- Hoán độ hành nhân xâm tuyết kính, khứ sào ô thước táo vân lâm[1]
(Gọi đò người đi ngang đường tuyết, rời ổ quạ kêu rộn rừng mây)
Tháng tám năm ấy, em trai Tả quân Lê Văn Duyệt là Lê Văn Phong được cử làm Phó Tổng trấn Bắc Thành, Tả Thống chế Thị trung Hoàng Công Lý làm Phó Tổng trấn Gia Định.
Và Tường cũng bắt đầu cho chuyến hành trình của mình. Đầu năm, Lê Chất cha cô đã được phong làm Tổng trấn Bắc Thành, cô nhân lúc Lê Văn Phong ra Bắc bèn xin đi theo. Cùng với sắc phong chức Tổng trấn của cha cô, Tường tới Bắc Thành vào mùa đông năm ấy.
Thời gian đó, Thăng Long đang chuẩn bị sửa đắp lại thành trì. Lê Chất vừa tiếp sắc chỉ đã chuẩn bị đi kinh lược các trấn. Thấy Tường, cha cô lại tỏ vẻ mừng rỡ.
“Ta cũng đang định cho các con tới Thăng Long để cả nhà được gần nhau, chỉ cần để thằng Hậu tại Kinh là được.” Lê Chất nói riêng với cô khi đã về nhà sau dinh Tổng trấn. “Bà con cứ nhất quyết ở Bình Định trong khi tuổi đã lớn, có dịp ta phải về thuyết phục bà dọn đến đây cả thể.”
“Bà chẳng muốn đi đâu ngoài Bình Định cả.” Tường nói khẽ, nhớ lại lúc bà cô ở Gia Định, tưởng chừng đó là khoảng thời gian khốn khổ nhất với bà. Khi trưởng thành, cô mới nhận ra tính cách cô độc kỳ lạ của bà mình, dường như bà chẳng cần con cháu hay bất cứ ai bên cạnh. Bà cô vốn chỉ cần ở trong căn nhà tại quê hương, mỗi ngày ngồi ở cửa, trong sân, ngắm nhìn bầu trời cùng ánh nắng, nuôi vài con chó con mèo, trò chuyện cùng vài người thân quen đi ngang qua nhà. Sự cáu gắt và khắc nghiệt của bà đối với con cháu như là một loại phản ứng bản năng của người không biết cách chung sống cùng kẻ khác. Ở Gia Định, một tay bà đã nuôi nấng cả gia đình khi mẹ cô hoàn toàn bất lực trong nghèo khó. Trong ký ức cô, bà là một hình ảnh không thân thương cũng chẳng gần gụi, nhưng cô không còn giận bà, chỉ là một nỗi buồn chẳng hiểu vì sao.
Dường như đó là tính cách chung của mọi người trong gia đình cô, mỗi người đắm chìm trong mục tiêu của riêng mình, mối liên hệ giữa họ lỏng lẻo nhạt nhòa tới mức chỉ quay lưng đi đã trở thành xa lạ. Mỗi người sống cuộc đời của riêng mình, chẳng cần đến nhau dù vẫn thực hiện đủ các nghĩa vụ cần thiết.
“Lâu ta không về Bình Định rồi, cũng nên về xem sao.” Cha cô cười nói. Cô không hỏi lại ông nghĩ sắp xếp cô ở đâu, chỉ nói về chuyến kinh lược của cha cô, xin đi theo. Cha cô cũng dễ dãi đồng ý.
Bắc Thành mấy năm nay không lụt lội thì hạn hán, viên Cai có nhiệm vụ bảo vệ Tường nói khi dẫn cô đi quanh thành Thăng Long. Khu phố Kẻ Chợ năm trước bị cháy đến tận phố Khách, được xây dựng lại chỉ có nhà gỗ mái tranh. Điểm phát chẩn cho ăn xin Đoàn Đầu ở Chợ Đông chật người. Năm ngoái hạn hán to lắm, viên Cai lại kể, trâu bò chết dịch nhiều không kể xiết. Tháng tám vừa rồi Kinh Bắc lại lụt, vỡ đê sông Thiên Đức. Bắc Hà, Lạng Giang cũng lụt.
Xứ sở này chỉ có người, Lê Chất cha cô nói khi đưa cô lên thuyền đi qua các khu làng mạc lớn hàng vạn căn nhà. Ngày rằm hàng tháng, Kẻ Chợ đông đến len chân qua không nổi. Ngoài ra chẳng còn gì nữa hết. Năm nào Trịnh Mạc đánh nhau, thành Đông Kinh bị đốt cháy ra tro, gần như san thành bình địa. Và rồi vùng đất này cứ thế thoi thóp suốt hai trăm năm trong các cuộc chiến tranh của họ Trịnh – đánh Mạc, đánh Nguyễn, đánh Nguyễn Hữu Cầu, đánh họ Lê trong núi, đánh kẻ nổi dậy ven biển, đánh những nhóm nổi loạn lẻ tẻ trong vùng, thậm chí đánh lẫn nhau. Và rồi đến ngay cả phủ họ Trịnh hoa lệ nhất cũng bị Tây Sơn cướp phá, Lê Chiêu Thống cho một mồi lửa cháy tan. Những ngôi làng rào mình lại sau lũy tre với các ông tổng lý lâu lâu lại kéo bè nổi loạn, oằn mình với những toán kẻ cướp nằm vùng mỗi mùa đến phá. Con người sống trong các cánh đồng chỉ đủ hai mùa lúa mà phần lớn thời gian trong năm vắng vẻ, nương nhờ vào ân phúc của ông trời. Nhưng ngay cả các cánh đồng cũng đang kiệt quệ bởi số người quá đông đúc, mở cửa thương mãi khiến lúa gạo chảy về Thanh, sự tích trữ của các con buôn và tổng lý, cùng thiên tai dồn dập những năm này.
Từ cuối thời Lê, đói kém đã nhấn chìm vùng đất này trong những loạn lạc không hồi kết[2]. Trận chiến của các quan tướng kéo theo sự thành lập những đội quân và thế lực ngay tại làng mạc, địa phương. Ở nơi này, phép vua thua lệ làng, người cười bảo. Toàn bộ công việc trong làng, trong tổng đều do tổng lý xử trị, kiểm kê, thu thuế, báo cáo và thực hiện luật lệnh nhà nước ban xuống, họ mới là những thế lực thật sự có thể kêu gọi, thao túng con người. Bằng các quan hệ họ mạc, địa phương, tiền tài, thậm chí là vũ lực, mỗi kẻ tạo dựng nên giang sơn riêng của mình.
Đến trấn đường, Lê Chất cho gọi toàn bộ chánh, phó tổng trong hạt đến vài trăm người, uống trà trò chuyện. Ông ta còn tuyên gặp những người có công trong việc đánh dẹp phản loạn, ban thưởng, cho họ quyền mộ binh thuộc để sai phái, tuần phòng vùng[3]. Trong hơn một tháng, Tường đã gặp phải đến hàng ngàn người đủ mọi loại tính cách khiến cô hầu như khó có thể nhớ được ai. Tuy nhiên cha cô thì nhớ, thậm chí có thể phân biệt rành rọt từng người trong số họ.
Trong người đến nhóm họp có cả phụ nữ. Đàn bà vùng núi có thể cưỡi ngựa bắn súng, cầm quân không khác gì đàn ông, lại thuộc nói khi cô hỏi. Như ông Tuấn Thiện bên kia là người Yên Thế, nhờ lấy được của cải Lê Chiêu Thống chạy đi bỏ lại mà giàu, vợ ông ấy biết võ nghệ, cầm binh mã giao tranh với các hào mục, là chỗ đi lại thân quen của các quan Kinh Bắc đấy.
Mấy năm nay bọn người ở Thái Nguyên đến quấy nhiễu Kinh Bắc hầu hết là bọn Dương Đình Cúc nổi loạn từ mười năm trước. Vùng núi phía Bắc rộng lớn mênh mông, gian nan hiểm trở, chỉ có thể dựa vào thổ mục thổ hào trong vùng để phòng ngự. Trong những năm này, vùng Lâm An của Đại Thanh lại đang biến động, giặc cỏ chiếm thành nổi lên, tràn sang cả nước ta. Trong nhóm người nổi loạn ở biên giới có cả người Thanh, người Nùng – mà nghe động là chúng trốn sang đất Thanh hết thảy. Lê Chất cha cô gọi là đi kinh lược, thực chất là đi gặp gỡ kết liên các tổng trưởng, tổng lý, thổ mục các thành trấn, tuyên bố chức vụ mới mình vừa được sắc phong, từ đó tạo nên mạng lưới quyền lực lớn hơn cho tất cả kẻ muốn đến nương nhờ.
Cô nghe những lời rì rầm trong các buổi họp, trong các gian nhà, ngõ ngách làng mạc Bắc Thành. Vùng đất này rộng lớn hơn phương Nam, đông đúc đến ngạt thở. Đoàn người của Tổng trấn đi đến đâu, già trẻ gái trai đổ xô ra hai bên đường chờ đón thành một đám đông hỗn loạn. Những ngôi làng tường đá gạch dày nằm trong bốn bề lũy tre trúc, các công trình phòng thủ đơn sơ, trông như những tòa thành nho nhỏ. Những vùng đất nằm trong vòng vây quanh quanh của bờ đê cao, che chắn dòng sông cuồn cuộn đục ngầu bên ngoài như một con ác thú chỉ chực chờ đe dọa. Hết hạn hán đến lụt lội, từ những ruộng đồng đất khô nứt nẻ tới các vùng đất lõng sõng bùn, xâm xấp nước đen ngòm. Những buổi yến tiệc trong các ngôi nhà tổng lý, trấn đường cùng lời khen ngợi, gởi gắm và trao đổi. Những đoàn lính dàn kín các con đường làng – bảy người dân nuôi một lính, quan sai đi cùng cô nói, nên có những kẻ tự xưng là nghĩa binh mộ lính phòng thủ trong vùng mà kê khai số người giả nhằm trục lợi lấy tiền. Những kẻ du đãng ăn không ngồi rồi cũng tự đăng làm lính quấy nhiễu dân chúng. Bọn đội trưởng quản lính thú tìm mọi cách xâu xé tiền thuộc hạ, đến lượt lính tráng vừa căm ghét nguyền rủa triều đình vừa tìm cách cướp bóc lại của chúng dân. Nhưng mà thiếu chúng thì không được.
Đám rác rưởi, nhưng thiếu chúng thì không được, cha cô cũng cười trong ngà ngà men say, không rõ là say rượu hay thuốc phiện. Bọn dân khi đói khổ chỉ biết cướp thành phá phủ giết quan, nhưng bọn quan sai thì cũng chỉ bòn rút tí tiền của nhà nước chứ làm gì đến chúng. Xây thành, đắp đê, làm đường, phát chẩn, mỗi kẻ rút một ít là đủ, bằng không thì ăn hối lộ che giấu tội phạm, làm giả tí bằng sắc, kê điêu vài con số ăn cả hai đầu tiền thuế lẫn khoản cấp xuống. Thật ra cả mấy trăm năm nay không có các khoản tiền này, chẳng cần thành cần đường cần sông thì chúng cũng vẫn sống. Nhưng chúng lại thích bóp cổ lẫn nhau bằng cái trò tự gây loạn lạc, đám tổng lý tổng trưởng ngày ngày quây dân của mình vào trong các lũy tre, nuôi dưỡng che giấu bọn giặc cướp để tâng công lấy thưởng, mưu đồ riêng. Rồi đến những kẻ vô loài khác dựa vào loạn lạc để quấy nhiễu, lập thành phe nhóm tự xưng anh hùng. Và những kẻ dựa vào đánh giết để lấy công lao, lập thành thế lực cùng sức mạnh. Đám người này, không có loạn lạc thì chúng biết sống bằng gì?
Nhưng cũng chẳng quan trọng. Chỉ cần chúng tự giết lẫn nhau, không gây chuyện đủ to làm phiền đến thành trấn thì chẳng cần tới triều đình. Mà nếu có chuyện thì chỉ cần vẫy một món mồi nhử đủ lớn, thế là sẽ có kẻ cắn câu tự ra làm trâu ngựa giải quyết việc cho ta. Thế là đã đủ để quan tướng lập công, kẻ dưới được nhờ, bọn du đãng có chỗ dùng, lấy đạo tặc để chế đạo tặc. ‘Thế thiên hành đạo’, ha ha, Tống Công Minh khi xưa có một câu thật hay. Cứ đốt thành giết người cướp bóc rông rỡ để tạo thành quyền lực cho mình, rồi quay ngược lại sẽ trở thành anh hùng cả. Quan giết người là kẻ xấu, cướp giết người là thừa thiên, quan cướp được nên giặc cướp được. Đạo lý của bọn đạo tặc. Đối với chúng thì cần gì nói lý, chỉ cần hành xử đúng như chúng muốn là được.
Những kẻ ngu ngốc thì đáng chịu hậu quả do chính chúng tạo thành. Những kẻ ngu ngốc chỉ biết căm ghét, đổ lỗi, tham lam cùng ích kỷ, cứ để chúng giết nhau. Chỉ cần không gây chuyện đến tới tai triều đình là được.
Chuyến kinh lược của cha cô trên một vùng đất rộng lớn lại diễn ra rất nhanh chóng chỉ trong vòng một tháng. Cô trở về thành Thăng Long khi năm mới sắp đến, nơi này lại chìm đắm trong không khí hội hè dường không liên quan tới cảnh tượng bên ngoài. Người từ Kinh đến báo lại, Tả quân Lê Văn Duyệt sắp đi kinh lý vùng Thanh Nghệ do mấy năm nay vùng này liên tục loạn lạc.
Hẳn ông ấy cũng làm giống như cha cô, ngồi trong một nhà tạ nghỉ chân gần cổng thành, Tường thầm nghĩ. Kéo chiêng gióng trống đi đến, tuyên dương đức hóa của triều đình và vị thế quyền danh của bản thân, hứa hẹn những mối lợi lộc, kêu gọi những kẻ đang làm loạn trong núi, dùng những kẻ giang hồ tứ chiếng đánh dẹp một phần, chiêu hàng phần còn lại, rồi lại dùng chúng để tạo lập thế lực mới trấn áp vùng đất ấy. Danh vị của một vị đại quan, ánh sáng của một vị anh hùng làm nên công nghiệp nhờ chiến loạn, tiếng tăm mà ông ta tạo ra, là lời hứa hẹn cho những quan hệ và tương lai sau này. Quả thật chẳng có cách nào tiến thân cho những kẻ cùng đinh nhanh bằng họp đảng cướp, chỉ cần không bị bắt giết, đủ mạnh thì sẽ bắt kẻ khác phải theo ý mình. Cũng chẳng có cách nào tiến thân trong quan trường lợi hại bằng đi bắt cướp, lấy cướp thành quyền lực, thế lực cho bản thân.
Đám người này nếu không có loạn lạc thì biết sống thế nào?
Ở cổng thành bỗng có một đám người đi vào, thanh niên mặc trang phục văn chức dẫn theo mấy người có vẻ tồi tàn khổ sở. Tới nha đường trong thành, anh ta đứng lại, chỉ dẫn cho những người kia vào hiên.
“Muốn kiện phải đến đúng nha phủ huyện, không được kiện vượt cấp. Đơn này của các vị tôi nhận như đơn tố cáo chuyển cho quan trên xem, nếu được sẽ cho điều tra lại ở phủ.” Viên văn chức kia nói giọng miền Nam, cầm đơn thư của đám người đi vào trong Hình tào. Tường tò mò nhìn mấy người còn lại lo lắng đứng dõi mắt vào trong. Dù có vẻ đã mặc bộ quần áo tươm tất nhất của mình để đến cửa quan, móng chân họ vẫn đen màu bùn.
Hồi lâu vẫn chưa thấy người văn chức kia xuất hiện, chỉ có lính từ trong nha phủ đi tới, đưa trả đơn thư, ra lệnh cho nhóm người rời khỏi thành.
“Ông kia bảo… đây là đơn tố cáo.” Người đàn ông già nhất lập cập nói trước vẻ mặt của lính.
“Không được tố vượt cấp, có gì về vùng mà kiện. Án phán không đồng ý thì mới đem kiện lên trên.” Người lính kéo tay ông lão, nói như cằn nhằn. “Đám dân không biết luật lệ, còn gặp tên văn thư dụ dỗ mua việc để làm thầy dùi ăn tiền. Nghe theo lời hắn tiền mất tật mang, chẳng được gì đâu.”
“Quan phủ không nhận đơn, không xử thì chúng tôi đi kêu ai được?” Người đàn ông vẫn cố nói. Lính quát còn to hơn.
“Thì lên huyện mà kiện quan phủ. Ai cũng muốn nhét đơn đến trấn thì người đâu ra mà xử? Trừ việc gấp đốt nhà giết người hãy kêu, có tẹo tranh chấp cũng tới làm phiền!” Lính canh ở cổng thành tới phụ giúp kéo hẳn nhóm người đi khỏi. Tiếng ồn ào chỉ một lúc đã tan.
Tường quay đầu nhìn lại Hình tào vẫn yên ắng. Lúc lâu sau cô mới thấy viên văn thư nọ chạy đuổi theo một ông lão có vẻ là quan viên trong tào.
“Đơn tố cáo quan lại câu kết với hào phú trong vùng, tại sao lại không xử?” Anh ta mặt đỏ bừng bừng, tức giận nói lớn. “Đến triều đình còn đặt trống trước phủ Quảng Đức, không cho vượt cấp là thế nào?”
“Anh Bạch Xuân Nguyên, nghe nói anh là người do Tả quân phái đến hỗ trợ cho Tổng trấn, tưởng đâu là người được việc mà tại sao lại chỉ toàn làm chuyện không đâu thế?” Viên quan lớn tuổi dừng chân dưới hiên Hình tào, thở dài một tiếng, ôn tồn mà quay lại đối diện với viên văn chức đang tức giận. “Quan phủ nơi ấy không nhận đơn chẳng phải vì câu kết gì cả, mà người bị kiện là tổng lý đấy, anh hiểu không?”
“Vùng ấy vừa có tên Chiêu Nham, Ba Khoa làm loạn. Một kẻ là con Thạc Vũ hầu, một đứa là con Đề lĩnh Thái. Chúng lấy danh nghĩa tụ họp quân nghĩa dũng bảo vệ trấn rồi đi giết người, bị bắt giam thì chúng trốn vào núi làm giặc. Con Ngô Thế Lịch cũng tham gia, ông ta còn đang bị giam trong ngục kia kìa. Bây giờ là lúc đi bắt cướp yên ổn dân tình, xử tổng lý thì có mà cả vùng đi làm cướp.” Viên quan nhẹ nhàng hạ giọng. “Bao nhiêu năm nay, bao nhiêu vụ cướp bóc, làm loạn ở Bắc Thành này đều do bọn tổng lý gây ra, hết ông tổng này đến ông tổng nọ, anh còn chưa thấy đủ sao? Vì tranh nhau mấy mẫu đất mà cả vùng loạn to, anh gánh nổi không? Anh cũng phải có lòng thông cảm cái khó cho đồng liêu của anh. Xưa nay chỉ thấy quan ăn của đút thì bị kiện bị tội chứ có thấy người đi đút lót bị xử bao giờ đâu. Có gì bảo quan phủ nơi ấy nói mấy tiếng với tổng lý, ném mấy đồng đền bù ra thì sóng yên bể lặng, làm giấy tờ đàng hoàng đúng phép để không còn tranh chấp về sau, chẳng phải tốt hơn hơi tí là đưa nhau lên công đường kiện à?”
“Đấy là đất hương hỏa của họ, họ không cho phép thì không ai được cướp. Cứ làm thế thì luật pháp ở đâu?” Bạch Xuân Nguyên vẫn khăng khăng nói.
“Sao anh chẳng hỏi họ có muốn đền tiền không, một đồng không được thì hai đồng.” Viên quan cười khẽ. “Anh lại cho rằng chỉ vì mấy tiếng ‘hương hỏa’ mà người kéo đến tận đây đấy? Họ mà kiện cho bằng thắng đi nữa thì sau này liệu có còn sống trong làng trong tổng được không? Lúc ấy không chỉ đất hương hỏa mà cả nhà cả vợ con cũng phải bán xới đi mà trốn. Với đám dân ngu không biết suy nghĩ thì anh cũng phải liệu mà điều đình cái có lợi cho họ, không phải lúc nào cũng dùng luật hành xử được đâu.
“Anh là Văn hàn làm việc giấy tờ văn thư trong Hậu quân thì chỉ nên lo đúng chức phận của mình. Nơi này không phải quê anh, nhà anh, đừng để lúc anh ra đường một bước cũng khó đi. Thân là quan trưởng làm việc chung bao lâu nay, ta có lòng khuyên anh đấy.” Viên quan vỗ nhẹ vai Bạch Xuân Nguyên khi anh ta đã mím môi im lặng, ra giọng thân tình mà cười nói. “Làm việc gì cũng nên nhìn sắc mặt người trên một cái, rồi trông ra xung quanh xem thời thế thế nào, việc nào làm được việc nào không. Kẻo vừa phí công vừa hại mình hại người, chẳng ai khen là liêm khiết thẳng thắn mà chỉ mắng là đồ phiền phức dại dột.”
“Thôi, để ta viết ít chữ cho quan phủ nơi ấy.” Viên quan thở ra, phất tay đi vào. Bạch Xuân Nguyên vẫn xuôi tay đứng ở cửa, ngẩng mặt nhìn bầu trời mùa đông xám. Một lúc, lính đi ra, nhét vào trong tay anh ta lá thư đã được niêm phong.
Bạch Xuân Nguyên cúi đầu rời khỏi Hình tào. Ra đến cửa, anh ta lại dừng chân, đảo quanh vài vòng thì đến nhà tạ nơi cô đang ở, ngồi xuống lan can phía bên kia. Anh ta cúi đầu như suy nghĩ, lá thư vẫn cầm trong tay. Hồi lâu, anh ta nắm bàn tay, ném lá thư xuống dưới chân.
Gió thổi lá thư đến chỗ Tường, cô liền cúi người nhặt lấy.
“Anh nên đưa thư cho mấy người ấy thì hơn.” Cô lên tiếng. Thâm tâm cô cảm thấy lời khuyên của viên quan lớn tuổi kia là đúng đắn, thậm chí có thiện ý. Người này chỉ vì chút tự ái cá nhân mà ném lá thư đi, để đám người kia vừa mất công lăn lộn kiện tụng, vừa chẳng được đền bù tí gì, đúng là hại người hơn giúp người. “Họ có muốn dùng lá thư này không là việc của họ, đến lúc ấy anh quyết vẫn hơn.”
Bạch Xuân Nguyên ngẩng đầu nhìn cô. Dường như anh ta đã nhận ra cô là con gái Tổng trấn, nhưng chỉ làm vẻ lạnh nhạt ghét bỏ trong mắt càng sâu cay hơn.
“Hoành hành ngang ngược, làm sai thì chỉ cần mấy lời nói là xong, đó là luật của các người à?” Bạch Xuân Nguyên nói qua kẽ răng. “Chỉ có mấy người này tìm đến được tận đây, ai biết tên tổng lý kia trong vùng đã làm những gì. Thấy sai không chặn, thấy ác không ngăn, chả trách trộm cướp đầy đường!”
“Anh giỏi thì đi bắt cướp.” Chữ ‘các người’ của anh ta rõ ràng nhắm đến cha cô, Tường cũng đâm bực nói lại. “Ngộ biến thì phải tòng quyền, quân tử theo thời mà hành xử, việc nhỏ mà anh chọn đâm đầu ngõ cụt thì làm chuyện lớn thế nào? Ngồi đây hỏi tên tổng lý kia đã làm gì thì anh đến mà điều tra, chờ sóng yên bể lặng lôi hắn ra chịu tội. Chỉ sợ là anh cũng chẳng có bản lĩnh ấy.
“Mà nhé, ở nơi này các ông tổng kết thân với nhau đấy, gả lẫn con cái cho nhau cả. Đến lúc cả vùng nổi loạn chỉ vì một miếng đất con con thì anh đi mà dẹp.” Cô cong môi, nhớ tới cảnh tượng trong các trấn đường mà cha cô tới. Khi được gọi đến, hóa ra hàng trăm thổ mục, tổng trưởng, thổ hào trong vùng đều là người thân quen của nhau. Tất cả tạo thành một khối liên kết khổng lồ của các ngôi làng có đến hàng vạn nóc nhà. Chẳng trách những kẻ ra mặt ‘dẹp loạn’ nếu không phải kẻ thù có mâu thuẫn thì cũng là bọn du đãng cầu bất cầu bơ chỉ muốn liều mạng lĩnh thưởng.
“Đó là bọn ăn thịt người!” Bạch Xuân Nguyên quắc mắt.
“Có người nói với tôi, thế gian này là rừng hoang với một đàn thú vật, thế thôi.” Cô nhàn nhạt nói với kẻ đang giận dữ kia, nhìn ánh nắng mùa đông lụi tắt trong mắt anh ta. Bạch Xuân Nguyên nhìn cô như thể bỗng dưng thấy cô xuất hiện trước mắt.
“Chẳng lẽ con người chỉ là thú vật thôi sao?” Anh ta hỏi lại, với sự ngạc nhiên chân thật. Như thể anh ta không hề hiểu điều cô đang nói.
Tường toan nói, lại bất chợt cũng rơi vào im lặng.
Ánh mắt người trước mặt bỗng dưng làm cô nhớ tới một ánh mắt khác, cũng vẻ bàng hoàng như thể vừa mới rơi xuống nhân gian. Rồi cũng bỗng dưng, toàn bộ những điều cô vốn coi là hiển nhiên cùng đương nhiên trở nên kỳ lạ đến vô cùng.
Phải biết thời thế cùng cách thức mà hành xử khôn ngoan, đó là điều cha cô đã dạy, luôn luôn nhắc nhở cô. Những kẻ chỉ biết làm theo ý mình là bọn ngu ngốc dại dột, rồi sẽ chỉ giết chết chính bản thân, làm hại người khác. Khôn ngoan, nghĩa là thuận theo thời thế cùng cách thức ở đời mà hành xử, mà lựa chọn con đường tốt nhất cho mình. Khôn ngoan, là có thể tiến thân làm một kẻ có ích cho vùng đất, có lợi cho gia đình, đáp đền đủ nghĩa vụ của con người. Khôn ngoan, là như cha cô nói, kẻ thắng là kẻ đúng. Những thứ như trung nghĩa đều chỉ là trò cười, là mặt nạ rối giấy trên sân khấu của vùng đất này.
Kẻ thắng là kẻ đúng, dù có là viên tướng tiến thân bằng cách quy tập bọn đầu trộm đuôi cướp để tạo thành sức mạnh trấn áp nhau. Dù có là một viên quan nổi tiếng nhân từ bằng cách mở của kho nơi nơi phát chẩn, xử một vài kẻ xấu nêu gương, và chẳng làm gì khác. Dù có là một vị Tổng trấn đi kinh lược bằng cách gọi toàn bộ tổng lý đến trấn đường để ban thưởng và nêu khen. Dù có là một kẻ cướp ra hàng mà trở thành quan thành tướng.
Hàng trăm năm, con người đã sống như thế. Từ những thổ tù, thổ mục nhỏ tập hợp thành triều đình, và liên tục đánh lẫn nhau để giành quyền lực. Khôn ngoan và tài giỏi, họ cho là như thế khi đoạt được chiến thắng. Lừa lọc, lợi dụng, tàn nhẫn, thủ đoạn, gian trá đều là tài giỏi và khôn ngoan.
Cho đến khi có người hỏi cô: Thế là đúng sao?
Lúc ấy, cô không biết con người ấy rồi sẽ tự mình xông vào đất địch, rồi sẽ nên danh bằng chuyến đi sứ liều lĩnh một không hai, rồi sẽ bị đạp nát trong cô độc tuyệt cùng. Cô chỉ nghĩ, đúng thật có những kẻ vốn không thể hiểu nổi nhân gian, hoàn toàn không hiểu.
Chú thích:
[1] Lô giang tảo phiếm của Lê Quang Định
[2] Theo Đại Việt sử ký toàn thư và Quốc triều thông giám cương mục, những năm xảy ra nạn đói từ cuối thời Lê là 1512, 1517, 1557, 1559, 1572, 1577, 1585, 1586, 1589, 1594, 1595, 1596, 1608, 1629, 1630, 1634, 1679, 1681, 1694, 1695, 1702, 1703, 1712, 1713, 1724, 1728, 1740, 1741, 1753, 1757, 1758, 1768, 1774, 1776, 1777, 1778, 1786, 1788, 1790.
[3] Cuộc kinh lý của Lê Chất này được ghi trong Quốc sử di biên của Phan Thúc Trực.