- Bạch lộ điêu linh dương liễu biên, nguyệt quang hà xứ cách sơn điên[1]
(Sương móc trắng điêu linh bên bờ dương liễu, ánh trăng nơi nào bên kia dãy núi xa)
Mưa thu rỉ rả, hơi đất lạnh đắng trong lồng ngực. Y mở mắt, nhận ra ánh đèn lay động chập chờn trên sàn đất.
Y đã ngã gục trong căn nhà nằm ở góc Dương Xuân. Cơn mộng dữ dội qua đi, để lại toàn thân y lạnh toát, run lên không thể kiềm chế. Y nghe tiếng răng mình đánh vào nhau lập cập, ngón tay tê rần.
“Tự bỏ thêm củi vào lò đi, ta không giúp được cho ngươi.” Tiếng nói chợt vang bên y. Cô bé áo tím nọ ngồi bên bàn, đặt tay giữ hai mảnh hổ phách, vừa cười vừa nói. “Ngươi lăn lộn ngàn vạn dặm rồi, còn muốn nằm vạ ở đây à?”
Y gượng ngồi lên, không đi đốt lò mà vớ lấy tấm chăn lớn trên giường quấn quanh người. Trước khi nhảy lên giường ngồi bó gối, y không quên lấy bát cơm trên bàn, dùng tay bốc ăn tiếp. Thấy cử chỉ của y, cô bé kia cười ha ha.
“Ta vốn tưởng ngươi chỉ là một tên đạo sĩ lưu manh, hóa ra xuất thân con nhà thế gia cơ đấy.” Cô kéo dài luyến láy mấy chữ ‘thế gia’ như châm chọc. “Ta còn thấy lạ tại sao có một tên đạo sĩ lưu manh chạy khắp phủ đệ hoàng cung nơi này mà mặt không đổi sắc. Ngươi có khi còn đang tìm cách để bị lôi đến trước mặt hoàng thượng đấy phải không?
“Hoàng thượng cũng đang có chuyện muốn hỏi ngươi đấy.” Thấy y không trả lời, chỉ mải mê ăn, cô bé liền bĩu môi, tiếp tục nói. “Mấy năm nay nghe nói ở Hải Tây có một vị thám tử không tên cực kỳ lợi hại bám sát từng đường đi nước bước của Xiêm, Xiêm chưa động mà tin đã báo về, cứ như người nằm vùng bên cạnh tướng Xiêm. Tháng trước vị thám tử này từ Xiêm về gặp Trương Minh Giảng, kể chuyện nước Xiêm có mưa máu[2]. Nghe kể, hoàng thượng lại hỏi tên thám tử này đi đường nào về vậy? Vùng hoạt động của hắn đáng lẽ ở Hải Tây, hắn ở đất Xiêm thì đi đường Bắc Tầm Bôn bên Tây của Biển Hồ về mới phải. Nhưng hắn lại đi đường từ phủ Lò Gò Vật bên Xiêm xuống Hải Đông ở phía Đông Biển Hồ, cắt ngang cả biên giới Xiêm-Lạp, băng qua cả vùng Biển Hồ như đường chim bay.
“Chỉ tiếc kẻ ấy lại biến mất rồi không hỏi được, hoàng thượng đang bắt các quan tướng Trấn Tây thăm dò vẽ địa đồ cả vùng để tính chuyện về sau. Nếu có chiến tranh, đi đường chim bay như tên thám tử ấy hẳn sẽ thao túng được cả biên giới Xiêm.” Áp má lên tay chống trên bàn, cô bé nheo nheo mắt cười nói. “Nghĩ cũng lạ, nếu là kẻ khác thì hẳn hoàng thượng nhìn địa đồ xong rồi sẽ quắc mắt bảo tên thám tử ấy nói láo, bịa chuyện mưa máu ra dọa người, chứ chẳng đâu bắt cả đám quan tướng phải chạy theo chân hắn như thế. Có vẻ sau này hắn muốn lảm nhảm chuyện gì thì ngài ấy cũng tin đấy. Mà bay từ Hải Tây sang Hải Đông đã là gì, có khi hắn còn vượt qua cả Nam Chưởng đến đây rồi.
“À không, là người của Miên Liêu mời đạo sĩ Trấn Giang nào đó ở vùng Thất Sơn về đây. Tên thám tử kia thì mới từ Hải Đông lượn về Nam Vang nói chuyện với Trương Minh Giảng, có thể vẫn còn luẩn quẩn ở phía Nam chứ chưa quay lại Xiêm, rồi bằng cách nào chẳng biết cải trang thành đạo sĩ Trấn Giang đến nơi này. Nghe nói tướng Xiêm ở biên giới tranh chấp đánh nhau, Phi Nhã Chất Tri lẫn Nặc Giun đều bị bắt về Vọng Các rồi, hắn nhân lúc rỗi việc chạy đi chơi một chuyến.” Cô bé gật gật đầu, vừa ngẫm nghĩ vừa nói. “Vị Trấn Giang đạo sĩ kia vừa có tiền vừa chẳng phải vất vả đến Kinh làm một việc nguy hiểm, hắn vừa có thuyền có người, vừa danh chính ngôn thuận tới Kinh mà chẳng ai dám chặn đường truy hỏi. Giờ thì ta cũng lờ mờ đoán ra người bay từ Hải Tây sang Hải Đông bằng cách nào rồi đấy, hoàng thượng cùng đám quan tướng Trấn Tây còn lâu mới bắt chước được.”
Dứt lời, cô bé lại cười hì hì. Nhưng ăn xong bát cơm, cơn lạnh trong người vẫn chưa lui, y liền quấn chặt chăn quanh người mà nằm xuống giường, nhắm mắt toan ngủ.
“Này, tên đạo sĩ lưu manh kia, có nghe ta nói gì không đấy?” Thấy thái độ y, cô bé đâm bực sẵng giọng quát sau lưng y.
“Cô muốn ta nói gì?” Vẫn nhắm mắt, y đáp. “Việc của cô còn chưa lo được thì đừng bận tâm đến việc của ta.”
“Việc của ta?” Nghe ẩn ý trong giọng y, cô bé cảnh giác hỏi. Y cười khẽ, nhưng không đáp. Im lặng một lúc, cô bé chợt cười. “Những tên bói toán lưu manh như ngươi, ba phần kiến thức bảy phần bắt nọn, làm ra vẻ dọa ma dọa quỷ để lừa người tự khai chứ có gì!”
“Không, ta chỉ thích lừa người chứ lừa ma để làm gì?” Y ngáp vặt trong chăn. “Ta là ai hay muốn làm gì thì cô chẳng ngăn chẳng giúp chẳng ảnh hưởng tới ta được. Mà biết cô là ai muốn làm gì thì ta cũng chẳng cần phải nói với cô, chuyện của cô thì liên quan chi tới ta? Đằng nào cô còn đang phải dựa vào ta, ta cứ từ từ làm việc, tội gì phải vội.”
“Rất liên quan đấy.” Cô bé hừ nhẹ, nói thầm. Nhưng y quay đầu nhìn lại thì cô ta đã biến mất.
Cũng không buồn nghĩ ngợi thêm, y nhắm mắt ngủ thẳng tới sáng. Khi nghe tiếng cửa ngoài bị đẩy mở, y chỉ nhấc chăn, hé một bên mắt để thấy người hầu của Miên Liêu vào phòng.
“Hôm nay tôi không đi được đâu, tôi bệnh rồi. Anh báo với ông hoàng cho tôi nghỉ ngơi một ngày.” Y nhắm mắt rên hừ hừ. Quả thật y vẫn còn cảm giác lành lạnh ngầy ngậy như phát sốt, có lẽ do tiếp xúc quá nhiều với âm khí. Hồn ma vô dụng kia thì chẳng thể giúp đỡ y được mảy may, y chỉ đành nhắm mắt ngủ cho hết đêm.
Nhưng ngoài dự liệu của y, người hầu kia gật đầu.
“Hôm nay thánh thượng làm lễ chia tay các quan được cử đi công cán nước ngoài ở Trường lang đầu sông, các hoàng tử cũng chia đặt đi theo, ông hoàng bảo hôm nay đạo sư không phải đến gặp nữa.” Anh ta có vẻ vui miệng mà nói tiếp trong khi đặt các món ăn trong giỏ lên bàn, thu dọn chén đũa tối hôm trước. “Lần này thánh thượng quyết định cử đoàn sứ bộ hùng hậu vô cùng, thuyền Thụy Long đi Giang Lưu Ba; thuyền Phấn Bằng đi Tam Ba Lăng; thuyền Linh Phượng đi Tiểu Tây Dương; thuyền Tiên Ly, Tường Hạc đi Hạ Châu. Thậm chí có cả nhóm sứ bộ đi Đại Tây Dương nữa, nơi đó xa lắm, năm xưa Bá Đa Lộc từng đưa ông hoàng Cả tới một lần. Đến bây giờ hơn bốn mươi năm rồi chúng ta mới lại cử người tới, nhưng chỉ là đi mua hàng thôi. Hẳn chúng ta là nhóm đầu tiên ở vùng này đến Đại Tây Dương mua bán đấy. Nghe đâu thánh thượng bảo, đi một lần cho biết, sau này cứ thế mà đi giống như tới Lữ Tống, Tiểu Tây Dương mà thôi.”
Quả là người hầu nhà thân vương, chỉ nghe chuyện báo lại đã nhớ không sót lời nào, y thầm nghĩ. Nhờ anh ta đi cắt thuốc hộ, y lại tiếp tục lơ mơ ngủ. Trong mơ, y nghe tiếng nhạc xa xa gần gần, hẳn lễ tiễn biệt ở Trường lang đầu sông Lợi Nông đang diễn ra.
Chẳng biết hôm nay ông ta có phải tham dự lễ không, y đột nhiên nghĩ. Theo lý, khi mọi người trong kinh thành đang bận rộn như lúc này, thì là thời điểm tốt nhất cho các cuộc gặp gỡ không muốn ai hay biết…
Vừa nghĩ đến đấy, y đã nghe đầu ngõ có tiếng người. Cửa nhà mở, Kiến An công bước vào, trong tay cầm một bọc giấy. Y thấy mấy bóng người thấp thoáng sau bụi tường vi, nhưng họ không vào theo Kiến An công.
“Nghe nói đạo sĩ bị bệnh, thuốc của đạo sĩ vừa được mua về đây.” Kiến An công thân thiết cười nói, đặt bọc thuốc có lẽ do người hầu của Miên Liêu mua lên bàn, mắt lướt rất nhanh qua hai mảnh hổ phách vẫn ở đó từ đêm qua. Thấy ánh mắt ông ta, biết chuyện không thể chối được, y đành ngồi lên, bày tỏ một bộ mặt nghiêm trọng.
“Tối hôm qua linh tính mách bảo tôi đi tới bờ sông, bắt gặp… người của nhà ngài ở nơi ấy.” Y không biết cô cháu gái Lê Văn Khôi đang giữ thân phận gì trong nhà Kiến An công, đành giả ngây tiếp tục thăm dò. “Vừa thấy tôi, cô ấy lăn ra ngất xỉu, trong tay cầm viên hổ phách vỡ này. Lúc ấy tôi cảm thấy chúng tỏa làn oán khí u ám đến lạnh cả người, bao trùm lấy cả người nhà ngài. Lại nghe nói ngài lấy nó từ dưới lòng sông, ở chỗ đền thờ hai con ma, năm xưa Tam trưởng công chúa bảo là vật bất tường, còn hại cả Thần phi. Nghĩ thế nên tôi lấy hai mảnh hổ phách này về định làm phép không để nó hại người nữa. Lấy đi nó thì người nhà ngài cũng sẽ ổn, tôi không ở lâu để rắc rối thêm.
“Nhưng oán khí trong mảnh đá này quá lớn, tôi cũng đổ bệnh rồi.” Y ho thêm vài tiếng phụ họa trong khi miệng vẫn trơn tru như bôi mỡ. Hẳn đêm qua người phụ nữ kia về đã kể lại chuyện gặp y rồi ngất xỉu, nhưng không rõ có nói cô ta đã nhìn thấy cái gì sau lưng y. “Người đang có chuyện thương tâm ẩn ức dễ bị oán khí trong này tác động, nhìn thấy những sự vật sự việc kỳ lạ, làm ra những chuyện quái dị, hẳn người nhà ngài cũng thế.”
“Ta nghe nói đạo sĩ do Miên Liêu mời tới, hả?” Kiến An công không trả lời y, chỉ mỉm cười ngồi xuống bên bàn, nhặt một mảnh hổ phách xoay giữa những ngón tay dài. “Miên Liêu chỉ là hoàng tử còn đang ở trong Chí Thiện đường, mỗi một việc một đồng tiền chi dùng cũng bị kiểm soát, làm sao có thể đưa tiền mời đạo sĩ đến đây? Nghe giọng đạo sĩ hẳn là người mạn An Giang, à, Tham tán đại thần Lê Đại Cương ở Trấn Tây vốn là người do cố Hậu quân Lê Chất tiến cử, chịu ơn của ông ấy.”
“Tôi chỉ biết có người đến mời, bản thân vốn là người tu hành trong núi nào biết chuyện thế gian, càng chẳng rõ người trong triều trong tỉnh.” Vì người đi mời xuất phát từ thành Trấn Tây nên y mới biết chuyện bám theo. Vừa hay vị đạo sĩ nọ hạ sơn đến thăm người trong vùng, y trói đạo đồng trong đền lại, giả danh Trấn Giang đạo sĩ để tiếp chuyện, nhận tiền nhận việc. Để tiền lại đền coi như quà bịt miệng, y mặc áo đạo đi theo người mời đến thẳng Vĩnh Tế, xuống thuyền tới Phú Xuân. Hắng giọng ho thêm vài tiếng, y nói tiếp. “Ông hoàng gọi tôi đến đây để thanh lọc oán khí trong những vật bất tường, không nói cho tôi biết mục đích của cậu ấy là gì, tôi cũng không tiện hỏi.”
“Hôm trước ta cũng thấy lạ, Miên Liêu hiện tại còn đâu tâm trí mượn một viên hổ phách để chơi.” Kiến An công vẫn chỉ cười, nhấc mảnh đá lên soi ánh nắng chiếu qua khung cửa. “Nếu cậu ta đập vỡ nó để kiếm chuyện thì đã chẳng đến nhờ ta nói đỡ. Ta còn đang nghĩ có khi cậu ta muốn gài ta vào việc gì, nhưng đạo sĩ nói vậy thì ta cũng hiểu rồi.”
“Vâng, viên đá này quả là oán khí kinh người, không phải vật tầm thường.” Y gật đầu nói vuốt đuôi, trong khi lòng âm thầm ớn lạnh. Kiến An công quả nhiên như lời đồn đại, tay nhận viên đá Miên Liêu đưa đã nghĩ đến trăm đường, vậy mà vẫn nói cười thân thiết như thường. Nghĩ lại những lời ông ta nói cùng Miên Liêu đều giấu bẫy gài dao, vừa thăm dò người vừa thanh minh cho bản thân, không để lộ ra chút sơ hở.
Tuy nhiên y không có hứng thú với chuyện của Kiến An công, cũng hiểu rằng càng biết nhiều về vị hoàng thân này thì càng nguy hiểm. Chuyện Hà Tông Quyền chỉ là đồn đại, nhưng mấy năm nay ai chẳng biết thuộc hạ của Kiến An công bị bắt tội khắp nơi, lời đồn cho thấy quyền lực của vị hoàng đệ được Thái hậu bảo vệ quả thật rất lớn. Y còn bao nhiêu việc cần làm, không tội gì phải mạo hiểm liều mạng chỉ vì tò mò.
“Người nhà ngài đã ổn chứ ạ?” Thay vì thế, y tiếp tục đóng vai một đạo sĩ chỉ chuyên tâm trừ ma diệt quỷ, quan hoài đến mọi người. Nghe câu hỏi, Kiến An công đặt viên đá xuống bàn, hạ mắt quan sát nó một lúc rồi mới trả lời.
“Khi đạo sĩ hồi phục sức khỏe thì đến phủ ta một chuyến, đem theo viên đá này đến gặp cô ta.” Kiến An công vừa nói vừa đứng dậy, thở ra. “Có những chuyện khởi đầu thế nào thì kết thúc thế ấy, vừa tốt cho cô ta vừa là cho bà ấy.”
Ông ta đóng cửa đi ra. Một lúc sau, người hầu của Miên Liêu vào phòng, lấy ấm sắc thuốc cho y mà không nói một lời. Y nghĩ anh ta cũng sẽ chẳng báo lại với Miên Liêu về cuộc gặp này.
Chiều hôm ấy, uống hết thuốc, ăn liền hai bữa cơm, y đã cảm thấy khoan khoái. Nghĩ không muốn rắc rối thêm nếu ngày mai Miên Liêu cho gọi, y liền tới nhà vườn của Kiến An công. Nghe người báo, Kiến An công cho dẫn y vào một ngôi nhà tạ ở vườn sau. Vườn này ít cây cối, nhưng trước nhà tạ có trồng một cây thị lớn lấy bóng mát, che khuất ngôi nhà với tầm mắt của người ngoài.
Y ngồi đợi một lúc thì thấy người phụ nữ nọ đến một mình. Có lẽ Kiến An công vẫn nhất quyết tỏ ra mình chẳng hề liên quan đến những việc của cô ta. Thấy y, người phụ nữ cắn môi, trong mắt dường ánh lên nỗi sợ hãi. Nhưng cô im lặng ngồi xuống trước y bên kia bàn.
Y đặt viên đá cùng chuỗi hạt xương, cả hạt châu xương vừa nhận của cô ta hôm trước lên bàn. Môi người phụ nữ càng mím chặt, y cảm thấy như cô ta đang run rẩy.
“Đây là vật của Lê Cung tần, phải không?” Y chỉ chuỗi hạt, hỏi người phụ nữ. Cô ta nhẹ gật đầu, y liền nói tiếp. “Nhưng tôi không hiểu nó có liên quan gì tới di vật của Thần phi?”
“Tôi cũng không hiểu.” Người phụ nữ khẽ khàng nói, tuy nhiên y cảm giác như cô ta không nói thật. “Tôi đến Kinh khi Thần phi đã mất lâu rồi, với chuyện nhà của hoàng thượng vốn chẳng biết rõ, không thân thiết với người của hoàng cung. Họ có quen biết nhau không thì tôi càng chẳng hay.”
“Cô có quan hệ như thế nào với Lê Cung tần?” Y hỏi, thấy rõ bờ vai người phụ nữ đang run lên.
“Lúc ấy cậu tôi là thuộc hạ của Tả quân, Hậu quân cũng thân với Tả quân, cậu tôi thường cho người nhà tới thăm gia đình Hậu quân, nên chúng tôi biết nhau.” Người phụ nữ miễn cưỡng nói, nhưng trên môi lại thoáng một nụ cười. “Cậu tôi xuất thân thấp hèn, gia đình chúng tôi từ nơi dân dã xa xôi tới, bậc cao quý ở Kinh thường không thích qua lại, nhưng gia đình của Hậu quân rất thân thiết.”
“Tôi nghe nói Hậu quân làm Hiệp Tổng trấn Bắc Thành từ năm thứ chín đời Thế Tổ, gia đình ông ấy vẫn ở Kinh à?” Y hỏi. Người phụ nữ nhìn thoáng lên y, mỉm cười.
“Gia đình các quan đều phải có người ở Kinh, trước là để trông coi phủ đệ của họ, hai là để đón họ về Kinh theo lệ. Các quan dù ở nơi xa đến mấy thì trong vòng ba năm phải vào chầu ít nhất một lần.” Người phụ nữ đã đương nhiên coi y là một đạo sĩ nơi xa xôi không hiểu chuyện, liền có vẻ thoải mái hơn. “Cố Phò mã con trai Hậu quân ở Kinh tập tước, gia đình Hậu quân cũng thường từ Bắc Thành trở lại, Lê Cung tần lúc ở Kinh, lúc đi theo mẹ ra Bắc. Bà ấy xuất thân con nhà võ tướng, từ nhỏ đã sống nơi hung hiểm, tính cách không giống các cô chiêu bình thường.”
“Bà ấy có nói chuỗi hạt này là xương của ai?” Y chỉ chuỗi hạt máu mà hỏi. Người phụ nữ im lặng hồi lâu mới đáp.
“Xương của ông ngoại bà ấy, ngụy Tư lệ Lê Trung triều Tây Sơn. Năm ấy con trai Nguyễn Nhạc là Nguyễn Quang Bảo tính bề chiếm thành Bình Định, bị nhóm Quang Toản bắt giết. Lê Trung cùng con rể là Hậu quân Lê Chất đang đóng tại Trà Khúc, vừa lúc Hậu quân có việc dẫn quân đi. Lê Trung bị bắt về Phú Xuân giết chết rồi thiêu cháy, treo xác lên cổng thành. Hậu quân cũng bị lùng tìm, liền bắt một người giống mình uống thuốc độc chết thay, trốn đi. Gia đình Lê Trung cùng Hậu quân đang ở Bình Định không hề hay biết, chỉ nhận được cái xác giả đã thối rữa mà tưởng là Hậu quân chết thật. Hậu quân lẩn trở về, đưa cả nhà vào rừng trốn.” Người phụ nữ kể như thể rất quen thuộc với câu chuyện này, dường đã nghe rất nhiều lần. “Sau khi Quang Toản đem xác Lê Trung ném đi, thuộc hạ của ông ấy lấy lại được, nhưng chỉ còn cái đầu cùng mấy mảnh xương vụn nát. Hậu quân chôn cất đầu cho cha vợ, giữ lại mấy mẩu xương này, làm thành chuỗi hạt đeo trong người, hàm ý là quyết phục thù.”
“Dù sao cũng là xương cha vợ, chủ tướng, ân nhân của ông ấy, làm thế có nên không?” Y lại hỏi. Người phụ nữ ngẩng đầu, hướng mắt về phía bóng cây sau lưng y.
“Hậu quân thường bảo: Người trên đời có ba thứ không dám giận, một là trời, hai là vua, ba là cha mẹ, vậy mà ta vẫn giận.” Ánh nắng vàng vọt buổi xế chiều nhảy múa trong mắt người phụ nữ. Cô mấp máy môi lặp lại như chỉ nói với mình. “… Vậy mà ta vẫn giận.”
“Lê Cung tần có nghĩ thế không?” Y đột nhiên hỏi. Người phụ nữ dường giật mình, cau mày mím môi.
“Tôi chưa từng biết bà ấy nghĩ gì.” Cuối cùng, cô thở ra, nghe như gió lao xao ngoài sân. “Khi gặp bà ấy, tôi còn rất nhỏ, chỉ biết bà ấy thân thiết gần gũi với tôi hơn nhiều người. Tôi lớn hơn một chút thì bà ấy chuyển ra Bắc ở vài năm, sau đó thì tôi vào nhà Kiến An công, bà ấy nhập cung, không còn gặp nhau nữa.
“Ngày đó, tôi cảm thấy bà ấy rất hạnh phúc.” Người phụ nữ chợt nói. “Có lẽ vì tôi chỉ là đứa bé bơ vơ từ xa đến, nên thấy bà ấy là con gái chính của nhà quan lớn danh tiếng lừng lẫy, người người nể sợ thì cho là bà ấy rất vui vẻ. Nhưng nghĩ lại thì bà ấy con nhà võ tướng xuất thân dân dã chứ chẳng phải người hoàng cung, nghe nói phụ nữ quê bà còn có thể múa gậy đánh võ như nam giới, thích gì làm nấy chẳng cần theo lệ thường, khi đó bà ấy hẳn hạnh phúc hơn… sau này.”
“Cám ơn cô.” Nghĩ không còn hỏi được gì thêm ở người phụ nữ, y đành nói. Chuyện của cô và Kiến An công thì y tốt nhất nên tỏ ra không hay biết. Với một người tâm tư khó đoán như Kiến An công, y vẫn cho rằng ông ta sẽ không làm hại người vợ lẽ của mình.
“Khi có kết quả, phiền đạo sĩ báo cho tôi biết.” Người phụ nữ nhợt nhạt cười.
Khi đã cáo từ đi khỏi nhà tạ, y vẫn thấy cô ta ngồi yên lặng, ánh mắt hướng lên vòm cây thị góc nhà. Y nhìn theo cô ta, bất chợt cảm thấy lạ. Ở Thê Phượng viên cũng có vài cây thị, nghe nói nhà vua hiện tại rất thích loại cây này. Tuy nhiên loài cây có vẻ ngoài dân dã mà chim chóc không làm tổ được thì có vẻ chẳng phải sở thích của ‘Mạnh Thường quân’ Kiến An công.
Có thể đôi lúc nhà vua ghé qua, ở nhà tạ này thưởng trà, Kiến An công như người ở Kinh làm một khu nhà riêng đón vua, y tự nghĩ rồi tự lý giải. Nhưng Kiến An công cũng chẳng là người phải đón ý chiều lòng vua đến mức ấy.
Một cái lá thị rụng xuống, bị gió quét đến trước mặt y. Y cúi nhặt nó lên, nhét vào trong giỏ đeo bên người.
Mùa thu, chiều đã sớm mang hơi sương lạnh lất phất. Không vội trở về nhà trọ, y tận dụng chút thời gian tự do ít ỏi đi dạo quanh Phú Xuân. Thuê một chiếc thuyền thả trôi dòng Hương, y ngẩng nhìn khu thành cùng những dãy nhà xung quanh, Trường lang đầu sông nằm nép trong bờ dương liễu. Chuẩn bị ngày Khánh tiết ngũ tuần của nhà vua năm tới, những lầu rạp đang được khởi công xây dựng. Y thấy thấp thoáng bóng võng lọng của các quan đến khu vực xem xét, nhưng vẫn cho thuyền trôi qua.
Người đã từng ở Gia Định năm đó hầu như chẳng còn lại mấy ai. Ngoại trừ Lê Đăng Doanh vẫn trong triều, vài viên tướng ở xa, một số lớn đã chết ngay tại Phiên An, người vì bệnh người vì già, người bị xử tội. Chỉ mới đôi ba năm, vậy mà y cảm thấy như con người nơi này đã hoàn toàn thay đổi, số người chết nhiều đến mức y âm thầm hoảng hốt.
Có phải quá khắc nghiệt, y thầm hỏi khi nhìn khu thành phù hoa đẹp đẽ trước mắt. Thời đại khắc nghiệt, triều đình khắc nghiệt, hay vị hoàng đế kia khắc nghiệt? Có lẽ chưa bao giờ mà số luật cấm đưa ra nhiều đến thế, số người phạm tội nhiều như thế, và cả người chết đi nhiều như thế. Những viên lại thuộc lấy trộm của công kẻ bị chém đầu, người bị chặt tay treo trước kho sở. Những viên quan bị giáng chức, sung quân, chém đầu, thắt cổ vì đủ mọi tội lỗi. Và tất cả mọi kẻ cố chống lại ý muốn của nhà vua đều phải chết. Những câu chuyện vượt một vòng bờ biển đưa đến Xiêm La, truyền tụng trong quân tướng Xiêm La cùng Chân Lạp đều mang nỗi khiếp sợ kinh hoàng như nhau.
Nero của phương Đông, có kẻ từng gọi. Người đã muốn theo bước chân y vượt hai bờ Biển Hồ. Người đã trở thành gắn kết với y trong những năm này dù chẳng bao giờ gặp gỡ. Người dường đã trở thành kết nối duy nhất của y với quốc gia này trong những năm tháng phiêu lưu. Nhưng khi đến đây, y chỉ thấy một vùng đất xa lạ và những con người chẳng hề quen biết, một thế gian mà y chẳng chút liên quan.
Năm tháng nọ, lúc vào Nam ra Bắc, những người ấy đã nghĩ gì? Y nhắm mắt ngả đầu lên thành thuyền, nghe mùi cỏ hăng hăng trong dòng nước. Năm tháng nọ, khi nằm xuống nơi đây, Mạc Hầu Hy đã nghĩ gì?
Chú thích:
[1] Bát nguyệt nhị thập bát nhật dạ tọa cảm hoài của Doãn Uẩn
[2] Thực lục, năm 1839: Thám tử phủ Hải Tây thuộc Trấn Tây từ nước Xiêm về nói: ở Xiêm, hôm vừa rồi có sấm, mưa, rơi xuống một cái bọc nước như chiếc nồi đất lớn, vỡ ra thì nước chứa ở trong chảy ra giống như máu. Thành thần là bọn Trương Minh Giảng đem việc tâu lên.