Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

27. Phi tẩu mạc đào cầm thú tích
Trường An in "Minh nguyệt 1" January 24th, 2019
  1. Phi tẩu mạc đào cầm thú tích, hàng tàng khả chúc hạ di hình[1]
    (Dấu chim thú bay chạy không thoát khỏi, còn soi được dáng người dưới bóng lửa)

 

Tháng tám, quân triều đình chiếm lại Biên Hòa.

Nghe tin tại miền Nam Gia Định, toàn bộ quân Phiên An tại Biên Hòa vỡ trận. Quân triều đình thẳng từ Biên Long đến tỉnh lị, Tuyên phủ Biên Hòa Hồ Văn Hãn cùng quân tướng trong thành mở cửa đầu hàng. Tham tán Thảo nghịch Hữu đạo Trương Minh Giảng đưa quân mới hàng lập thành đội Tự Tân, chia đường tiến đánh Bình Dương.

Quân triều tiến đến cầu Cao Miên, hợp cùng nhóm của Thái Công Triều đang ở Tham Lương dồn quân Phiên An đến đồng Tập Trận. Hữu quân Vũ Vĩnh Tiền của Phiên An tử trận, tàn quân liền trốn vào phố Sài Côn đóng giữ. Phó Vệ úy Phấn uy Nguyễn Văn Tần tiến đánh bị giết chết.

Đại đội quân của Thảo nghịch Hữu đạo tướng quân Nguyễn Văn Trọng và Tham tán Trương Minh Giảng tới đúng lúc Thái Công Triều đang đánh Giới Kiều, Nguyễn Hoàng Thỏa giữ mặt trận cầu Cao Miên. Quân tiếp viện vẫn không phá vỡ được vòng phòng thủ, đành đóng lại bên kia cầu.

Bình khấu đạo tướng quân Trần Văn Năng và Thảo nghịch Tả đạo tướng quân Tống Phúc Lương đưa thủy quân đánh vào Bến Nghé. Tuần phủ Định Tường Ngô Bá Tuấn giao nộp Phó tướng Hữu quân Nguyễn Văn Bột. Thuyền quân triều đến Thị Nghè, quân Phiên An đã bỏ chạy để lại toàn bộ thuyền bè và kho tàng.

Quân Phiên An hợp tất cả người Thanh trong quân vào phố Sài Côn lập căn cứ. Tham tán Nguyễn Xuân từ Cát Giang đến chợ thôn Vĩnh Hội thì gặp phục kích. Quân triều liền lên bờ phóng lửa đốt, xông đến chém hơn hai trăm năm mươi quân địch. Tàn quân trốn vào phố Sài Côn vẫn bị truy đuổi chém hơn sáu mươi người nữa, bảy trăm kẻ còn lại đành tự ra hàng.

Quân triều đình chiếm giữ Phiên An, chia làm ba nhóm: Tả đạo của Tống Phước Lương đóng ngoài thành, Bình khấu đạo đóng từ sông Bến Nghé đến cầu Cao Miên, Hữu đạo đóng từ cầu Quan đến đồng Tập trận.

Quân Phiên An đóng ở phía Nam cầu Cao Miên đánh úp lũy Hoa Phong, Lê Đại Cương đến tiếp ứng tại đồng Tập Trận không giữ nổi. Thái Công Triều và Đoàn Dũ đem quân tiếp chiến mới phá tan được quân địch, chiếm lấy mặt trận cầu Cao Miên.

Cuối tháng tám, quân triều đình đã bao vây toàn bộ quanh thành Phiên An. Họ đắp các đồn tấn liền nhau, xây lũy đất bao vây. Hai bên lấy đại bác bắn vào nhau, ngày đêm không ngớt.

Những tin tức ấy chuyển đến Hà Tiên mà chẳng mấy ai quan tâm. Nhất là khi y được gọi vào tỉnh lị gấp vì tin báo khẩn: Người Thanh ở phố Lạc Dục, Long Xuyên nổi loạn, giết chết cả nhà quan Tri huyện.

“Người Thanh phố Lạc Tân tên Trịnh Thần Thông và Trần Biện cũng tự xưng là Chánh phó Thống binh, họp đoàn đi cướp bóc khắp nơi.” Thành biên vụ Nam Vang Hồ Công Chỉ đang tạm quyền ở tỉnh thông báo, đưa mắt nhìn người trong phòng nghị sự, dừng lại ở Mạc Công Tài. “Ông Mạc có biết bọn chúng không?”

“Mấy năm nay rất nhiều người Thanh đến Gia Định, tụ họp ở các tỉnh. Anh tôi đã nghỉ hưu ba năm, không nhận được báo cáo của các bang trưởng, càng không được chúng đến ra mắt.” Mạc Công Tài thở dài nói. “Bọn người này ở đâu ra vậy chứ?”

“Tôi cũng muốn hỏi.” Hồ Công Chỉ có vẻ nóng nảy nói. “Tại sao cùng là người Thanh kiều ngụ mà người Thanh ở Vĩnh Long cùng các tỉnh nhỏ lại hiền lành không gây chuyện, thậm chí còn ứng lương ứng tiền cho quan quân làm việc nghĩa? Trong khi bọn người Thanh ở các tỉnh nổi tiếng giàu có đông đúc, văn vật thịnh vượng như Phiên An với Hà Tiên lại là một giuộc du đãng trộm cướp kéo đoàn như nhau? Đến khi hỏi tới thì ai cũng lắc đầu nguầy nguậy bảo chẳng biết gì đâu! Bọn bang trưởng cùng thuộc hạ của chúng đâu cả rồi?”

“Chúng có khi còn đang bị giam giữ ở Phiên An.” Mạc Công Tài vẫn giữ giọng nói ôn tồn mềm mại mà đáp. “Vừa rồi có đến gần ngàn người Thanh ra đầu hàng ở Phiên An sau trận thua phố Sài Côn. Số người ấy, ngay cả có người Thanh tỉnh khác gia nhập vào, thì người Phiên An vẫn chiếm đa số, ắt hẳn phải có bàn tay của bọn đầu lĩnh. Trong thành Phiên An có Lưu Hằng Tín làm ở Hành nhân ty từ Quảng Nam chuyển xuống, hẳn quan hệ quen biết với bọn người Thanh suốt Gia Định này không phải ít. Nghe nói vừa rồi hoàng thượng biết chuyện càn quấy mà bọn người Thanh làm, ra lệnh cho các tướng xét hỏi, trước đã có mấy tay thủ lĩnh bị trừng trị rồi. Còn hơn tám trăm tên khác phần đang bị giam giữ, phần bị đưa vào đồn quân đánh trận, người tán lạc cả. Mất hết sổ sách lưu trữ, mất cả đầu lĩnh, bọn người Thanh ở Hà Tiên mới trở nên ngông cuồng như vậy.”

“Vả lại Hà Tiên này không giống các tỉnh kia, đường biển dài, có rất nhiều đảo ngoài khơi. Bọn cướp này tập hợp dễ, rút đi lẩn trốn cũng dễ. Trước chúng không dám càn quấy vì e sợ quân đội Gia Định, nay thấy Hà Tiên chỉ có mấy cơ quân, lại đang có việc cả, thì chúng nổi lên thôi.” Quản cơ An Giang Nguyễn Văn Tây góp lời. “Nghe trộm cướp thì dân trong các phố đi trốn hết, quan tướng cho đến lại thuộc trong tỉnh qua đợt vừa rồi còn chưa tìm lại cả được, Tuần phủ Trịnh Đường do Kinh bổ thì chưa tới. Các tỉnh kia đều bù đầu công việc, kho chứa rỗng không, chẳng thể tiếp ứng. Nhưng nếu chúng ta để yên thì chúng sẽ lớn mạnh nhanh như thổi, thu thập từ tàn quân của bọn Khôi cho đến đám vô lại trong vùng, tới cả dân chúng cũng bị chúng dụ dỗ theo thôi.”

“Đúng vậy, điều tôi lo là việc sẽ chuyển biến khôn lường. Bọn Khôi sau khi thất bại trong kiểm soát Gia Định đã chuyển hướng sang kích động loạn lạc khắp nơi, tận dụng những quan hệ của chúng.” Hồ Công Chỉ trầm giọng, nét lo lắng hiện rõ trên mặt. “Ở Thái Nguyên bây giờ đang phải vất vả chống chọi bọn Nông Văn Vân, chúng gọi nhau nổi loạn từng đoàn, mỗi nhóm phải vài ngàn người. Người Nùng cũng coi như là nửa người Thanh rồi[2]. Bây giờ nhóm người Thanh ở Hà Tiên này bề ngoài là cướp bóc, nhưng bên trong là nổi loạn, giết sạch cả phủ quan, ai biết bên trong có bọn nào xúi bẩy hay không.”

“Người Thanh ở các cảng thương thị có khác với dân ở tỉnh, phần đông làm nghề buôn bán trên biển, không thì cũng là bọn trợ giúp nghề buôn. Các lão bản này tập hợp thành nhóm, chiêu mộ đám tay sai, bề ngoài là thương buôn mà chẳng khác gì chủ tướng, chưa kể còn liên hệ với các nhóm chống triều Thanh ở Hoa Nam.” Mạc Công Tài vẫn điềm tĩnh mà phân giải. “Mấy năm nay, các tổ chức chống Thanh lại nổi lên đánh phá vùng biển, xâm phạm cả biển của ta, đã trở thành bọn hải tặc khó trị cả rồi. Hoàng thượng ra lệnh siết chặt buôn lậu và thuốc phiện, các thuyền chở lậu của bọn này lại dàn hàng ngoài khơi, chờ thuyền của bọn ở trong đưa ra tiếp vận. Chúng đã lập thành cả một đường dây khắp từ Hạ Châu đến Quảng Châu, có cả bọn Tây dương tiếp tay để buôn thuốc phiện. Cho nên nói bọn người Thanh ở Hà Tiên không có quan hệ nào với Phiên An thì chắc chắn không phải, bọn bang trưởng của chúng tập trung cả ở Phiên An đấy thôi. Nhưng chúng nhất thời nổi lên hưởng ứng đám đầu lĩnh hay có ẩn tình bên trong thì ta chưa biết được.”

“Bọn vừa giết Tri huyện Long Xuyên là nhóm Lâm Đại Mạnh, Lâm Nhĩ, Trịnh Đại Nô.” Thấy Hồ Công Chỉ có vẻ giận với câu nói ‘không biết’ của Mạc Công Tài, y đành phải mở miệng nói. “Ba kẻ này tự xưng Đại ca, Nhị ca, Tam ca, tụ họp người Thanh trong vùng đánh phá, nhưng nhìn cách làm thì chỉ là thói bọn cướp biển. Nhóm xưng Chánh phó Thống binh ở Lạc Tân có vẻ nghiêm trọng hơn.”

“Chúng liên kết với nhau thì xưng làm tướng nhà trời cũng được ngay thôi!” Nguyễn Văn Tây cáu kỉnh thốt, quay sang y. “Cậu Mạc còn dò xét được gì không?”

“Việc mới hôm trước, thuộc hạ ở vùng Long Xuyên chỉ hỏi dò được như thế, tôi cũng không biết được hơn.” Y thận trọng trả lời. “Điều đáng quan tâm hơn là tại sao một toán cướp lại đi giết cả nhà quan Tri huyện, trong khi bọn xưng tướng lại đi cướp? Điều chúng muốn là tạo ra hoang mang rối loạn hòng càng rông rỡ dễ dàng hơn. Dân trong vùng đã chạy trốn về vùng tỉnh lị Hà Châu này, làm cả tỉnh cũng loạn lạc, rồi không biết sẽ xảy ra chuyện gì. Dù là cướp hay là giặc, dù mục đích của chúng là gì thì ta cũng cần thị oai, đánh tan chúng trước mắt đã. Việc tiễu trừ chúng sẽ chờ quan Trấn phủ đến điều động sau.”

“Đúng vậy!” Hồ Công Chỉ gật đầu, quay sang Nguyễn Văn Tây. “Quyền Tổng đốc cũ Lê Đại Cương đã bị cách chức, giờ đang ở Phiên An. Nghĩa binh các tỉnh cũng đều tập trung tại Phiên An cả rồi. Phó Quản cơ liệu cách điều động dân quân ở đây xử lý bọn giặc cỏ này thôi.”

“Cơ Hà Phú vừa rồi đánh dẹp có công, hẳn xử lý đám cướp này được.” Sau khi nhận được sai phái của Quyền biên vụ Hồ Công Chỉ, Nguyễn Văn Tây vừa cùng bọn y rời khỏi phòng họp đã nói ngay. “Thành thủ úy Nguyễn Văn Sương ở Phú Quốc có thể đem đội thuyền tuần tiễu chúng.”

“Nguyễn Văn Sương là người ở Phú Quốc, không rành rõ chuyện trong Hà Tiên, chẳng biết kẻ nào với kẻ nào, đánh trận ở biển thì được chứ vào ven bờ thì không được.” Y lắc đầu nói. “Đội trưởng cơ Hà Phú mới lập là Nguyễn Văn Thụy trước quản đội Thanh Châu đảm nhận việc này tốt hơn.”

“Nhà họ Mạc cũng góp phần đi đánh dẹp chứ?” Nguyễn Văn Tây hỏi, đưa mắt nhìn quanh rồi hạ giọng nói. “Cố gắng tích cực trong thời điểm này, tốt cho cả nhà họ Mạc nữa.”

“Cám ơn Phó Quản cơ có lòng nhắc nhở, tôi và Chấn sẽ lập tức điều động người theo lệnh tướng quân.” Y chỉ hơi cúi mình, lịch sự đáp lời Nguyễn Văn Tây. Bên cạnh, cha y Mạc Công Tài vẫn chỉ im lặng.

Ông im lặng suốt trên đường về nhà. Trên đường đi, y dõi mắt ra ngoài xe ngựa, nhìn những đoàn người ngược xuôi trên đường. Người ở các huyện lị quả thật đang dồn về Hà Châu, gánh gồng chuyên chở nặng nề, tiếng trẻ con khóc inh ỏi. Vào thu, gió đã đổi hướng từ Bắc thổi xuống, nhưng vùng đất này vẫn oi ả nắng nóng, làm bụi mù càng thêm khó chịu.

“Cha ở nhà chăm sóc bác, con gọi Chấn đến cơ đội Hà Phú ngay.” Vừa vào cửa phủ, y đã nói. Cha y quay sang, ánh nhìn vẫn sâu xa, nhưng rồi ông chỉ quay đi thở dài.

“Con đợi đã, sáng nay mẹ con bảo nấu cháo tổ yến. Ăn xong hẵng đi.” Mạc Công Tài vừa nói vừa vào nhà trong, y đành phải đi theo. Vắng bóng người, cha y mới nói khẽ. “Mẹ con dạo này rất lo lắng, con nên an ủi bà ấy vài lời.”

“Từ nhỏ con đã chẳng phải đứa lanh lợi biết bày tỏ tình cảm.” Nhìn thoáng qua vẻ mặt y, Mạc Công Tài liền cười nhẹ. “Bây giờ cũng vậy, con định một mình ôm đồm làm đủ mọi thứ chuyện, không định bàn bạc với ai câu nào sao?”

Y đi sau cha mình, im lặng nhìn bóng lưng ông. Chỉ mấy tháng, tóc cha y đã bạc đi nhiều. Y biết ông đang định hỏi điều gì, nhưng không biết nên nói ra sao.

“Thái Công Triều ở Phiên An liên tiếp lập công lớn nhưng không hề được ban thưởng hay cho quan chức. Đội nghĩa dõng của Thái Công Triều cũng toàn các viên tử, hào mục, tổng lý, thư lại lên đến cả vạn người, nhưng hoàng thượng bảo hương binh ra trận không biết việc nên đã cho về nhà hết, chỉ để lại vài ngàn quân tinh nhuệ. Quân thứ Thái Công Triều ở Phiên An giờ coi như đang nằm giữa hai làn đạn, sơ sẩy thua trận thì không biết hậu quả thế nào.” Một lát, y lặng lẽ nói. “Hồ Văn Hãn, Hoàng Kim Lượng cho đến Nguyễn Văn Bột, Đinh Phiên đều tự nguyện ra hàng mà bị xử lăng trì, đến con cái của Đinh Phiên, Hồ Văn Hãn đều bị chém cả, không hề có chút nương tay. Quan lại như Phạm Phúc Thiệu bị bắt giả bệnh trốn ra, Tô Trân trốn riết bất động, đều bị cách chức đày đi làm lính, Ngô Bá Tuấn nhờ người dân cướp tỉnh lị đưa về cũng bị khiển trách. Ngay cả một viên quan nhỏ như Trần Văn Tha đã sớm trốn về đầu hàng mà vẫn bị phanh thây. Đối với người đã nhận chức làm việc cho bọn Khôi, quả thật triều đình không hề tha thứ, đừng nói là tin tưởng. Cũng như Thái Công Triều, chúng ta đành phải cố hết lòng hết sức lập công, may ra được sống sót toàn thây.”

“Huống hồ thứ lớn nhất mà Thái Công Triều có là giá trị, anh ta đang nắm giữ toàn bộ hương dõng của Gia Định, thanh thế cực kỳ lớn, gọi một tiếng muôn người đi theo. Điều ấy chúng ta cũng chẳng có.” Mở cánh cửa vào trong căn phòng mờ tối, y nói khẽ. “Tình hình Gia Định chỉ vừa mới lắng dịu mà đã ra lệnh tàn sát tất cả tướng địch quân, kiểm kê truy lùng người chạy trốn lẫn theo giặc, thì đến lúc an định Phiên An, chẳng rõ sẽ ra sao?”

“Con vừa nói phải đánh dẹp nhanh bọn người Thanh nổi loạn, sao bây giờ lại đắn đo ngẫm nghĩ chuyện vô ích như thế?” Mạc Công Tài thấy vẻ mặt y lại chợt cười. “Thứ có thể nắm giữ và kiểm soát con người nhanh nhất là nỗi sợ. Còn bằng không, nghĩ rằng việc mình làm có thể cho qua, làm chuyện xấu nhỏ không ai bắt được, làm sai chỉ cần tỏ ra ăn năn hối lỗi là thoát tội, thì cả Gia Định này sẽ trở thành chỗ hoành hành của bọn cướp cả.”

“Giống như Hà Tiên bây giờ.” Ngừng một thoáng, Mạc Công Tài đưa mắt nhìn ra mành treo cửa sổ loang loáng bóng nắng, nói rất khẽ. “Tha cho một kẻ, cả ngàn kẻ khác nghĩ rằng có thể làm theo. Để sổng một lỗi, muôn người xem luật pháp là rác rưởi. Nghĩ rằng có thể dùng chút thủ đoạn mà bảo vệ cả mình lẫn người, hóa ra chỉ làm vạn vạn việc khác phát sinh, muôn vàn thủ đoạn khác tạo thành. Thế gian này, nào để ai có thể nhân từ. Cả con cũng như vậy thôi.”

Y mím môi. Mạc Công Tài mở cửa sổ nhìn ra sau phủ đến ngọn đồi Bình San, ngẩng đầu quan sát bóng chim bay qua nắng.

“Bây giờ mỗi khi các con rời đi, ta đều muốn cho các con chút kỷ vật để dặn dò ban phúc, nhưng ta chẳng có gì. Khi nhà ta bị giết ở Xiêm La, chúng ta bị đày đi mà đến tấm áo trên người cũng bị lột mất. Hà Tiên này, ngoài những nấm mộ ở trên kia, họ Mạc nhà ta chẳng còn gì cả. Ngay cả những nấm mộ, qua bao cơn binh lửa, thi thoảng ta vẫn nghĩ là chẳng biết có còn gì ở dưới.” Ánh nắng sâu thăm thẳm trong mắt Mạc Công Tài. Ông nói mà không nhìn đến y. “Chúng ta rời bỏ quê hương đến nơi này, rồi cứ thế mà lênh đênh trên bão tố, sống sót trên cái chết. Cuối cùng ta hiểu rõ được một điều: Càng nắm giữ thì càng sợ hãi, càng cố chấp lại càng đau thương, chỉ có cách duy nhất là làm đúng theo tâm mình. Chỉ như thế mới sống được trên mảnh đất này.”

“Nghĩa là… cha bảo con thôi đi?” Hồi lâu, y mới mở miệng. Mạc Công Tài lại chợt bật cười.

“Ta chỉ muốn bảo rằng con đang nghĩ quá nhiều. Những kẻ nghĩ quá nhiều thì một là hèn nhát việc gì cũng không dám làm, hai là bọn gian xảo đa đoan cực độ làm gì cũng loanh quanh thủ đoạn, không dám quang minh. Rồi kết cuộc đều chỉ là hại người hại mình.” Cha y ngồi xuống sập, nhìn y bằng ánh mắt mà y vẫn không thể rõ. “Mẹ con đã nấu cháo, con ăn rồi hãy đi.”

Lúc ấy, cho đến tận khi rời khỏi phủ, y vẫn nghĩ mình không hiểu được ý ông.

Hẳn nhiên, cha y nhận ra rằng y đang sợ hãi. Tin báo bình định Gia Định không đem lại sự vui mừng nhẹ nhõm mà đi liền với các lệnh tàn sát xử trị không hề nương tay. Bọn Hồ Văn Hãn, Nguyễn Văn Bột, thậm chí Đinh Phiên bị xử lăng trì thì y không lấy làm lạ, nhưng đến cả Trần Văn Tha cũng đã phải chịu hình phạt đau đớn nhất…

Anh ta đã trở về, tìm mọi cách vượt qua trùng trùng vòng vây để trở về, để bị đưa đến Phú Xuân, chịu hành hình cùng anh và con trai Nguyễn Hựu Khôi. Anh ta là tướng lĩnh đầu tiên của Phiên An bị xử tử, bằng cách moi tim đặt lên bàn tế cho tướng lĩnh tử trận ở Biên Hòa.

Người đến từ Phiên An kể lại, rằng cả mẹ, anh em, con trai Trần Văn Tha cũng đã bị bắt giam. Quan triều đưa án hành hình tất cả, nhưng hoàng thượng đã tha cho mẹ Trần Văn Tha, chuyển những án khác thành trảm giam hậu. Trần Văn Tha trở về, để đổi lại vị trí trước đây của mình cho những người khác trong gia đình.

Thậm chí y đã nghĩ đến Đinh Phiên cùng chuyện ông ta từng kể. Người con trai đã đỗ tiến sĩ, làm đến Tri phủ nhưng phải từ chức đi nuôi ông ta ở Hà Tiên. Người con trai ấy cũng đã chịu chết chém theo cha, vì một tội lỗi anh ta không hề làm, không hề biết, đến cái tên cũng bị đục bỏ khỏi bia tiến sĩ.

Những câu chuyện làm y run lên, cơn lạnh ngấm tới tận đáy lòng. Mọi người, ngay cả cha y, có thể giải thích về sự cần thiết của những hình phạt ấy, trong hoàn cảnh hiện tại. Nhưng y biết thâm tâm ai ai cũng run rẩy hoảng hốt, và cha y chẳng thể nắm lại được y trên bờ vực. Như ông không thể an ủi bác y Mạc Công Du, người đã bệnh đến không thể gượng dậy nổi vì lo lắng cho người con trai Mạc Hầu Hy đang ở trong quân thứ Thái Công Triều tại Phiên An. Đội quân đang dùng cả tính mạng để chiến đấu giữa hai làn đạn. Đến ngay cả Thái Công Triều hiện tại cũng có lẽ không thể xác định được tương lai của chính mình.

Từ sự rối loạn này, mọi kẻ trong Gia Định đang rơi vào cơn hoang mang hoảng hốt khác. Và lao lên, dùng cả tính mạng để truy cầu sự sống, dường đã là phương cách cuối cùng. Ngay cả những kẻ đang hoành hành ngoài biển kia.

“Trong nhóm bọn chúng có mấy tên Thanh thuận, Hồi lương.” Đội trưởng cơ Hà Phú Nguyễn Văn Thụy báo lại khi gặp y ở doanh trại quân. “Nhóm tàn quân này chạy thoát được, hoặc chúng quả câu kết với bọn người Thanh đã lâu, ta giết không hết nên chúng mưu cùng nhau nổi loạn.”

“Đã tìm được sào huyệt của chúng là một hòn đảo ngoài khơi Long Xuyên. Tôi đã họp dân phu cùng quân cơ đội, có thể đến đánh dẹp.” Nguyễn Văn Thụy nói, bày ra một tấm bản đồ vẽ vội, đưa ngón tay chỉ vòng quanh. “Trịnh Thần Thông đã liên lạc với Lâm Đại Mạnh hợp chung hai nhóm. Chúng tụ họp vài trăm người, xây nhà trong đảo để cất giấu của cải cướp được.”

“Nếu có bọn Hồi lương trong ấy thì chúng là một đám liều lĩnh không sợ chết, e rằng dân phu cùng biền binh không thể địch nổi.” Mạc Hầu Chấn e ngại nói, quay nhìn y. “Chúng ta phải dùng cách chia nhỏ chúng ra.”

“Phải. Phao tin hoặc cho nội gián vào bảo chúng tập hợp đi đánh cướp trong đất liền, bọn còn lại ở đảo sẽ dễ xử hơn. Dù ở biển không thể đánh bắt được toàn bộ bọn chúng, vẫn có thể triệt hạ sào huyệt khiến chúng không còn đường quay về.” Y gật đầu, nói với Nguyễn Văn Thụy. “Cơ đội Hà Phú lo chuyện bọn cướp trên bờ, đánh bắt bọn Hồi lương nấp trong đảo thì họ Mạc sẽ làm.”

Thấy y đã nhận trách nhiệm về đám người Hồi lương, Nguyễn Văn Thụy cũng không nói thêm. Chỉ ba ngày sau, anh ta báo tin cho bọn y xuất phát.

Nửa đêm, vài chiếc thuyền nhẹ xâm nhập vào đảo nhỏ. Đốm sáng bắt đầu bùng lên như con đom đóm giữa đêm, rồi lan rộng trong tiếng kêu gào hoảng loạn trên đảo. Phần lớn thuyền bè đã bị bọn cướp đưa đi để đánh vào đất liền, chỉ còn khoảng chục chiếc trong bờ. Y thấy chiếc thuyền lớn nhất nhổ neo đi ra liền chỉ cho Mạc Hầu Chấn.

“Chắc chắn bọn Hồi lương đầu lĩnh ở trên thuyền ấy. Em đi bắt chúng, ta lo bọn còn lại!” Vừa nói, y vừa nắm dây nhảy sang thuyền nhẹ vào trong bãi. Mạc Hầu Chấn không hỏi thêm, lớn tiếng gọi đoàn thuyền xông ra đánh bắt thuyền vừa chạy trốn.

Cả hòn đảo đã biến thành một ngọn đuốc rừng rực trong đêm. Không cho lính lên bờ, y chỉ lấy đoàn thuyền bao vây, bắn tên vào những bóng người thấp thoáng trong ánh lửa, đốt pháo bắn vào những chiếc thuyền đang chạy trốn.

Phía xa, tiếng reo hò xung phong vang dội từ đoàn thuyền của Mạc Hầu Chấn. Chiếc thuyền trốn chạy cũng đã lọt vào vòng vây.

Thật tốt, y nghĩ thầm khi đưa mắt nhìn bóng lửa chập chờn trên biển sâu tối sẫm. Mạc Hầu Chấn không nhận quan chức, không có liên hệ nào với Phiên An, lại lập được đại công.

Mạc Hầu Hy đang nằm giữa hai làn đạn Phiên An. Y cùng hai ông lớn nhà họ Mạc đang là cá nằm trên thớt. Mạc Hầu Chấn chính là tương lai của nhà họ Mạc, cậu ta sẽ sống sót, dù có bất cứ điều gì xảy ra.

Đây chính là thứ mang tên đánh trận lập công, lấy công lao từ trên xác chết, y thầm nghĩ khi đưa mắt nhìn những bóng người tan biến vào lửa và đêm đen. Y nhớ tới cuộc tàn sát buổi sáng ngày hôm ấy, và lời cha y đã như tình cờ mà thốt ra. Hóa ra, ông luôn hiểu nhiều hơn y tưởng.

Chỉ cần để sót lại một kẻ, muôn vàn kẻ khác sẽ rơi vào hỏa ngục. Chỉ cần tha thứ một lần, tất cả sẽ chẳng còn đường quay lui.

Thế gian này, vốn chẳng tha thứ cho sự nhân từ.

 

Chú thích:

[1] Gia Định tam thập cảnh – Thạch Hỏa lưu quang của Trịnh Hoài Đức

[2] Năm 1832, Minh Mạng cho đổi người Nùng Cao Bằng gọi làm người Thổ, do trước đây gọi là Nùng nhưng dân trong vùng cho rằng người Nùng là người Trung Quốc di cư sang, xin đổi tên khác. Minh Mạng nói “đây là một cơ hội để biến người Di thành người Kinh”, nên chuyển gọi thành người Thổ.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.