Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

94. Yên nguyệt hữu hoài hư vĩnh lậu
Trường An in "Minh nguyệt 3" September 21st, 2019
  1. Yên nguyệt hữu hoài hư vĩnh lậu, giang sơn vô mộng đáo thanh thâu[1]
    (Trăng khói như kéo dài giọt đồng hồ, đêm nay giang sơn này chẳng có mộng)

 

Ngay sau khi quan quân rút khỏi Vân Trung, quân Nông Văn Vân, Nguyễn Hữu Cận lập tức tràn đến quấy rối Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, xâm chiếm đồn Bắc Cạn.

Tháng năm, Bố chính Bắc Ninh Nguyễn Khắc Hài bỗng nhiên bị một toán cướp bí ẩn phục kích giết chết. Sau này họ mới biết, Nông Văn Vân liên lạc với các toán cướp của Lê Văn Bột, Nguyễn Văn Nhàn tụ họp bảy, tám ngàn người đến cướp phá Sơn Tây, Bắc Ninh. Tỉnh thành Hà Nội, Hải Dương phải đưa quân tới đánh dẹp.

Tháng sáu, Nguyễn Hữu Cận đem sáu, bảy ngàn quân đến tấn công thành Cao Bằng. Quan tướng trong thành bỏ chạy, thành Cao Bằng lần thứ hai thất thủ.

Nguyễn Công Trứ được lệnh dẫn quân lên Cao Bằng, hợp cùng Tạ Quang Cự lấy lại thành trì. Ở Sơn Tây, Lê Văn Đức hiệp cùng các đội quân từ Bắc Ninh, Hà Nội truy đuổi toán cướp tại Thu Châu.

Tháng bảy, Nguyễn Hữu Cận bị đánh tan ở Lạc Dương, phải chạy về Cao Bằng. Nghe động, Nông Văn Vân đốt kho chứa trong thành rồi bỏ chạy. Các thổ hào mục trong vùng là Ma Văn Lý, Nguyễn Hữu Đĩnh, Trình Văn Châu phục kích Nguyễn Hữu Cận, chém đầu dâng cho Tạ Quang Cự. Tống Văn Trị cũng chiếm lại được đồn Bắc Cạn. Nông Văn Vân phải lui về Bảo Lạc, để Nguyễn Thế Nga tại Vị Xuyên, Nguyễn Quảng Khải tại Đại Man, Lưu Trọng Chương ở Lục Yên chặn giữ.

Toàn quân Bắc Kỳ cả mùa hạ năm ấy được sắp xếp, dồn bổ, chuẩn bị cho cuộc tấn công lên Bảo Lạc cuối tháng chín. Theo kế hoạch của Lê Văn Đức, ba đạo binh Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên sẽ lần lượt xuất phát. Đạo Tuyên Quang chia đôi hai ngả quét sạch hai châu Lục Yên và Vị Xuyên, rồi hợp cùng hai đạo quân kia tiến đến Vân Trung, trừ diệt Đại Man còn lại. Triều đình lệnh cho Bắc Ninh, Lạng Sơn mộ hơn hai vạn dân binh vận chuyển hai vạn phương gạo, ba vạn quan tiền, ba trăm phương muối đến Cao Bằng. Hai vạn binh lính, thổ dõng được điều tới đưa vào ba đội quân chuẩn bị tấn công Bảo Lạc. Hơn hai trăm người trong danh sách Hoa danh, Giáo dưỡng được đưa tới Sơn Tây, Cao Bằng. Cả những vệ binh thuộc Tả quân cũ vừa xong việc ở Nam Kỳ cũng lại được phái đến phương Bắc.

Toàn Bắc Kỳ năm ấy là chiến trường, người qua lại trong cung điện kể cho nhau. Không chỉ dân chúng ở phía Bắc phải đi đài tải quân lương, chạy trốn các trận chiến, các toán cướp nhỏ lẻ cũng tập hợp nhau hoành hành trong làng mạc. Bọn tổng lý lại tác oai tác quái, Nguyễn Công Trứ nói, xin áp dụng luật đã thử nghiệm ở Nam Định: bắt được đầu mục, đồng lõa giặc ở xã thôn nào, lý trưởng phải chịu cùng tội như phạm nhân, cai phó tổng đều bị trị tội nặng.

Để sắp xếp đài tải quân lương cho chiến trận, Bố chính Thanh Hoa Nguyễn Đăng Giai được chuyển bổ làm Bố chính Bắc Ninh. Sau khi bị nhà vua trách mắng vì tờ sớ xin về Kinh, viên quan này đã tự xin nghỉ việc quan hai tháng để đem quân vào núi truy lùng thổ phỉ. Hai huyện Quảng Địa, Thạch Thành sơn lam chướng khí, đá núi hiểm trở trùng điệp, quan quân mới chỉ thám nã ở vùng đất bằng chứ không thể xâm nhập vào khu vực này. Khi Cao Bằng có động, nhóm Nguyễn Đình Bang liên kết với Quách Tất Công cũng xuống quấy rối, cướp bóc Thanh Hoa, Ninh Bình. Nguyễn Đăng Giai đem vài trăm quân và hai ngàn thổ dõng vào rừng, vừa truy lùng vừa chiêu dụ, khiến anh em của Nguyễn Đình Bang và hơn hai mươi thổ mục khác kéo nhau ra hàng, xin truy bắt bọn Nguyễn Đình Bang chuộc tội. Một dải Thanh Hoa cho tới Nghệ An năm ấy trở nên yên tĩnh, khi Nam Chưởng đưa quân Xiêm tới quấy phá, các thổ mục ở đây cùng hợp sức đánh đuổi giặc mà chẳng cần gọi tới triều đình.

Nhưng thay vì được về Kinh, Nguyễn Đăng Giai lại lập tức bị phái tới Bắc Ninh. Hoàng thượng lúc ấy bảo ‘Ngươi tuyên dương được đức hóa của triều đình, khiến giặc hết dân yên thì khắc có trọng thưởng, chứ chẳng những vời về Kinh thôi đâu’, Hoàng Quýnh vào cung cười hì hì nói. Toàn bộ trách nhiệm tải binh lương từ Bắc Ninh đến Lạng Sơn đã đổ lên vai Nguyễn Đăng Giai, ‘nếu chậm trễ lỡ làng thì trị tội nặng’ chứ có phần thưởng nào. Chưa kể toán cướp vừa giết Bố chính Nguyễn Khắc Hài trước vẫn còn phân tán lẩn lút trong vùng. Anh ta chỉ vì muốn được nhàn tản mà ra sức, không hiểu rằng người càng có khả năng thì trách nhiệm càng nặng, càng không hiểu làm quan là một con đường chẳng thể rút lui.

Đó là một con đường chẳng thể rút lui, trong những năm tháng ấy, ai cũng hiểu sâu sắc điều đó. Quan tướng chỉ có thể chết, bị cách chức làm lính, hoặc tồi tệ hơn, bị xử trảm. Không chỉ các tướng thua trận bỏ quân bị trảm quyết, viên Án sát An Giang Bùi Văn Lý từng lập công lấy lại thành trì cũng bị trảm giam hậu vì suy sụp sau cuộc chiến với binh Xiêm mà chìm vào men rượu, đến hoàng Cả Miên Tông cũng không thể giúp gì cho người Bạn độc của mình. Những quan tướng bị cách chức, tội đồ, đều được đưa ra chiến trường, trong sự sống cùng cái chết đều như dòng lũ cuồn cuộn chảy trôi. Chẳng một ai có thể trốn thoát khỏi dòng lũ mùa hạ năm ấy. Khi Nguyễn Đăng Giai dâng sớ xin ban ơn cho dân chúng tải lương ngã xuống chết bên đường, khi Lê Văn Đức nói rằng người ở Sơn Tây đã ngã bệnh vô số xin viện binh, khi quan quân nói về lớp lớp bệnh binh rên rỉ mê man ở Sơn Tây, Bắc Ninh, nhà vua đều lắc đầu ‘mọi nơi đều thế cả, há chỉ có nơi của ngươi’.

Hai vạn quân được đưa tới Thái Nguyên, Tuyên Quang, hai vạn người bị điều đi vận chuyển lương tiền, hàng vạn người khác vẫn ngược xuôi quay quắt đi về. Những nẻo đường chìm dưới màn mưa mù mịt ngày hạ ấy dường đều dẫn đến một mục tiêu duy nhất: Bảo Lạc. Trên nẻo đường ấy, người vẫn chết đi, ngày ngày. Mưa cuốn trôi máu, nước mắt, sinh mạng lẫn cả buồn đau. Ta đã cho tiền tuất, trả lương ưu hậu, đó dường như là câu trả lời duy nhất của nhà vua với bọn họ. Từ những công thần trọng tướng cho tới chúng dân, sinh mạng của bọn họ rồi chỉ còn là số tiền tuất được kê hoạch rạch ròi trong công đường. Sinh mạng của bọn họ trở thành một cái tên ghi trên tờ lụa lễ cháy bùng trong lửa tế.

Trong khi ấy, Nam Kỳ vẫn xao xác những tin báo ngoài biên giới Chân Lạp, vẫn loanh quanh giữa những tin tức hỗn loạn cả trong ngoài thành Gia Định, vẫn bối rối với tình hình mà họ bị đẩy vào. Vua Nặc Chăn chỉ biết ăn chơi, bán quan buôn ngục, để mặc cho các quan lại tùy ý chia đất hưởng lợi, dân Phiên thì biếng nhác không muốn cày cấy làm ăn. Đất nước ấy chẳng có sổ binh dân, thành trì bỏ mặc như không, hễ thấy nguy hiểm thì vua chỉ biết bỏ chạy, Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương phải tự làm lấy tất cả mọi việc, từ huy động người đắp thành cho tới chia đặt quan tướng, xây đồn lũy phòng ngự, cuối năm ấy Chân Lạp lại đói, Gia Định phải cấp thóc cho. Nếu bây giờ ta đưa quân về, binh Xiêm lại kéo tới, tất cả đều hỏng cả. Ở lại đất Chân Lạp, đẩy biên giới đến sát Xiêm La, đối mặt với đạo quân chực chờ ở Bắc Tầm Bôn, đồng thời rơi vào trong cuộc chiến dằng dặc không biết bao giờ kết thúc.

Nhưng đến tháng mười, khi ba đạo quân cùng tiến đến Bảo Lạc, đã chẳng còn mấy ai để tâm chuyện ở Gia Định. Đầu mùa đông, chướng khí trong rừng núi đã tiêu bớt, các cánh đồng lúa vùng cao đang chín vàng. Doãn Uẩn, Hoàng Quýnh cũng được đưa tới Bắc Cạn để vận chuyển quân lương. Chỉ trong hơn một tháng, đạo quân của Lê Văn Đức đã chiếm được Vân Trung, Bảo Lạc, nối tiếp sau đó là đạo quân của Tạ Quang Cự, Nguyễn Công Trứ cùng tiến tới. Chiếm được những cứ điểm quan trọng, các tướng phái thổ mục, quân lính tỏa đi khắp vùng lùng tìm kẻ địch, đưa thư sang Thanh yêu cầu bắt giải Nông Văn Vân. Các đầu mục đều đã trốn, chỉ để lại vợ con cùng vài tên thuộc hạ bơ vơ. Những ngày tháng sau đó là các cuộc truy bắt, kết án, xử trị không hồi kết. Dù chỉ có một trận thua của Nguyễn Đình Phổ khiến hơn tám mươi người tử trận, nhưng cả hai vệ quân Kinh vừa phái đến cũng ngã bệnh hàng loạt phải đưa về Thái Nguyên, Bắc Ninh. Tấu sớ của những viên quan vừa được bổ tới hỗ trợ chiến trường vẫn kể những lời đầy kinh sợ lẫn đau thương về phố phường Sơn Tây tràn ngập tiếng rên rỉ, mùi hôi thối của bệnh binh suốt từ mùa hạ.

Chiếm lấy lương thực của địch, trừ diệt bất cứ kẻ nào chống đối, lời mật dụ của nhà vua đưa ra làm phương cách dẫn đường cho đoàn quân này. Những lời kêu gọi đầu hàng đã hết hiệu lực từ ngày đầu tháng chín mà chẳng có tác dụng nào. Những tấu sớ của các quan bày cách kêu gọi chiêu an Nông Văn Vân gặp ngay phải cơn lôi đình của nhà vua. Không một kẻ nào ra hàng ngoại trừ vài tên thủ hạ, cả ở Gia Định lẫn Bảo Lạc. Ngay những toán cướp nhỏ ở Bắc Kỳ cũng ngoan cố chống đối, lẩn trốn đến cùng. Cho tới khi nhà vua phải nhắc lại mệnh lệnh trừng phạt các tổng lý nếu để địa phương có giặc mà không tố cáo, các nơi mới đem trộm cướp tới giải nộp. Những lời nhân nghĩa giả dối đầy tư lợi của những kẻ bất tài vô dụng, người bắt đầu cười nói. Tha thứ, người có thể tha thứ cho ai? Hòa hoãn, khoan dung, người có thể hòa hoãn với điều gì?

Chúng đã ở đó bao nhiêu năm, chỉ chờ cơ hội để phản nghịch. Thế gian này là rừng hoang, là hàng đàn thú dữ tranh giành, hủy diệt, cắn xé nhau. Không chỉ đất nước này, nơi luân lý đã tiêu tan hàng trăm năm, mà Mãn Thanh đã chiếm Trung Quốc, Tây dương đã tràn lan khắp thế giới, đem tới giấc mộng cho mọi kẻ. Chỉ cần quân triều đình lùi một bước, giặc cướp lan khắp năm tỉnh vùng biên, cả những toán cướp người Kinh cũng đi theo Nông Văn Vân kéo xuống đồng bằng. Khi Lê Văn Đức đã chiếm được Vân Trung, chỉ một trận thua của Nguyễn Đình Phổ cũng khiến địch tràn đến gần Bắc Cạn. Chỉ cần tỏ ra một phần nhân nhượng, người sẽ bị giẫm đạp, cắn xé đến cùng. Chiến trường nơi ấy chỉ có thể đi lên, dùng sự trừng trị để làm mọi kẻ run sợ, lấy những nhân nghĩa giả trá để phủ dụ, đẩy chúng quay lại giết chóc nhau. Mọi kẻ, là tất cả mọi kẻ, đều có thể chạy theo nhau khi thắng thế, và quay lại giết nhau để giành sự sống khi bị dồn vào đường cùng.

Mùa đông, những cuộc xử diệt vẫn tiếp tục, những tin tức vẫn báo về dưới bầu trời biến chuyển khó lường. Tháng mười khí hậu vẫn còn nóng bức, bỗng nhiên đầu tháng mười một lại âm u mờ mịt, rồi bất chợt sáng lên trong ngày Đông chí. Sau cơn mưa giữa tháng chấm dứt kỳ hạn dài, trời lạnh đi đột ngột. Cô cũng không nhận ra mùa đông đã lạnh đến thế nếu không bắt gặp nhà vua nằm trong vườn Thiệu Phương đêm nọ.

Đêm ấy, nhận được thư của các em gửi về, cô không ngủ được. Miên Liêu đã ra ngoài mấy năm nay, công việc trồng lúa nuôi tằm vừa kết thúc, vào tháng cuối năm cô chỉ loanh quanh trong điện. Đêm mùa đông hiếm hoi không mưa, cô lang thang đi qua sân lầu Minh Viễn, ngang khóm cúc Dương phi vẫn chưa tàn, dọc bờ hồ tới Trường xuân tiên quán. Đứng trước hiên quán, cô chợt đưa mắt nhìn về phía vườn Thiệu Phương, thấy ánh lửa lập lòe qua khe cửa mở. Tò mò, cô bước tới gần, nghiêng mắt nhìn qua cửa, thấy bóng người mặc hoàng bào gần như ngã nằm dưới hiên điện Hoàng Phúc. Không kịp suy nghĩ, cô đẩy cửa chạy vào, lay vai ngài ta.

“Này,” Cô gọi, thấy nhà vua chớp mắt như vừa tỉnh dậy. “Sao ngài nằm đây?”

“Ngắm trăng, ngủ quên.” Nhà vua khàn khàn trả lời, chống tay toan ngồi lên nhưng lại ngã xuống, cô phải đưa tay đỡ ngài ta. Vai ngài ta run rẩy trong tay cô qua cả mấy lớp áo dày.

“Trời lạnh như thế này…” Cô chỉ nói khẽ, vất vả đỡ nhà vua vào điện Hoàng Phúc. Trong điện chỉ thắp mấy ngọn đèn, lò than đã sắp tắt, cô lúi húi bỏ than vào lò quạt lửa lại. Nhà vua tự lấy tấm chăn dày trên sập quấn quanh người, lửa sáng soi khuôn mặt ngài ta tái nhợt. Cô bỏ thêm than vào lồng ấp đưa tới cho ngài ta hơ tay, rồi quay đầu nhìn quanh. “Người hầu trong điện của ngài đâu cả rồi?”

“Đang ngủ.” Nhà vua nhắm mắt trả lời như chưa qua cơn ngầy ngật. Cô bắc ấm nước pha trà lên lò than, lục quanh điện lấy được hộp thuốc ho và lọ dầu bạc hà Tây dương, không hỏi thêm. Từ lâu cô đã nghe nói nhà vua có bệnh khó ngủ. Năm nào ngài ta lấy chậu sành đong mưa về canh mấy đêm, rồi phạt cả Khâm Thiên giám lẫn Phủ thừa vì tắc trách báo sai lượng mưa. Thi thoảng lại nghe ngài ta nói về cơn mưa lúc giờ Sửu giờ Tý, than thở mất ngủ rồi đổ lỗi cho tất cả chuyện thất ý của quan viên. Có lẽ người trong Dưỡng Tâm điện đã quá quen với việc ấy nên để mặc ngài ta lang thang giữa đêm mà chẳng đến hầu.

“Ngươi lấy hộp thuốc hoàn trong hộc dưới kệ sách.” Nhà vua nghe cô lộc cộc mở mấy cái tủ bèn nói. Theo lời ngài ta, cô mở tủ, thấy các hộp, lọ thuốc chất ken bên trong. Ngoài mấy hộp đựng thuốc viên, thuốc hoàn làm sẵn, còn có các lọ thuốc, rượu, dầu lẫn sâm, quế khô và vài thứ không biết là gì. Cô đem tất cả hộp thuốc hoàn tới cho nhà vua. Ngài ta nhặt ra vài hoàn thuốc, sai cô đưa nước.

“Ngài uống thuốc thay cơm à?” Nhìn nhà vua uống liền mấy hoàn thuốc mà chẳng nhăn mặt, cô không đừng được bèn hỏi. Thái Y viện nằm ngay ngoài cửa điện Dưỡng Tâm, thi thoảng lại nghe ngài ta ban thưởng cho ngự y, đầu năm nay làm thêm thẻ bài ‘Kiểm nghiệm ngự dược’ cấp cho các thị vệ thân tín. Nhưng ngay cả vườn ngự cũng chứa thuốc làm sẵn thế này, nhà vua như thể không rời được Thái Y viện.

“Đẩy chậu sưởi lại gần đây, lấy thêm chăn cho ta.” Nhà vua chỉ cau mày ra lệnh. Cô vào gian trong lấy chăn, ra ngoài đã thấy ngài ta đã nằm xuống, quấn chặt chăn trùm cả lên đầu. Buông chăn phủ xuống thêm cho ngài ta, cô đóng tất cả cửa điện, rồi ngồi quạt lò than.

“Ngài nên biết giữ gìn sức khỏe, chứ phụ thuộc vào thuốc không tốt.” Yên một lúc, cô nói, lòng lại thầm nghĩ đến tình trạng sức khỏe có vẻ tốt đến lạ thường của ngài ta vài năm gần đây. Nhưng chẳng loại thuốc nào chống chọi được với hai năm căng thẳng cực độ này. Nhà vua khi có thời gian rảnh rỗi lại lên sông Lợi Nông, vào rừng núi dạo quanh. Ngay cả khi mưa lụt tràn ngập khắp vùng thì ngài ta cũng đóng xe kéo người đi xem lũ. Mùa hạ này ngài ta đi kiểm tra toàn bộ công xưởng, Vũ khố, kho Thường bình, kéo theo hàng loạt chủ sự bị xử tội, hầu như toàn bộ người làm trong Kinh phải trách mắng. Xưởng luyện thuốc súng ở đầu nguồn sông dùng máy Thủy hỏa ký tế mới chế, ngài ta cũng chạy đến tận nơi nhìn ngắm. Càng nghĩ, cô lại càng không đừng được mà hạ giọng lầm bầm. “Ngài muốn chết à?”

Nhà vua vẫn nằm im trong chăn. Khi căn phòng đã dần dần ấm lên, cô chợt nghe ngài ta nói khẽ.

“Mùa đông năm nay lạnh gấp đôi năm ngoái. Ở Gia Định nghe nói cũng rất lạnh, nhiều người đổ bệnh hàng loạt.” Lại một khoảng im lặng ngắn, lẫn trong tiếng thở dài. “Năm ta sinh ra, cũng là năm thành Gia Định được xây đấy.”

“Quan quân đã tìm được cách công thành. Đào đường ngoằn ngoèo như rắn bò tới hào bao quanh thành, đổ đất lấp tất cả các hào, rồi có thể vừa đắp lũy cao, vừa phá sập thành mà xông vào.” Nhà vua thì thầm như thể tự nói với mình hơn là cô. “Họ bàn với ta kế hoạch này vào hơn tháng trước, bảo rằng lấy quân đem ụ tre nhồi rơm đẩy xuống lấp hào, dựng lũy tạm sát chân thành, rồi đào đường để đưa quân áp sát. Ta bảo không thể làm thế được, rất nguy hiểm. Quân đang bệnh, nước đang lên, lòng người chưa nhất trí, quân nhu chưa chuyển tới đầy đủ. Ngươi xem, bao nhiêu là lý do.

“Vừa rồi họ lại vừa báo, quân binh ở đấy không cần đợi lệnh ta đã đào đường thử nghiệm ở cả ba mặt thành, kết quả thật rất tốt. Phải rồi, thành ấy quá cao, số đạn pháo phòng thủ trong thành quá nhiều. Các loại thang đánh thành đều đã vô tác dụng, ngay cả dù phá sập được một mảng tường thành thì quân tràn vào cũng có thể bị đạn pháo đẩy lui. Phải phá toàn bộ, ba mặt. Lấp hào, phá thành, toàn bộ.” Nhà vua nghe như lại cười khẽ. “Còn ta nói cứ đem súng bắn vào thì còn phải chờ đợi bao lâu, chờ đợi cái gì? Chờ đợi đám người kia thi gan với trời, cùng kéo quân bên ngoài chết theo à? Họ chẳng còn muốn đợi nữa, cũng chẳng còn ai nghe ta nữa. Vì một cái thành, bao nhiêu người phải chết?

“Sài Côn bị đốt cả rồi, cầu bị đốt cả rồi, thành cũng không còn nữa. Không còn gì nữa. Tất cả vì Lê Văn Duyệt. Vì Lê Văn Duyệt.” Tiếng nói thì thầm run rẩy trong ánh lửa. “Khi nghe tin quan tướng đốt phố Sài Côn, ta trách họ tại sao không phủ dụ bọn người Thanh trước, nào biết chúng mới là kẻ giết chóc hung hãn nhất. Ta cho thả đám đàn bà con trẻ về quê, cho đám người Gia tô trở lại nhà, nào biết bọn chúng dẫn đường đưa Xiêm vào Gia Định, đầu độc quân quanh thành. Ta ra lệnh không truy xét, để đám người lỡ lầm nhân lúc loạn lạc được quay lại làng mạc sống yên, để rồi nghe quân Xiêm tới, chúng lại nổi lên cướp phá. Lỡ lầm, chúng chỉ muốn giết ta, lật đổ ta, chứ nào có lỡ lầm gì. Gia Định của ta, rốt cuộc đã trở thành cái gì vậy?”

“Con người nếu không được khuyên bảo đều sẽ sai thôi.” Cúi đầu nhìn than lập lòe, cô nói khẽ. “Tất cả đều có thể xây lại được, còn tốt hơn, đẹp hơn trước.”

“Ta cũng từng tin thế đấy. Nhưng tìm mãi không thấy.” Người trở mình trong chăn. Người thì thầm trong mê man run rẩy. “Ngươi nói xem, chí lớn là gì, sống vì thương sinh là gì, lòng vì thiên hạ là gì? Thiên hạ này, là gì? Là bất cứ chỗ nào ta chạm tới cũng đều tội lỗi, xấu xa, bỉ ổi. Một cái sở Mộc thương, từ thợ thuyền, đốc công, chủ sự, tư vụ, chuyên viên đến khoa đạo đều chấm mút xà xẻo, đều che giấu cho nhau, ngậm miệng ăn tiền. Từ kẻ dân đen con đỏ đến đại quan trọng tướng, mạnh kẻ nào kẻ nấy phạm pháp, bày trò, xâu xé, trộm cướp, hèn nhát, a dua, tư túi, vô lễ, vô đạo, ngu ngốc, điên khùng. Ta phải sống vì cái thiên hạ ấy ư?

“Ngươi biết Minh Thần tông không, ông ta là nhà vua đầu tiên lui về Dưỡng Tâm điện để ở, rồi không ra khỏi đó nữa hai chục năm liền. Ông ta là nhà vua giỏi nhất của Minh triều, nhưng ông ta chán ngán cái triều đình ấy đến mức không muốn nhìn thấy ai nữa. Quốc gia? Thiên hạ? Cứ để chúng trụy lạc đến cùng, cuồng điên đến cùng, sụp đổ đến cùng, ôm nhau mà chết trong giấc mơ quái gở của chúng, đáng đời chúng!” Người lại cười. “Chúng nằm mơ những vị thánh nhân, nhưng tìm mọi cách để lợi dụng, mua chuộc, lôi kéo, lừa gạt kẻ trên. Chúng ao ước những tấm gương kiệm cần khắc khổ giả dối trong khi bán cả nhân phẩm, đạo đức của mình đổi lấy quyền lợi. Đến lượt những kẻ như ta bày trò giả trá lừa người, cả thế gian này đều là trò dối gạt quái gở cả. Kẻ nào cũng lừa mình lừa người đến mức tin tất cả là thật cả!

“Nên ta sai rồi. Trên trời dưới đất, ta đều tìm không thấy.” Người khóc cười trong mộng, đêm lặng đến vô cùng. “Ta tìm không thấy.”

 

Cô nghe tiếng nói nhỏ dần rồi chìm vào lặng yên. Có vẻ thuốc mà ngài ta uống có tác dụng an thần. Nhưng rồi dần dần chúng cũng chẳng còn tác dụng. Mùa đông này lạnh gấp đôi năm ngoái, ngài ta nói. Chỉ là, mùa đông vẫn thế, chẳng thể nào lạnh đi. Chỉ có ngài ta mang thân xác này sống trong nhân thế, đã chẳng còn chống chọi lại được linh hồn vỡ nát.

Cô nghe tiếng gió thổi ngoài vườn, hương trầm ngan ngát len qua khe cửa. Thiệu Phương, Hoàng Phúc, chữ Vạn. Từ khi lên ngôi, ngài ta liên tục cho tìm người sống lâu để ‘cầu phúc’. Ngài ta sợ cái chết, hoặc là, thực sự đang gom góp cầu từng chút phúc lành của thế gian, nhưng chẳng phải cho mình. Nhưng ngài ta vẫn chẳng giữ được gì, trong cuộc đời trôi tuột qua kẽ tay. Nhưng vĩnh viễn của ngài ta chỉ là đêm dài mịt mùng run rẩy trong khu vườn chữ Vạn.

Tháng chạp năm Canh Tuất, thành Gia Định được khởi công xây dựng. Năm Tân Hợi, thành đã hoàn công. Tháng chạp năm Giáp Ngọ, quan quân đào đường hầm ba mặt tiếp cận thành, lấp hào dựng lũy.

Đêm đông, đến côn trùng cũng im tiếng. Mùa đông này quá lạnh. Và những mùa đông sắp tới.

Cuộc đời Nguyễn Phúc Kiểu đã chìm vào đêm đông lạnh buốt. Đến miên trường[2].

 

Chú thích:

[1] Bất mị của Đoàn Huyên

[2] Thực lục, tháng 12 năm 1834: “Hôm nọ ta đi làm lễ hợp hưởng bỗng bị khó ở, lại gặp dạo này giá rét càng dữ, đêm nằm không ngủ, ngày ngồi không yên, thường ở trong cung đi tản bộ hoặc làm thơ, thò tay ra là lạnh, viết thấy cóng. Ngày xưa, Vũ đế nhà Lương, đêm rét, canh tư đã ngồi coi chầu, cầm bút, vì giá rét, tay nẻ cả. Việc ấy đúng có thực”.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.