Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

A voyage to Cochinchina – 04
Trường An November 20th, 2009

Ông không ngại giao tiếp với họ trên cương vị một Tướng quân, nhưng từ chối để họ coi mình là một Chúa tể.

Từ năm 1790 mà Nguyễn Ánh trở lại Nam Hà cho đến năm 1800, ông chỉ được hưởng 2 năm yên bình, 1797 và 1798, và 2 năm này, trong mọi khả năng, là quan trọng nhất trong sự nghiệp nhiều trắc trở của ông. Dưới sự che chở của Giám mục Adran, người mà mọi hướng dẫn của ông ta đều quan trọng như tiên tri, ngài ta hướng sự chú ý của mình vào việc cải tiến đất nước. Ông thành lập nhiều cơ sở sản xuất muối hột ở Fen-tan (Chăm-pa trong bản đồ), mở đường thông thương giữa những thành thị và cảng quan trọng, trồng cây hai bên đường cho bóng mát. Ông khuyến khích trồng cau và trầu không, những đồn điền đã bị hủy hoại bởi những kẻ nổi dậy. Ông treo thưởng cho việc nhân giống dâu tằm, khiến phần lớn đất đai được chuẩn bị để làm đường, và thiết lập những cơ sở cho sản xuất hắc ín, nhựa đường, nhựa cây. Ông cho đúc hàng ngàn khẩu súng hỏa mai, mở một mỏ kim loại, và mở lò luyện kim. Ông tổ chức quân đội của mình thành những trung đoàn, mở các trường dạy chiến thuật, nơi những tướng lãnh được hướng dẫn sử dụng súng và quân dụng bởi các sĩ quan người Pháp. Adran đã dịch một hệ thống chiến thuật để dùng trong quân. Trong 2 năm này, ông đã tạo ra ít nhất 300 thuyền chứa súng và ghe chiến 2 tầng, 5 tàu vận tải, và một tàu chiến 3 tầng theo mẫu mới nhất của châu Âu. Ông khiến chiến thuật thủy quân được đưa vào chỉ dạy, và những tướng thủy quân của ông được hướng dẫn dùng dấu hiệu để điều trận. Một quý ông Anh quốc mà tôi đã nói rằng đến Sài Gòn vào năm 1800, đã nhìn thấy một đội thủy quân gồm khoảng 1200 thuyền có buồm, răm rắp tuân theo vị vương này, nhổ neo và xuôi dòng xuống cuối sông theo trật tự tuyệt hảo, trong 3 nhóm chia cách, dàn hàng trước trận chiến, với những hiệu lệnh liên tục phát ra, thông qua những dấu hiệu mà họ thực hành.

Trong khoảng thời gian yên bình này, vị chúa dường như đã định cải thiện lại luật pháp, không nghi ngờ là do ảnh hưởng của Giám mục. Ông bãi bỏ vài hình phạt, mà cho đến nay luật của xứ sở này vẫn miêu tả. Ông giảm nhẹ hình phạt có vẻ không cân xứng với tội lỗi phạm phải. Ông mở những trường công mà cha mẹ phải gửi con đến từ năm 4 tuổi, dù rất khó khăn. Ông tạo ra một hệ thống luật và quy trình sắp xếp để thu hút sự chú ý của những thương nhân đến vương quốc của ông; xây cầu bắc qua sông; để phao cứu hộ và đánh dấu những vùng nguy hiểm tại tất cả các bờ biển, lập đội cứu hộ tại các vịnh và cảng. Ông gửi các tùy phái đến những vùng núi phía Tây vương quốc,ở những vùng gần với Lào và Miên, những vùng đất man dại mà ông muốn đưa vào xã hội công dân và chính quyền tốt đẹp. Những người sống trong núi này bị người China khinh miệt gọi là "người có đuôi", dù trong mọi khả năng, họ là con cháu từ tổ tiên gốc của quốc gia lâu đời này. Tóm lại, vị vua này, bằng nỗ lực không mỏi mệt của chính mình để sáng tạo và sản xuất, như vua Peter của nước Nga, mà không cần dùng vũ lực, làm gương cá nhân cho thần dân mình; và như vua Alfred bất tử của chúng ta, không ngần ngại khó khăn để cải tạo lại đất nước. Hoạt động và nỗ lực của ông sẵn sàng được hiểu trong hoàn cảnh mà ông có, chưa đầy 10 năm, từ 1 chiếc tàu duy nhất thành đội thủy quân 1200 tàu, và 3 trong số đó là sản phẩm của châu Âu. Chừng 20 tàu lớn, tương tự với kiểu mẫu China, nhưng được cải tiến và vũ trang, số còn lại là tàu lớn trí súng và tàu vận tải.

Nguyễn Ánh tiêu biểu cho, với ý nghĩa nghiêm ngặt nhất của từ này, một chiến binh hoàn toàn. Ông nghe nói là yêu thích và qúy trọng tiếng gọi tướng quân hơn chúa tể. Ông được mô tả dũng cảm nhưng không hấp tấp, đầy mưu chước trong những hoàn cảnh khó khăn để vượt qua. Quan điểm của ông thường rõ ràng; sự chỉ huy của ông rắn rỏi; ông không bị khó khăn đánh gục hay lảng tránh chướng ngại. Cẩn trọng trong quyết định, nhưng khi hành động, ông cương quyết mạnh mẽ thi hành. Trong trận chiến, ông xuất sắc nổi bật. Là lãnh đạo quân đội, ông vui vẻ và hài hước, thủ lễ và chú tâm đến mọi quan tướng dưới quyền, ông tránh tỏ ra là có 1 cá nhân nào được yêu thích đặc biệt. Trí nhớ của ông rất chính xác, ông được nói là nhớ tên hầu hết đội quân của mình. Ông hứng thú bất thường trong việc trò chuyện cùng các chiến binh của mình về hành trình và khám phá của họ; ông có những lời khuyên đặc biệt cho vợ và con họ; nếu trẻ sắp đến trường, hay cách nào sắp xếp cho chúng khi trưởng thành, nói chung, từng chi tiết trong mối bận tâm cá nhân của họ.

Thái độ của ông với người ngoại quốc lịch sự và chiếu cố. Ông chú ý đáng kể đến những sĩ quan Pháp trong quân đội, và đối xử với họ bằng sự lịch sự cao nhất, thân mật và hài hước. Trong mọi cuộc đi săn của ông, và mọi hình thức giải trí khác, một trong những sĩ quan này luôn được chú ý mời. Ông cởi mở bày tỏ lòng kính trọng với những giáo lý Công giáo, chấp nhận mọi đạo giáo này cũng như các tôn giáo khác trong lãnh thổ mình. Ông quan tâm tỉ mỉ đến đạo hiếu, và như một người Nho giáo, hạ mình trước mẹ (vẫn còn sống) như một đứa trẻ trước chủ nhân. Ông thông thuộc tất cả các tác phẩm của các danh gia China, và qua bản dịch cuốn từ điển báck khoa của Adran, ông tiếp thu được lượng kiến thức khổng lồ về nghệ thuật và khoa học châu Âu, trong đó ông chú ý nhất đến việc hải hành và đóng tàu. Bắt đầu, bằng thứ có vẻ như tư liệu đáng tin cậy nhất để hấp thụ được toàn bộ kiến thức về thực hành cũng như giả thuyết về hải hành của người châu Âu, ông mua một chiếc tàu Bồ Đào Nha cũ, tự tay rã nó ra nhiều mảnh, từng tấm ván một, rồi ghép vào một mảnh có hình dáng tương tự, cho đến khi từng xà, từng cột được thay thế mới, và con tàu hoàn toàn được cải tiến.

Sức mạnh tinh thần của ông không thua kém tài năng quản trị thực tiễn. Ông đại diện, thực sự, cho tất cả nguồn gốc các hoạt động trong vương quốc giàu có và phát triển của mình. Quản lý tất cả các cảng và kho chứa, làm chủ việc lái một chiếc tàu lớn, kiến thiết nên tất cả công việc, không có gì nằm ngoài tầm kiểm soát và chỉ dẫn của ông. Không một chuyến tàu nào lọt khỏi mắt ông, không một khẩu súng nào được làm ra ngoài lệnh ông. Ông không những chỉ hướng dẫn từng chi tiết một, mà còn thực sự đến quan sát nó tiến hành.

Để giúp ông có thể chú tâm tốt hơn đến việc điều hành chính quyền, cuộc sống của ông được sắp đặt chặt chẽ. Vào lúc 6 giờ sáng, ông trở dậy, tắm nước lạnh. Vào lúc 7 giờ, ông làm công việc của 1 tổng quản: thư trong ngày hôm đó được đọc hết, mỗi lệnh của ông được thư ký ghi lại. Sau đó ông tới kho hải quân, xem xét công việc đã được thực hiện khi ông vắng mặt, đi quanh vịnh, thanh tra tàu chiến. Ông đặc biệt chú ý đến kho pháo, trong đó, đại pháo đủ mọi kích cỡ được xếp liền nhau.

Từ 12 đến 1 giờ, ông ăn trưa tại Xưởng thuyền, thường là cơm và cá. Đến 2 giờ, ông trở về phòng và ngủ đến 5 giờ, ông trở dậy, gặp gỡ thủy quân và các tướng lãnh, người đứng đầu các phòng bộ, khuyến khích, tôn trọng, hoặc sửa chữa những gì họ đã làm. Những công việc này chiếm thời gian của ông đến chừng nửa đêm, sau đó ông về phòng riêng để ghi chú các chiếu chỉ hay mệnh lệnh mà sự kiện trong ngày gợi ra. Ông sau đó ăn tối nhẹ, gặp gỡ gia đình chừng 1 giờ, đi ngủ lúc chừng 2 hay 3 giờ sáng, nghỉ ngơi khoảng chừng 6 giờ trong 24 tiếng.

Ông không bao giờ uống rượu China, hay bất cứ chất có cồn nào, cho phép mình 1 lượng thịt rất nhỏ. Một con cá nhỏ, gạo, rau và trái cây, cùng với trà và 1 chiếc bánh nhỏ, thường xuyên là khẩu phần của ông. Như dòng dõi China, mà ông khoe, từ một gia đình qúy tộc của Minh, ông luôn ăn một mình, không cho vợ hay bất cứ ai trong gia đình ngồi cùng bàn. Cùng với sự kiêu hãnh ấy, ông không cho phép người Anh bày tỏ sự kính trọng với mình tại lâu đài, vào năm 1799, vì như ông bày tỏ, tình trạng bất ổn của đất nước không cho phép ông nhận điều đó, sự kính trọng từ những người lạ. Ý nghĩa của lời thoái thác này, từ 1 người China, không thể hiểu sai; nhưng trong trường hợp của vị vua này, không thể hiểu nó như sự ghen tức bất kỳ dạng nào, hay ý muốn xua đuổi những người lạ để tránh sự tò mò, họ có toàn quyền thăm thú bất cứ nơi nào trong đội thủy quân, tham quan thành phố và vùng lân cận. Ông không ngại giao tiếp với họ trên cương vị một Tướng quân, nhưng từ chối để họ coi mình là một Chúa tể.

Vóc người của ông trên trung bình, đường nét cân đối và dễ chịu: da ông ửng đỏ, cháy nắng vì phơi dưới mặt trời. Vào thời gian này (1806), ông sắp bước vào tuổi 50.

Ông biết rất ít về người Anh, tuy nhiên, ông được nói là đã từng thú nhận rằng rất kính trọng tính cách họ. Khi người Pháp nói điều này, hẳn họ cũng tin là thế. Tuy nhiên, ông đã chứng tỏ nhiều lần, thiện cảm với Anh quốc. Ông công khai ra sắc lệnh rằng tàu thuyền của chúng ta được phép vào bất cứ cảng nào trong lãnh thổ của ông, không cần phải trả thuế và nghĩa vụ cảng. Một sự kiện đã chứng tỏ sự rộng lượng của ông với cái nhìn công bằng nhất. Khi 1 thương thuyền Anh từ Quảng Châu đến Sài Gòn, người chủ và nhân viên đứng đầu chết. Để ngăn chặn sự lừa gạt, cướp phá có thể xảy ra, và chủ tài sản trên tàu không bị mất mát khi người mạ họ tin tưởng ký thác đã chết, ông cho Barizy cùng với 1 nhóm quân lính, kiểm soát tàu, và đưa nó tới Quảng Châu bằng kinh phí của ông, lệnh phải đưa nó an toàn đến cho chủ nhân, hay nhân viên của họ, có thể tìm thấy ở Macao.

Mặc dù không có thay đổi hiện tại nào trong thái độ của ông với các viên sĩ quan Pháp dưới quyền, nhưng tính cách người Pháp nghe nói đã không còn được ông tôn trọng nữa sau hiệp ước bất nhân lợi dụng tình cảnh khốn cùng không may từ một ngai vàng phóng đãng man rợ. Một tinh thần như Nguyễn Ánh có thể đã run rẩy vì cảm thấy giận dữ trong lúc ấy. Bị những kẻ phản loạn đẩy khỏi lãnh thổ, và bất hạnh phải phiêu bạt nhiều năm như một kẻ lang thang lưu đày, không nghi ngờ rằng, so với một quốc gia đã đuổi cả hoàng tộc hợp pháp của chính mình, quốc gia mở rộng tay đón nhận nó sẽ được ông mong muốn làm bạn hơn.

Để tưởng niệm Adran, người chết trong năm 1800, để nhận xét, phải lưu ý rằng tính cách của vị vua này, sự hồi phục của vương quốc ông, sự thành công của ông trong chiến tranh, sự tiến triển trong quốc gia của ông trong khoảng thời gian hòa bình, và trên tất cả, sự phát triển cực thịnh của nhiều hình thức nghệ thuật, sản xuất, khoa học, tất cả phụ thuộc vào tài năng, và vào sự chỉ dẫn và trung thành của người giáo sĩ này. Vị chúa, về phần mình, yêu ông ta đến gần như ngưỡng mộ, gọi ông bằng cái tên thân mật riêng: Thầy Cả. Và để chứng minh cho lòng kính trọng lớn lao của ông, sau khi thi thể của Giám mục được các đồng đạo đưa tới nhà thờ, ông ra lệnh thi thể được đào lên và chôn lại bằng nghi thức của Nam Hà. Ông không những không ngần ngại trong hành động thể hiện sự kính trọng này để tưởng niệm Giám mục, hay chấp nhận lời thỉnh cầu cùng phê bình của các viên sĩ quan Pháp, những người ghê sợ trước hành động không thiêng liêng này. Giám mục có vẻ đã có một cuộc đời vất vả. Là cố vấn cho vị chúa và thầy của con trai ông, ông ta gánh chịu rất nhiều sự ghen tỵ trong triều đình. Chiếu biểu chống lại ông thường được dâng; và chủ đề thường là vị chúa đã đi ngược phong tục khi ký thác việc dạy dỗ thái tử cho một người ngoại quốc, người chẳng những không tôn trọng luật pháp mà cũng chẳng có một tôn giáo tương đồng với tổ tiên; và cần thiết phải đặt thái tử trở lại vào sự hướng dẫn của những người có học, theo Nho giáo. Trong những dịp như thế, vị chúa thường kiên quyết bác bỏ chiếu của họ, và đôi lúc không ngại bày tỏ quyết tâm của ông thà hy sinh tình bạn với thuộc cấp hơn là từ bỏ Giám mục, người tiếp tục được ông bảo vệ tới hơi thở cuối cùng.

Vương hậu của ông là một người phụ nữ gương mẫu về tiết hạnh, cực kỳ cứng cỏi, là nguồn động viên và an ủi cho vị chúa những ngày phiêu bạt. Trong bảy đứa con trai của ông, có 2 người con trai lớn được đặt dưới sự dạy dỗ của Adran. Thái tử có vẻ là người đã cùng Giám mục tới Pháp, chết một thời gian ngắn sau thầy. Cậu ta có tính khí dịu dàng, thương người, và hài hòa, thích ứng với mọi tiêu chuẩn của xã hội, nhưng những khả năng này phù hợp với một người ẩn dật hơn là trung tâm chú ý. Người con thứ hai, thái tử hiện tại cho ngai vàng, có tính cách của một chiến binh hoàn hảo. Cậu ta làm bảo vệ bí mật cho cha mình 3 năm, và 5 năm giữ vai trò hạ sĩ quan, tham gia nhiều vào chiến trận. Năm 1800, cậu ta được phong tướng, chỉ huy đội quân chừng 3,5 vạn người; trong năm đó cậu ta có chiến thắng quan trọng với những kẻ nổi loạn ở phương Bắc, chém được 9000 kẻ địch, lấy tất cả voi và chiến cụ của họ.

Lực lượng của quân đội chúa Nam Hà, được thuyền trưởng Barizy ghi lại, trong năm 1800 như sau:

Bộ quân

Người
24 đội kỵ binh 6000
16 tiểu đoàn voi (200 con) 8000
30 tiểu đoàn pháo 15,000
25 trung đội, mỗi đội 1200 người (huấn luyện theo chuẩn châu Âu) 30,000
Bộ binh trang bị súng hỏa mai, lưỡi lê và huấn luyện theo cách cổ điển 42,000
Bảo vệ, được dạy chiến thuật châu Âu 12,000
Lực lượng 113,000

Thủy quân

Người
Thợ tại các bến cảng 8000
Thủy thủ đã đăng ký và được lái tàu tại các vịnh 8000
Người trong các tàu châu Âu 1200
Người trong các thuyền lớn 1600
Người trong các ghe chiến 800
Phục vụ trên biển 26,800
Tổng cộng 139,800

Đội quân này trình độ thế nào so với tiêu chuẩn châu Âu, tôi không dám chắc; nhưng những người chúng tôi nhìn thấy là những thanh niên hoạt bát và hăng hái, không phụ thuộc vào quần áo, hay màu sắc bộ đồng phục hình dáng màu sắc thế nào. Họ chỉ mặc đồng phục vào các ngày lễ, ở những bảo vệ, hay tiếp đón chúng ta. Đồng phục của họ, chiếc mũ chụp có tua màu đỏ tươi, áo khoác chần vào áo ngắn, hoàn toàn giống China. Chung nhất, một chiếc khăn quấn quanh đầu họ, có hình dạng hao hao chiếc khăn xếp, một chiếc áo choàng dài có 2 túi, hoàn thành đồng phục của 1 chiến binh, như 1 bức tranh chính xác bước vào đời thực.

Lịch sử của vị vương tử này, mà tôi vừa phác thảo ra, cung cấp 1 ví dụ ấn tượng và một bài học ích lợi cho những người không may mắn rơi vào hoàn cảnh tương tự; cho thấy điều gì có thể làm được từ tập hợp tài năng, nhiệt huyết, và dũng cảm, có thể là thẳng thắn. Một kẻ bị hất khỏi đất nước mình, bị buộc phải ra đi vì những kẻ nổi loạn và những tên giết người, phải trải qua tai ương đau đớn thống khổ nhất, ông không những có thể, trong vòng 10 hay 12 năm, phục hồi tất cả những gì ông có, mà còn ghép chúng với vùng đất Bắc Hà, vùng đã thuộc về Vua của Nam Hà. Nghe nói rằng ông đã yêu cầu vua China quyền hạn trên một hòn đảo lớn của Hải Nam, không chỉ vì để mở rộng lãnh thổ của ông, mà còn để lấy lại vùng đất cũ của tổ tiên. Nghe nói ông đã thề với trời rằng sẽ không yên lặng để hưởng thụ thành qủa chinh phục.

Tiến trình nỗ lực của ông đáng được cân nhắc, không chỉ vì sự chú ý của chính phủ Anh ở Ấn Độ. Nếu vị vua này, trong khi tranh đấu với những kẻ nổi loạn để hồi phục đất nước, và trong những bi kịch thống khổ nhất, có thể, trong thời gian ngắn 10 năm, xây dựng và phát triển 1 đội thủy quân 1200 tàu vũ trang, vua Louis XVI đáng lẽ còn có thể làm được thế nào trong cùng một đất nước nếu như hiệp ước được thi hành? Và những chính phủ tại Pháp có nôn nóng thử vận may trên quốc gia duy nhất còn lại ở Đông phương mà họ có thể thật sự đặt một cơ sở vững mạnh?



One Response
Hana

cảm ơn tác giả đã dịch cuốn này! tình cờ tìm thấy page của bạn & mình đang ngấu nghiến cuốn này, nó giải đáp cho mình câu hỏi tại sao nhiều người lại bảo cần nhìn nhận lại Nguyễn Ánh, không như sách lịch sử hiện tại dạy

Leave a Reply to Hana

Click here to cancel reply.

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.