Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

51. Tài nhất giác Nam Kha
Trường An in "Minh nguyệt 2" May 19th, 2019
  1. Tài nhất giác Nam Kha, tảo dĩ thanh sơn mộ[1]
    (Mới tỉnh một giấc Nam Kha, núi xanh đã sớm hoàng hôn)

 

Thật ra lúc ấy cậu ta chưa có tên Nguyễn Phúc Kiểu, tên khi sinh của cậu ta là Đảm. Kiểu là cái tên cậu ta tự đặt khi trở thành Thái tử.

Kiểu là ánh trăng trong, là tuyết sương trắng, là sự thông tỏ soi rõ thế gian. Hoa rạng rỡ quang huy, Kiểu thanh trong giá lạnh.

Sau này cô đọc sách thấy câu: Một là hoa trong gương, một là trăng đáy nước.

Cô vẫn gọi cậu ta là Nguyễn Phúc Kiểu, vì đó là ước vọng thuở thiếu thời của cậu ta. Ngay sau khi cậu ta trở thành Thái tử, cậu bé ngày ấy đã chẳng còn nữa. Kiểu khiết như sương tuyết, cái tên ấy lại trở thành cột mốc cuối cùng của những ngây thơ.

Lúc ấy, cô cũng như mọi người, vốn không hiểu được Nguyễn Phúc Kiểu, thậm chí là không hiểu được Hồ Thị Hoa.

Thứ tạo thành giấc mộng, chính là vẻ mỹ lệ thanh trong lý tưởng đến cực cùng. Là cái đẹp đốt cháy đời người, vĩnh viễn không thể quay đầu.

Nguyễn Phúc Kiểu cũng là người bị ám ảnh bởi ‘vĩnh viễn’. Sau này, toàn bộ con trai của cậu ta đều lấy chữ Miên và bộ Miên để đặt tên. Sau này, cậu ta xây nên một khu vườn hình chữ Vạn ‘phúc lành trường cửu’ và đặt tên là Thiệu Phương. Nhưng hương mỏng, hoa phai, nắng tàn, ráng nhạt, cái đẹp cực độ đều không thể tồn tại ở thế gian. Thứ còn lại sau đó chỉ là những vòng lặp xoay đều của luân hồi, những mộng mị lẫn lộn giữa quá khứ và hiện tại, con người giả trá, thế gian ô trọc, cuộc đời như dòng nước trôi đi. Rồi đến cả khi ký ức cũng đã lãng quên, cõi lòng trống hoang cằn cỗi, chỉ còn giấc mộng đâu đó thoảng qua thân xác rệu rã chán chường gợi nhắc lại linh hồn.

Nguyễn Phúc Kiểu khát khao trường cửu, nhưng là trường cửu của một giấc mơ.

Tháng bảy năm ấy, chiếu sách lập Vương hậu làm Hoàng hậu bố cáo ở điện Thái Hòa: “Trẫm nghĩ thể Thuần Khôn, sánh cùng Càn Đức”. Kiệu hoa cũng dừng ở phủ hoàng tử thứ tư Nguyễn Phúc Kiểu. Ngày ấy mới chỉ có Nguyễn Phúc Kiểu xuất các, nơi học ở góc Đông Bắc hoàng thành được chuyển thành phủ đệ cho cậu ta. Ngôi nhà soi bóng hồ nước sau thành, lặng lẽ trong rào trúc xanh rì.

Với Nguyễn Phúc Kiểu, đó hẳn là những ngày tháng hạnh phúc nhất của cậu ta. Đúng hai mươi năm sau, khi chiếu truy tặng ông Hồ Văn Bôi làm Thượng Hộ quân Đô thống chế đưa xuống, có lẽ đã chẳng còn ai biết tại sao lại có lệnh ấy. Hóa ra, cậu ta vẫn nhớ. Cậu ta âm thầm đánh dấu từng cột mốc thời gian bằng chữ Bính: Bính Dần, hôn lễ. Bính Tý, trở thành Thái tử. Bính Tuất, truy tặng cha mẹ. Bính Thân, tấn tặng Thần phi. Cậu ta âm thầm đếm nhịp thời gian trôi xa khỏi những ngày tháng ấy, trong sự lãng quên của toàn bộ con người.

Đầu năm ấy, kinh thành rộn rã với những lễ sắc phong, lên ngôi và tế tự. Vua Gia Long chính thức lên ngôi hoàng đế, sách phong cho toàn bộ dòng tộc. Hôn lễ của Nguyễn Phúc Kiểu và Hồ Thị Hoa diễn ra khi các lễ tiết đã kết thúc, thành đô chuyển vào mùa thu, trầm ngâm yên ả hiếm hoi sau những năm đầy biến động. Cuộc sống trong phủ đệ với những cụm trúc phượng hoàng và hồ nước lớn trước cửa cũng êm đềm tĩnh lặng trôi qua. Những viên quan vẫn đến để dạy học, mỗi ngày Nguyễn Phúc Kiểu vẫn phải vào cung diện kiến, nhưng sự căng thẳng đã mất đi. Mùa đông, bên nồi than lách tách bụi đỏ, hai bóng người nép sát vào nhau dưới tấm áo khoác choàng chung. Sau khi báo tin đã có thai, Hồ Thị Hoa được miễn phải vào cung. Các công chúa thi thoảng lại tới thăm, họ cùng nhau cười đùa kể chuyện xưa cũ. Nguyễn Phúc Kiểu cũng đôi lần ngồi cùng, như đã trở lại thành cậu bé bên chiếc đèn năm xưa. Cậu ta lại nói về những sự việc đang diễn ra khắp nơi, những câu chuyện nghe ngóng được bên cảng chợ, về trời cao cùng biển rộng. Hồ Thị Hoa kéo áo ấm chỉnh cho cậu ta, hạnh phúc ngời lên trong mắt.

Thuở ban đầu ấy, mọi thứ đều đẹp đẽ đến dường như không thật. Ngay cả trách nhiệm nặng nề mà cô e sợ cho bọn họ trước đó cũng chưa thấy bóng. Nhị phi chỉ êm ái giải thích cho con dâu mới về những ban bệ cùng công việc trong cung phủ, rồi lại bảo:

“Ta biết con chưa từng quản việc ở những nơi như thế này, nhưng dần dà rồi sẽ quen. Ta đã dặn dò Trưởng sử ở phủ hoàng tử có việc gì đều phải giải thích cặn kẽ cho con, lại đưa thêm người hầu bấy lâu ở cạnh ta tới. Nếu có việc gì không quyết được, con chỉ cần hỏi ta. Việc lớn bên ngoài, lính hầu và môn khách, thuộc binh của phủ đều do Trưởng sử lo cả, con chỉ cần coi sóc người hầu cùng vật dụng trong nhà, khi quen việc rồi thì ta sẽ giao cho con quản tiền bạc chi tiêu.” Ngừng một thoáng, bà lại tiếp. “Những nơi người nhiều đều sẽ có nhiều chuyện, con chỉ nên nghe những thứ cần nghe, còn những lời không đáng nghe thì không cần để tâm tới. Cũng không cần phải chịu uất ức, người ở cạnh mình thì phải chọn những người mình tin cậy được, đừng sợ là người do ta đưa tới thì không dám nói. Xem nên để họ vào đâu, làm việc như thế nào thì đánh giá đúng thế ấy, không cần phiền lòng vì những thứ nhỏ nhặt, cứ đúng sai rõ ràng thì họ phải nghe con.”

Dù vậy, phủ Nguyễn Phúc Kiểu cũng chẳng có bao nhiêu người, hầu hết đều là cung hầu lớn tuổi do Nhị phi chuyển tới, đội quân phủ thuộc chưa được tuyển, vẫn dùng đội lính của cung đình. Hồ Thị Hoa xin sổ sách chi tiêu về đọc, có đoạn không hiểu sẽ quay sang hỏi chồng. Có lần Tường đến, thấy cô ấy gối đầu lên chân Nguyễn Phúc Kiểu đọc sách trong khi cậu ta viết nốt bài văn cho ngày hôm sau.

Sự tiến bộ của Nguyễn Phúc Kiểu khiến nhà vua vô cùng hài lòng. Tết Nguyên đán năm ấy, nhà vua rút giấy bút, viết cho Hồ Thị Hoa một chữ Thật to.

“Phi nguyên có tên Hoa lấy ý nghĩa từ bốn chữ ‘đặc dĩ phương văn’, sao bằng tên Thật có cả phúc lẫn quả.” Nhà vua cười nói.

“Bộ Miên trên chữ Quán, tiếp nối suốt đời đời.” Ngọc Anh ở bên cạnh cũng cười. “Như thế này thì còn vượt hơn cả trăm năm.”

Hồ Thị Hoa hai má ửng hồng, cúi nhận tờ giấy từ tay nhà vua. Vẻ hạnh phúc lúc ấy của cô như đã thắp sáng cả cung điện những tháng mưa vần vũ.

Hôm ấy là lễ xuất quân đầu năm của triều đình. Ngoài cổng thành, ba đội thủy, bộ, tượng tập hợp làm nghi lễ, thanh âm thanh la, đại bác, súng và tiếng hò reo cùng vang dội. Rồi nhạc tấu, trăm quan đến điện Càn Nguyên lạy mừng. Ở nội cung, gia quyến các quan cũng vào chào mừng Thái hậu cùng Hoàng hậu. Bận rộn cho đến gần hết ngày thì người mới vãn. Tường và các cung nữ đỡ Hồ Thị Hoa đến cung Khôn Đức nghỉ chân. Ở cửa cung, họ gặp một cô gái trẻ chừng mười sáu tuổi, cô ta cúi đầu chào họ rồi rời khỏi.

“Ai thế? Ta chưa gặp bao giờ?” Tường quay đầu nhìn bóng lưng cô gái mà hỏi cung tỳ cạnh đó. Không thấy Hoàng hậu ở chính điện, họ liền ngồi quanh bộ bàn ghế bên chái nhà.

“À, con gái Trấn thủ Thanh Hoa ngoại cũ là Ngô Văn Sở, hình như tên Chính.” Cung tỳ này vốn do Nhị phi đưa tới, nhìn Hồ Thị Hoa cười nói. “Cô gái này số phận lận đận, năm đó hoàng thượng và hậu phi xem xét tuyển chọn con gái các quan cho hoàng Tư, cô ấy cũng có tên. Nhưng rồi vụ việc Trấn thủ Ngô Văn Sở chiếm đất dân bị tố cáo, cha bị cách chức nên cô ấy không được vào phủ.

“Dù vậy thì Nhị phi thích cô ấy lắm.” Bà cung tỳ nắm tay Hồ Thị Hoa ra chiều thân thiết, hạ giọng nói. “Nhị phi bảo, Phi không quen công việc ở cung phủ, cần có người giúp đỡ. Cô Chính này xuất thân tướng phủ, ngày nhỏ cha đi mất nên phải chịu cực khổ một thời gian ở ngoài, con người rất tháo vát thông minh, lại nhẫn nhịn hiền thục. Ngô Văn Sở tuy bị cách chức nhưng công lao ở Bình Định không nhỏ, đợi việc lắng dịu thì sẽ cho cô ấy vào hầu. Bây giờ Ngô Văn Sở đang ở một làng tại Quảng Trị, đầu năm cô ấy vào cung chào mọi người trước đấy.”

Trong một thoáng, sắc mặt Hồ Thị Hoa bất chợt tái nhợt. Tường chưa kịp lên tiếng, giọng Hoàng hậu ở phía sau chợt vang tới.

“Phi đến đây nghỉ sao không ngồi gần lò than?” Hoàng hậu từ nhà sau bước ra, đưa mắt nhìn những cung nhân xung quanh. “Đỡ Phi lại đây với ta, lấy thêm than củi đi!”

Những cung nhân rối rít chạy đi, Hồ Thị Hoa vẫn ngẩn người ngồi cạnh Hoàng hậu. Bà đưa tay chỉnh lại dây áo khoác quanh cổ cô.

“Để ta nói với Nhị phi trách cứ đám người này. Việc chưa đâu ra đâu đã nhanh nhảu đưa chuyện.” Nhìn vẻ mặt Hồ Thị Hoa, bà khẽ khàng vuốt má cô, thở dài thật nhẹ. “Nhưng con cũng nên nghĩ thông, quen với những việc như thế này thôi.

“Thiếp thất còn có thể tranh giành cự cãi, nhưng vợ cả thì không được đâu con ạ. Ngược lại còn phải đưa lễ, tuyển tên cưới thiếp cho chồng, sắp xếp từng ngày, chăm lo từng người. Vương tôn hoàng tộc lấy chuyện tiếp nối tổ tông làm trọng, huống gì họ ta đã điêu linh thiếu người đến thế. Chỉ trong một cái chớp mắt, hàng trăm người chết. Chỉ trong một năm, cả ba đứa con trai đều mất cả. Hoàng tộc nếu không có truyền nhân đông đảo thì làm sao mà tồn tại được?” Bàn tay Hoàng hậu ram ráp trên má cô lạnh ngắt. “Nhị phi chẳng có ý gì đâu, tuyển cùng lúc nhiều người là tục của họ nhà ta, năm xưa Đông cung con ta cùng lúc cưới ba người vợ, hoàng thượng cũng thế.”

“Thế rồi như thế nào ạ?” Hồ Thị Hoa nói khẽ như chỉ thì thầm. Hoàng hậu thoáng nhíu mày như không hiểu được ý cô.

“Ban đầu ta cũng khó chịu.” Bà nói, lại bật cười. “Nhưng sống lâu bên cạnh nhau thì trở thành như người thân, người bạn. Nói cho cùng, việc của đàn ông và đàn bà chỉ là như thế, kể cả chuyện họ say mê ai hay yêu thích người nào. Khi đã nhìn thấy nhiều thì chẳng còn quan trọng nữa.”

Hồ Thị Hoa nhìn Hoàng hậu, mấp máy môi nhưng im lặng.

Có người đến gặp Hoàng hậu, Hồ Thị Hoa liền cáo từ bà. Đi ngang qua đoạn suối nước vòng sau thành, cô bất chợt ngồi xuống tảng đá cạnh bên. Tường hốt hoảng đưa tay đỡ, ngỡ cô té ngã.

Nhưng Hồ Thị Hoa chỉ cúi đầu ngồi cạnh dòng nước, tay run run nắm lấy tờ giấy ban tên của nhà vua. Hồi lâu, cô lại chợt cười khẽ.

“Em nói, có phải ta ngu ngốc lắm không? Mẹ ta đã bảo rằng không thể, ta lại cứ muốn làm. Đến giờ ta mới hiểu thế nào là ‘không sống như thế được’. Phải, mẹ ta chỉ là không sống như thế được.” Hồ Thị Hoa nhìn tờ giấy trong tay bằng ánh mắt trống rỗng. “Họ làm được, ta không làm được. Như thế để làm gì?”

Câu cô ấy nói sau đó, Tường vốn không hiểu.

Sau này, khi nhìn những chữ bộ Miên cùng thanh âm ‘vĩnh viễn’ vang vọng khắp khu thành vàng son, cô mới chợt hiểu ra điều Hồ Thị Hoa chưa nói hết: Sống như thế để làm gì?

Vĩnh viễn, vĩnh viễn để làm gì?

Con người mơ được bao lâu, có người đã hỏi. Tình yêu này sẽ được bao lâu? Sự say mê này sẽ được bao lâu? Bao lâu trước khi người hối hận và thất vọng? Bao lâu trước khi người nhận ra thế gian này vốn không cần đến tình yêu? Bao lâu trước khi người trở nên thỏa hiệp và biến đổi?

Vĩnh viễn để làm gì khi bao nhiêu điều từng tôn thờ cùng trân quý trở nên hèn mọn? Vĩnh viễn để làm gì khi chính bản thân trở nên chán chường cùng khinh ghét? Vĩnh viễn để làm gì khi buộc phải chính tay hủy hoại những điều quan trọng nhất của bản thân? Vĩnh viễn để làm gì trong tàn phai và rệu rã?

Xuân hoa vốn không phải là thu thật. Cũng như cô ấy không phải họ, cũng không phải cô.

Rồi sẽ quen, người kia bảo. Quen với ô trọc cùng giả dối, quen với cả nỗi chán ghét cùng suy đồi, quen với việc bản thân trở nên nhơ nhớp và lãnh đạm, quen với cả kẻ nào đó chẳng phải là mình. Quen với những khi sau cuộc truy hoan nửa đêm thức dậy, đôi tay lạnh buốt đến không ôm được chính mình.

Rồi sẽ quen, tháng năm nào đó sau này cô nói. Quen với lạnh nhạt cùng tàn nhẫn, quen với chịu đựng cùng nín nhịn, quen với cả ngục tù và giam giữ. Quen với việc sống mỗi ngày trôi đi để thấy đời mình thành một cõi hoang tàn. Quen với nỗi căm ghét khôn đường cứu chuộc, nỗi thất vọng dằng dặc khôn khuây mà đã mất đi toàn bộ dũng khí để quay đầu.

Rồi sẽ quen, cả những người trong căn phòng đêm thu ấy cũng nói. Quen với cuộc đời là như thế, con người là như thế.

Chỉ còn cô ấy. Cô ấy chạy theo hình bóng của tình yêu, vốn là một thứ tình cảm cực cùng như thế. Về điểm này, cô ấy và Nguyễn Phúc Kiểu vốn là giống nhau.

Vốn là, hoa trong gương yêu trăng đáy nước.

Phía bên kia đường, Nguyễn Phúc Kiểu thấy hai người liền chạy lại. Cậu ta cũng đã hoàn thành công việc ở đây. Thấy dáng vẻ Hồ Thị Hoa, cậu ta lo lắng đưa tay đỡ cô.

Khi ngẩng đầu nhìn Nguyễn Phúc Kiểu, ánh mắt Hồ Thị Hoa vẫn chan chứa dịu dàng. Chỉ có đôi tay cô run rẩy ôm lấy cậu ta. Hai người dựa vào nhau dưới bóng khu thành với hàng ngàn ngọn đèn đang được thắp. Nhạc lại tấu lên đâu đó như vọng xuống từ trời cao.

Bất chợt, Tường rơi lệ. Ngày ấy cô còn quá trẻ để hiểu được thế gian cùng con người trong đó. Ngay cả bọn họ cũng còn quá trẻ, nhưng nỗi bi thương của hai bóng hình dưới bức tường thành cao ngất đêm sâu lại làm cô rơi lệ, cũng như cô đã mỉm cười nhìn cầu vồng hoàng hôn buổi ấy.

Cô ấy vẫn không nổi giận hay trách cứ, cũng chẳng buồn rầu. Phải, có lẽ là chẳng ai sai trong số họ. Với thân phận và khả năng của cô ấy, Nguyễn Phúc Kiểu sẽ cần có người khác hỗ trợ, đó là cách mà Nhị phi đã sống, đã trưởng thành, và có lẽ bà vẫn nghĩ mình đang làm điều tốt đẹp. Cô ấy và cậu ta lựa chọn con đường này vốn là chẳng nghĩ đến điều gì. Nhưng những người khác vẫn đang nghĩ ngợi cùng tính toán. Dùng cô ấy khiến Nguyễn Phúc Kiểu nhượng bộ, rồi hướng cậu ta vào điều mình muốn. Rốt cuộc, kết quả cũng chẳng khác gì, chỉ cần có thời gian. Tình yêu, ân nghĩa cùng lòng tốt đối với đế vương đều quá ngây thơ.

Hoàng hậu cũng không sai khi khuyên cô ấy điều đó. Với thân phận của Nguyễn Phúc Kiểu, rồi cô ấy sẽ phải giống như bà, chỉ còn có thể nói đến trách nhiệm cùng nghĩa vụ. Thậm chí cô ấy sẽ giống như mọi cô gái trong cung điện này, đêm đêm chờ đợi được gọi đến chỉ để ân ái chán chường với viên nội giám cầm tờ ghi ngoài màn. Tự gọi những trao đổi cùng tính toán là tình yêu và ân sủng. Tự ru mình trong những dục vọng nhạt nhẽo mơ hồ cho đến hết tháng năm. Tự cho những phong hiệu phù phiếm trong vòng vây tường thành chật chội là vinh dự cùng hãnh diện. Chẳng quan trọng, bà nói, cách đàn ông và đàn bà quan hệ trong bức tường thành cùng viên nội giám ghi ngoài màn. Tình yêu cùng dục vọng đều hóa ra chỉ là thứ khái niệm méo mó xa vời.

Ánh mắt cô ấy nhìn Nguyễn Phúc Kiểu chứa chan thương cảm. Kiểu khiết như sương tuyết, đó là cậu bé của cô ấy, giấc mơ của cô ấy. Người đã hứa sẽ đưa cô ấy vượt qua sông dài cùng biển rộng, bay vào bầu trời, vào nơi ánh sáng và quang huy. Người sẽ rơi vào bóng đen thăm thẳm như bầu trời đổ ngược trên tường thành cao vút không chốn quay đầu.

Ngày tháng năm đó, khi chạy vào căn nhà nồng mùi thuốc, Tường lại không có cảm giác ngạc nhiên. Hồ Thị Hoa chuyển dạ ở nhà mẹ đẻ, do bất ngờ, bà đỡ đã đến trễ. Nhưng đứa trẻ đã ra đời bình an, chỉ có Hồ Thị Hoa yếu ớt nằm trên giường, máu loang đỏ chiếu.

Mấy ngày sau khi sinh, Hồ Thị Hoa lên cơn sốt, nửa tỉnh nửa mê bất chấp sự cứu chữa của các y sinh cung đình. Cô suy kiệt đi nhanh chóng, đến ngày thứ mười ba, cô chỉ còn là một dáng vẻ xanh xao khô xác mỏng tanh như lá. Thuốc cùng hương xông cũng không át được mùi máu nồng. Khi hoàng hôn xuống, Hồ Thị Hoa mở mắt nhìn nắng hắt sau lưng người đang ngồi bên giường. Cô không còn nhìn rõ được gương mặt người ấy, chỉ cảm thấy hơi lành lạnh quen thuộc từ đôi tay đang nắm tay cô. Cô nghe được cả tiếng khóc của đứa trẻ ở giường bên cạnh.

“Tốt rồi.” Cô yếu ớt cười, giọng nói chỉ còn là hơi lào khào trong cổ. “Bây giờ đã có thứ để lại cho chàng khi chia tay.”

Sau này người ta nói rằng Nguyễn Phúc Kiểu đã đặt một thỏi vàng vào tay cô ấy. Nhưng Tường không biết chuyện ấy, cô đã quay lưng rời khỏi phòng. Cô không muốn nhìn thấy Hồ Thị Hoa của giờ khắc đó.

Đáng lẽ, cô ấy phải là ánh sáng và mật ngọt, phải là cô bé đã tươi cười với cô dưới tán cây lấp lánh nắng.

Đáng lẽ, cô ấy có thể vĩnh viễn sáng trong nhiệt thành. Đáng lẽ, cô ấy có thể vĩnh viễn không biết đến bóng tối cùng bầu trời đổ ngược trên tường thành đêm nọ.

Đáng lẽ, cô ấy có thể vĩnh viễn tươi đẹp trong ký ức cô.

Nguyễn Phúc Kiểu sẽ không bao giờ biết. Những lúc như thế, cậu ta không bao giờ có mặt. Trong ký ức cậu ta, cô ấy vẫn là những ngọt ngào trong sáng mà cả cuộc đời này chẳng bao giờ tìm lại được. Cả cuộc đời sau đó, cậu ta miên man tìm cô ấy trong giấc mơ, trong vĩnh cửu và miên trường. Cái tên mà cha cậu ta đặt cho cô ấy lại trở thành một lời nguyền với cậu ta. Cả cuộc đời, cậu ta đi tìm thứ không thể có.

Cô ấy không cần đến vĩnh viễn. Cô ấy sinh ra để tạo thành một giấc mộng cho Nguyễn Phúc Kiểu.

Mai sau, trong đêm trường giá lạnh, trong thế gian biến động, phản phúc cùng nỗi thất vọng liên tiếp như sóng biển, khi co mình run lẩy bẩy trong khu vườn chữ Vạn, người chỉ còn giấc mộng để mơ về. Bay qua biển khơi, về phía quang huy.

Vĩnh viễn tươi đẹp cùng chân thành. Vĩnh viễn không thể ở nhân gian.

 

Chú thích:

[1] Mại bi đường – Vãn khởi của Tùng Thiện vương




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.