Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Tống Thị – 3
Trường An in "Tống Thị" February 3rd, 2013

Sau này, trong bức thư gửi ra Bắc cho cha, ta đã nói rằng mình không oán hận ông.

Đó là sự thật. Người ta chỉ có tư cách oán hận khi cao quý hơn người khác, chứ không phải là vô tội hơn. Có tội hay vô tội cũng chỉ là cách định danh của con người. Nếu cách lựa chọn, cách sống đều như nhau, tại sao lại phải oán hận nhau?

Sau này, qua nhiều thời gian và sự kiện, ta đã không còn oán hận cha. Chỉ là, cũng không tha thứ.

Nguyễn Phúc Lan từng nói, ta không biết cách tha thứ cho cuộc đời.

Người đàn ông ấy, dù sao vị chúa Thượng này cũng là một người đàn ông, luôn thấu hiểu ta. Có thể là mấy phần lợi dụng, mấy phần chơi đùa, nhưng ngài ta cũng hết lần này đến lần khác bỏ qua và chấp nhận ta. Vị chúa này biết rõ ta làm gì, và đã sử dụng ta như một thằng hề trong vở tuồng, kẻ vừa có thể chọc người vui giận, vừa có thể gọi rõ tên những gì đang bị che giấu bằng những mĩ từ vờ vĩnh. Khán giả cần những đối nghịch để cảm xúc có thể thăng hoa, và cần những dòng chảy ngầm để bị thao túng trong ý nghĩ.

Nhưng vai trò của ta ẩn chứa quá nhiều nguy hiểm. Người ta có thể thông cảm cho thói hoang đàng của một vị chúa, một người đàn ông có quá nhiều quyền lực, nhưng khi phải chịu sự thao túng của người đàn bà ấy thì họ nổi giận.

Ta thừa nhận mình có làm đôi điều quá quắt. Nhưng rồi sau đó, cứ có việc sai lầm phát ra từ trong phủ chúa, họ lại gọi ta để nguyền rủa. Ta đã bảo, Nguyễn Phúc Lan luôn là bậc thầy trong việc sử dụng con người, cả tốt lẫn xấu. Ngài ta luôn tạo ra ấn tượng là kẻ đứng sau, trong cả những chiến công và tội ác, từ chối nhận cả khen ngợi lẫn nguyền rủa. Và bằng cách thần kỳ nào đó, Đàng Trong phân tán, chia rẽ ngày ấy đã yên ổn, đánh thắng Ô Lan, thắng quân Trịnh, Kim Long trở thành kinh kỳ sầm uất đô hội đầu tiên của phương Nam.

Trong đó hẳn cũng có vai trò của ta, dù theo một cách ngược đời. Nhưng ta nói thật, cái gọi là “phú khả địch quốc” chẳng phải đã xếp phú thương ngang với triều đình? Bất cứ một phú thương nào cũng phải lụy nhờ quyền thế - và rồi thao túng ngược lại thế quyền. Nguồn thu thực sự trên mảnh đất nghèo nàn đất đai, giàu có sản vật này là đám thương buôn – từ những kẻ buôn mọi, ngậm ngải tìm trầm, nuốt mắm lặn bể nơi rừng thiêng nước độc đến những nhà buôn Nhật Bản, Tây dương, Chà Và và nhóm người Minh đang chạy xuống tránh cuộc chiến phương Bắc. Người nơi này sống được nhờ vào lúa gạo mua từ Chân Lạp, bạc đồng mua của Nhật Bản, và nguồn lợi mỗi ngày chảy qua những dòng sông huyết mạch trong mạng lưới của đám thương buôn. Kim Long vừa được dựng, bên cạnh đó là phố thương chịu sự kiểm soát trực tiếp của nhà chúa. Đến lượt mình, chúa tể Đàng Trong cũng muốn kiểm soát những nguồn sức mạnh chảy trong lãnh thổ. Ngăn chặn những kẻ bắt chước Nguyễn Phúc Anh chiếm được quyền lực như ở Quảng Nam.

Ngăn chặn cả những kẻ vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả - Như trong trận đói năm ấy, trận đói đầu tiên của Đàng Trong, chỉ vì người dân theo thuyết dụ về lợi nhuận của bọn buôn lụa và đường, nhổ lúa trồng dâu tằm và mía. Chân Lạp cấm xuất gạo, không có lúa gạo chuyển lên, nạn đói bùng nổ.

Trong xứ sở mà đàn ông chỉ giỏi đánh nhau và nói những điều đại nghĩa chán tai trong sách thánh hiền, ngài ta có thể nhờ cậy vào ai kiểm soát những thành phần phức tạp này?

Trong cái triều đình được lập thành trong chiến tranh và tồn tại bởi chiến tranh, những vị đại tướng cùng thân quyến có quyền lực ngang bằng hay hơn cả nhà chúa, ai có thể thay vị chúa gánh chịu những bất mãn của một trong nhiều phe phái, hoặc tất cả bọn họ?

Trong chính trường và thương trường, không có việc người đi làm từ thiện. Dù muốn hay không, người cũng phải giành giật, trao đổi, lừa lọc, thậm chí giết chóc đôi lần. Đứng chắn trước cánh cửa của phủ chúa, ta nhận lãnh tất cả bất mãn cùng oán ghét – Và từ đó, dùng quyền lực của chúa công thao túng toàn phương Nam.

Người ta có thể dung thứ cho một người đàn ông sa đọa hơn là kẻ đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi của bản thân, chấp nhận “lỗi lầm” của một vị chúa hơn là chịu sự quản chế của ngài ta. Và đến lượt ngài ta, dùng quyền lực mà mình có được, che chở cho ta.

Thứ quyền lực mà ngài ta có được, con trai ngài ta, Dũng Lễ hầu Nguyễn Phúc Tần dũng mãnh trên chiến trường, vị anh hùng đánh thắng Ô Lan, cũng không thể nào đạt tới. Chúa Thượng có thể giữ ta bên mình, con trai ngài ta thì phải tự tay giết người mình yêu nhất. Ồ, quyền lực là thứ không thể nhận thấy bằng mắt thường, càng không thể đạt được chỉ bằng những hành động rõ ràng trong ánh sáng. Chúa Thượng – cho đến tận những giờ khắc cuối của cuộc đời – vẫn luôn là kẻ chiến thắng.

Ta đã đến cạnh ngài ta trong những năm đầu tiên mà vị trí vị chúa dần vững chắc – bằng cách chấp nhận chịu sự khống chế của Tứ trụ đại thần. Chúa Thượng đặt ra Tứ trụ đại thần, chia quyền lực làm bốn phần cho những đại thần quyền cao ngang chúa, để bọn họ khống chế lẫn nhau. Để rồi, vị chúa – cùng những kẻ kế vị - chơi trò giữ thăng bằng trên dây suốt đời. Ngài ta đã lấy được chiến công đầu tiên bằng chiến thắng quân Trịnh, lấy được Bắc Bố Chính. Và khi chỗ ngồi đã vững, vị chúa bắt đầu cuộc chiến quyền lực không tiếng súng.

Cũng chỉ có Vân Hiên tử là kẻ hiểu rõ mọi sự. Ngày chúa Thượng cho lệnh xây dựng công dinh phủ đệ, bắt mỗi huyện cống nạp gỗ xẻ, ai không giao đủ số thì chém đầu, Vân Hiên tử rũ tay áo vào hầu, nhìn về phía Nam mà hỏi “Khu đài cao phương ấy để làm gì?”.

Ta ở trong thâm cung, việc thiên hạ sĩ nông công thương không sao biết được, xây đài để nhìn cho xa, trông cho rộng, có bọn do thám gian tặc cũng sớm nhận rõ. Chúa Thượng cười đáp.

Ngôi đế vương do trời định, dùng hiền đức làm thành trì, không cần lầu cao. Vân Hiên tử lại cười. Chúa công nếu thấy rằng chỉ cần giữ một khoảng đất thế này là đủ thì cứ làm như vậy. Vua Nghiêu ở nhà tranh mà chư hầu theo về, chứ dựng xây hao kiệt sức của cùng quan hệ, khi Trịnh đánh xuống có dùng được đâu?

Ngày ấy, triều đình bắt đầu bất mãn về biểu hiện chuyên quyền của vị chúa. Khi ngài ta nóng giận, ra lệnh chém giết, không ai dám mở lời, cả kẻ trong chợ cũng không dám hé răng. Cơn sóng ngầm bắt đầu dâng lên, để Vân Hiên tử phải ra mặt cảnh báo. Và vị chúa đã phải thu móng vuốt cùng tiếng gầm của ngài ta lại.

Trong những năm ấy, chiến tranh cùng dịch họa liên tục xảy ra. Hai lần giáp hạt, hạn hán đến cùng lúc với lệnh cấm bán gạo từ Chân Lạp, giá lúa tăng vọt, nạn đói hoành hành. Hai lần cách năm, quân Trịnh lại đánh xuống, giết tướng thủ Bố Chính mà vào Nhật Lệ, vua Lê thân chinh đến đốc suất quân đội. Chỉ có nắng nóng cùng dịch bệnh cản lại đội quân ấy. Nhưng Đàng Trong đã tồn tại, vững vàng và ngày càng mạnh mẽ. Từ thế phòng thủ, chỉ trong một trận phản công, Dũng Lễ hầu đã bắt được ba vạn địch quân.

Ta đã đến Kim Long trong những năm đầu nó được dựng xây nên, và ở lại nơi ấy, ta xây dựng cơ nghiệp của mình cùng với sự hình thành của khu phố Thanh Hà. Khu phố thương mãi mà phần lớn là người Minh, khác với phố Hội An ở Quảng Nam người Nhật sinh sống. Mạc Phủ vừa ra lệnh cấm thông thương, bài trừ Thiên Chúa giáo, các thương nhân Nhật Bản vắng dần trong khi người Minh kéo xuống càng lúc càng đông. Đại Minh đang bất ổn với cuộc tấn công từ phương Bắc của Mãn Châu, những cuộc nổi dậy từ phương Nam của dân chúng. Ở Hội An, khu phố dành cho người Minh dần được dựng xây bên phố Nhật. Và khi quân Mãn Châu chiếm đóng Bắc Kinh, thành lập triều Đại Thanh, những cuộc chiến tranh, tàn sát trải dài theo sau đó, người Minh kéo xuống phương Nam như cơn lũ.

Ở Kim Long, dựa vào số người đầy tiềm năng vừa mới đến, tin tức và quyền lực mà chúa ban cho, ta phát triển mạng lưới thương mãi của riêng mình. Ta nhận ra từ rất sớm cơn lũ đang tiến về phương Nam, sự thay đổi tất yếu của những thành phần chủ chốt trong nền kinh tế, và nhanh chóng nắm lấy cơ hội. Khi người người còn o bế các thương buôn Nhật Bản, chú trọng lụa và đường bán cho Nhật bản, ta phát triển các ngành hàng khác phục vụ cho nhu cầu chiến tranh bán về phương Bắc, đào tạo và xây dựng các mối liên hệ với thương buôn người Minh. Trong chiến tranh, cửa biển Hoa Nam bị kiểm soát, thuyền buôn lậu dọc bờ biển lại phát triển. Trong đám giang hồ tứ chiếng có không ít kẻ yêng hùng, trong nhóm người chạy loạn không ít kẻ tài năng, ta giữ làm môn khách trong nhà hoặc thu làm thân tín. Nhờ bọn họ, ta dần kiểm soát cả Thanh Hà, Hội An, vươn tay tới vùng đất phương Nam xa hơn nữa.

Qua mấy nạn đói, người Đàng Trong này rốt cuộc đã hiểu điều gì nuôi dưỡng sự sống cho họ. Nắm giữ được kinh tế, nghĩa là thao túng được chính trường.

Ta chẳng bảo mình làm đúng hay kể công – Chỉ là, chúng ta đã bắt tay với nhau, dựa vào nhau, lợi dụng nhau như thế, vì mục đích của riêng mình.

Mối quan hệ của ta và vị chúa của Đàng Trong được dựng xây qua lớp lớp mặt nạ, những bí mật, giả trá và vờ vĩnh. Không ai trong chúng ta để lộ bản thân, nhưng vì cùng ở trong bóng tối, chúng ta lại thông hiểu nhau hơn hết thảy. Ở trong bóng tối, mặt nạ trở thành vô nghĩa, lời nói bị gạt đi những cử chỉ màu mè dối trá phụ họa, chỉ còn ý nghĩa đơn thuần nhất của nó, cả thật và giả. Những kẻ đồng hành trong bóng tối, phải dựa vào nhau để dò dẫm tìm đường, để tồn tại và bảo vệ lẫn nhau, dần dà sẽ hình thành nên một loại gắn kết mật thiết, gần như máu thịt. Chúng ta thấu hiểu nhau, như thể chỉ cần dõi vào chính mình.

Một mối quan hệ vốn không thể dựng xây trên một chuỗi bách hoa, một kẻ đã từng làm tất cả để đạt đến ngôi vị cũng chẳng thể liều lĩnh vì một người đàn bà. Những câu chuyện cổ do đám người tầm thường dựng nên, cũng giống như bọn chằn tinh và ông Ba Bị, chỉ là những truyền kỳ vừa hù dọa vừa ma mị quá tầm. Tất nhiên có quân vương u mê ngu ngốc, nhưng không phải là những kẻ đã tranh đấu bằng mạng sống để đến được ngai vàng.

Chuỗi bách hoa là thật, nhưng chẳng có phép thuật bùa chú nào trong đó. Chẳng qua, khi nhìn thấy đoàn thị vệ hộ tống chúa Thượng, ta đã đoán ra ngài ta là kẻ thế nào. Ngài ta sẽ chẳng bao giờ lay động chỉ vì cái đẹp nhất thời, cũng chẳng hạ mình cầu cạnh, theo đuổi lấy lòng một người đàn bà. Chuỗi bách hoa, trong vẻ đẹp hoàn hảo tinh mỹ, trong hương thơm hòa quyện say lòng, là công sức của ta không chỉ ngày một ngày hai. Để có trăm bông hoa khác loại nở cùng một lúc, ta phải trồng một khu vườn, tự tay chọn lựa từng đóa hoa. Hoa đẹp chóng tàn, ta lại phải tìm cách phơi khô vòng hoa mà không làm nhàu rụng một cánh, giữ hương thơm không phai nhạt. Vòng hoa ấy dâng lên, là tặng vật khắp đất trời không tìm được.

Có lẽ, khi nhận vòng hoa ấy, ngài ta đã nhớ lại buổi đêm của nhiều năm về trước, vượt qua bãi dâu mênh mông vằng vặc ánh trăng để tìm theo câu hát vọng giữa sông dài “Tai nghe chúa ngự thuyền rồng, Thiếp thương phận thiếp má hồng nắng mưa”. Công tử đa tình đưa người về phủ chỉ vì một câu hát chống chếnh trong trăng, bằng niềm thương chợt dậy như sóng dưới lòng sông cồn cào, bằng tình cảm lãng mạn của thời thiếu niên hoa mộng. Vị Chính phu nhân hiện tại, mẹ của Nguyễn Phúc Tần, cũng đã từng giống như ta. Nhưng cuộc đời đã bỏ ta ở lại, bên dòng sông chở đi con thuyền ngự phủ.

Vì thế, trong cuộc gặp gỡ sau đó, ta chẳng khó để gợi lên lòng thương xót, nỗi trắc ẩn và cả khao khát bù đắp chở che của người đàn ông quyền lực đã có mọi thứ trên thế gian.

Bằng hoa và hương, bằng những ảo ảnh không thể nắm giữ, luôn nằm ngoài tầm tay với, ta đã đưa người đàn ông này vào cuộc truy tìm ái tình trong cánh đồng trăng vô tận.

Mối quan hệ được khởi đầu bằng si mê dần dần biến thành gắn kết bằng cả quyền lợi và cuộc sống. Từ vị trí một tình nhân, vị chúa phát hiện ta trong khả năng một đồng bạn. Chẳng rõ là ta hay chính ngài ta đã kéo đối phương vào bóng tối, đem cuộc đời kẻ kia gắn liền với sự tồn tại của bản thân.

Được rồi, đó cũng là một thủ đoạn của ngài ta. Sự sống của ta phải phụ thuộc vào sự tồn tại của vị chúa, và do đó phải trung thành với ngài ta. Một khi đã đứng trong bóng tối, ta không thể nào bước ra ánh sáng. Nhưng cũng có nghĩa, ta sẽ bị tiêu diệt khi không còn cái bóng đứng che?

Đến lượt mình, ta chấp nhận đánh cuộc. Chỉ kẻ đánh mất bản thân mới mất đi sức mạnh. Lòng trung thành của ta không đặt vào bất cứ ai, ta cũng sẽ không đem vận mạng của mình cho bất kỳ ai định đoạt. Dựa vào quyền lực của vị chúa, ta có thể xây dựng sức mạnh cho mình. Ta là một thanh kiếm, có thể giết người và cũng có thể bảo hộ người, có thể nguy hiểm nhưng cũng có thể ích lợi – với kẻ nào có thể nắm giữ.

Bằng sức mạnh của mình, ta có thể tồn tại. Chúa Thượng cần ta cho những sắp đặt cùng thao túng của ngài ta, ta cũng có thể thu lấy sức mạnh từ những kẻ còn sống và ngay cả trên xác chết. Ta lấy danh nghĩa của vị chúa, nhưng người ngoài chỉ biết đến ta, không biết đến ngài ta. Ta có thể gánh lấy oán hận, cũng có thể thu được quyền lực.

Ta đã tồn tại sau khi chúa Thượng qua đời, hẳn nhiên không chỉ vì sự thỏa hiệp của Nguyễn Phúc Trung. Mà bằng sức mạnh của mình, ta khiến Nguyễn Phúc Trung phải thỏa hiệp. Con người có thể chết, thanh kiếm thì không.

Hẳn Nguyễn Phúc Lan cũng đã nhận ra nguy cơ ấy trong những năm tháng sau này. Kẻ sắm vai ác trong một tấn tuồng, không những qua càng nhiều thời gian thì càng có nhiều kẻ ghét bỏ, mà đến lúc cần thiết sẽ phải chết cho vở kịch thành toàn. Qua thời gian, xung đột của ta và Chưởng cơ Nguyễn Phúc Trung cũng ngày càng căng thẳng, đến mức Nguyễn Phúc Trung muốn giết ta – bằng cả những lời đe dọa và hành động ám muội. Khi ta báo lại, vị chúa im lặng. Ngài ta không định bảo vệ ta để ra tay với người em đứng trong Tứ trụ đại thần.

Lúc ấy, Tường quận công đã qua đời. Trung Thành hầu Nguyễn Phúc Trung là tôn thất có thế lực mạnh mẽ nhất, khi Dũng Lễ hầu Nguyễn Phúc Tần còn chưa đủ lông cánh. Quyền lực của Trung Thành hầu Nguyễn Phúc Trung trong triều đình đã khiến Nguyễn Phúc Tần phải xin nhường ngôi vị sau này, chỉ có “ta” là kẻ dám ngang nhiên chống đối.

Tất nhiên, ta không có mặt trên đại điện nhà chúa, chỉ có vị chúa – cùng những yêu cầu “ngang ngược”, “phi lý” của ngài ta – khiến tất cả mọi nghi ngờ oán ghét tập trung về phía ta. Cũng chẳng phải là lạ lùng, khi bao nhiêu quyền lợi, tiền của đều ùn ùn đổ vào nhà ta sau những quyết sách ấy.

Thật ra, chỉ đơn giản là quyền lợi không vào trong tay kẻ này thì sẽ nằm trong tay kẻ khác. Quyền lợi vào trong tay ta tốt hơn là lọt vào tay vị tôn thất quyền khuynh cả chúa như Nguyễn Phúc Trung, hoặc bất cứ ai vị chúa cảm thấy bất lợi.

Nhưng Nguyễn Phúc Trung là một đại quan, và dưới ông ta hầu như là một nửa triều đình họ Nguyễn.

Nên chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan không bảo vệ ta. Ngài ta đã ở một nơi an toàn, mặc cho ta đấu đá với vị thượng quan triều đình nọ. Nguyễn Phúc Trung đã lên tiếng đe dọa công khai, và ta hiểu rằng, nếu ông ta giết được ta, chúa Thượng cũng sẽ không che chở nổi. Kẻ thù của ta đã có quá nhiều.

Nhưng ta cũng chẳng thể làm điều ngược lại với Nguyễn Phúc Trung. Một mệnh quan triều đình như ông ta tự dưng lăn ra chết, ta có ra tay hay không thì cũng phải lên đoạn đầu đài. Người ta chỉ cần cái cớ, không cần lý do.

Ta cũng đồng thời hiểu ra, ta chỉ là một con cờ. Nếu mất ta, Nguyễn Phúc Lan sẽ tìm được một quân cờ thay thế. Mọi sự đều có giới hạn, ngay cả sự “che chở” của ngài ta. Người có thể tha thứ lầm lỗi cá nhân của một kẻ, cho đến khi nó xâm phạm quyền lợi của họ. Người có thể bỏ qua lầm lỗi của một vị chúa, cho đến khi họ cần nó để làm cớ hất văng ngài ta xuống.

Nguyễn Phúc Tần đã phải giết ái cơ của mình vì không thể bảo vệ được cô ta. Trong những hoàn cảnh phải lựa chọn, ai cũng sẽ vì bản thân trước hết.

Sau này, khi viết thư cho cha, ta bảo mình không oán hận ông.

Cuối cùng, qua bao nhiêu năm tháng, thấu rõ tình người, ta đã không còn oán hận cuộc bỏ trốn của cha ta ngày ấy. Ta chỉ còn nhớ rõ, cha đã gánh ta chạy qua nạn đói, qua cái chết và sự khốn cùng.

Nguyễn Phúc Lan bảo ta không biết tha thứ cho cuộc đời. Hoặc là, ta không chấp nhận để bị nhấn chìm, vì bất cứ ai.

Ta không tha thứ cho cuộc đời, không ngừng giáng trả lại những gì nó đem tới bằng mọi giá.

Nguyễn Phúc Lan hay Nguyễn Phúc Trung, kể cả Nguyễn Phúc Tần, tất cả đều là sự lựa chọn, cũng như bọn họ đối với ta. Vô luân, người hỏi? Trong cuộc sống vốn chỉ có những lựa chọn, vốn không hề có lựa chọn, chỉ là tiến lên phía trước, lớn mạnh và tồn tại.

Cuộc đời của những kẻ sống trong bóng tối, vốn không có sắc màu.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.