Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

11. Quân mã hoàng thần mã bạch
Trường An in "Minh nguyệt 1" December 5th, 2018
  1. Quân mã hoàng thần mã bạch, kim lặc tử ty cương[1]
    (Ngựa vua vàng ngựa thần trắng, dàm vàng cương tơ tía)

 

Mùa hạ năm ấy, đoàn binh tướng chinh phạt miền Bắc khải hoàn về kinh.

Ở trong một góc phủ đệ Kiến An, cô chẳng hề biết cảnh tượng bên ngoài. Cho đến một ngày, Kiến An công cho người gọi cô tới nhà vườn nhỏ làng bên, viện cớ đem cho ông hộp trầu cô đang têm. Vì bấy lâu nay cô vẫn sống ở trong phủ này với thân phận nữ tì, cô im lặng xếp chiếc khăn đang thêu vào hộp, đi đến nơi họ bảo. Vốn chữ nghĩa của cô chẳng đủ để đọc biển ghi trên cửa, cô theo người hầu mở cửa tới chái nhà bên, chờ Kiến An công cho gọi.

Cô ngồi dưới hiên chái nhà nhỏ một lúc, chợt nghe tiếng gọi khe khẽ sau lưng.

“Cháu đấy à?” Người ở trong nhà đẩy cánh cửa khóa kín nhưng chỉ nghe tiếng kim loại lạch cạch. “Dì út đây.”

“Dì bị bắt đầu năm nay, khi đi trốn cùng bác Nhị. Vợ cậu Cận và em Đổ cũng bị bắt.” Người sau cánh cửa thì thào trước vẻ kinh ngạc gần như hoảng hốt của cô. “Họ bảo cho dì vào làm nô tì nhà công thần nào đó, rồi đưa dì đến đây. Sợ dì trốn, họ đang nhốt ở đây.”

“Dì… vẫn còn sống à?” Cô gần như buột miệng thảng thốt. Ngày trước, khi cậu Khôi của cô còn ở Kinh, thi thoảng thân thuộc cũng đến nhà chơi, nhưng đã hơn mười năm rồi cô không gặp họ. Người dì này còn nhỏ hơn cả cô, trước vẫn coi cô như chị em gái.

“Chắc vì dì may bị bắt sớm, không thì họ cũng giải về Thái Nguyên giết rồi.” Giọng cô gái sau cánh cửa đột nhiên vỡ ra. “Cả nhà mình bị giết hết cả rồi cháu ơi!”

“Cậu Khôi làm loạn ở Gia Định, họ vào làng tìm mộ bốn đời nhà mình đào lên, lùng tìm các con của cậu ở Cao Bằng. Bố thì chết mất thi thể đã lâu, chỉ còn mộ ông nội thôi. Đến lúc dượng Nông Văn Vân nổi dậy, Bố chính tỉnh gọi cả cậu Cận, cậu Huyền đến định bắt. Hai cậu trốn theo dượng Vân, đem cả nhà đi cùng lẩn ở tận bên Đại Thanh, họ cũng đưa người qua đánh bắt.” Cô gái nức nở vội vàng kể như sợ ai đến ngăn. “Đại Thanh là quê mẹ lẫn vợ lẽ dượng Vân, vậy mà chúng thuê người sang biên giới săn lùng, bắt hết tất cả thân thuộc cả hai họ về, ở bên này thì cho quân đánh giết, quan bên Thanh cũng đuổi bắt. Cuối cùng dượng Vân bị đốt chết trong rừng, cả nhà dượng lẫn anh em dượng bị giết hết. Con gái cậu Khôi trốn được cũng bị bắt lại giết ngay tại chỗ. Cậu Cận bị giết tại trận, cậu Huyền bị đóng cũi giải về kinh xử tử, dì bị đem đến đây cùng đợt ấy.”

Cô chậm chạp ngồi sụm xuống, chân tay lạnh ngắt bải hoải mất hết sức lực. Hóa ra đây là lý do Kiến An công gọi cô đến. Ông nhất định phải cho cô thấy kết cục của cuộc chiến này, kết cục của những con người này.

“Tại sao…?” Cô thì thầm, miệng môi đắng ngắt. “Sao các người không trốn đi? Đã sang Thanh được tại sao không trốn đi, trốn hẳn đi?”

“Không ai chịu trốn cả, các cậu bảo phải trả thù. Chúng thì không buông tha. Đến lúc quân tan hết, cậu Huyền lẩn vào Thái Nguyên vẫn bị lùng bắt.” Cô gái vẫn khóc sau cửa. “Lúc cậu Cận chết, dì bảo vợ cậu đưa thằng Đổ trốn, thì bị bắt ngay sau đó. Thằng Đổ đâu có làm gì, nó còn nhỏ như thế thì không làm gì được hết, cháu ơi!”

“Mợ cậu Cận ở đâu?” Cô chớp đôi mắt ráo hoảnh, hỏi khẽ. Có lẽ vì câu hỏi của cô quá nhỏ, người sau cửa vẫn khóc, không trả lời. Cô liền nghĩ đến điều khác. “Bác Nhị có được giải về kinh không?”

“Không, nghe nói là giết ngay trong quân rồi. Chỉ có con trai dượng Vân là thằng Lôi bị giải về đây, có lẽ sắp xử tử.” Tiếng khóc của cô gái âm vang trong tai cô gần như buốt nhức. “Cả nhà ta chỉ còn lại dì. Ban đầu lúc bác Quýnh cùng hai em Hổ, Báo bị giết, dì đã bàn với các cậu trốn đi, quan có gọi thì cũng trốn đi, rừng núi mênh mông chẳng ai bắt được mình. Nhưng chúng đến đào mộ ông, rồi bắt giữ các con và anh em cậu Khôi ở tỉnh thành, hai cậu giận lắm mà không làm gì được. Đúng lúc ấy thì dượng Vân tập hợp người đến đánh Tuyên Quang, bảo các cậu rằng mẹ và vợ lẽ dượng ở tận bên Đại Thanh, vừa có thể đem người từ Thanh sang hỗ trợ mà khi có chuyện thì rút về bên ấy, chẳng ai làm gì được. Vậy là các cậu gia nhập quân của dượng Vân, đưa dì và người thân sang Thanh. Các cậu thì đánh vào Cao Bằng. Quân quan đánh đến thì cậu và dượng lại rút về Thanh, quan lui thì lại đánh, suốt ba năm nay như thế. Có ngờ đâu…”

“Các người… điên rồi…” Cô ôm đầu, thì thào như chỉ tự nói với mình. Suốt ba năm nay cô ở trong góc phủ Kiến An, vốn chỉ nghe những tin báo ngắn về tình hình phương Bắc, cũng biết hai cậu mình tham gia vào loạn quân. Nhưng cô chỉ nghĩ rằng bọn họ xung động nhất thời làm loạn rồi bị quan quân truy lùng suốt ba năm, không ngờ tới họ lại lấy Đại Thanh làm căn cứ để liên tục đánh và rút qua biên giới. Theo lời người dì này, hẳn là hai cậu của cô đã thà chết trên chiến trường chứ không chịu lui bước.

Cũng như đội quân cậu Khôi của cô vẫn đang tử thủ thành Phiên An, mặc cho bao lời kêu gọi từ ngoài thành. Đưa thân nhân, cha mẹ chúng đến ngoài thành kêu gọi, chúng cũng thà để bọn họ bị giết chết chứ không ra hàng, Kiến An công từng lơ đãng kể chuyện thành Phiên An với người trong nhà. Đến nỗi quan quân ở Gia Định bắt hàng trăm thân nhân giặc trong thành nhốt lại mà cũng vô ích. Tên Nguyễn Văn Chắm thà trơ mắt nhìn cha mình cùng cả gia đình vợ con bị giết sạch chứ không hạ thành, các thuộc hạ của hắn cũng vậy. Thật không hiểu nổi chúng giữ cái cô thành đơn lẻ ấy để đợi cái gì?

Có lẽ là đợi tin từ phương Bắc, cô thầm nghĩ. Nhưng từng hy vọng của nhóm quân ở Phiên An đã bị dập tắt, và giờ đây họ chỉ còn bám víu vào sự sống của chính mình. Ngay cả có bằng cách thách thức người bên ngoài tàn sát tất cả thân nhân của họ - cô nghĩ, thậm chí có thể họ mong đợi cuộc tàn sát ấy. Tuy nhiên, đến cả hy vọng khơi dậy rối loạn cuối cùng ấy cũng đã bị dập tắt khi nhà vua cho xét lại thân nhân kẻ nổi loạn, chỉ xử tử gia đình các tướng lĩnh hàng đầu – Và đẩy bọn họ vào một cuộc chiến tuyệt vọng hoàn toàn. Giống như các cậu của cô.

Giống như cô và có lẽ là cả cô gái bên kia cánh cửa, đang cảm thấy sự sống cũng là điều khó mà chịu đựng nổi. Họ đã bị bỏ lại trên mặt đất này, sau một cuộc chiến dài, trong máu tươi và nước mắt, với thân phận của những kẻ tôi đòi không bằng con sâu cái kiến có thể bị đạp nát bất cứ lúc nào. Toàn bộ thế gian cùng sự tồn tại của họ trở nên phi lý đến ngạt thở.

Cuối cùng, sau ba năm, cô không còn tin vào lòng nhân từ của người đã tha thứ cho cô cùng kẻ khác. Rốt cuộc, cô cùng bọn họ cũng chỉ là con sâu cái kiến trong một bàn cờ, đang bị sử dụng để xếp đặt một cuộc cờ, xếp đặt nên một cuộc chiến hoàn toàn tuyệt vọng cho các đối thủ. Cũng như khi người ấy ra lệnh tàn sát tất cả thân thuộc của cô. Thế gian này cùng những đau đớn của con người trong đó hoàn toàn không thể chạm tới kẻ ở trên đỉnh tột vời. Nỗi đau đớn của cô hoàn toàn vô nghĩa lý với cả thế giới xung quanh.

Cuối cùng, chỉ còn cô và người dì trẻ khóc nhìn nhau qua khe cửa, sau khi cuộc chiến dài tan biến. Tan biến, mọi thân phận con người trong đó.

Có tiếng chân từ sau nhà đi tới, cô vội lau nước mắt, quay lưng lại phía cánh cửa. Người hầu nhỏ trong nhà bảo Kiến An công gọi cô đến nhà chính. Vòng qua khu vườn sau phủ, vừa tới hòn giả sơn giữa sân, cô đã nghe tiếng người rổn rảng trong sân.

“Sao Tổng đốc Lê Văn Đức còn chưa tới?” Tiếng một người đàn ông có vẻ đã lớn tuổi, còn đậm giọng Thanh Nghệ nói lớn. Ở khoảng cách này, cô ngửi thấy mùi trầm trong không khí.

“Ta còn chưa biết anh ta có tới hay không.” Giọng Kiến An công thoáng vẻ lo lắng. “Lê Văn Đức tính tình thận trọng thái quá, có khi còn không muốn gặp ta.”

“Thận trọng thái quá cái gì, đó là khôn lỏi!” Người đàn ông kia ha hả cười lớn, dù trong giọng không có ác ý. “Hoàng thượng suốt ngày mắng hắn thấy có bất lợi là rẫy ra, làm như không phải chuyện của mình. Trước đây tôi còn thắc mắc tại sao hắn là người của Thành Trung quân mà vẫn còn sống đến tận bây giờ, đi làm việc cùng hắn mấy năm thì mới hiểu hắn là một tên khôn lỏi! Ở ngay cạnh ấy mà thấy người khác làm việc có vấn đề là hắn tự chạy mất, bảo họ làm tờ riêng tâu vua, hắn chẳng liên quan đâu đấy. Chuyện gì thấy nguy hiểm là hắn làm tờ tâu chờ vua định đoạt rồi mới hành động, giờ thì trách nhiệm là của hoàng thượng, không phải hắn đâu. May lần này có Phạm Văn Điển, Tạ Quang Cự xông xáo liều lĩnh hành động, sẵn sàng dùng cả người Thanh xông vào đất Thanh bắt nhà Nông Văn Vân, chứ còn đợi Lê Văn Đức chờn vờn ở Vân Trung, Bảo Lạc, An Biên thì cả ta lẫn hắn đều bị xử tử cả rồi. Mấy tên quan khốn kiếp ở bộ Hình giỏi thì lên Cao Bằng mà săn người, khểnh chân vuốt râu ở đây rồi khép tội ta với Lê Văn Đức phải tử hình vì ba năm không bắt được giặc!”

“Nông Văn Vân lấy Quảng Tây làm căn cứ, chỉ đóng quân tạm ở Vân Trung, nghe động là chạy mất. Đường sâu núi cao, quan quân đánh vào khó khăn, cũng khó truy lùng chúng, không hẳn là lỗi của Lê Tổng đốc.” Kiến An công ra vẻ xoa dịu nói. Đến cửa sau, cô thấy ông đang trò chuyện với một người đàn ông chừng trên năm mươi tuổi, râu dài mắt sáng. Không tiện quấy rầy chuyện đang nói, cô liền ôm tráp trầu quỳ ở sau cửa, chờ người hầu báo.

“Thật ra Lê Văn Đức không khôn lỏi thì ta đến Vân Trung cũng chẳng đánh vào được. Đường núi Cao Bằng quanh co như ruột gà, vách cao hun hút, quân phục kích trên núi đánh xuống thì người ở dưới không có đường mà tránh. Nhờ đủ loại chiêu trò đối phó địch trên chiến trường của Lê Văn Đức mà ta vẫn còn ngồi đây.” Người đàn ông vẫn rổn rảng nói, đập điếu thuốc xuống chiếu. “Hắn bị tính tự bảo vệ bản thân thái quá, nhưng vẫn là người làm được việc, còn khá hơn trăm ngàn lão quan ‘nhân từ phúc đức’ vĩnh thế trường an bây giờ. Giống như các lão hơi tí là mở kho đòi phát chẩn, chốc chốc lại mở mồm ra đòi làm phúc cho dân – Rõ một bọn vô dụng ngu ngốc mà còn thích mua danh chuộc tiếng! Kho lúa gạo của nhà nước là nồi cơm Thạch Sanh à mà thích thì phát, lúc nào cần cũng có? Đó là lúa thuế dân nộp mỗi mùa tích trữ lại để phòng khi đói kém, hễ miễn thuế là kho cũng chẳng có đâu. Phát chẩn thì chỉ có lợi cho các lão ấy, ra điều là bậc quan phụ mẫu thương dân như con, lấy của công mua danh cho bản thân, bù đắp cho sự vô dụng bất tài của chúng!

“Trong năm chúng đi đốc thúc dân cày cấy, lập kế hoạch khai hoang mở đất, nghĩ cách trồng trọt thêm hoa màu, dạy dân tích trữ, chăm lo đê điều sông suối, diệt trừ giặc cướp, thì đến mùa giáp hạt cũng đâu đến nỗi đói, mà lỡ có thiên tai thì cũng chẳng đến mức trở tay không kịp. Đằng này sống tới đâu hay tới đấy, dân chỉ biết mỗi mùa ra ruộng gieo hạt cấy lúa, vác thóc về ăn, rảnh rỗi thì nhảy múa hát hò; quan thì chỉ biết đến mùa thu thuế, tích trữ rồi khi có chuyện lại bày chuyện ‘phát chẩn’, ‘làm phúc’. Của kho hết thì nã vua đòi mở kho nơi khác, giật gấu vá vai, lấy của cả nước ra mà mua danh cho bản thân, để được tung hô thờ phụng, thăng quan tiến chức. Không được thì bắt đầu nguyền rủa người trên, đổ lỗi ông trời, than thân trách phận. Dân nhàn nhã, quan nhân từ, thế sự bình yên thế thì hỏi tại sao lại chẳng đói kém với trộm cướp! Tôi vốn chẳng sợ kẻ khôn lỏi như Lê Văn Đức, chỉ sợ nhất những kẻ khôn hết cả phần thiên hạ thế mà thôi!

“Lại thêm chúng dân chỉ thấy thứ trước mắt, chỉ biết cái lợi cho mình, những kẻ tính cách mà còn hung hăng thù oán mới gớm ghê. Kho lúa chính là tài sản của họ, họ nộp được bao nhiêu thì là bấy nhiêu, còn phải dành cho quân đội, cho việc công, phát cho cả những người không làm nghề nông. Mấy năm trước hoàng thượng cũng bảo, ở Bắc Kỳ chính là chi nhiều thu ít. Ít người cày thì lấy đâu ra lúa, ruộng đất bỏ hoang thì lấy đâu ra gạo, không chịu làm việc thì cỏ cũng chẳng có mà ăn. Vậy mà đám người oán trách cả thiên hạ cứ đói là đòi nổi loạn, đòi giết quan giết lính, làm loạn khắp nơi, càng làm dân xiêu tán tan tành, công cuộc cấy cày xây đắp đổ vỡ tất thảy, rồi hẳn tự có lúa từ trời rơi xuống cho chúng! Một người làm cả vạn người phá, cả ngàn tên ở ngoài khua môi múa mép những chuyện nhân đạo từ ái vớ vẩn hoang đường, kích động cướp của giết người, phá phách khắp nơi. Cái bọn ấy thì cứ gô cổ chúng lại, đừng mất công nói nhảm chuyện nhân từ với chúng, kẻo lại ngu ngốc y như chúng!”

“Việc loạn lạc ở Hưng Hóa cho đến Tuyên Quang, Cao Bằng cũng là thế sao?” Kiến An công cân nhắc hỏi. Người đàn ông uống cạn chén trà, rít một hơi thuốc rồi mới trả lời.

“Bề ngoài thì là đám thổ tù, thổ mục với trộm cướp làm loạn. Nhưng như mấy năm trước tôi nói với hoàng thượng rồi, là đám hương trưởng, lý trưởng, thổ mục nuôi bọn trộm cướp ấy đó thôi. Mà đám hương trưởng, lý trưởng, thổ mục ấy do ai lập nên? Chính là đám dân đen với đại diện là bọn người có của cải, thế lực, uy tín trong chúng. Các việc liên quan trực tiếp đến dân chúng đều do bọn lý trưởng, thổ ty này đảm trách, từ thu thuế cho đến xử trí việc trong làng, coi sổ nhân đinh, sắp xếp trong ngoài. Dân chúng cả đời có khi chẳng biết ông quan phủ là ai, nhưng khi có chuyện bị đám lý trưởng, thổ ty này dụ dỗ kích động thì tự dưng quan to lại là người làm nên tội với chúng.” Người đàn ông cười khẽ. “Thậm chí quan có biết lão lý trưởng này làm chuyện xấu cũng phải nhân nhượng đôi ba phần, bởi đứa dân đen kêu chẳng ai nghe chứ làm lớn chuyện thì hậu quả khó lường. Cái đám người có địa vị, thế lực kia lập nên lý trưởng quản việc để thu lợi cho cả nhóm. Và rồi chúng cũng hóa thành vương tướng trong cái địa phương của mình, thu nhận một đám môn khách lâu la để giúp chúng hà hiếp người dưới, tranh đoạt với nhau. Thậm chí chúng còn câu kết cả với bọn cướp trong rừng núi, cung cấp tiền và vũ khí nuôi đám vô lại ấy để đánh phá cướp bóc khi cần. Quan đi lại trong vùng không cẩn thận nhiều khi bị cướp giết như chơi. Rồi đến lượt quan cũng bị bọn chúng thao túng để làm việc có lợi cho chúng.

“Quan hay cướp chẳng qua cũng chỉ là bề nổi của cả cái khối ấy. Hoàng thượng có thể thay được quan, có thể diệt được cướp, chứ làm sao quản nổi cả dân cùng những kẻ đầu não do chính chúng lập ra. Tôi mới bảo với ngài ấy chứ, cứ đập hết chúng đi!” Người đàn ông vỗ tay đập đùi, lớn tiếng nói. “Lần này loạn lạc khắp Bắc Kỳ, Nam Kỳ, âu cũng là một cơ hội thay cũ đổi mới. Trước là bọn thổ mục tự phơi bày chân tướng của chúng, sau là bọn nằm vùng tự chường mặt ra. Chẳng cần phải nói lý lẽ với chúng, diệt hết đám ôn dịch ấy chính là phúc cho thiên hạ!”

“Như thằng Nông Văn Vân, trước hoàng thượng khinh chúng nó là bọn tiểu yêu làm loạn, không ngờ chúng hạ cả thành Tuyên Quang, Cao Bằng, quấy phá suốt ba năm. Nhìn lại xem hắn có những gì? Cha ông Nông Văn Vân đánh diệt ngụy Tây Sơn ở Cao Bằng nên hắn mới có chức Tri châu được truyền lại. Mẹ hắn quê ở Bác Nậm bên Đại Thanh, hắn lại lấy thêm người vợ lẽ ở Bác Thán, phủ Trấn An, cả cái phủ ấy như quê nhà thứ hai của hắn. Vợ cả hắn là chị gái Phó Vệ úy yêu của Tả quân, từ đó hắn phô trương thanh thế, móc nối câu kết được với các thổ mục suốt từ Tuyên Quang đến Cao Bằng, Lạng Sơn. Thậm chí thông qua Lê Văn Khôi và quan hệ với Thanh Nghệ của hắn, Nông Văn Vân đã có thể thò tay xuống tận Ninh Bình, Thanh Nghệ nếu như ta không dẹp được bọn Lê Duy Lương sớm. Đến khi nổi lên, Nông Văn Vân đem cả bọn người Thanh, người Thổ, người Nùng, thậm chí cả bọn khai mỏ ở biên giới đánh vào. Lúc thành Tuyên Quang bị hạ, tên phản phúc Trương Phúc Nguyên về báo kẻ địch có cả vạn người, bị hoàng thượng mắng là thổi phồng, tôi thì nghĩ chưa chắc đã sai.

“Bọn Quách Tất Công, Lê Duy Lương ở Ninh Bình cũng cùng một dạng. Cha Quách Tất Công trước làm loạn, sau được Tả quân chiêu hồi ở Thanh Hoa. Họ Lê sau khi hoàng thượng được lập làm Thái tử thì bất mãn, Lê Duy Hoán bị tố mưu phản phải xử tử, Lê Duy Lương được đưa vào trốn ở nhà họ Quách. Cho thấy họ Quách từ trước đến nay đều không thật lòng theo triều đình. Tới khi thấy Nam Chưởng gây việc ở Nghệ An, bọn chúng đưa thư kêu gọi lính tù làm loạn, khuấy động cả vùng biên giới. Chỉ đến khi tỉnh Nam Định bắt được một tên giặc thì nó mới khai ra là Quách Tất Công đứng sau tất cả. Chúng trốn đi, tôn Lê Duy Lương làm minh chủ, câu kết với thổ mục họ Đinh ở Sơn Tây, Hưng Hóa, họ Nguyễn Đình ở Thanh Hoa làm phản. Mà họ Quách, Đinh, Nguyễn Đình này đều giữ chức Phòng ngự sứ ở địa phương, thông gia với nhau đời đời, khi một bên có chuyện là các bên kia cùng tới. Dân thổ trong vùng đều chỉ biết có thổ ty đầu lĩnh, che giấu cho chúng. Lê Duy Lương bị bắt ngay chỉ sau vài tháng truy lùng, nhưng bọn thổ ty thổ mục thì không bắt được một tên nào. Nói cho cùng, Lê Duy Lương cũng chỉ là quân cờ của bọn chúng mà thôi.

“Loạn ở Bắc Kỳ lẫn một phần Nam Kỳ vừa rồi đều từ bọn thổ ty thổ mục mà ra. Chúng liên hệ với nhau, gắn kết tầng tầng chằng chịt. Ngay cả quân trong thành Phiên An, trong bọn thủ lĩnh chẳng phải cũng có anh em họ Vũ thông gia của Tả quân đó sao? Năm xưa Tả quân đi bình định các vùng, cũng là dựa vào mối quan hệ của thổ dân mà kêu gọi chúng ra hàng, khống chế chúng. Đất nước này, trên núi dưới biển đều bị thống trị bởi các mối quan hệ như thế, luật pháp, vương quyền chẳng qua cũng chỉ là thứ hoa thêu bề ngoài mà thôi.

“Thứ gọi là dân chúng, dù là dân Thổ hay dân Kinh, cũng đều nằm trong mạng lưới quan hệ ấy, thật ra chẳng có kẻ nào là vô tội. Chính họ tạo ra cái hiện trạng này, góp sức cho nó, lợi dụng nó cách này hay cách khác. Nhưng đến lúc có chuyện thì gào mồm đổ lỗi cho kẻ nào đó không phải mình, rồi lại bị những kẻ rắp tâm xấu xa kia kích động dụ dỗ.” Người đàn ông vung tay, tàn thuốc trong ống điếu bay tứ tán xuống sàn. “Ừ rồi cứ làm loạn đi, cứ đánh thành giết quan đi, rồi hẳn sẽ có gạo ăn, sẽ giàu sẽ tốt! Sẽ được bọn thổ ty lý trưởng chia cho cái phao câu để gặm giữa làng!”

“Không phải người nào cũng thế.” Kiến An công bật cười. “Ngay cả khi thổ ty nổi loạn, hoàng thượng cũng bảo dân chúng không phải kẻ nào cũng nghe theo, quan tướng cần phải tử tế chiêu dụ họ.”

“Rồi cuối cùng ngài ấy bảo chúng ta khi đi đánh An Biên là kẻ nào thấy thu phục được thì thôi, bằng không cứ trừ diệt đi, chúng là bọn không thể cải hóa!” Không đợi Kiến An công nói hết, người đàn ông đã trừng mắt ngắt lời, tỏ vẻ phẫn nộ bừng bừng. “Ba năm trời, suốt ba năm trời chúng tôi quần thảo ở nơi rừng thiêng nước độc, mỗi bước là một con đường chết, chẳng biết chúng tôi săn đuổi chúng hay chúng săn đuổi chúng tôi. Quân lính từng người, từng người chết, quân của Lê Văn Đức và tôi có khi chết hết cả hơn nửa đội quân. Mỗi đợt chúng tấn công vào thành lũy là một đợt tàn sát. Bố chính Bùi Tăng Huy bị vây thành một tháng, chôn sống tự sát. Đến khi tới nơi chúng ở thì chúng đem nhau trốn sạch, che giấu cho nhau, làm như không biết không thấy. Đón chúng tôi là xác chết của dân Kinh bị chúng bắt về giết sạch. Chúng là người còn chúng tôi không phải là người à? Lắm lúc thật sự tôi chỉ muốn giết hết chúng đi, lũ khốn kiếp!

“Hoàng thượng giỏi, giỏi lắm, giỏi nói chuyện nhân đạo viển vông! Cuối cùng thì chính ngài bảo chúng tôi đừng nhân đạo kiểu đàn bà, nhân từ với chúng là đem toàn quân tự sát.” Người đàn ông đập tay, hất văng cái đĩa bạc đến ngay dưới chân cô. “Cái gì là đàn bà con trẻ, chẳng một kẻ nào trong chúng vô tội. Mẹ với em gái tên Nông Văn Sĩ khi bị bắt còn chực đòi tuyệt thực tự sát. Tốt, chúng tôi giết tất! Vợ lẽ tên Nông Văn Vân đem cả vùng che giấu cho hắn, vợ cả thì kêu gọi cả nhà theo hắn, chúng đều là công cụ để kết liên bọn thổ ty, tạo lập quan hệ, quản lý họ hàng, ai nói chúng vô tội? Chúng cũng là người đấy. Tôi nói chứ, cả đất nước này, chẳng có ai là vô tội, không một ai, hoàn toàn không một ai!”

 

Chú thích:

[1] Quân mã hoàng của Tùng Thiện vương




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.