Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

52. Chỉ ưng vãn cảnh đa mê ngộ
Trường An in "Minh nguyệt 2" May 21st, 2019
  1. Chỉ ưng vãn cảnh đa mê ngộ, mãn nhãn phong ba ký bất chân[1]
    (Chỉ sợ trễ tràng nhiều mê ngộ, ngợp mắt phong ba nhớ chẳng thật rồi)

 

Những năm tháng sau đó đã biến Nguyễn Phúc Kiểu trở thành Nguyễn Phúc Kiểu của hiện tại. Cô không biết phải kể tất cả đã bắt đầu từ đâu, nói như thế nào về Nguyễn Phúc Kiểu trước mắt cô trong những năm tháng ấy.

Thật ra, kể cả khi đã lên ngôi, trong mắt nhiều người, Nguyễn Phúc Kiểu vẫn chỉ là một kẻ khờ dại tùy tiện, không thể hiểu nổi nhân gian. Tự cho mình thanh cao mà chẳng hiểu cuộc đời lẫn bản thân, lại dường như chỉ sống theo ý muốn cùng quy chuẩn của riêng anh ta.

Mâu thuẫn của Nguyễn Phúc Kiểu và Lê Văn Duyệt, viên tướng xuất thân nội giám đã nhìn anh ta lớn lên, vốn xuất phát cũng là như thế.

Nhưng trong thời niên thiếu, Nguyễn Phúc Kiểu chẳng mấy tiếp xúc quá sâu với những viên quan này. Nhà vua không thích chuyện hoàng tử lập bè phái, qua lại với các quan viên. Chỉ có ông ngoại Nguyễn Phúc Kiểu là Tham tri Lễ bộ Trần Hưng Đạt vẫn giới thiệu đến cho anh ta những vị quan văn đồng liêu, và nhà vua âm thầm kết nối cho anh ta mối quan hệ với các viên tướng thông qua hôn nhân.

Ngay sau khi mãn tang Hồ Thị Hoa, guồng quay quanh Nguyễn Phúc Kiểu đã bắt đầu. Con gái một viên tướng lập công lớn ở Bình Định là Ngô Văn Sở tên Ngô Thị Chính được đưa vào phủ. Sau đến cháu gái dòng dõi viên tướng Bình Định khác là Phạm Thị Tuyết. Bên cạnh, Nhị phi mẹ anh ta không ngừng chuyển vào phủ vài cô hầu nhỏ xinh đẹp, trong đó có người lại trông rất giống Hồ Thị Hoa.

Mối quan hệ của Nguyễn Phúc Kiểu với những người này có thể tóm tắt: nhạt như nước.

Có lẽ ban đầu anh ta cũng đã cố gắng thử chung sống cùng những người con gái này, nhưng rồi chỉ cần bọn họ báo tin đã có thai, anh ta lại lấy cớ tránh xa, và từ đó quên bẵng bọn họ. Ngô Thị Chính, Phạm Thị Tuyết và Trần Thị Tuyến cũng đều như thế. Phạm Thị Tuyết đã rơi vào lãng quên cho đến chết, Trần Thị Tuyến chỉ được anh ta nhớ ra hơn chục năm sau đó, khi Ngô Thị Chính dâng bảng tên cung nhân. Trường hợp Ngô Thị Chính có thể là một cơ duyên xảo hợp không biết nên nói là may mắn hay bất hạnh: Con trai đầu của cô ấy chết non khi mới được một tuổi.

Nhưng có lẽ, đứa bé ấy chết cũng trong sự hoang lạnh của ngôi phủ đệ. Nguyễn Phúc Kiểu nhìn những người được đưa tới, đặt cho bọn họ những cái tên mới như Kiều, Hà, Hương, mà có lẽ, anh ta vẫn chẳng tìm thấy hương thơm cùng vẻ đẹp mà mình mong muốn. Thời gian ấy, anh ta bắt đầu có mối quan tâm khác ngoài sách vở: Hàng loạt cuộc nổi dậy ở Bắc Thành dưới sự cai trị của Nguyễn Văn Thành, từ Sơn Nam thượng cho tới Hải Dương, Yên Quảng, Thanh Hoa, Kinh Bắc, Sơn Tây. Lê Chất cha cô được sai đi đánh dẹp.

Nên nói là may mắn khi sự việc ấy xảy ra ngay sau cái chết của Hồ Thị Hoa, khiến Nguyễn Phúc Kiểu đứng dậy và chủ động đi ra ngoài học hỏi thay vì để vua cha giục giã như trước. Anh ta bắt đầu kết bạn với những đồng học, có người sau đó trở thành trọng thần dưới triều anh ta. Đồng thời, phủ hoàng tử được phép chiêu mộ thuộc binh, Nguyễn Phúc Kiểu đã tập hợp lại quanh mình một lực lượng mà sau này trở thành nỗi sợ hãi ám ảnh của các quan viên. Dù cha Hồ Thị Hoa không có quyền lực, hôn nhân của anh ta với cô ấy đã tạo cho anh ta hảo cảm và lập thành quan hệ với đội quân cấm vệ ở kinh thành, các viên tướng Thuộc nội mà sau này trở thành quan viên thân tín nhất của anh ta. Dù Nguyễn Phúc Kiểu vẫn chẳng mấy siêng năng học hành hơn trước, anh ta lại thân thiết và kính trọng những người thầy dạy, lấy được hảo cảm của những quan văn như Đặng Đức Siêu, Trịnh Hoài Đức và cả một số thân sĩ Bắc Thành. Trong triều đình thuở mới tạo lập, các quan văn này không có quyền lực bằng võ quan, nhưng càng ngày trong sự phân hóa, mâu thuẫn càng gay gắt, bọn họ cũng tạo thành một phe phái riêng có tiếng nói nhất định trong triều, nhận được sự kính trọng không dành cho những võ biền thô lậu.

Tuy nhiên Nguyễn Phúc Kiểu luôn giỏi nhất là che giấu những ý định thực sự của mình, cũng có lẽ thời kỳ đầu anh ta chẳng nghĩ xa đến thế. Thời gian đó người ta chỉ thấy anh ta mải mê phóng ngựa đường trường mỗi khi rảnh rỗi, nếu như không vào cung thăm con hoặc ngồi bàn luận về thiên văn học. Cùng viên quan giỏi tính toán thiên văn nhất của triều đình là Nguyễn Hữu Thận, người đã tính ra lịch Tây dương lẫn tìm được chính xác thời gian nhật thực, Nguyễn Phúc Kiểu vác thước lên rừng núi đi đo mặt trời. Anh ta cũng rong ruổi lặn lội khắp mọi nơi cùng các quan chọn đất cho lăng Thiên Thọ, theo nhà vua đi coi sóc việc xây dựng lăng và làm đủ loại nghi thức tế tự cho triều đình.

Nguyễn Phúc Kiểu đã trở thành một phiên bản khác của cậu bé ở thành Gia Định năm ấy. Anh ta vẫn lang thang với các hầu sai, Thị vệ cùng bọn thanh niên trẻ, nghe ngóng học hỏi mọi thứ trong vùng, và biến chúng thành thứ quyền lực đặc biệt cho riêng mình. Do đó, anh ta để mặc những người phụ nữ mà cha mẹ đưa tới phủ đệ. Nếu như con trai Ngô Thị Chính không chết, có lẽ anh ta cũng chẳng nhớ ra là cô ấy còn có mặt ở nhà mình.

Thời gian ấy, Tường vẫn thường qua lại để thăm con trai Hồ Thị Hoa. Trước khi Hồ Thị Hoa mất đôi tháng, cô ấy đã cùng Nguyễn Phúc Kiểu dọn ra ở tại một ngôi phủ đệ ngoài Kinh thành. Sau khi sinh, Dung được đưa ngay vào cung chăm sóc, cô lại chẳng gặp Nguyễn Phúc Kiểu cho đến khi chiếc cầu Đông Hoa được khánh thành. Chiếc cầu bắc trước cổng Chính Đông, chỉ cách ngõ vào nhà họ Hồ vài bước chân. Lễ mừng cầu mới đã tan, bóng tối đã buông xuống, cô từ nhà họ Hồ đi ra, nhìn thấy bóng dáng khá quen cạnh chiếc đèn nhỏ treo trên cầu. Bóng người nghiêng nghiêng ngả ngả đi qua đi lại trên cầu, va quẹt vào những dải hoa giấy và cờ ngũ sắc. Vì một lý do nào đó, cô không bước tới.

Và rồi, mấy tháng sau, cô biết tin Nguyễn Phúc Kiểu cưới người phủ thiếp mới. Năm ấy, hoàng cung cũng cho ba công chúa lớn là Ngọc Châu, Ngọc Quỳnh, Ngọc Anh hạ giá. Nguyễn Phúc Kiểu lại xuất hiện giữa đoàn người trong các buổi lễ mừng, nhưng bỗng dưng trở nên kỳ lạ. Lạnh lùng, đa nghi, khép kín, khó gần, cô nghe người xì xào về dáng vẻ anh ta mà họ thấy. Thậm chí, đó không phải là đau buồn, mà gần như thù địch và nghi hoặc. Người trong cung thì thầm kể, Nguyễn Phúc Kiểu đón những phủ thiếp mới vào phủ cũng bằng thái độ như thế. Để phản ứng với điều đó, từng người lại từng người được đưa tới. Lấp đầy phủ đệ rộng lớn bằng nỗi oán than.

Hôm đó, cô vào cung Nhị phi thì nghe nói Dung đã được đưa về phủ. Không kịp hỏi lại, khi cô đến phủ thì mới biết thằng bé được đón về để đưa tang em trai. Phạm Thị Tuyết vừa sinh, Trần Thị Tuyến cũng đã vào những tháng cuối nặng nề, Ngô Thị Chính một mình im lìm chuẩn bị tang lễ cho con trai. Đứa trẻ sinh thiếu tháng ốm yếu chết non, mẹ nó cũng xanh xao gầy rộc. Hai năm trước, Ngô Thị Chính được đưa vào phủ, và cứ thế cô độc mang thai, sinh nở, nuôi đứa con bệnh tật gần một năm trời. Trưởng sử đưa tới một cỗ quan bé xíu, lính hầu dựng nghi trượng, đến Dung mới bốn tuổi đã biết đi thắp hương và sắp đèn, nhưng chẳng thấy mặt Nguyễn Phúc Kiểu ở đâu.

“Ông hoàng đang ở trong núi, có lẽ chưa về kịp thôi.” Nghe Tường hỏi, Ngô Thị Chính khẽ đáp. Không biết phải nói gì với cô ấy, Tường đành vào thăm Phạm Thị Tuyết ở nhà trong.

Cô gái mới sinh con ngồi dựa cửa sổ nhìn ra ráng chiều đang dần tắt bên ngoài. Chẳng còn dáng vẻ tươi tắn hoạt bát của cô bé ngày ở Gia Định, mắt Phạm Thị Tuyết hơi trũng lại. Thấy Tường, cô vẫn cố gắng mỉm cười.

“Trời nóng quá, tôi chỉ hơi mệt.” Phạm Thị Tuyết cười nói, rồi lại nhìn về phía nhà trước, thở dài. “Tội nghiệp chị Kiều, thằng bé còn nhỏ quá.”

Kiều là cái tên Nguyễn Phúc Kiểu đặt cho Ngô Thị Chính, người nhà vẫn dùng lẫn lộn. Nhưng Tường biết Ngô Thị Chính thật ra không hề ưa thích cái tên Kiều ấy. Nguyễn Phúc Kiểu thì có vẻ là chẳng cần biết tên họ của người kia là gì, anh ta thích gì thì gọi nấy.

Tường ẵm thằng bé mới sinh, chơi đùa với nó một lúc. Đến khi trời tối hẳn thì mới nghe tiếng ngựa đầu ngõ, hẳn Nguyễn Phúc Kiểu đã về. Không muốn gặp anh ta, cô vẫn ngồi trong nhà.

“Ông hoàng bảo Dung cũng lớn rồi, năm nay hoặc năm sau đón về nhà thôi.” Phạm Thị Tuyết chợt nói. “Có lẽ cũng giúp chị Kiều nguôi ngoai một ít.”

“Ai cần chứ?” Tường nói khẽ qua kẽ răng. Anh ta bỏ mặc cả đám người ở đây, rồi lại đem con của mình về bắt họ nuôi nấng chăm sóc, trong khi bản thân đi biền biệt. Cứ để thằng bé trong cung với bà nội nó còn tốt hơn.

“Ông hoàng không nghĩ gì xấu đâu.” Thấy thế, Phạm Thị Tuyết nhợt nhạt cười. “Từ bé ông hoàng đã thế, nhưng cũng chịu nghe mọi người nói mà. Nếu không muốn thì chị ấy cứ nói.”

“Có thể nói à?” Nghe vậy, Tường càng bực bội. Ngô Thị Chính sẽ tuyệt nhiên chẳng hé răng chuyện muốn hay không muốn nếu như Nguyễn Phúc Kiểu ra lệnh. Phản kháng lớn nhất của cô ấy là nhẹ nhàng xin bàn với Nhị phi, để bà thay mặt mắng Nguyễn Phúc Kiểu một phen.

“À… phải, chẳng ai dám nói cả.” Phạm Thị Tuyết ngẩn ra một thoáng, rồi lại cười.

Giữ nỗi bực bội trong lòng, Tường đi ra ngoài. Nghĩ muốn nhìn Dung một cái, cô ghé mắt vào cửa sổ cạnh gian nhà chính. Có lẽ Dung đã đi nghỉ, trong phòng chỉ còn Nguyễn Phúc Kiểu, Ngô Thị Chính cùng Trưởng sử. Nguyễn Phúc Kiểu lật giở mấy trang ghi chép chuẩn bị tang lễ rồi đưa lại cho Trưởng sử. Ông ta đi ra ngoài, anh ta mới quay nhìn Ngô Thị Chính.

“Phải báo cho hoàng thượng để ngài xem dùng lễ thế nào. Hẳn chiều nay Nhị phi biết chuyện rồi, sáng mai sẽ có thông báo thôi.” Anh ta nói, Ngô Thị Chính nhẹ gật đầu, chầm chậm ngồi xuống cạnh quan tài. Thấy thế, Nguyễn Phúc Kiểu bèn bảo. “Xưa nay chỉ có con chịu khổ vì cha mẹ, chứ thằng bé chưa báo đáp được chút gì sao đã phải ngồi canh khuya sớm?”

Hẳn anh ta cho rằng đây là lời khuyên nhủ. Vai Ngô Thị Chính run lên. Mấy tiếng nấc thoát ra khàn đục, cô bỗng gục đầu òa khóc nức nở.

Nguyễn Phúc Kiểu như thể bị giật mình. Anh ta ngẩn người nhìn cô gái trẻ xanh lướt như tàu lá co người khóc run bần bật. Hồi lâu, anh ta quỳ xuống bên, khẽ vỗ vai cô.

“Thôi, sẽ có đứa khác.” Anh ta ôm mái tóc rối bù của cô, nhỏ giọng an ủi. Tường cũng nhẹ chân rời đi.

Không hiểu Hồ Thị Hoa có thể yêu Nguyễn Phúc Kiểu ở điểm nào? Anh ta năm xưa ăn một trận đòn vì chọc giận hoàng đế vẫn là quá ít. Ông hoàng không cố ý đâu, Phạm Thị Tuyết vẫn cố gắng bào chữa. Cô ấy luôn rất hiểu Nguyễn Phúc Kiểu từ ngày còn ở Gia Định. Phải, anh ta không cố ý, chỉ là anh ta vẫn luôn cho rằng ai cũng giống như mình. Anh ta làm những gì mình muốn, không hề nhận ra nó trong mắt người khác là như thế nào. Anh ta sống trong một thứ lý luận chỉ riêng bản thân hiểu, dù đã cố gắng để trao đổi cùng tỏ ra thông cảm thì đôi khi vẫn bật ra vẻ lạnh lùng bất cận nhân tình. Anh ta có thể nói say sưa hàng giờ về công việc và những thú vui, nhưng chỉ dành cho đồng bạn của anh ta. Càng lang thang nhiều với nhóm bạn bè, anh ta càng ra vẻ như không có gì để nói khi trở về nhà.

Một năm này qua lại cung phủ để thăm Dung, Tường đâm ra cảm thông với những người thiếp của Nguyễn Phúc Kiểu. Ác cảm của cô với anh ta từ ngày Hồ Thị Hoa còn sống lại được khơi lên. Đáng lẽ cô ấy đã không chết, nhiều khi cô đau buồn mà nghĩ. Chỉ cần Nguyễn Phúc Kiểu tránh xa cô ấy, có lẽ bi kịch đã không xảy ra. Nhưng cả hai kẻ ấy như thiêu thân lao vào lửa, không chỉ đốt chết chính mình mà còn hủy hoại cả đối phương. Để rồi, đưa đến kết quả này.

Phải, có lẽ anh ta không cố ý, chỉ là anh ta không biết phải yêu thương như thế nào.

Tuy nhiên, sự kiện đau buồn nọ lại giúp Nguyễn Phúc Kiểu để ý chăm lo hơn cho Ngô Thị Chính. Trong năm năm, bốn đứa trẻ khác được Ngô Thị Chính sinh ra – trong khi những tuyển thị khác vẫn im lìm giữa ngõ trúc quạnh quẽ, kể cả con gái của Tham tri Công bộ Nguyễn Khắc Thiệu mà Nhị phi hẳn đã phải vô cùng nỗ lực để cưới về. Và khi đứa con thứ ba của Ngô Thị Chính gần sinh, Phạm Thị Tuyết cũng nhắm mắt lìa trần.

Vẫn cảnh tượng cũ, Nguyễn Phúc Kiểu lại tiếp tục không có mặt. Cuối năm ngoái, Thái hậu qua đời, tang lễ được tổ chức trong gần cả năm, Nguyễn Phúc Kiểu hầu như ở lại hẳn cạnh lăng Thụy Thánh. Dù bụng đã lớn, Ngô Thị Chính vẫn phải chạy trông coi công việc trước sau. Khi về nhà, Nguyễn Phúc Kiểu bận rộn đón tiếp một viên nội giám đến hỏi ý kiến anh ta về việc Xiêm La muốn xâm lấn biên ải. Họ nói chuyện cả nửa ngày, Ngô Thị Chính đành cho người hầu tản bớt đợi lệnh phát tang.

Tường vào nhà trong, nơi xác Phạm Thị Tuyết đã được khâm liệm. Khuôn mặt cô ấy được trang điểm lại, vẻ xuân sắc dường chưa tàn phai. Trong đau đớn, Tường nhớ đến cô bé đã vỗ tay cười ngày ấy bên bếp lửa. Hai năm sau khi sinh con, Phạm Thị Tuyết thường rơi vào trạng thái u uất. Phủ đệ này ngày càng nhiều người hơn, nhưng cũng ngày càng xa lạ hơn. Những người mới tới nhìn nhau, rồi được Ngô Thị Chính chia đặt vào làm những công việc thường ngày. Nguyễn Phúc Kiểu khi trở về chỉ gọi bọn trẻ vào chơi đùa, cầm sách dạy chúng học chữ. Anh ta đối với Ngô Thị Chính nhẹ nhàng niềm nở, nhưng có lẽ cô gái này được dạy dỗ quá nghiêm khắc, hoặc do tính khí cô là như vậy, Ngô Thị Chính vẫn chỉ dịu dàng nhu thuận, mừng giận không lộ ra mặt. Tuy nhiên, trong đôi lần Tường nhìn thấy họ ngồi bên bàn cùng đám con cái, đã có vẻ trông giống một gia đình.

Hồ Thị Hoa không muốn anh ta buồn bã, cô thầm nghĩ. Ngô Thị Chính rất tốt với Dung, với tất cả mọi người xung quanh. Một mình Phạm Thị Tuyết phải chết đã là quá đủ. Tuy vậy, Tường càng nghĩ lại càng buồn. Nhìn xác cô gái trẻ nằm lọt thỏm trong cỗ quan, cô thấy như cả những ngày ấm áp nhất của mình tại Gia Định cũng đã mất đi.

Cánh cửa sau lưng cô bị đẩy ra, Nguyễn Phúc Kiểu cũng vào xem xét. Cô không nhìn ra được vẻ mặt anh ta, chỉ thấy anh ta vẫy tay cho người bắt đầu tiến hành nghi thức. Bất chợt cô cảm thấy giận đến nghẹn cả lòng.

“Nếu chị Hoa mà còn thì chắc buồn lắm.” Cô mím môi nói khẽ, nhìn vai Nguyễn Phúc Kiểu hơi cứng lại. Nhưng anh ta thậm chí không buồn quay đầu nhìn cô.

“Ừ.” Nguyễn Phúc Kiểu buông một tiếng chẳng biết là tiếng nói hay thở dài, quay ra ngoài. Đến lượt cô lại hoang mang.

Vốn từ ngày ấy ai cũng hạn chế nhắc đến Hồ Thị Hoa trước mặt Nguyễn Phúc Kiểu, và cô gái nhỏ bé ấy như đã tan biến hoàn toàn. Đến cả Dung hẳn cũng được nhắc nhở không nói về mẹ trước mặt cha, cái tên Hoa vang lên giữa họ vừa rồi như thể tiếng vọng từ suốt những năm xưa bay đến. Nguyễn Phúc Kiểu trả lời cô không buồn bã cũng chẳng tức giận, thậm chí còn có vẻ như nhẹ nhõm.

Sau này, khi anh ta lấy tên Hoa đặt cho một vài nơi, cô mới lờ mờ nhận ra anh ta vốn thích nói về cô ấy, nhưng không có ai nghe anh ta nói. Anh ta đem sự tồn tại của cô ấy đánh dấu lại trên thế gian này, như thể rất sợ mất đi. Sự tồn tại của cô ấy theo tháng năm chỉ còn lại ở Dung, đứa con trai vốn rất giống mẹ nhưng chẳng biết điều gì về mẹ. Nguyễn Phúc Kiểu vốn không sợ đau đớn, chỉ sợ mất đi. Nguyễn Phúc Kiểu có thể đem mình bao vây trong những dấu ấn cũ của tình xưa chứ không muốn quên lãng. Chỉ còn một mình anh ta ở lại trên dương gian này nắm giữ ký ức về cô ấy, anh ta cũng không buông bỏ.

Vậy là, thế gian quanh anh ta trở thành bóng ảnh lặp đi lặp lại của một điều gì đó mà đến anh ta cũng không muốn lý giải, không nhận ra để lý giải. Cho đến khi có người bắt anh ta phải tỉnh dậy.

Xác Phạm Thị Tuyết đã vùi vào đất, cuộc sống như trước lại trôi đi trong ngôi phủ đệ giữa bốn bức tường thành. Nguyễn Phúc Kiểu tham gia vào triều chính trong những năm tháng mà cuộc tranh đấu dữ dội đã bắt đầu giữa hai phe phái Nguyễn Văn Thành và Lê Văn Duyệt. Nhưng thực sự cuộc chiến này chẳng liên quan đến Nguyễn Phúc Kiểu, dù người ta vẫn lấy việc lập Thái tử làm lý do. Vì chẳng ai trong hai phe phái này muốn lập anh ta, vị hoàng tử chỉ được sự ủng hộ của vài viên quan văn và đôi viên tướng nhỏ. Anh ta chỉ ngồi nhìn trận chiến này cùng những hệ lụy của nó, và vẫn như cũ, chẳng bao giờ bộc lộ bản thân.

 

Cái chết của Hoàng hậu mà Nguyễn Phúc Kiểu nhận làm mẹ giúp dòng người được đưa đến phủ đệ ngừng lại. Anh ta tiếp tục biến mất trong sơn lăng gần cả năm. Và dường như nhà vua cũng chỉ đợi thời gian ấy để gọi toàn bộ quần thần đến, đưa chiếu sắc lập Thái tử, bảo rằng ai đồng ý thì ký tên lên đó. Nguyễn Phúc Kiểu trở thành Thái tử với phương cách như thế.

Cung Chấn Hanh trong hoàng thành được dựng lên làm chỗ ở cho Thái tử, lấy gỗ cùng vật liệu từ cung Trường Thọ. Đêm ấy Tường được gọi lưu lại trong Hoàng thành để mai cùng đi làm lễ cho Hoàng hậu ở điện Hoàng Nhân. Cô ăn tối xong thì lang thang đi dạo qua con đường trúc sau thành, tình cờ thấy đèn sáng trong khu vực đang xây dựng điện Thanh Hòa. Cổng cung còn mở, cô liền bước vào, thấy Ngô Thị Chính đi ngang qua trước mặt. Hẳn cô ấy đến để xem nơi ở mới, cô nghĩ thầm. Vốn cũng chẳng muốn để tâm, cô chỉ tò mò nhìn ngắm ngôi điện đang xây cho Thái tử, bất chợt lại nghe giọng Ngô Thị Chính cất cao bất thường trong gian chính điện.

“Ông hoàng, xin ngài làm ơn suy xét.” Nhẹ chân bước qua hiên nhà sau, cô thấy Ngô Thị Chính đang quỳ trước Nguyễn Phúc Kiểu, giữa họ là một tập giấy dày. Giọng Ngô Thị Chính như van lơn. “Nhị phi nói rằng ngài mới được lập, còn chưa chính thức làm lễ, đừng làm hoàng thượng nổi giận, cũng đừng tiếp tục làm các quan điều tiếng thêm nữa.”

Nguyễn Phúc Kiểu ngước nhìn chiếc đèn treo trên cửa, không trả lời. Gian điện còn trống không, có vẻ anh ta đến nơi này một mình, Ngô Thị Chính vào cung rồi đi theo tới. Hồi lâu, Ngô Thị Chính ngẩng đầu, giọng sắt lại.

“Ân tình bao năm qua của ông hoàng với thiếp to lớn thế nào, thiếp vô cùng biết ơn. Nhưng ngài đã trở thành Hoàng thái tử, mai sau là người trên ngôi cửu ngũ, không thể chỉ nhờ một mình thiếp để kế thừa dòng họ, báo đáp tổ tiên. Ngài đã là Hoàng thái tử, ở trong cung điện của Hoàng thái tử, có quan lại riêng như nhà vua, thì cũng phải sống theo đúng phương cách ở đây.” Ngô Thị Chính lại cúi mình xuống sàn. “Ở cung Chấn Hanh, mọi việc đều được nội giám báo lại cho hoàng thượng. Hôm nay hoàng thượng và Nhị phi cũng đã nói sẽ ban thêm cho ngài vài người mới. Xin ngài hãy chọn tuyển thị để hầu.”

Nguyễn Phúc Kiểu dần hạ mắt, dừng trên hình dáng Ngô Thị Chính. Anh ta nhìn cô như thể một người xa lạ không quen biết.

“Thế rồi nàng nói sao?” Giọng nói lạnh nhạt y như ánh mắt anh ta. Ngô Thị Chính chậm chạp quỳ lên.

“Ngoài kia người ta bảo thiếp là người đàn bà ghen tuông độc chiếm ông hoàng, không thể ở trong cung này cũng như vậy.” Im lặng một lúc, Ngô Thị Chính có vẻ như kiên quyết nói. “Bao nhiêu năm nay, Nhị phi vốn đã rất kiên nhẫn với ngài. Nhưng ông hoàng, ngài đừng lấy thần thiếp làm cớ được không?

“Bọn chị em kia nào có tội tình gì? Ông hoàng, bọn thiếp được cha mẹ gả đi, chỉ còn ngài để nhờ cậy, vào trong cung này rồi càng chẳng thể ra, chỉ có thể chết già nơi đây. Ân sủng của ông hoàng chính là ơn nghĩa với bọn thiếp, sự lạnh nhạt của ông hoàng là cái chết đối với bọn thiếp. Dù chỉ được gần ông hoàng một lần, có được một mụn con, còn tốt hơn là chết đi trong góc tường. Ông hoàng, ngài làm chết chị Phạm Thị Tuyết rồi, ngài có thấy hối hận không?” Ngô Thị Chính nhìn thẳng vào mắt Nguyễn Phúc Kiểu, dùng giọng nói mà Tường chưa từng nghe như roi quất. “Ngài bảo muốn làm người tạo phúc cho muôn dân, nhưng lại đối với người bên cạnh một chút trách nhiệm cũng không có. Bọn thiếp có tội tình gì, ông hoàng?”

“Nàng không…” Nguyễn Phúc Kiểu nói, bất chợt im lặng.

Bỗng nhiên, ánh mắt anh ta trở nên thất lạc, hình bóng anh ta trở thành bơ vơ lạc lõng trong cung điện này. Anh ta nhìn Ngô Thị Chính, như thể mới lần đầu thấy cô ấy.

Làn gió nổi, khu vườn tối đen rì rào. Bóng tường thành ẩn hiện dưới sao. Nguyễn Phúc Kiểu chậm rãi khép mắt, gật đầu.

“Nàng lo nhận tất cả đi.” Anh ta nói, rồi đi qua Ngô Thị Chính, rời khỏi cung. Ngô Thị Chính run rẩy cầm tập giấy, chầm chậm đứng lên. Không muốn bị phát hiện, Tường vội rời khỏi. Vòng lại về điện Hoàng Nhân, cô chợt nhìn thấy bóng lưng đứng bên hồ nước sau thành. Lấp loáng bóng trăng bàng bạc trên hồ.

Không hiểu sao, ngay khoảnh khắc đó, cô đã đọc được trong mắt anh ta câu hỏi: ‘Nàng không muốn giữ ta lại sao?’.

Nhưng chớp mắt sau đó, ánh mắt anh ta đã lạnh tanh. Anh ta nhìn người vợ trước mặt như thể chưa từng quen biết. Hay nói đúng hơn, là anh ta lần đầu tiên nhận ra cô ấy. Cô ấy không phải là người kia.

Người kia sẽ vượt qua ngàn dặm tìm tới, ngẩng đầu nhìn anh ta, ngọt ngào nói khẽ câu nhớ thương. Người kia sẽ thổn thức dưới bóng đêm sâu, không có cách nào buông tay hay chia sẻ anh ta nhân danh trách nhiệm cùng nghĩa vụ. Người kia sẽ nhìn anh ta qua hai bờ dòng sông dằng dặc năm dài, không thể tiến tới nhưng cũng không bao giờ xa cách. Người kia sẽ yêu anh ta bằng thứ tình cảm duy nhất trên đời.

Là Nguyễn Phúc Kiểu đã đem thứ tình yêu mình muốn áp đặt lên Ngô Thị Chính? Hay từ đầu, anh ta vốn đã lẫn lộn giữa hai bóng hình nức nở dưới đèn?

Kiểu khiết như sương tuyết, thứ tình yêu mà Nguyễn Phúc Kiểu theo đuổi, đã chẳng còn từ mười năm trước. Bao năm nay, anh ta đuổi bắt theo bóng ảnh, thử rồi lại sai. Anh ta muốn sống như một người đàn ông bình thường, rồi lại phát hiện mình chẳng thể yêu ai trong số họ, chẳng thể sống cuộc đời như thế. Anh ta tìm được một người muốn yêu, muốn cùng cô ấy tạo dựng nên cuộc sống mà anh ta cần, một tình yêu đơn nhất và thuần khiết – thì cô ấy bảo rằng, không thể. Đẩy ngược anh ta trở lại với cuộc chiến mà anh ta một mình vật vã tìm cách thoát ra. Cô ấy có thể nói một ngàn điều về trách nhiệm và nghĩa vụ, nhưng chưa từng hỏi một điều anh ta muốn.

Năm năm sau đó, khi Nguyễn Phúc Kiểu đã lên ngôi, thời khắc anh ta viết hai chữ Thuận Đức[2] ban thụy cho Hồ Thị Hoa, hẳn anh ta chưa nghĩ đến phong hậu hay lập thái tử. Anh ta chỉ muốn nói, trên thế gian này, duy nhất có cô ấy. Khôn sánh với Càn, Hồ Thị Hoa và Nguyễn Phúc Kiểu. Trên thế gian này, vốn chẳng còn ai.

 

Thế gian này, vốn chẳng còn Hồ Thị Hoa của Nguyễn Phúc Kiểu.

 

Chú thích:

[1] Phiếm nguyệt của Tùng Thiện vương

[2] Cung hoàng hậu thời Gia Long tên là cung Khôn Đức, trong khi đó Khôn nghĩa là "thuận", Chu Hy gọi là "thuần âm, chí thuận". "Chí tai Khôn nguyên, vạn vật tư sinh, nãi thuận thừa thiên." - Khôn dùng đức "thuận" mà "thừa thiên", đức của Khôn là thuận. Hoặc nguyên lai của chữ Khôn là chữ Thuận. Theo lời chú của Tống Trung và Vương Bật, chữ Khôn cổ văn viết là chữ mượn của 'thuận', cho nên họ Tống họ Vương đều đọc là 'thuận'. Từ khi Khổng Dĩnh Đạt đổi viết thành Khôn, thì không còn ai biết do lai của chữ 'thuận' nữa. Năm 1821, khi vừa lên ngôi và tấn phong phi tử, Minh Mạng đặt tên thụy cho Hồ Thị Hoa là Thuận Đức, lấy nghĩa của quẻ Khôn. (Và theo đúng tên của cung hoàng hậu thời này, chữ Thuận Đức chỉ là cách viết khác của chữ Khôn Đức.)




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.