Bọn họ là anh em nhà Nguyễn Phúc, con của Sãi vương.
Nguyễn Phúc Kỳ là anh cả, Nguyễn Phúc Lan thứ hai, tiếp đến là Nguyễn Phúc Trung và Nguyễn Phúc Anh.
Mùa xuân năm ấy, ta đã gặp bọn họ. Và từng cột mốc trong đời ta gắn liền với những công tử của Sãi vương.
Người có thể hỏi, tại sao cho đến tận những ngày cuối cùng, ta vẫn không hối tiếc, vẫn cho rằng mình sẽ chọn con đường như thế, ngay từ lúc bắt đầu?
Ta chỉ có thể nói, mọi câu hỏi và trả lời đều vô nghĩa.
Người ta có thể đánh giá tất cả chỉ qua kết quả được sao? Người ta có thể lựa chọn khác đi chỉ vì biết trước kết quả được sao – Hay ngược lại, họ chỉ lựa chọn hành động khôn ngoan hơn, tránh sai lầm? Và có những thắng hay bại chỉ có thể do Trời quyết định.
Không, ta không đổ lỗi cho Trời, ta chỉ nói rằng cuộc đời vốn là như thế.
Ban đầu, ta là cô gái vì đánh rơi hài mà đổi phận làm hoàng hậu. Nhưng cuộc đời này không phải là câu chuyện cổ, còn tàn nhẫn hơn là trong truyện cổ. Rằng trong những bước đường cùng, chẳng có sự tái sinh, chẳng có bà tiên hay ông bụt, thậm chí chẳng có một bà lão tốt bụng đưa tay làm chỗ nương nhờ. Cây cau đã gãy, khung cửi thành tro, tâm can thành bụi, cuối cùng cũng chẳng có người năm cũ đón về.
Trong đời thực, những người đàn bà tam trinh cửu liệt chỉ nằm trong hai dạng: Một là chẳng có ai đoái hoài, hai là đã tự tận mà chết để được bảng khen trinh tiết.
Không, ta cũng không cho rằng sự cao quý không hiện diện trên đời. Chỉ là, ai có thể cao quý khi tranh đoạt, dù chỉ là sự sống cho bản thân? Ta trở nên quá đa nghi hay con người quá dễ tự lừa mị mình, khi trong những tốt đẹp cũng bao hàm ích kỷ, trong mỗi hành động đều ẩn chứa tính toán? Lý do đều là cách con người tự bao biện cho mình, khi tất cả thế giới đều là thứ phản chiếu qua hai nhãn cầu nhục thể.
Về điểm này, ta lại có đôi phần tán thưởng Nguyễn Phúc Anh.
Công tử thứ năm của chúa Sãi cho đến khi chết đi vẫn chỉ là một tên thanh niên máu nóng. Trẻ trung, nhiệt huyết, và nôn nóng. Một tên thanh niên mà ánh mắt cháy rực, đầu óc thì giản đơn, thừa nông nổi mà lại thiếu khôn ngoan. Một kẻ không biết cách che giấu bản thân, chỉ biết lao theo ước muốn của bản thân, nhưng cũng vì thế mà chân thực thừa nhận sự tham lam của mình hơn tất thảy. Không đổ lỗi, không tìm lý do, không bao biện, và chấp nhận sự thua cuộc với tư thế của cành cây bị gió quật ngã nhào.
Gã không đủ khôn ngoan, nên cũng là kẻ đầu tiên xuất hiện bên ta. Bất chấp và ngông cuồng.
Sau khi được chúa tha về, ta cũng không thể ở lại phủ của Khánh Mỹ hầu. Nán thêm vài tháng để đợi thằng bé út cứng cáp rồi ta buộc phải rời đi. Với vết nhơ của cha ta, bà Cả đã nhận tất cả con ta làm con, tránh cho chúng nỗi nhục nhã từ họ ngoại.
Ta chấp nhận điều đó. Không mang danh nghĩa con cháu của phản tặc, con ta may ra có cơ hội tiến thân, chẳng phải cúi đầu trước ánh mắt bất cứ ai.
Ta ở bên chúng chỉ mang đến bất lợi. Nên ta được đưa ra sống ở ngoài, một căn nhà lẫn với thường dân. Dư âm của cuộc hành quyết liên quan đến cha ta chưa hết, không mấy ai dám lại gần thân thiết với ta. Chỉ có viên Trấn thủ Quảng Nam đương nhiệm, Ngũ công tử Dương Nghĩa hầu Nguyễn Phúc Anh thản nhiên xông tới.
Chúng ta đã bằng mọi cách xin cho chị, gã nói, nhìn ta bằng ánh mắt rừng rực. Ánh mắt mà sau này ta biết là điểm đẩy gã vào tử địa. Ngày gã đến Quảng Nam nhậm chức, ánh mắt gã khiến các quan bên chúa nghi ngại, liền cài cắm người thăm dò giám sát gã từng bước chân. Hầu như toàn bộ quan viên xung quanh gã là thân tín của nhà chúa. Trong số đó có không ít người thân tín của Nhân Lộc hầu Nguyễn Phúc Lan.
Tôi đang trong thời gian tang chế, xin quan Trấn thủ giữ lễ đừng lui đến nhà bà góa. Ta chỉ điềm đạm nói, mỉm cười. Kẻo người ta nói ra nói vào, tôi không có chín cái mạng để giữ mà cũng ảnh hưởng đến tiền đồ quan Trấn thủ. Chị dâu em chồng thân thiết chỉ khiến người cười cợt, lòng tốt của quan Trấn thủ trở nên uổng phí đi.
Ta thấy lửa bùng cháy trong mắt Nguyễn Phúc Anh. Nhìn ta một lúc lâu, gã bỏ về.
Chẳng biết từ ngày ấy hay đã lâu hơn trước đó, ý định “tạo phản” của Nguyễn Phúc Anh đã hình thành. Hay là, ngay từ lúc chồng ta nằm xuống, cuộc tranh đấu quanh ngai vàng nhà chúa đã bắt đầu. Ngày Nguyễn Phúc Anh được đưa đến Quảng Nam, Nguyễn Phúc Lan đã ngay lập tức cử văn thần thân tín đến làm Ký lục trông chừng. Lũy Nhật Lệ đắp xong, chúa Trịnh đem quân đến đóng đồn giữ Bắc Bố Chính, Nguyễn Phúc Anh lập tức kiếm cớ vu vạ cho người chú họ đang trấn giữ Quảng Bình để định thay thế vị trí của ông ta. Chúa Sãi không tin tưởng người con này, cho con rể Nguyễn Phúc Kiều đến Quảng Bình trấn giữ, Nguyễn Phúc Anh giận dữ liền viết thư xin quy thuận với họ Trịnh. Quân Trịnh đánh đến, không thấy Nguyễn Phúc Anh tiếp ứng liền dừng lại chờ đợi, bị quân Nam đánh tan.
Tất nhiên, những chuyện ấy đều được kể lại sau này, thật giả bất phân. Thật dễ dàng để đẩy cho người ngã ngựa những tội lỗi nhằm nhấn hẳn họ xuống bùn. Sự thật có lẽ chỉ là quân Trịnh không vượt được cửa biển cắm đầy chông của Nguyễn Phúc Kiều, lũy Trường Dục của Nguyễn Hữu Dật. Nhưng có lẽ một phần của nó là thật, như việc Nguyễn Phúc Anh tranh giành vị trí trấn giữ cứ điểm Quảng Bình. Gã luôn luôn không đủ khôn ngoan.
Ngày hầu sai của chúa đến tìm đưa Nguyễn Phúc Anh về Quảng Bình, gã lại đang đi săn trong núi, sự “ham chơi” khiến chúa nổi trận lôi đình. Nghĩ lại, có phải những Ký lục, văn chức xung quanh viên Trấn thủ này thật đã chẳng trông chừng được gã?
Vậy mà gã chẳng đủ khôn ngoan để nhận ra. Để rồi, lần nữa lại trao vận mệnh của mình vào tay một tử thần, kẻ đẩy hẳn gã vào chỗ chết: Vân Hiên tử, viên Ký lục do Nhân Lộc hầu Nguyễn Phúc Lan phái tới. Nguyễn Phúc Anh mưu nổi dậy, Phạm Ký lục hợp bàn mưu đắp lũy Cu Đê giữ Quảng Nam – và ngay lập tức đem tất cả sự tình vượt Ải Vân về bẩm báo với vị chúa mới. Lũy Cu Đê mỏng như tình người không chặn nổi đạo quân từ Thuận Hóa.
Cuốn sổ “Đồng tâm hướng thuận” nào đó chỉ là một trò hề. Viên Ký lục Vân Hiên đã đắp lũy Cu Đê kia chẳng lẽ không nhận ra Nguyễn Phúc Anh đã làm gì trong bấy nhiêu năm? Cuộc thanh trừng đã diễn ra, các võ sĩ của nhà chúa được phái đi hạ sát tất cả những kẻ có tên trong sổ - Trong bí mật âm thầm. Máu đã nhuộm đỏ Quảng Nam, dù cuốn sổ chỉ còn một nửa. Một nửa rơi đầu mất mạng, nửa khác run sợ hoảng kinh. Nửa cuốn sổ còn lại là án tử mà chúa Thượng treo lơ lửng trên đầu mọi kẻ.
Người ta không thể thấy rồng, cũng chẳng ai thấy chằn tinh. Nhưng ai cũng biết nỗi sợ.
Một thủ đoạn mà sau này con trai ngài ta lặp lại. “Đồng tâm hướng thuận”? Một cuốn sổ như thế để làm gì, khi ngay cả những người được ghi tên trong ấy cũng chẳng biết sự hiện diện của nó? Xé một nửa hay toàn bộ bóng ma chỉ làm nó bể toác ra rộng lớn hơn. Nguyễn Phúc Lan có thể sử dụng nỗi sợ để đe dọa con người, Nguyễn Phúc Tần cũng có thể sử dụng nó để thao túng con người.
Một nửa cuốn sổ là hủy diệt, một nửa là đe dọa. Những kẻ còn lại, có tội hay vô tội, cũng đều run lên sợ hãi trước lưỡi đao của cái chết quét qua. Những kẻ đáng giết đã phải chết, những kẻ còn sống phải quy phục.
Nguyễn Phúc Anh đã cười. Ngửa đầu lên trời, gã cười sằng sặc. Trong lửa cháy đỏ bến cảng Đà Nẵng, đoàn quân đã chiếm được Chiêm dinh kéo đến. Trên bành voi, gã thanh niên ngửa đầu cười như điên dại. Có lẽ gã cũng đã nhìn thấy Vân Hiên hầu.
Cảnh tượng ấy, cùng với cuộc tàn sát âm thầm sau này, trở thành một nỗi ám ảnh với những kẻ ít nhiều liên quan. Gã công tử điên cuồng ngu ngốc kéo tất cả vào chỗ chết, những kẻ nông cạn nói. Riêng trong mắt ta, gã trông như con thú đã bị lọt bẫy.
Ngày ấy, chúa Sãi vừa đột ngột qua đời khi quân Trịnh đang kéo đến ngoài Nhật Lệ. Cuộc chiến vừa mới bắt đầu khi tình hình chia rẽ trong nội bộ vẫn chẳng khá hơn. Bất hiếu và phản nghịch, tội lỗi giáng xuống Nguyễn Phúc Anh và thuộc hạ của gã, đồng thời càn quét qua Thuận Quảng. Trong lúc ấy, vị chúa Thượng ở phương Bắc đang nhỏ nước mắt khóc than cho tình cảnh huynh đệ tương tàn, định nhờ người chú Tường quận công trao lại ngôi vị cho em để tránh can qua. Khi Nguyễn Phúc Anh bị bắt giải về, cũng là quần thần “buộc” ngài ta ra tay hành quyết.
Ngài ta, vị chúa Thượng ấy, luôn tạo ra ấn tượng là một kẻ lúc nào cũng phải cậy nhờ người khác. Trước khi lên ngôi, Nhân Lộc hầu không phải là một công tử nổi bật, được trao quyền hành trong những vị trí quan trọng. Khi sắp qua đời, chúa Sãi không trao quyền cho ngài ta mà là Tường quận công. Người ra lệnh đánh Quảng Nam là Tường quận công. Và trong cả những cuộc chiến sau này, ngài ta cũng chẳng bao giờ ra tiền tuyến. Ban đầu là Tường quận công, Trung Thành hầu, sau đó là Dũng Lễ hầu con trai ngài ta ra trận, vị chúa luôn luôn là kẻ đứng sau.
Nổi bật trên chiến trường là Trung Thành hầu Nguyễn Phúc Trung, năng nổ trong triều chính là Dương Nghĩa hầu Nguyễn Phúc Anh, Nhân Lộc hầu chỉ có lợi thế lớn tuổi nhất trong số người còn sống.
Nhưng ngay lúc ấy, ta đã biết, ngài ta là kẻ mạnh. Ngài ta là người chiến thắng. Nguyễn Phúc Anh đã đại bại, và Nguyễn Phúc Trung sau này cũng phải chịu thần phục ngài ta. Tất cả triều đình phải thần phục ngài ta – Ngay cả trong những hành xử bạc ác và quái gở dưới tác động của ta sau này, tuyệt không ai dám động cựa một lời.
Chẳng lẽ người tin rằng ta có sức mạnh khống chế toàn bộ triều đình họ Nguyễn? Rằng chỉ với sự tác động của ta, Nguyễn Phúc Trung mới tạo phản sau khi chúa Thượng qua đời?
Dương Nghĩa hầu Nguyễn Phúc Anh, có lẽ là người con yêu nhất của chúa Sãi, đã phải chịu một kết thúc thảm khốc. Nhưng gã thanh niên cuồng ngạo ấy đã chấp nhận tất cả mà không hé môi oán trách. Nhờ sự im lặng của gã, nửa số người còn lại đã được bảo toàn. Trong đó có cả ta.
Không, thời gian ấy, cuộc nổi loạn ấy chẳng đem lại ích lợi gì cho ta, ta không tham gia vào. Nhưng Vân Hiên tử cũng đã cất giấu một bí mật cùng với Nguyễn Phúc Anh về mối quan hệ của gã và ta. Một bí mật được cất giấu vì để lộ ra chỉ đem đến bất lợi cho tất cả. Sau khi giết người em ruột, chúa Thượng lẽ nào còn muốn đụng chạm tới gia đình anh trai đã khuất?
Cũng có thể, vị chúa không trừng phạt vì hành động của Nguyễn Phúc Anh cũng là những gì ngài ta muốn. Và ước muốn của Nguyễn Phúc Anh cũng là những gì ngài ta thực hiện sau này.
Chỉ kẻ mạnh mới có thể toàn quyền làm những gì mình muốn. Chỉ kẻ mạnh nhất mới có thể đạp lên tất cả, chống lại tất cả.
Ngay khi nói những lời kia với Nguyễn Phúc Anh, ta đã lường tới những gì gã sẽ làm. Gã thanh niên máu nóng ấy, ngay khi chiếm được Quảng Nam, đã tới tìm ta.
Người bảo, ta có nên nhảy xuống sông để được tặng biển tam trinh cửu liệt?
Kẻ mạnh, quả nhiên, có quyền làm tất cả.
Nhưng mối quan hệ ấy lại đem tới cho ta một mối lợi sau này: Nửa còn lại của cuốn sổ. Bí mật của Vân Hiên tử, chúa Thượng, và ta.
Khi còn là bà Ba của Khánh Mỹ hầu, ta đã có vài mối quan hệ với những đại thương phú trong vùng. Họ đến nhờ cậy ta, hoặc ta kết thân với vợ con họ. Thậm chí ta thân thiết với nhiều người ngoại quốc, thông qua các cố đạo vẫn được Khánh Mỹ hầu mời về phủ. Chồng ta có hảo cảm với Thiên Chúa giáo, mà số người Nhật Bản qua lại ở Hội An đến từ Nagasaki – địa phận Thiên Chúa giáo của Đông Doanh. Ngoài số tiền lương và nguồn thu từ tự điền, nguồn được cấp, rất nhiều gia đình quan lại tham gia vào việc bán buôn. Phụ nữ xứ sở này còn thông thạo buôn bán hơn nam giới. Gia đình của quan Trấn thủ Quảng Nam giàu có này, số của chìm của nổi không đếm hết. Mối lợi hấp dẫn đến mức chúa Sãi cũng từng cho người thu gom tài vật về mua bán, để Đào Duy Từ phải chế giễu “chúa đi buôn”.
Tuy đã dọn ra ở ngoài, ta vẫn còn một số tài sản, điền trang tích góp được từ trước. Nguyễn Phúc Anh làm Trấn thủ Quảng Nam, tạo điều kiện cho ta xây dựng hiệu buôn, lập kho thu hàng. Chiến cuộc xảy ra, thông thương tắc nghẽn, giá lúa gạo thực phẩm tăng vọt, ta đem bán lại. Qua một đợt thanh trừng, Quảng Nam như ngồi trên lửa, ta lại nhanh chóng thu gom số tài sản của những người bị hành hình.
Loạn lạc chính là mỏ vàng cho những kẻ cơ hội.
Thậm chí ta nghĩ Vân Hiên tử cùng chúa Thượng dung dưỡng cho ta tác oai tác quái, bắt chẹt những kẻ bị ta nắm thóp vì muốn mượn tay ta khống chế bọn họ. Ở trong chợ thường có bọn lưu manh họp thành nhóm, đe dọa các hiệu buôn phải chi tiền cho chúng. Mỗi ngày, chúng cho bọn lâu la lượn lờ từ đầu phố đến cuối phố, nhắc nhớ mọi người đến sự tồn tại cùng nỗi sợ hãi chúng đem tới. Có lẽ, ta cũng đóng vai trò của bọn lâu la ấy.
Nhưng đó là chuyện sau này. Khi ấy, ta chỉ là con buôn nho nhỏ mới ra ràng, nhờ cơ hội mà nhanh chóng trở nên lớn mạnh. Ta nhanh chóng xây dựng được thế lực trên mảnh đất Quảng Nam tan tác sau trận chiến, lòng người nơm nớp. Nhưng ta là một bà góa, không quyền không thế, sản nghiệp càng to lớn càng thu hút bọn ruồi nhặng bu vào. Bọn đàn ông trong chốn quan trường, có kẻ chỉ dựa vào mấy đồng mua được chức ty lại, cũng cậy quyền mà bức bách, kẻ muốn tiền, kẻ thèm sắc. Cái bóng của Khánh Mỹ hầu thưở trước đã tan vào không khí. Mấy năm bươn chải chốn thương trường, ta nếm trải ít nhiều cực nhục.
Thông minh thì sao, tài năng thì sẽ thế nào? Dù có tiền, ta cũng không mua được chức quan, đòi được chút ít sự tôn trọng. Quan lại vơ vét, thương buôn quỵ lụy, có dựa vào nhau để cùng kiếm lợi thì kẻ có quyền vẫn ở thế bề trên. Quan có thể bắt lại một chuyến hàng, chiếm lấy vài kho bãi, đốt nhà phá thuyền mà chẳng cần lý do gì – hoặc một lý do hoang đường nào đó mà họ nghĩ ra. Những đồng bạn buôn bán cũng nào phải là thiện nam tín nữ, tiền bạc trong vùng đất này đều phải đổ máu mới có được. Trả giá, đó là những gì ta đã học được trong những năm ấy. Trả bằng cả tiền bạc, thân xác, liêm sỉ, tự trọng, và nhân tính.
Cuối cùng, ta nhận ra cha ta đã đúng. Nếu không muốn bản thân bị nghiền nát, lăng nhục bởi muôn vạn kẻ, hãy tìm đến người mạnh nhất.
Thế gian này không có khoan dung, nhất là với một người đàn bà.
Nhan sắc là một món quà, cũng là một mối họa tai. Nếu không sử dụng được nhan sắc, chính nó sẽ nhấn người xuống bùn lầy vĩnh viễn.
Ta đến Kim Long, tìm gặp người mạnh nhất. Chúa tể của Đàng Trong.
Năm ấy mùa xuân, ta đến cùng lúc với cuộc hành hương cúng miếu đường của chúa Thượng. Bên bờ Kim Long, thuyền đậu san sát. Phủ chúa nguy nga, tường xanh ngói đỏ. Phố xá sầm uất, nghiễm nhiên trở thành một khu thương mãi lớn.
Khi chúa xuất hiện, tiếng hô dậy đất. Đoàn thị vệ phải có đến hai ngàn người, tiền hô hậu ủng, cờ xí rợp trời. Người trong vùng đã tránh đi cả dặm vẫn cúi rạp người trên đất, không dám ngẩng mặt lên. Trên bành voi, dưới quạt lông lọng vàng, vị chúa ngả lưng nhìn ra xa, như chẳng bận tâm đến điều gì trên thế gian – những kẻ đang cúi rạp người, đang hộ tống, đang dùng tính mạng, cuộc đời và bản thân để phụng sự, tôn vinh, bảo vệ ngài ta. Cái thế gian do chính ngài ta thay đổi, xếp đặt, tạo thành, tuân theo ý muốn của ngài ta. Cái thế gian, con người và thành thị, cánh đồng và dòng sông, thảy đều phủ phục, nằm dưới chân ngài ta.
Ta chợt hiểu ra, điều gì đã khiến cha ta cuồng si vọng tưởng hình ảnh này đến thế.
Trả giá, đó là những gì ta đã học được. Để trở thành kẻ mạnh, phải trả giá. Cuộc đời, thân xác, mạng sống, phẩm giá và nhân tính, tất cả đều phải sẵn sàng trao đổi.
Kẻ ở trên cao kia, người mạnh nhất của xứ Đàng Trong, đã bước trên con đường lầy máu tới ngai vàng. So với những gì ngài ta đã đổi, cái giá mà cha ta phải trả quả thật quá nhỏ.
Có một bí mật giữa ta và những người con trai của Sãi vương.
Người đời gọi bọn ta là những kẻ vô luân, xem sự si mê của bọn họ dành cho ta là điên cuồng ngu ngốc – dù chẳng ai trong bọn họ ngu ngốc si cuồng. Thậm chí, ta nghi ngờ rằng bọn họ còn chẳng biết yêu thương ai ngoài bản thân. Nhưng cũng vì thế, bọn họ yêu ta – như yêu chính bản thân bọn họ.
Cuộc đời chúng ta đi song song nhau, từ mùa xuân năm ấy cho đến ngày tận diệt.