Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

28. Tiêu tao cựu quán hàn xuân thụ
Trường An in "Minh nguyệt 1" January 30th, 2019
  1. Tiêu tao cựu quán hàn xuân thụ, uỷ tích Trường An tiện xạ môi[1]
    (Quán cũ cây xuân đã tiêu điều, gửi thân nơi Trường An vì giá mực rẻ)

 

Tháng chín, hoàng đế ban dụ cho bộ Lại “Những kẻ cam lòng theo giặc, tội không thể tha”.

Đó là lời Tuần phủ Trịnh Đường nói khi vừa gặp y. Đang ở trong đội thủy quân, y bị gọi về dinh phủ nhưng chẳng phải vì việc công. Bác y Mạc Công Du lên cơn đau tim nguy kịch – sau khi nói chuyện với Tuần phủ Trịnh Đường vừa từ Kinh tới.

Khi y đến nơi, Mạc Công Du đã được chuyển về nhà, chỉ còn Trịnh Đường ở căn phòng chính điện. Nghe lính báo y đã tới, Trịnh Đường ra tận cửa đón, lắc đầu khi nghe y hỏi đến Mạc Công Du.

“Hoàng thượng có lệnh, đưa hai ông và cậu đến Gia Định hợp với cậu Mạc Hầu Hy, cùng chuyển về Kinh để bộ Binh xét xử.” Ông ta đột ngột nói, không để cho y có thời gian nghĩ ngợi. “Ta được lệnh đích thân đưa mọi người đến quân thứ Gia Định nên báo trước cho hai ông biết, không nghĩ sức khỏe ông Cả đã xấu đến thế.”

“Án sát Bùi Văn Lý, Bố chính Đặng Văn Bằng cùng Lãnh binh Nguyễn Đăng Huyên cùng dâng sớ nói cần xem xét tâm tích của nhà họ Mạc, hoàng thượng bảo ta đến Hà Tiên mới đích thân xử trí.” Nhìn vẻ mặt y, Trịnh Đường có lẽ đã đoán được điều y muốn hỏi, liền nói thêm. “Không cần phải bắt giữ đóng gông giải đi như bọn Nguyễn Văn Bột, chỉ là chuyển về Kinh xét hỏi thôi.”

“Tình hình ở Kinh như thế nào rồi ạ?” Im lặng hồi lâu, y mới hỏi khẽ. Mắt Trịnh Đường thoáng qua một ánh nhìn khó mà rõ nghĩa, trước khi ông ta nghiêng đầu về phía y, hạ giọng.

“Hoàng thượng vừa tuyên dụ cho bộ Lại về chuyện quan lại trốn nấp trong loạn giặc Khôi ở Gia Định. Những kẻ cam lòng theo giặc, tội không thể tha, khác với những người nhỏ yếu không biết làm sao đành phải trốn tránh. Những kẻ bị giặc bắt được thì cần phải tra xét để phân biệt. Cho nên trong đám người vừa bị giải về Kinh, bọn đường cùng đầu hàng như Hồ Văn Hãn, Lê Đắc Lực bị hành hình ngay. Quan viên trốn đi như Phạm Phúc Thiệu, Tri phủ Tân Bình Đinh Khắc Hài kẻ bị trảm giam hậu, người bị đày đi khổ sai. Án sát Phiên An Nguyễn Chương Đạt, Lãnh binh Nguyễn Quế bỏ thành chạy trốn đến tận Bình Thuận, đều bị trảm quyết. Nguyễn Chương Đạt vì tình đồng hương mà dung túng cho bọn Lê Văn Khôi, không canh giữ để chúng gây nên chuyện, liên lụy đến tất cả anh em trong nhà. Đáng tiếc cho gia đình Nguyễn Chương Đạt cả nhà thư hương khoa mục xuất thân, anh em con cháu năm sáu người đều làm quan trong triều, nay thảy đều bị cách chức đuổi về vĩnh viễn không được bổ dụng.” Gương mặt Trịnh Đường lại có thái độ gần như một nụ cười khi ông ta dùng giọng ngậm ngùi mà thở dài, rồi cũng đột ngột chuyển đề tài. “Ta nghe tin báo lại nhà họ Mạc vốn bị giữ trong dinh Tuần phủ nên lọt vào tay bọn Hồi lương, không biết làm sao đành phải nghe theo chúng, nhưng biết quay đầu hối cải mà giành lại tỉnh lị, lập công chuộc tội. Tuy nhiên vừa rồi đánh bọn Thanh phỉ, cậu Mạc Hầu Chấn lập công lớn, vượt qua cả quan quân. Người ta bảo, thế lực họ Mạc quả là quá lớn.

“Kẻ thì bảo, thế lực lớn như thế nhưng lại là tỉnh lị giành về sau cùng, phải đợi Bùi Văn Lý sai bảo thì mới hành động, vậy chân tâm ở đâu? Người thì nói, Hà Tiên đang lúc rối loạn, không quan không chủ, họ Mạc ở nơi ấy đang tìm cách giành lại ảnh hưởng, xây dựng thế lực. Ngày trước bọn Khôi đến thì uốn mình theo bọn Khôi, thấy triều đình thắng thế thì lật lọng đánh bắt cả thuyền đi sứ lẫn người của giặc, sau này Hà Tiên còn rối ren, tình hình còn chuyển biến thì sẽ thế nào?” Trịnh Đường nheo mắt quan sát y, chầm chậm nói như kể chuyện. “Ông Mạc ở Hà Tiên bao năm khoanh tay như tượng gỗ, họ Mạc yếu ớt là chuyện có thể hiểu và thông cảm. Nhưng kẻ tưởng chừng yếu ớt mà khi có chuyện lại có thể ra tay triệt hạ đối thủ, vậy thì trước đây đi theo chúng là lý do gì? Hà Tiên có việc thì sai phái được người của toàn Hà Tiên này hợp công kiểm soát mặt biển, chiến công của các cậu nhà họ Mạc quả nhiên làm người ta không thể xem thường. Như hoàng thượng nói, kẻ nhút nhát có thể trị tội, kẻ yếu đuối có thể thông cảm, kẻ bị bức bách có thể xem xét, nhưng kẻ tâm tích và hành động xoay chiều liên tục, không ai hiểu nổi thì phải tra xét cho đến nơi.”

“Cám ơn quan Tuần phủ đã cho biết. Tôi phải về xem tình hình của bác.” Y mím môi nói nhanh, cúi mình toan chào Trịnh Đường. Ông ta phất tay ra hiệu y đứng đợi, quay vào trong lấy ra một chiếc hộp sơn son.

“Hoàng thượng ban thưởng cho cậu Mạc Hầu Chấn năm đồng Phi long lớn. Các ông Mạc đã nghe đọc chỉ dụ ban thưởng nhưng không kịp đem phần thưởng về, cậu Diệu đưa lại cho cậu Chấn giúp ta.” Trịnh Đường ấn cái hộp vào tay y, ánh cười vẫn ở trong mắt. “Hoàng thượng cũng cho chia biền binh theo ta sai phái đi tuần tiễu bọn cướp biển, phong Nguyễn Văn Thụy lên làm Cai đội theo tỉnh lùng bắt giặc. Việc trừ Thanh phỉ, các cậu không cần phải để tâm đến nữa.”

Y im lặng cúi chào Trịnh Đường, cầm chiếc hộp ra về.

Phủ họ Mạc xôn xao tiếng người. Ngay cả người quen, người trong vùng nghe Mạc Công Du phải chuyển từ tỉnh lị về cũng tới hỏi thăm, tụ tập quanh phủ. Trong nhà, người hầu bối rối lo lắng chạy quanh, những thầy thuốc được gọi tới họp lại bàn luận to nhỏ. Trước cửa phòng Mạc Công Du, người trong nhà đã gần như đầy đủ. Vợ cả Mạc Công Du khóc nấc lên từng hồi, gần như lả vào trong tay người hầu.

“Bác nghe mọi người bị giải về Kinh nên lên cơn đau tim, giờ vẫn còn chưa tỉnh.” Thấy y, Mạc Hầu Chấn kéo y sang bên, nhỏ giọng thông báo. Y gật đầu, nói đã gặp Trịnh Đường, cậu ta liền cau mày. “Anh có hỏi ông ta bao giờ bắt mọi người đi không?”

“Phải đợi xem bác thế nào đã.” Y thở ra, đưa chiếc hộp cho Mạc Hầu Chấn. “Hoàng thượng ban thưởng cho em đấy.”

Gương mặt Mạc Hầu Chấn thoáng một vẻ kỳ lạ. Cậu ta không đưa tay nhận chiếc hộp, chỉ trừng trừng nhìn y.

“Vậy là mọi người bị giải về Kinh. Chỉ còn em…” Cậu ta nghẹn giọng, trong khi y chợt có cảm giác muốn cười.

“Cầm mấy đồng Phi long này đóng lên tường, rồi không kẻ nào dám khó dễ em và nhà ta nữa. Hoàng thượng cho Tuần phủ đích thân đến dẫn đi chứ không phải bọn tướng dưới quyền, chúng ta không phải chịu khổ sở gì lắm đâu.” Y ấn hộp tiền vào tay Mạc Hầu Chấn, cười nhẹ. Nhưng có lẽ nụ cười của y không giống cười cho lắm, Mạc Hầu Chấn cúi đầu, ngón tay cậu ta siết cái hộp đến nổi gân.

Chờ đợi hồi lâu, các thầy thuốc và Mạc Công Tài mới ra phòng ngoài thông báo rằng sức khỏe của Mạc Công Du đã tạm ổn. Y nhìn qua cửa, thấy vợ Mạc Công Du vẫn ngồi cạnh giường ông mà ôm mặt khóc, nghĩ không muốn quấy rầy mọi người, y lặng lẽ lùi ra hậu viện. Ngồi trên thảm cỏ ngoài hiên, y ngẩn người nhìn trăng trên cao, đầu óc mông lung như chẳng thể nghĩ được gì, cảm thấy gì. Mãi sau, Mạc Công Tài đến vỗ vai, y mới giật mình choàng tỉnh.

“Mọi người nghỉ rồi, con vào ăn cơm tối đi.” Mạc Công Tài cười nói, nhưng y thấy vẻ mệt mỏi hằn lên trong mắt lẫn nét mặt ông. Nhìn y vẫn dường ngẩn ngơ ngồi trên đất, Mạc Công Tài thở ra. “Vẫn lo nghĩ chuyện phải đến Kinh à?”

“Ta từng ở Kinh một thời gian, cũng quen biết với hoàng thượng từ ngày ngài ấy còn nhỏ, không có chuyện gì đâu.” Ngừng một thoáng, Mạc Công Tài nói thêm. “Chẳng qua sự tình bây giờ, không thể để họ Mạc ở Hà Tiên được nữa.”

“Trong bọn Thanh phỉ đang hoành hành ngoài biển, vừa mới phát hiện ra tên Trần Thục Ân. Hắn trước theo bọn Khôi, được phong làm Cai phủ. Bọn Trịnh Thần Thông, Lâm Đại Mạnh bị đánh tan, hắn vẫn còn đang lẩn lút. Dân chúng thì đã bỏ nhà cửa ruộng vườn chạy trốn cả.” Khẽ gật đầu, y lặng lẽ nói. “Trịnh Đường bảo, trong lúc hoang mang này mà nhà họ Mạc có thể điều động quân lính đánh tan Thanh phỉ, càng làm người thêm nghi ngờ. Còn Bùi Văn Lý, quả nhiên vừa lấy lại tỉnh thành thì đã dâng tấu đòi tra xét. Nhìn tình cảnh bây giờ, ông ta hẳn ngờ sợ không yên.”

“Con có hối hận vì đem quân đi trừ phỉ không?” Mạc Công Tài cười. “Thế là được rồi, sao còn phải nghĩ xem người khác nói gì?”

Y quay đầu nhìn bóng của trăng lay động trong vườn. Có hối hận không, y cũng đang tự hỏi. Từ đầu đến cuối, những chọn lựa cho đến lúc này, y có thể hối hận hay không?

“Bác thế nào rồi ạ?” Cuối cùng, y chọn hỏi về điều khác. Mạc Công Tài lại thở dài.

“Ông ấy vừa mới qua cơn nguy kịch. Khi ấy, ta bảo, anh còn phải gặp thằng Hy lần cuối. Nghe thế thì ông ấy mới gượng lại được. Nhưng… đường đến Phú Xuân, ta e bác con không trụ nổi.” Nỗi buồn thấm đẫm trong giọng Mạc Công Tài, trong đêm phương Nam vi vu gió rộng. Ông cũng im lặng sau đó, như thể không biết nói tiếp ra sao.

“Trịnh Đường này là người thế nào, cha có biết không?” Y lại tiếp tục hỏi.

“Chừng tám năm trước, Trịnh Đường đang làm Tri huyện ở Sơn Nam thì được tin báo có giặc cướp. Ông ta lấy thuyền thúng giả làm voi, cho người hô hét, đánh trống reo hò, giặc tưởng là có lính từ thành đến nên bỏ chạy hết, người đuổi đánh chém được vài chục kẻ[2]. Vì chiến công ấy mà Trịnh Đường lọt vào mắt hoàng thượng, khi hoàng thượng kiểm soát được chính quyền thì cho ông ta vào làm Lang trung Lại bộ, rồi cử đi trấn nhậm ở những nơi phức tạp như Bình Định, Thanh Hoa. Đó là chuyện ta nghe kể lại, chứ thực ra với những viên quan Bắc Kỳ mà hoàng thượng bổ dụng sau này, ta vốn chẳng quen biết.” Mạc Công Tài đưa mắt nhìn thoáng qua y. “Con đã gặp ông ta rồi à?”

“Trịnh Đường bảo, cho Nguyễn Văn Thụy đi theo ông ta sai phái. Vừa rồi Nguyễn Văn Thụy đem cơ Hà Phú bắt được Trịnh Thần Thông, chém được Trần Biện, dồn đuổi bọn Thanh phỉ tứ tán. Lâm Đại Mạnh chạy đến Ba Thắc, bị quan nơi ấy giết. Bây giờ giặc biển Đồ Bà tới họp với Thanh phỉ quấy rối Hà Tiên, thân là Tuần phủ đem cả biền binh lẫn quân triều đến, nhưng lời đầu tiên đã nhắc đến Nguyễn Văn Thụy ra điều đòi người, rõ là đang muốn hớt ngọn lấy quân công.” Y nhẹ nhếch một bên mép, nhớ tới vẻ mặt không rõ là gì của Trịnh Đường ban chiều. “Người nảy ra được mưu kế lấy thúng úp voi, quả nhiên đầu óc cũng nghĩ tới trăm đường. Nhưng chỉ mưu tới kế giả, không rõ thực được bao nhiêu.”

“Con đang lo lắng cho Hà Tiên?” Mạc Công Tài hạ giọng hỏi khẽ. Y im lặng hồi lâu.

“Con có cảm giác rằng mọi sự chỉ mới bắt đầu thôi. Khi ở trên biển đánh Thanh phỉ, con đã nghĩ tới lời cha nói, rồi cảm thấy dường như mọi chuyện mới chỉ vừa bắt đầu thôi.” Hồi lâu, y nói khẽ, rất khẽ. “Như lời cha nói, có những thứ, những chuyện phải phát lộ ra, nhưng rồi bị dập xuống. Đến khi không còn sự kiểm soát nào, chúng mới dần dần hiện rõ. Bọn Thanh phỉ ở Hà Tiên này, người ở nơi đây, tất cả sự việc ở đây. Đáng lẽ cứ để mọi thứ bùng nổ, mọi kẻ tự chọn đường hướng cho mình thì con lại chọn một cách bình yên giả tạo. Cuối cùng chỉ dẫn đến kết cuộc phải hủy diệt tất cả, không kể trắng đen tốt xấu, bất kể lý do hoàn cảnh, cả những kẻ đáng lẽ có thể quay đầu cũng không thể tha thứ. Nhưng chỉ là đang chống chọi một cách u u minh minh, chẳng biết phải phân định thế nào. Người ở Phú Xuân hẳn cũng vậy, không biết điều gì đang xảy ra ở Hà Tiên, những kẻ mới tới càng không biết. Mưu tính loanh quanh, kiếm lợi nhỏ nhen, chỉ nhìn thấy cái trước mắt, liệu có kiểm soát được Hà Tiên hay không?”

Lần này, Mạc Công Tài không trả lời y.

Con có hối hận không, ông hỏi. Khi đối mặt với thế cục này, y thực sự không biết, y chỉ hoang mang.

Bằng một linh cảm kỳ lạ như khi nghe hoa mai rụng giữa những nấm mộ đá tròn, y nghe một cơn bão đang tới, không rõ từ đâu.

Chỉ đôi ba ngày sau, Trịnh Đường đã cho người đến báo bọn y chuẩn bị lên đường.

Tuy Mạc Công Du vẫn còn nửa tỉnh nửa mê, y và cha cũng nhất quyết đưa ông đến Phiên An để gặp Mạc Hầu Hy lần cuối, hiểu rằng thời gian của ông còn rất ngắn. Do đó với lệnh gọi gấp của Trịnh Đường, y không cảm thấy buồn bực hay phẫn nộ. Ngay chiều hôm được lệnh, y và Mạc Công Tài đã đưa Mạc Công Du lên thuyền. Đưa tiễn bọn y chỉ có người trong nhà và đôi ba thuộc hạ. Nguyễn Văn Thụy cùng cơ Hà Phú, kể cả lính của họ Mạc, đã bị Trịnh Đường gọi đi.

“Ông ta muốn nhanh chóng đưa mọi người đi để người trong vùng không biết, đến lúc biết thì việc đã rồi.” Mạc Hầu Chấn có vẻ tức giận thì thầm. “Mấy hôm nay quanh phủ lúc nào cũng có lính canh, như thể sợ chúng ta trốn mất.”

“Em ở Hà Tiên cũng lựa lúc mà triệt bỏ đội quân binh của họ Mạc, đừng gây chuyện với Trịnh Đường.” Y hạ giọng nói. Bọn y đang đứng bên bến thuyền, cách xa đoàn người đưa tiễn. “Với các hầu thiếp, nô bộc, em tìm nhà nào tốt bán dần họ đi. Các bà thì em lựa lời khuyên họ về nhà ngoại, em cũng đi theo chăm sóc mẹ luôn thể, đừng ở đây mà sinh chuyện.”

“Chúng ta đến Kinh lần này, nếu may mắn thì chỉ bị cách chức, sung quân làm công vụ chuộc tội. Nhưng tình hình Hà Tiên còn chưa yên thì chúng ta chưa thể quay lại đây, em đi theo chúng ta không ổn, ở đây cũng không được, phải liệu kế sớm đi. Mấy đồng tiền Phi long hoàng thượng ban cho em cũng coi như là kim bài miễn tử rồi.” Y đưa mắt nhìn về phía tiếng khóc văng vẳng, trong lòng không buồn chẳng vui. “May mắn thì chúng ta cũng chẳng còn nhà, không may thì họ Mạc chỉ còn mình em gánh vác, em đừng rầu rĩ như đàn bà con gái mới được. Vả lại cũng đừng hăng hái nghe theo ai, vạ không biết từ đâu mà tới, liên lụy cả đến chúng ta, chỉ cần bảo toàn bản thân cho tốt là được rồi.”

“Vâng…” Mạc Hầu Chấn mím môi, mắt cậu ta ngầu đỏ. Người trên thuyền đã lên tiếng gọi, y liền đi tới bến sông.

Mắt y chợt bắt gặp một hình bóng quen đang đứng bên bến thuyền. Nguyễn Văn Vi, người hầu cũ của Phạm Xuân Bích, đứng một mình bên cảng. Thấy y, anh ta tiến lại, ngượng ngùng dâng lên một cái làn nhỏ.

“Nghe cậu và các ông bị đưa về Kinh, tôi đến tiễn mọi người.” Không hiểu sao Nguyễn Văn Vi có vẻ sầu khổ. Anh ta chớp mắt mấy lần rồi nói khẽ. “Hôm ấy vì chủ nhân tôi bắt mọi người nhốt trong dinh, đám tù binh ấy mới bắt được, bức bách phải nhận chức, hại mọi người ra nông nỗi này.”

Y nhìn chiếc làn trong tay Nguyễn Văn Vi, yên lặng hồi lâu, rồi đưa tay nhận lấy.

“Chuyện về chủ nhân anh, ta đã kể với Trịnh Đường, ông ta sẽ báo cáo lại với hoàng thượng chuyện đêm ấy. Nhất định hoàng thượng sẽ không để nhà họ Phạm phải thiệt thòi.” Chiếc làn vẫn còn ấm trong bàn tay y. Y bỗng chợt cười. “Nguyên do giống nhau, hành động giống nhau, chưa chắc kết quả đã giống nhau.”

“Dạ cậu?” Nguyễn Văn Vi đưa mắt nhìn lên thắc mắc, nhưng y đã quay đi theo tiếng gọi giục giã đằng trước.

Mấy hôm trước, y đã nghe Trịnh Đường nhắc về kết quả của Nguyễn Chương Đạt, Án sát cũ của Phiên An, người đã chạy ra dưới cổng thành đêm ấy. Người mà trong lời bọn Nguyễn Hựu Khôi, đã thả các tù phạm đang xét xử ra ngoài mỗi đêm, gây nên biến loạn này. ‘Đồng hương’, Trịnh Đường nói, gia đình Nguyễn Chương Đạt là một nhà thư hương vọng tộc nổi danh của Nghệ An.

Cùng một nguyên do như Phạm Xuân Bích. Cùng một hậu quả như Phạm Xuân Bích. Chỉ khác rằng Phạm Xuân Bích đã lấy cái chết để gánh vác sai lầm của mình. Đồng thời, là đẩy tất cả gánh nặng lên người còn sống. Dù rằng có thể Phạm Xuân Bích sống hay chết cũng sẽ giống nhau. Với thành trì An Giang đã sụp đổ và Mạc Hầu Hy nằm trong đoàn quân nổi loạn, Hà Tiên cũng sẽ thất bại, họ Mạc cũng sẽ bị đẩy lên đầu hòn tên mũi đạn. Ngay những tên tù binh mà Phạm Xuân Bích đã để sổng dù có bị giết trước đó cũng chẳng cản ngăn được nhóm tù nhân nơi biên giới nhất loạt trở cờ đi theo quân nổi loạn. Hà Tiên sẽ rơi vào loạn lạc với bọn thổ phỉ, cướp biển hoành hành – như hiện tại.

Chẳng điều gì có thể đổi thay, chẳng một con người nào có thể quay đầu, chẳng một lối thoát nào được mở ra. Sai lầm hay đúng đắn, rốt cuộc cũng chẳng thể làm gì.

Sống đúng theo tâm mình, cha y bảo. Và Phạm Xuân Bích đã tha cho đám người đồng hương, cam tâm nhận lãnh lấy cái chết. Và y đã đưa anh ta vào cái chết, để bảo toàn những gì y cho là đúng. Và những kẻ kia chống đối, giết chóc đến cùng theo cách sống duy nhất mà chúng biết. Và những người như Nguyễn Văn Vi chỉ biết tin tưởng trung thành một cách ngây thơ, vĩnh viễn không thể hiểu được những góc tối của thế nhân. Sai lầm hay đúng đắn, rốt cuộc cũng chẳng để làm gì.

Y nhìn lại Hà Tiên đang dần lùi xa sau những rặng cây, mờ tan vào dòng nước và bóng chiều tàn úa. Những cuộn khói mỏng thưa thớt đang bốc lên trên những mái nhà, các chuyến thuyền vẫn xuôi ngược trên dòng nước. Những đoàn quân binh vẫn đang tuần tiễu ven bờ biển, những đoàn người chạy loạn vẫn thất thểu dưới các mái chòi dựng tạm, trong tiếng khóc văng vẳng dường kéo dài mãi mãi. Nam mai trên Bình San lại đang nở trong cõi vắng lặng không người.

Đó là cảnh tượng cuối cùng của mảnh đất quê hương mà y có thể ghi nhớ. Mãi về sau này, nhắm mắt lại, y vẫn có thể mường tượng đến cánh chim đã bay qua trời chiều nhuộm khói, thanh âm mái chèo khua nước mạn thuyền, ít yên bình cuối cùng còn sót lại của mảnh đất quê hương. Trước khi cơn bão thổi đến, đốt cháy tất cả thành hoang địa.

Trong những năm tháng ấy, thời gian dường có thể kéo dài ra vĩnh viễn. Như chuyến tàu trên những dòng sông Gia Định đưa bọn y đến Phiên An. Chỉ vừa đến vùng Định Tường, thân thể Mạc Công Du đã co giật, lúc nóng lúc lạnh. Thầy thuốc trên thuyền đã hết sức cứu chữa, Mạc Công Du cũng chỉ có thể cầm cự tới Bến Nghé.

Nắm tay Mạc Công Du, y nghe nhịp sống trong ông lịm dần. Dù cha y ở bên cạnh vẫn ra sức kêu gọi ông gắng gượng, bàn tay ông đã lạnh toát, bất động trong tay y.

Sự sống của ông bay đi trong hơi thở cuối cùng tan lẫn vào tiếng hò hét của đoàn thuyền vào bến. Người đứng đầu nhà họ Mạc qua đời ở Phiên An, trên chuyến thuyền đưa người về Phú Xuân xét hỏi.

Cha y khóc nấc lên, gục đầu ôm lấy người anh trai. Y gạt nước mắt đứng dậy ra ngoài báo cho quan Đốc vận.

Ngoài sàn thuyền, Phiên An đã hiện ra. Khu thành sừng sững với những ụ pháo tua tủa đã dường bị nhấn chìm sau các lũy đất cao ngang ngửa bao vây thành. Các đoạn hào vốn được đào thẳng thớm giờ đã nát bấy dưới đạn pháo. Cầu Cao Miên đã bị đốt cháy, khu vườn hoa mênh mông dưới chân cầu đã trở thành một khoảng đất trống thưa thớt vài khu doanh trại lập vội. Khu phố Sài Côn gần cảng cũng đã trở thành tro than. Khắp nơi chỉ một màu đất bị cày xới lật tung, màu tro bay cỏ cháy. Cả khu thành cũng đã đen nhẻm sau nhiều đợt pháo bắn. Phiên An phồn hoa đô hội trong ký ức y đã trở thành một hình dạng quái gở điêu tàn không thể nhận ra.

Bến cảng hiện tại cũng chỉ đông chật thuyền bè quân đội, những mũi súng ngọn giáo chĩa ngang dọc. Trên bến ngoài vài kẻ bốc xếp hầu như không có bóng dân thường. Có thể vì thế, y rất nhanh nhận ra bóng dáng Mạc Hầu Hy. Cũng đội nón, đeo súng như quân binh xung quanh, nhưng anh ta là người duy nhất đứng đợi chiếc thuyền đang vào cảng.

Tiếng khóc của Mạc Công Tài vẫn âm âm trong khoang thuyền. Y nhìn bóng dáng điêu tàn của Phiên An cùng Mạc Hầu Hy mờ đi trong lệ.

Chuyến thuyền dường kéo dài vĩnh viễn ấy đã đưa y đi qua những dòng sông Gia Định giữa hai bờ hoang tàn, đến chiến trường bị thiêu cháy Phiên An cùng người con đang đứng chờ Cái chết. Cái chết đã ập xuống Mạc Hầu Hy ngay trong thời khắc ấy, như cái bóng đen ngòm sừng sững của tòa thành đổ lên mọi người mọi kẻ bên dưới.

Sai lầm hay đúng đắn cũng chẳng để làm gì, rốt cuộc không ai, chẳng thứ gì có thể thoát khỏi con đường của vận mệnh.

 

Chú thích:

[1] Khốc Trần Nam Lai của Trịnh Hoài Đức

[2] Sự tích này của Trịnh Đường được ghi trong Đại Nam thực lục, năm 1826. Có lẽ câu “Lấy thúng úp voi” chính là lấy từ đây.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.