- Phá mộng anh phiên tình tự ác, chức sầu liễu tỏa áo nùng thâm[1]
(Vẹt kêu tan mộng tình sầu tự, khung dệt buồn liễu tỏa não nùng thêm)
Trúc reo như mưa. Chớp mắt, y đã lại thấy mình trở về bờ sông. Trăng vẫn mấp mé đầu ngọn cây, ngay cả con cá đang bơi dưới bờ nước vẫn chưa quẫy xong chiếc đuôi dài. Tưởng như y chỉ vừa chớp mắt, dòng ký ức nọ đã đổ tràn qua y, và đột ngột bị ngắt ngang không đầu cuối.
“Cô ta bị sao thế?” Phủi áo đứng lên, y hỏi cô bé đứng cạnh. Theo linh cảm của y, dòng hồi tưởng của người phụ nữ này vẫn chưa kết thúc. Ít nhất là người được gọi ‘Cung tần’ nọ - chủ của chuỗi hạt này, vẫn còn chưa hề xuất hiện, hoặc mới chỉ là chiếc bóng mờ mờ không rõ đến cả cái gấu áo.
“Cô ta không muốn nhớ nữa.” Cô bé trả lời, cúi xuống lần tìm trên người phụ nữ đang bất tỉnh, lấy từ trong áo cô ta ra một cái túi gấm. Trong túi chính là viên hổ phách vỡ mà Miên Liêu đưa cho Kiến An công ban sáng. “Tại vì nó nên tâm trí cô ta rối loạn, đi đến đây.”
“Có ma trong đây thật à?” Y đón lấy túi hổ phách trong tay cô bé, thắc mắc hỏi. Cô ta chợt liếc mắt qua y, cười mỉa mai.
“Ngươi là đạo sĩ mà không nhận ra sao? Trong đây là oán khí.” Cô bé đứng thẳng người, thở dài. “Cặp tình nhân ấy chết trong oán hận. Đền thờ họ là nơi người đến cầu cúng, phần nhiều vì bất mãn tình duyên, oán trách nhân thế. Bờ sông ấy lại hoang vu lạnh lẽo, tràn đầy âm khí. Đá chính là thứ thu hút tinh túy của trời đất, bao nhiêu năm nó hút lấy oán khí của người. Với người có tâm lý yếu đuối hay vừa trải qua xúc động mạnh, nó dễ làm họ loạn trí.”
“Thế thì phải làm sao với cô ta đây?” Y tạm bỏ qua chuyện viên đá, lo lắng về thứ trước mắt. “Phủ Kiến An không thấy cô ta sẽ đi tìm ngay. Ta không muốn vác cô ta đem giấu để mang tội bắt cóc vợ hoàng đệ đâu đấy.”
“Lấy viên đá đi thì cô ta sẽ ổn.” Cô bé vừa nói vừa quay lưng. “Ngươi cũng nhanh về đi, nghĩ chuyện mai sẽ nói gì với Miên Liêu.”
Lời chưa nói hết, bóng cô ta đã tan mất vào ánh trăng. Y nhìn thoáng qua người phụ nữ vẫn nằm ở bên sông, nhanh chân chạy về nhà trọ. Bữa cơm trên bàn còn chưa bị khô, y quạt bếp hâm lại canh thịt. Vừa ăn, y vừa nhìn ngắm hai mảnh hổ phách vỡ trên bàn.
Cánh hoa trong viên hổ phách không bị vỡ, vẫn nằm nguyên trong một mảnh đá. Y nhón tay nhấc nó lên, đột nhiên cảm thấy cơn lạnh lan truyền qua đầu ngón tay, đến cả tim y cũng lạnh ngắt. Vội vàng buông mảnh đá xuống, y thấy tay mình run rẩy. Đôi đũa y đang cầm rơi xuống bàn, y ngồi thụp người chế ngự cơn chênh chao như muốn nôn ra. Ký ức cuồn cuộn xoáy lốc trong đầu khiến y dường vỡ tung.
Có những loại ký ức, thực sự khiến y muốn nôn.
Nhà tù nhung nhúc gián chuột, ngai ngái mùi xú uế. Thân thể bị chặt chém nát tan. Những bãi bầy nhầy máu thịt không còn hình người. Và biển sâu như cõi u minh ngạt thở.
Những cái tên cùng gương mặt được nhắc tới, xuất hiện trong ký ức người phụ nữ nọ vô cùng quen thuộc với y. Những cái tên mà y không còn muốn nhớ, muốn nghe một lần nào nữa trong đời.
“Thiên cổ giang sơn, anh hùng vô mịch, Tôn Trọng Mưu xử
Vũ tạ ca thai, phong lưu tổng bị, vũ đả phong xuy khứ.
Tà dương thảo thụ, tầm thường hạng mạch, nhân đạo Ký Nô tằng trụ
Tưởng đương niên, kim qua thiết mã, khí thôn vạn lý như hổ.”[2]
Trên lầu cao, bóng giai nhân ẩn hiện sau rèm ngọc. Ngoài đường lộ, ngựa xe như nước đua chen. Căn nhà hát được xây thành một gian lớn, kê ghế dài song song, quanh tường dựng thêm lầu gác dành cho những vị khách đặc biệt. Hiện tại buổi hát đã tan, người đã vãn, chỉ còn một đào nương trên sân khấu gõ phách ngâm nga đoạn thi từ.
“Em vẫn còn ở đây sao?” Người đàn ông cao lớn đẩy cửa vào nhà hát, ngẩng nhìn lên người trên lầu hỏi. Nghe tiếng vàng khua ngọc rung, tấm rèm lay động, bóng một cô gái trẻ nghiêng người nhìn xuống, trả lời khẽ.
“Xe ngựa của bà Tả quân bị hỏng, đang sửa chữa. Em bảo bà ấy lấy xe của em về trước.” Tiếng ngọc lại rung, bóng cô gái biến mất sau bức mành. Mấy người đàn ông vừa vào đi lên lầu, ngồi quanh chiếc bàn cạnh gian dành cho phụ nữ được ngăn cách riêng bằng tấm bình phong sơn mài dày.
“Ai bảo nó hát mấy bài thế này?” Một người trong bọn nhìn xuống đào nương vẫn ở trên sân khấu, nhướn mày. Nghe tiếng cười khẽ sau bức bình phong kia.
“Ta bảo đấy.” Giọng cô gái vừa nhẹ nhàng vừa uể oải. “Các người nghe hát cả buổi rồi, giờ để ta nghe.”
“Nhi nữ như bà Hai Tả quân lại thích nghe thi từ thế này sao? Thật là hiếm có.” Một người đàn ông có khuôn mặt tròn trịa ngồi gần bình phong nhất cười nói. “Nhưng tôi nghe cũng không hiểu lắm. Ký Nô là ai thế?”
“Lưu Dụ, Lưu Tống Võ đế, người lập nên triều Lưu Tống.” Cô gái bên kia miễn cưỡng nói, cũng chẳng định giải thích gì thêm. Nhưng người kia chợt ‘à’ lên một tiếng.
“Tôi biết ông này. À mà không, là tôi từng nghe tới ông ta. Vì trong triều đương thời có một kẻ được mệnh danh là Lưu Mục Chi[3], thủ hạ hay mưu sĩ gì đó của ông vua này đấy.” Người đàn ông vỗ tay cười nói. Cô gái bên kia im lặng, chỉ có một thanh niên trẻ ngồi cùng nhóm cong môi.
“Lại một ông ngão nào bụng đầy chữ tự phong đấy?” Anh ta cười hềnh hệch. “Mấy lão già xứ Phú Xuân lún chết trong sách, ngồi nghĩ ra mấy thứ vớ vẩn, giờ lại đem mình ví với danh nhân rồi à?”
“Không phải lão già, còn kém hoàng thượng mấy tuổi. Lê Văn Đức, giữ quyền Binh bộ hiện tại đấy. Tôi từng làm việc cùng hắn ta mấy năm trước thì biết thôi.” Người đàn ông mặt tròn vẫn cười, đột nhiên đổi giọng. “Lưu Mục Chi với Lưu Dụ cái gì, quả nhiên là cùng một giuộc. Năm đó Hậu quân Lê Chất đi kinh lược Thanh Nghệ, Lê Văn Đức đang giữ chức Thiêm sự Công bộ cùng được phái tới chung với tôi. Hắn làm Công bộ thì chỉ nên lo chuyện xây nhà dựng cửa, đường xá đê điều thôi chứ, vậy mà mấy tháng sau hoàng thượng cho gọi cơ An thuận nhất mà Hậu quân mộ về Kinh, bảo đám ấy toàn là tù phạm phải xét lại, cuối cùng đày vào Gia Định này cả. Hồi ấy Hậu quân cho mộ cơ An thuận vốn là lấy tù phạm, thú phạm trốn từ Gia Định về, đã báo qua cho hoàng thượng rồi, ngài ta cũng chỉ dám nói là phải xét xem phạm án của chúng thế nào thôi chứ việc đã rồi thì làm gì được. Dù sao vua ngồi trong điện đâu có biết cái gì, vậy mà lôi được đúng cái cơ án nặng nhất về Kinh xử. Trong nhóm có ông Nguyễn Công Tú thì bao năm nay làm Binh tào ở Gia Định này, kể ra cũng là người biết chuyện. Vậy chỉ còn Lê Văn Đức làm kẻ tay trong, bề ngoài hòa nhã vâng vâng dạ dạ, trong thì ngấm ngầm tra xét không chừa một kẻ nào. Hắn được hoàng thượng phái đến nơi nào là truy xét kết án người nơi ấy. Các ngươi nói, kẻ thế có đáng sợ không?”
“Lê Văn Đức không phải người nhà cậu sao?” Một người trong nhóm quay nhìn thanh niên vừa lên tiếng hỏi kia. “Ông con nuôi nhà cậu giờ thăng đến Thượng thư nhờ làm chó săn cho hoàng thượng kìa.”
Thanh niên kia đỏ mặt mím môi không nói trong khi cả đám người cười ồ lên. Người đàn ông mặt tròn vẫn hào hứng kể.
“Mấy năm sau Lê Văn Đức từ Công bộ được chuyển sang Binh bộ, hắn vừa sang thì cũng lập tức lôi cả Tả Hữu Tham tri Binh bộ ra tố cáo, khiến cả hai đều bị giáng chức cách lưu. Rồi chỉ là một Thị lang mà Lê Văn Đức được quyền giữ ấn triện Binh bộ chung với Tham tri khác khi bộ không có Thượng thư, từ ấy đến nay hắn một đường đi lên, quyền Binh bộ từ lâu hầu như nằm hết trong tay hắn. Bây giờ trong triều chỉ toàn một bọn trẻ ranh, từ Trương Đăng Quế, Hoàng Quýnh, Hà Tông Quyền, Trương Minh Giảng, Phan Thanh Giản, Nguyễn Đăng Giai cho tới Lê Văn Đức. Chúng là một bọn xúm xít quanh hoàng thượng, bày đặt ra đủ chuyện. Trong bọn ấy, Trương Đăng Quế, Hà Tông Quyền chỉ là kẻ giá áo túi cơm, Hoàng Quýnh là đứa nông nổi nóng nảy bị đàn hặc không biết bao nhiêu lần, Trương Minh Giảng sai đâu đánh đấy, Lê Văn Đức mới là kẻ nguy hiểm nhất.” Anh ta hoa tay lên giọng ra vẻ trầm trọng nói. “Chuyện mấy cơ lính mà Hậu quân mộ ở Bắc Kỳ, từ khi cơ An thuận nhất bị lôi ra làm lệ, hoàng thượng có cớ liên tục tra xét, phân phối chúng xuống đến tận Gia Định, ra biên giới, chuyển về kinh các nơi. Cho thấy hoàng thượng cực kỳ không yên tâm với chuyện binh lính này, Lê Văn Đức nắm quyền Binh bộ chính là chỗ yếu hại của hoàng thượng đấy.
“Rồi bây giờ Thượng thư Hộ bộ, Lại bộ cũng vừa bị xử, Hình bộ nằm trong tay ông già Nguyễn Khoa Minh, chỉ còn bộ Công và bộ Lễ là bọn giá áo túi cơm chẳng làm gì được ai. Đấy, mục tiêu của hoàng thượng đấy! Còn Lê Văn Đức chẳng qua mới chỉ dẹp được bọn man nhỏ ở trấn Bình Hòa đã thăng thẳng vào Binh bộ, quả nhiên chẳng thăng tiến gì nhanh hơn chó săn.”
“Thế sao lại gọi hắn là Lưu Mục Chi?” Một kẻ tò mò hỏi. Người kể chuyện hừ lớn.
“Vì hắn giỏi múa may cây bút khoe mẽ. Lúc công đường đầy chật người, có khách đến thăm, hắn vừa nghe hát vừa chơi tổ tôm tiếp khách vừa phê duyệt công văn. Vả lại hắn khéo mua danh lấy lòng người, năm trước hắn tham gia làm bộ Bách ty chức chế, đến phần gia phong cho cha mẹ các quan, hắn bảo: Người nào trung thành làm bề tôi nhà Lê mà được gia phong nhận chức danh của Nguyễn thì bản tâm họ không yên được, không phong. Vậy là các quan Bắc Kỳ đỡ phải nhọc lòng ngượng ngùng biết bao nhiêu, không nhận phong thì lo bị nghi ngờ lẫn khó ăn nói với người ngoài, nhận phong thì không biết nên để lên bàn thờ ai! Chuyện khó xử như vậy mà Lê Văn Đức tự nhận trách nhiệm biên thảo thành sách, làm thành luật, trong ngoài trên dưới đều đẹp lòng tất cả. Ta đã bảo hắn bề ngoài trông như cọng bún, lại là kẻ tâm cơ gian xảo không ai lường nổi.” Người đàn ông chỉ tay vào cậu thanh niên vẫn im lặng. “Cậu Hàm bảo xem tôi nói có đúng không?”
“Lâu rồi anh ta không về nhà, tôi làm sao biết được.” Cậu thanh niên tỏ vẻ khó chịu lầm bầm. “Vả lại anh ta chỉ là con nuôi, coi như là học trò, người hầu của cha tôi, liên quan gì tới tôi?”
“Bây giờ hắn về nhà thì cả nhà cậu phải lạy hắn là ông Thượng thư.” Một kẻ trong bọn ha hả cười. “Hắn đi soi xét lung tung cả thế mà không ai làm gì được sao?”
“Không, thế thì hắn mới được gọi là Lưu Mục Chi! Từ lúc hắn làm Tri huyện Tri Viễn cho đến lúc vào Công bộ, ra dẹp man Bình Hòa, lãnh ấn Binh bộ, lại vòng ra Nghệ An, chẳng ai làm gì được hắn, trong ngoài không kẽ hở.” Người đàn ông đập tay xuống bàn. “Nhờ có những kẻ như hắn mà hoàng thượng ngày càng làm đủ chuyện. Ở Bắc Kỳ từ cấm nấu thuốc phiện đến cấm bán, giờ thì ai chuyên chở cũng bay đầu. Binh lính cho đến quan chức thuyên chuyển nơi nơi, binh Nghệ An thì chuyển vào Gia Định, binh Thanh Hoa thì chuyển ra biên giới, không ai được phép làm việc ở quê. Ngay cả cục Bảo Tuyền cũng được chuyển vào Phú Xuân rồi, quan quân đi quét dẹp sạch các điểm đúc tiền lậu. Bây giờ khắp nơi xây thành đắp đường đào sông, nhưng mà chẳng được việc gì, chỉ thấy một đám rối loạn chạy lăng xăng. Hoàng thượng nay cấm cái này mai cấm cái kia, mốt lại nghe đám quan rảnh rỗi thay đổi thứ này thứ khác, ngay cả đồ mặc của dân chúng cả ngàn năm cũng muốn đổi. Cả quan quân cũng chẳng yên, ngồi chưa ấm chỗ đã không biết mình bị tố truất lúc nào. Bây giờ toàn Bắc Kỳ tràn ngập không khí kinh khủng, ai cũng nơm nớp không biết mình phạm lỗi gì bị phạt lúc nào! Đến cả đàn bà mặc váy đi chợ cũng lén lút trốn tránh chỉ sợ hàng xóm tố quan!”
“Nghe nói đến cả Phò mã Trương Văn Minh cũng bị cách chức vì đê Bắc Kỳ vỡ đấy.” Cậu thanh niên Nguyễn Hàm vốn đã ngồi im bỗng lầm bầm. Người đang hăng say kể chuyện liền trừng mắt cao giọng.
“Trước đó thì Phò mã Trương Phúc Đặng đã bị ngài ta cách chức giải về Kinh khi bắt không được Phan Bá Vành, đến nỗi phải tự sát trên đường. Các ngươi nói, thế có bất cận nhân tình quá mức hay không? Tam trưởng công chúa từ ấy đi tu, chuyển hẳn vào Ngũ Hành sơn ở Đà Nẵng chứ không muốn thấy mặt ngài ta nữa. Các ngươi nghĩ người nhà hoàng tộc đi tu dễ lắm sao? Năm xưa Hoàng cô Thái trưởng công chúa xin đi tu mãi không được, tới tận khi mất xin làm phép đạo cũng không được. Giờ Tam trưởng công chúa làm thế khác gì tát vào mặt hoàng thượng, ai bảo ngài ta hại chết Phò mã!” Đột nhiên anh ta đổi giọng cười hì hì. “Mà các ngươi xem, hoàng thượng dùng người chỉ tin lũ trẻ ranh như mấy ông Phò mã, bọn Lê Văn Đức, chúng thì có làm nên việc gì. Vậy mà cả đám người cứ tưởng mình hay, đi soi mói dạy dỗ cả thiên hạ. Như thằng Bạch Xuân Nguyên, vừa đến Gia Định đã bị rút về. Nghe nói hắn không cam lòng, đi lùng tìm tên tố cáo hắn định gây sự, tiếp tục bị giáng xuống tận Viên ngoại lang ngoại ngạch. So với hắn thì tên Hoàng Quýnh ngây dại kia hóa ra còn biết khôn ngoan hơn nhiều.”
“Nhắc Bạch Xuân Nguyên, ta lại nhớ đến tên Phạm Xuân Bích ở Hà Tiên. Cũng vì mấy tên đi sứ mách lẻo chuyện tàu Xiêm bị đánh thuế mà Mạc Công Du bị cách chức, giờ Hà Tiên nằm trong vòng kiểm soát của Phạm Xuân Bích, xem như mất một cảng trung chuyển quan trọng của Gia Định.” Người đàn ông trẻ cao lớn có hai lưỡng quyền nhô cao vốn im lặng chợt lên tiếng. “Trước là Thoại Ngọc hầu mất, chức Bảo hộ Chân Lạp về tay triều đình, nay lại đến Hà Tiên. Hoàng thượng không làm gì đến quanh đây được nên định chiếm lấy những vùng ngoài à?”
“Ngày nào Tả quân còn ở đây, triều đình đừng hòng đụng đến Phiên An!” Một kẻ trong bọn bĩu môi, rồi ngay lập tức nở nụ cười với người vừa lên tiếng kia. “Anh Lộc sao không bảo bà Hai nhận con nuôi, làm con của Tả quân luôn thể? Với thế lực của Tả quân, thằng con ấy có thi đậu đến Trạng nguyên, làm tướng quân cũng có thể, tới lúc ấy thì Gia Định là của cả nhà họ Vũ các anh rồi.”
“Muộn rồi, khi Thế Tổ còn sống đã lấy Lê Văn Yên làm thừa tự, gả bà Đỗ cho Tả quân, rồi định cả gả công chúa cho Văn Yên. Bây giờ bà Hai có muốn nhận con nuôi phải hỏi ý bà Đỗ, cũng chẳng qua được vị trí của Văn Yên. Ngươi nghĩ nhà đế vương dại dột lắm cho các ngươi qua mặt đấy?” Vũ Vĩnh Lộc còn chưa lên tiếng, người đàn ông mặt tròn đã cười. “Nên hoàng thượng bây giờ chỉ lo ngay ngáy về cái đám tù phạm được Hậu quân cho mộ. Hậu quân là người Nam làm Tổng trấn ở Bắc, chẳng phải lo về chuyện người Bắc theo ông ấy, có lo là lo đám tù phạm rách trời rơi xuống chỉ cần ai cho ăn là chúng theo người nấy. Huống hồ Hậu quân cho quân tự mộ lấy người, ai mộ được lính thì cho làm đội trưởng, quân mộ lên đến hơn hai vạn. Cho nên đánh rắn dập đầu, cả cơ An thuận nhất bị đưa vào Gia Định rồi trốn gần sạch giữa đường, hoàng thượng ra lệnh ai bắt được giết ngay, khiến bọn khác nhìn mà chết rét, không dám tùy tiện gọi nhau đi làm lính nữa. Mà nguồn cơn cũng là do tên mạo danh Công bộ Lê Văn Đức kia ra cả, quả nhiên bọn mưu sĩ chẳng làm được gì ngoài bày chuyện mách lẻo, gian hiểm xảo trá không ai bằng.”
“Thế nếu một tên như Lê Văn Đức được chuyển vào Gia Định thì sao? Hắn là người Gia Định đấy.” Nghe chuyện, kẻ trong bọn lo lắng lên tiếng. Vũ Vĩnh Lộc nhếch môi hừ khẽ.
“Hắn bây giờ là Thự Thượng thư, không nhận các chức vụ thấp, ít thì cũng phải làm Tổng đốc, Bảo hộ. Mà nếu có đến lúc ấy…” Ánh mắt sâu tối, Vũ Vĩnh Lộc nói qua kẽ răng. “Người Gia Định có luật của người Gia Định, ai cho những tên chó săn của hoàng gia nhảy vào.”
Bọn họ đang nói, cửa nhà hát bỗng mở. Một người lính hầu bước vào, cúi mình trước lầu.
“Bẩm bà Hai, xe đã sửa xong rồi, mời bà hồi phủ.” Anh ta nói trước khu lầu được kéo rèm che kín. Đào nương đang hát cũng cất đàn, cúi rạp mình trên sàn.
Rèm ngọc khua lay, vòng vàng rung chạm. Thiếu phụ mặc áo đoạn hồng thêu hoa ngũ sắc rời khỏi căn buồng, bước xuống cầu thang. Nàng ta ngoảnh lại, gật đầu với Vũ Vĩnh Lộc.
“Anh Ba, em về đây.” Giọng nói điềm đạm nhưng lạnh nhạt như vẻ mặt của nàng ta. Trừ Vũ Vĩnh Lộc, những người trên lầu đồng loạt rời khỏi ghế, cúi mình chào cho đến khi nàng ta đã ra cửa, cánh cửa nặng nề đóng lại.
“Anh Lộc, em gái anh đấy à?” Vừa ngẩng đầu lên, một thanh niên trẻ trong bọn không nhịn được mà bật thốt. “Người đẹp như thế, sao anh lại gả cho Tả quân?”
Vũ Vĩnh Lộc không trả lời, trừng mắt nhìn kẻ táo gan kia. Thấy thế, người đàn ông mặt tròn giả lả cười.
“Gả cho Tả quân có gì không tốt? Vinh hoa phú quý không ai bằng, lên xe xuống ngựa đường đường có khác gì hoàng hậu quý phi, muôn người kính sợ. Người đẹp như thế vào tay bọn phàm phu tục tử chẳng phải là uổng phí sao?” Thấy vẻ mặt Vũ Vĩnh Lộc vẫn sa sầm, anh ta đành kéo tay thanh niên kia, cười nói. “Cậu Mạc ở Hà Tiên vốn quen phong tục dân man rồi, không biết có những chuyện không nên nói đâu, như là hỏi về chị em gái người khác ấy.”
“Thôi, uống đi, uống đi.” Kẻ khác trong bọn cũng cười dàn hòa. “Tiệc tan là ta phải về dinh Tả quân làm việc, uống đi thôi.”
Thanh niên trẻ nhận chén rượu được một kẻ nhét vào tay, cúi đầu tạ lỗi với Vũ Vĩnh Lộc. Rượu trong chén thơm hương ngòn ngọt, thoảng như mùi hoa mai.
Đồi nam mai trắng xóa, sông ngòi len giữa cỏ lau, sen thơm ngan ngát, chuông chùa bốn phương vang vọng. Cô gái mặc áo đoạn hồng cúi đầu ngâm khe khẽ.
“Hồ hải tam sinh khách,
Càn khôn nhất diệp chu.
Mỹ nhân hoài vọng tế,
Dao tại duật sơn đầu.”[4]
Trời xanh nắng ấm, mai trắng cỏ lau, gương mặt cô gái nghiêng nghiêng, nét thanh tú xanh xao nhàn nhạt. Xuân phương Nam trong vắt, nhưng tưởng như hoa cỏ cũng thảm sầu.
“Đây là Mai khâu.” Cô gái mỉm cười, nụ cười không làm khuôn mặt bớt đi vẻ lạnh lẽo. “Năm xưa đây là nơi Gia Định tam gia thường hay lui tới, các danh sĩ tập hợp mở thi xã ở đây. Bây giờ thì hầu như chẳng còn ai nữa.”
“Bài thơ ấy của ngài Chỉ Sơn Trịnh Hoài Đức, làm khi ngắm trăng viết thư cho ông Nhữ Sơn Ngô Nhơn Tĩnh. Ông Chỉ Sơn vừa mất vài năm trước, còn ông Nhữ Sơn đã mất gần hai chục năm rồi.” Ngón tay cô gái vò nhẹ cánh hoa mai, tóc mai lõa xõa rơi bên khuyên bạc óng ánh nắng. “Năm ấy ông Tấn Trai Lê Quang Định cũng mất. Những năm tháng sau này, khi trở về Gia Định, ông Chỉ Sơn chỉ còn có thể một mình lên Mai khâu tưởng nhớ người xưa.”
“Rồi sau này, ông Chỉ Sơn cũng chỉ về lại Gia Định một lần. Ông ấy không mất ở Gia Định.”
“Mai khâu, từ ấy, đã chẳng còn ai nữa.”
Trên gò có chùa Ân Tông, đêm tụng kinh Phật, tối đánh chuông lớn, thanh âm vang rền trong mây khói, giống như thế giới núi Thứu Lĩnh.[5]
“Ở Hà Tiên cũng có một ngọn đồi núi như thế này, nơi lập Tao đàn Chiêu Anh các. Khắp núi toàn nam mai, quanh thành trúc xanh trùng điệp. Trăng sáng hồ Đông, sóng bạc trời hồng. Nhưng từ ấy cũng chẳng còn ai nữa.”
Mai khâu hoa trắng, Bình San trăng lạnh. Người đến người đi, nhưng vẫn là chẳng còn ai nữa. Thế giới Thứu Lĩnh, tiếng nhạc Tao đàn, vĩnh viễn vỡ tan.
Gục trên sàn, y ôm đầu thở dốc. Tim y đập dập dồn, đau đớn như tan thành trăm mảnh.
Là người phụ nữ kia không muốn nhớ, hay chính y không muốn nhớ. Bóng người năm xưa, khoảnh khắc quay đầu nhìn lại, đã tan mất giữa mây mù.
Mỹ nhân hoài vọng tế. Khi ấy, y hoàn toàn không biết người nàng ta đang tưởng nhớ là ai.
Khi ấy, y hoàn toàn không biết thế gian bên ngoài núi Thứu Lĩnh này thực sự mang dáng hình nào.
Chú thích:
[1] Thương nhân phụ của Trịnh Hoài Đức
[2] Bài Vĩnh ngộ lạc – Kinh khẩu Bắc Cố đình hoài cổ của Tân Khí Tật. Dịch nghĩa: Giang sơn thiên cổ tìm không thấy anh hùng Tôn Trọng Mưu được nữa. Đài ca nhà múa dấu cũ phong lưu chìm trong mưa gió. Tà dương rọi cỏ cây, lối ngõ tầm thường, người lại nói là nơi xưa Ký Nô từng ở. Nhớ năm xưa, ngựa sắt giáo vàng, khí nuốt vạn dặm như hổ.
[3] Lưu Mục Chi là mưu sĩ của Lưu Tống Vũ đế Lưu Dụ thời Nam Bắc triều. Lưu Mục Chi xuất thân hàn vi, trở thành mưu sĩ quan trọng nhất trong thời Lưu Dụ - vị vua được coi là một trong những vị tướng giỏi nhất thời Nam Bắc triều. Có người nói, nếu Lưu Mục Chi không chết thì Lưu Dụ đã có thể thống nhất Trung Nguyên, đỡ được hàng trăm năm giao tranh sau đó.
Theo Quốc sử di biên của Phan Thúc Trực, Lê Văn Đức được người đương thời gọi là Lưu Mục Chi.
[4] Bài Giang nguyệt đồng Ngô Nhữ Sơn thư hoài kỳ 2 của Trịnh Hoài Đức. Dịch nghĩa: Hải hồ khách tam sinh, càn khôn một chiếc thuyền lá. Nơi hoài vọng mỹ nhân, ở trên đầu núi đẹp.
[5] Trích Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức.