24. Mối tình đầu - Cô gái nhà dưới - Đoạn kết
Mối tình đầu của Vũ Thủy là người đàn ông trong tòa nhà cao tầng. Lúc đó, anh ta hai mươi bảy tuổi, nó mới chỉ mười sáu.
Hiện giờ thì Vũ Thủy không thể nhớ được tại sao lại yêu con người ấy, nhưng nó biết rõ mình chưa bao giờ hết yêu anh ta. Khi một kẻ vô tâm và hay quên lại đi yêu thương, chắc chắn đó là một thứ tình cảm trong sạch và lâu bền. Một thứ đã xuyên qua lớp sương bồng bềnh phù phiếm, chạm tới đáy sâu và ở lại nơi ấy, không gì có thể chạm đến được. Cho dù tất cả những ký ức, xuyến xao, cảm giác đều đã biến mất, đã phai nhạt, thì tình cảm vẫn còn lại.
Vũ Thủy chỉ nhớ ấn tượng đầu tiên về anh ta. Đó là, dù có làm gì, nó sẽ luôn được tha thứ.
Đó là một thứ cảm xúc khiến nó gần như muốn khóc. Cho đến tận giây phút ấy, nó chưa bao giờ biết đến điều gì gần như sự bao dung. Luôn luôn, tất cả mọi người đều muốn nó làm hoặc không làm một chuyện gì đó, đạt đến một cái gì đó. Không phải nó luôn luôn nghe lời. Nhưng nó luôn luôn chuẩn bị để trả giá cho những lần đi chệch đường ray ấy. Lâu dần, nó cho rằng, tình cảm và sự nâng niu cũng là một thứ để trao đổi và có điều kiện.
Giữa người đàn ông ấy và Vũ Thủy, chưa bao giờ là sự trao đổi và tất cả đều chẳng có điều kiện nào. Vì anh ta không yêu nó.
Đáng lẽ, đó là điều nên gây ra đau đớn.
Những năm tháng sau này, Vũ Thủy vẫn nhớ về một cánh đồng cỏ úa trải dài ra tít tắp. Màu xanh từ mùa hạ đã bị màu vàng lan dần dần như nắng loang. Trơ lại những gốc cỏ vàng vẫn còn bám vào đất bằng những cái rễ nho nhỏ bị đất né tránh và xa cách. Tất cả đã rã ra dần dần dưới cái tổng thể rối tung hỗn loạn ấy.
Tình yêu cũng giống như mưa. Đồng cỏ hát rào rào dù giọt nước sẽ tan ngay trên phiến cỏ khô, không rơi được xuống mặt đất.
Âm thanh đồng cỏ mùa thu khác với ngày trong hạ.
Vũ Thủy, ngẩng đầu nhìn trời xám, chân buông thõng xuống từ lan can của tòa cao ốc. Không đợi, không chờ. Chẳng bao giờ biết rằng mình nên đau đớn.
Gió thổi lồng lộng trên tầng cao. Vũ Thủy dang hai cánh tay, bên tai ù ù tiếng gió. Vẫn muốn nhảy múa. Một mình.
Em không đọc nữa. Liên Hoa trả sách cho tôi. Ngón tay cô vẫn chần chừ một chút trên bìa sách in hình những cánh hoa bướm, trước khi để lại nó trên bàn, giữa chúng tôi.
Tại sao?
Có cảm giác rất khó chịu. Như thể mình đang hỏi thăm sức khỏe một người, nhưng họ chỉ tay lên trời, tả hoa tả bướm. Có những thứ mà em cảm thấy người viết đang tránh né, cố tình không muốn nhắc tới.
Liên Hoa phác tay vào khoảng không. Tôi thấy lớp bụi nắng đang len qua cửa sổ loãng ra, bay tứ tán. Ánh mắt Liên Hoa lại nhìn xuống cuốn sách, cô cắn nhẹ môi.
Rồi sau này thế nào? Câu hỏi của Liên Hoa buông lửng lơ. Tôi nhìn ra con đường vàng nắng ngoài cửa sổ, im lặng.
Đáng lẽ em nên đọc tiếp. Sau một lúc, tôi nói. Có một đoạn về cô gái nhà dưới. Chương ba.
À, em có lướt qua. Cô gái học trường múa, ở tầng nhà dưới, phải không? Có gì đặc biệt?
Anh nghĩ đến mẹ, đó chỉ là câu trả lời trong tâm trí tôi. Đoạn văn ấy vẫn được viết bởi lời lẽ thủ thỉ nhẹ nhàng và dường như là dửng dưng. Một chương rất ngắn, nói về một chuyện hầu như chẳng liên quan gì đến cốt truyện. Vậy mà, sự hiện diện của nó lại khiến tôi phải giở đi giở lại, không thể nào dứt khỏi tâm trí.
Phòng của gia đình chị ở ngay dưới nhà của gia đình Vũ Thủy, tầng trên làm gì thì tầng dưới đều nghe thấy. Thi thoảng, nước bơm tràn trên phòng tắm nhà Vũ Thủy còn chảy xuống nhà chị, để mẹ chị, một giảng viên đại học có lẽ là nỗi sợ hãi của nhiều sinh viên, lại có dịp ca cẩm om sòm.
Chị rất đẹp. Trong mắt Vũ Thủy, chị đẹp hơn cả các hoa hậu, hoa khôi hay người mẫu mà nó nhìn thấy trên truyền hình, trên lịch hay tạp chí. Mười tám tuổi, chị rực rỡ như hoa, nhất là trong những bộ phục trang biểu diễn trên sân khấu. Vũ Thủy nhìn thấy chị biểu diễn vài lần, trên tivi, trên sân khấu nhà hát lớn, trong những tấm ảnh mà mẹ chị đem khoe. Chị trên sân khấu là hình tượng của một tiên nữ. Sau này, dù không thể nào nhớ được hình ảnh chị, nó vẫn cho rằng, trên thế giới này, không có ai đẹp được đến như vậy.
Sau này, dù không nhớ được khuôn mặt chị, nhưng Vũ Thủy lại nhớ rõ ràng cái tên Nguyễn Hòa Giang. Hòa Giang, dòng sông yên bình. Thưở ấy, mẹ Vũ Thủy thường hay nhắc đến chị, suýt xoa khen ngợi, ao ước có một đứa con gái như thế. Vũ Thủy nhìn trộm mình trong gương, thấy vẻ loắt choắt của nó, chẳng bao giờ tin rằng mình sẽ có thể là một cô tiên sống trong bảy sắc cầu vồng như chị. Nhưng nó chẳng bao giờ tủi thân vì nỗi ước ao của mẹ. Nó cho rằng, đó là điều đương nhiên.
Mười tám tuổi, chị tốt nghiệp, rồi đi học, đi làm. Nó rất ít khi gặp chị. Mẹ nó vẫn hay nhắc đến chị, nhưng dần dà là những câu chuyện xung quanh công việc, quanh những chàng trai, hay đàn ông bám theo chị. Mẹ vẫn xuýt xoa, cho rằng chị sẽ lấy được chồng giàu.
Rồi, một lần vô tình nào đó, Vũ Thủy không nhớ được chính xác hoàn cảnh nào, mẹ đã kể cho bà hàng xóm rằng mỗi đêm chị đi múa về, tiền nhét đầy trong áo ngực.
Với Vũ Thủy ngày ấy, đầu óc giản đơn và không biết nhiều về những chuyện "của người lớn", nó vẫn biết rằng điều mẹ vừa kể là không hay ho gì. Ngực con gái là nơi cấm kỵ người khác chạm vào. Nhét tiền vào áo ngực là một hành vi thô lỗ, nói chung là rất xấu. Nhưng mẹ đã kể với sự thản nhiên như thể đó là đương nhiên.
Chị vẫn biểu diễn trên tivi, trên sân khấu lớn, đạt nhiều giải thưởng, có lần được ra cả nước ngoài biểu diễn. Nhưng dần dà Vũ Thủy biết rằng hàng đêm chị vẫn đến các sân khấu phòng trà, tụ điểm ca nhạc, quán ăn, nhà hàng biểu diễn. Hành động nhét tiền vào áo ngực diễn ra ở những nơi ấy. Đó là điều đương nhiên.
Chị vẫn là nàng tiên của những điệu múa thần thoại trong lòng Vũ Thủy. Chị vẫn là cô gái ngoan ngoãn, niềm ao ước của nhiều bà mẹ có con gái trong chung cư. Vũ Thủy không thể nào tách bạch rạch ròi những điều nó đã nghe, đã biết. Nó đành đứng xa xa nhìn, ngẫm nghĩ. Nhà chị khá giả nhất nhì khu chung cư này, tiền không phải là điều qúa cần thiết đối với chị. Thế thì, tại sao chị phải chấp nhận chuyện xấu như bị nhét tiền vào ngực?
Nhiều năm sau này, trong một dịp trở lại khu nhà, khi mà chị cũng đã dọn đi, Vũ Thủy lại nghe được tin về chị. Chị đã lấy một doanh nhân người Nhật, không còn múa nữa.
Nhiều năm đã trôi qua, cái tên chị là điều duy nhất mà Vũ Thủy còn nhớ được.
Anh đang nghĩ gì vậy? Liên Hoa lên tiếng, mày hơi cau lại trước sự im lặng của tôi. Tôi nghĩ gì, bản thân tôi cũng không rõ. Sau lần nói chuyện ấy, Thiên Thiên đã không còn xuất hiện nữa. Nick cô luôn luôn tối, và cô chẳng trả lời khi tôi gọi. Trong lúc chờ đợi, tôi đã có một cảm giác gần như là ngần ngại và hầu như nhẹ nhõm khi đóng nắp máy lại sau hồi lâu yên lặng.
Rất muốn nói lại một câu mà Mộc Thảo, hoặc là Thiên Thiên, hoặc là cả hai đã viết: Nhiều năm đã trôi qua... Nói ra điều đó như là một sự xác nhận, không cay đắng hoặc buồn phiền. Nhiều là một từ rất khó xác định, thường thì nó cho người ta một chút an toàn. Như thể đặt chân lên mặt đường đẫm ướt, nghe hương lá cỏ cùng mùi đất hăng hăng dìu dịu lan trong khí trời âm ẩm, tin chắc rằng cơn mưa đã đi qua, dù chỉ trong khoảnh khắc này.
Nhiều năm đã trôi qua, tôi nhắc đi nhắc lại nó trong tâm trí mình. Đến mức rồi tôi lại cảm thấy mình bị đẩy ra xa tít tắp, ngay cả với bản thân hiện tại.
Em đọc đoạn cuối câu truyện chưa? Trên con đường vắng, lũ chim sẻ lại tụ tập đậu về, vừa nhảy vừa kêu lích chích. Tôi nghe tiếng Liên Hoa thở khẽ, rồi ngón tay cô gõ nhẹ trên bàn.
Có. Câu cuối cùng là "Mưa thì phải rơi".
Những gì ở qúa cao rồi sẽ rơi. Tiếng em đều đều đan cài vào giọng nói của Liên Hoa, như thể vang lên từ trong ảo giác tôi, hoặc là ký ức. Không, em chưa từng đọc lên đoạn văn ấy, chưa bao giờ.
Vũ Thủy buông mình xuống. Trời xanh cao tít ngày càng xa vời vợi. Vũ Thủy đang rơi.
Mưa thì phải rơi.