Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

56. Kim nhật tha xuy khai
Trường An in "Minh nguyệt 2" May 30th, 2019
  1. Kim nhật tha xuy khai, minh nhật tha xuy lạc[1]
    (Hôm nay gió thổi hoa nở, ngày mai gió cuốn hoa bay)

 

Tháng tư năm Mậu Dần, một thảm họa xảy ra giữa kinh kỳ: Thuyền trên sông lật, khiến cả ba vị Phò mã vừa định hôn tháng trước là Nguyễn Hoàng Toán, Mai Đức Nhu, Nguyễn Đức Thiển đều chết đuối.

Người trong vùng vất vả vài ngày mới vớt được xác họ lên bờ, đưa về đệ trạch của các công chúa. Phủ đệ của Ngọc Xuyến thậm chí vẫn còn chưa hạ đồ trang trí cho hôn lễ. Hôm trước cô vừa làm lễ nghênh thân, hôm sau Nguyễn Hoàng Toán đi cùng bè bạn chúc mừng đã gặp nạn. Cô công chúa ngồi giữa nhà nhìn cỗ quan tài như vẫn không thể hiểu điều gì vừa xảy ra. Khi chạm vào, Tường mới nhận ra tay cô lạnh ngắt.

Ngọc Xuyến gật đầu đáp lời người đến thăm, để Trưởng sử lo tất cả cho tang lễ. Người từ phủ Tiền quân đến bàn bạc về chuyện đưa Nguyễn Hoàng Toán về quê chôn cất, Ngọc Xuyến chỉ trừng trừng nhìn vào khoảng không. Cuối ngày hôm ấy, người từ trong cung đến, thông báo cho cô về nghi lễ để tang cho chồng.

“Công chúa mới lấy chồng chưa kiến miếu chưa thành vợ, lễ biến là mặc áo sổ gấu chịu tang, chôn xong thì trừ phục.” Quan sai nói, bàn tay Ngọc Xuyến chợt run lên dữ dội trong tay Tường.

Khi người vãn thì đã chiều hôm. Trong gian nhà chính chỉ còn lính canh gác cùng vài người từ phủ Tiền quân tới. Nguyễn Hoàng Đức đang là Tổng trấn Gia Định, giờ khắc này có lẽ vẫn chưa biết tin con. Tường đỡ Ngọc Xuyến về sau nhà nghỉ ngơi. Người hầu đã vội vã thu dọn sạch sẽ đồ dành cho hôn lễ trong nhà, chỉ còn đôi gối đỏ đầu giường. Ngọc Xuyến đưa tay chạm vào hình thêu uyên ương trên mặt gối, đến lúc ấy mới chảy nước mắt. Mặc Tường cùng người nhà an ủi, Ngọc Xuyến chỉ ôm chiếc gối trong lòng, nằm quay mặt vào tường im lìm.

Chờ tới đêm khuya không thể ở lại, Tường đành phải ra về. Tới đầu đường, cô quay đầu nhìn lại ánh sáng leo lét chiếu ra từ ngôi phủ đệ còn thơm mùi gỗ mới, tiếng mõ vẫn lộc cộc vang, nỗi thê lương mênh mông như bóng tối đến bóp nghẹt cả tim.

Cô không biết phải an ủi Ngọc Xuyến ra sao trong hoàn cảnh này. Có lẽ cô ấy chưa đủ tình cảm để thương tiếc vị Phò mã mới vừa gặp mặt được một ngày, nhưng nỗi xót xa cho một giấc mộng vỡ tan và cuộc đời dằng dặc phía trước khiến người nghẹn ngào không thành tiếng. Ở cái tuổi mà mọi cô gái đều xuất giá đã lâu, Ngọc Xuyến vẫn kiên trì chờ đợi người anh hùng của cô ấy, và mất người ấy ngay lập tức. Tất cả niềm hạnh phúc của cuộc đời cô ấy đã dồn vào vài tháng chuẩn bị cho hôn lễ, để đổi lại là một xác người lạnh cứng được đưa về phủ đệ. Thậm chí, chưa kiến miếu chưa thành vợ, mối lương duyên này cũng sẽ kết thúc ngay khi thân thể ấy được chôn vào lòng đất.

Kinh thành mùa hạ ấy như bị đè nặng dưới cái nắng quay quắt dường không thở nổi. Ba cô công chúa cùng một lúc trở thành góa phụ, ba gia đình công thần đầy danh vọng mất đi đứa con trai trưởng. Cùng lúc ấy, loạn lạc ở Nghệ An lại rục rịch khởi phát. Quan về thông báo, hạt ấy từ năm Bính Tý đã liên tục bị lụt, dịch bệnh lan tràn.

Ngọc Xuyến im lặng đến nhà Nguyễn Hoàng Toán chịu tang, cô không khóc ngất như Ngọc Ngoạn và Ngọc Nga, chỉ ngẩn người nhìn khói hương nghi ngút bay trong căn nhà mờ tối. Phò mã đã chôn, cô cởi áo tang, đóng cửa đệ trạch. Tường phải tới ba lần mới gặp được Ngọc Xuyến.

“Hôm nay giỗ chị Hoa, chúng ta tới nhà chị ấy đi.” Thấy Tường, Ngọc Xuyến nói. Cô công chúa này đã mặc trang phục, chuẩn bị xe ngựa để ra ngoài. Giấu sự ngạc nhiên, Tường cũng lên xe đi theo cô.

Từ ngày Hồ Thị Hoa qua đời, người trong cung điện này dường như đã quên bẵng cô ấy. Nhà vua cho dựng đền thờ công thần Trung hưng, công thần Vọng Các đều không có tên Hồ Văn Bôi, do đó các con của ông không được hưởng ân điển dành cho công thần. Cả nhà chỉ còn lại nửa khoản ruộng công dành cho vợ con quan về hưu. Chẳng biết Nguyễn Phúc Kiểu có đến thăm nhà bao giờ, nhưng hai em trai của Hồ Thị Hoa đã lớn, ăn học đầy đủ dù cũng không được tập ấm hay lưu dụng, ba em gái đã lần lượt lấy chồng. Đã vài lần nhà vua xét tập ấm cho con cháu các công thần, nhưng không hề nhớ tới người từng được ngài phong đến Khâm sai Chưởng cơ. Đôi khi Tường còn nghĩ, cả cung nội này dường chỉ muốn xóa hẳn sự liên quan đến Hồ Thị Hoa khỏi Nguyễn Phúc Kiểu cùng sự lạnh nhạt khó hiểu từ nhà vua trở xuống.[2] Cô có hỏi nhà họ Hồ thì chỉ nhận được nụ cười miễn cưỡng cùng sự im lặng tương đương. Vào thời gian Ngô Thị Chính nhận được sự ưu ái độc nhất trong phủ đệ hoàng Tư, cô cũng không hỏi nữa, xem như mình đã hiểu. Tình yêu, đó lại là thứ không đáng tin nhất trên đời.

Ngọc Xuyến mới được mở đệ trạch, lần đầu tiên có thể tự do đi lại, trong tâm trạng đau buồn lại muốn đến thăm một người bạn cũ. Tường nghĩ vậy, cũng không hỏi thêm. Qua sông Đông Hoa, họ tới ngôi nhà nằm bên dòng nước. Trong sự ngạc nhiên của Tường, có một chiếc xe lớn đứng trước cửa cổng, vài người hầu còn đang mang lễ vào nhà.

“Cháu Dung đấy à?” Ngọc Xuyến xuống xe, nghiêng đầu nhìn vào nhà gọi. Cậu bé mười hai tuổi đi ra, cúi mình chào người cô. Ngọc Xuyến liền cười. “Giờ cháu đã biết làm lễ cho mẹ rồi đấy.”

“Hai năm nay cháu đã ra ở phủ hoàng tử ạ.” Dung mỉm cười nói. Mẹ cùng hai người em Hồ Thị Hoa ra chào họ. Lễ được đem vào trước bàn thờ nghi ngút khói hương giữa nhà, nhưng chẳng mấy người tới, ngay cả các em gái cũng ở xa không có mặt, ngoài bọn họ chỉ thêm cô vợ mới cưới của Hồ Văn Lưu. Dung nghiêm trang làm đủ các nghi thức như ở cung đình, cậu ta còn bảo vừa từ phần mộ của mẹ về.

“Cháu đi một mình thế à?” Nghe vậy, Ngọc Xuyến hỏi, không kịp nhìn thấy ánh mắt của Tường. Hỏi xong cô mới nhận ra mình lỡ lời, liền tìm cách khỏa lấp. “Vùng núi ấy hoang vắng, phải có nhiều người đi cùng cháu mới được.”

“Nơi ấy gần lăng Hiếu Khang hoàng đế, cũng không vắng lắm đâu ạ. Từ sông có đường đi lên, một quãng nữa là tới.” Dung nhẹ mỉm cười, ra vẻ không nhận thấy sự bối rối của Ngọc Xuyến. “Đó là cuộc đất tốt, năm xưa Tây Sơn còn phải đến tranh đấy.”

Thoáng chốc họ lại rơi vào im lặng. Hồ sen cạnh họ rực rỡ hoa thơm ngát, giàn lá xanh lan suốt bức tường gạch, bò lên cột tới tận mái nhà. Phía xa có thể thấy tháp canh đang được xây dựng dọc tường thành. Kinh thành đang được dùng gạch xây lại, rồi thì nét hình xưa trong ký ức họ những ngày từ nơi này nhìn ra cũng sẽ chẳng còn.

“Dạo này cháu học hành ở phủ hoàng tử tốt chứ?” Tường cúi đầu lật mấy trang văn tế mà Dung đem theo, bỗng nhiên thấy là lạ. “Cháu viết chữ Hoa thành Phương[3] thế này à?”

“Dù âm đọc hay nghĩa cũng sai đi đấy.” Bên kia Ngọc Xuyến cũng nói. “Có thể bớt nét hay viết thành Hóa cũng được mà.”

Viễn phương xâm cổ đạo, tình thúy liên hoang thành. Dùng Phương với nghĩa cỏ hoa cũng đã có từ xưa rồi ạ. Vả lại, Phương chẳng phải là Hoa sao?” Nụ cười của Dung vẫn mềm mại dịu dàng trong nắng. “Chỉ cần có Phương, ắt có Hoa rồi vậy, dù là ánh sáng hay cỏ hoa, đều là những tạo vật đẹp đẽ nhất đất trời. Sự vật có thể tàn phai, Phương vẫn còn mãi mãi.”

“Không đâu.” Tường buột miệng, nhưng rồi lại im lặng.

Tiễn Dung về, cô vẫn đứng ở bờ sông nhìn sang tháp canh bên kia đầu cầu. Cạnh cô, Ngọc Xuyến trông theo chiếc xe lộc cộc lăn bánh cùng bóng cậu hoàng nhỏ bên trong.

“Chị ấy có được đứa con này, chắc không hối tiếc.” Ngọc Xuyến thở dài. Tường ngước nhìn nắng lấp loáng chiếu qua bóng lá, bỗng dưng cảm thấy đáy mắt nóng lên.

“Thằng bé chắc rất buồn.” Hồi lâu, cô nói khẽ. Ngày trước thằng bé còn nhỏ, sống trong sự bảo bọc của bà nội, vốn chẳng hề biết mẹ nó là ai. Tới khi nó nhận thức được, Nguyễn Phúc Kiểu đã có một gia đình to lớn khác, những người vợ và nhiều đứa con khác. Gia đình họ ngoại bị cung đình bỏ mặc, nó lớn lên như một phần không hề liên quan đến cái điện Thanh Hòa rực rỡ kia – y hệt mẹ của nó. Mẹ cháu là điều đẹp đẽ nhất thế gian, thằng bé nói, với một mộng tưởng chưa bao giờ thấy được. Không biết từ bao giờ, nó đã tự xây đắp nên hình bóng người mẹ cho mình - có lẽ là trong sự cô đơn tột bậc, sự lẻ loi khôn xiết kể giữa hoàng thành vàng son lộng lẫy nọ.

Nơi ấy chỉ nói luật lệ, không nói đến tình, ngày xưa mẹ Hồ Thị Hoa từng bảo, từng khuyên ngăn cô ấy. Nhưng cô ấy vẫn lao vào vì một bóng ảnh thoáng qua như đóa Không Hoa nở giữa bầu trời. Để ngay cả khi cô ấy đã chết đi, cái phần tình cảm ấy vẫn bị người người tìm cách chà đạp cho nát vụn, cho tiêu biến hoàn toàn. Nguyễn Phúc Kiểu đã bị khóa trái, giam cầm vĩnh viễn trong hoàng thành, bị cuộc sống nơi ấy vùi lấp nhấn chìm. Một viên Vệ úy Thị trung không công quân chẳng tiếng tăm chẳng giúp ích gì được cho Thái tử, một người vợ không thân thích chẳng danh giá mất sớm cũng chẳng tạo lập được cho anh ta vị thế nào ngoài phiền phức. Kiên nhẫn với anh ta, họ nói? Cũng chỉ giống ngày xưa họ đã kiên nhẫn với cô ấy, và tìm cách đạp nát cô ấy ngay khi có thể, bằng thứ luật lệ đầy vẻ nghiễm nhiên, tận tâm, khủng khiếp như bóng tối.

Cô nghe Ngọc Xuyến lại thở dài bên cạnh, rồi cô ấy nắm lấy tay cô.

“Em đã từng thương ai bao giờ chưa?” Ngọc Xuyến thì thầm. “Khi Phò mã mất đi, ta mới hiểu thế nào là ‘chỉ ước một ngày ở bên nhau’. Chỉ một giờ, một khắc thôi cũng được, rồi cả đời sẽ không phải hối hận nữa. Phải, nếu không được lấy Phò mã, có khi ta mới phải hối hận.”

Cô ấy vẫn nhìn bóng xe ngựa của Dung với đầy vẻ ước ao. Môi Tường khẽ run, nhưng cô quyết định không lên tiếng.

Chiều hôm ấy, cô lấy nậm rượu lễ từ nhà họ Hồ về, không biết nghĩ sao lại uống cạn. Ngồi thừ người nhìn sen trong hồ Ký Tế phủ dưới bóng hoàng hôn một lúc, cô quay đi tìm Thái Công Triều. Anh ta vẫn đi đi về về giữa Kinh và Thanh Hoa, mỗi lần về lại có thêm một câu chuyện mới để kể. Trong đám quân tướng sợ cha cô như hổ, chỉ có anh ta coi như thân thiết với cô, dẫn cô đi lùng khắp ngõ ngách kinh thành. Anh ta là một kẻ lắm lời nhiều chuyện, nhưng cũng đồng thời sẵn sàng ngồi nghe cô nói những việc không đâu.

Thái Công Triều vẫn ngồi trong căn nhà sau ngục Thị trung, dường như coi gian chứa đồ này là chỗ nghỉ ngơi bí mật của anh ta. Thấy Tường liêu xiêu đi vào, anh ta chỉ thoáng ngạc nhiên.

“Cô uống rượu à?” Tường gục đầu xuống bàn giữa nhà, Thái Công Triều nghe mùi rượu bèn hỏi, thoáng lo lắng. “Có chuyện gì thế?”

“Hôm nay giỗ chị tôi.” Tường lẩm bẩm, thấy đầu óc bắt đầu quay cuồng.

“Cô có chị à?” Thái Công Triều hỏi, lắc ấm trà đã cạn. Tường ngước mắt lên nhìn anh ta, gật đầu.

“Chị ấy tốt nhất, đẹp nhất thế gian. Nhưng mà… chị ấy yêu phải một tên điên. Một tên nhãi ranh điên khùng. Vậy là chị ấy chết.” Cô thấy cảnh vật dập dềnh trước mắt, ruột gan lại sôi cồn cào, nóng bừng bừng. Có vẻ uống rượu giữa trưa mùa hạ chẳng hề tốt, mắt cô rát bỏng, bao nhiêu uất ức trong lòng cô bấy lâu lại muốn tuôn trào ra. “Tên nhãi ranh ấy thì hiểu cái gì? Hắn chỉ biết làm điều hắn thích, mặc kệ mọi thứ. Để rồi, ha ha, người thì chết, hắn thì quay cuồng trong oanh yến hoa nguyệt nhà hắn. Cái gì là yêu thương? Cái gì là thiên trường địa cửu? Toàn là chuyện nói láo!

“Hắn có biết chị ấy thậm chí không muốn bước chân vào nhà hắn? Một đàn súc vật nhốt chung trong lồng, con đực lấy giống, con cái lấy dạ - rồi lại tự gọi mình là hoàng hậu quý phi! Nhìn có khác gì cái chuồng lợn chuồng gà!” Cô nắm tay đập xuống bàn, nói lớn. “Vậy mà còn ra vẻ cao quý khinh rẻ người, một đàn lợn mặc áo hoa!”

“Này…” Thái Công Triều đưa tay như muốn bịt miệng Tường, nhìn ra sau lưng cô. Thấy cử chỉ của anh ta, Tường quay đầu, thấy hai bóng người đứng ở cửa sau căn nhà.

Chớp mắt vài lần, cô mới nhận ra Lê Văn Đức và Nguyễn Phúc Kiểu. Cả hai đều mặc áo vải mùa hè, có vẻ như mới từ gian nhà sau đi ra. Mắt mũi nhập nhèm, cô không nhìn ra được thái độ của Nguyễn Phúc Kiểu, nhưng lúc này cô cũng chẳng cần biết. Cô quay lại phía Thái Công Triều, cười ha ha.

“May mà chị ấy đã chết rồi, không phải nhìn thấy tên điên ấy nữa.” Cô gục đầu lên tay, lầm bầm lào thào rồi lại bật khóc. “Chị ấy chết rồi…”

Nỗi thương tâm của cô bao năm nay khi thấy Dung lại trào lên. Cô tự thấy mình giống như cậu bé ấy, hoàn toàn bơ vơ ở kinh thành đô hội này, chỉ nhờ vào một bóng ảnh trong giấc mộng làm vui. Bao năm nay, cha cô vẫn chẳng mấy khi có mặt ở nhà, mẹ cô vẫn mải mê với những hoa gấm cùng các cuộc vui, căn nhà của cô chỉ đông thêm mấy cô vợ lẽ và đàn trẻ inh ỏi tranh chấp. Bao năm nay, cô lang thang trong kinh thành, ngắm nhìn bao phù hoa cùng mưu tính, quen với cả đợt súng bắn đóng mở cổng mỗi ngày, mà vẫn chẳng có ai bầu bạn. Bao năm nay, hóa ra cô vẫn chỉ là cô bé nấp trong bụi cỏ ngày ấy, chờ đợi một ai đó đến cùng chia nửa trái quýt đường.

Bao năm nay, cô lang thang ở kinh thành này vốn chỉ để tìm cô ấy, trong hình bóng những người còn sống. Nhưng nơi này vốn không có chỗ cho cô ấy, tất cả những gì cô ấy để lại chỉ là bóng nắng trên mặt sông, tan chìm trong mù sương như tình người giá lạnh. Ngay cả tình yêu mà cô ấy gìn giữ, con người mà cô ấy trân trọng, cũng nát vụn thành bụi cát, chôn chặt dưới tường thành vạn trượng.

Nơi chốn này, chỉ một cái lắc đầu đã có thể xóa sạch mọi thứ. Một ngày làm vợ của Ngọc Xuyến, một cuộc đời, một con người, rồi cũng sẽ chỉ như hạt bụi trong nước trôi.

Cô nghe tiếng khóc âm âm trong tai, ngủ lịm vào hơi nóng hầm hập của chiều mùa hạ. Khi cô lơ mơ tỉnh dậy thì trời đã tối, cô Hai Bản đang ngồi bên cạnh, lo lắng dấp nước lên khăn lau mặt cho cô. Phía bên kia căn nhà, Thái Công Triều đang khuấy một bát thuốc, thấy Tường đã tỉnh thì đưa đến trước mặt cô.

“May quá, tôi đang nghĩ không biết phải đến phủ Hậu quân báo cáo thế nào về cô chiêu đây.” Anh ta nhẹ nhõm nói. Tường gượng dậy, rên khẽ trong cổ. Tuy nhiên loại rượu này có vẻ mạnh nhưng không gây đau đầu sau khi tỉnh, cô chỉ thấy nhức mỏi vì tư thế nằm trên bàn. Chớp mắt vài lần định thần, cô từ từ nhớ lại cảnh tượng trước khi mình say gục.

“Nhà anh có khách à?” Đón bát thuốc chầm chậm uống, Tường lại hỏi. Không phải lúc ấy cô say mà nhìn lầm người?

“Ông hoàng bảo, may hôm nay không ai mặc áo hoa.” Thái Công Triều cười, không biết là đùa hay thật xác nhận nghi vấn của cô.

“Coi bộ lần này anh bán được cái tin tốt đấy.” Cô chỉ nhếch môi hừ khẽ. Bằng chút ơn nghĩa nhỏ, Nguyễn Phúc Kiểu đã thu phục được con nuôi của Nguyễn Văn Thành, hay là bọn họ vốn vẫn thân quen với nhau từ trước? Hai người hẹn gặp ở nhà ngục Thị trung này chẳng biết để làm gì. Còn Nguyễn Phúc Kiểu nghe cô mắng anh ta thì đã sao? Anh ta làm gì được cô?

“Ông ấy bảo, không chấp với thứ người chỉ biết lăn ra khóc.” Thái Công Triều có vẻ thích thú với câu chuyện này mà không để ý đến thái độ của Tường. Anh ta nghiêng người ghé sát lại. “Người cô mắng là ông hoàng à?”

“Anh tò mò ít thôi kẻo có ngày chết đấy.” Tường cau có trả lời. Nghe hai câu nói của Nguyễn Phúc Kiểu thì có vẻ anh ta giận lắm rồi mà vẫn phải nhịn, nghĩ thế thì bỗng dưng cô lại thấy vui.

“Để tôi đưa cô về.” Thái Công Triều thấy cô đứng lên thì nói theo. Nghĩ trời đã tối, cổng thành đã đóng cần nhờ người mở, cô gật đầu. Thái Công Triều tìm được một con ngựa cho cô ngồi lên, anh ta dắt dây cương đi bên cạnh.

Rời khỏi khu nhà lính huyên náo, họ đi qua khu phủ đệ của các tôn thất trong thành, vườn hoa và các nhà công thự. Ánh lửa mờ ảo từ những ngọn đèn đá trong sân, đèn treo trước nhà loang trên con đường ướt mưa. Trăng cuối tháng chỉ là nét ngài mỏng manh trên bầu trời. Hương hoa cùng hơi trầm ở đâu phảng phất. Bóng áo lụa gấm loáng thoáng qua các ô cửa.

Hai bên kinh thành đắp gạch đã gần xong, tạo nên diện mạo mới cho kinh kỳ sừng sững. Lửa cháy sáng trong các đài canh mới dựng, chiếu xuống bóng tối hun hút phía dưới. Những điện đài cao in bóng vào nền trời mờ bóng sương giăng.

“Cô sao thế?” Cả đoạn đường không nghe Tường lên tiếng, Thái Công Triều hỏi. Vẫn ngẩng nhìn trời, cô nghĩ mãi mới đáp.

“Tôi buồn.” Cô thừa nhận nhẹ tênh, rồi lại hỏi. “Anh đã được đi đến đâu rồi?”

“Tôi theo Thần sách quân đến Thanh Nghệ, có một thời gian tới Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bắc Thành.” Thái Công Triều cũng có vẻ như phải nghĩ ngợi để trả lời cô. “Tôi may được chút chữ nghĩa, thi đậu một thứ hạng thấp, được tuyển vào làm văn chức trong quân, rồi thành Tham luận.”

“Thích nhỉ.” Cô mơ màng nói, dường hơi rượu vẫn còn trong cổ. “Ngày xưa có người nói với tôi rằng các cô ấy muốn đi thật xa. Nhưng một người quá yếu ớt không thể tự đi được, một người thì quá liều lĩnh đi vào những chỗ không nên, cuối cùng họ bỏ tôi lại một mình.”

“Một mình vẫn có thể đi được mà. Chỉ là thế gian này cũng chẳng có nhiều chỗ để đi lắm đâu.” Tới cửa thành, Thái Công Triều rút thẻ bài đưa cho lính canh để họ mở cửa cho hai người đi ra. Bên ngoài thành là một khoảng không sâu hun hút, lồng lộng gió từ sông thổi vào.

“Hồi ấy tôi cũng muốn hỏi, rốt cuộc là họ muốn đi đâu thế?” Tường cười. Đến bây giờ cô mới nhận ra nơi mỗi người muốn đến vốn chẳng giống nhau. Ngọc Trân có lẽ chỉ muốn thoát khỏi chiếc giường bệnh của mình, Ngọc Xuyến có lẽ muốn nắm được dù chỉ một ngày hạnh phúc, lại có những người cảm thấy an toàn và hài lòng trong ba lớp tường thành, trong cuộc sống mà cô không sao hiểu nổi. Còn cô, cô mong chờ điều gì nơi đây?

Sau vài năm yên vui trong buổi tiệc mừng thắng lợi, những cuộc tranh cãi đã bắt đầu, cuốn kinh thành này vào vùng xoáy nước ngày càng lan rộng. Những mâu thuẫn đã manh nha trên chiến trường trở nên trầm trọng trong quan trường, hóa thành những hồi tranh chấp liên tiếp nhằm chiếm được quyền bính của triều đình. Thái tử được lập nên chỉ dẫn đến cái chết tanh máu của Nguyễn Văn Thành, nối tiếp sau đó là Lê Duy Hoán và Nguyễn Văn Thuyên. Ngay cả cuộc nổi loạn đã khởi đầu ở Nghệ An này, biết đâu lại chẳng phải do thiên tai hoành hành từ khi Thái tử được lập? Như một đàn thú cắn xé nhau, Thái Công Triều nói, mọi kẻ chỉ cần một cái cớ, trong thời đại mà gươm giáo cùng súng ống đã đủ để tạo thành quyền lực. Không đánh được thì hàng, trở thành một vị Phòng ngự sứ nào đó hùng cứ một vùng, chờ đợi cho đến khi đủ mạnh để lại nổi lên. Không thắng được thì khuất phục, trở thành tay chân cho một vị đại quan nào đó, nấp dưới bóng ông ta để thành quan thành tướng, thỏa sức làm giàu cho cả ba họ.

Nơi này có chỗ nào cho cô? Chẳng lẽ cô chờ đợi một cậu ấm nhà quan nào đó đến hỏi cưới, để rồi cả cuộc đời nhốt mình trong phủ đệ và cuộc sống như mẹ cô, nơm nớp với từng biến động trong điện Cần Chính? Ở nơi này, cô sẽ bị nỗi buồn đè ngạt với các số phận quẩn quanh trong màu gấm lụa, tột bậc phù hoa mà cũng tột bậc vô tình. Tình yêu ở nơi này chẳng hơn ánh sáng đom đóm, một cái phất tay đã vỡ tan.

“Sao cô không đi thử xem?” Thái Công Triều quay đầu nhìn cô qua đuôi mắt, cười nói. “Ông Hậu quân đang ở Bắc Thành, bà cô đang ở Bình Định, thật ra cô có thể đi bất cứ đâu mà.”

Tường không trả lời, chỉ ngẩng đầu nhìn bầu trời sao trên khoảng đồng thưa. Phú Xuân đồi núi trập trùng, con đường khuất trong bóng cây, dòng nước âm thầm chảy dưới bậc đá. Phú Xuân thành cao hào sâu, chôn chặt kiếp người.

Người cùng cô đến nơi này đã ra đi hơn mười năm trước. Đến tận đêm nay cô mới nhận ra điều đó. Đến tận đêm nay, cô mới biết mình chẳng hề lưu luyến vùng đất này.

 

Chú thích:

[1] Đông viên hoa của Tùng Thiện vương

[2] Năm 1817, Gia Long định cấp tập ấm cho con cháu công thần Vọng Các gồm 7 bậc, thấp nhất là Thừa ân úy, cho lương tháng và mũ áo. Nhưng Hồ Văn Bôi không hề có tên trong đền thờ công thần Vọng Các cũng như công thần Trung hưng.

[3] Thiệu Trị thường xuyên viết chữ Hoa thành chữ Phương, như đổi tiết Hoa triêu thành tiết Phương triêu.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.