Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

23. Giang đình hồng lạo tẩm
Trường An in "Minh nguyệt 1" January 8th, 2019
  1. Giang đình hồng lạo tẩm, thủy quách bạch vân vi[1]
    (Đình sông tràn trong lũ, buồm nước cuốn mây bay)

 

“Lúc đi qua Định Tường, tôi nghe nói triều đình đã ra lệnh kiểm soát tù nhân khắp đất nước do các vụ việc tù bỏ trốn làm loạn ở Nghệ An, Phiên An từ đầu năm đến giờ. Thế sao quan Bố chính không làm theo lệnh triều đình mà còn yêu cầu chúng tôi phải coi quản chúng thay ngài?” Im lặng một lúc, y thăm dò hỏi. Phạm Xuân Bích hơi ngẩn ra, rồi hạ mắt mỉm cười.

“Chúng là người cùng quê với ta.” Viên quan thẳng thắn thừa nhận khẽ khàng. “Từ nhỏ, ta lớn lên trong chiến tranh. Mọi người quanh ta đánh nhau bởi bất cứ lý do nào, vì Lê, vì Trịnh, vì đói, vì họ khổ quá. Vùng đất này đã đánh nhau mấy trăm năm rồi, kể từ khi họ Mạc tiếm ngôi ở Đông Kinh, họ Lê phục hưng trong núi, họ Nguyễn chiếm cứ Hóa Châu, biến cả vùng thành chiến trường đẫm máu không lúc nào an ổn. Ngay cả khi Thế Tổ đã lập quốc xưng đế ở Phú Xuân, những nhóm người trong núi vẫn cứ muốn nổi dậy. Thậm chí mỗi năm, mỗi mùa thu hái, người làng này tràn sang làng khác trộm cướp lúa, có khi đánh chết nhau[2]. Ấy là còn có lúa để mà tranh giành, những năm mất mùa thì thanh niên họp nhau thành cướp, hoặc đi theo các nhóm làm loạn trong núi mà phá thành trì, đốt phủ quan, từ lấy của người qua đường đến đốt giết cả nhiều làng mạc, cướp nhỏ thành cướp to. Đến lượt các làng họp nhau thành đoàn tự bảo vệ, đánh nhau thành quen, theo nhau thành thói, thế là dùng vũ lực bất cứ khi nào có thể. Không vừa ý là đánh nhau, đến cả quan lính mà gây bất lợi cũng kéo nhau đi đánh đi kiện. Ai cũng tự cho mình là đúng, ai cũng muốn cái lợi về mình, thứ nhỏ nhất cũng phải tranh cho bằng được, thứ gì trước mắt là nghĩ cách cướp bất kể của ai, nhao nhác mãi không thôi.

“Rồi cứ như vậy, kẻ mạnh, kẻ có quyền là thắng. Mọi việc không cần luật pháp mà chỉ theo ý thích, quyền lợi của mỗi kẻ. Kẻ dân mọn trốn lính, trốn thuế thì dấm dúi cho quan vài đồng bạc để bỏ qua. Kẻ gây án thì hối lộ hay trốn vào nhà cường hào để che giấu. Bọn lý trưởng, tổng lý thì liên kết với đám nha lại cắt xén thuế, vẽ ra thuế để thu, thu lạm đem bán lại lấy tiền. Đám thương buôn càng không kể xiết thói dùng tiền trốn thuế, lũng đoạn thao túng thị trường mặc cho bao nhiêu người phải chết vì đói rét. Quan lại thành thói lấy tiền để làm việc, nghĩ ra thêm nhiều cách đi ngang về tắt, dựa trên tục hành xử của dân mà bòn rút đe dọa. Kẻ dưới bất mãn người trên, nhưng tiền thì vẫn đưa, lợi thì vẫn rút, luật thì vẫn phạm.

“Thậm chí luật đặt ra chỉ để kẻ trên áp bức kẻ dưới, kẻ dưới đe dọa kẻ trên. Không kể quan lấy luật để đòi hỏi bòn rút dân phạm luật, đến cả các tổng lý bất mãn với quan cũng dám dùng dân đưa đơn vu cáo, bọn thầy dùi xúi bảo người kiện tụng chỉ để đầy túi riêng. Quan thanh liêm thì bị bức hại, người lương thiện cũng phải theo thói a tòng thành hèn mọn. Thấy đúng không dám nói, thấy sai không dám báo, ngấm ngầm bất mãn thù địch, trong khi bản thân theo thói hành xử của xung quanh mà ngày càng vô lối. Thấy tội của người mà không thấy lỗi của mình, vừa sai to phạm nhỏ để trục lợi vừa nghiến răng oán hận kẻ ‘lợi dụng’ mình, cao đàm khoát luận kể tội những người mình còn chưa từng biết, lý mà mình còn chẳng hay chẳng rõ, vẽ ra thêm chuyện gớm ghê, cốt chỉ để chống phá cho thỏa. Rốt cuộc một đám người chẳng nhân chẳng nghĩa nhưng thích mơ về thời Nghiêu Thuấn, chẳng trung chẳng hiếu nhưng thích nói về chuyện anh hùng, chẳng cao chẳng quý nhưng trọng danh kiêu ngạo, không chữ không thực sách còn chẳng đọc nhưng thích vẽ ra một thiên đường chưa từng có trên đời, chẳng biết phải làm gì nhưng thích nổi loạn phá hoại bất cứ khi nào có dịp.

“Mà như thế, chẳng phải những kẻ bị dồn đuổi thành cướp thành phạm hóa ra lại là bọn đáng thương nhất ư? Trong cảnh cá lớn nuốt cá bé, nếu chúng có tiền có thế thì đã trốn được, đã không rơi vào tình cảnh này. Ai đã dạy cho chúng lương tri lương năng? Ai bảo cho chúng thế nào là tốt xấu? Chúng lớn lên trong oán hận, hận trời hận người, đốt phá được cổ vũ, hủy hoại được khen tặng, cướp bóc được ngợi ca. Rốt cuộc chúng lại trở thành công cụ của kẻ đẩy chúng ra trước hoành hành gây họa.” Phạm Xuân Bích thở dài. “Đưa chúng đến đây vốn để tạo cơ hội cho chúng làm lại cuộc đời, không phải để trừng phạt, ý nghĩa chữ ‘Hồi lương’ là ở đó. Hà Tiên này đất rộng lương nhiều, cơ hội kiếm tiền phong phú, chỉ cần chịu vất vả một ít rồi sẽ đủ ăn, vừa có lợi cho nước vừa có lợi cho chúng.[3] Không cần phải chen chúc tranh giành ở một mảnh đất vừa nghèo khó vừa chật hẹp nữa. Cuộc sống thay đổi thì con người cũng sẽ thay đổi thôi.”

“Ông tin rằng tất cả bọn chúng đều tốt?” Y nhướn mày. Phạm Xuân Bích kiên nghị nhìn thẳng y, mím môi.

“Không phải ta tin người, nhưng ta không muốn giết sai người. Giết sai một mạng người, sẽ có một gia đình thương tâm khốn khổ, càng làm sự oán hận của những kẻ khác lên cao. Đến lúc ấy, ta làm sao còn có thể hướng chúng về nhân nghĩa? Đến lúc ấy, chúng sẽ tin ta được sao?” Y thoáng thấy ngón tay Phạm Xuân Bích siết lại trên mặt bàn. “Có những kẻ đem cả gia đình đến, quyết tâm làm lại cuộc đời, có những kẻ phân vân lưỡng lự, nhưng bản tâm lương thiện. Tất cả khối người đó, có thể chỉ cần chút ít cơn gió nghi ngờ phẫn nộ thì đã lệch chiều, lúc ấy kẻ đáng lẽ quay lại được thì cũng mất đi tất cả cơ hội. Đuổi tận giết tuyệt người không nhất thiết phải là cầm đao kiếm lên truy giết, mà là làm mất cơ hội của tất cả mọi người. Chừng nào ta còn có thể kiểm soát được, thì ta cho rằng không nhất thiết phải mạnh tay đến thế.”

“Trong khi đó thì ông truy tận đuổi tuyệt chúng tôi, đem chúng tôi giam giữ, thậm chí âm thầm trừ khử?” Y vẫn giữ giọng nói nửa dửng dưng nửa tò mò mà hỏi. Đúng như y nghĩ, Phạm Xuân Bích lắc đầu.

“Họ Mạc rất quan trọng với Hà Tiên, ta sẽ không làm gì các ông và cậu. Nhưng cậu Mạc Hầu Hy trong quân giặc, chúng dễ dàng dùng cậu ấy để kêu gọi người. Lúc ấy, ta nhất thiết phải có sự trợ giúp của họ Mạc – ngay tại nơi đây.” Như để trấn an y, Phạm Xuân Bích nói thêm. “Hai ông cũng được an trí trong dinh phủ này, ta đã mời thầy thuốc chăm sóc các ông ấy. Nhưng cậu vừa từ Phiên An về, ta không muốn cậu đem những tin tức bất lợi lung lạc hai người họ.”

“Thật ra ông cũng chưa biết tôi có phải là thám tử mà Mạc Hầu Hy, Nguyễn Hựu Khôi phái đến hay không.” Y cười nhẹ, gật đầu. “Tôi chỉ lo lắng về cha và bác mình, nghe ông cam đoan như thế thì đã yên tâm rồi.”

“Cậu hẳn đã phải vất vả nhiều ngày, hôm nay nên nghỉ ngơi sớm.” Phạm Xuân Bích hiểu ý y, liền đứng lên. Nghĩ một lúc, anh ta nói khẽ. “Thật sự, ta rất tin vào họ Mạc.”

Y nhìn Phạm Xuân Bích quay người đi ra, trong lòng không rõ có vị gì. Khi viên quan này đã mở cửa, y chợt lên tiếng.

“Phạm Bố chính,” Ngừng một khoảnh khắc, y thấy tấm lưng áo đẫm mồ hôi của viên quan. “Ở Phiên An, tôi quen một người. Người ấy nói với tôi, bao giờ người ấy cũng lựa chọn sai, cuối cùng chỉ là một cái sai nhỏ mà gây hậu quả lớn. Những cái sai nhỏ nối tiếp nhau, mới thành đường cùng. Và rồi, người ấy không muốn sai nữa nên quay đầu lại, dù có thể phải chết.

“Những kẻ mà ông cho là ‘đáng thương’ kia, thật ra cũng chẳng phải nạn nhân đâu. Tất cả đi vào con đường này do ai cũng lựa chọn thứ dễ cho mình. Kéo đoàn họp nhau ăn cướp thì dễ hơn đi đào khoai sắn cầm hơi, trồng cấy khai hoang, lấy của người thì dễ hơn là tạo tác. Chúng phá hoại vì phá hoại có lợi cho chúng. Mọi thứ lý do đều đơn giản chỉ thế mà thôi.” Y thấy Phạm Xuân Bích quay đầu lại, vẫn tiếp tục nói. “Ông nói với tôi về trách nhiệm giữ yên bờ cõi, thì nên nghĩ đến việc làm của mình trước đã. Nói không thẹn với lương tâm, nhưng chẳng qua là chọn việc dễ hơn cho mình. Giống người bạn của tôi, nghĩ thì chẳng biết là sai ở chỗ nào, nhưng hóa ra làm gì cũng thành hồ đồ cả.”

Phạm Xuân Bích chỉ im lặng nhìn y. Cuối cùng, anh ta thoáng cười.

“Cậu nói năng rất giống một người. Khi đưa ta đến đây, ngài ấy cũng bảo: Bọn quan trước hết kẻ này đến kẻ khác phạm tội. Ở bên ta thì chúng đàng hoàng liêm khiết, nhưng đến chỗ khuất mắt xa khơi thì như hóa thành hai người khác nhau. Con người, đúng là chẳng thể nào tin được.” Nụ cười buồn bã thoáng qua khuôn mặt sớm khắc khổ của viên quan, biến mất vào bóng tối sau cửa. “Ta vẫn thường hay nghĩ ngài ấy cử ta đến đây vì tin ta hơn bọn họ. Nhưng khi gặp việc thì ta mới hiểu, mình cũng chỉ là người.”

“Ta sẽ cân nhắc lời cậu nói. Cậu Mạc, nghỉ sớm, mai ta sẽ cho cậu gặp hai ông.” Cánh cửa đóng lại sau lưng Phạm Xuân Bích. Y gục đầu xuống bàn, nhắm mắt, thấy cơn chuếnh choáng trào lên trong người như muốn nôn ra.

Không cần phải đợi đến hôm sau, ngay trong nửa đêm hôm ấy, Phạm Xuân Bích xô cửa vào phòng y. Đang mặc nguyên quần áo nằm trên phản, y ngồi lên, nhìn viên quan mới chỉ khoác áo ngoài, tay cầm thanh kiếm đã tuốt khỏi vỏ. Khuôn mặt anh ta thất sắc trong ánh đèn trên tay người đầy tớ chạy theo sau lưng.

“Có chuyện gì thế?” Y hỏi, đã nghe thấy tiếng động kỳ lạ quanh khu dinh Tuần phủ này. Nghe như có tiếng chân người, rất nhiều tiếng chân người, âm thanh lan truyền đi rõ ràng trong đêm.

“Có kẻ bao vây dinh phủ.” Phạm Xuân Bích trầm giọng nói, ném cho y một bộ chìa khóa. “Gian nhà của hai ông Mạc ở phía sau, cậu tùy nghi định liệu an toàn cho họ.”

“Người trong phủ đâu rồi?” Y vội hỏi, nhưng Phạm Xuân Bích đã quay người đi ra. Chỉ có người đầy tớ tên Nguyễn Văn Vi phía sau anh ta trả lời y.

“Người canh đêm thấy ánh đèn chạy vào báo, rồi ai nấy trốn hết cả. Quân đang được tập trung đắp lũy đất chặn đường An Giang tới, ở đây không có ai…” Nguyễn Văn Vi nói như khóc. “Tỉnh lỵ này đang xây dựng, xung quanh chỉ có chừng chục nhà dân, bọn người này ở đâu ra thế?”

Bọn y đã nghe tiếng cửa phủ bị phá vỡ. Không phải voi, chỉ có một con trâu húc đầu vào cánh cửa dày, kêu lên một tiếng rền rĩ xé toạc màn đêm.

“Sao ông không chạy đi?” Thấy Phạm Xuân Bích vẫn xăm xăm xông về hướng cửa phủ, y vội chạy theo nắm tay áo viên quan hỏi.

“Không thấy ta, chúng vào phủ truy lùng sẽ giết hết người trong phủ.” Phạm Xuân Bích nói mà không quay đầu, vẫn đều đặn bước. “Ta cũng phải nhìn xem chúng là ai.”

“Chúng…” Y thoạt nói, nhưng Phạm Xuân Bích đã dứt tay áo khỏi tay y, hoặc y đã nghẹn lời. Phạm Xuân Bích mở cửa đi ra, gọi Nguyễn Văn Vi nhanh chóng sập cánh cửa khóa lại, không cho y đi theo.

Y chỉ có thể đứng nhìn qua song cửa thấy Phạm Xuân Bích bước ra khoảng sân ngoài ngập ánh trăng. Sau lưng anh ta chỉ có người đầy tớ vội vội vàng vàng vớ lấy cây giáo chạy theo. Toán người kia đã xông vào sân dinh phủ, những bóng đen quàng khăn trắng quanh cổ bao vây Phạm Xuân Bích vào giữa. Trong bóng tối, không rõ có bao nhiêu kẻ trong ngoài dinh Tuần phủ.

“Là các ngươi?” Dường nhận ra người, Phạm Xuân Bích lên tiếng hỏi. Y nghe giọng anh ta nửa ngạc nhiên lại nửa như bình tĩnh.

“Anh Khôi anh Chắm đang đánh An Giang, An Giang thất thủ rồi!” Một kẻ trong bọn cười lớn, thanh đao khua loang loáng trong đêm. “Các anh ấy cho gọi chúng ta nhiều ngày nay để tiếp ứng. Quan Bố chính mau buông kiếm đầu hàng, Hà Tiên đỡ phải thêm một trận chém giết.”

“Các ngươi…” Sau lưng Phạm Xuân Bích, Nguyễn Văn Vi run giọng phẫn nộ nói lớn. “Bọn tù các ngươi được tháo gông xiềng cho làm lính, cho trâu cày để làm ăn sinh sống, rốt cuộc các ngươi vẫn không muốn làm người!”

“Văn Vi, thôi đi.” Phạm Xuân Bích nhẹ giọng gọi người đầy tớ, thở dài. “Ta cứ nghĩ rằng giặc đánh qua An Giang rồi xông đến đây nên mới ra ngoài liều chết, ngờ đâu lại là lũ tù của tỉnh.”

Vừa nói, Phạm Xuân Bích vừa bước lại gần kẻ dẫn đầu đoàn người. Thanh kiếm trong tay anh ta bất chợt đâm ngược lên, trúng vào vai kẻ kia. Hắn kêu một tiếng, vội lùi tránh. Phạm Xuân Bích lao qua khoảng trống định chạy ra ngoài. Đám người nhất loạt xô đến, mũi gươm giáo loang loáng nhằm Phạm Xuân Bích đâm tới. Y chỉ nghe thấy tiếng hét xé ruột của Nguyễn Văn Vi, trước khi thân thể Phạm Xuân Bích bị ném ngược trở lại sân, máu đã nhuộm ròng ròng nửa người anh ta.

“Định chạy đi báo động? Ở đây còn có ai đến cứu ông?” Rịt vai bị thương, kẻ dẫn đầu nhóm người cười gằn, nhìn Phạm Xuân Bích run rẩy nhỏm dậy trên đất. Nguyễn Văn Vi vội ôm lấy chủ nhân, nhưng bị một tên khác nắm kéo ngược ra sau. Hai ba kẻ cùng xô lại, đạp Nguyễn Văn Vi xuống không cho vùng vẫy.

“Nghĩ tình quan Bố chính ngày thường đối xử tốt với chúng tôi, chúng tôi cho ông cơ hội đầu hàng.” Cúi xuống Phạm Xuân Bích, tên cầm đầu lại trở giọng ôn tồn nói. “Bây giờ anh Khôi đã chiếm được cả Gia Định, chia nửa sơn hà, cơ hội thành vương thành tướng nay mai, đâu phải chỉ là quan Bố chính của một tỉnh, chịu sự đe nẹt hà khắc của tên bạo chúa. Ông thuận theo chúng tôi, vẫn làm chủ được Hà Tiên, vẫn là quan là tướng, tội gì phải khổ thế này?”

“Giết thì giết! Khi nào ta lại hàng lũ tù các ngươi!” Phạm Xuân Bích quát. Bàn chân kẻ kia bất thần đá ngược lên, đạp dằn Phạm Xuân Bích xuống đất.

“Lũ tù này sắp thành quan lớn, còn quan lớn trở thành bọn tù. Dân nổi can qua, con vua phải ra quét chùa!” Hắn ha hả cười, kéo theo đám người cùng cười lớn. “Đám vua quan ngày thường ăn trên ngồi trốc bóc lột hành hạ chúng ta, lấy súng lớn quân nhiều bắt giữ chúng ta rồi ném đến chỗ khỉ ho cò gáy này, bắt chúng ta giữ đất cho chúng, thế mà còn giả nhân giả nghĩa kể công cho trâu cho gạo, khiến ta phải suốt đời làm nô lệ đầy tớ nuôi chúng!”

“Bóc lột hành hạ?” Nằm trên đất, Phạm Xuân Bích chợt bật cười. “Các ngươi đã làm được gì để bóc lột? Các ngươi ở đâu cho ta hành hạ? Bọn cướp giở giọng thế thiên hành đạo, đúng rặt một bọn vô đạo.”

“Quan lớn giảng đạo nói chữ, ta nghe không hiểu đâu.” Kẻ kia vẫn cười, đạp thẳng vào vết thương trên người Phạm Xuân Bích, nhìn khuôn mặt anh ta méo mó trong đau đớn. “Cũng như quan lớn chẳng thể hiểu nổi nỗi khổ của bọn ta đâu.”

“Anh Cả, nhanh lên, không chúng báo cho dinh Án sát!” Một kẻ đứng cạnh giục. Kẻ kia gật đầu, nâng cây giáo trong tay lên, nhằm ngay tim Phạm Xuân Bích.

“Quan Bố chính không chịu hàng thì lên đường bình an nhé.”

Trong ánh trăng, mũi giáo lạnh lùng đâm xuống. Tiếng kêu của Phạm Xuân Bích chìm trong tiếng khóc nghẹn của người đầy tớ. Nhóm người kia không buồn rút mũi giáo, rùng rùng bỏ đi khỏi phủ, chỉ để lại đôi ba kẻ đứng canh ngoài cửa. Nghe lời nói, hẳn chúng kéo đến dinh Án sát để giết Trần Văn Quán.

Được buông tha, Nguyễn Văn Vi bò lết đến bên thi thể Phạm Xuân Bích. Máu ồng ộc tuôn ra bên khóe miệng Phạm Xuân Bích, thân thể anh ta còn run rẩy trong cơn giãy chết, mắt vẫn trừng trừng nhìn lên khoảng không ngập ánh trăng lạnh.

Không thể nhìn thêm, y bải hoải ngồi sụp xuống sau cửa, run lên từ đầu đến chân. Cơn chuếnh choáng buồn nôn trở lại trong tiếng khóc nức nở của Nguyễn Văn Vi dội từng đợt vào tai, âm vọng bưng bưng trong trí não y.

Không biết đã qua bao lâu, y lại nghe thấy tiếng người. Lần này đám người trở về cao giọng ca hát, vỗ tay giậm chân. Y biết, thế là Án sát Trần Văn Quán cũng đã bị giết.

Cửa gian chính điện dinh Tuần phủ bị đạp tung. Y ngẩng đầu nhìn lên toán người vừa xông vào. Bên ngoài, mặt trời cũng đã vừa lên, ánh sáng xanh mờ yếu ớt hắt qua khiến y không thể nhìn rõ mặt những kẻ phía trước.

“Cậu Mạc Hầu Diệu, đúng là cậu ấy bị nhốt ở đây.” Một kẻ có lẽ biết mặt y nói. Lúc này, y có cảm giác mình không hề biết bất cứ người nào trong bọn. Chúng cùng đi đến trước y, nhao nhao chào hỏi. Một bọn khác nhanh nhảu chạy ra gian sau của phủ, phá cửa đưa cha và bác y cùng người anh em họ Mạc Hầu Chấn đi ra. Bọn họ cùng kinh sợ ngơ ngác trước tình cảnh bỗng nhiên xuất hiện trước mắt.

Trong thinh không bỗng vang vọng tiếng súng. Tiếng pháo từ đầu dòng sông Giang Thành, tiếng pháo từ kênh Vĩnh Tế. Nhóm binh thuyền Phiên An đánh hạ được thành An Giang đang đến.

Bên ngoài có tiếng xôn xao, y liền đi ra sân quan sát. Đúng như Nguyễn Văn Vi nói, quanh tỉnh lỵ đang xây này hoàn toàn hoang vắng, phía trước là sông, phía sau là núi, bao quanh là rừng. Ngoài doanh trại quân chỉ có mấy ngôi nhà dân đóng kín cửa im lìm, có thể họ đã bỏ đi hết. Mấy ngày nay, Phạm Xuân Bích cho tập trung quân dân đi đắp lũy phòng thủ đầu dòng sông, chẳng còn mấy ai ở đây.

Vả lại, có thể họ cũng sẽ không tới.

Lúc này chỉ có bóng người thập thò nhìn ngó dinh Tuần phủ. Và khi nhận ra cả Bố chính cùng Án sát đều đã bị giết, bọn họ sẽ bỏ chạy, trốn xa, y thầm nghĩ.

Lúc này, Nguyễn Văn Vi vẫn ôm xác Phạm Xuân Bích bất động giữa sân. Người đầy tớ đã không còn khóc, chỉ mím môi, vai cứng lại như sẵn sàng chờ đợi những mũi gươm giáo đâm vào mình bất cứ lúc nào.

“Cậu Mạc, may mà cậu từ Phiên An về đây.” Tên cầm đầu được gọi là anh Cả nghe tiếng pháo nên cũng đi ra cùng y chợt nói khẽ. “Chúng tôi không biết hai ông Mạc bị Phạm Xuân Bích bắt giữ, đang e ngại quanh tỉnh lỵ này nhiều quân canh gác không biết làm thế nào. Vừa hay cậu về, chúng tôi biết tung tích của ông Mạc, nhiều người phẫn nộ góp sức cùng, mà nghe đến giải cứu ông Mạc thì quân lính cũng chẳng cản chúng tôi nữa.”

“Các người sống ở làng ven Cần Bột?” Không nhìn đến hắn, y chỉ lơ đãng hỏi, quay nhìn phía tiếng ồn ào trong sân. Có kẻ tiến lại toan lôi xác Phạm Xuân Bích ném đi, Nguyễn Văn Vi đang dập đầu cầu xin rối rít. “Có biết hoàng thượng mật dụ Phạm Xuân Bích giết tất cả các người[4], mà ông ấy không làm?”

“À… đám vua quan bất nhân ấy!” Tên anh Cả thoáng ngập ngừng, nhưng nhanh chóng cau mày nói lớn. “Phạm Xuân Bích làm tay sai cho tên vua ấy chắn đường chúng ta thì phải trừ khử thôi. Nể tình ông ta không tệ, tên đầy tớ này có nghĩa thì ta cho toàn thây.”

“Ta là người coi trọng nhất nghĩa khí, tên đầy tớ này không sợ chết thật là kẻ anh hùng, cho hắn được đem xác Phạm Xuân Bích về chôn cất.” Hắn sang sảng nói, hào phóng khoát tay. “Ngươi có thể chôn cả tên Án sát cùng đầy tớ của hắn bị giết đêm qua. Với kẻ trung thành thì ta luôn luôn coi trọng, đáng tiếc lại chẳng thể đi cùng đường.”

Nguyễn Văn Vi cõng xác Phạm Xuân Bích rời khỏi dinh Tuần phủ. Khi đi ngang qua, y thấy mắt Phạm Xuân Bích vẫn mở trừng trừng.

Gió sáng trong núi thổi lạnh buốt rợn đến xương. Y tựa vào tường, cúi người như muốn nôn thốc ra. Thấy vậy, Mạc Hầu Chấn vội chạy lại đỡ y.

“Anh mệt lắm à?” Nhìn quanh, Mạc Hầu Chấn hạ giọng hỏi. “Người nhà ta không có ai đi với anh sao?”

“Không. Lúc này họ không xuất hiện thì tốt hơn.” Vẫn nhắm mắt, nghe đầu nhức bưng bưng, mạch máu bên thái dương co giật, y nói thầm.

Hẳn nhiên, có những kẻ quanh đây, nhưng bọn họ không xuất hiện.

Phạm Xuân Bích bí mật bắt họ Mạc đưa đi, chẳng ai có thể tìm thấy bọn họ để mưu dựa nhau nổi loạn. Cho đến khi y trở lại, nhóm người bắt y đưa thẳng đến nơi giam giữ họ Mạc.

Khi cho cô hầu quay về phủ, y đã biết sẽ có kẻ nhận biết sự bất thường của cô để theo dõi. Và sau lưng kẻ ấy, sẽ còn kẻ khác lặng lẽ theo đuôi. Kẻ nọ, một khi đã biết được vị trí giam giữ nhà họ Mạc, sẽ đưa đám quân Hồi lương, Biên lương mà hắn âm thầm tụ tập đến.

Nhân danh họ Mạc, chúng có thể làm tất cả, làm nên tất cả.

Đó là lý do Thái Công Triều đến thông báo đẩy y về Hà Tiên. Đó là lý do y trở thành một quân cờ trong thế cuộc này.

 

Chú thích:

[1] Sở giang hạ phiếm thư sự kỳ 2 của Trịnh Hoài Đức

[2] Đầu năm 1833, khi Bắc Kỳ được mùa, Minh Mạng nói với Nội các về tệ gặt trộm lúa gây án mạng, cho Hình bộ truyền dụ cho dân “Ai nấy nên hưởng lợi phần mình, lấy đó để nuôi cha mẹ vợ con. Nếu mình nghĩ cướp của người thì người cũng nghĩ cướp của mình, gây nên tranh giành kiện tụng”, cho quan phủ, quan huyện đến tận các đồng ruộng tuyên truyền cho đến tận khi lúa chín.

[3] Theo Quốc sử di biên, tù phạm từ Bắc Kỳ đưa đến Hà Tiên được cấp lương thực, nông cụ để làm việc, thậm chí cho cả thuyền đưa gia đình đi theo nếu muốn.

[4] Khi xảy ra binh biến Phiên An, Minh Mạng đã mật dụ các quan ở Gia Định rằng “Các tù phạm Bắc Kỳ năm trước bị phát vãng đi Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, sau đó được tháo xiềng khóa, tha ra làm lính, cấp cho trâu cày nông cụ để làm nông nghiệp. Bọn này là côn đồ phần nhiều quen làm tội ác. Vậy phải nên đề phòng trước đi. Bọn ngươi nên bắt đến tập hợp lại, giam cầm nghiêm ngặt, xét xem kẻ nào mang lòng phản trắc thì chém ngay…, chớ nên nhẹ dạ cả tin.”




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.