Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

53. Ký ngôn tha nhật quy lai lộ
Trường An in "Minh nguyệt 2" May 24th, 2019
  1. Ký ngôn tha nhật quy lai lộ, tiên vị ngô nhân bình bất bình[1]
    (Nhắn lời ngày nào ta trở lại, người xưa ai đó có bình an)

 

Sáng mùa thu hôm ấy, bầu trời bỗng nhiên ngát xanh. Vườn Thư Quang nằm giữa những hào nước và vườn tược lớn, thơm ngát mùi hoa dù sen đã tàn hết, cúc đang phai màu. Nắng trên mặt nước hắt lên những công trình cầu kỳ tinh tế, tường đỏ ngói xanh hoa lệ và sắc hoa lá giữa đông. Tầm xuân lẫn tường vi Tây dương đã kịp leo kín tường bao, cây nhài cổ thụ che nghiêng cổng son đỏ.

“Kia là lầu Thưởng Thắng.” Người hầu dẫn y vào cửa, chỉ ngôi lầu ở chính giữa, rồi phác tay ra xung quanh. Thư Quang viên có hai lớp tường bao, y chỉ được bước vào khoảng đất giữa hai bức tường, thấy thấp thoáng lầu các bên trong. “Phía Đông là Niên Phương viện, phía Nam là Trừng Phương hiên, phía Tây là Truy Phương đường, phía Bắc là Lệnh Phương viện, hành lang chung quanh tên là Tứ Phương ninh bật.”

“Người sống ở Kinh có hay bị chóng mặt nhức mũi không?” Y liếc mắt nhìn quanh hỏi nhỏ. Không cần hỏi cũng biết ai cho lệnh xây, đặt tên và sử dụng vườn này. Hóa ra một cái vườn Thiệu Phương trong nội cung chưa đủ, ngài ta xây vườn khác ở cạnh sông Ngự Hà, rồi đem chữ Phương đặt bốn xung quanh, vây tám hướng. Rút được từ trong sách ra chừng này chữ để đặt tên thì kể cũng kỳ công.

Người hầu có vẻ không nghe thấy câu hỏi của y, đưa mắt tìm kiếm rồi dẫn y về phía một cái nhà nhỏ góc tường. Hôm nay Miên Liêu không tới, lại cho người đến dẫn y vào thành. Nghe nói khu vườn Thư Quang này là ngự viên mới xây được ba năm, đã dùng để đãi yến các tiến sĩ thi đậu, nhưng ngày thường lại có vẻ vắng lặng kỳ lạ. Trong gác, sau cổng chỉ thấp thoáng mấy bóng người đang dọn dẹp. Miên Liêu đã ra khỏi cung ở tại Quảng Phúc đường với các anh em, hẳn không phải lúc nào thích đi thì đi. Cậu ta cũng đã nhắc nhở y thay bộ áo đạo sĩ bằng trang phục văn nhân, chỉ không biết dẫn y vào vườn để làm gì.

Tới nhà gỗ có lẽ là gian bếp dành để nấu nước pha trà, cái bàn kê giữa nhà vẫn để mấy hộp trà to nhỏ, y thấy Miên Liên đang ngồi đối diện với một phụ nữ tuổi quá tam tuần. Người hầu dẫn y tới, sụp lạy ra mắt “Dạ, chào bà chúa Tám.”

Miên Liêu phác tay cho hai người đến ngồi sau lưng cậu ta. Y ghé mắt tò mò nhìn người phụ nữ, hóa ra đây là cô công chúa thứ tám Ngọc Cửu mà y đôi lần thấy trong ký ức Lê Thị Tường. Nhưng thời gian ấy cô ta còn nhỏ, không có nét khắc bạc thoảng trong đầu mày khóe mắt như hiện tại.

“Cố Phò mã qua đời được vài năm thì toàn bộ gia sản nhà họ Lê mới bị tịch thu, nhưng dù sao họ không quá mức với ta.” Công chúa Ngọc Cửu nói tiếp câu chuyện còn dang dở của hai người. “Hôm trước cháu hỏi, ta đi tìm thì thấy kỷ vật này của mẹ cháu lúc còn con gái vẫn để ở nhà. Bà ngoại cháu bỏ vào hộp trang sức gửi sang cho Phò mã nên may mắn chưa mất.”

Vừa nói, công chúa Ngọc Cửu vừa lấy ra một cái hộp để lên bàn. Miên Liêu cung kính nhận, mở hộp lấy ra một bông hoa cài tóc nhỏ. Bông hoa này trông rất tầm thường, bạc mạ đã tróc mờ đôi chỗ.

“Cháu chí hiếu với mẹ là tốt, chỉ đừng quá đau lòng.” Ngọc Cửu nhìn Miên Liêu, nói khẽ. Miên Liêu im lặng gật đầu. Cất bông hoa vào hộp, cậu ta ngẩng nhìn người cô, ngần ngừ hồi lâu mới hỏi nhỏ.

“Dạo này hoàng cô thế nào ạ?” Miên Liêu vừa nói, Ngọc Cửu đã nhếch môi cười.

“Thì có thế nào, Phò mã đã mất gần mười năm rồi, ta không được vào triều chầu hầu, vẫn chỉ quanh quẩn ở đệ trạch thôi.” Cô có điều như toan định nói, nhưng rồi mím môi nhìn khói trà bay thẩn thơ trước mặt. Im lặng một thoáng, Ngọc Cửu mới tiếp tục. “Hiện giờ người nhà Hậu quân ở Kinh này chỉ còn ta và cháu, ngược lại đỡ bận rộn đi nhiều.”

“Vâng.” Miên Liêu đáp gọn. Y không thể nhận ra được thái độ trong cả giọng nói lẫn gương mặt cậu ta.

Uống hết tuần trà, nói vài câu vơ vẩn hỏi về chuyện học của Miên Liêu, rồi Ngọc Cửu cáo từ rời đi. Bóng cô biến mất rất nhanh sau bức tường cao dày. Miên Liêu ngẩng đầu nhìn nắng đổ xuống từ trời cao. Trong vườn chỉ còn tiếng lá rì rào.

“Nhanh quá, một năm rồi.” Hồi lâu, cậu ta thì thào như chỉ tự nói với mình. Bàn tay nắm cái hộp của cậu ta run run.

Dù chỉ mới biết Miên Liêu vài ngày trước, sau khi nhìn thấy ký ức của mẹ cậu ta, y đâm ra thương cảm cậu thiếu niên này. Y bèn lấy gói bọc chuỗi hạt và các thứ khác như viên hổ phách đưa lên cho cậu ta.

“Có vẻ mọi việc tiến triển thuận lợi.” Y nói. Trong nắng, màu máu của chuỗi hạt đã trong đi nhiều, khiến từng hạt óng lên như đánh sơn thay vì sắc nâu xỉn trước. Miên Liêu đưa mắt nhìn chuỗi hạt rồi đến hai mảnh hổ phách, vẫy tay ra hiệu cho người hầu kia rời đi. Bóng người khuất, cậu ta lại quay nhìn giàn hoa rực rỡ trên tường. Từ gian nhà nhỏ này nhìn ra chỉ thấy một khoảng trời như cái ngõ hẹp bị chặn ngang, bóng lầu các soi xuống nền cỏ lấm tấm hoa dại, nghe tiếng nước từ bốn phía vườn rì rào bất tận.

“Khi vườn này được xây, cung giai cũng mới định, tấn phong gần cả nội cung.” Miên Liêu bỗng nói khẽ. “Khi ấy, mẹ ta đang bị giam. Họ ngoại bị lệnh bắt toàn bộ nam đinh đến cả phụ nữ, tịch biên gia sản. Khu vườn này xây hết hàng vạn quan, chẳng biết để chào mừng dịp gì. Trong khi chỉ mới mấy tháng trước hoàng Năm Miên Hoành qua đời, rồi chúa Ba Uyển Diễm cũng mất, trong một năm mà Hiền phi mất liền ba đứa con. Cả Thái hậu cũng không vui nổi.”

Ba năm trước là năm Bính Thân, y nghĩ thầm nhưng miệng ngậm chặt. Có thể là nhà vua mừng việc dẹp xong toàn bộ loạn lạc từ Nam chí Bắc, ném bỏ được cái gai trong mắt bao nhiêu năm. Một hai vị phi tử âu sầu khóc lóc hay đôi ba hoàng thân quốc thích qua đời cũng chẳng tác động gì tới đất nước cùng dân chúng, mọi việc cần làm đều phải làm. Nhưng nghĩ đến thiên can Bính cùng cái vườn bốn phía chữ Phương này thì y cũng khó lên tiếng an ủi Miên Liêu. Mẹ cậu ta vốn rõ câu chuyện quanh những chữ nghĩa này nhất.

Miên Liêu thở ra, đưa cho y cái hộp vẫn giữ trong tay. Cầm hộp bỏ vào bọc chung với chuỗi hạt, y phân vân một lúc rồi mới nói khẽ.

“Sau này ông hoàng đi ra ngoài, gặp được nhiều người nhiều chuyện thì sẽ rõ. Sống lâu rồi, thấy quá nhiều thứ trước mắt, sẽ không còn như trước nữa.” Y nói trong hương hoa nồng theo gió thoảng tới. “Có nhiều thứ giống như bắt buộc phải làm, không thì sẽ khó chịu đựng nổi, chứ thật tình chẳng có nghĩa gì đâu.”

Miên Liêu nhìn y, lần đầu tiên nụ cười thoáng qua trên môi. Cậu ta gọi người chuẩn bị ngựa ra về. Đứng trước cửa vườn Thư Quang, y ngẩng nhìn biển ngạch trên cửa, lầu son gác tía, hoa phấn đua hương. Bầu trời trong xanh quang đãng, thiên không sạch sẽ sáng ngời. Thế gian vẫn như thế trước hay sau, bao nhiêu năm tháng cùng sự kiện. Chỉ có con người sẽ chẳng thể nào như trước. Vốn là, chẳng thể nào.

Đem bông hoa về nhà, y để nó trên bàn, lơ đãng nhìn ngắm. Hồn ma kia vẫn không thấy bóng. Đêm qua, khi y phát hiện ra thân phận cô ta, hồn ma ấy đã ngay lập tức biến mất. Chẳng biết lần sau cô ta sẽ xuất hiện trước mặt y với hình dáng gì?

“Ngươi đang thương tiếc cho ta à?” Tiếng nói chợt vọng sau lưng y. Cô bé áo tím mang hình dạng của Hồ Thị Hoa lại xuất hiện, khoanh chân ngồi trên giường, áp má lên tay nhìn y. Thần thái cô ta khác hẳn Hồ Thị Hoa, với bộ dạng này trông khá là kỳ quái. Cô ta bĩu môi cười. “Ngươi nói đúng rồi đấy, chỉ người ngoài thấy lạ, chứ thật ra chẳng có nghĩa gì đâu.

“Ngươi có thấy một đàn thú chưa? Con đực đầu đàn dẫn theo một bầy thú cái, cùng nhau sinh đẻ để chiếm lãnh địa, tiếp nối nòi giống, phát triển thức ăn. Ở trong nơi giam giữ ta còn rất mừng, từ nay đã thoát được cái cảnh ấy.” Cô ta đi tới sau lưng y, nghiêng người nhìn bông hoa sắt trên bàn. Cô toan chạm đến bông hoa, y đã nhanh tay hơn chộp lấy.

“Ta đã nghĩ mấy ngày nay, tại sao những thứ ta thấy luôn chỉ có một vài điều, lại thường ngưng ở chỗ quan trọng nhất.” Y mỉm cười nhìn hồn ma kia, giơ bông hoa trong tay lên. “Người ở nơi này luôn có điều gì đó muốn giấu. Thứ sâu nhất ở trong chuỗi hạt này, là thứ cô muốn giấu nhất.”

“Ngươi nghĩ đó là thứ gì?” Thoáng ngạc nhiên rồi cô bé kia lại cười hì hì, chắp tay sau lưng mà hất cằm. “Hay ngươi nghĩ các hồn ma đều phải giống trên sân khấu, vừa xõa tóc khóc lóc ‘tôi oan lắm’ vừa phải có hận thù nghiêng trời lệch đất?

“Thật ra đó mà, thứ nặng nề nhất, khó siêu thoát nhất không phải là hận thù đâu.” Cô ta ngồi ghé trên bàn, chân đong đưa. “Thứ mà ngươi thấy trong đây chỉ là ký ức, mà ký ức là thứ thay đổi theo thời gian. Những gì ngươi thấy chưa chắc đã là thật, mà có thể càng chẳng phải là những điều ta nghĩ hiện tại. Hiện tại, ta nghĩ Hồ Thị Hoa thật là may mắn, đã không phải sống trong những năm tháng sau đó. Hiện tại, ta cảm thấy Nguyễn Phúc Kiểu cũng thật là bình thường, ta chẳng ghét lão ta nữa. Hiện tại, ta thấy thật là tốt khi không phải sống nữa. Ngươi nói, tại sao mà ta vẫn ở đây?”

“Đến ta còn chẳng hiểu được đâu.” Cô bé kia nghiêng đầu tư lự. Y vuốt ngón tay lên bông hoa cài tóc, cũng hơi ngẩn người. Y cảm thấy cô ta đang nói thật, tuy nhiên đồng thời linh cảm cô ta có mục đích gì đằng sau đó.

Rốt cuộc, điều gì đã khiến cô ta còn ở đây, quấn quýt bên chuỗi hạt này? Điều gì đã khiến Miên Liêu đem nó đi thanh tẩy? Điều gì cuối cùng là khó buông bỏ nhất trong đời người? Nhưng rồi, rốt cuộc, ‘cô ta’ là ai – là nàng phi tần bị bỏ đến chết sau này, hay cô gái nơi lầu son gác tía năm nọ, thậm chí là cô bé bơ vơ ở Gia Định ngày ấy? Ký ức không hẳn là sự thật, vậy hình bóng của ký ức trước mặt y là kẻ nào?

“Đã không thật, không cần phải giữ thì thôi.” Cuối cùng, y nhẹ thở dài.

Lời vừa dứt, y đâm bông hoa xuống thẳng chuỗi hạt xương. Mấy hạt vỡ tan.

 

‘Cô có thấy một đàn thú chưa? Chúng tụ họp với nhau, gây bầy kết nhóm, cắn xé lẫn nhau để chiếm lãnh địa săn mồi, rồi cùng nhau đánh chén toàn bộ thứ nằm trong lãnh địa ấy.’

‘Quẻ Thái lên đến hào ba đã bắt đầu suy vong. Bắt đầu bằng ba hào Dương vì nghĩa mà ứng, lấy sự bao dung để kêu gọi người, lấy khiêm cung hòa đồng mà kết hợp với nhau. Nhưng chớp mắt đã hóa hình thành quẻ Bĩ, kẻ quân tử hóa thành tiểu nhân, kẻ vương chủ hóa thành mờ tối, thứ gọi là vì nghĩa ứng hợp thì chỉ còn là một bọn bầy đàn nhung nhúc. Trùng trùng kết nối, nguyên lai của Bĩ vốn đã nằm trong Thái vậy.’

‘Con người chẳng lẽ nên là một bầy thú thôi sao?’

 

Người thanh niên mặt tròn tươi tắn như lúc nào cũng thoáng nét cười đứng trước cổng thành, đưa một vật cho cô gái trên lưng ngựa. Nắng chiếu lấp lánh trên bông hoa mạ bạc.

“Tôi là Thái Công Triều.” Anh ta cười nói. “Vật này do cô đánh rơi phải không?”

“À… vâng.” Tường đưa tay lên tóc, liền gật đầu. Buổi sáng cô vào thành, giờ vừa đi ra đã gặp anh ta, chẳng lẽ người này đã đứng nơi này đợi cô?

“Tôi ngồi chơi ở cổng thành, chẳng có việc gì đâu.” Thấy vẻ mặt Tường, Thái Công Triều lại cười. Cô nhìn lại, anh ta đang mặc trang phục quân Thần sách, nhưng không đeo gươm hay súng, hẳn là một văn chức trong quân.

“Cám ơn.” Tường nhận lại bông hoa trong tay anh ta, rồi phi ngựa qua cầu. Sông Đông Hoa buổi sáng tháng hai trong ngời dưới nắng.

Sau khi Hồ Thị Hoa mất đi, cô đã không còn là cô bé lẽo đẽo đi theo người chị ngày ấy. Loạn lạc xảy ra ở Bắc Thành, cha cô được phái đi đánh dẹp, ở nhà cô đã theo thuộc binh, môn khách của phủ học cưỡi ngựa, thậm chí là bắn súng. Thi thoảng cô vào cung còn đi với các hoàng tử nhỏ học lục nghệ ở bãi tập bên thành. Đây là điều bình thường với phụ nữ vùng quê cha cô, nên ông về thấy cũng chẳng nói gì. Chỉ mẹ cô thường xuyên lắc đầu, phàn nàn về việc chẳng có cậu ấm nào trong vùng đến hỏi cô.

“Các hoàng nữ đã lựa hết người rồi.” Tường cười hì hì mỗi khi nghe mẹ ca thán. “Vả lại trong cung vẫn còn chúa Tư, Năm chưa hạ giá, sao lại giục con?”

Một năm sau khi Hồ Thị Hoa qua đời, các công chúa lớn cũng đồng loạt xuất cung hạ giá, chỉ còn lại công chúa thứ tư Ngọc Trân và công chúa năm Ngọc Xuyến. Ngọc Trân vốn yếu người, nhà vua vẫn cho ở cung chăm sóc, chưa nỡ gả đi. Ngọc Xuyến tính tình vẫn ương bướng không chịu lấy chồng, đòi nhất quyết ở bên chị, thêm mấy năm nay liên tiếp có tang Thái hậu và Hoàng hậu thì bọn họ còn phải ở trong cung lâu dài. Bây giờ mỗi khi vào cung, Tường chỉ còn biết đến thăm họ và vài hoàng nữ nhỏ. Đôi lần ngồi ở khu vườn sau nội điện, cô lại nhớ đến ngày đầu tiên cùng Hồ Thị Hoa đến nơi này. Hiện tại, lầu các đã xây, hoa thảo muôn màu, người lại chẳng còn. Các công chúa lớn đều bận rộn với gia đình riêng của họ, chỉ vào cung tụ họp nhân ngày lễ tiết, nhưng chẳng thể là những cô bé thuở ấy. Những hoàng tử lớn dần, lần lượt xuất các, cũng chẳng còn đi lại trong cung, đôi lần gặp nhau chỉ như người xa lạ. Nội đình người đến người đi, muôn vàn khuôn mặt nửa quen nửa lạ bao vây họ. Cô cùng Ngọc Trân, Ngọc Xuyến lại thả dây câu xuống hồ, ngẩng nhìn bầu trời trên bức tường thành cao, đôi lúc thì thầm kể chuyện Gia Định trong khoảng không vắng lặng giữa đông đúc con người.

Tháng hai, mùa xuân, hoa đang nở trắng những bãi bồi thơm hương nước cỏ. Như một thói quen, cô vẫn thích đi lại trước nhà Hồ Thị Hoa, đôi khi chỉ để nhìn thấy giàn trầu ngoài cổng. Năm tháng như một cái chớp mắt đã có thể xóa sạch dấu xưa, cô không còn đưa mắt tìm kiếm, cũng chẳng vào nhà, chỉ đôi lần cúi đầu đếm nhẩm từng bước chân như ngày theo Hồ Thị Hoa ra chợ. Hóa ra, sự rời xa đến cũng dễ dàng và trôi đi cũng vô tình như thế.

 

Sau ngày Phạm Thị Tuyết chết, rồi Dung được đưa vào phủ hoàng tử trong hoàng thành để học tập, cô chẳng còn qua lại phủ đệ của Nguyễn Phúc Kiểu, càng chẳng hề muốn nhìn thấy anh ta, dù đôi khi vẫn nghe cái tên anh ta trong câu chuyện của các môn khách trong nhà. Nguyễn Văn Thành đã đôi ba lần dâng sớ xin lập Thái tử, và câu trách của Nguyễn Phúc Kiểu khi nghe ông ta nói về ngôi mộ bị sét đánh đã được suy đoán cùng vẽ vời thành một trăm câu chuyện[2]. Trong khi Tường bĩu môi mà nghĩ, anh ta vốn chẳng suy tính gì với câu nói đó đâu. Cái con người khó chịu với cả thế gian ấy vốn chỉ thấy câu nói nọ ngứa tai, và bất chấp người nói là ai đã mắng. Mấy tờ sớ của Nguyễn Văn Thành mà có tác dụng dựng lập Thái tử thì đã chẳng đợi đến bây giờ. Năm ngoái Hoàng hậu vừa qua đời, hẳn ông ta là người sốt ruột hơn ai hết.

Vừa nghĩ đến đấy, Tường đã nghe tiếng ồn ào đầu sông. Bóng thuyền quân lừng lững tiến tới, tinh kỳ rực rỡ trong nắng. Hẳn các quan được lệnh về đưa tang Hoàng hậu đã đến Kinh.

Tháng hai năm ấy, Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt, Đô Thống chế Trần Văn Năng, Phó tướng Mạc Văn Tô, Hiệp Tổng trấn Bắc Thành Lê Chất, Hộ bộ Thượng thư Nguyễn Đình Đức cùng quan viên mỗi tỉnh một người được triệu về Kinh thành.

“Chỉ là đưa tang thôi mà long trọng quá thể.” Khi Tường về đến phủ, cô vợ Ba của cha cô đang vừa đỡ áo cho ông ta vừa than thở. Quay sang thấy Tường, Lê Chất liền gọi cô tới.

“Ta có mua mấy thứ quà ở Bắc Thành cho con.” Cô vợ Ba liền im lặng đi sang nhà bên lấy hộp quà cho Tường. Lê Chất cười hỏi. “Con vừa đi đâu về đấy?”

“Con nghe cha về nên ra chợ mua ít bánh.” Tường cũng cười, nâng xâu bánh đang cầm trên tay. “Vừa rồi con thấy thuyền quân qua đầu sông, tưởng cha chưa về nhà.”

“Hẳn thuyền của Hộ bộ Thượng thư đấy.” Lê Chất gật đầu nói. “Nhưng nghe nói Tả quân bị kẹt ở Gia Định rồi, quân Xiêm lại đến quấy nhiễu, việc hoàng thượng muốn làm chưa xong được.”

“Hoàng thượng làm gì vậy ạ?” Nghe thế Tường hỏi lại. Lê Chất nhìn thoáng qua cô bằng ánh mắt mà cô không thể lý giải, rồi ngồi xuống trường kỷ vén tay áo, nghĩ ngợi một lát mới trả lời.

“Bấy lâu nay việc lập Thái tử cứ dằng dai vì có Hoàng hậu ở đó. Nay muốn ra lệnh thì phải đo lường lòng người, nhưng chẳng lẽ để riêng mình Nguyễn Văn Thành ở đây muốn nói sao thì nói? Cho nên nhân việc xử việc, gọi quan tướng khắp nơi về để thăm dò một thể xem sao.” Lê Chất nói rồi lại cười khẽ. “Nguyễn Văn Thành kia cứ một hai nhất mực đòi lập Hoàng tôn, nhưng lại chẳng nhìn ra ý của hoàng thượng hay sao?”

“Ngài muốn lập hoàng Tư ạ?” Tường nhíu mày. Nhìn hai tang lễ của Thái hậu và Hoàng hậu đều do Nguyễn Phúc Kiểu chủ tế, cũng thấy ý định xác lập danh phận cho anh ta của nhà vua. Nhưng các quan phần nhiều chỉ bằng mặt chứ không bằng lòng. Ai có thể ưa được Nguyễn Phúc Kiểu?

Dường ý nghĩ của Tường hiện lên vẻ mặt, Lê Chất nhìn cô bật cười lớn.

“Chẳng ai trên đời nói đến chuyện tình cảm trong những việc thế này. Hoàng thượng không muốn lập Hoàng tôn vì sợ lặp lại cái loạn năm xưa của Định vương. Bây giờ các hoàng tử đều lớn cả rồi, trong bọn thì hoàng Năm Nguyễn Phúc Đài là một tay giỏi giang đấy, mới lập phủ mà thực khách không lúc nào ngớt, tiếng khen muôn nơi. Những hoàng tử khác kẻ thì tính tình táo tợn, người thì ngông cuồng kiêu ngạo, tiếng nói của đứa cháu sẽ xem ra gì? Ngay cả hoàng Tư vẻ ngoài hiền lành vô hại kia, mối quan hệ của anh ta với quân Thị nội chẳng giống kề dao vào cổ vua à? Kể ra lập danh nghĩa cẩn thận thì hoàng Tư cũng được đấy, chỉ có điều…” Lê Chất ngừng một thoáng, đổi giọng. “Nguyễn Văn Thành mắt để trên trán, ngông nghênh kiêu ngạo, rồi kết bè đảng với những kẻ cũng tự thị chẳng kém. Nhưng đám học chữ tưởng kẻ nào học chữ cũng là đáng quý đấy? Bọn quan lại Lê Trịnh cũ ở Bắc Thành có kẻ nào ra hồn người? Tuyền một bọn miệng leo lẻo trung nghĩa, nhưng có được chút quyền lực vào tay thì như con lợn ăn không chừa luống rau nào, không thì cũng tự cho mình là nhất coi pháp luật chẳng ra đâu. Đã thế đến khi có tội thì tỏ vẻ ngang ngạnh quật cường, oán trời trách đất như ta đây oan khuất.

“Đám người ấy lọt vào tay hoàng Tư thì không chỉ mắng một câu như chuyện cái mộ thôi đâu.” Lê Chất cười ha ha. “Bọn người ngông ngạo, thích làm chuyện mờ ám nhưng chẳng có gì trong tay, phất một cái là bay tan tác. Đám người ấy tụ họp với nhau hẳn chỉ cùng một miệng nói tốt cho Hoàng tôn, đưa Nguyễn Văn Thành lên đoạn đầu đài. Cựu Tiền quân quả nhiên bao giờ cũng tưởng mình là người vì nghĩa diệt thân, đi đầu trận tuyến, không hiểu mình chỉ là con rối cho bọn ở dưới giật dây.”

“Thế cha theo phe ai ạ?” Nhận hộp quà từ tay người thiếp Ba, Tường ngồi xuống bàn mở hộp, bóc bánh ăn. Nghe câu hỏi của cô, Lê Chất im lặng một khoảng dài.

“Kẻ nào lên ngôi cũng thế.” Cuối cùng, ông ta nói, vẫn bằng ánh mắt mà Tường không thể lý giải. “Hoàng tôn thì nhu nhược, hoàng Tư thì chẳng có danh nghĩa gì. Anh ta lấy con gái của Vệ úy đội Thị trung[3], rồi chẳng còn ai muốn đưa con gái sang nhà anh ta, ngoại trừ Ngô Văn Sở đã bị cách chức, nhà họ Phạm đã về hưu, mấy viên quan hầu nho nhỏ. Nên họ ngoại mới phải vội vàng dàn xếp cho anh ta con gái nhà Tham tri Nguyễn Khắc Thiệu, nhưng chẳng qua cũng chỉ là một bọn tự xưng học trò Võ Trường Toản, dài lưng tốn vải chả được việc gì. Giờ đến cả Đô Thống chế Thị trung Nguyễn Văn Khiêm, bạn cũ của Hồ Văn Bôi, cũng nay bệnh mai ốm, xem ông ta có vấn đề gì thì hoàng Tư dựa được vào đâu.”

“Nghe bảo Phò mã Trương Phúc Đặng làm thay việc cho ông Khiêm thời gian ấy.” Tường nói khẽ. Trương Phúc Đặng là chồng của công chúa Ba Ngọc Anh, hiện đang là Vệ úy Thị trung. Gia đình Ngọc Anh theo cô thấy khá thân với Nguyễn Phúc Kiểu, hai chị em cũng đã gần gũi từ ngày ở Gia Định.

“Còn mấy tên Vệ úy Thị trung khác như Hoàng Công Lý, Phan Văn Thúy hiện cũng đang được trọng dụng lắm.” Lê Chất uể oải ưỡn vai. Cô vợ Ba biết ý liền đỡ ông ta vào nhà trong nghỉ ngơi. Ở bên ngoài, Tường vẫn vừa ăn vừa ngẫm nghĩ chuyện vừa nghe được.

Quả nhiên động tĩnh của các hoàng tử hoàng tôn đang bị theo sát, cha cô dù ở Bắc Thành vẫn rõ chuyện trong Kinh như lòng bàn tay. Kể cả chuyện Nguyễn Phúc Kiểu chỉ có mấy viên tướng Thị trung hậu thuẫn cũng chẳng thoát khỏi mắt họ.

Nhưng thái độ của cha cô thì rõ ràng là khinh thường. Hoàn toàn không được sự ủng hộ của bất cứ ai, chẳng lẽ Nguyễn Phúc Kiểu định cai trị đất nước bằng đội quân Thị trung ấy?

 

Chú thích:

[1] Biệt chư sơn của Doãn Uẩn

[2] Thực lục, năm 1812: Văn Thành lại nói: “Gần đây xứ Châu Ê có một kiểu đất rất tốt”. Bọn đại thần Phạm Văn Nhân đều nói: “Đã biết đấy có đất tốt, sao không tâu cho vua nghe?”. Văn Thành nói: “Đất ấy tuy tốt nhưng không thể táng được, táng đấy hẳn bị sét đánh”. Vua nghe không đẹp lòng. Hoàng tư quay bảo rằng: “Tây Sơn là bọn tiếm ngụy, tất gặp vạ sét đánh, còn nay là đời thánh minh, được trời giúp đỡ. Đứng trước mặt vua, khanh sao vội nói những câu như thế?”. Văn Thành tự biết mình nói sai rồi, xấu hổ sợ hãi, lùi đi nơi khác.

[3] Năm 1806, Gia Long đổi 10 vệ Túc trực thành 10 vệ Thị trung, mỗi vệ 600 người.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.