Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

15. Khởi thị dạ hà kỳ
Trường An in "Minh nguyệt 1" December 17th, 2018
  1. Khởi thị dạ hà kỳ, hoành song nguyệt bán quy[1]
    (Ngồi dậy xem đêm ra thế nào, ngang song trăng đã khuyết nửa vành)

 

“Cậu Mạc lần này lại đến là có việc gì?”

Y nhìn người đàn ông tên Nguyễn Hựu Khôi đang đứng trước mặt, ra vẻ đang lau cây thương dài. Trong lòng y chợt có cảm giác chán ghét thầm lặng. Thật ra, y rất chán ghét công việc mà mình đang phải làm lẫn câu nói khách sáo vờ vịt của người đàn ông này.

“Tôi muốn gặp Tả quân.” Y vừa nói, Nguyễn Hựu Khôi đã lắc đầu.

“Tả quân vào tháng ba vừa rồi đã xin bãi chức, còn đang đợi chỉ phê duyệt, nhưng hiện tại không còn giữ nhiệm vụ, quyền hạn gì ở Gia Định nữa. Việc của công tử Mạc Hầu Hy, tôi e không ai có thể giúp được.” Buông cây thương, Nguyễn Hựu Khôi ngẩng nhìn trần nhà, thở dài. “Tên Bạch Xuân Nguyên lại vừa được thăng lên Thự Lang trung, về làm Hiệp lý Binh tào Gia Định, viện cớ cần hắn để làm việc với sứ giả Xiêm La. Cậu Mạc tốt nhất nên về Hà Tiên cảnh báo mọi người ‘đón tiếp’ Bạch Lang trung cho tốt kẻo mang họa, còn công tử Mạc Hầu Hy coi như đã rơi vào miệng cọp rồi, không thể làm gì được nữa.”

“Đến Bảo hộ Thoại Ngọc hầu còn vừa bị truy luận tội. Tên Võ Du được lệnh đi dò xét tình hình dân Phiên ngay lập tức mách lẻo chuyện nghe hơi nồi chõ, bảo Thoại Ngọc hầu bắt dân Phiên nộp gỗ táu không trả tiền, lại dùng người làm việc riêng xây đường chôn vợ. May mà vua Chân Lạp bảo đã trả tiền cho người lấy gỗ, không thì chẳng biết việc còn lớn đến độ nào. Bây giờ người trong ngoài triều đình Phú Xuân chỉ đang nhìn chằm chằm vào chúng ta chờ chực lôi ra tội, chẳng ai dám đỡ lời cho Mạc công tử đâu.” Nguyễn Hựu Khôi thở dài, đến vỗ vai y ra điều thông cảm. “Ông Mạc Công Du chỉ có mỗi mình cậu Mạc Hầu Hy, gặp việc thế này hẳn đau lòng khôn xiết, cậu nên về an ủi ông ấy. Cậu Hy vẫn đang bị giam trong thành Phiên An, nếu cậu muốn gặp thì ta cho người dẫn cậu đi.”

“Vâng, cám ơn Phó Vệ úy.” Y nhạt nhẽo nói, cúi đầu từ tạ Nguyễn Hựu Khôi, theo người của ông ta rời khỏi doanh lính đến khu nhà ngục xây ở một góc thành. Đến cửa doanh trại, y chợt nghe tiếng gọi. Vệ úy Tả bảo nhị Thái Công Triều đang đứng cùng một nhóm người, thấy y liền vẫy tay.

“Cậu Mạc đến đây vì chuyện của Mạc Hầu Hy à?” Không đợi y lên tiếng, Thái Công Triều đã hỏi, phác tay. “Chúng tôi cũng đang nói về chuyện này. Nghe nói Bạch Xuân Nguyên đang bảo Nguyễn Văn Quế khép Hầu Hy tội xử tử.”

“Hắn chỉ là một Thự Lang trung Binh bộ, làm gì có quyền hạn xử án.” Y cau mày. Thái Công Triều chép miệng lắc đầu.

“Từ sau khi đi sứ Xiêm La về, Bạch Xuân Nguyên được hoàng thượng trọng dụng lắm. Hắn bị giáng đến tận Viên ngoại lang ngoại ngạch mà được coi ấn quan phòng Nội vụ phủ, làm việc thêm mấy nỗi là lại phục chức ngay. Hắn coi việc liên hệ biên phòng, nhỡ đâu lại dồn hỏi sứ giả Xiêm, Chân Lạp mấy chuyện bất lợi với Hà Tiên, đổ dầu vào lửa, lúc ấy chỉ dùng luật nói chuyện thì nhà họ Mạc cũng nguy to.” Đưa mắt nhìn quanh, Thái Công Triều nghiêng đầu về phía y, hạ giọng. “Tham hiệp Hà Tiên Trần Văn Đản vừa liên can đến chuyện Hiệp trấn Nguyễn Hựu Dự, không phải do Bạch Xuân Nguyên đến Hà Tiên tiếp sứ lôi ra đấy chứ?”

“Nuốt miếng lớn quá nên bị nghẹn chết đồng loạt thôi mà.” Y đảo mắt, đã thấy mệt mỏi với cái tên ‘Bạch Xuân Nguyên’ được nhắc đi nhắc lại suốt từ khi đặt chân đến Phiên An. Thái Công Triều gật gật đầu.

“Vậy hẳn Phạm Xuân Bích quyết xử đến cùng rồi. Cậu Mạc Hầu Hy cũng do Xuân Bích bắt ở cảng phải không? Chúng liên tục cáo giác tội trạng khắp nơi, vốn chỉ chờ Tả quân sơ sẩy không báo tin lên là lập tức khép tội Tả quân bao che bè phái. Tả quân mệt mỏi đến nỗi phải từ chức rồi.” Dùng gương mặt giống như Nguyễn Hựu Khôi, Thái Công Triều ra vẻ thông cảm với y. “Tất cả những gì chúng tôi làm được chỉ là cho cậu Mạc Hầu Hy ở phòng giam tốt một chút, không phải chung chạ với bọn phạm nhân khác. Cậu đến nói chuyện với cậu Hy, nhớ nhắc cha con họ cẩn thận.”

“Vâng, cám ơn Vệ úy.” Y máy móc nhắc lại, cảm thấy mấy miếng giấy trong hành lý cồm cộm bên lưng.

Bác y là Mạc Công Du phái y đến Phiên An, đem theo cả một gia tài – thậm chí ông có thể đem toàn bộ gia tài tích góp được của họ Mạc để cứu người con trai duy nhất. Nhưng theo tình hình này, sẽ chẳng có kẻ nào ở Phiên An dám nhận lấy một đồng của y. Thái Công Triều đang nói như thể biệt đãi với Mạc Hầu Hy đã là một việc hiệp nghĩa nguy hiểm to lớn.

Đứng cạnh đó, Nguyễn Hàm đột nhiên lên tiếng.

“Tôi cũng muốn gặp cậu Hầu Hy. Từ khi cậu ấy bị giải đến đây, tôi còn chưa thấy mặt.” Không đợi y đồng tình hay phản đối, Nguyễn Hàm đã quay sang thanh niên bên cạnh. “Hoàng Nhiên, đi không?”

“Tôi cũng muốn hỏi thăm cậu ấy.” Thanh niên mà y biết tên là Nguyễn Hoàng Nhiên, con trai Tiền quân Nguyễn Hoàng Đức, gật đầu. Dù Nguyễn Hoàng Đức lập công nghiệp lớn, hai con trai lớn của ông là Nguyễn Hoàng Thỏa, Nguyễn Hoàng Thành được trọng dụng, cho lấy công chúa nhưng đều chết sớm, các con khác đều không có quan chức. Tiền quân Nguyễn Hoàng Đức và Trung quân Nguyễn Văn Thành là đồng liêu thân thiết từ ngày còn trong quân, hai nhà ở Gia Định vẫn đi lại với nhau, có vẻ Hoàng Nhiên và Nguyễn Hàm cũng là bạn.

Có đôi phần bất đắc dĩ, y phải dẫn theo hai thanh niên này cùng đến nhà giam. Căn nhà Mạc Hầu Hy ở quả nhiên là một khu riêng vốn dành cho quan chức, trong ngoài khá sạch sẽ. Nhưng khi y đến, Mạc Hầu Hy lại không có trong phòng giam.

“Hình tào gọi cậu Mạc đến hỏi cung rồi.” Thấy bọn y, ông lão đang ngồi ở gian phòng ngoài nói. Nheo mắt nhìn y một lát, ông lão chợt cười hỏi. “Cậu là Mạc Hầu Diệu, con trai nhà họ Mạc à?”

“Tôi từng làm việc ở Hà Tiên một thời gian, nhưng cậu không biết tôi đâu. Tôi phạm lỗi bị phát vãng đến Hà Tiên làm văn thư mấy năm mà thôi.” Ông lão tuổi chừng bảy mươi vẫn cười, đưa tay ra hiệu cho bọn y ngồi cạnh bàn. “Hiện tôi đang là Huấn đạo Bình Dương, tên Đinh Phiên.”

“Ông là Đông các học sĩ, Thái thường tự khanh Đinh Phiên?” Nguyễn Hàm chợt kinh ngạc hỏi. Năm xưa cha anh ta là Nguyễn Văn Thành lẫn anh trai Nguyễn Thuyên đều là người hay chữ, thường tập họp các quan ngâm vịnh, hẳn anh ta đã từng biết đến người này.

“Đã từng là Đông các học sĩ thôi.” Ông lão lắc đầu, nụ cười vẫn ở trên môi, dường như đeo một cái mặt nạ. Rót trà ra ly cho bọn y, ông giải thích trước vẻ thắc mắc của Nguyễn Hàm. “Bảy, tám năm trước tôi ở Lễ bộ, thuộc lại làm công việc sắc phong bách thần tại Nghệ An tự tiện muốn phong ai thì phong, lấy cả sắc phong của Tây Sơn cho vào, tôi tuổi già lú lẫn không xét được, bị luận tội cách chức. Liên lụy đến cả con trai đã đỗ tiến sĩ đang làm Tri phủ cũng phải từ nhiệm để đi theo nuôi tôi ở Hà Tiên.”

“Đặng Trần Thường năm xưa cũng chết vì chuyện phong thần này.” Nguyễn Hàm nhỏ giọng lầm bầm. “Lần này là ai đàn hặc ông thế?”

“Là Thượng thư Lễ bộ Trịnh Hoài Đức.” Đinh Phiên trả lời, rồi nói ngay. “Nhưng đó là chức nghiệp của ông ấy, không trích xét ra lỗi, để sai lầm kéo đến lâu dài thì đến ông ấy cũng phải tội. Là tôi già rồi, làm việc không minh mẫn nữa, cũng không nghĩ đến đã có án Vũ Quý Dĩnh, Đặng Trần Thường, Nguyễn Gia Cát sờ sờ ở đó mà vẫn có kẻ tiếp tục làm bậy.”

“Năm xưa Vũ Quý Dĩnh làm sắc giả phong ông bà cha mẹ mình là phúc thần, Đặng Trần Thường thì làm ngơ giấu việc phong thần cho Hoàng Ngũ Phúc, đạo sắc giả có đến hơn năm trăm, việc quá lớn nên mới thế.” Nguyễn Hàm cau mày. “Vậy mà Thế Tổ chỉ cách chức, tước quan tịch Đặng Trần Thường, cho lưu ở Kinh, sau vì Lê Chất đàn hặc án tham tang mới phải chết. Ông đã già cả thế rồi mà vẫn bị đày ra ngoài hai ngàn dặm, quả thật là không có tình người.”

“Vả lại thần của mình mới là thần, thần của người khác thì không sao?” Một tiếng nói chợt vang ngoài cửa, người đàn ông vạm vỡ mặc áo Phó Quản cơ bước vào, vừa cất mũ vừa cười nói. “Thần của các làng hàng trăm hàng ngàn năm thờ cúng, nay tự dưng đến bảo thần này là thờ nhảm, bắt triệt bắt phá, ai nghe cho được? Người biết sai biết chết vẫn làm, chẳng qua là vì không thể không làm sai.”

“Anh về rồi đấy à?” Đinh Phiên ngẩng lên, nói như chào, rồi đưa tay giới thiệu người vừa vào với bọn y. “Phó quản cơ đội Thanh thuận Đặng Vĩnh Ưng. Hôm nay là anh ấy trực ở đây, tôi có chuyện đến tìm nên ngồi chờ thôi. Còn đây là nhóm cậu Mạc từ Hà Tiên đến.”

“Cậu Mạc à? Tôi vừa áp giải Mạc Hầu Hy đến công đường.” Đặng Vĩnh Ưng thi lễ với y một cái rất nhanh, rồi nheo mắt cười nói. “Năm xưa Mạc công uy trấn một cõi, lấy Bình San dựng đàn Xã tắc làm vương một dải đất đường đường. Nay đến người cháu đích tôn ít ỏi còn sống sót cũng bị người ta chà đạp. Có thoát được tội chết lần này cũng khó tha tội sống, lại bị phát phối đi làm lính xứ Cao Bằng, Nghệ An, Cam Lộ nào đó thì khổ hơn cả chết.”

“Tôi cũng lo lắng thế. Nhắc đến Cao Bằng, năm xưa quân Thanh tự dưng lấn sang biên giới, hoàng thượng cho một nhóm quân đến làm việc. Ai ngờ rừng sâu nước độc, nhóm quân chỉ ở vùng ấy một tháng mà về bệnh chết cả.” Đinh Phiên nhấp chén trà, lắc đầu nói. “Tuy nói con cháu công thần không đến nỗi bị xử nặng, nhưng án của cậu Mạc Hầu Hy là lần đầu xảy ra, chưa từng có tiền lệ. Triều đình đối với họ Mạc cũng không biết tâm ý thế nào. Năm xưa Thế Tổ đã bãi chức Trấn thủ Hà Tiên, gọi cả hai ông Công Du, Công Tài về kinh, sau này mới lại phái xuống để yên ổn lòng người. Ông Mạc Công Du vừa rồi vì chuyện của người khác mà bị bãi chức, chỉ cho hưởng nửa bổng lộc, đâu phải là lối đối xử với công thần. Nay càng có cớ để triệt hạ nhà họ Mạc, tình hình nguy hiểm lắm.”

“Công thần gì? Có nhìn thấy Thoại Ngọc hầu, Nguyễn Văn Thành, Đặng Trần Thường đó không?” Đặng Vĩnh Ưng nhìn thoáng qua Nguyễn Hàm, vừa ngồi xuống ghế cạnh y vừa nói. “Chuyện bọn Thường thì còn căn cơ phức tạp, chứ Thoại Ngọc hầu cả đời lăn lộn vì nhà nước, không có ông ấy thì bọn dân Phiên còn nổi loạn nơi nơi, nay chỉ vì mấy lời sàm tấu của Võ Du mà định luận tội ông ấy. Chẳng qua vì ngứa mắt sẵn rồi viện cớ mấy miếng đậu khấu của Chân Lạp, nhất định không chịu phong lẫn cho phu cai mộ ông ấy. Giờ đám quan của hoàng thượng tha hồ mà đi quản lấy Chân Lạp cho vừa lòng ngài ấy.”

“Nhắc đến Thoại Ngọc hầu, hôm rồi tôi nghe bọn ở Binh tào nói Bạch Xuân Nguyên suốt ngày mắng ông ấy, lôi chuyện đậu khấu ra bảo: Ở Kinh, hoàng thượng nói triều đình chi tiền mua một trăm cân đậu khấu là một trăm năm mươi quan. Vậy mà bọn Trần Nhật Vĩnh, Thoại Ngọc hầu chỉ trả cho dân Phiên năm mươi, sáu mươi quan, còn đi khắp nơi bảo triều đình mua rẻ, họ phải tự chi tiền nhà ra bù đắp cho dân. Bọn người lấy tiền thiên hạ lừa lọc mua danh, đã ăn cả hai đầu còn muốn đóng vai nhân đức, vô liêm sỉ.” Đinh Phiên xoay chén trà, cười khẽ. “Chuyện Thoại Ngọc hầu xây kho thóc, Gia Định ta báo lên là ông ấy tự dùng tiền nhà ra xây thì hoàng thượng cũng bảo: Lúc có lệnh xây kho thóc ở Chân Lạp, hoàng thượng cho riêng Thoại Ngọc hầu một ngàn quan tiền. Đến lúc chẳng biết dùng hết tiền công như thế nào lại lạm phép xây kho thóc riêng nhằm vơ vét thu thêm của dân Phiên, rồi lấy giọng giả nhân giả nghĩa ‘tiền nhà’ ra đổ tội cho triều đình, mua danh cho bản thân.

“Nói đến ‘tiền nhà’, thì kênh Thoại Hà, kênh Vĩnh Tế đều là công trình của triều đình, do bao nhiêu người đi đo đạc thám sát, bao nhiêu công sức lên kế hoạch, điều phối, bao nhiêu tiền bạc của triều đình đổ vào. Bọn Thoại Duyệt đều chỉ là kẻ phụng mệnh đốc công, làm xong việc nhận thưởng vô số có cho ai xu nào, lấy cái gì tự nhận công lao như cha như mẹ làm ra cả đất ấy? Thế Tổ cho Thoại Ngọc hầu lấy tên đặt sông, vốn là muốn dùng ông ta làm thanh thế với dân Phiên, tiện cho việc cai trị. Chứ từ đầu đến cuối đất nước này có bao nhiêu kênh đào, có quan thần nào tự nhận làm của mình như ông ta. Vậy mà đám người không biết trời đất quen thói nhận vơ công tích, đến mức lừa trên dối dưới, tham lam vơ vét, lấy tội đổ cho triều đình, vừa ăn cướp vừa la làng. Trấn thần Gia Định còn dám tâu xin phu mộ cho Thoại Ngọc hầu, có phải là một bọn không biết liêm sỉ như nhau?” Đinh Phiên ngẩng lên, hấp háy mắt nhìn đám người ngồi quanh bàn. “Bạch Xuân Nguyên làm trong Nội vụ phủ, hẳn nghe ngóng lời hoàng thượng cũng không sai, dù hắn là tên hà khắc ngông nghênh thêm bớt ít nhiều. Theo lời hắn nói, thì công lao của quan thần đều là việc công chẳng có công gì, mà tội của quan thần mới đáng ghi nhớ đời đời. Trần Nhật Vĩnh lừa trên dối dưới khắp cả Gia Định, Thoại Ngọc hầu là người trên sao quản được kẻ dưới. Nói dùng dân Phiên đi làm việc riêng thì triều đình còn chả suốt ngày lấy dân lấy lính xây điện xây lầu, bảo là trả tiền nhưng cũng tiền công của nhà nước chứ đâu ra, đều là dùng sức người sức của làm chuyện riêng cho mình cả. Chẳng qua địa vị khác nhau thì tự dưng một người làm lại là tội mà thôi, trong khi ở Chân Lạp, địa vị của Bảo hộ còn hơn cả vua chúa.”

“Bạch Xuân Nguyên suốt ngày ba hoa như thế, chẳng phải làm ảnh hưởng đến danh dự của Thoại Ngọc hầu lẫn Tả quân lắm sao?” Nguyễn Hoàng Nhiên vốn im lặng chợt lên tiếng. Vẫn đang di ngón tay đuổi theo đàn kiến trên bàn, y buột miệng.

“Cũng giống như thờ thần nhảm, có biết Thành Hoàng là kẻ cướp thì người ta vẫn thờ đấy thôi. Người người tin nhà nhà tin, một mình Bạch Xuân Nguyên nói ai nghe?” Búng tay hất con kiến đỏ vào vũng nước trà, y nói. Khi y ngẩng mặt lên, toàn bộ người quanh bàn đã rơi vào im lặng.

“Tôi vừa nhớ ra, đến thăm anh Hy thì phải mua ít bánh trái cho anh ấy chứ. Ở trong tù không được ăn đồ tươi ngon đâu.” Y cười hì hì, đứng lên vuốt áo, nhanh nhảu cáo từ đám người để rời khỏi khu trại tù. Vừa bước ra đường lớn, y đã thở ra một hơi dài.

Chẳng biết không khí Bắc Kỳ mấy năm trước theo lời của Thái Công Triều đáng sợ ra sao, chứ vài tháng này khắp Gia Định chỉ toàn những khuôn mặt như trái khổ qua. Người người đem đủ chuyện dọa nạt lẫn nhau, như thể những quan viên từ Phú Xuân cùng vị hoàng thượng nào đó là Ông Kẹ bay lờ lờ trong đêm, bắt người bỏ bao bố. Ngay cả ở Hà Tiên cũng chộn rộn, các vị quan thay thế nhau liên tục, xây pháo đài phòng thủ, dời dinh phủ về đầu sông Giang Thành. Ông bác Mạc Công Du của y đã bị miễn chức vài năm trước, giờ đến con trai ông ấy bị tố tội, cha y Mạc Công Tài là người duy nhất còn chức Cai đội làm việc ở Hà Tiên, tự dưng một tên thanh niên rảnh rỗi như y lại phải gánh vác việc lo liệu trong ngoài. Y đến Phiên An này vài lần theo anh Hy, chỉ quen mặt vài người Vệ úy, hẳn chẳng có tác dụng gì với Hình tào Gia Định.

Dừng chân dưới tán cây, y thầm nhẩm lại những người quen biết ở Phiên An, kể cả người mà bác Mạc Công Du bảo y tới tìm. Quan lại ở Phiên An đang bị thuyên chuyển liên tục, Trấn phủ Phiên An đang phải tuần tiễu giặc Chà Và ngoài biển. Nguyễn Hựu Khôi đã từ chối giúp đỡ, y còn có thể tìm đến ai?

Nhà họ Vũ, một ý nghĩ chợt sáng lên trong y. Dù bọn Vĩnh Tiền, Vĩnh Lộc chẳng có chức vụ trong quân, họ có thể giúp y liên lạc thẳng với Tả quân, biết đâu cùng nhiều người khác. Nếu đã gặp được Tả quân, gào khóc van xin thì thể nào ông ấy cũng không thể làm ngơ.

Bụng bảo dạ, y hăng hái vòng trở về khu trại lính trong thành, hỏi thăm tin tức bọn Vĩnh Tiền. Vừa hay Thái Công Triều cả buổi sáng có mặt ở nơi ấy, nghe y hỏi thì nhíu mày ngẫm nghĩ một lát, rồi gật đầu.

“Tôi nghe hôm nay là ngày giỗ kị của họ Vũ, anh em họ về nhà cả rồi. Để tôi dẫn cậu đến tìm.”

“Cậu vẫn chưa gặp cậu Hy à?” Trên đường đi, Thái Công Triều hỏi. Nghe chuyện y kể chỉ gặp Đinh Phiên và Đặng Vĩnh Ưng ở ngoài nhà ngục, Thái Công Triều cười. “Bọn họ đều là người Thanh Nghệ, Đặng Vĩnh Ưng mang án tích nhưng biết đôi chút chữ nghĩa, xuất thân thổ hào, được Tả quân tin cẩn bổ dùng để quản cơ Thanh thuận. Đinh Phiên cũng được lòng Tả quân lắm, làm Huấn đạo dạy cho học trò khắp Phiên An.”

“Từ Đông các học sĩ xuống Huấn đạo một trấn, hẳn ông ấy không vui.” Y nói khẽ, nhớ tới lời lẽ của Đinh Phiên ban sáng, chẳng lời nào là có ý tốt với triều đình.

Chợt Thái Công Triều bật cười. Đưa mắt liếc quanh con đường vắng, anh ta nghiêng về phía y, nhướn mày cười.

“Ông ta có than thở với cậu rằng chỉ do sai sót be bé, bị bọn lại thuộc hại mất chức đi đày không? Rằng ‘dù không cố ý đâu’ nhưng là Thượng thư Trịnh Hoài Đức tố cáo ông ta đấy nhé. Trong khi thật ra ông ta còn có thêm một án khác: thuộc quan trong Lễ bộ ông ta là Lê Đồng Lý tự ý làm phép ma mãnh, phong cho cha mẹ mình trong khi họ theo ngụy Tây. Việc ấy khiến cả Phạm Đăng Hưng cũng bị tội giáng hai cấp. Thêm chuyện phong thần ở Nghệ An nên ông ta mới bị tội nặng nhất.” Thái Công Triều nhếch mép nhìn lên tán cây rậm rạp hai bên đường, tay vừa vung vẩy sợi dây da làm cương ngựa vừa nói. “Mà ông ta làm quan Lễ bộ chỉ có mỗi việc coi xét các tích phong kiểu ấy thôi, sai liền hai lần trong cùng một thời gian thì công việc để làm gì? Cũng phải nói chứ, chuyện phong sắc thần này ở Nghệ An vốn là quê ông ta, bảo ông ta không nhận ra sai sót cũng khó. Hẳn lại là bịt tai trộm chuông, cứ làm bừa đi nhằm qua mặt người trên, đến khi có chuyện thì đổ hết cho kẻ dưới trực tiếp làm là xong. Các ông quan lớn là thế đấy!”

“Nghe ông ấy nói thì có vẻ bị oan thật.” Y nói. Thái Công Triều lại ha hả cười.

“Nghe nói? Nghe người ta nói thì ai cũng cảm thấy mình vô tội, oan ức, mình là người đúng nhất thế gian. Trên đời có ai thấy mình sai đâu! Không nói tốt thì ông ta làm sao được chức Huấn đạo dạy học trò?” Nói rồi anh ta lại tặc lưỡi. “Trước đây ông ta là Toản tu sử quán, sau này lại là Huấn đạo, thật chẳng biết sử sách cho đến bọn học trò thành cái gì rồi? Hay lại giống bách thần Nghệ An, thích ai thì phong cho người nấy, tự coi mình trên cả thần. Nói bọn quan Lễ bộ chẳng làm gì được ai, chứ mối họa bọn ấy lưu lại có đến ngàn đời.”

“Anh có vẻ không thích Đinh Phiên?” Y hơi quay đầu lại hỏi. Đúng ra, y cảm thấy viên Vệ úy này vốn chẳng thích bất cứ quan lại nào. Các quan lớn trong lời anh ta mô tả đều có vẻ gian ngoan xảo trá, đáng ghét lạ thường.

“Tôi chỉ bảo ông ta đi khắp nơi kể lể mình oan thật khó coi. Nhất là ông ta cứ bảo do Trịnh Hoài Đức hại ông ta đấy. Ai chẳng biết Tả quân ghét Trịnh Hoài Đức, ông ta lấy được chức Huấn đạo Bình Dương trước là do đi làm Chủ bạ ở Nghệ An quen được người, sau hẳn nhờ mối thù với Trịnh Hoài Đức mà được lưu dụng ở Gia Định. Cậu ở Hà Tiên xa xôi không biết chứ, Đinh Phiên có danh vị rất lớn trong người ở đây đấy.” Thái Công Triều thở ra. “Nhất là bọn Hồi lương bị đày đến Gia Định này lại chẳng phải từ các nhóm làm loạn ở Bắc Kỳ sao? Các cơ An thuận, Thanh thuận đều là người Thanh Nghệ làm loạn được chiêu hồi, lính thú Gia Định trốn về cả. Hoàng thượng từ khi nghe nói bọn lính ở trong làng lúc không có việc thì sách nhiễu dân, liền cho lính đi thú tứ tán khắp nơi, làm lính mà chẳng khác gì đi đày. Bọn người làm loạn nghe chiêu hồi hẳn tưởng đâu được ban ơn mưa móc, đâu có ngờ bị tống vào Gia Định cả, mà trốn thì bị bắt giết không tha. Thêm người Huấn đạo như Đinh Phiên, khắp Gia Định chỉ nghe tiếng than trời trách đất, mệt mỏi vô cùng. Bây giờ Phiên An hầu như là giang sơn của bọn thổ mục Thanh Nghệ, chẳng biết hoàng thượng nghĩ sao chứ cứ tống đám tù phạm vào đây, chúng lại trở thành vây cánh cho nhau.”

“Anh không hợp với bọn họ à?” Y hỏi, đơn thuần vì tò mò với chính bản thân người Vệ úy này hơn là những gì anh ta đang nói. Thái Công Triều cũng là một người được tôn kính trong đám Vệ úy của thành Gia Định, trông bề ngoài không có vẻ gì là mâu thuẫn với các thuộc hạ Thanh Nghệ của Tả quân, còn từng quản quân An thuận. Nhưng có thể anh ta xuất thân từ dinh Thần sách, vốn là quân tướng chính quy, ngấm ngầm bất mãn với bọn người này.

Đúng như y nghĩ, Thái Công Triều lắc đầu, cười ha ha.

“Tôi chỉ là người thẳng thắn nghĩ sao nói vậy, đâu phải cứ là bạn mình thì mình khen, thích ai thì tâng bốc người ấy đến tận trời. Vả lại cậu không biết chứ, ngay trong nhóm người Phiên An này cũng chia bè kéo phái. Việc của Trần Nhật Vĩnh, Nguyễn Văn Thoại chẳng biết là do ai bới ra đâu. Võ Du vừa tố cáo Nguyễn Văn Thoại kia lại chẳng từng là Binh tào rồi Hộ tào Gia Định, Hiệp trấn Hà Tiên đấy à.” Nheo nheo mắt nhìn nắng, Thái Công Triều huýt sáo khe khẽ, hạ giọng như chỉ tự nói với mình. “Vừa tố cáo Nguyễn Văn Thoại, lấy người đã chết làm cái giỏ trút hết tội lỗi vào, vừa than thở khóc thuê cho ông ta, oán trách triều đình, bọn người lá mặt lá trái mua danh trục lợi cho bản thân, tâm thuật như rắn rết nhiều tựa cỏ mọc ngoài đồng đấy thôi.”

 

Chú thích:

[1] Dạ khởi của Trịnh Hoài Đức




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.