Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

12. Loạn thi tùng lý bạt thân hoàn
Trường An in "Minh nguyệt 1" December 7th, 2018
  1. Loạn thi tùng lý bạt thân hoàn, nhất lĩnh đơn y huyết chiến ban[1]
    (Từ nơi chiến loạn xông về, một tà áo mỏng nhuộm màu máu tươi)

 

“Tôi còn thắc mắc tại sao ông Hi Văn có ở đây mà không nghe tiếng cô đầu lẫn tiếng đánh tổ tôm, hóa ra là đang mắng người.” Tiếng nói nhẹ nhàng chợt vang trước cửa, người đàn ông cao gầy đẩy tấm mành trúc che nắng đi vào, cười khẽ. “Đây không phải là vùng rừng núi Cao Bằng, trên sông tiếng lại vọng xa ngàn dặm.”

“Lê Tổng đốc đến rồi à?” Hai người ngồi trong phòng đồng loạt ngẩng lên, người đàn ông lớn tuổi nhất lại nhanh nhảu lên tiếng trước. Ra vẻ không hiểu ẩn ý câu nói kia, ông ta cau mày. “Anh không chỉ lề mề trên chiến trường mà ở đây còn không đi nhanh được à? Sao bây giờ mới tới?”

“Hoàng thượng giữ tôi lại bàn vài việc.” Lê Văn Đức không nhanh không chậm trả lời, cúi mình thi lễ với Kiến An công rồi ngồi xuống vị trí ngang với người đàn ông được gọi Hi Văn kia. Khi anh ta bước vào khoảng sáng trong phòng, cô có một khoảnh khắc giật mình. Ba năm trong rừng có vẻ đã khiến Lê Văn Đức trở thành người hoàn toàn khác, vẫn giọng nói trầm tĩnh, vẻ ngoài thanh nhã, nhưng dường hơi thở lạnh ngắt của núi rừng đã bao phủ lấy anh ta, trông anh ta như thể một gốc thông bên sườn đá dốc.

“Về lễ bão tất mấy ngày tới à?” Kiến An công cười hỏi. Nhưng Lê Văn Đức lắc đầu, mày hơi nhíu lại.

“Về việc lập đền Tam trung cho bọn Bùi Tăng Huy, Phạm Đình Trạc, Phạm Văn Lưu. Bọn họ đã chết ba năm trước rồi, nhưng Cao Bằng chưa yên, ta vẫn chưa thể lập đền cho họ. Nay hoàng thượng bảo, trước ngày giỗ thứ ba của bọn họ thì xây đền cho xong.” Ánh mắt Lê Văn Đức lạc trên bàn tay đứa hầu đang châm trà rót nước trước mặt anh ta. “Năm ấy thành bị vây hơn một tháng, loạn quân bắt được Tuần phủ Hoàng Văn Quyền buộc vào đầu voi bêu, tuyên bố nếu không hạ thành thì trong ngoài không còn ai sống sót. Bố chính Bùi Tăng Huy tự chôn sống tử tiết, Án sát Phạm Đình Trạc, Lãnh binh Phạm Văn Lưu đều chết theo cả. Khi tôi dẫn quân đến, thành Cao Bằng đã thất thủ, chỉ còn vài trăm biền binh được giặc lưu lại canh giữ. Lính trốn được nói cả tháng ấy, trong thì thuốc đạn hết, ngoài thì không có viện binh. Trong khi tôi và ông Nguyễn Công Trứ đây vốn được lệnh lên Cao Bằng từ tháng trước, trách nhiệm này tôi cũng phải gánh.”

“Chuyện ấy trách nhiệm lớn nhất phải là lỗi của hoàng thượng.” Người đàn ông tên Nguyễn Công Trứ hừ khẽ. “Lúc Án sát Tuyên Quang Phạm Phổ gây với thằng Nông Văn Vân khiến nó làm loạn, hoàng thượng đã chắc mẩm rằng chúng chỉ là một bọn giặc cỏ tiểu yêu, đến khi chúng hạ cả thành Tuyên Quang, giết chết Phạm Phổ, ngài vẫn mắng tên Trương Phúc Nguyên đi phô trương thanh thế cho giặc. Lúc ấy Bùi Tăng Huy liên tục báo tin phòng vệ về, hoàng thượng còn mắng cho là bọn không biết làm việc, năm ngày bốn tin báo, báo nữa là ngài phạt. Ngay cả khi Bùi Tăng Huy xin dời vị trí phòng vệ đi nơi khác vì thành Cao Bằng gần dân khó thủ, hoàng thượng cũng bác bỏ. Rồi thì sao? Hoàng thượng mắng xong bảo bọn Bùi Tăng Huy đừng gửi tin báo nữa thì họ vĩnh viễn không còn báo được gì! Tôi với anh được điều động lên Cao Bằng đâu có nghe báo tin khẩn, nên chúng ta cứ từ từ sắp xếp mà đi.

“Chắc cũng vì áy náy mà hoàng thượng cho xây đền thờ bọn họ bây giờ, chứ Phạm Xuân Bích bị loạn quân giết chết ở Hà Tiên, có được lập đền thờ đâu. Nhưng hoàng thượng chúng ta đánh chết cũng không biết nhận lỗi, giờ vẫn còn cứng miệng bảo bọn Bùi Tăng Huy không có khả năng làm việc mới dẫn đến thất thủ mất thành. Trong khi anh Đức lên Cao Bằng thì thấy ngay, Nông Văn Vân đem bọn người Thanh nổi loạn, lúa gạo hàng hóa từ Thanh sang hoàn toàn không bán nữa, người Thổ thì cất giấu hết của cải đi, khó khăn lắm chúng ta mới mua được một đấu gạo. Hết lần này đến lần khác ta tiến quân lên rồi phải rút về vì thiếu lương. Vậy bọn Nông Văn Vân nổi loạn từ tháng tám, đến tháng mười thì thành Cao Bằng đã bị cô lập hai tháng rồi, cầm cự không nổi nữa. Trận cuối cùng, chúng ta đem lên Cao Bằng, Tuyên Quang hơn vạn quân mới đánh dẹp nổi, mấy trăm biền binh của bọn Bùi Tăng Huy chống cự thế nào?

“Không phải ai cũng như Tổng đốc Lê Văn Đức đây giỏi xoay xở để có lạc giữa rừng vẫn đem quân về được, còn hoàng thượng thì ngồi trong điện có biết tình hình thực tế ra sao, lại đa nghi hà khắc. Ngài mà chịu tin lời ban đầu của Trương Phúc Nguyên, hay cảnh giác thận trọng hơn, cho đại quân cứu viện lên sớm, thậm chí cho bọn Bùi Tăng Huy rút đi thì đã chẳng nên nông nỗi. Bọn Bùi Tăng Huy đúng ra là bị hoàng thượng hại chết đấy!” Nguyễn Công Trứ cười nhạt, hất cằm với Lê Văn Đức. “Có nhớ mỗi lần anh xin quân đều bị mắng không, nghe lời nói coi chúng ta như bọn vô dụng nhất trần đời, không làm nên việc gì. May tôi với anh đều là dạng nghe mắng quen rồi, thậm chí buộc cả cái án tử lên cổ đã trải qua rồi, chứ bọn Bùi Tăng Huy bị mắng là im thin thít, đến quân tình cũng không dám báo, cuối cùng đành chết trong thành. Hoàng thượng ba năm nay chắc khó ngủ nên miệng thì vẫn cứng mà vừa thắng trận đã nói chuyện đền thờ.”

“Người nhận lãnh trách nhiệm lớn, không có khả năng cũng là cái tội. Tướng ở trận tiền, thua trận thì xử trảm là luật, xưa nay đều không hỏi đến lý do. Người làm quan chính là ở đầu sóng ngọn gió như thế đấy.” Lê Văn Đức đạm nhạt nói. “Huống hồ vốn không ai biết được lực lượng bọn Nông Văn Vân thực sự là bao nhiêu, lúc ấy càng chưa rõ chúng lấy cả người bên Thanh góp sức. Có lẽ hoàng thượng cũng chủ quan sau chuyện của Lê Duy Lương, thấy bọn Quách Tất Công chỉ là một đám thổ phỉ hễ đánh là tan, chỉ giỏi lẩn lút trốn tránh. Ban đầu tôi đánh đến Ngọc Mạo, Vân Trung vẫn coi như là suôn sẻ, hoàng thượng ban thưởng gia ân vô cùng hậu hĩnh, tôi cũng nghĩ chỉ do bọn Phạm Phổ, Bùi Tăng Huy yếu đuối nên thất bại đó thôi. Không ngờ càng đánh thì càng như sa vào một vũng lầy, tiền quân thì thiếu lương, hậu quân thì bị phục kích, quân lương thì bị cướp giữa đường, địch tản mát khắp nơi, đường núi thì cheo leo hiểm trở. Một vạn quân của chúng ta vốn là phân bố khắp vùng, nhằm giăng lưới lớn đánh bắt, mà vẫn để sót bọn Nông Văn Sĩ, Nguyễn Quảng Khải.

“Biên giới phương Bắc rộng lớn, hoàn toàn không giống vùng Ninh Bình, Thanh Nghệ chật hẹp. Từ thời nhà Lý cũng phải dùng cách liên hôn để chiêu an, quân phương Bắc đánh xuống thì ta đều lấy người biên giới làm phên giậu chống cự, nay phải động binh đao là hạ sách, huống chi đi đánh dẹp chính các thổ ty của nơi ấy. Phạm Phổ lần này đi gây sự với Nông Văn Vân, chuyện nhỏ hóa thành chuyện lớn, việc riêng của hai kẻ mà thành rối loạn suốt ba năm, tổn thất bao nhiêu là máu xương.”

“Hoàng thượng bảo, không kẻ nào phạm thượng mà không muốn gây loạn.” Kiến An công nghe Lê Văn Đức nói thì lại chợt cười. “Ta nghe nói Phạm Phổ đánh bạc với Nông Văn Vân thua tiền nên mượn việc khép tội truất chức Tri châu của Nông Văn Vân, hắn mới khởi loạn. Nhưng nghĩ ra thì nếu là kẻ đàng hoàng, Nông Văn Vân đã có thể đến thưa với Tổng đốc, trình bày lên hoàng thượng chứ không phải giở thói giặc cỏ ra như thế. Chẳng qua hắn cùng một giuộc như bọn Lê Văn Khôi, động đến thì chân tơ kẽ tóc cũng là tội, nhờ quan hệ thế lực che giấu cho, đến lúc không thoát được thì trở mặt lật lọng làm chuyện phản nghịch, được tới đâu hay tới đấy. Hay sao mà chuyện Lê Văn Khôi và Nông Văn Vân đều xảy ra cùng một lúc, là chúng kêu gọi nhau hay là đều có chung một nguyên do?

“Chuyện chúng kêu gọi nhau thì hẳn rõ. Là bọn Lê Duy Lương khởi đầu trước, thấy Xiêm tập hợp bên Vạn Tượng, chực chờ tấn công Nghệ An thì chúng mượn tù nhân khởi loạn, liên lạc xuống với bọn tù nhân ở Gia Định. Lê Văn Khôi nổi loạn đều lấy lý do là tôn Lê, rồi đến Khôi kêu gọi ngược lại bọn ở Tuyên Quang, Cao Bằng. Nhưng lực lượng mà Nông Văn Vân có mới thực sự đáng quan tâm, hắn chẳng như bọn Quách Tất Công mưu khởi loạn bao nhiêu năm thì làm gì lại có cái thế lực ấy, có thể chỉ trong một lúc mà gọi được bao nhiêu nhóm khác, chuẩn bị được cả căn cứ bên Đại Thanh? Đến triều đình ta muốn đánh trận thì cũng phải gọi tướng lĩnh các ông chuẩn bị cả tháng trời, không cứu viện kịp Cao Bằng, vậy mà bọn Nông Văn Vân có thể dựng đường rút thẳng từ Vân Trung đến phủ Trấn An của Đại Thanh, đây là việc phải mất hàng năm.

“Chuyện Phạm Phổ tố cáo Nông Văn Vân, tại sao lại đúng vào lúc ấy? Có phải vì Phạm Phổ thấy Tả quân đã chết, Lê Văn Khôi đã phản, thừa cơ giậu đổ bìm leo nghĩ Nông Văn Vân đã không còn thế lực nào nâng đỡ hắn nên mới ra tay? Vậy thì đây chỉ là cái cây đúng lúc cho ra trái. Trước đó Nông Văn Vân đã làm gì ở Tuyên Quang, tiếc là Phạm Phổ đã chết ngay trong thành nên ta chẳng còn biết được.

“Bọn Quách Tất Công nuôi lòng phản nghịch đã lâu thì đành một lẽ. Nhưng bọn Nông Văn Vân, Lê Văn Khôi thân mang chức quan của triều đình mà ngấm ngầm xây dựng lực lượng riêng. Quả đúng là không kẻ nào muốn phạm thượng mà không muốn làm phản cả. Chừng nào chúng thấy có lợi cho chúng thì chúng còn nằm yên, đến lúc chỉ cần có lý do nhỏ như móng tay là đủ cho chúng trở mặt.”

“Hoàng thượng nói thế thì những quan Tổng đốc, tướng biên cương như chúng tôi chỉ có chờ rơi đầu.” Nguyễn Công Trứ ha hả cả cười. “Ai cai quản một vùng mà chẳng phải xây dựng lực lượng địa phương, quân đội, quan hệ? Lỡ mà bọn lâu la phía dưới giở quẻ chẳng ai lường được, như Kiến An công ngài có bảo đám phản quân ở Phiên An giương cờ mang tên ngài không? Đến lúc ấy tôi có nằm dưới ba tấc đất thì cũng phải đào lên à?”

“Con phạm lỗi hỏi tội cha, trò phạm lỗi trách thầy, tôi đòi phạm lỗi xử phạt chủ, thuộc cấp phạm lỗi là trách nhiệm của cấp trên, xưa nay đều là thế. Bây giờ ta trong mình vẫn mang án phạt, không dám trách một ai.” Kiến An công vẫn giữ nụ cười nhẹ nhõm trên môi, tươi cười nói. “Bọn tôi đòi hèn mọn làm chuyện sai trái không phải là điều lạ. Nhưng bọn tôi đòi nhảy lên đòi làm chủ thì chắc chắn không phải là chuyện trong ngày một ngày hai. Ngu ngốc không biết nhìn người để nuôi ong tay áo, hay dung dưỡng lòng phản nghịch cho chúng, để chúng nghĩ mình là vương là tướng thì tội cũng như nhau.

“Chỉ cần đi ra đường ở kinh thành này đã thấy bọn môn thuộc các nhà công hầu nghênh ngang láo xược đến thế nào. Thậm chí còn có kẻ dựa vào danh người nhà quan mà tác oai tác quái hà hiếp dân thường, chiếm đoạt của cải, đi lại như chỗ không người. Ấy là bọn chó cậy chủ nhà, nghĩ rằng danh thế chủ nhà là to tát đủ để chúng làm như thế, nhưng chúng còn chưa dám nuôi lòng phản trắc. Mà xưa nay các quan trong triều ta mất chức đến mất mạng vì đám người dưới là chuyện vẫn xảy ra, làm gì có ngoại lệ.”

“Kiến An công, ngài nói…” Như thể hiểu ra điều gì, Lê Văn Đức chợt hạ giọng, nghiêng người về phía Kiến An công thì thầm. “Hoàng thượng nói thế phải không?”

“Trong mắt hoàng huynh ta thì bọn Nông Văn Vân, Lê Văn Khôi vĩnh viễn chỉ là bọn tiểu yêu không đáng kể.” Liếc mắt qua Lê Văn Đức, một bên khóe môi Kiến An công lại hơi nhếch lên. “Muốn đào cái cây cắm rễ mấy chục năm, hẳn là không chỉ xử đám ngu ngốc ấy thôi đâu.”

Cả ba người trong phòng chợt rơi vào yên lặng. Nguyễn Công Trứ cau mày rít thuốc, Lê Văn Đức cúi đầu xoay ly trà trong tay, Kiến An công nhìn nắng chiếu qua mành trúc rơi trên thềm.

“Tôi nghe nói thân thuộc của Tả quân đã bị bắt về Kinh này rồi.” Cuối cùng, Lê Văn Đức lại là người lên tiếng trước. “Cháu ông ấy là Lê Văn Hán theo bọn Lê Văn Khôi bắt Bạch Xuân Nguyên, liên lụy đến cả những người cháu khác. Lê Văn Yên thân là Phò mã mà lại đốt giấy tờ hủy chứng cứ ở thành Phiên An, e là cũng khó thoát tội, nhưng con anh ta và công chúa có lẽ không hại mấy. Mấy người vợ của Tả quân, bà vợ cả là cung nữ thân tín của Thế Tổ chẳng nói làm gì, cô vợ lẽ họ Vũ thì anh em theo Lê Văn Khôi làm loạn, giữ chức chủ chốt ở Phiên An. Trước vợ con của Vũ Vĩnh Lộc đã bị tử hình, Vũ thị này rồi cũng thế mà thôi.”

“Đâu chỉ có nhà Tả quân. Nếu muốn truy tội ở Bắc Kỳ, e là lại đào lên một người khác.” Nheo mắt theo khói thuốc bốc lên trong ánh mờ giữa căn phòng nhập nhoạng, Nguyễn Công Trứ ra vẻ lơ đãng chậm chạp nói. “Ngày ấy vụ của Phan Bá Vành, hoàng thượng nuốt giận cho qua, rồi cử tôi đến điều tra lôi cả đám người làm chuyện xằng bậy ra hết thảy, cũng chỉ mới là xử bọn tiểu yêu. Giận cũ thù mới, có khi lần này phải thanh toán cho bằng hết.”

“Lê Chất đã chết được gần chục năm rồi, các con của ông ta chẳng còn giữ chức vụ gì, khơi lại chẳng phải hơi xa quá sao?” Lê Văn Đức thở dài. Nguyễn Công Trứ đưa mắt nhìn anh ta, chợt bật cười.

“Tôi cứ nghĩ Lê Tổng đốc vừa nghe tin đã chạy ra bắt ngay cả nhà Quận Chất chứ. Năm xưa án của Thành Trung quân phát ra, là lúc Quận Chất đến Bắc Thành làm Phó Tổng trấn. Các việc đàn hặc, hạch tội quan Bắc Thành khi ấy là ai làm?” Nguyễn Công Trứ chưa nói hết, Lê Văn Đức đã lắc đầu.

“Người xưa đã không còn mấy ai, người nay cũng chẳng còn mấy kẻ. Vừa rồi con thứ của cha nuôi tôi là Nguyễn Hàm theo Lê Văn Khôi nổi loạn ở Phiên An, dẫn đến các anh em đều bị bắt cả, khó tránh tội chết. Gia đình cha nuôi tôi giờ chỉ còn mấy đứa trẻ con, đừng tăng thêm tội nghiệt cho chúng.” Lê Văn Đức rầu rĩ nói. “Ai mà ngờ con của cha nuôi tôi lại đi theo con nuôi của Tả quân, cha là công thần lập quốc mà con lại theo bọn côn đồ làm phản, nhận giặc làm cha. Mà đúng hơn thì hắn chỉ muốn phá phách làm loạn, chẳng cần biết phe phái là ai. Có khi như hoàng thượng nói, không kẻ nào phạm thượng mà không muốn làm phản, năm xưa Nguyễn Thuyên làm bài thơ phản nghịch ấy chẳng phải vô tình. Lần lữa đến giờ, có khi cha nuôi tôi cũng sẽ ở vào vị trí Tả quân hiện tại.”

“Năm ấy anh mới chỉ là viên Tri huyện quèn, lại chẳng biết chuyện Lê Chất đã làm ở Bắc Kỳ, nghĩ rằng xử ông ta chỉ là thù riêng thôi à? Tôi chính là người đi đánh dẹp Phan Bá Vành, coi việc sau khi Phan Bá Vành làm loạn, nhìn thấy mớ bầy hầy mà Lê Chất bày ra. Ông ta mộ binh hơn hai mươi cơ, đặt tên An Bắc, Định Bắc. Quân trên hai vạn người, dùng tất cả tiền bạc của công nuôi lính, nhưng khi có loạn là chúng chạy tất. Lính ấy anh nghĩ là để đánh ai hay dẹp loạn gì? Có mà đi làm sức ép đe dọa hoàng thượng ấy!” Nguyễn Công Trứ lại giận dữ hầm hừ to tiếng nói. “Mà mộ lính thì tất nhiên phải chi tiền, xây hành cung, thành trì cũng là tiền, vậy là ra một cái thành Thăng Long vừa to vừa cao, vừa đông vừa chật, mà lại vừa vô dụng. Lê Chất ngồi trong cái thành ấy, đem một đống binh tốt vây quanh, lấy thanh thế đe dọa người khác, tất nhiên những kẻ muốn làm loạn trong vùng chẳng dám ho he gì. Nhưng rồi chỉ cần ông ta rời khỏi vị trí ấy, một đám người nổi lên như ong!

“Tất cả những gì ông ta làm chỉ là dựa bóng Tả quân lấy thế lực thao túng triều đình, dòm ngó chờ chực con gái thành hoàng hậu để mình thành quốc trượng, xây thành đào hào mộ lâu la binh tốt làm vương tướng một cõi. Còn thì đám quan lại tham ô nhũng lạm, đám nha thuộc hoành hành ngang ngược, bọn lý trưởng lừa trên dối dưới, cho chí đám trộm cướp ẩn nấp ngoài bờ biển bao nhiêu năm, ông ta cũng nào biết nào hay! Tin tức báo về triều đình thì thật là yên lành êm ả, bởi đám người dưới giấu tiệt người trên, người trên thì chỉ cần thành tích để khoe khoang. Cái đám ấy chúng còn móc nối chằng chịt hơn cả bọn Nông, Bế ngày nay, đến mức tôi đi tra chỉ bắt được bọn lâu la làm sai chuyện vặt. Phải thôi, tiền nuôi lính, xây thành thì rò rỉ ở đâu mà tra, dù Tổng trấn có sống như ông hoàng trong thành Thăng Long cũng đâu phải là chứng cứ tham ô. Cả đám người cùng một phe phái, ăn cho đẫy bụng rồi im thin thít, che giấu cho nhau thì chỉ đứa nào ngu ngốc mới lộ tẩy.

“Kết quả mộ hai vạn quân thì lính ra trận trốn sạch. Trị an thì cả một vùng ven biển làm hang ổ cho trộm cướp. Cai quản thì mạnh thằng nào thằng ấy ăn, mạnh ai nấy sống, lúc bình thời thì không sao chứ gặp chuyện là như ong vỡ tổ. Nghe mô tả tưởng như thời thái bình thịnh thế, nhưng chỉ cần một trận gió là lung lay tận gốc. Thằng Phan Bá Vành chỉ là một tên cướp biển cỏn con, cứ đánh là tan, vậy mà để nó họp đi họp lại, câu kết với cả hải tặc bên Thanh đánh vào. Cuối cùng hoàng thượng phải đưa quân miền Nam, quân kinh thành ra đánh, toàn bộ quân Bắc Thành, Thanh Nghệ không được cái việc gì! Bắt xong Phan Bá Vành, tôi còn lấy được sổ ghi chép của hắn có hơn tám trăm người liên quan. Hoàng thượng sai Nguyễn Văn Hiếu, Hoàng Kim Xán kinh lược, đi đến đâu tóm được bọn tham quan đến đấy, thậm chí quan còn rủ nhau bỏ trốn không khác gì trộm cướp, lại dịch bị bắt với trốn có đến hàng trăm tên. Ấy là mới tra xét có mỗi vùng Nam Định thôi đấy, chứ xét cả Bắc Kỳ chắc chẳng còn mấy ai. Năm ấy vụ án Lê Chất phải đình lại, nguyên do biết tại sao rồi đấy.” Nguyễn Công Trứ nắm chặt tay thành quyền, gằn giọng. “Bao giờ xử đến Lê Chất, tôi cũng phải góp một lời, nhất quyết không thể tha cho lão ta! Để yên cho lão thì còn gì là luật pháp!”

Hai người còn lại đưa mắt nhìn nhau. Lê Văn Đức dường có điều muốn nói nhưng lại thôi. Kiến An công đưa mắt nhìn quanh, dường như đến lúc ấy mới nhận ra cô vẫn yên lặng quỳ sau cánh cửa hậu. Ông gọi cô đến lấy tráp trầu rồi cho cô lui xuống.

Trở về hàng hiên trước căn phòng nhốt người dì, cô ngồi xuống bậc thang đá, ngơ ngẩn nhìn lên trời. Nắng góp gió đưa mây về cuồn cuộn đầu ngọn núi xa. Hương trầm vẫn phảng phất đầu mũi cô, dù cô không thấy trong căn phòng ấy đốt hương. Có lẽ là mùi từ áo của viên quan tên Nguyễn Công Trứ kia. Có thể ông ta vừa qua lễ đón tiếp của triều đình, cũng có thể là lễ tế của bọn họ. Hẳn là có quá nhiều điều trong một cuộc đời như ông ta, đến mức tất cả có xảy ra cùng một lúc đều không phải là lạ.

Thế giới của những người như ông ta quá xa lạ với cô. Và rồi ngay cả cái thế giới cùng những con người trong ấy qua lời ông ta mô tả lại đều trở nên phi lý, không thực, xa xôi đến lạ kỳ. Cô có cảm giác như mình hoàn toàn không thuộc về cái thế giới ấy – thế giới này.

Cuộc đời của cô nhỏ bé và giản đơn, thế gian của cô khép kín trong những bức tường, và con người trong mắt cô cũng giản đơn như thế. Ngay cả cậu Khôi của cô, người em của mẹ cô vẫn thường qua lại nhà, bênh vực mẹ và anh em cô khi có việc, người cậu đã đưa cô theo, hứa hẹn cho cô một đời hạnh phúc. Ngay cả Kiến An công chồng cô, chủ nhân của cô, người luôn có những mối quan hệ mà cô không thể hiểu, có những ý định mà cô không muốn hiểu. Có lẽ như Nguyễn Công Trứ nói, cô là một công cụ của bọn họ để kết liên và tạo dựng thế lực. Cuộc chiến này, thật ra cô cũng đã góp phần vào, là một phần trong nó. Và như mọi người trong gia đình, cô chẳng có một nơi nào để bỏ trốn.

Đột nhiên cô nhớ tới Vũ thị trong lời Lê Văn Đức. Cô ta cũng đã được đưa tới kinh thành. Và cuộc chiến này đang dần đến hồi kết, cùng với tất cả con người trong đó. Có một cuộc truy xét mới đang được mở ra. Và rồi, cô nghĩ đến một hình bóng xa xưa, cô gái đã đưa cô đến ngõ trúc chiều hôm ấy.

Cô gái đã đỡ cô lên cạnh hồ sen ngày nọ. Tất cả cũng đã không còn nơi nào để bỏ trốn trên thế gian.

 

Chú thích:

[1] Tàn tốt của Tùng Thiện vương




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.