Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

50. Hà xứ giai nhân bằng Thứu Lĩnh
Trường An in "Minh nguyệt 2" May 17th, 2019
  1. Hà xứ giai nhân bằng Thứu Lĩnh, bạch y tương chứng thuý mi song[1]
    (Giai nhân nơi nào trên Thứu Lĩnh, áo trắng soi cùng mày biếc xanh)

 

Ngày tháng hai năm ấy, Tường được Hoàng hậu gọi vào hầu chuyện. Đương lúc họ nói về việc dựng điện Thái Hòa và chuyến đi tế xuân vừa rồi, một nội giám hớt hải chạy vào, cúi mình với Hoàng hậu.

“Bẩm, hoàng Tư đang bị xử tội ở điện Cần Chính, Nhị phi xin Hậu tới nói giúp ạ.”

“Có chuyện gì thế?” Nghe báo, Hoàng hậu vội ngồi thẳng lên, sợ hãi hỏi.

“Thần nghe nói hoàng Tư lấy trộm thuyền thủ quyển của hoàng thượng đi chơi sông. Hoàng Tư tự đến điện Cần Chính nhận tội, nhưng hoàng thượng giận lắm.” Nhìn vẻ mặt của viên nội giám thì cơn giận của nhà vua chẳng phải bình thường. Hoàng hậu vội đứng dậy đi ra điện phía trước, Tường cùng các cung nhân khác chạy theo bà.

Đến cổng sau điện, họ đã nghe tiếng roi vun vút trong không khí, đập vào da thịt từng phát lạnh người. Nhị phi đứng sau cổng điện, mắt đỏ hoe nhưng không dám ra ngăn. Nhìn qua cánh cửa, Tường thấy Nguyễn Phúc Kiểu bị lột áo đẩy nằm xuống sân điện, trân mình chịu những phát roi không thương tiếc của Thị vệ. Nhà vua đứng trước cậu ta, bàn tay nắm lại phía sau lưng nổi gân xanh.

Cùng lúc có hai người chạy đến cổng chính điện, Tường nhận ra là hai vị đại tướng Tả quân Lê Văn Duyệt và Tiền quân Nguyễn Hoàng Đức. Thấy cảnh tượng trước mặt, hai người có vẻ vừa ngạc nhiên vừa hoảng hốt, vội quỳ xuống cửa, cùng cất tiếng xin.

“Hoàng thượng, hoàng tử tuổi trẻ nông nổi, xin ngài bớt giận.” Nguyễn Hoàng Đức nói trong tiếng roi vẫn đập bôm bốp trong sân.

“Chỉ là một chiếc thuyền, không cần phạt nặng như thế.” Lê Văn Duyệt nói, nhận lại ngay tiếng quát của nhà vua.

“Chỉ là một chiếc thuyền?” Ngài ta chỉ tay vào Nguyễn Phúc Kiểu đang nằm trên sân, dường đã tức giận đến nghẹn giọng, ngón tay run lên. Ngưng một thoáng, nhà vua nói như nghiến qua kẽ răng. “Đánh mạnh vào!”

“Gọi Thái hậu đi!” Hoàng hậu quay đầu nói với cung nhân phía sau, rồi chạy ra trước điện, gọi khẽ. “Hoàng thượng, đánh thế thì con chết mất.”

“Xin hoàng thượng!” Nhị phi cùng các cung nhân cũng dập đầu trong hiên, nước mắt ròng ròng khóc gọi. Tường nhìn cơ thể Nguyễn Phúc Kiểu không còn oằn oại dưới côn roi mà chỉ giật khẽ, mái tóc đã buột khỏi mũ, xõa che khuôn mặt cậu ta cúi gằm xuống đất.

Nhà vua vẫn đứng bất động trong tiếng cầu xin của đám người trong sân. Thị vệ lấm lét nhìn nhưng vẫn đều đặn tay roi. Đến khi Hoàng hậu vùng đứng dậy, chụp lấy cán roi trong tay người lính, nhà vua liền quay đầu đi vào trong hiên. Đến lúc này Tường mới hiểu tại sao người người sợ hãi vẻ giận dữ của ngài ta, trông như nhà vua chỉ muốn giết Nguyễn Phúc Kiểu.

“Đánh thêm ba mươi roi!” Hoàng hậu đã buông lỏng tay chặn, nhà vua nghiến răng nói. Tiếng roi tiếp tục vun vút trong sân điện bất chấp ánh mắt tuyệt vọng của người đứng xung quanh. Thấy Thái hậu hoảng hốt chạy vào điện khi những ngọn roi cuối cùng đánh xuống, nhà vua trông có vẻ càng giận hơn. Ngài ta đưa mắt nhìn lớp lớp người trong ngoài điện, gằn giọng. “Như thế này nên mới quả nhiên coi trời bằng vung! Không lo chăm chỉ học hành, thân là hoàng tử mà chỉ thích làm chuyện không ra gì, đánh chết cũng chẳng tiếc!”

“Hoàng thượng, con trẻ có lỗi lầm thì từ từ dạy bảo, sao lại đòi đánh đòi giết như với kẻ thù?” Thái hậu xua tay khẽ khàng bảo, ra hiệu cho các thị vệ đang đánh Nguyễn Phúc Kiểu tránh qua. Vài người đến đỡ Nguyễn Phúc Kiểu quỳ lên, cậu ta run rẩy chống tay cúi đầu khi nhà vua đi đi lại lại trong hiên, bước chân như muốn giẫm nát nền đá.

“Triệu toàn bộ Thị học của hoàng tử đến đây!” Nhà vua nói như gầm lên. “Triệu Thượng thư Lễ bộ Đặng Đức Siêu!”

“Từ nay về sau, Lễ bộ Thượng thư phụ đạo, các Thị học kèm sát. Lấy hai Hàn lâm Thị thư, hai Cai đội Thị trung thay phiên đưa người đến phủ hoàng tử hàng ngày xem hoàng tử học hành ra sao![2]” Những lời phán quyết cuối cùng được đưa ra, Nguyễn Phúc Kiểu nặng nề cúi đầu tạ tội. Hoàng hậu vội gọi người đỡ cậu ta đi. Nguyễn Phúc Kiểu gần như đã ngất trên vai người lính.

Thấy nhà vua cùng các quan quay vào điện, Tường vội rời đi. Sau cổng điện, các cung nhân, nội giám cũng đang tụ họp, lấm lét nhìn cảnh tượng ồn ào nháo nhác vừa xảy ra. Một bà cung nữ lớn tuổi vẻ mặt thất sắc sợ hãi, run rẩy vuốt ngực.

“Y như với Đông cung…” Bà thì thào với đám cung nữ xung quanh. “Ngày ấy Đông cung nghe theo dị giáo gọi tổ tiên là ma quỷ, hoàng thượng cũng giận thế. Ngài cũng đặt hình phạt y như thế, lấy Lễ bộ làm phụ đạo, ngoài mười mấy vị Thị học còn có thêm hai Thị giảng đến dạy riêng Đông cung, gần như giam một chỗ[3]. Nhưng lúc ấy Đông cung còn nhỏ, chưa bị đánh như thế này, cũng không phải đem cả quân Thị trung đến.”

“Chỉ là lấy cái thuyền bé tẹo dạo sông thôi mà, sao so được với tội thóa mạ tổ tiên, làm mất mặt ngài trước toàn bộ quần thần?” Một nội giám nhỏ hạ giọng thắc mắc. “Hoàng Tư cũng đâu phải dốt nát cho cam, chẳng lẽ đi chơi một lúc đáng bị phạt như thế? Đưa cả hai đội Thị trung cả trăm quân đến phủ giam giữ, gần như là coi tù rồi.”

“Giam giữ thật đấy còn gì.” Một cung nữ khác thẽ thọt nói. “Hoàng Tư vừa xuất các lập phủ đầu năm, không hiểu gây nên tội gì để bị như thế này?”

“Mà là hoàng Tư tự đến nhận tội đấy. Vừa nhận thì hoàng thượng sai lôi ra đánh.” Một cung nữ nghiêng đầu nhìn qua cổng sau điện. “Hai tướng thân cận nhất can mà ngài không nghe, giận đến run cả người rồi.”

“Giống như… đang sợ cái gì…” Bà cung nữ già nhíu mày. “Hồi ấy hoàng thượng sợ Đông cung đi ra ngoài tiếp xúc với Bá Đa Lộc và các giáo sĩ nên mới phải cách ly. Đọc sách học chữ mà cần đem quân đến phủ bao vây canh gác à?”

Tiếng thì thầm vẫn xôn xao suốt con đường Tường trở lại cung Khôn Đức. Hoàng hậu vẫn chưa về, còn ở cung Trường Thọ trông nom Nguyễn Phúc Kiểu. Thấy đám đông trong ngoài cổng cung này, Tường quyết định không vào.

Không hiểu cậu ta đã gây ra họa gì? Nhớ lại lời nói của bà cung nữ già, cô thầm nghĩ. Chẳng thể vì một chiếc thuyền mà có trận đòn và hình phạt ấy, vả ai cũng biết tính tình Nguyễn Phúc Kiểu khá tùy tiện, cậu ta lại đã từng ra trận nhiều lần nên hẳn xem việc sử dụng những vật như thế là bình thường. Lấy trộm thuyền quân còn đáng coi là tội nặng, chứ một con thuyền nhỏ chỉ dành dạo sông thì người trong cung ai lấy chẳng được, nếu không biết cũng đâu đáng tội?

Nguyễn Phúc Kiểu tự đến nhận tội hẳn vì không muốn nhà vua nóng giận làm to chuyện hơn là ‘hối lỗi’. Cậu ta có biết xin lỗi ai bao giờ? Ở kinh thành này lâu, cô còn biết được mặt đa diện biến xảo của Nguyễn Phúc Kiểu, cậu ta có thể hùng hồn đổi đen thành trắng nếu muốn, và có thể cãi bay chuyện lấy trộm một con thuyền bằng một trăm lý do. Lý do duy nhất cậu ta không làm thế chỉ là vì không muốn nhà vua gọi tất cả người liên quan đến để điều tra cho ra lẽ.

Ngồi trong cung Khôn Đức, Tường miên man suy nghĩ. Khi Hoàng hậu trở về với dáng vẻ vừa mệt mỏi vừa phiền muộn, cô bèn xin cáo từ. Nghĩ đi nghĩ lại, cô bảo người hầu quay thuyền đi về phía nhà Hồ Thị Hoa.

Dù người trong thành có kín miệng thế nào, việc một ông hoàng bị đánh rồi đưa quan quân văn võ đến canh chừng phủ đệ cũng chẳng thể giấu được. Cô báo trước cho Hồ Thị Hoa còn tốt hơn để cô ấy tìm đến phủ Nguyễn Phúc Kiểu thì không biết sẽ gặp những người nào.

Thấy Tường, Hồ Thị Hoa vẫn vui vẻ mỉm cười. Cô đang tách hạt sen lấy nhân để ướp trà. Tường ngồi xuống sập cạnh cô, phân vân mãi mới lên tiếng.

“Hôm nay hoàng Tư bị đánh trên điện.” Cô nói nhát gừng, nhìn Hồ Thị Hoa thảng thốt ngẩng đầu. “Nghe bảo cậu ấy trộm thuyền thủ quyển của vua đi chơi bị phát hiện. Sau khi đánh cậu ấy, hoàng thượng cho Lễ bộ Thượng thư cùng các Thị học, Thị thư, Cai đội tới phủ dạy cậu ấy học rồi.”

Hạt sen rơi khỏi tay Hồ Thị Hoa, ánh mắt cô thất lạc dần dần, gương mặt tái nhợt. Nhưng cô chỉ cắn môi im lặng.

Phải thôi, bọn họ đều im lặng, Tường thầm nghĩ, bất chợt nổi nóng. Thác rằng phải về phủ gấp, cô cũng chẳng ở lại thêm.

Khuyên can Hồ Thị Hoa đừng tìm cách gặp Nguyễn Phúc Kiểu chẳng có ích gì. Ông Hồ Văn Bôi đã mất được một năm, và trong một năm đó, cả kinh thành này bận rộn xây dựng Cung thành, Hoàng thành cho đến các miếu thờ, cung điện. Nhà vua tuy ở đây nhưng cũng giống như khi còn tại Gia Định, Nguyễn Phúc Kiểu lại tiếp tục tự do lêu lổng trong tòa thành hầu như không lúc nào đóng cửa. Và ngay sau khi xuất các ra phủ đệ ở góc hoàng thành, cậu ta đã gây cái họa tày trời gì thì chỉ có họ mới biết.

Tuy nhiên cô không có thời gian ở cạnh bên Hồ Thị Hoa như xưa. Lê Chất cha cô dù vẫn còn bận rộn xây dựng kinh thành thì đã kịp đưa về nhà một cô vợ lẽ chỉ vừa mười lăm tuổi. Và ông ấy cũng kịp nhận thấy con trai mình đã đến tuổi đi học, liền mời thầy về nhà. Đã là một cô chiêu phải tham dự các buổi lễ yến và vào cung hầu chuyện, Tường bị buộc theo học cùng em, học thêm cả nữ công cùng các môn thi thư khác. Cô cũng khá có hứng thú với việc học hành, khi rảnh rỗi sẽ đem sách vở sang nhà Hồ Thị Hoa để cùng đọc. Nhưng càng ngày cô càng nhận thấy Hồ Thị Hoa có chuyện giấu giếm cô. Có những lúc cô ấy hoàn toàn không nghe cô nói, và có khi cô tới nhà thì cô ấy đã đi vắng, trở về với mái tóc như còn hơi sương. Thi thoảng cô ấy còn đem về cho cô vài món quà lặt vặt mua ở những làng xa đầu dòng sông. Đã đến đây ở thì phải xem nơi này như thế nào chứ, cô ấy nói, mắt long lanh sáng.

Qua một thời gian đau buồn, dường Hồ Thị Hoa đã trở lại vẻ dịu dàng trong trẻo như xưa. Ông Hồ Văn Bôi có tiền tuất và khẩu phần ruộng công điền cũng khiến cuộc sống của họ nhẹ nhàng hơn dù chẳng khấm khá. Bọn chị em gái cùng nhau thêu may trồng trọt cho em trai đưa ra chợ bán. Trước nhà mở một hàng giấy bút và các loại sách vở, đến mùa lễ họ làm thêm hoa giấy cùng các loại đồ thủ công khác. Vườn hoa sau nhà đã nở bốn mùa, dàn trầu đã xanh, mỗi ngày vẫn êm đềm trôi qua ở ngôi làng bên kinh thành náo nhiệt. Nhưng có lẽ, sau hôm nay, mắt cô ấy không còn sáng nữa…

Nghĩ đến thế, Tường lại thấy hối hận vì thái độ của mình. Nhưng cô có thể làm gì cho ông hoàng gây họa kia và cô chị ngốc nghếch nọ? Đợi cho cậu ta học hết sách của cả viện Hàn lâm cũng chẳng thể kéo hai bờ sông gần hơn. Cứ để cậu ta bị giam trong cái lồng vàng của mình có khi lại tốt. Sau khi những nhiệm vụ cùng gánh nặng chiến tranh được gỡ bỏ, cậu ta vẫn cứ là cậu công tử rong chơi khắp chỗ khám phá nơi ở mới, quên bẵng cả địa vị của mình hiện tại. Nếu không giam cậu ta lại, có thể cái họa cậu ta gây ra còn lớn hơn.

Tối hôm ấy, bỗng dưng có nội giám tới phủ tìm Tường, báo rằng cung Trường Thọ gửi một vật cho cô. Cô mở hộp, chỉ thấy một cái khăn tay cũ, trên có ba vết loang nét đứt màu nâu còn nồng mùi thuốc. Quẻ Khôn, thuận.

Nguyễn Phúc Kiểu, ngay cả khi đã bị giam lại, vẫn còn có thể tiếp tục gây họa đến mức nào?

Sau đôi ba tháng, lệnh giam giữ Nguyễn Phúc Kiểu trong phủ được bãi bỏ, cậu ta lại được vào cung và tham dự các buổi tế lễ, nhưng Tường chỉ thấy cậu ta từ xa, lẫn vào đám đông vây quanh. Các Thị vệ Thị trung vẫn đi theo cậu ta như hình với bóng, thái độ của nhà vua với cậu ta đã hòa dịu nhưng sự nghiêm khắc chỉ tăng thêm. Gương mặt Nguyễn Phúc Kiểu vẫn bình thản lạnh nhạt, cử chỉ đã khiêm cung lễ độ hơn trước. Một ngày, cậu ta cùng nhà vua đóng cửa trò chuyện trong điện, rồi sau hôm đó, đội vệ binh quanh cậu ta được giảm bớt một nửa.

Cuộc đối chọi âm thầm kéo dài đến gần cuối năm, rốt cuộc cũng khiến nhà vua phải nhượng bộ. Trưa hôm ấy, cô công chúa thứ tám Ngọc Cửu đang chơi trong vườn thì bị say nắng, Tường cùng các cung nhân vội vã bế cô bé vào điện gần đó. Đắp khăn lên trán Ngọc Cửu, cung nhân đi ra giếng lấy thêm nước, Tường bỗng nghe thấy giọng nói ở chính điện phía trước.

“Ngài quyết định thế sao?” Cô nhận ra giọng Nhị phi, liền nhìn quanh. Hóa ra nơi này là hậu điện sau cung Khôn Đức, do quá gấp gáp mà cô không thấy tên ở cửa điện.

“Con bé ấy ngoan ngoãn hiền lành, ta cũng rất thích nó, chuyện thật ra chẳng có gì.” Giọng nhà vua vọng đến cùng tiếng kẹt cửa, có lẽ hai người vừa từ cung Khôn Đức bên cạnh trở về. “Ta ghét thằng bé tính tình bừa bãi ngang ngược, bướng bỉnh không coi ai ra gì, nhưng nếu nó lấy vợ mà thôi được cái tính ấy đi thì tốt.”

“Chỉ sợ…” Nhị phi im lặng một thoáng, rồi thở dài. “Ngài còn nhớ thằng bé lúc nhỏ đi nghịch phá khắp nơi, nhưng ở đâu cũng có mặt con bé ấy không? Có lần nó rơi vào một cái hố, chẳng hiểu sao con bé cũng nhảy xuống theo. Thằng bé nói con bé ngoan ngoãn hiểu chuyện, thiếp thì thấy đúng là chỉ có hai đứa chúng nó hiểu nhau. Một đứa thì đầu trò, một đứa thì cổ vũ.”

“Trẻ con đứa nào chẳng phá.” Nhà vua cất tràng cười dài. Dứt tiếng cười, giọng ngài ta lại thoáng trầm ngâm. “Phi nói làm ta lại nhớ đến Hoàng hậu năm xưa, ta ở phía trước đánh giặc, Hậu ở phía sau đánh trống. Ngày ấy nếu không có Hoàng hậu, ta không chắc đã đủ kiên trì để đến được hôm nay.

“Thiếu niên mà không ngông cuồng ngạo mạn, không chống đối tự cho mình đúng thì chỉ là bọn trẻ yếu ớt nhu nhược chẳng làm được việc gì. Tính toán trước sau nhiều quá thì thành kẻ nhút nhát cái gì cũng sợ. Phải sai đôi ba lần thì mới trưởng thành được. Thôi, cứ để nó làm chuyện nó muốn đi.” Nhà vua nói, rồi lại sâu kín thở dài. “Tuổi còn nhỏ nên nhìn thứ gì cũng lớn lao cả, đến khi lớn rồi sẽ lại cảm thấy thất vọng thôi. Nhưng lại chỉ những thứ không có được thì càng ngày mới càng nuối tiếc không thể buông bỏ. Thời gian còn dài, Phi có gì phải vội vàng?”

Một khoảng im lặng dài trôi qua, cô nghe tiếng rót nước và bước chân bên kia tường.

“Ta biết Phi đang lo lắng điều gì, nhưng trên đời này thứ khó có được nhất là chân tình. Hồ Văn Bôi với ta chính là chân tình, không phải những viên đại tướng ngoài kia. Kẻ đi theo ta, có kẻ vì danh vì lợi, có người vì muốn tìm nơi thi thố tài năng, người vì lòng trung với triều đình gia tộc, nhưng hết lòng với ta nhất lại là những kẻ chẳng hề có thứ gì để cho để nhận. Một vị vua mà chỉ tính toán trước sau thì sớm muộn cũng bị toàn bộ kẻ bên cạnh phản bội. Một con người mà không có được chân tình thì chẳng phải đáng buồn lắm ru?” Nhà vua lại cười khẽ. “Ta ghét thằng bé bướng bỉnh ngạo mạn tự cho mình thanh cao, nhưng thép không tốt thì rèn sao được kiếm? Một kẻ không đủ mạnh để đứng lên sau khi sai lầm và thất bại, không đủ kiên cường để tự quyết, tự đi con đường mình chọn thì làm được cái gì?”

“Vấn đề chính là nó quá mức.” Nhị phi khẽ khàng nói.

“Năm xưa khi Đông cung mới về, Thái hậu đã nói, cứ từ từ mà dạy bảo, giờ lại phải nhắc cho Phi rồi.” Tiếng cười của nhà vua lẫn với gió lao xao ngoài sân. “Đến tuổi này rồi, chúng ta thứ gì mà chưa trải qua, tình cảnh nào mà chưa có? Rốt cuộc, người ta mơ được bao lâu?”

“Ta nóng tính dễ nổi giận, Hậu cũng là người cảm tính hay xúc động, chúng ta sống với nhau được đến ngày hôm nay, thật ra cũng là nhờ Phi giúp mọi việc yên ổn cả.” Tiếng lạch cạch khe khẽ như sứ chạm xuống mặt gỗ khi nhà vua nói. “Cho đến sau này, Hoàng hậu không thể sinh con, họ Tống Phúc cũng chẳng còn là danh gia vọng tộc uy quyền hơn cả chúa, nhưng tiếng trống sau lưng ấy, ta không bao giờ quên. Một vị vua không thể cứ lấy quyền lợi để chiêu dụ những kẻ tùy tòng, mà còn phải biết dương danh. Ở ngôi vị này rồi sẽ nhận ra, thật ra mọi việc đều phải nhờ vào chính mình.”

“Chúng chỉ là mấy đứa trẻ, thời gian còn dài.” Nhà vua nhẹ nhàng nói.

Nhác thấy bóng cung nhân ở cổng sau của điện, Tường liền nhẹ chân chạy ra, cùng họ khiêng nước vào nhà. Nghe động, thấy công chúa Ngọc Cửu bị sốt, Nhị phi cùng nhà vua vội gọi người chăm sóc cho cô bé.

Mấy ngày sau, mẹ của Hồ Thị Hoa được triệu vào cung. Khi về, bà thừ người ngồi trên sập bên nhà, hồi lâu sau thì gọi Hồ Thị Hoa lại.

“Hoàng hậu bảo muốn đưa con sang phủ ông hoàng Tư.” Mẹ Hồ Thị Hoa nặng nề nói, thấy cô chẳng tỏ vẻ gì thì lắc đầu. “Lệnh vua khó cãi, nhưng nếu con không muốn đi thì mẹ sẽ tìm cách xin ngài.”

“Con đồng ý ạ.” Hồ Thị Hoa cúi đầu nói khẽ. Mẹ cô đăm đăm nhìn con gái, dường đã hiểu điều gì.

“Con có hiểu thế là gì không?” Bà nắm lấy tay Hồ Thị Hoa, đầu ngón tay run run. Hồ Thị Hoa cầm tay mẹ cô, nhìn vào mắt bà.

“Mẹ, thật sự mẹ có bao giờ hối hận vì đi theo cha không?” Cô thì thầm. Nhìn nước mắt ầng ậng trong mắt mẹ cô.

Ngày ấy, mẹ cô nói rằng lấy được cha cô là phúc phận đời bà. Nhưng đêm hôm đó, nhìn lên ngọn lửa ban thờ trong đêm quạnh quẽ và nỗi bơ vơ cùng cực, cô nhận ra cả mẹ cô cũng là một người khờ dại. Như cha cô. Như cô. Suốt cả cuộc đời, bà chỉ đi theo hình bóng một con người luôn biến mất theo mùa gió tới. Chỉ vì chút ấm áp ngọt ngào mà mình nhận được, bà không nhìn đến nỗi gian khổ của mình, không bao giờ nhìn đến.

Cô không biết, có người đã hỏi: Liệu con người mơ được bao lâu?

Tường ngoảnh đầu khi tiếng khóc nức nở bật lên trong phòng. Cô nhìn ra cửa sổ, bên kia bờ sông là tường Kinh thành. Chênh chếch phía xa là cổng thành và tháp canh. Ngày ấy, nó có tên là Chánh Đông môn.

Sau này, khi chiếc cầu được dựng bắc ngang dòng sông, một năm sau khi cô ấy không còn nữa, nó có tên là cầu Đông Hoa, và dòng sông này được gọi là sông Đông Hoa.[4]

Có lẽ, người kia vẫn đến tường thành này, nhìn qua bờ sông, và thấy ánh sáng rực rỡ của đời mình bên kia dòng nước. Như cậu ta vẫn đến trong những ngày ấy, nhìn hòn đảo bên kia thành, ngóng đợi một bóng hình. Buổi sáng, mặt trời mọc lên sau những mái nhà ươm khói. Hoàng hôn, bóng ngày lặng tắt trên tường thành cao. Ngay cả khi cô ấy không còn nữa, khi ngóng nhìn về nơi này, vẫn tưởng như cô ấy đứng đó, trong cả bình minh và tà dương. Vĩnh viễn tươi đẹp, vĩnh viễn mỉm cười đón đợi, vĩnh viễn nhìn về khu thành bên kia dòng nước.

Người kia nói, nếu cô ấy là ánh nắng, hãy chiếu rọi khắp cả thế gian. Nếu cô ấy là hương thơm, hãy trở thành vĩnh viễn.

Một giấc mộng có thể kéo dài được đến bao lâu? Có người hỏi, sau những buồn đau ly hợp, sau những tang thương cùng thất vọng, sau cả cuộc đời chinh chiến bôn ba khắp giang sơn. Người kia bảo, là vĩnh viễn. Như cậu ta đã tin, trong những vòng vây trùng trùng của tòa thành, chỉ cần đứng ở nơi này có thể thấy được người bên kia dòng sông. Nơi phương Đông, ánh sáng ngày vẫn rực rỡ chiếu rọi, dường đưa tay ra đã chạm tới.

Năm ấy, Hoàng thành, Cung thành và Kinh thành cùng được hoàn công, khu thành ba lớp tường đã nên hình.

Tháng chín, quần thần lần đầu tiên dâng sớ xin lập Thái tử.

Năm sau, cuối mùa hạ, sử sách viết: “Hoàng tỷ Thuận Đức Thần phi bệ hạ. Phụng hoàng khảo Thánh tổ Nhân hoàng đế tại tiềm để thì, Hoàng tổ có mệnh, văn định quyết tường, kinh thất lai tần, mậu cơ thủy hóa[5]. Hồ Thị Hoa trở thành nguyên phi của hoàng tử thứ tư Nguyễn Phúc Kiểu.

Thuyền hoa đưa người qua sông, kiệu hoa đến ngôi phủ đệ mà các thị vệ cung đình vừa mới cởi bỏ vòng vây.

Rồi sau này, Tường nghĩ, có thể do giấc mộng kia đã kéo quá dài. Cậu ta đã quen nhìn về bờ phương Đông dòng nước đằng đẵng năm trường, và tin rằng cô ấy vẫn luôn ở đó. Vĩnh viễn tươi đẹp, vĩnh viễn chẳng đổi thay.

 

Chú thích:

[1] Đăng Kim Kê nham của Lê Quang Định

[2] Thực lục, tháng 2 năm 1805: Hoàng tử thứ tư 15 tuổi, sẵn tính thông minh, vua thường khuyên học. Một hôm cưỡi thuyền thủ quyển của vua đi chơi xem sông Hương. Vua nghe tin giận. Hoàng tử thứ tư sợ hãi, kíp xin chịu tội. Vua gọi đến trước mặt, đánh mắng. Nguyễn Hoàng Đức và Lê Văn Duyệt cố sức xin không được. Sau đó triệu Thị học trách về tội không hay can ngăn. Rồi sai Lễ bộ Đặng Đức Siêu kiêm sung phụ đạo. Lại sai Hàn lâm Thị thư và Thị trung Cai đội đều hai người, ngày ngày vào phủ để xem siêng năng hay trễ nải.

[3] Thực lục, năm 1793: Vua cho rằng Đông cung còn trẻ tuổi, muốn được thái phó thái bảo tốt để giúp, bèn dựng nhà Thái học, đặt một Đông cung phụ đạo, 2 thị giảng, 8 Hàn lâm thị học, 6 Quốc tử giám thị học, mỗi ngày hai buổi họp các quan đốc học ở nhà thái học để giảng bàn kinh sử. Phàm Đông cung nói gì làm gì, thị học phải ghi hết, mỗi một lần tiến lên vua xem, để xem đức nghiệp tiến ích thế nào.

[4] Cầu Đông Hoa được dựng năm 1808, và dòng sông được đặt tên là sông Đông Hoa từ đó, đến năm 1841 chuyển thành cầu Đông Gia.

Nghĩa là (triều đình) Gia Long không đổi tên Đông Hoa thành Đông Ba như truyền thuyết dân gian hiện tại, mà là đặt tên cả cổng thành, dòng sông, cầu qua sông tên là Đông Hoa. Khu chợ lúc đó có tên là Quy Giả thị.

[5] Sách văn phong Hồ Thị Hoa của Thiệu Trị. Dịch nghĩa: Hoàng tỷ Thuận Đức Thần phi bệ hạ. Phụng hoàng khảo Thánh Tổ Nhân hoàng đế khi ở nơi tiềm để, Hoàng tổ đưa mệnh lệnh, làm lễ thành hôn, đưa người vào kinh thất, thời lành cơ tốt.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.