Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

38. Cực mục phong đào hành bất đắc
Trường An in "Minh nguyệt 1" April 1st, 2019
  1. Cực mục phong đào hành bất đắc, liệu nhân thời phục giá cô minh[1]
    (Nhìn hút mắt sóng gió không qua được, tiếng chim đa đa liệu trêu người)

 

Cuối tháng tư, tin báo khẩn từ Nam Vang về Gia Định: Tướng Xiêm Phi Nhã Chất Tri tiếp tục đem hơn năm ngàn quân chia hai đường thủy bộ vượt Bắc Tầm Bôn, đe dọa Phủ Lật.

Tả Tướng quân Nguyễn Xuân đang ở Phiên An phải tức tốc đưa quân đến hội cùng Trương Minh Giảng. Triều đình nghe tin báo cũng lập tức báo cho quan tướng ở năm tỉnh Nam Kỳ cùng Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên chuẩn bị hương dõng tòng chinh, tải tiền, muối đến Nam Kỳ. Nghe Trương Minh Giảng báo có người nghe tiếng súng ở Phủ Lật, lệnh tiếp tục cho hai tỉnh Định Tường, Vĩnh Long phái Lãnh binh đưa hơn một ngàn quân tới Chân Lạp tiếp ứng. Thủy quân đưa súng lớn, súng nhỏ, diêm tiêu, lưu hoàng phân phát cho các tỉnh.

Tuy nhiên, khi quân Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương tiến đến phủ Long Tôn, cả hai nhánh thủy bộ của Xiêm đều bắn súng báo hiệu cho nhau rút lui. Quan quân đành cho người lập đồn đóng tại Tịch Biên, lui về Nam Vang.

Đoàn người của Nguyễn Xuân lộ rõ sự mệt mỏi. Chỉ trong chưa đầy nửa tháng, bọn họ đã chạy đôn chạy đáo từ Đông sang Tây Nam Kỳ, Chân Lạp. Nhận được lệnh của triều đình cho tạm nghỉ lại Nam Vang canh chừng động tĩnh nơi biên giới, bọn họ vẫn phải nghe báo cáo về việc xây thành ở An Giang, Hà Tiên. Trước đây Hồ Văn Khuê đã đến kinh lược Hà Tiên một thời gian ngắn, chỉ kịp cho đắp lũy ngắn bên sông Giang Thành để phòng thủ. Hiện tại, triều đình đã họp bàn ra kế hoạch chỉnh đốn toàn Nam Kỳ, phái các quan chủ chốt trong triều đình đến đôn đốc công việc ở các tỉnh. Tả Tham tri Binh bộ Đặng Chương vốn vừa đến Phiên An làm công việc tế lễ binh lính trận vong, nay được phái xuống thẳng An – Hà, cùng Tuần phủ Trần Chấn lo việc tỉnh thành.

Vừa lúc ấy, Án sát Hà Tiên Trần Nguyên Tưởng qua đời. Hồ Công Chỉ đang ở thành Nam Vang được lệnh thay thế làm Án sát Hà Tiên. Ông ta vào báo tin đúng lúc Nguyễn Xuân và bọn y vừa từ Phủ Lật về, y cảm thấy nhiều người trong nhóm, ngay cả Nguyễn Xuân, còn không để ý Hồ Công Chỉ nói điều gì.

Trương Minh Giảng, Lê Đại Cương trong tháng qua cũng vừa đi thị sát An Giang, Hà Tiên thì nghe chuyện Phủ Lật, liền phải chạy ra biên giới, các quan tướng vẻ bơ phờ mệt mỏi hiện lên cả nét mặt. Nguyễn Xuân ngày càng có vẻ mất bình tĩnh hơn, chỉ đợi Hồ Công Chỉ nói xong đã nghiến răng.

“Ông xuống Hà Tiên tìm ngay cho tôi kẻ nào làm đội thám báo ở Xiêm! Năm ngoái thì báo quân Xiêm sắp đánh chung với tin vua Xiêm chết nên không ai buồn tin! Năm nay thì chốc chốc lại báo Xiêm tiến đánh, trong khi đang lúc mùa hè ngược nước ngược gió thế này! Là tên Phi Nhã Chất Tri định chơi ta chốc chốc lại cử quân đến quấy rối, hay chẳng qua chỉ là một bọn lính thập thò đi lạc mà bị đám thám tử nghe tiếng gió thổi phồng lên đấy?” Hiện giờ bộ dạng Nguyễn Xuân đã gần như Trần Văn Năng thuở trước, tóc tai ông ta dường dựng ngược dưới mũ trận. “Tin báo nửa thật nửa giả, chuyện nghiêm túc thì nghe đầy vẻ hoang đường, chuyện không đâu thì thổi phồng lên kiếm việc! Bây giờ đang là mùa hè trời nóng như thiêu, chạy vòng quanh trong núi rừng Chân Lạp thì Xiêm không cần làm gì, quân ta cũng ngã nước sốt rét bệnh chết hết rồi!”

“Hoàng thượng cũng bực mình mắng rồi đấy. Chúng ta chạy vòng quanh chẳng nói làm gì, mà cả các tỉnh Nam Kỳ cho đến tận Bình Định phải căng sức ra chiêu tập binh dõng, vận chuyển quân lương chuẩn bị chiến tranh, cả nước chẳng lúc nào yên.” Trương Minh Giảng nặng nề thở dài. “Bọn thám tử có biết tin báo về của chúng quan trọng bao nhiêu mà hàm hồ thích gì nói nấy không cần biết đúng sai? Có phải bọn chúng chỉ nghe hơi nồi chõ ở mấy phố chợ rồi chạy về nhận tiền thưởng công không?”

“Bấy lâu nay chúng ta dùng thương buôn đi lại với Xiêm để thám thính, thi thoảng có cả các quan lại, người hầu Chân Lạp giúp đỡ cho ta, nhưng quả thật, tin chẳng dùng được mấy.” Nguyên Biện lý Nam Vang Hồ Công Chỉ thở ra. “Thương buôn có công có việc của họ, đúng là chỉ nghe ngóng tin trong phố chợ. Xiêm La chia nhiều tiểu quốc nhỏ, việc lớn thì chia cho ba vua, tướng lĩnh cũng có quyền hạn lớn, muốn thám thính ý định của từng này người khá là khó khăn.”

“Việc động binh cần huy động người của, thuyền bè, không phải nói muốn đi thì đi. Vậy mà Xiêm đem cả mấy vạn quân sang đánh ta năm ngoái, người bên trong không hề hay biết, kẻ bên ngoài tung toàn tin nhảm đánh lạc hướng, lỗi lớn nhất thật ra là của bọn thám tử.” Trương Minh Giảng cau mày. “Các ông ở biên giới bao nhiêu năm nay, dùng bọn chúng như thế nào mà chuyện lớn như thế cũng không hay không biết?”

“À, việc ấy…” Không hiểu sao, Hồ Công Chỉ đưa mắt nhìn sang y đang ngồi sau Nguyễn Xuân. “Năm trước bọn Lê Văn Khôi gây rối loạn Nam Kỳ, các thương buôn chạy loạn đến giờ vẫn chưa tập hợp về đông đủ, người ở nước ngoài càng không trở về. Các thám tử chuyên biệt do ta phái đi thì khá ít ỏi, người làm việc được ở Xiêm phải thông thạo cả tiếng Xiêm, tiếng Tàu, khéo léo linh hoạt mà giỏi giả trang, quan hệ tốt với các thuyền buôn để gửi tin báo về. Việc Xiêm gây hấn ở Bắc Tầm Bôn vốn nằm trong biên giới Chân Lạp, phía Bắc Xiêm La, xa các cảng thị đông đúc phương Nam, nơi này lại càng thiếu người. Một thám tử xây dựng được cơ sở ở Xiêm đã vừa khó vừa lâu, lại yêu cầu họ phải nghe ngóng vạn dặm, cả chuyện nơi rừng rú thì cũng hơi quá mức rồi.

“Vả lại, hẳn Tướng quân còn nhớ Lê Văn Khôi gửi thư sang Xiêm đã nhờ đến ông Mạc Công Du?” Nhìn thoáng qua y, Hồ Công Chỉ quyết định nói. “Hai ông họ Mạc lớn lên trong cung điện Vọng Các, quan hệ với người trong triều đình Xiêm vốn rất sâu xa, sau này có về Hà Tiên thì vẫn còn đi lại. Thế Tổ cho ông Mạc Công Du về lại Hà Tiên vốn không chỉ do ý định làm việc với Xiêm, mà thật ra có những việc chỉ ông ấy mới giúp được. Gia Định loạn lạc, thương buôn bỏ chạy, nhà họ Mạc bị đòi về Kinh, đúng là hiện thời ta chỉ còn mấy kẻ nghe hơi nồi chõ bên ngoài báo tin về thôi.”

“Trấn phủ Trần Chấn ở Hà Tiên hiện tại là người rất kinh nghiệm làm việc với dân Phiên, từng đi Tiểu Tây Dương trở về, hẳn ông ấy có thể cải thiện tình trạng này. Tôi sẽ cố gắng nhắc nhở ông ấy.” Hồ Công Chỉ nhũn nhặn nói trước vẻ mệt mỏi bực bội của các viên tướng. “Chúng ta đang phải xây dựng lại tất cả từ đầu, mong mọi người kiên nhẫn.”

“Vùng biên giới này bây giờ chỉ là một đống đất be bét.” Dù Hồ Công Chỉ đã nói thế, khi ra ngoài, Trương Minh Giảng vẫn lầm bầm. Đi sau lưng anh ta, y nghe câu nói, liền đưa mắt nhìn quanh, hỏi khẽ.

“Lãnh binh Thái Công Triều đâu rồi ạ?” Y đi theo Nguyễn Xuân đến Long Tôn rồi quay về, thực tình chưa từng gặp Thái Công Triều. Trương Minh Giảng uể oải phác tay.

“Anh ta đang ở Hà Tiên. Chúng ta vừa mới xuống Hà Tiên kinh lý quay về thì nhận được tin báo, ta để Thái Công Triều ở lại trông coi vùng phía Nam, nhân tiện đôn đốc binh thuyền nếu xảy ra chuyện.”

À… Y thốt khẽ trong cổ. Hóa ra đây là lý do Thái Công Triều vội vàng khuyến dụ y về Phiên An chung với Nguyễn Xuân.

Thái Công Triều vốn chẳng hề mong đợi y có mặt ở Hà Tiên, ngay từ khi anh ta khuyên y trốn đi hôm ấy. Anh ta hiện đang nắm trong tay một lợi thế rất lớn, do đó chẳng hề coi y như một công cụ, thậm chí còn là chướng ngại. Anh ta vốn đi theo nhóm người của Tả quân Lê Văn Duyệt, hiểu rất rõ cách để xây dựng quyền lực trong những hoàn cảnh như thế này: Tập hợp và thuyết dụ những tay đầu lĩnh sừng sỏ, dùng chúng hoặc để đánh dẹp, hoặc để kéo toàn bộ bọn còn lại vào phe phái của mình. Và từ đó, sẽ trở thành một thế lực ngày càng phình to, lan rộng không thể cản nổi.

Những kẻ xây dựng nên quyền lực trên nền tảng chiến tranh, vốn hầu như chẳng liên quan đến đạo đức.

Trương Minh Giảng lại chẳng hề đề phòng Thái Công Triều. Viên tướng này giỏi giang trên chiến trận, nhưng có nhược điểm quá dễ tin người. Anh ta đã nhanh chóng thân thiết với Thái Công Triều, đưa Thái Công Triều theo khắp nơi, đề bạt lên chức vụ ngày càng cao hơn. Có lẽ anh ta tin mọi thứ Thái Công Triều nói, như lúc đưa quân đến Thuận Cảng ngày ấy.

Có ngày Tướng quân sẽ bị hại chết vì tính cách này, y nhìn theo bóng Trương Minh Giảng mà thầm nghĩ. Tuy nhiên, sự rộng rãi cả tin của Trương Minh Giảng cũng có thể giúp ích được y.

Hoàng thượng đã trách mắng về tin báo nơi biên giới, bọn họ nói. Và y chỉ cần đợi mấy ngày sau, Trương Minh Giảng đã nhận được chỉ dụ: Tìm người đưa sang Xiêm La thám thính.

Tối hôm ấy, y tìm đến phòng của Trương Minh Giảng, tự đề nghị: “Tôi có thể sang Xiêm.”

“Sống ở vùng biên từ nhỏ, tôi biết tiếng Xiêm, Tàu, kể cả một ít tiếng Chân Lạp.” Y nói trước ánh mắt chợt sáng lên của Trương Minh Giảng. “Án sát Hồ Công Chỉ vừa nói, ở Xiêm có rất nhiều người của họ Mạc, tôi có thể sang nơi ấy tìm cách móc nối lại với họ. Xin Tướng quân đề đạt lên cho hoàng thượng để tôi có cơ hội lấy công chuộc tội.”

“Phải, ta cũng cảm thấy việc của họ Mạc là oan ức, hoàng thượng hẳn chẳng muốn xử tội nhưng luật thì không bỏ qua được, mà cũng không thể đưa mọi người xuống làm lính để đi đánh trận. Lần này việc biên giới quan trọng, cậu đề nghị thì sẽ được cho phép ngay thôi.” Trương Minh Giảng gật đầu, hồ hởi nói. “Ta sẽ gửi thư cho hoàng thượng. Ngài sẽ báo cha cậu để thông tin cho cậu những việc cần thiết ở Xiêm. Cậu đã nghĩ cách đi sang Xiêm thế nào chưa?”

“Tôi có thể đi nhờ thuyền buôn, nhưng vùng phía Bắc đang bị phong tỏa không thể lên Biển Hồ, tôi hẳn phải theo thương thuyền vòng qua Cần Bột vậy.” Y nhẹ mím môi, rồi giải thích. “Ở Phiên An tôi có quen với một thầy buôn thuốc người Thanh, ông ấy sẽ có cách đưa tôi sang Xiêm. Cỏ cây dược liệu cho đến vi cá, tổ yến, tảo biển được khai thác ở vùng phía Nam rất nhiều, mùa nào thức ấy, thuyền buôn đi lại luôn luôn, vô cùng thuận lợi cho ta liên lạc. Mà người đi tìm mua dược liệu, thảo mộc, thú hoang vào ra những nơi hiểm yếu rừng rú hay giao thiệp với nhà quan lại quý tộc càng tự nhiên hơn. Người trong vùng lấy thuốc hay người đi buôn mọi cũng rất đông đúc, khá dễ để xâm nhập.”

Năm xưa Mạc Hầu Hy tình nguyện sang Xiêm thám thính nhưng chỉ đưa thuyền đến Hạ Châu rồi quay về cũng vì quá ỷ lại vào mạng lưới giao thiệp của họ Mạc, nghĩ rằng sẽ có tin đem về lập công mà chẳng tốn bao nhiêu sức lực. Thậm chí, lúc ấy anh ta có thể đã nghĩ đến dựa vào đó mà xây dựng một đường dây buôn gạo và thuốc phiện kiếm tiền trong một Gia Định mập mờ sáng tối, không còn luật pháp, chẳng có đúng sai.

Bằng một lối nào đó, y luôn đi lại con đường mà Mạc Hầu Hy đã từng đi, học trên sai lầm anh ta đã từng phạm. Nhưng hiện giờ chẳng còn Mạc Hầu Hy, thậm chí chẳng còn ai của nhà họ Mạc, chỉ có y một mình đi tìm con đường trong rừng thẳm.

Tin từ Phú Xuân đến Nam Vang: Nhà vua cho phép Mạc Hầu Diệu đến Xiêm La làm thám báo, phái người ở Gia Định chuẩn bị đưa y sang Xiêm.

Nhận được chỉ dụ, y ngay lập tức quay về Hà Tiên.

Tuần phủ Trần Chấn là quan đầu tỉnh coi quản tin báo từ biên giới hiện tại. Đúng như Hồ Công Chỉ nói, ông ta có kinh nghiệm làm việc lâu năm với các thương buôn trước đây ở Quảng Nam, quen biết cả những tàu buôn Tây dương trong vùng do chuyến đi trước đến Tiểu Tây Dương. Trong khoảng thời gian đôi ba tháng ngắn ngủi, ông ta đã cho tập hợp người dân về lại các làng mạc, kể cả hai ba phố thương người Thanh gần Cần Bột. Dinh Tuần phủ đã được xây dựng lại, các pháo đài cũng đang được đo đạc chuẩn bị xây đắp. Khi y đến dinh Tuần phủ, Trần Chấn đang cùng một người mặc thường phục đi ra cửa.

“Cậu Ba Mạc!” Vừa nhìn thấy y, người bên cạnh Trần Chấn bật thốt. Y cũng nhận ra đó là một lái buôn thường qua lại với cha y, tên Hoàng Văn Kế.

“Cai đội Phạm Văn Linh đi tuần ngoài biển bị bão dạt vào Xiêm, may mà gặp được ông Hoàng đây.” Thấy hai người bọn y chào nhau, Trần Chấn liền nói. “Ông Hoàng bỏ thuyền mình lại, sang lái giúp thuyền quân đưa bọn họ trở về Hà Tiên. Ta vừa báo với hoàng thượng, ngài ban thưởng ông Hoàng làm Đội trưởng Phú Quốc.”

“Cậu đã về rồi, tôi bên Xiêm không biết tin tức gì, về đây nghe chuyện nhà cậu thì lo quá.” Hoàng Văn Kế nắm tay y ngậm ngùi nói. Thấy Trần Chấn và y còn có việc phải bàn, ông ta đành phải về trước, nhắn y đến thăm nhà.

“Ta đã nghe kế hoạch của cậu đi sang Xiêm, có vẻ được đấy. Họ Mạc nhà cậu quả cũng có quan hệ tốt với người trong vùng.” Khi vào dinh, Trần Chấn thủng thẳng nói. “Nhưng ta phải nói với cậu, bây giờ là thời điểm rất nguy hiểm. Xiêm đã trở mặt với ta, vả lại mấy năm trước quốc trưởng Vạn Tượng nhân lúc Xiêm đánh Miến Điện mà tấn công đến tận Vọng Các, Xiêm càng cảnh giác với các thám tử. Cậu là người họ Mạc, quen nhiều là lợi nhưng cũng là hại. Nếu bị phát hiện thì người Xiêm chẳng cần hỏi đã cho cậu một kiếm bay đầu.”

“Cậu hẳn đã lường trước, hả?” Nhìn sang y, Trần Chấn cười nói. “Tuy nhiên, có điều còn nguy hiểm hơn cả người Xiêm, đó là chính cậu.

“Cậu đã nghe chuyện về tin tức giả, phải không? Cũng vì thế mà hoàng thượng cho phép cậu đi làm việc. Nhưng kẻ khác có thể báo tin giả, cậu thì không.” Trần Chấn ngồi xuống sau thư án, nheo mắt nhìn y khi môi vẫn mỉm cười. “Thứ gọi là tin giả, lý do vì bọn thám báo lười nhác làm ăn quấy quá chỉ là một phần, phần không nhỏ là do chúng tham tiền, nhận tiền mà làm việc. Ăn tiền cả hai bên, mỗi bên nhả ra chút tin tức nửa thật nửa giả, coi như chúng báo không sai nhưng làm nhiễu loạn quân tình, đồng thời càng đổ dầu vào lửa. Tuy nhiên chúng là bọn thương buôn rày đây mai đó không thể kiểm soát, có sai thì quan tướng nghe theo chúng phải chịu, cậu thì không giống chúng. Cha anh cậu vẫn còn đang ở Kinh, mỗi tin báo sai của cậu gây hậu quả thế nào thì cậu hẳn cũng lường được đấy.”

“Tôi hiểu. Tôi sẽ cố gắng hết sức.” Y nhàn nhạt nói. “Nếu báo sai, tôi sẽ tự về chịu tội.”

“À… phải, phải.” Trần Chấn đột nhiên bật lên tiếng cười khẽ. Ông ta có vẻ toan muốn nói thêm, nhưng chỉ gật đầu cười. “Ta sẽ chuẩn bị toàn bộ giấy tờ thông quan, nhân thân, liên lạc cho cậu. Chúc mừng cậu đã tự do!”

Nhìn nụ cười của Trần Chấn, y cho mình mình hiểu điều ông ta đang nghĩ. Đương nhiên, hoàng đế thả cho y ‘tự do’ tung cánh bay vào đại dương không chỉ vì cần tin tức nơi biên giới – mà là vì ‘tin giả’. Sau một cuộc chiến, thời gian này là lúc các đội quân thám báo được tận dụng triệt để. Ngoài việc tung người do thám đối phương, Xiêm có lẽ đang tìm cách phản gián, trước là tung tin giả gây nhiễu loạn, sau kích động từ tướng đến dân. Phi Nhã Chất Tri cùng hai người em của quốc vương Chân Lạp đang chực ở Bắc Tầm Bôn chỉ đang chờ đội quân Nam này lấn sang biên giới, phạm phải sai lầm, châm ngòi cho một cuộc chiến thực sự. Hoàng đế cần một kẻ ngài ta có thể tin cậy được để kiểm soát thông tin từ biên giới. Và ngài ta nắm cha y trong tay, đảm bảo y không thể thoát khỏi tầm tay ngài ta, đảm bảo y không thể sai lầm. Đó là cái giá cho ‘tự do’ của y.

“Cậu Mạc đấy à?” Tiếng chào vọng đến từ ngoài cửa, Thái Công Triều đứng sau bậc cửa, nghiêng người chào Trần Chấn nhưng đầu vẫn quay sang y. “Cậu vừa về Hà Tiên à?”

“Cậu Mạc được giao công việc quan trọng phụ giúp Tham tri Đặng Chương kinh lý Hà Tiên rồi về Kinh báo cáo.” Vì nhiệm vụ tối mật của y, Trần Chấn qua loa đáp lời Thái Công Triều. “Việc của Đặng Tham tri chủ yếu là sắp đặt lại các đội binh dõng, ông ấy từng làm Hiệp trấn Biên Hòa, quen biết một ít với họ Mạc. Nghe cậu Mạc ở Nam Vang, Đặng Tham tri xin hoàng thượng cho cậu ấy về Hà Tiên giúp việc.”

“Cậu xem ở đây có chuyện gì hay người nào giúp ích cho cậu thì cứ nói, nếu việc đó có lợi cho coi quản Hà Tiên thì cậu cứ đề xuất.” Trần Chấn quay lại nói với y như đang tiếp tục câu chuyện dang dở. “Công việc của cậu rất quan trọng, để không phạm sai lầm thì cậu phải chuẩn bị kỹ, ta cũng phải sẵn sàng giúp cậu.”

“Vâng, thưa Tuần phủ.” Y cúi đầu nói. Qua đuôi mắt, y chợt nhìn thấy bóng người sau lưng Thái Công Triều.

Thành thủ úy Phú Quốc Nguyễn Văn Sương cùng nhóm người của anh ta. Tất cả vẫn còn đeo gươm dao bên hông, đứng đợi ngoài sân như thể vừa cùng Thái Công Triều về dinh Tuần phủ.

“Cậu cũng nên nói với ta xem ta có thể giúp gì được cho cậu.” Thái Công Triều đi vào gian trong, quay đầu nhìn y cười nói. Vì anh ta quay lưng về phía Trần Chấn, y nhìn rõ nụ cười của anh ta, hoàn toàn không giống một cái cười.

Hẳn nhiên, Thái Công Triều chưa bao giờ muốn y hay họ Mạc ở lại Hà Tiên. Bây giờ nghĩ lại, y bỗng dưng nhớ tới người đã tố cáo họ Mạc là Bùi Văn Lý và người bên cạnh ông ta – cựu Trấn phủ An Giang Nguyễn Đăng Luận, viên quan hưu trí mà Thái Công Triều sắp đặt để đoạt lại tỉnh thành, đưa vào tay Bùi Văn Lý. Chỉ bằng vài lời, anh ta có thể gây nên ác cảm truyền tai cho bọn họ về ‘họ Mạc giữ Hà Tiên không chịu hàng’, đủ để đẩy nhà y đi.

Theo tin báo gần đây nhất, Trịnh Đường đã bị chém đầu. Nguyễn Hựu Dự liều chết chống cự trong thành Phiên An. Liên tục các viên quan làm việc ở Hà Tiên đều bị tố cáo phạm tội. Vùng đất nơi biên giới là nơi cho những rối loạn đâm chồi, nơi dục vọng con người phát tác khôn bề kiềm chế, nơi của mọi loại tội lỗi nảy sinh.

Nắm lấy chúng, những dục vọng và tội lỗi, cho chúng danh xưng, sức mạnh cùng quyền lực, chính là cách mà các anh hùng lẫn tội đồ đều sử dụng. Toán thổ phỉ trên núi, hải tặc ngoài biển cho đến nhóm hương binh chiêu mộ của Nguyễn Văn Sương, thậm chí đến cả dân Phiên dân Thổ, thu thập được chúng sẽ đem đến một thứ sức mạnh lan rộng như sóng triều. Như thứ loạn lạc đang lan tràn khắp đất nước này – vốn phát sinh chỉ từ một tên Phó Vệ úy buôn lậu gỗ.

“Vâng, tôi đã được tự do làm việc đoái công chuộc tội.” Y vẫn mỉm cười, mặt không đổi sắc. Nhưng ánh mắt Thái Công Triều thay đổi.

Tự do của y chính là quyền lực. Trong lời Trần Chấn, y đã trở lại Hà Tiên với vai trò cựu Thống lãnh, không phải là một tội nhân đi theo quân chờ ngày định đoạt. Hẳn Thái Công Triều đang bối rối tự hỏi y đã làm gì để đạt được điều đó. Anh ta hẳn cũng đang nghiến răng thầm nghĩ cách để gạt y ra khỏi bàn cờ của anh ta, trò chơi của anh ta.

Y nhìn ngón tay Trần Chấn gõ trên bàn, hẳn ông ta đang nghĩ ngợi về chuyện tạo giấy tờ, nhân thân mới cho y. Từ đó, thế gian sẽ chẳng còn Mạc Hầu Diệu. Từ đó, y sẽ trở thành kẻ chẳng còn quê hương, đất nước, vĩnh viễn lang bạt và trốn nấp dưới muôn vàn khuôn mặt. Từ đó, cuộc đời của y vĩnh viễn là một cuộc chiến không được phép sai lầm, là lưỡi đao treo lơ lửng trên đầu những thân thuộc còn sót lại. Tự do của y, là vĩnh viễn không có giải thoát.

Y chấp nhận đánh đổi để được trở lại nơi này. Cũng như khi nhận chức Thống lãnh Hà Tiên ngày đó, y không thể đứng lùi lại và bỏ mặc, cầu phó mọi sự cho trời, cho sai lầm của con người lẫn sự yếu ớt của bản thân.

Trước và sau y đều có cùng một nguyên do: Không thể để vùng đất này rơi vào tay một kẻ như Thái Công Triều. Điều đó, y đã nghĩ đến suốt trong những đêm nhìn ánh lửa chớp tắt bao quanh thế gian ngoài núi Thứu Lĩnh.

 

Chú thích:

[1] Khách Cao Miên ký hoài Diệp Minh Phụng kỳ của Trịnh Hoài Đức




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.