Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Tống Thị – 4
Trường An in "Tống Thị" February 7th, 2013

Trung Thành hầu Nguyễn Phúc Trung, vào năm hai mươi tuổi, đã trở thành Tiết chế thủy sư trong cuộc chiến đầu tiên với quân Trịnh. Năm ấy, sau những căng thẳng dằng dai, chúa Trịnh quyết định đánh xuống phương Nam, đem theo vua Lê thân chinh để hiệu triệu lòng người, cùng đại quân thủy bộ đóng ở phía Bắc sông Nhật Lệ. Qua mấy cuộc đụng độ, quân Nguyễn lui về cố thủ, Nguyễn Hữu Dật dùng kế phản gián mới khiến Trịnh lui quân. Trung Thành hầu hăng hái chiến đấu, cố đuổi theo quân Trịnh tới tận sông Gianh. Tuy thành quả thực sự không bao nhiêu, Tứ công tử của chúa Sãi đã ghi dấu ấn trong quân đội. Tuy lần ấy chẳng phải là một chiến thắng vẻ vang, nhiều người cũng nô nức chúc mừng.

Ngày ấy, sau những chia rẽ, phản đối cùng xung đột, Đàng Trong lần đầu tiên chứng tỏ mình có thể đứng vững trước quân Trịnh vượt trội về lực lượng lẫn thanh thế. Không có lũy Nhật Lệ, không có kết cấu quân đội hoàn chỉnh, quân Đàng Trong chỉ dựa vào thực lực để đối chọi với đại quân Đàng Ngoài. Trong cuộc chiến đầy hoang mang, Trung Thành hầu Nguyễn Phúc Trung cầm thủy binh tiếp ứng, giải vây cho những cuộc xung đột trên bộ, tấn công bất ngờ doanh trại địch quân, và dám dũng cảm đuổi theo đội quân đã rút đi quyết chiến. Đó là cuộc chiến đầu tiên của hai vùng đất, lần thử sức đầu tiên của quân Đàng Trong còn ít ỏi thô sơ – Và Trung Thành hầu, trong tuổi hai mươi, trở thành một biểu tượng.

Có lẽ không ai ngờ rằng vị anh hùng ngày ấy rồi sẽ chết đi trong nỗi nhục của kẻ phản loạn bị triệt hạ đến cùng.

Thật ra, cái gọi là anh hùng với kẻ phản loạn cũng chẳng cách nhau bao xa.

Tất cả cũng chỉ là sự chọn lựa. Không chỉ là chọn lựa của người trong cuộc, mà cả kẻ bên ngoài. Có tội hay vô tội, anh hùng với phản nghịch, đều chỉ là cách định danh với sự chủ quan của con người. Con người dễ bị lừa mị, dễ bị phủ che và bao lấp bởi các giác quan cá nhân, trong cuộc đời ngắn ngủi của mình. Mắt người nhìn xa không quá được ngọn tre, tai thính không nghe được ngoài một dặm, sống cả đời loanh quanh được hơn kém hai mươi vạn ngày, hiểu sâu biết rộng cũng chẳng qua nhờ sách vở nói ý chủ quan của kẻ khác, vốn cuộc đời định sẵn nằm trong u mê. Những cái tên, những gì được nói ra và truyền lại, qua lớp lớp ngôn ngữ, đều trở nên sai lạc.

Điều đó cũng chẳng có nghĩa rằng ta bảo vệ cho Nguyễn Phúc Trung, cũng như chẳng bao giờ ta tự nhận mình là chính nghĩa. Mọi sự trên đời không thể phân định chỉ bằng tốt hay xấu, huống hồ là trong chính trường. Chỉ những kẻ ngây thơ mới tin rằng hào quang cá nhân sẽ đem đến thịnh trị bình an, đạo đức cá nhân sẽ là sự sáng suốt, và những đạo lý hào hùng tốt đẹp sẽ là nền tảng của công bằng. Người ta luôn muốn thứ mình không có được, và mù quáng đi theo ánh hào quang của kẻ khác, theo những lời hứa hẹn và quyền lợi trước mắt của bản thân.

Người đến Đàng Trong này, ngoài ba ngàn người thân tín của họ Nguyễn, là kẻ xiêu dạt vì nạn đói, bỏ quê hương xứ sở tìm kiếm vận may, tìm tới vùng đất mới để đổi đời. Người ở Đàng Trong này, phần là dân sở tại trước đây, phần là dân di cư sau đó. Vùng đất nơi biên tái thành phần hỗn tạp, vua lẫn quan đều xa tít tắp, lòng người phân tán, qua ba chục năm lại trở thành lãnh thổ của họ Nguyễn. Qua bốn chục năm, họ lại đứng bên họ Nguyễn chống Lê Trịnh. Hết lần này đến lần khác, đại quân chục vạn của Trịnh đã phải đứng lại ngoài lũy Trấn Ninh bởi vài vạn quân tử chiến bên bờ Nam. Thành lũy được xác lập, không chỉ bởi đất đá mà còn ở lòng người.

Có rất nhiều lý do cho điều đó. Và một phần của lý do, điều đã chìm khuất vào lớp bụi dày của lịch sử, là sự anh dũng của Trung Thành hầu ngày ấy cầm quân đi trước trận, xông vào tấn công đại quân Trịnh trong trận chiến đầu tiên đầy hoang mang. Triều đại của họ Nguyễn được giữ gìn và thiết lập sau đó, được cắm mốc bằng lá cờ của Tiết chế thủy sư Trung Thành hầu trong trận chiến đầu tiên.

Bằng hào quang của mình, Trung Thành hầu đã xây dựng vị trí không chỉ trên chiến trường, mà còn trong cung điện Kim Long. Khi truyền ngôi cho chúa Thượng, chúa Sãi phải giao binh quyền cho Tường quận công, nhờ ông giúp đỡ. Dương Nghĩa hầu Nguyễn Phúc Anh bị tiêu diệt, đến lúc Tường quận công qua đời, Trung Thành hầu đã trở thành tôn thất nắm quyền bính cao nhất của Đàng Trong. Cho đến khi Dũng Lễ hầu Nguyễn Phúc Tần trưởng thành.

Ánh hào quang của Trung Thành hầu đã bị lấn át bởi người thanh niên trong tuổi hai mươi Nguyễn Phúc Tần, gần như bằng cùng một cách. Khi hạm đội Ô Lan tấn công vào cửa Eo, Dũng Lễ hầu một mình thúc đội thuyền của mình xông ra đối địch. Đội chiến hạm của Ô Lan bị đốt cháy, trưởng hạm đội bị giết chết. Chiến thắng chấn động toàn Biển Đông tạo nên danh tiếng vang dội cho Dũng Lễ hầu[1].

Năm ấy, sau khi bị đẩy lui khỏi Bố Chính, chúa Trịnh bắt đầu liên kết với Ô Lan, để đổi lại pháo, thuyền, quân đội của Ô Lan là Quảng Nam sẽ được nhường cho đất nước Tây dương này làm lễ vật. Được lời của chúa Trịnh, Ô Lan tăng cường cung cấp vũ khí, thuyền chiến cho Đàng Ngoài, dẫn đến quan hệ với Đàng Trong ngày càng căng thẳng. Đàng Trong tịch thu tài sản và bắt giữ thủy thủ hai chiếc tàu của Ô Lan bị đắm gần Cù lao Chàm, Ô Lan phản ứng mạnh dẫn đến thương quán của họ tại Hội An phải đóng cửa. Dù chúa Thượng đã thả các thủy thủ Tây dương, tàu chở họ đi chẳng may bị hải tặc tấn công ngoài đại dương, toàn bộ đều mất tích. Không nhận được tin tức của các thủy thủ, Ô Lan bắt đầu trả thù. Ngoài việc đưa thuyền, vũ khí đến cho Đàng Ngoài, Ô Lan mở chiến dịch quấy phá vùng ven biển, bắt giữ ngư dân. Thuyền Ô Lan vào Quy Nhơn, đốt nhà phá kho, bắt người đem về phía Bắc. Đoàn tàu lên Cù lao Chàm định bắt thêm người, quân tuần biển đã cấp báo cho chúa Thượng, chỉ huy và 150 binh lính của đoàn tàu Ô Lan bị hạ sát ngay khi bước lên bờ.

Cái chết của viên chỉ huy càng làm Ô Lan giận dữ. Tháng sau, tàu Ô Lan tiếp tục tấn công Đà Nẵng, bắt giết con tin. Ô Lan liên tục phái hạm đội đến Đàng Ngoài đốc thúc chúa Trịnh ra quân cùng với hoạt động quấy phá vùng ven biển ngày càng dâng cao. Đến lúc này, không còn chịu đựng nổi, Dũng Lễ hầu bất chấp lệnh hòa hoãn của triều đình, ước với Trung Thành hầu đem thủy quân ra đánh hạm đội Ô Lan vừa xuất hiện gần cửa Eo. Trung Thành hầu chùng chình chưa quyết, Dũng Lễ hầu đem đội thuyền của mình đơn độc xuất trận. Đoàn thuyền bao vây tàu chỉ huy của hạm đội Ô Lan, đuổi hai tàu khác phải bỏ chạy. Chỉ huy hạm đội thế cùng buộc phải tự sát trên chiếc tàu bị phóng hỏa đốt cháy. Khi chúa Thượng nghe tin, đem đại quân tiếp ứng, một mình Dũng Lễ hầu đã giải quyết xong toàn cuộc.

Sau hai năm phải chịu đựng sự quấy phá của Ô Lan, chiến thắng của Dũng Lễ hầu làm nức lòng mọi kẻ, từ những cư dân, thương nhân sống nhờ vào biển đến những quan lại tướng lĩnh trong triều. Năm ấy, chúa Trịnh lại tiếp tục đưa vua Lê đến làm thanh thế, giết tướng thủ Bố Chính, tấn công Nhật Lệ. Nhưng quân đội Ô Lan sớm đã bị đánh đuổi khỏi Biển Đông, thế công của Trịnh kém đi mấy phần. Trước sự phòng thủ vững chắc của lũy Nhật Lệ, quân Trịnh buộc phải rút lui[2].

Dũng Lễ hầu Nguyễn Phúc Tần, trong tuổi hai mươi, đã chiếm lấy hào quang của Trung Thành hầu. Ngày trước, chúa Sãi đánh dẹp năm chiếc thuyền Anh Cát Lợi tấn công Quảng Bình[3], uy dũng rất lớn nhưng thanh thế lại không bằng. Chúa Trịnh, bằng cuộc liên kết với Ô Lan, cũng đã mất cả chút tình cảm ít ỏi còn sót lại. Mà nhà chúa, trong suốt hai năm dài đàm phán hòa hoãn, khiến không ít kẻ oán trách, cho rằng trong triều chẳng ai đủ dũng lược như Nguyễn Phúc Tần.

Đánh thắng bọn quấy rối, người nói? Thật đơn giản làm sao! Ô Lan không chỉ là bọn Tây dương mạnh nhất trong những quốc gia Tây dương tại nơi này, mà còn là kẻ duy nhất được quyền cập Tàu Đen vào Nhật Bản. Nhật Bản, nguồn cung cấp đồng, bạc, vũ khí và con người cho Đàng Trong này, cũng là nguồn thu mạnh nhất trong thương mãi của chúng ta những năm ấy. Ta có thể tiêu diệt kẻ xâm phạm địa phận như đã tiêu diệt đội quân ở Cù lao Chàm, nhưng tự tiện gây chiến ngoài biển là việc khác. Đem danh nghĩa nhà chúa gây chiến là điều càng nghiêm trọng hơn. Mất Tây dương, Nhật Bản, ai sẽ là kẻ buôn bán nuôi sống vùng đất này?

Nên chúa Thượng kiên trì đàm phán, với sự ủng hộ của một nhóm quan chức trong triều, hẳn có cả Nguyễn Phúc Trung. Đánh chó phải ngó mặt chủ, nếu Mạc Phủ cắt đi cả tiêu chuẩn thuyền của Đàng Trong vào Nagasaki, Đàng Trong này sẽ lại chết đói. Không có đồng và tiền, Đàng Trong sẽ bị quân Trịnh nuốt chửng. Những kẻ trong triều đình này lo lắng, băn khoăn, và hù dọa lẫn nhau. Trong năm mươi năm, những thương buôn Nhật Bản, cùng lợi nhuận họ đem tới, đã gắn bó với không ít kẻ trong triều. Nhật Bản, vì liên hệ với nhà chúa Đàng Trong, đã tuyệt giao với họ Trịnh Đàng Ngoài[4] – và họ cũng có thể làm ngược lại. Khi Mạc Phủ ban lệnh bế quan, chỉ cho người Đường, Cao Ly, Ô Lan và thuyền hiệu của các triều đình khác cập cảng, quyền lợi trong việc buôn bán với Nhật Bản đã nằm hẳn trong tay nhà chúa. Vì quyền lợi của cá nhân hay cả vùng đất, cũng khó mà phân rõ.

Nguyễn Phúc Tần, trong cơn xúc động nóng nảy, đã đập vỡ nồi cơm của không ít kẻ - hay ít ra, là trong thời điểm ấy. Đó là những năm tháng kinh tế Đàng Trong gặp vô vàn khó khăn, Mạc Phủ bế quan, Đại Minh chìm trong loạn lạc, Chân Lạp nội chiến. Những cơn nắng nóng vốn là lẽ thường đã trở thành nạn đói ác mộng. Tất cả hầu như chỉ còn cậy nhờ vào những chiếc thuyền hiệu và cả tàu Tây dương được phép cập bến Nagasaki.

Hào quang của Nguyễn Phúc Tần chứa đầy bóng tối phía sau nó.

Có những kẻ ngợi ca, cũng có những kẻ oán trách. Nguyễn Phúc Tần chiếm được sự ủng hộ của tầng lớp tướng lĩnh, những kẻ chỉ biết huấn luyện và sa trường, chỉ biết trung thành và tự hào. Những thành phần khác, bao giờ cũng đầy bất an, lo lắng và trách móc. Vị công tử này trở thành anh hùng trong mắt nhiều người, và cũng trở thành kẻ nóng nảy không biết suy nghĩ trong mắt nhiều kẻ khác.

Một vị tướng thì chỉ cần chiến đấu và chiến thắng, nhưng một vị chúa thì cần biết cách để chiến thắng không phải chỉ một trận chiến.

Có thể nói là may mắn, Mãn Châu tiêu diệt Minh triều, đẩy hàng loạt người Đường ra biển. Không còn chính quyền an ổn, Hoa Nam rối loạn chục năm dài, các tổ chức chống Thanh cùng lớp thương nhân, tàu buôn ven biển hình thành nên mạng lưới buôn lậu. Chiến tranh đã cày nát đất Hoa Nam, Nhật Bản bế quan, Đàng Ngoài hạn chế người Tàu, Đàng Trong chính là bến đỗ hứa hẹn nhất. Ngay cả những tàu buôn bán với Nhật Bản cũng đến Hội An lấy hàng trước. Người Đường trở thành trung gian buôn bán với tất cả các triều đình[5], cạnh tranh với Tây dương. Cuộc tranh đấu khốc liệt trên biển đã biến các tàu buôn thành tàu chiến. Các tàu thuyền có thể tấn công tiêu diệt nhau hệt như hải tặc.

Bảy mươi năm trước, triều Minh bãi bỏ lệnh bế quan, lớp thương buôn Hoa Nam ngày ấy, kẻ ở lại thì trở thành thuyền buôn lậu, người di cư tìm cách tiếp tục sinh nghiệp tại đất mới. Thu giữ bọn họ để sử dụng, trước là đem về lợi ích, sau là bồi dưỡng nguồn lực. Ta đã rời khỏi Hội An ngay trong năm Mạc Phủ ban lệnh bế quan, tìm đến Kim Long. Năm ấy, Đại Minh vẫn còn an ổn, và ta đã nghĩ đến việc phải thay thế nhóm người Nhật Bản đang rút đi như thế nào.

Nhưng ma mới nào chẳng xung đột với ma cũ? Trong buổi giao thời này, khi người ta vốn đã quá gắn bó với cái cũ – cả về tinh thần và vật chất đã cắm rễ quá sâu vào mọi tầng lớp, hạng người, khi lớp người cũ đã có một thế lực, chỗ đứng, xung đột là không thể tránh khỏi. Và một miếng mồi ngon đưa đến, kẻ nào chẳng nhao nhao cướp lấy?

Trong những cuộc giành giật tranh chấp, ta đã tạo nên kẻ thù lớn nhất: Trung Thành hầu.

Tường quận công đã mất. Và Dũng Lễ hầu, bằng chiến thắng đầy tranh cãi của mình, chia nhà chúa thành hai phe phái. Trung Thành hầu vẫn đang chiếm thế mạnh, khi người tướng lĩnh lớn tuổi hơn đã được thời gian cùng triều chính mài cho nhuận sắc, xây dựng nên những mối quan hệ, tạo lập thành chỗ đứng và ảnh hưởng.

Cũng như khi ngăn cản Nguyễn Phúc Tần đánh Ô Lan, Trung Thành hầu có rất nhiều lý do để xung đột với ta.

Khi tuổi tác ngày càng cao, với sự tỏa sáng của người con, chúa Thượng đã nghĩ đến việc tạo lập thế lực cho cậu ta – Trong đó có cả việc tước bỏ quyền lực của kẻ khác.

Ngài ta đã làm việc ấy thật hay ho. Đến mức Nguyễn Phúc Trung đã không thể chịu đựng nổi ta.

Cũng có thể, ông ta cần một cái cớ. Khi đã đủ lực để đứng vững và tranh đấu, người ta bắt đầu tìm một nơi để trưng trổ. Cũng như chúa Thượng tìm mọi cách khống chế Trung Thành hầu, ông ta cũng có cách hạ bệ uy tín của chúa.

Chẳng ai ở trong gầm giường nhà chúa, nhưng lời đồn đại cứ thế lan khắp hang cùng ngõ kiệt. Muốn làm anh hùng, hẳn phải có chằn tinh hay yêu quái. Chẳng ai thấy chằn tinh hay yêu quái, nhưng mọi người đều ghét chúng xấu xa.

Có điều, giết đi yêu quái có khi chẳng phải là anh hùng, chỉ là một con yêu quái khác mạnh hơn.

Thường thì chẳng ai nhận ra được yêu quái, cho đến khi bị chúng ăn thịt.

Cũng chẳng ai nhận ra anh hùng, cho đến khi y chỉ ra kẻ bị giết là yêu quái.

Và rồi, như cái lệ trong triều đình này, mọi sự được giải quyết trên chiến trường.

Chẳng lẽ người nghĩ chúa Trịnh cất quân chỉ vì ta? Hoặc hay ho huyền bí hơn, là vì chuỗi bách hoa vạn năng từ một người đàn bà chưa từng gặp? Nếu quả có phép phù thủy như thế, ta đã bắt được cả Đàng Trong quỳ gối xưng thần.

Càng ngày, quy mô những cuộc tấn công của Đàng Ngoài càng lớn hơn. Sự tồn tại của Đàng Trong như cái gai đâm vào lưng chúa Trịnh. Được vài năm yên ổn khi chúa Trịnh phải lo sự đánh dẹp Cao Bằng, khi nghe Đàng Ngoài đã bình lặng, dân gian được mùa to, hầu như ai cũng nghĩ đến cuộc tấn công mới sắp bắt đầu.

Chúa Trịnh, vì mối giao hảo với Tây dương, giúp đỡ vua của Nam Minh kháng Thanh, đang tràn trề sức mạnh. Danh thế được trợ giúp của vua Minh, quân lực được Ô Lan xây dựng, hai đội quân thủy bộ tràn xuống lũy Nhật Lệ như bão lũ. Cha ta, lúc bấy giờ là quan viên thân tín bên chúa Trịnh, đã nhanh chóng đào hang phòng thân cho ta. Trong và sau mỗi cuộc chiến, luôn có kẻ nhanh chóng nhảy ra góp phần trợ lực, đôi lúc cũng chẳng phải vì chính nghĩa mà chỉ để bảo toàn cho bản thân.

Ta chưa bao giờ là trung thần, và ở trong vị trí này, ta cũng chưa bao giờ lòa mắt vì hào quang. Chúa Trịnh đã từng hứa đem Quảng Nam cho Ô Lan, sự quản lý của người phương Bắc cũng chỉ được đến thế. Nếu họ Nguyễn bị diệt, mảnh đất này sẽ trở lại tình trạng vô chủ như trước kia – Trước khi có một kẻ nào đó vùng lên giữ lấy. Trong triều đình Đàng Ngoài, chúa Trịnh đang còn phải núp sau tấm bình phong vua Lê, chật vật quản lý những ruộng đồng làng mạc nay hạn mai lũ, sẽ chẳng thể làm gì khác hơn là cử đến một ông Trấn thủ để thu thuế mỗi kỳ nơi những vùng đất xa xôi. Bảo toàn được mạng sống của mình, ta có thể làm tất cả.

Cuộc chiến năm ấy là đợt tấn công mạnh mẽ nhất từng có của Trịnh quân. Hai đạo thủy bộ đánh vào Nhật Lệ, thanh thế khiến viên đại tướng Triều Văn hầu không dám dẫn quân đối địch. Quân Trịnh vào được Quảng Bình, chỉ nhờ sự liều chết của các tướng lĩnh cầm giữ được lũy Trường Dục. Chúa Thượng phải thân chinh lãnh đại quân đi tiếp cứu, để Dũng Lễ hầu làm Tiết chế, Nguyễn Hữu Dật làm Tiên phong. Nguyễn Hữu Dật dựa vào địa thế, cài quân ở nơi hiểm yếu, đánh phá làm rối loạn bộ binh của Trịnh. Dũng Lễ hầu đến lũy Trường Dục, ban đêm cho voi tập kích đồn quân, dùng thủy binh chặn đánh. Trong một trận, Dũng Lễ hầu bắt được ba vạn tù binh.

Trên chiến trường, vị thế của Dũng Lễ hầu được xác lập. Khi chúa Thượng đột ngột mang bệnh, qua đời trên con thuyền đi qua phá Tam Giang, dù đã được Nguyễn Phúc Tần nhường ngôi, Nguyễn Phúc Trung cũng buộc phải chối từ. Trong lớp lớp quân tướng còn bừng bừng khí thế, chiến thắng oanh liệt còn chưa nguội lạnh, ông ta hẳn đã biết khôn ngoan. Thế tử nối ngôi thuận ý trời và lòng người, câu nói của ông ta hẳn đã có ít nhiều cay đắng.

Ý trời đã đưa Nguyễn Phúc Tần lên ngôi, nhưng lòng người thì đổi thay muôn vẻ.

Anh hùng và tội đồ, vinh quang và ô nhục, Nguyễn Phúc Trung đã nếm trải tất cả trong cuộc đời mình.

Sự tồn tại của họ Nguyễn một thời đã treo trên lá cờ của Trung Thành hầu, do Trung Thành hầu xác lập. Nhưng trời già lắt léo, người cũng đã lãng quên.

Người con trai thứ của chúa Sãi, trong những ngày cuối cùng của cuộc đời mình, khi bị quật ngã bởi cay đắng và khổ nhục, có bao giờ nhớ về tuổi hai mươi? Chiến thắng đã đưa Nguyễn Phúc Tần lên ngôi chúa, nhưng cũng chiến thắng đẩy Nguyễn Phúc Trung vào địa ngục. Trời có thể đưa một người lên vinh quang tột đỉnh, cũng có thể đưa một kẻ vào con đường truy cầu tuyệt vọng.

Những kẻ dám chống lại Trời sẽ bị thiêu cháy trong địa ngục.



Chú thích:

    [1] Trong thời gian này, công ty Đông Ấn Hà Lan là công ty thương mại lớn mạnh nhất trên thế giới. Sau chiến bại ở của Eo, uy tín của công ty Đông Ấn Hà Lan sụt giảm mạnh tại Nhật Bản và Trung Quốc.

    [2] Về thời gian, Đại Nam thực lục và ghi chép của Hà Lan có chênh nhau. Theo Hà Lan, sự kiện này xảy ra trong năm 1643, trong khi ĐNTL ghi vào năm 1644. Đại Việt sử ký cũng viết cuộc tấn công của Trịnh vào tháng 2 năm 1643 – Khi vào tháng 1/1643, Hà Lan ước hẹn với Trịnh đánh Đàng Trong, thấy Trịnh “vẫn chưa chuẩn bị xong” liền đưa quân đánh trước, đụng độ Nguyễn Phúc Tần. Vậy sự kiện này phải nằm trong năm 1643 mới chính xác.

    [3] Sự kiện này xảy ra năm 1585.

    [4] Theo Nguyễn Conchinchina của Li Tana, năm 1627, Trịnh quyết định đánh Đàng Trong, chính phủ Nhật Bản vì yêu cầu của chúa Sãi và các thương nhân Nhật, đã tuyệt giao với Đàng Ngoài.

    [5] Sau khi ban lệnh bế quan, Mạc Phủ chỉ cho phép tàu Trung Quốc, Hà Lan, Triều Tiên có phép được cập bến, ngoài số thuyền quy ước mỗi năm với các chính phủ khác. Sau này, muốn liên hệ với Mạc Phủ, các chúa Nguyễn vẫn sử dụng người TQ.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.