- Trần mộng vị tinh thanh thảo bạn, hương tâm mỗi ký bạch vân đoan[1]
(Mộng trần chưa tỉnh bên cỏ biếc, lòng quê đành gửi mây trắng bay)
Bọn họ gặp lại ở Phú Xuân đã là mùa xuân năm sau.
Tháng bảy, vua Gia Long bình định Bắc Thành. Xếp đặt xong công việc nơi đây, đoàn quân trở về Kinh vào tháng mười. Các hình phạt cuối cùng đã được xử, các đoàn quân đã yên lặng, các quan đưa thân nhân về Phú Xuân dự lễ tôn phong Vương Thái hậu và Vương hậu.
Dù bà của Tường muốn về Bình Định, cha cô vẫn cần đưa gia quyến đến ra mắt vua Gia Long. Vậy là Tường cùng đi với Hồ Thị Hoa và thân nhân các quan tướng rời khỏi Gia Định. Khi họ đến bến thuyền sông Hương thì đã tháng ba.
Trạm canh đầu sông đã cho chạy tin báo trước, đón họ ở bến có một đoàn binh mã nhỏ. Tường nhìn thấy cha cô đứng ngay đầu hàng ngũ, bên cạnh là ông Hồ Văn Bôi dẫn vệ quân của mình. Đến khi đặt chân xuống bến, cô mới thấy thiếu niên dưới gốc đa lớn chếch mé bên kia đường. Vẫn không xuống ngựa, Nguyễn Phúc Kiểu lơ đãng hướng mắt về phía đoàn người. Cậu ta đã cao hẳn lên, khiến ban đầu Tường không hề nhận ra cậu ta.
Gia quyến các quan lớn xuống trước, Tường phải đứng đợi một lúc thì Hồ Thị Hoa mới xuống thuyền, cùng bọn trẻ ôm chầm lấy cha. Đã ba năm không gặp, các gia đình không ai vội lên xe về thành, vẫn đứng bên sông bùi ngùi cười khóc. Bà và mẹ Tường đang cầm tay cha cô khóc nức nở, kể lể bao nỗi thương xót ngậm ngùi. Lính vận chuyển đồ đạc xuống thuyền, đưa lên các xe voi kéo. Chờ đến khi Lê Chất quay lại gọi mọi người khởi hành, các nhóm người mới lần lượt chia đặt đi về. Đang chuẩn bị xây dựng kinh thành nên vẫn chưa sắp xếp nơi mở phủ cho các quan tướng, bọn họ cùng được đưa về một khu nhà dựng trong thành đất vừa xây.
Khi ở Phú Xuân, Tường mới chỉ loanh quanh khu bờ Nam, chưa bao giờ đến bờ Bắc. Khu vực này rải rác vài ngôi làng chung lẫn với đồng ruộng, sông lạch nhỏ quanh quanh. Thành ngoài mới chỉ đắp đất sơ sài, bên trong hầu như trống trải, chính giữa có vài cái điện mà rêu chưa kịp mọc lên bậc đá, đường đi cỏ lún phún. Khu nhà cho các quan ở nằm mé bên thành, làm rào ngăn cách từng căn nhỏ. Vì bà cô nhất quyết ở một khu riêng, cha Tường đành đưa gia đình đến ngôi nhà lớn đầu khu. Nhà Hồ Thị Hoa nằm cuối khu, cũng có vẻ tách biệt với phần còn lại do ở bên kia con đường ra cổng thành, vẫn gần với nơi ở của quân Túc trực.
Lính chuyển hàng từ các xe voi xuống, đưa vào từng nhà. Tường chạy ra cửa thì thấy Nguyễn Phúc Kiểu lững thững cho ngựa đi suốt khu nhà như đang thị sát công việc. Do đi chậm, cậu ta chỉ đến nhà ông Hồ Văn Bôi trước Tường vài bước chân. Ông Hồ Văn Bôi đang cùng mọi người khuân những chiếc rương vào cửa, Hồ Thị Hoa đứng dựa rào quan sát họ. Nghe tiếng lục lạc ngựa, cô quay đầu thấy Nguyễn Phúc Kiểu ngay sau lưng.
“Chào hoàng Tư.” Hồ Thị Hoa vội cúi người làm lễ. Nguyễn Phúc Kiểu không trả lời, chỉ im lặng nhìn cô. Từ sau lưng, Tường không thấy mặt cậu ta, chỉ thấy vẻ bối rối thoáng qua Hồ Thị Hoa khi cô hơi lui về sau.
“Ngươi gầy quá.” Một lúc sau mới nghe Nguyễn Phúc Kiểu lên tiếng. Thoáng xao động hiện lên trong mắt Hồ Thị Hoa khi cô nhẹ mỉm cười.
“Cậu cũng vậy.” Và sau đó, không ai nói thêm. Ngoảnh ra thấy Nguyễn Phúc Kiểu, ông Hồ Văn Bôi chạy đến báo cáo với cậu ta việc chia đặt quân canh gác khu vực này. Cậu ta nhẹ gật đầu rồi thúc ngựa đi về cung.
“Con vào đây, cha có mua áo mới cho con dự lễ này.” Ông Hồ Văn Bôi kéo tay Hồ Thị Hoa, hồ hởi nói. Việc vận chuyển bên nhà Tường đã xong, cô cũng chạy về.
Mọi người sắp xếp nhé, chỉ ở tạm không cần cầu kỳ lắm đâu, lễ xong sẽ đến phủ mới. Lê Chất vội vàng nói cùng bà và mẹ Tường trong nhà, gọi một toán lính vào phụ giúp. Con phải đi ngay đây, chuẩn bị xây dựng đô thành phải trông coi mọi việc. Lời vừa dứt, bóng cha cô đã biến mất bên cửa.
Hiện tại cha cô đã là Chưởng Hậu quân tước Quận công, một trong năm vị Quận công quyền lực nhất của đất nước này. Người được giao nhiệm vụ trông coi việc xây dựng kinh thành mới của đất nước. Chẳng thể nào liên hệ cha cô với hình bóng người đã lầm lũi rời đi bốn năm trước ở Gia Định. Một toán lính đông đảo hộ tống cha cô rời khỏi thành, lúc sau đã có ba người phụ nữ đến hầu việc cho gia đình cô.
Mệt mỏi do chuyến đi dài, mẹ và bà cô đều nghỉ sớm. Những người hầu mới bận rộn nấu nướng dọn dẹp, Tường chống tay ngồi bên cửa sổ lắng nghe thanh âm từ những ngôi nhà bên cạnh. Bỗng dưng, cô nhớ đến lời của mẹ Hồ Thị Hoa buổi chiều nào: lấy được người như cha con mới là phúc.
Tháng ba của Phú Xuân, gió trời vẫn còn thanh mát. Đã qua những ngày mưa dầm dề, chồi non đang nảy lộc trên các tán cây cao. Hoa nở trắng các triền đồi, bờ sông. Người trong khu thành này đông đúc lại qua, tiếng ngựa xe không lúc nào ngớt. Ở phía bên kia thành, một đoàn người nữa cũng mới vừa đến. Chuẩn bị cho lễ tôn phong, lầu hoa đang được dựng trước ngôi chính điện lẫn khu nhà phía sau nằm sâu trong tường bao dày, có lẽ là cung nội. Mọi thứ chỉ đều mới bắt đầu, dựng xây nên một vương triều.
Hai ngày sau là lễ tôn phong của Vương Thái hậu. Lễ dâng kim sách được tổ chức trước, ba ngày sau mới tổ chức yến tiệc. Gia quyến các quan cùng vào lạy chào Thái hậu ở cung nội. Gia đình Tường đứng ngay sau người nhà của Tiền quân Nguyễn Văn Thành. Con trai trưởng của Tiền quân hơn Tường đôi ba tuổi, những trẻ khác đều còn bé. Phía sau nhà cô là gia đình của Tượng quân Nguyễn Đức Xuyên. Gia quyến của Tả quân đứng ở hàng bên cạnh chỉ có một bé trai nhỏ tuổi là con nuôi của Lê Văn Duyệt được vú bõ dắt đi. Sau họ là một gia đình nói tiếng miền Bắc, có lẽ là gia quyến họ Lê từ Bắc Thành tới chúc mừng.
Hàng người nối đuôi nhau lần lượt vào điện lạy chào chúc tụng Thái hậu ngồi giữa điện, bên cạnh là nhà vua và vị Vương hậu sắp sửa được tấn phong. Các phi tần ngồi hàng thứ, phía sau là các hoàng tử và công chúa. Lạy chúc xong, Tường ngẩng đầu lên, thoáng thấy Ngọc Xuyến vẫy tay với cô.
“Con đến đây.” Thái hậu đưa tay gọi Tường, cho cô đến đứng bên các công chúa. Bà và mẹ cô được cung nhân đưa tới hai bên điện. Chỉ thi thoảng có vài cô con gái nhà quan được Thái hậu gọi lên.
Ngồi đợi một lúc lâu, cô mới thấy Hồ Thị Hoa và mẹ cô dắt hai em trai lên điện. Hôm nay Hồ Thị Hoa không còn mặc áo vải cũ sờn mà thay bằng áo lụa màu xanh phỉ thúy, đeo khuyên tai bạc.
“Hoa đấy à?” Trong sự ngạc nhiên của Tường, nhà vua bỗng lên tiếng sau khi gia đình lạy chúc xong. Ngài ta cười to. “Con bé hàng ngày vào cung chơi đã lớn thế này rồi à?”
“Con lại đây.” Thái hậu liền khẽ gọi. Hồ Thị Hoa đến trước mặt, bà nắm tay cô, quay sang cười với nhà vua. “Chẳng trách ông Bôi hàng ngày đều nhắc đến con gái, khoe với khắp cả đại quân. Con bé này ngoan lắm, khi ta ở Gia Định nó vẫn vào thăm hỏi hàng ngày.”
“Con ở Gia Định vất vả rồi.” Nhà vua gật đầu, rồi cho Hồ Thị Hoa đến bên các công chúa khác. Cô vừa tới, Ngọc Xuyến đã không nhịn được, nghiêng người tới bên thì thầm thật khẽ.
“Nghe bảo Gia Định đang bị đói.” Ngọc Xuyến thấy Hồ Thị Hoa nhẹ gật đầu thì dùng ánh mắt ái ngại nhìn cô. “Gia đình ngươi khó khăn lắm phải không?”
“Cũng không có gì.” Hồ Thị Hoa vẫn chỉ mỉm cười. Trong ngôi điện lớn, ánh sáng hắt lên mặt cô gần như sắc xanh xám. Cô nói thật khẽ. “Đã qua rồi…”
Lễ chúc tụng xong thì đã trưa. Mọi người ăn yến ở hai bên điện, xem tuồng kịch và các ban hát diễn trong sân. Những cô gái được gọi lại ngồi cùng các công chúa và hậu phi chuyện trò nho nhỏ. Yến tiệc tan, họ kéo nhau ra khoảng vườn rộng phía sau thành. Vườn này mới chỉ đào một cái hồ, đắp một ngọn núi nhỏ bên cạnh hai gian nhà vừa xây.
“Đây là chỗ học của chúng ta mỗi ngày đấy.” Ngọc Anh vừa nói vừa chỉ tay. “Một bên cho các hoàng tử, một bên cho chúng ta. Nhưng nói thế thôi, thường ngày chỉ có hoàng Năm đến học, hoàng Tư mấy tháng nay mới trở về.”
“Kinh thành này chưa có gì cả. Hoàng thượng dẫn quân đi, Quốc thúc ở lại giữ thành đặt đủ điều nghiêm cấm, một bước cũng không ra được. Mùa đông thì lạnh cắt da cắt thịt, mưa gió dầm dề không muốn rời giường nửa bước.” Ngọc Xuyến bất mãn bĩu môi. Cô nắm tay Hồ Thị Hoa giả vờ khóc lóc. “Chán đến mức mỗi ngày ta đều nhớ tới Gia Định, nhớ các ngươi. Ngươi có nhớ ta không?”
Hồ Thị Hoa ngẩng đầu. Trong mắt cô long lanh sóng nắng, cô trả lời nhẹ như gió thoảng.
“… Nhớ.” Tường quay đầu lại, đúng lúc thấy Nguyễn Phúc Kiểu đến sau lưng Ngọc Xuyến.
“Các ngươi ở trong cung với ta một đêm đi.” Ngọc Trân khẽ đề nghị. Nhưng Hồ Thị Hoa lắc đầu.
“Đêm nay trong cung hẳn mở yến mừng Thái hậu, mấy ngày nữa là lễ cho Vương hậu, mọi người đều rất bận.” Cô lướt mắt qua Nguyễn Phúc Kiểu đang nghiêng đầu thì thầm với Ngọc Châu. Phía sau, các hoàng tử và công chúa nhỏ chạy ào ra, cùng chơi trò đuổi bắt xung quanh hồ. Một lúc sau, các cung nhân đem tới vài cái cần câu.
“Ở đây chúng tôi chỉ biết ngắm trăng và câu cá thôi.” Ngọc Quỳnh cười bảo. “Hôm nay trong hồ có thả một con cá đỏ, xem ai câu được mừng cho Thái hậu.”
Lấy cần câu, Hồ Thị Hoa và Tường đi đến khúc hồ sau hòn giả sơn. Ngồi một lúc, thấy con bướm bay qua, Tường liền chạy đi đuổi bắt. Bắt được con bướm, cô trở về thì chợt nghe tiếng thì thầm khe khẽ sau hòn giả sơn.
“Cậu đến Đông Kinh rồi có tới vùng núi phía Bắc không?” Nghiêng đầu qua, Tường loáng thoáng thấy bóng người ngồi cạnh Hồ Thị Hoa.
“Không, ta chỉ qua Kinh Bắc một khoảng để đón tù…” Nguyễn Phúc Kiểu trả lời, cậu ta vẫn còn kể tiếp về chuyến đi miền Bắc của mình, nhưng Tường đã quay đi. Ngồi thừ người trên bậc thềm một lát, cô nhất quyết vòng trở lại.
“Chị Hoa!” Tường gọi lớn. Hai người quay đầu nhìn cô, nhưng chẳng ai có vẻ ngạc nhiên. Tường sà đến, khoe con bướm vừa bắt trong tay. Nguyễn Phúc Kiểu đứng lên rời đi.
“Chờ ta nhé.” Bàn tay cậu ta dường đã phất nhẹ qua má Hồ Thị Hoa.
Hồ Thị Hoa cười với Tường, rồi quay lại với cái cần câu vẫn yên lặng bất động. Ngả đầu nghiêng dựa sang cái cây bên cạnh, cô khép mắt nghỉ ngơi. Nhìn bóng Nguyễn Phúc Kiểu quay lại gian nhà chính xa xa phía bên kia sân, Tường cắn môi.
Nắng mờ lọc qua tán lá mỏng, khiến làn da Hồ Thị Hoa gần như trong suốt. Trong bộ áo xanh, trông cô càng tái nhợt hơn.
Bọn họ không hiểu, Tường nhìn những cô cậu bé trong khu vườn, kể cả bóng áo gấm đã bước qua cổng lớn mà thầm nghĩ trong phiền muộn. Gia Định đói, họ hỏi, và quên ngay sau đó. Họ không hiểu suốt một năm ròng, nối tiếp sau ba năm chiến tranh liên tục, người ở nơi ấy đã phải chống chịu như thế nào. Cả gia đình sáu người chỉ còn trông chờ vào một phụ nữ và đứa con gái nhỏ. Đứa trai bé hơn đã phải tạm nghỉ học, không còn ai muốn vá may, sự quen biết chỉ giúp Hồ Thị Hoa xin được công việc giữ các kho sách và công văn trong chính khu thành Gia Định. Cô phải thu dọn các công đường sau khi đóng cửa, trở về nhà khi đã mờ mịt tối. Trong bộ áo rách và tro bụi, không ai nhận ra con gái của vị Khâm sai Chưởng cơ vừa được phong tặng.
Cậu ta cũng không hiểu, những lúc cô ấy ngồi xuống bên bậc cửa, đột nhiên rơi nước mắt. Cô ấy đáng lẽ phải là nắng, là hoa, là những ngọt ngào ấm áp nhất của đời người.
Những lúc ấy, cậu ta không có mặt, chỉ có cô ở cạnh cô ấy. Chỉ có cô giấu giếm bà và mẹ, kể cả nhà cô ấy, để len lén bỏ vài nắm gạo vào khạp. Chỉ có cô đi theo cô ấy ở những nơi đầy kẻ lạ, chờ cô ấy cùng trở về. Chỉ có cô cùng cô ấy chia nhau từng hạt bắp ngô bên bếp lửa. Chỉ có cô ở bên cô ấy trong những đêm lạnh lẽo nghe tiếng mưa. Chỉ có cô ở bên nhìn cô ấy rơi nước mắt trong những buổi hoàng hôn quạnh quẽ.
Đã qua rồi, cô ấy bảo. Khi rời khỏi cung điện, ra khỏi thành để ngắm nhìn hoàng hôn rực rỡ cuối dòng sông, nhìn mùa xuân trên mảnh đất xa lạ, Hồ Thị Hoa cười nói, nơi này thật là đẹp. Còn Tường thì nghĩ, cuối cùng họ đã có một chốn dừng chân.
Ngay cả ông Hồ Văn Bôi cũng cho là thế. Tháng bảy, những dòng sông hộ thành đã đào xong, địa hình kinh đô đã cơ bản hoàn thành, gia đình Hồ Thị Hoa chuyển về một căn nhà ở làng Xuân Lộc bên kia sông Tả Hộ thành. Ông Hồ Văn Bôi bảo, ta muốn về hưu.
“Bốn năm liên tục ở ngoài chiến trường, xương ta đã rệu rã cả rồi. Bây giờ được hoàng thượng tưởng thưởng cho chức Khâm sai Chưởng cơ dù vẫn chỉ là Vệ úy quản năm trăm tên lính, ta còn mong muốn gì đâu chứ.” Vừa khuân đồ đạc xuống thuyền, ông Hồ Văn Bôi vừa cười nói với các con. “Ta cả đời bôn ba xa gia đình, bây giờ đến lúc phải ở nhà với các con thôi.”
“Hoàng thượng nói sao ạ?” Em trai Hồ Thị Hoa tên Lưu hỏi. Ông Hồ Văn Bôi suy nghĩ một thoáng rồi đáp.
“Ngài bảo cuối năm nay còn phải ra Bắc một lần nữa để nhận sắc phong của nhà Thanh, đầu năm sau là về thôi. Bao năm nay ta đã theo ngài rồi thì đi một lần cho trót.” Ông Hồ Văn Bôi để cái bao lớn xuống trước cửa nhà, vẫy Hồ Thị Hoa lại, đưa ra cái túi nhỏ. “Nghe nói ta có nhà mới, trong cung cho ta hạt giống sen quý, bảo rằng là loại sen trắng ở đây không có đâu. Ta không rành mấy chuyện trồng hoa, con xem đang mùa hạ gieo xuống hồ thế nào.”
“Ai cho cha vậy ạ?” Hồ Thị Hoa mở túi, trút những hạt sen ra tay. Cô lại không có vẻ ngạc nhiên khi nghe câu trả lời của cha.
“Ông hoàng Tư đấy. Cậu ta vẫn có hứng thú với đủ thứ kỳ lạ rồi còn gì.” Ông Hồ Văn Bôi cười ha ha. “Cậu ấy bảo sen này có hơi khó trồng, nếu không trồng được thì hỏi cậu ấy.”
“Không trồng được thì ném đi.” Ở bên cạnh, Tường lầm bầm khẽ. “Đến nơi này phải qua sông mà không có cầu, ai cần cậu ta tới?”
“Chị sẽ trồng lấy hạt sen cho em ăn.” Nghe câu nói, Hồ Thị Hoa bật cười. Cô nắm tay áo cha, phác tay. “Nếu bây giờ trồng thì sau khi cha về đã có chè sen. Sau này cha về hưu thì nhà chúng ta trồng hoa và rau trái mỗi ngày đem ra chợ bán.”
“Nhà em vừa được tặng mấy cây trầu, em đem sang cho chị trồng ở rào nhé.” Tường nói. Mẹ cô quả thật chẳng hề có kiến thức hay hứng thú nào với công việc nhà nông, cha cô càng chẳng để ý tới. Sau khi gọi người đến thiết kế ngôi phủ lớn, cha cô đã để mặc đám cây được tặng trước nhà.
“Em bảo đến đây có sông không có cầu mà.” Hồ Thị Hoa hất cằm trêu chọc. “Cô chiêu nhà Quận công mỗi lần đi thuyền hoa ngang đây sẽ vào nhà đòi trầu têm cánh phượng cho xem.”
“Em làm cường hào đòi cả hoa, cả hạt, tất cả những thứ chị trồng.” Tường cũng cong môi đáp, đi theo Hồ Thị Hoa vào nhà. Phủ đệ nhà cô mới được lập nhưng Lê Chất cha cô vẫn thường xuyên không có nhà, bà cô đã quay về Bình Định, mẹ cô chìm đắm trong những trang sức và quần áo mới được tặng thưởng cùng lời chúc tụng của người bên ngoại. Vậy là cô vẫn bám theo Hồ Thị Hoa hầu như mỗi ngày.
Làng Xuân Lộc có khá nhiều người di cư như nhà họ Hồ, họ lại lập một khu xóm nhỏ, cùng bắt đầu cuộc sống mới nơi miền đất xa lạ. Sau gần một tháng, những chồi sen non đã mọc cao trong chum nước trước cửa nhà, kinh thành lại bắt đầu một cuộc chuyển binh mới đưa nhà vua ra Bắc nhận sắc phong. Nhưng ở ngôi làng bên sông, họ chỉ trồng những mầm cây mỗi ngày, nghe tiếng lao xao của những đoàn thuyền qua lại, ngắm ánh hoàng hôn mỗi chiều hắt đến từ bên kia dòng nước, cùng nhau đọc sách và kể chuyện. Những đứa em trai gái đều đã tương đối lớn để chăm sóc nhau, Hồ Thị Hoa có nhiều thời gian hơn cho mình. Lần đầu tiên cầm bút viết lên trang giấy, Tường lại có cảm giác xúc động như thể đã vẽ nên cả thế gian. Mùa thu tới, Hồ Thị Hoa thích thú ngắm nhìn lá vàng chuyển sắc, mưa thu lặng im bao phủ ruộng đồng tĩnh mịch, đàn cò trắng đậu bên bờ nước. Mùa đông, bọn họ co ro bên bếp lửa nhìn mưa gió rỉ rả suốt cả ngày dài. Khóm cúc nở bên bờ giậu đẫm mùi mưa, hương nhu thơm ngát ngoài cửa sổ.
Nhưng một ngày, thuyền quân đậu trước cửa nhà Hồ Thị Hoa. Nguyễn Phúc Kiểu vẻ mặt ngưng trọng bước xuống thuyền. Sau lưng cậu ta, quân lính khiêng xuống một cái hòm lớn phủ vải. Nhóm người đi sau cùng bê tráp đựng bộ áo mũ. Ở thuyền bên cạnh, những viên tướng đồng bạn trong quân của ông Hồ Văn Bôi lần lượt đi xuống.
“Khâm sai Chưởng cơ Vệ úy Hồ Văn Bôi đã qua đời.” Nguyễn Phúc Kiểu lặng lẽ nói với mẹ Hồ Thị Hoa, đỡ lấy tay bà đã khuỵu xuống. Bà lại đã có mang đang vào những tháng cuối. Cậu ta toan nói thêm điều gì đó, nhưng cuối cùng im lặng trước ánh mắt của cả gia đình.
Trừng trừng nhìn cái quan tài như không thể tin được điều vừa nghe, hồi lâu sau bác gái mới òa lên khóc. Nguyễn Phúc Kiểu vừa đỡ người vừa ra hiệu cho quân lính đưa quan tài vào nhà. Hồ Thị Hoa bước tới ôm lấy mẹ cô trong khi ba đứa trẻ lớn níu cỗ quan khóc thét.
“Đưa bác vào nhà sau đi.” Nguyễn Phúc Kiểu nói khẽ với Hồ Thị Hoa. Lính sau lưng cậu ta đang tiếp tục đem đồ tang chế xuống thuyền. Đứng ở ngoài, Nguyễn Phúc Kiểu cùng các tướng xếp bày tang lễ. Hồ Thị Hoa pha cho mẹ một chén nước đường, chậm chạp khụy xuống bên giường, mắt ráo hoảnh nghe tiếng khóc thê thiết của mẹ và bốn đứa em.
Ngơ ngẩn một lúc, cô đứng lên đi ra nhà ngoài, nơi cỗ quan của cha cô đã được đặt giữa nhà, bàn thờ được lập đã nghi ngút khói hương. Ngoài sân, lính đang xếp bàn ghế cho người đến viếng, dựng nghi trượng. Những người bạn lính của cha cô đang bàn tính việc ở một góc phòng, người khác dỗ dành mấy đứa trẻ nhỏ. Hồ Văn Lưu gạt nước mắt mà sửa soạn lau dọn nơi để quan của cha. Thấy cô, có người lên tiếng hỏi về việc chọn nơi chôn cất. Hồ Thị Hoa lắng nghe họ, gật đầu. Một lúc sau, bình tĩnh lại, bác gái cũng đi ra nhà ngoài bàn việc. Ngôi nhà chẳng có thân nhân, mọi thứ được quyết định rất nhanh.
Đến chiều, người lần lượt ra về. Tường xua tay nói người hầu trong phủ đưa thuyền về trước để cô ở lại. Một nhóm lính được cắt đặt trước nhà để canh giữ linh cữu. Nguyễn Phúc Kiểu cũng ngồi bên cửa nhìn Hồ Thị Hoa quỳ cạnh linh cữu, dựa lưng vào tường mà mắt mông lung hướng lên ánh đèn phía trên bàn thờ. Khẽ bảo mẹ đưa hai đứa em trai đi nghỉ, cô cứ ngồi như thế cả đêm.
“Đi nghỉ đi!” Đêm đã khuya, đoán chừng đã hết kiên nhẫn, Nguyễn Phúc Kiểu đứng dậy nói. Cậu ta đến cạnh nắm lấy cánh tay Hồ Thị Hoa. “Mai còn phải tổ chức tang lễ, đi nghỉ đi.”
“Đi?” Môi Hồ Thị Hoa mấp máy. Cô co chân sát hơn vào mình, khoanh tay ôm lấy đầu gối. “Đi đâu bây giờ?”
Đến lúc ấy, cô mới rơi nước mắt. Run rẩy ôm lấy mình, cô cắn môi nức nở.
Chậm chạp, Nguyễn Phúc Kiểu choàng tay ôm lấy cô.
Nhìn bóng ngọn lửa ban thờ chập chờn trên bóng hai người, Tường lần đầu tiên nhận ra, cô căm ghét Nguyễn Phúc Kiểu. Cô căm ghét tất cả mọi thứ về cậu ta.
Đáng lẽ, Hồ Thị Hoa phải là cô bé xinh tươi trong vắt như nắng mai hôm ấy.
Đáng lẽ, Hồ Thị Hoa phải là cô bé với mộng ước được bay đi mọi phương trời hôm ấy.
Đáng lẽ, là cô ấy có thể bay đi.
Trong những buổi hoàng hôn ấy, cô biết cô ấy nghĩ đến điều gì. Khi đến nơi đây, cô biết cô ấy trông đợi điều gì. Nhưng đáng lẽ, cô ấy cũng chỉ cần đứng bên dòng sông này, mỉm cười nhìn kinh thành hoa lệ đang được dựng xây, những vòng vây cùng hố bẫy trùng trùng đang hình thành. Cô ấy không bao giờ có thể là một phần của nó, cô ấy chỉ đang ngắm nhìn một giấc mộng đẹp thiết tha.
Đáng lẽ, ngay lúc này cô ấy cũng đã có thể bay đi. Nhưng cô ấy lại không biết nơi mình muốn đến. Nhưng cô ấy đã bị bỏ lại trên mảnh đất xa lạ này, buộc phải nắm lấy bàn tay gần nhất.
Đáng lẽ, có những giấc mộng không nên được hình thành.
Nguyễn Phúc Kiểu là người sống trong giấc mộng, những năm tháng sau này, cô nói. Giấc mộng của cậu ta, đưa tất cả vào hủy hoại.
Chú thích:
[1] Đăng Hoàng Hạc lâu tác của Lê Quang Định