- Vân ảnh đê hồi du tử mộng, trúc đê bao duệ cố nhân phong[1]
(Mộng lãng khách quay về che thấp, đê trúc lay mềm gió cố nhân)
Đêm hôm ấy về nhà trọ, y đang ăn tối thì lại thấy bóng dáng cô bé áo tím kia lững thững đi vào. Y xua tay ra hiệu đợi xong bữa cơm, cô ta liền ngồi ghé lên sập bên cạnh, tiện tay nhặt mấy thứ y đã đổ trong giỏ ra sập. Ngoại trừ xâu chuỗi, viên hổ phách, mấy đồng xu cùng vài miếng bạc lẻ chỉ còn mảnh lá thị đang khô.
“Ngươi nhặt thứ này về làm gì?” Cô bé hỏi. Y liếc mắt nhìn qua, nhai xong mới đáp.
“Có một cây thị trong phủ Kiến An công, ta nhớ hoàng thượng cũng thích cây này nên định nhặt về hỏi xem có liên quan gì không. Trước hoàng thượng làm thơ bảo cây này có ý nghĩa gì đó.” Y chưa nói hết câu đã nghe tiếng cười nhạt.
“Vì thích nên mới cố gán cho nó ý nghĩa, chứ sự vật trên đời vốn có nghĩa gì đâu.” Cô bé xoay cuống lá giữa hai ngón tay, nhìn bóng lửa loang loáng trên tường. “Người ta cũng chỉ tự tìm lý do cao quý cho mọi việc của mình, chứ bản thân có giá trị gì đâu. Người ngươi nói thì trồng thị trong khu vườn xây chữ Vạn, vừa đắp mộng cho mình vừa khinh rẻ cả thế gian, trong khi thế gian tin là thế thật.”
“Theo thuyết cô nói thì là người ta nhìn thấy đúng những gì mình muốn thấy đấy.” Y cười nói. Cô bé buông chiếc lá, quắc mắt nhìn sang, y liền cắm cúi vào bát cơm ăn dở.
“Chiều nay ngươi đi dạo Phú Xuân à?” Yên một lát, cô bé chợt cười, y nghe trong giọng cô ta không mấy ý tốt lành. “Có gặp Lê Văn Đức không?”
“Ông ta đang ở Kinh sao?” Y hỏi lại. Mấy ngày trước thì cái tên ‘Lê Văn Đức’ với y chỉ là của một người xa lạ thỉnh thoảng được nghe nhắc tới, y cũng chẳng buồn tìm hiểu ông ta đang ở đâu trước khi đến đây, vốn nghĩ ông ta vẫn còn nhậm chức tại phương Bắc.
“Vừa mới về, bị giáng xuống Thị lang vì để sổng một tên can phạm tên Nguyễn Quảng Khải, bè lũ Nông Văn Vân. Mấy năm trước bọn Nguyễn Quảng Khải đường cùng ra hàng, nhưng nhà vua không tin tưởng chúng nên ra lệnh bắt giam lại, bọn giải tù làm hắn trốn thoát trên đường áp tải về Kinh, kể cũng họa vô đơn chí. Nguyễn Quảng Khải trốn tiệt sang Quảng Tây, mấy năm nay dằng dai mãi không bắt được nên Lê Văn Đức phải đưa đầu chịu báng. Hiện Lê Văn Đức đang trông coi Thủy sư kinh kỳ, nhà vua vừa muốn tập chiến thuật thủy chiến mới của Tây, vừa muốn đóng tàu hơi nước, nên chức Thị lang cũng chỉ là ngoài mặt thế thôi, quyền bính ông ta vẫn như cũ.” Ác ý là lạ trong giọng nói, ánh mắt cô bé vẫn không giảm bớt, mắt cô ta sáng lấp lánh trong ánh đèn. “Thật ra thì toàn bộ kinh kỳ này hiện thời đều do Lê Văn Đức xây dựng đấy. Năm ấy xây cổng Ngọ Môn, cửa Đại Cung, điện Thái Hòa, Lê Văn Đức chính là Thượng thư Công bộ trông coi mọi việc, xây xong thì ông ta mới lên đường tới Ninh Bình đánh Lê Duy Lương. Trước khi bị giáng chức thì ông ta đang làm Thượng thư Công bộ kiêm Lại bộ, coi quản toàn bộ công việc kinh đô. Bây giờ xây lầu hoa đón Ngũ tuần khánh tiết, ngươi cứ dạo vòng quanh chân thành là gặp ông ta thôi.”
Y im lặng ngồi ăn. Hồi lâu không thấy động tĩnh, cô bé lại hừ nhẹ.
“Ngươi không định tới tìm Lê Văn Đức hỏi về người bạn cũ à?” Dường đây mới chính là mục đích của cô ta khi nói những chuyện này.
“Không.” Trái với ý nghĩ của cô ta, y lắc đầu. “Có những người chỉ cần biết họ ổn là đủ rồi. Những người ở Phiên An năm đó, còn sống thì tất cả sẽ đều ổn thôi.”
Gặp nhau để làm gì? Y định nói nhưng đã kịp ngừng lời. Như một vết thương cũ vừa bị khơi dậy, những tội lỗi, bất lực, chua xót khi xưa lại hiện lên như nhìn vào một tấm gương. Y đã không thể cứu mẹ con Ba Lộc, đã bỏ họ mà đi, thậm chí không biết họ đã bị xử tử trước khi thành Phiên An được thu phục, ngay sau khi Vũ Vĩnh Lộc bị bắn chết trên thành. Vũ thị đã sống sau cái chết của toàn bộ thân nhân, đã gánh trên vai tội lỗi của toàn bộ dòng tộc, nỗi ám ảnh của hàng ngàn sinh mạng. Chỉ cần có thể tiếp tục sống sau tất cả, y tin rằng nàng ta sẽ ổn. Lê Văn Đức là một giấc mộng của thời thiếu nữ bị giam trong lồng son, giấc mộng có thể đã giúp nàng ta chống chọi lại với mọi bão giông tàn khốc, rồi có được nó hay không đều đã chẳng còn quan trọng nữa.
“Ngươi…” Cô bé cau mày, nhưng không đợi cô ta nói, y đã quay sang, mỉm cười ngắt lời.
“Cố chấp quá không tốt đâu, rồi lại cứ nghĩ rằng thiên hạ ai cũng cố chấp như mình.” Y nhìn bóng lửa loáng thoáng trên khuôn mặt trẻ con đẹp như tranh vẽ, chợt có cảm giác gần như buồn rầu. “Cô bảo, vì thích nên mới đặt ra ý nghĩa, cũng vì có ý nghĩa nên mới thù ghét đó thôi. Trên đời thật ra được mấy thứ có ý nghĩa đâu, chỉ chăm chăm nhìn thấy thứ mình muốn giống như chỉ thấy quả không thấy cành, không chỉ mình khổ sở mà cả cái cây chết luôn vì không được chăm sóc cũng chẳng hiểu vì sao.”
Cô bé cau mày, khoanh chân ngồi nhìn y tiếp tục ăn nốt bữa cơm. Khi y đã buông đũa, cô mới chợt cười.
“Có ai nói ngươi rất giống một người chưa? Người đó bảo rằng, có kẻ ở mãi một chỗ nên chẳng biết gì, lại có kẻ chỉ thấy được mỗi thứ mình muốn, cả hai loại đều không thể nói chuyện được.” Đôi mắt trong trẻo lại sâu tối trong ánh lửa chập chờn, cô nở nụ cười mà y không thể nhận biết được buồn vui. “Còn ta thì bảo, người đó cơ bản chẳng thể nói chuyện với con người.”
“Ta đã bảo, cô không thể lấy toàn thế gian quy vào một người được đâu.” Y đứng dậy xếp chén bát vào rổ, đi ra ngoài súc miệng rửa mặt. Khi y vào phòng, cô bé đã đứng cạnh cửa sổ, nhìn ra mưa thu như sương rì rào trong vòm lá tối đen. Trong thoáng chốc, y thấy như hình bóng cô ta biến thành trong suốt, tan loãng vào bóng tối và làn gió lành lạnh thổi.
Y ngồi lên sập, xếp lại chuỗi hạt và hạt châu, đè mảnh hổ phách lên cái lá thị. Hồi lâu cô bé không quay lại, y liền hắng giọng.
“Ta vừa hỏi được xâu chuỗi này là làm từ xương Lê Trung, có lẽ Hậu quân Lê Chất truyền cho con gái. Năm ngoái kỳ thu thẩm, án của nhà họ Lê đã xử xong rồi, Miên Liêu đem những thứ này đi thanh tẩy hẳn có ý giúp nhà họ được siêu thoát. Oan oan tương báo, thù hận truyền đời trong những thứ thế này không nên lưu cữu làm nhọc lòng người sống.” Y vừa nói hết đã thấy cô bé quay đầu. Vẫn giữ nụ cười là lạ trên môi, cô ta đi đến ngồi trước mặt y, nhặt hạt châu rơi tung nghịch trong bàn tay.
“Đạo sĩ lưu manh, ngươi đi thuyết pháp lừa đảo nhiều nên ăn nói trơn tru nhỉ? Nhưng ngươi thì hiểu cái gì?” Cô đột nhiên trừng mắt, đổi giọng. “Oan oan tương báo? Chẳng có cái gì là oan oan tương báo trong này hết!”
“Có phải người ta nói với ngươi rằng cha vợ là Lê Trung bị Tây Sơn giết chết, Lê Chất lưu chuỗi hạt xương này nhằm quyết ý báo phục? Nhưng người ta có nói cho ngươi rằng Lê Trung còn một người con trai tên Lê Văn Từ? Người này sau khi cha bị xé xác treo lên cổng thành thì vẫn phục vụ Tây Sơn, trong đoàn quân của Quang Toản. Năm đó Lê Văn Từ đi theo Trần Quang Diệu bao vây Bình Định, bị Thế Tổ dẫn quân bọc hậu đánh chiếm Phú Xuân, ông ta được Trần Quang Diệu sai đem binh về Phú Xuân cứu viện. Nhưng tất nhiên, thành thì không cứu được, Lê Văn Từ thì bị bắt. Và ông ta trở thành Vệ úy Tiền phong dinh, sau thăng Chưởng cơ, làm Trấn thủ Biên Hòa!” Cô bé cười ha hả, hạt xương vẫn tung giữa những ngón tay. “Ha ha, oan oan tương báo, lại là mấy lời tuồng kịch của bọn kép hát thích ai thán thương sầu! Lại có ai nói cho ngươi biết, trước khi Lê Trung bị giết, Lê Chất đã liên lạc với quân Nguyễn tính bề dâng thành làm phản? Sau khi Lê Trung chết, Lê Chất tìm một người bạn là Lê Văn Thanh đang làm Tổng quản thành Bình Định để nương nhờ, được ông ta che giấu với cả triều đình Tây Sơn lúc ấy. Để rồi khi quân Nguyễn đến vây thành, Lê Chất tiếp tục đem toàn bộ hạ quy phục, đánh giết quân tiếp viện, dâng thành cùng Lê Văn Thanh cho kẻ địch.
“Lại nói, ngươi có biết Lê Trung vốn là người Phú Xuân không[2]? Ở thời Nguyễn Huệ không ai nghe tên thấy tiếng ông ta, sau nhờ kết bè cùng nhóm tướng trẻ như Trần Quang Diệu dưới bóng Bùi Đắc Tuyên mà đột nhiên giữ chức Tư lệ, đường đường nghiễm nhiên đứng dưới Tứ trụ đại thần. Nguyễn Nhạc vốn do bọn Lê Trung, Ngô Văn Sở bức chết trong thành Bình Định đấy. Và Lê Chất người Phù Ly, Bình Định, cũng đi theo Lê Trung từ dạo ấy đấy.” Cô bé ném hạt xương xuống sập, may mắn y nhanh tay chụp kịp. “Oan oan tương báo? Ngươi nói ai oan trong đám người ấy?”
“Trách trời, giận vua, oán mẹ cha, toàn những lời phẫn hận của bọn kịch tuồng nhằm lôi kéo theo một đám vô loại không làm được gì cho đời rồi đổ lỗi cả thế gian! Kẻ nói ra những lời ấy, nhắc đi nhắc lại chúng như lời kịch diễn trên sân khấu, nào có biết mẹ cha lẫn trời đất là gì. Cái gì cũng dám bán, vì lợi mà thứ gì cũng dám phản, huống chỉ có trời thôi đâu!” Cô bé lại ngặt nghẽo cười. “Rồi chúng lại nói như thể mình đáng thương nhất thế gian, như cả thế gian bức ép tàn ngược chúng. Trời đất, vua chúa, cha mẹ không bị chúng bán đi đã là phúc lớn rồi.”
“Con gái Lê Trung, vợ của Lê Chất thì sao?” Chờ tiếng cười lặng xuống, y hỏi. Cô bé ngước mắt nhìn ra cửa.
“Trước bà ta bị phán tội đồng mưu bạn nghịch phải trảm quyết, nhưng sau thu thẩm năm ngoái thì đã tha rồi. Bà ta đem xác con trai về quê chôn cất.” Lại một tiếng cười ngắn khàn khàn. “Bà ta bảo, mấy mươi năm nay từ đỉnh đầu đến gót chân da tóc đều do triều đình ban cho, tội của chồng tôi là tội của tôi, sống chết thế nào cũng vâng. Mới nghe tưởng đâu là trung thần liệt nữ, nghĩ kỹ thì dù thế nào cũng thấy sai cả.”
Ngọn đèn cạn dầu kêu xèo xèo mấy tiếng, y vội đứng lên tra dầu vào đèn. Chống tay lên bàn ngẩn người nhìn bóng lá cây đong đưa ngoài vườn, nghe thanh âm mưa thu rỉ rả lao xao, y cũng không biết phải nói gì.
Cảm giác đúng như năm xưa y đối mặt với Vũ thị, chẳng thể làm gì cho cuộc đời của nàng ta, cũng chẳng thay đổi được bất cứ ai. Bao năm qua đi, y nghĩ mình đã trưởng thành, đã thông hiểu con người, nhưng rốt cuộc y vẫn bất lực trước bức tường thành của lòng người.
Có khi y đã từng nghĩ, năm xưa nếu y liều lĩnh đưa tay cho Vũ thị, kết quả có thể đã đổi thay? Nhưng rồi y biết rằng không phải, dù là Vũ thị sau cánh cửa của buổi trưa hè nọ hay Vũ thị với nụ cười trong suốt đêm ấy, nàng ta cũng vĩnh viễn không đi theo y. Lê Văn Đức chẳng phải điều quan trọng, đó chỉ là giấc mơ của con chim trong chiếc lồng son. Dù lồng có mở, nó cũng chẳng dám bay đi. Và sau này, khi chiếc lồng tiêu biến, đôi cánh cùng trái tim của nó cũng đã mang đầy thương tích. Chiếc lồng ấy, vốn dệt nên từ chính trái tim và đôi cánh của nó.
Như Mạc Hầu Hy đã lấy cái chết để giải thoát cho y, nhưng y vẫn quay lại. Y không phải là vị vua lẫn những viên quan tài năng cái thế nọ để hoạch định và mơ ước đến những điều lớn lao, y chỉ là không thể bỏ đi. Khoảnh khắc những song lồng bị cắt đứt, cũng là lúc trái tim y rướm máu, đau đớn hơn cả chết.
Và sự sống sau đó trở thành cuộc phiêu bạt không chốn dừng chân trên những miền đất xa xôi. Đôi khi thức giấc, y vẫn cảm thấy cuộc sống này trở nên không thực một cách kỳ lạ, như y là bản thể duy nhất tồn tại, không có cả quá khứ lẫn vị lai. Trên thế gian lao xao như lá rừng mùa thu đêm cô tịch.
“Chiều nay ta đã đến chợ Gia Hội đầu sông Hương.” Hồi lâu, y lên tiếng phá vỡ sự im lặng. “Bên sông có một phủ nhỏ họ Hồ, ta nghĩ là nhà của thân nhân Thần phi, cũng là nơi bà ấy mất.”
“Ta đã giả làm người ngắm hoa sen, xin đứng trong vườn một lúc.” Y quay nhìn, thấy ánh mắt cảnh giác của cô bé, liền mỉm cười, giơ ngón tay út lên. “Trước cô đã chỉ ta rồi mà, chỉ cần cho thêm chút máu, rồi ta sẽ thấy.”
“Ngươi nhìn thấy gì?” Cô bé trầm giọng, y nghe như cô ta đang hoảng sợ.
“Cây thị. Có một cây thị trong thành Phiên An, phía sau hậu điện. Ta nhớ nơi đó trước xây Thái miếu, nhưng Thế Tổ chuyển về Phú Xuân đã cho dỡ khu nhà ấy.” Y chậm rãi nói, nhìn vẻ mặt của cô bé chầm chậm biến đổi. “Các người ở kinh thành này, chẳng có ai thực thà cả.”
Những đường nét trên khuôn mặt cô ta rõ ràng đang biến đổi, như thể có hai khuôn mặt hòa lẫn vào nhau. Y cho rằng mình biết khuôn mặt thứ hai ấy, y đã nhìn thấy nó trong ngôi nhà ở đầu sông, trong ký ức còn sót lại của vị phi tử đã qua đời ba mươi năm trước. Y luôn biết, cô ta không phải là cô bé rạng rỡ như ánh dương kia.
Đôi mắt sáng long lanh, nụ cười ngọt ngào tựa mật, cô bé chừng mười tuổi đứng trước cây thị lớn, vẫy tay gọi. Nắng phương Nam mùa hạ chói rực trên trời cao, chiếu qua tán cây dày, óng những quả thị non vừa kết. Tường gạch hồng, mái ngói lưu ly, cỏ xanh len nền đá lát, thành Phiên An trong những năm tháng đẹp đẽ nhất thơm ngát hương cỏ hoa. Ký ức sáng trong rạng ngời đến xót đau đáy mắt.
Trước cô là một cô bé nhỏ chỉ chừng bốn năm tuổi, vừa đen vừa gầy, gương mặt với những đường nét nhàn nhạt bình thường khó cho người nhớ nổi. Cả hai cô đều mặc áo vải thô nhuộm chàm đã bạc sờn, nhưng cô lớn mang đôi dép cỏ trong khi cô bé đi chân không. Thấy cô lớn vẫy tay gọi, cô nhỏ vẫn chậm chạp đi tới, chẳng có vẻ hứng thú vui tươi, thậm chí trong đôi môi mím chặt, cô đã thoáng nét lạnh nhạt bẩm sinh.
“Trái thị chưa chín, tiếc quá.” Cô bé mà y biết chính là Hồ Thị Hoa ngẩng nhìn tán cây nói với chút tiếc rẻ. Cô nhỏ kia dừng trước cây thị, cau mày quan sát xung quanh, khuôn mặt chẳng tỏ vẻ gì. Thấy thế, cô bé Hồ Thị Hoa liền phác tay liến thoắng. “Trong đây là Thái miếu thờ tổ tiên nhà chúa, chỉ mở mỗi khi có lễ tiết. Vì vậy nên bình thường nơi này là chỗ yên tĩnh nhất thành.”
“Họ đến rồi kìa!” Khi cô nhỏ vẫn im lặng, Hồ Thị Hoa nghiêng đầu nhìn qua chỏm tóc của cô, cười nói. Mấy đứa trẻ cả trai cả gái đi vào đầu lối ngõ, hai ba đứa vẫy tay đáp lại cô.
“Bé Tường, vừa mới đến ở trong trại quân.” Đám trẻ còn cách bốn, năm bước chân, Hồ Thị Hoa đã hồ hởi lên tiếng, chỉ vào cô nhỏ. “Cha em ấy vừa gia nhập quân ta tại Quy Nhơn, vẫn còn đang đánh nhau ở đó, em ấy cùng bà và mẹ được đưa đến đây trước.”
“Người mới à? Ai thế?” Một cậu bé cười hỏi. Người anh bên cạnh kéo tay cậu ta thì thầm, cậu ta liền liếc mắt qua cô bé tên Tường, nụ cười khó hiểu đọng bên môi.
Thấy cử chỉ ấy, khuôn mặt cô nhỏ càng lạnh lùng. Nhưng bọn trẻ chẳng mấy để ý đến cô, chỉ chào mừng vài ba câu lấy lệ. Một đứa trẻ nhanh nhảu nhảy lên cây bứt từng nắm lá thị ném xuống, bọn trẻ nhao nhao tranh lấy lá đẹp túm vào vạt áo. Cô bé Tường yên lặng bị đẩy sang bên.
“Cậu Tư, tranh lá với chúng tôi làm gì?” Hồ Thị Hoa nắm vai áo cậu bé vốn chính là hoàng Tư Nguyễn Phúc Kiểu, cau mày. “Chúng tôi không có giấy viết mới phải dùng lá, cậu đến giấy Tuyên Thành gấp chơi còn được, không biết xấu ra đây tranh với chúng tôi!”
“Ta không thích giấy Tuyên Thành, chỉ thích tranh với ngươi có được không?” Nguyễn Phúc Kiểu cười, nhanh tay cướp thêm vài chiếc lá ngay trên đầu cô bé. Cậu ta vốn cao hơn Hồ Thị Hoa, số lá trong vạt áo đã nhiều hơn gấp đôi.
“Vậy tôi cướp của cậu!” Hồ Thị Hoa chụp một nắm lá trong vạt áo cậu bé, nhanh nhảu bỏ chạy sang bên. Đến trước Tường, cô xòe nắm lá cho cô bé kia. “Em giữ lấy mà tập viết.”
“Chúng tôi không có tiền mua giấy mực, mà học chữ thì phải viết đi viết lại nhiều lần mới nhớ. Lá thị này vừa dày vừa rộng, chỉ cần vạch que nhọn là có thể viết như thường.” Hồ Thị Hoa kéo Tường ngồi xuống cạnh bọn trẻ cũng đang lục tục tìm chỗ ngồi dưới gốc cây thị. “Chỉ có mấy người được đi học thôi, rồi ai biết chữ nào chỉ cho nhau chữ ấy. Em không biết gì cũng không sao, chữ nghĩa chỉ cần chăm chỉ là học được.”
“Cho em ấy học từ đầu nhé.” Nguyễn Phúc Kiểu lấy trong áo ra một cuốn sách nhỏ, ném sang cho Hồ Thị Hoa. Cô nhét que tre vào tay Tường, mở sách giảng giải thể thức viết chữ cho cô bé. Ngón tay Tường loay hoay mãi không nắm được que tre.
“Tại sao phải học những thứ này?” Nắm mãi mà que tre vẫn rơi khỏi tay, Tường cau có nói. Cô chị tên Hoa này vừa thấy cô đã tít mắt cười, kéo cô bảo vào cung chơi, không ngờ là đi học chữ. Mẹ cô bảo chỉ có con trai mới được học, thậm chí người theo võ nghiệp như cha cô còn chẳng cần biết chữ.
“Học để làm quan lớn, phải không, Đức?” Một cậu bé cười ha ha, quay đầu nhìn cậu nhỏ khác chừng sáu, bảy tuổi. Cậu ta đỏ mặt, ra bộ chuyên chú vạch chữ lên cái lá.
“Vì… cậu Tư bảo chúng tôi học.” Nghe câu hỏi, Hồ Thị Hoa cũng hơi ngẩn người, đưa mắt nhìn sang Nguyễn Phúc Kiểu, nhưng cậu ta đã ngẩng đầu ra vẻ đang ngắm mấy trái thị trên cây. Bĩu môi một cái, Hồ Thị Hoa cười. “Cha cậu Tư bảo, không học hành đàng hoàng sẽ giống như cậu ấy, cả ngày chỉ biết lang thang chơi đùa với bọn người hầu chúng ta, rồi bị chúng vẽ vào mặt cho.”
“Không học hành đàng hoàng thì chỉ biết lừa lúc ngủ đi vẽ mặt người khác.” Nghe câu châm chọc, Nguyễn Phúc Kiểu quay đầu lại nói, nhưng không có vẻ giận, thậm chí còn cười. “Hôm trước ta nghe mẹ ngươi bảo, các cô phải học mới lấy được chồng sang, biết ngươi được học mà không phải tốn tiền thì hẳn mừng lắm.”
“Cậu…” Hồ Thị Hoa đỏ bừng hai má, chỉ tay. Mãi không thốt ra lời, cô bất thần ném cả que lẫn lá, toan đứng lên bỏ đi. Tường vội nắm áo cô lại.
“Chị dạy em học với.” Cô bé khẽ khàng nói. Một đứa trẻ thấy thế liền cười ha hả.
“Nghe lấy chồng sang thì em ấy thuận theo ngay rồi kìa! Chị của ta cũng suốt ngày lang thang phố Sài Côn mơ tìm được chồng sang, kéo theo cả đám con gái làng xóm.” Bọn trẻ người hầu này chẳng biết cố kị, còn cười lớn hơn. Tường cũng chỉ ngoan ngoãn mỉm cười, khuôn mặt với những đường nét khép kín chẳng rõ vui buồn. Hồ Thị Hoa quắc mắt nhìn qua đám trẻ, kéo vạt áo ngồi xuống mà cao giọng.
“Học chữ không phải để lấy chồng, kẻo lại lấy ngay được tên cậu ấm chỉ giắt túi mấy chữ mà cả ngày lông bông!” Ném lại phía Nguyễn Phúc Kiểu một cái lườm, Hồ Thị Hoa nắm lấy tay Tường, chỉnh ngón tay cho cô bé. “Người xưa nói, trong sách có nhà vàng, có cả chuyện xưa nay, sông lớn biển rộng, điều hay lẽ phải. Chúa công thường nhắc mọi người phải đọc sách, nhờ đọc sách mà ngài ấy học biết bao nhiêu điều, từ khờ dại trở thành sáng rõ, từ thất bại nắm được thành công, từ chuyện quốc gia đến đối nhân xử thế, kể cả kỹ thuật kiến thức lạ cũng đều phải học từ sách. Phải biết chữ mới đọc được sách, đọc nhiều sách thì người mới thông tỏ.”
“Quả là trò ngoan, nghe gì nhớ nấy.” Bên kia, Nguyễn Phúc Kiểu cười nói, nhưng lần này trong giọng cậu ta không có ý châm chọc. Hồ Thị Hoa mặc kệ cậu ta, mím môi gò nét chữ cho Tường.
Dưới tán cây, bọn trẻ im lặng vạch chữ lên lá, đôi lúc châu đầu trò chuyện với nhau, cười khúc khích. Ngày mùa hạ, nắng sáng rực vàng vòm cây rộng, lưng áo vải thô ướt mồ hôi. Thềm đá lao xao lá rụng, mái ngói lưu ly thơm hương thị mới đơm. Khu vườn tĩnh mịch nằm lọt trong thành Phiên An xôn xao những đoàn quân chiến trận. Năm ấy, cuộc chiến dữ dội diễn ra tại Quy Nhơn, Tây Sơn mất thành vào tay quân Nguyễn.
Bàn tay Hồ Thị Hoa ấm áp, đầu ngón tay nhỏ đã có vết chai. Gương mặt cô ghé nghiêng vạt nắng, mấy sợi tóc tơ lòa xòa óng ánh. Như mật, như hoa, như hương, như ánh dương, như toàn bộ những ngọt ngào đẹp đẽ nhất của đời người. Như giọt nước mắt rơi tan trong nắng.
Mùa hạ năm ấy, chiến trận đang diễn ra ở Quy Nhơn. Chiến tranh bắt đầu vào thời điểm cao trào cam go nhất.
Vòm cây bốn mùa xanh, thu về quả trĩu cành. Ngay cả khi chẳng ai đến, cô bé vẫn ngồi một mình dưới gốc cây, vạch chữ lên lá. Trên bàn tay vẫn còn hơi ấm đượm hương nắng, mãi mãi không tan.
Chú thích:
[1] Mặc Châu giang dạ bạc của Lê Quang Định
[2] Theo Đại Nam liệt truyện ghi chép về Lê Văn Từ, cho biết ông ta là người huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên.