Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

26. Hàn áo mạc đàm tang hải sự
Trường An in "Minh nguyệt 1" January 18th, 2019
  1. Hàn áo mạc đàm tang hải sự, tương quân đồng tận thử hương bôi[1]
    (Ấm lạnh đừng bàn đến nương dâu bãi bể, cùng người uống cạn chén hương say)

 

Ngày tháng bảy, Án sát Định Tường Ngô Bá Tuấn lấy lại được tỉnh thành.

Lý trưởng thôn Long Điền Ngô Văn Hiền mật cùng Chánh đội trưởng cơ Định Oai Thái Văn Nhiên tập hợp người trong vùng, liên lạc với thư lại ty Bố chính Định Tường Nguyễn Đăng Phong và thư lại ty Án sát An Giang Lê Quang Ngạn. Chờ quân Phiên An rút khỏi, chỉ để lại chừng chục quan tướng trông coi tỉnh thành, Thái Văn Nhiên đem hai trăm người đang đêm đánh úp bắt được Tuyên phủ Bùi Văn Thuận, Tham phủ Hoàng Công Bá. Trấn phủ Lê Viết Chương cùng người trong đội Hồi lương, An thuận chạy thoát bị dân trong vùng bắt trói.

Án sát Ngô Bá Tuấn ở Kiến Hòa nghe tin lập tức đưa quân về chiếm lại tỉnh thành. Vừa lúc Thái Công Triều đem quân từ An Giang tới hỗ trợ, xin Án sát kêu gọi tập hợp quân nghĩa dũng trong vùng cùng đến Phiên An đánh dẹp. Anh em viên tử Nguyễn Hoàng Nhiên, Nguyễn Hoàng Thỏa đồng lòng gia nhập, thanh thế rúng động cả vùng.

Chỉ vài ngày sau, Án sát Vĩnh Long Doãn Uẩn một mình ẩn trốn ở dân gian, bí mật tập hợp được các tổng lý và binh dõng kéo quân đến tỉnh thành Vĩnh Long. Trấn phủ Hoàng Văn Thông phải tự mở cửa thành ra hàng.

Cùng lúc, tin báo khẩn quét qua toàn Gia Định: Thái Công Triều đánh quân Phiên An chiếm giữ rạch Chanh ở Định Tường đến chợ Chiếu, giết chết Tả quân Dương Văn Nhã cùng hàng trăm lính cản đường, tiến thẳng tới Phiên An.

Quân triều đình đang chờ đợi đội thủy binh để tìm cách vượt qua cửa biển Định Tường liền đổi hướng, toàn quân thủy bộ dồn về Phiên An cùng Biên Hòa, hội cùng đội quân của Thái Công Triều chia mũi gọng kềm tấn công.

Tưởng chỉ trong một cái chớp mắt, toàn bộ tình thế tại Gia Định xoay chiều. Đội quân Phiên An tại hai tỉnh Định Tường, Vĩnh Long thảy đều tan vỡ. Những viên Trấn phủ, Tuyên phủ, đội Hồi lương, Thanh thuận, An thuận kẻ bị chém đầu, người bị lăng trì giữa chợ. Một số chạy thoát được xuống An Giang, Hà Tiên mang theo nỗi sợ hãi bàng hoàng như vẫn không thể tin vào điều vừa xảy ra.

Ngay cả Mạc Công Du và Mạc Công Tài cũng có vẻ ngạc nhiên khi thấy người thư lại Nguyễn Văn Mân quay trở lại. Nửa đêm, Nguyễn Văn Mân theo cửa sau lách vào phủ họ Mạc, rồi y được gọi tới, thấy anh ta ngồi cùng cha và bác trong căn phòng chỉ thắp một ngọn đèn hạt đậu leo lét.

“Không phải anh đã đi Phiên An rồi sao?” Vẫn giữ vẻ lạnh nhạt, y ngồi xuống cạnh cha mình, quay đầu hỏi Nguyễn Văn Mân. Anh ta chưa kịp mở lời, Mạc Công Du đã lên tiếng trước.

“Cậu ta đến An Giang thì gặp Bùi Văn Lý, Án sát của An Giang. Ông ta đang ẩn náu ở đồn Vĩnh Hùng chiêu tập nghĩa dõng chuẩn bị tấn công lấy lại tỉnh lị. Chẳng biết nghe mật báo ở đâu mà Bùi Văn Lý biết Nguyễn Hựu Khôi cử sứ đi Xiêm, liền chặn đường Vĩnh Tế bắt được cậu Mân đây, nên cậu ấy đem thư về cho chúng ta.” Mạc Công Du đưa cho y một lá thư mỏng hơi nhăn nheo. Y cầm thư, chưa vội đọc mà đợi người bác nói tiếp. “Ông ấy cần ta làm nội ứng bắt chém bọn quan tướng trong tỉnh lị, việc tiếp ứng trấn giữ tỉnh thành sẽ có người đem cả thủy bộ đến giúp.”

“An Giang thế nào rồi?” Y hỏi Nguyễn Văn Mân. Thư từ luôn chậm trễ hơn việc đang xảy ra, Nguyễn Văn Mân lại là người làm việc trong tỉnh thành An Giang cũ, dò la tin tức nhanh và dễ hơn rất nhiều.

“Trước khi rời khỏi, Thái Công Triều lập Thành thủ úy Nguyễn Đăng Luận làm Trấn phủ, Cai đội hưu trí Lương Văn Tiến làm Phó Trấn phủ để ở bên cạnh người họ hàng của Nguyễn Hựu Khôi là Nguyễn Hựu Nhiếp để trấn giữ An Giang. Hai người bọn họ hẳn chỉ chờ đến lúc để bắt trói Nguyễn Hựu Nhiếp ngay lập tức.” Nguyễn Văn Mân quả nhiên rất rành rõ về người trong tỉnh lị này, liền nói tiếp. “Khi ở bờ sông Vĩnh Tế, tôi nghe nói Tổng đốc Lê Đại Cương cũng đã nhận được tin mật báo của Thái Công Triều, chuẩn bị đem quân từ Chế Lăng về. Ở An Giang, các tướng cũ đi theo Bùi Văn Lý rất nhiều, có cả những viên tử. Lần này Bùi Văn Lý nổi lên, khó mà không chiếm lại được An Giang.”

“Bùi Văn Lý yêu cầu chúng ta phải chặn thuyền đi sứ của Nguyễn Hựu Khôi lại. Thuyền ấy đã đến đâu rồi?” Mạc Công Du nhìn y hỏi. Y vẫn đọc lá thư, trả lời mà không ngẩng lên.

“Thuyền vẫn còn nằm trong tầm kiểm soát của bọn Nguyễn Văn Sương, lúc này ta chỉ cần đưa người đến báo cho họ là được.” Buông lá thư, y cau mày. “Theo lời lẽ của Bùi Văn Lý, ông ta coi chúng ta là bọn phản phúc. Không tự tay chém được đầu giặc nào mà ngồi đợi binh An Giang kéo tới, có khi Bùi Văn Lý cũng trói chúng ta lại như bọn Trấn phủ ở Định Tường, Vĩnh Long.”

“Vì không thể kéo quân đến nên Bùi Văn Lý mới phải gửi thư.” Mạc Công Du chợt cười. “Hà Tiên này không giống các tỉnh kia, chẳng có ông quan nào ẩn náu trong dân gian tập hợp binh dõng, càng chẳng có tổng lý, viên tử nào muốn nổi lên chiếm tỉnh thành. Có khúc mắc thì chỉ ở bọn quan tướng Biên lương, Hồi lương đó thôi. Giờ An Giang đem quân xuống, chúng nhân danh họ Mạc cất quân cả Hà Tiên đi phòng thủ, chẳng biết mèo nào cắn mỉu nào. Lê Đại Cương chạy được một lần rồi sẽ lại chạy mất tích sang Chân Lạp.”

“Bác…” Y nhìn gương mặt Mạc Công Du trong bóng tối chập chờn, nghi hoặc hỏi. “Bác không muốn về lại với triều đình sao?”

Mạc Công Du bật lên một tràng ho. Mạc Công Tài vội phải đỡ ông ngồi tựa vào tường. Dứt tiếng ho, Mạc Công Du thở ra một hơi dài.

“Ta đã ngỡ có thể về hưu trí an ổn, không ngờ trước là thằng Hy gây họa, sau lại bị bọn Khôi lôi vào thứ chuyện này. Bây giờ người còn chưa tới mà thư trách mắng đã tới, nào có chút cảm thông nghĩ cho hoàn cảnh của nhau. Bây giờ Bùi Văn Lý còn phải nhờ cậy ta mà đã vậy, sau này biết là thế nào? Danh thế của họ Mạc ở Hà Tiên vừa rồi người người đều thấy, dù chỉ có cái danh hão nhưng vẫn là một mối nguy hiểm thường trực, ai có thể để yên? Ta lại chẳng phải người làm quan giỏi giang biết nhìn mặt người mà tạo mối quan hệ, khi có việc chẳng ai đến đỡ lời giúp. Kẻ khác có thể kêu than bị bức bách, kể mọi nỗi khốn cùng hòng mong thông cảm, quan lại tấu lên thì hoàng thượng cũng phải tha cho, nhưng ta thì chẳng được đâu.” Ông nhắm mắt, yếu ớt nói. “Giá mà ta được mạnh mẽ như cha ông thì trước đã nắm được tình thế, sau đã tự làm chủ được vận mệnh, không đến mức nơm nớp lo sợ, nhìn trước sau đều là tử lộ thế này.”

“Bây giờ muốn giữ Hà Tiên cũng chẳng được. Bọn Biên lương ấy không có khả năng.” Y trầm giọng nói. “Thái Công Triều đã mở đường từ Định Tường đến Sài Côn, chỉ còn đợi quân triều đình từ Biên Hòa đánh xuống là họ đã có thể kiểm soát đến tận An Giang. Lúc ấy Nguyễn Hựu Khôi chỉ còn giữ được cô thành lẻ loi Phiên An. Hà Tiên ra mặt chống cự thì sẽ bị cả đội quân ấy thanh trừ, mà chúng ta không đáp lời Bùi Văn Lý bây giờ thì chắc chắn sẽ mang danh phản phúc không tài nào chối được.”

“Đúng vậy, nên ta chỉ tiếc…” Mạc Công Du rầu rĩ lắc đầu. “Mới chỉ có mười ngày nửa tháng, cháu vẫn chưa thể kiểm soát được Hà Tiên. Kẻ không có sức mạnh thì chẳng có tiếng nói. Lại càng đáng tiếc ta không lường trước được đến ngày này…”

“Thôi anh nghỉ đi, việc sắp xếp hỗ trợ Bùi Văn Lý thì em và cháu sẽ lo.” Mạc Công Tài đến lúc ấy mới lên tiếng, bảo Nguyễn Văn Mân dìu Mạc Công Du về phòng nghỉ.

“Bùi Văn Lý này là người thế nào ạ?” Khi Mạc Công Tài quay trở lại, y đang lật giở lá thư, vừa đọc vừa hỏi.

“Ông ta thi đậu hương cống ở Bắc Thành, từng làm bạn Thị độc cho hoàng Cả Trường Khánh công. Ba năm trước, khi hoàng thượng tiếp quản Gia Định thì ông ta đang là Thự Lang trung Hình bộ, được đưa đến làm ở Hình tào Gia Định, mới năm trước thì chuyển làm Án sát An Giang. Như con thấy đấy, ông ta là người rất trung thành. Khi tỉnh thành thất thủ, Tổng đốc Lê Đại Cương chạy mất, Bố chính thì bị bắt, Bùi Văn Lý nhảy xuống sông tự sát, may mà được vớt lên. Ông ta ẩn náu trong dân gian chiêu tập người, lại thu được nhiều tướng cũ lẫn nghĩa quân theo nhất. Nhưng mà… người tốt có khi lại không tốt.” Cha y thắp sáng hơn ngọn đèn trong phòng, nhìn qua cửa sổ mà nhẹ nhàng nói. “Giống như Phạm Xuân Bích, nhìn thì ngỡ thứ gì cũng tốt, nhưng kết quả hại mình hại người. Những kẻ trung thành như nhất, liêm chính cương trực, lòng son dạ sắt, nhìn về mặt khác thì là cố chấp, chỉ biết một không biết hai, thiên kiến chủ quan. Mặt sắt nghiêm minh, nhìn về phía khác thì là vô tình khắc nghiệt. Nói rằng bị hại, nhưng thật ra chính họ lại không hiểu người hiểu việc, đâm ra khi có chuyện thì toàn là kẻ vô dụng thiếu khả năng, chỉ giỏi nói đạo lý viển vông.

“Có những kẻ làm người tốt thật khiến người ta phát bực.” Mạc Công Tài cười khẽ. “Với những người như thế chỉ có thể cố mà tỏ ra hết lòng hết sức, có lỗi thì cứ nhận mà chuộc tội lại, đừng kiếm cớ loanh quanh. Việc trừ khử bọn Trần Hiệu Trung và nhóm Biên lương, Hồi lương, ta phải đích thân ra tay thôi.”

“Điểm quan trọng của nhóm Biên lương là chúng được cấp nhà và ruộng tại nhiều nơi trong tỉnh, hầu hết là vùng hẻo lánh. Con đã sắp xếp cho chúng ở tại khu lớn trong tỉnh lị, nhưng ngoài bọn thủ lĩnh thì vẫn còn nhiều kẻ ở trong làng với người nhà. Người theo chúng ta vẫn đông, tuy nhiên khi có động bọn ở trong làng có thể không đánh lại mà chạy, lẩn trốn trong rừng núi, lẫn với dân Man dân Thượng gây loạn khôn lường.” Hiểu ý cha, y không bàn thêm về Bùi Văn Lý mà chuyển sang công việc trước mắt. “Chúng ta bao vây tỉnh lị, bắt giữ Trần Hiệu Trung không khó. Việc ở các làng, con nghĩ phải nhờ tới quân đồn điền Thanh Châu thôi.”

“Chuyện đuổi bắt quân Bắc thuận, Hồi lương thì ta có thể nhờ binh An Giang được. Bọn Biên lương ở Hà Tiên này trong mấy ngày qua không biết đã chiêu tập, lôi kéo được bao nhiêu người, không dễ đối phó đâu.” Mạc Công Tài chậm rãi tính toán. “Vả lại họ Mạc chúng ta mấy năm nay chỉ có danh không có quyền, khi gặp chuyện thì chẳng kẻ nào sợ. Mất đi cả quan quân lẫn bọn người Phiên An, những kẻ vong mạng trong vùng lại nổi lên, coi như đất này không chủ. Vẫn là nên nhờ Bùi Văn Lý cử quân xuống tiếp quản thì hơn.”

“Con sẽ cử người liên lạc với Thành thủ úy Nguyễn Văn Sương và Suất đội Thanh Châu Nguyễn Văn Thụy ngay. Cha với em Chấn lo chuyện tập hợp quân binh. Chấn không có quan chức, dễ đi lại liên lạc hơn.” Y gật đầu, toan đứng dậy. Dù bây giờ là nửa đêm, vẫn có thể gọi người lập tức đến Phú Quốc để bọn Nguyễn Văn Sương nhanh chóng ra khơi đuổi theo thuyền đi sứ.

“Con định đưa quân đi bắt Trần Hiệu Trung sao?” Khi y đã quay lưng đi, Mạc Công Tài chợt lên tiếng hỏi. “Con chưa từng ra trận.”

“Việc gì cũng có lần đầu thôi.” Nhìn bóng lửa nhảy múa trên tường theo gió, y lặng lẽ nói. “Vả lại, người tướng luôn xông trận cuối cùng.”

Thậm chí là có thể y chẳng cần phải ra tay, y nghĩ thầm khi đi khỏi gian nhà. Đã đến lúc để những thứ ẩn giấu dưới lòng đất bùng nổ. Để Hà Tiên trở thành địa điểm cuối cùng cho trò chơi của Thái Công Triều.

Một sự sắp xếp thật hoàn hảo, y thầm nghĩ. Thái Công Triều đã sắp xếp tất cả ở vùng An Giang này, thậm chí là cả Chân Lạp, địa điểm mà Lê Đại Cương nương náu và tập hợp quân đội chờ chực. Và anh ta đưa quân đến Định Tường, vừa đúng lúc nhóm tổng lý cùng nghĩa binh đánh chiếm lấy tỉnh lỵ. Nếu chính Thái Công Triều làm việc ấy và kêu gọi thì hẳn sẽ có nhiều người nghi ngờ, thậm chí thù ghét, đánh đuổi anh ta. Nhưng nhóm quan quân ít ỏi thiếu thốn ở Định Tường phải ngay lập tức dựa vào Thái Công Triều – cùng với tờ thư chấp nhận quy thuận do chính hoàng thượng phê chuẩn. Anh ta đã cho người đến liên lạc với bọn Trương Minh Giảng và Phan Văn Thúy chẳng phải chỉ vì tranh công, mà là chuẩn bị cho tất cả cuộc lật đổ này.

Với tờ thư của triều đình, Thái Công Triều tập hợp binh lính ở Định Tường đánh lên Phiên An. Trong khi chuỗi lửa anh ta để lại ở phía Nam bắt đầu bốc cháy. Bị cắt đứt với Phiên An, cả vùng Vĩnh Long, An Giang nhanh chóng tự rối loạn và thất thủ. Sự rối loạn ấy dồn xuống Hà Tiên, nơi có đội Biên lương đông đảo nhất, những sắc dân phức tạp nhất - và Thái Công Triều mật báo cho Lê Đại Cương trở về, trợ giúp cho dòng họ ‘trấn vương Hà Tiên’.

Chỉ bằng một trận duy nhất, Thái Công Triều thu phục toàn Gia Định. Nhóm nghĩa binh Định Tường, Vĩnh Long căm giận vì bị quấy rối cướp bóc toàn lực đánh tới, giết chết Tả quân Dương Văn Nhã của Phiên An. Một chiến thắng mà ngay cả các đại tướng đang đóng ở Biên Hòa cũng phải hổ thẹn. Một chiến thắng thay đổi hoàn toàn thế cuộc Gia Định. Bọn Nguyễn Hựu Khôi đang trên đà thắng thế, đang giương nanh múa vuốt phô trương thanh thế chủ nhân ông bỗng dưng trở thành nhóm tàn quân bị đuổi vào thành trống Phiên An. Những viên đại tướng đang thắc thỏm lo lắng trước muôn dòng sông Nam Kỳ bỗng dưng thấy con đường mở ra trước mắt, đem đến những tin thắng trận ghi cờ đỏ về Phú Xuân.

Để rồi, cuộc nổi loạn của bọn Nguyễn Hựu Khôi bỗng dưng trở thành một tuồng kịch nực cười.

Chỉ có điều, đây không phải là vở kịch trên sân khấu. Y đưa mắt nhìn chuỗi lửa đèn ngoài xa của doanh trại quân, bỗng dưng thoáng ngậm ngùi. Như cảnh tượng Định Tường đỏ rực buổi chiều hôm ấy, sân khấu vĩ đại này không hạ màn khi đèn tắt, và từng thời khắc của nó đều nhuốm máu cùng nước mắt của muôn vạn phận người.

Trong vở kịch của Thái Công Triều, con người nhao nhác xô vào nhau, thù hận, chém giết, cướp bóc, tranh đấu, phản bội và cả yêu thương trong mù lòa. Nơi nơi là toàn bộ những phi lý, vô nghĩa, nực cười ở mức độ tột cùng, những điều tưởng chừng tốt đẹp cũng hóa ra sai lầm và vô ích. Nơi khởi đầu cho những tội lỗi và sự xấu xa vô hạn liên tục phơi bày.

Đêm ấy, y đã nghĩ đến điều đó khi đứng trong sân dinh phủ nhìn những chuỗi đèn hòa ánh sao liên tục chớp tắt. Đó là lần đầu tiên y mơ hồ thấy căm ghét bản thân mình.

Ngày tháng bảy, Án sát Bùi Văn Lý chiếm lại thành An Giang.

Từ đồn Vĩnh Hùng, Bùi Văn Lý cùng Thủ ngự Nguyễn Văn Bút, Suất đội Hoàng Văn Nhâm chiêu tập quân nghĩa dũng, hội cùng Phó Quản cơ Thủy cơ An Giang kéo đến tỉnh thành. Hai Trấn phủ đồng lòng bắt trói Nguyễn Hựu Nhiếp, mở cổng thành đầu hàng.

Bùi Văn Lý cho Quản cơ Thủy cơ An Giang Nguyễn Văn Mai và viên tử Nguyễn Văn Cửu thống suất quân dân đến Hà Tiên. Tại nơi đây, Trấn phủ Mạc Công Du cho hai Thống lãnh đem quân đến tỉnh lỵ bắt Tuyên phủ Trần Hiệu Trung cùng tất cả người theo Nguyễn Hựu Khôi.

Nghe tin biến động ở An Giang, Tuyên phủ Trần Hiệu Trung cho tập hợp các thủ hạ thân tín nhóm họp tìm cách đối phó. Chỉ chờ có thế, các cánh quân của Hà Tiên bao vây nhóm Biên lương, Hồi lương, Bắc thuận này.

Tất cả các mũi tên đã giương cung, những lưỡi giáo mác sáng lóa đã nhắm về dinh phủ tường cao cổng lớn. Xung quanh, y nghe thanh âm chiến trận đã bắt đầu rải rác. Cơ đội Thanh Châu đã bắt đầu cuộc truy lùng và sát phạt của mình khắp tỉnh lỵ.

Mạc Công Tài cho người kêu gọi toán quân trong dinh phủ ra hàng. Tiếng ồn ào ngày càng tăng lên. Nghe động, quân lẫn dân trong tỉnh kéo tới, nhiều người mang theo vũ khí gia nhập vào binh lính bao vây. Tiếng hô hoán, kêu gọi chém giết dâng cao từng đợt như sóng. Xung đột cũng đang xảy ra trong doanh quân, lính Hà Tiên đuổi giết lính của Nguyễn Hựu Khôi hòng chiếm lấy doanh trại.

Hồi lâu không nghe động tĩnh, e ngại tình hình càng rối loạn thêm, y ra lệnh cho nhóm quân bên ngoài phá cửa xông vào. Cuộc chiến không cân sức diễn ra trong dinh phủ Hà Tiên chỉ khoảng chưa đến nửa canh giờ. Tuyên phủ Trần Hiệu Trung bị bắt trói, lôi ra ngoài sân. Những kẻ khác một phần đã bị giết tại trận, phần bị trói gô thành một đoàn, gươm giáo kề bên cổ.

Vừa đặt chân vào sân dinh phủ, y đã nghe tiếng xôn xao đằng xa. Từ phía cảng, một nhóm người ngựa nữa chạy đến, lôi theo ba bốn xe tù. Thành thủ úy Nguyễn Văn Sương dẫn đầu đoàn người chạy xuyên qua đám đông hỗn loạn, đến trước y mà khoanh tay.

“Theo lệnh Thống lãnh, tôi đã bắt được Chánh sứ giặc Nguyễn Thụy và Phó sứ Nguyễn Văn Quý.” Anh ta dõng dạc báo cáo, tiếng nói rổn rảng vang xa như thể trấn áp cả một vùng. “Trên thuyền đi sứ có tất cả hai mươi mốt người, trong đó có sáu tên Hồi lương, chúng tôi đã giết ngay tại chỗ. Mười lăm tên còn lại là bọn theo đạo Tây dương, chúng tôi đã trói trên thuyền, sắp đưa đến đây.”

“Tốt!” Y nhìn những xe tù vừa vào sân, ngắn gọn nói, đưa tay cho Nguyễn Văn Sương. Hiểu ý, anh ta dâng nộp lên một hộp gỗ lớn còn nguyên khóa và niêm phong chứa thư của Nguyễn Hựu Khôi. Vẫn không nâng giọng, y nhẹ nhàng nói. “Thành thủ úy kíp cho cơ Hà Phú về ngay Hà Tiên trấn áp bọn nghịch tặc. Nhớ chặn tất cả đường sông biển, không cho kẻ nào thoát.”

“Ngay từ khi nhận lệnh bắt thuyền đi sứ của Thống lãnh, tôi đã cho cơ đội về Hà Tiên.” Nguyễn Văn Sương nói, ra dấu về tiếng ồn ào khắp xung quanh tỉnh lỵ. “Chắc chắn là không một kẻ nào chạy thoát. Ngay cả bọn Biên lương sống trong làng, chúng tôi cũng lôi hết về đây.”

“Đưa về đây?” Bên cạnh, Mạc Công Tài chợt lo lắng nói. “Chúng quá đông, đưa về chỉ gây thêm rối loạn. Không đủ người để coi chừng, dinh phủ vẫn chưa chắc chắn, đám tù ấy lại sổng ra giết người thôi.”

“Chúng sống ở đây đã lâu, tay chân anh em nhiều, quan hệ phức tạp. Ta có thể tra bắt bọn Biên lương, chứ không thể bắt tất cả.” Nguyễn Văn Sương gật đầu nói, đưa mắt nhìn y như chờ đợi. Y cũng chờ đợi, nhưng Mạc Công Tài không lên tiếng.

“Giết tất cả đi.” Cuối cùng, y nói. Y nghe mình nói từng tiếng lạnh lẽo. “Bắt được kẻ nào, giết ngay tại chỗ.”

Như chỉ chờ có thế, Nguyễn Văn Sương chắp tay tuân lệnh, quay người rời khỏi. Cơ đội Hà Phú, đội quân tinh nhuệ nhất Hà Tiên, nhận được lệnh tàn sát toàn bộ kẻ địch.

“Những tên này xử lý thế nào ạ?” Suất đội Thanh Châu Nguyễn Văn Thụy lên tiếng cạnh đám tù nhân vừa bắt được trong dinh phủ. Y đưa mắt nhìn sang, thấy ngay bên cạnh Trần Hiệu Trung là tên được gọi là ‘anh Cả’ đêm ấy. Y thậm chí còn không buồn tìm hiểu để biết tên hắn ta. Chỉ còn vài kẻ trong nhóm quân giết Phạm Xuân Bích ở lại, những kẻ khác đã theo Nguyễn Văn Chắm về Phiên An.

“Giết tất cả đi.” Y lặp lại. “Chỉ cần đem Trần Hiệu Trung về giao nộp, bọn còn lại… không cần thiết.”

Đám lính dạ rân. Tiếng hô hét, reo hò say máu quen thuộc của đám người xung quanh lại vang rền. Khiến y trong một khoảnh khắc choáng váng, tưởng như say sóng.

Y đi khỏi dinh phủ để xem xét tình hình ngoài tỉnh lỵ, không nhìn đến cảnh tàn sát bên trong. Cuối cùng, y vẫn chẳng hề biết danh tính những kẻ vừa bị giết, cũng chẳng hề quan tâm đến số phận của chúng.

Tuồng kịch chỉ là chuyện của đôi ba người, Phạm Xuân Bích đã nói. Khán giả chỉ rơi nước mắt vì đôi ba kẻ được gọi tên định dạng. Còn muôn vàn kẻ khác, những tên tù binh sinh ra trong một xứ sở hoang tàn, liên tục nổi lên rồi bị giẫm nát, những kẻ có thể mới thực sự là người đâm giáo vào Nguyễn Văn Quế, Bạch Xuân Nguyên, Phạm Xuân Bích trong những đợt tấn công mù lòa – luôn luôn là bọn không tên.

Chúng là những kẻ đáng thương, Phạm Xuân Bích đã nói. Có lẽ, anh ta vẫn nghĩ như vậy khi nhận lãnh mũi giáo vào giữa lồng ngực, khi nhìn sự sống tan vào ánh trăng lạnh. Khi bóng tối ập lên thế gian mù lòa.

Từ dòng sông Vĩnh Tế, một đoàn binh thuyền xuôi xuống, đưa quân An Giang đến tiếp quản Hà Tiên. Y nghe tiếng súng báo rền vang giữa khoảng trời xanh ngắt. Y nghe tiếng động đã lắng dịu, trên dải đất nhuộm đầy máu đỏ.

Tiếng động đã dần im ắng, trên mảnh đất ngổn ngang người chết.

 

Chú thích:

[1] Khách chí bộ cổ vận của Trịnh Hoài Đức




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.