị nhốt vào một tòa thành lớn, họ đã trở nên bất hạnh.
“Cứ nghĩ như vậy nên mới khổ đấy con ạ.” Nhị phi lắc đầu, nhưng bà không nói thêm. Một cung nhân đến dâng bánh, cô thoáng nhận ra là người nhà Nguyễn Phúc Kiểu, chính cô gái mà cô vẫn cảm thấy rất giống Hồ Thị Hoa ngày xưa. Hẳn họ vẫn phải đến đây mỗi ngày để hầu Nhị phi.
“Cô ấy tên là Khiên, tên trước là Hồ Thị Tùy.” Thấy ánh mắt cô, Nhị phi nói. Cô thoáng chút ngạc nhiên, không rõ vì họ của cô gái kia hay vì lý do tại sao Nhị phi lại muốn giới thiệu cô ta với cô.
Nhưng cô chỉ mời bánh Nhị phi, hình ảnh cô gái biến mất ngay lập tức. Hồi sau, Nhị phi lại cất lời.
“Ta đã gặp con từ ngày ở Gia Định, kể ra con cũng là chỗ thân quen với gia đình ta.” Bà nói, cô ngước mắt nhìn lên, không hiểu câu chuyện này sẽ dẫn đi đâu. “Vừa rồi cha con vào cung trò chuyện với hoàng thượng cả ngày, có nhắc đến con, bảo rằng đang tìm cho con một nhà tốt.”
“Vâng ạ.” Cô nhạt nhẽo nói, nghĩ đến những chỗ quen biết của cha cô – chẳng có một nơi nào tốt.
“Con nghĩ sao về con trai ta?” Rốt cuộc có vẻ cũng đã hết kiên nhẫn, Nhị phi đột ngột hỏi. Cô ngẩng phắt đầu lên, dường nghẹn cả miếng bánh trong cổ, ho khan hồi lâu mà không thốt được ra lời.
Con trai bà? Hẳn nhiên không phải là cậu Nguyễn Phúc Chẩn mới mười bảy tuổi kia, chẳng lẽ lại là Kiến An công Nguyễn Phúc Đài hay Nguyễn Phúc Kiểu? Nguyễn Phúc Kiểu thì cô chẳng buồn nghĩ tới, nhưng Nguyễn Phúc Đài cũng không kém gì anh trai mình, tuổi mới đôi mươi mà thê thiếp đầy nhà, con hát dập dìu cửa phủ, tiếng tăm rộng rãi phung phí bay xa.
“Con không dám nghĩ ạ.” Dứt tiếng ho, cô lầm bầm. Chỉ nghĩ thôi cô cũng đã thấy đau đầu tức ngực như muốn nôn.
Tiếng người ngoài cổng cung thành giúp cô tránh được sự tra hỏi tiếp theo của Nhị phi. Người vừa nghĩ đã tới, Nguyễn Phúc Chẩn đưa hai đứa cháu là Dung và Yến vào đình, cô vội quỳ thi lễ.
“Các con xong buổi học rồi à?” Nhị phi cười nói, vẫy hai đứa trẻ lại. Yến là con trai Phạm Thị Tuyết, từ nhỏ đã ốm yếu, được Nhị phi đưa vào cung nuôi, ở hẳn với bà. Thời gian Dung ở cùng bà cũng nhiều hơn về nhà, thành thử ba chú cháu lại trông giống như anh em ruột. Đã gần bữa trưa, họ quây quần bên sập của Nhị phi trò chuyện.
“Cô có đưa mấy món quà Bắc Thành đến Đoan Bản đường, cháu nhận được chưa?” Tường quay sang hỏi Dung.
“Rồi ạ.” Dung gật đầu. “Nghe nói cô đã về cả tháng, hôm nay cháu mới gặp. Yến thích mấy món đồ chơi đó lắm.”
“Vâng ạ, cám ơn cô.” Cậu bé kia cười nói, trong nụ cười ánh mắt đã thoáng vẻ phóng khoáng rộng rãi của cô bé bên bếp lửa năm xưa. Tường trong thoáng chốc thất thần.
“Mấy món đồ chơi đó…” Nguyễn Phúc Chẩn nhíu mày như chợt nghĩ ra, nhưng Dung đưa mắt, cậu ta liền im lặng. Thấy cử chỉ của hai đứa trẻ, Tường cũng không hỏi thêm. Người ở nơi này sẽ chẳng bao giờ trả lời thẳng điều cô muốn biết.
Bữa trưa đã dọn, ba cậu con trai ăn ở mâm riêng. Ăn quấy quá một bát canh, Tường chỉ toan cáo từ đi về. Có nhận ra vẻ sốt ruột của cô hay không, Nhị phi vẫn từ tốn dùng bữa. Hồ Thị Tùy đứng sau lưng bà hầu hạ suốt bữa ăn. Nhị phi chuyển một bát canh cho bàn bên, cô ấy liền bưng sang.
“Cậu Cả, ông hoàng bảo nếu gặp cậu ở đây thì nói với cậu.” Cô nghe tiếng khe khẽ ở bàn bên, Hồ Thị Tùy cúi xuống cạnh Dung, hạ giọng. “Phúc Long công đang mệt, người trong cung phải thay nhau túc trực luôn, có thời gian thì cậu đến thăm ông ấy nhé.”
“Cả ba chúng ta đi luôn thể.” Nguyễn Phúc Chẩn ở bên kia bàn nói qua, trong khi Dung chỉ gật đầu. Vừa ăn xong, cả ba đứa trẻ cáo từ Nhị phi và cô, thoáng chốc đã mất bóng khỏi vườn.
“Dung không về nhà sao ạ?” Thấy cảnh tượng này, Tường không nén nổi thắc mắc mà hỏi. Nguyễn Phúc Kiểu nhờ người chuyển lời cho con trai như thể không phải chỉ sống chung trong một cái thành, thậm chí Đoan Bản đường ở ngay trong cung Chấn Hanh.
Nhị phi yên lặng chuyên trà, hồi lâu mới đáp.
“Nó giống tính mẹ nó, yêu ghét đều lộ ra mặt, không buộc làm thứ gì được.” Bà nói, rồi lại nhẹ cười. “Với trẻ con thì tính cách ấy đáng yêu chân thật, nhưng cũng đã khó khăn quá lắm. Còn nhỏ nên chỉ thấy yêu ghét, không biết hiểu lòng người.”
“Cậu ấy…” Tường vừa nói, chợt nhìn thấy bóng cô gái họ Hồ cuối nhà bèn im lặng.
Tại sao gia đình Hồ Văn Bôi nhận lấy kết cục ấy hẳn chẳng phải chỉ vì ‘yêu ghét đơn thuần’. Con trai cả của Thái tử là thứ cản đường của rất nhiều kẻ, từ những người vốn đã ở ngay trong nhà cậu ta cho đến những thế lực chực chờ bên ngoài. Kế tự của Hoàng thái tử, rồi sẽ trở thành hoàng thượng, là vua là chúa, là hoàng hậu thái phi, quả là một vị trí mà muôn kẻ ước ao, người người dòm ngó. Ngay sau khi Nguyễn Phúc Kiểu thành Thái tử, Dung đã đến sống chung với Nguyễn Phúc Chẩn trong phủ hoàng tử, nằm trong vòng vây bảo vệ của triều đình, rời khỏi vòng xoáy bắt đầu khởi phát ở điện Thanh Hòa. Ở điện Thanh Hòa, Nguyễn Phúc Kiểu bắt buộc phải chấp nhận cuộc đời của một vị vua, chấp nhận những cô gái mà anh ta từng chối bỏ, tất cả chỉ với mục đích tìm kiếm ra được một kẻ thừa kế xứng đáng, tạo lập nên một thế lực mới xứng đáng để làm chỗ dựa cho vương triều. Tất nhiên, không phải là từ một viên Vệ úy Thị trung.
Cảm giác buồn nôn trong cô lại trở về. Cô đã thấy những tranh chấp như thế ngay trong chính gia đình mình, sự đố kị, tham lam, hẹp hòi cùng giả trá khoác lên cái mặt nạ hòa mục lẫn yêu thương, hiền lương và đạo lý. Cô đã thấy những mối quan hệ giữa đàn ông và đàn bà trong bóng tối những phủ đệ sâm nghiêm, các cuộc vui vẻ đổi trao chỉ trong một cái chớp mắt, trong tiếng sênh ca chuếnh choáng như say. Vinh dự, tiền tài, lợi ích, thậm chí là nghĩa vụ khoác lên màu khoái lạc phù hoa, thế là đủ cho một đời người. Tình yêu? Người kia cười bảo. Tình yêu ở nơi này được đánh giá bằng từng sắc phong bậc cấp, từng số lần ân sủng, từng món quà cùng vinh dự trao tay – người ta nháo nhào tranh giành những thứ ấy, và gọi đó là tình yêu. Ngay cả chấp nhận sẻ chia cùng nhường nhịn cũng chỉ là loại mua danh lấy tiếng. Người ta trả giá toàn bộ nhân tính, nhân tình cùng đạo đức, tôn nghiêm của bản thân vì danh lợi cùng dục vọng, rồi lại gọi đó là tình yêu. Tình yêu nơi này là trò lừa mình dối người thảm thương ti tiện nhất. Dưới bạc vàng cùng gấm vóc, đây là nơi bẩn thỉu nhất.
Cô lặng lẽ cáo từ Nhị phi, bà không nhắc lại chuyện đã nói trước đó. Cô đi men theo dòng suối dẫn quanh thành ra đến cổng. Đi ngang qua hòn đá năm xưa Hồ Thị Hoa từng ngồi, cô cũng ngồi xuống, ngẩng nhìn trời trên bóng liễu. Mùa hạ, tơ liễu xanh xanh, hoa liễu đỏ phất phơ theo gió. Dòng nước róc rách chảy, đá xanh phản chiếu nắng lấp lánh. Cô ấy đã từng ngồi nơi đây, có lẽ cũng giống Ngọc Xuyến xõa tóc ôm gối lặng im trong phòng tối, Ngọc Trân gác tay lên bậc cửa, nhìn giấc mộng của mình vỡ tan cùng năm tháng. Hóa ra, có lẽ vấn đề chẳng phải tại cuộc đời, chỉ do những người trong tòa thành năm đó không hiểu vì sao lại quá giống nhau.
Nỗi sợ hãi chầm chậm dâng lên khiến cô run rẩy cả người. Cô hiểu những lời nói đứt quãng mơ hồ của Nhị phi có mục đích gì. Thăng Lê Chất cha cô làm Tổng trấn Bắc Thành, và họ cần có một mối liên kết để giữ chặt lấy sự trung thành của ông ấy. Hậu viện của Nguyễn Phúc Kiểu vẫn chỉ gồm toàn con gái quan chức cấp thấp, họ cần một danh vị lớn chống đỡ cho anh ta. Hoạch định cho các cuộc hôn nhân tiếp theo đang được sắp xếp cùng lúc với những biến chuyển nhân sự mới khắp đất nước. Tả quân Lê Văn Duyệt kinh lý Thanh Nghệ, lấy lý do ‘quan lại tàn ngược’ mà thay thế hầu như hoàn toàn quan tướng nơi ấy. Lê Chất cha cô cũng bắt đầu tiến cử những người thân tín của mình tạo thành triều đình nhỏ nơi thành Thăng Long. Trong chuyện mà họ bàn bạc với nhau, cô cũng là một trong những lựa chọn.
Rồi sẽ chẳng ai trong số họ trốn thoát, dưới bầu trời này.
Cô vùng dậy chạy khỏi thành. Dù thế gian này chẳng có nơi nào để đến, đây cũng không phải chốn cô muốn ở.
Chú thích:
[1] Vãn thiền của Tùng Thiện vương